Khởi đầu bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su loan
báo cho các môn đệ về ngày quang lâm của Đức Chúa, ngày Người đến qui tụ muôn
dân. Trước khi ngày đó xẩy đến sẽ có những biến cố kinh hoàng. Trái đất sẽ bị
bao phủ bởi màn đêm tăm tối, mặt trăng sẽ không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ
trời sa xuống. Nói chung rằng sẽ có những dấu chỉ báo cho chúng ta biết về ngày
đó, còn khi nào ngày đó thật sự sẽ xẩy đến thì Chúa lại nói: “… không một ai biết
được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người, có nghĩa là chính Đức Giê-su cũng
chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.
Tuy nhiên, con người luôn cố gắng tìm cách giải
thích ý nghĩa của các dấu chỉ cho nên mỗi khi thấy những biến cố hay các tai
ương, dịch bệnh xẩy ra trên thế giới thì không thiếu những người tín hữu vội
vàng tiên đoán đó là các dấu chỉ của ngày tận thế. Lối suy đoán này đã từng xẩy
ra trong lịch sử. Mỗi một giai đoạn trong dòng lịch sử, người ta lại có các kiểu
đoán khác nhau.
Ở đây chúng ta nên nhớ lại lời của Thánh
Augustinô đã nói như sau: “Chúng tôi cũng không biết bao giờ sẽ tận thế. Bởi
vì, đó không phải là việc của chúng ta biết khi nào ngày đó sẽ xẩy đến; việc đó
nằm trong quyền hạn của Chúa Cha.” Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng thời đại mà
chúng ta đang sống là thời đại cuối cùng. Thời đại đó đã được bắt đầu từ thời
các Thánh Tông Đồ, và sẽ còn tiếp tục sau cả thời của chúng ta nữa. Ngày tận thế
còn cách xa chúng ta bao lâu, điều đó tôi cũng chẳng hề biết. Nhưng trong lúc
này chúng ta hãy cứ sống trong niềm mong đợi về ngày đó. Và Ngài nhận thấy hiện
có ba cách nhìn đã gây ảnh hưởng trên lối sống của các tín hữu thời đó trước những
tin đồn về ngày tận thế như sau:
Có một số người quan niệm là hãy sống trong tỉnh
thức và cầu nguyện, vì ngày Chúa đến sắp xẩy ra.
Một nhóm khác lại chủ trương là hãy tỉnh thức
và cầu nguyện, vì đời sống của con người thì quá ngắn ngủi và bấp bênh và ngày
Chúa đến hãy còn xa lắm.
Vì thân phận con người rất là yếu đuối và mỏng
giòn, nên chúng ta hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện trong niềm mong chờ
ngày Chúa đến sẽ xẩy ra vào bất cứ lúc nào.
Đối với Thánh Augustinô thì lối sống thứ ba
này là thích hợp nhất.
Dù rằng các lời tiên đoán về ngày tận thế đều
không xẩy ra như người ta đoán già đoán non. Vì thế, chúng ta không nên quá chú
trọng đến việc tiên đoán ngày nào sẽ là ngày tận thế. Nhưng hãy lưu ý đến nội
dung của sứ điệp mà họ muốn nói đến là thời đại mà chúng ta đang sống là thời
cuối cùng của lịch sử nhân loại, rồi đây vũ trụ sẽ bị tàn phá và sụp đổ để nhường
cho việc Chúa đến trong quyền năng; và ngày đó có thể đang gần đến. Tuy nhiên,
khi nào ngày ấy đến thì đó không phải là việc của chúng ta. Bởi vì, ngày đó là
“Ngày của Chúa” và những gì của Chúa thì hãy để cho Chúa định liệu.
Chúng ta thường có quan niệm nhìn ngày tận thế
rất tiêu cực. Ngày tận diệt, ngày phá hủy. Ngày khiến con người sống trong lo
âu và sợ hãi. Thật là mâu thuẫn, bởi vì chúng ta đều gọi ngày đó là ngày quang
lâm; không lẽ trong ngày hiển thắng của Đức Chúa quang lâm lại chỉ bao trùm chết
chóc, sợ hãi và huỷ diệt hay sao! Đâu là sứ điệp vui mừng trong bữa tiệc cánh
chung, đâu là hình ảnh ngóng đợi chàng rể đến để hợp hoan, đem vui mừng đến cho
mọi người.
Quả thật, trong bài diễn từ về ngày cánh chung
hôm nay có hàm chứa một biến cố lịch sử đã xẩy ra cho dân tộc Do Thái, đó chính
là việc Đền thờ Giê-ru-sa-lem đã bị huỷ diệt thành bình địa. Nhân dựa vào biến
cố lịch sử này, các Thánh sử đều muốn nhắm đến sứ điệp là một thời đại đã qua
đi để nhường chỗ cho những gì mới sẽ xẩy đến. Giê-ru-sa-lem cũ đã qua đi để nhường
chỗ cho một Giê-ru-sa-lem mới. Và cho dù trời đất này phải qua đi thì Trời mới
đất mới sẽ xuất hiện. Và một cảnh sống hoà bình sẽ đuợc thành hình như lời loan
báo của ngôn sứ I-sa-i-a như sau: “Trong ngày đó, sói sống chung với chiên con;
beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn
dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm
nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ
vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.
Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của
Ta.”
Hình ảnh mà ngôn sứ I-sa-i-a loan báo quả thật
vô cùng đẹp đẽ và an bình. Qua đó, chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là
Thiên Chúa của sự bình an, của sáng tạo, của sự sống chứ không phải huỷ diệt và
sư chết. Có nghĩa là từ khởi thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loại, và sẽ đưa
muôn loài đến cùng đích trong sự viên mãn và thành toàn nơi Người. Bởi thế,
trong ngày của Chúa, mọi sự sẽ được đổi mới toàn diện; ngày mà chúng ta thấy rõ
dung nhan vinh hiển của Chúa, mà trong hiện tại chúng ta chỉ thấy mờ mờ.
Trạng thái lo âu và sơ hãi không có chỗ đứng
trong hành trang của người tín hũu đang ngóng chờ Ngày Quang Lâm vinh hiển của
Đức Chúa. Nhưng không vì thế, mà chúng ta lại đi vào thái cực khác là coi thường,
thờ ơ rồi sống như không có ngày chung kết, rồi trong hiện tại con người lại
tác oai, tác quái muốn làm gì thì làm, thậm chí kể cả các hành vi vô đạo và bất lương cũng không từ. Trái lại, chúng
ta phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một người quản lý mà Chúa đã giao phó
cho việc trông coi và phát triển vũ trụ này trở thành Trời Mới và Đất Mới.
Như vậy, thái độ tích cực nhất của chúng ta là
hãy sắp xếp cuộc sống của mình cho phù hợp với các nhiệm vụ đã được giao phó
nơi trần thế. Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi
ích cho bản thân mình mà thôi, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của một chứng
nhân cho dẫu hy sinh mạng sống để thể hiện lòng mến của Thiên Chúa nơi mình.
Khi nói tới đây, chúng ta không quên việc cử
hành lễ trọng tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào cuối tuần này. Không ai
trong chúng ta có thể phủ nhận gương can đảm, chấp nhận mọi khổ hình mà cha ông
chúng mình đã trải qua. Sử sách đã ghi lại bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã
đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn
một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt
đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng
mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng tượng những cực hình nói trên cũng khiến
cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.
Tất cả
các cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc
áp dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót,
nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm, những
cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính đã
giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các
ngài. Vì yêu mến mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho tất
cả.
Thật vậy, sự hiểu biết giáo lý hay những tín
điều về Thiên Chúa của các ngài thật nông cạn. Các ngài cũng không có những suy
tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu, các ngài đã yêu Chúa bằng
tất cả con người của các ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện
qua việc chấp nhận cái chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung
tín với Chúa mà thôi; nhưng qua hành vi tự hiến các ngài đã noi gương Chúa
Giê-su, Đấng đã hiến thân để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân
lọai. Tiến ra pháp truờng bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của
chúng ta rất thư thái và bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và
trên môi là nụ cuời hân hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng
mà các ngài cả đời yêu mến và trông đợi.
Hôm nay chúng ta cũng được mời gọi sống trọn vẹn
và sống cho đến giây phút cuối cùng bằng lòng mến. Đó chính là tâm huyết của cuộc
sống. Và đó cũng là bổn phận để làm giàu các ân huệ và khả năng mà Chúa đã trao
ban để sinh lợi cho Chúa. Rồi, cũng giống như cha ông mình, các bậc tiền bối đã
sống trọn vẹn lòng mến vì danh Chúa Kitô, mỗi người chúng ta đến lúc đó, sẽ nhận
đuợc Lời Chúa phán rằng: “Hỡi con yêu dấu, hãy vào mà hưởng niềm vui với Ta.”
Như vậy,
chủ đề “Ngày Chúa đến” trong phần phụng vụ Lời Chúa tuần thứ 33 của Mùa Thường
Niên và việc tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam có một mối liên hệ thật sâu sắc.
Sự chết của cha ông chúng ta phản ánh niềm tin mạnh mẽ của các ngài vào sự sống
vĩnh cửu, công lý và sự cứu rỗi trong Ngày Chúa Đến. Các Ngài đã hiến dâng mạng
sống như của lễ hy sinh để minh chứng sự can trường của một niềm tín sâu sắc và
một lòng mến tha thiết với Chúa. Ngoài ra, các Ngài còn đại diện cho toàn thể Hội
Thánh hy vọng vào sự thay đổi của thế giới này trong Ngày Chúa đến.
Sau cùng, cha ông chúng ta, các Thánh Tử Đạo thật
đáng tôn vinh và chúng ta nguyện noi gương niềm tin sắt son và lòng mến thiết
tha của các Ngài nơi tình yêu Chúa trong ngày Chúa đến, Amen!
No comments:
Post a Comment