Wednesday, 16 July 2025

CHÚA NGỰ ĐẾN SAI TA ĐI


Thưa anh chị em,

Trong cuộc sống, chúng ta đã từng gặp những người rất hào phóng và tốt bụng khi cho người khác, nhưng lại rất nghèo nàn khi nhận. Làm sao chúng ta có thể thiết lập mối quan hệ với những người chỉ biết cho mà không biết nhận hay ngược lại chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Cho đi và nhận lĩnh đều là hậu quả của ân sủng.

Sau đây là một kinh nghiệm.

Trong thời gian làm việc với những người tầm trú bên Hong Kong, vào một buổi chiều, trên đuờng rời trại cấm ở Whitehead tôi gặp một bà cụ, trên tay cầm một gói giấy, lúng túng và thẹn thùng trao cho tôi. Ngạc nhiên tôi hỏi cụ: “Thưa cụ, chuyện gì vậy?” Cụ trả lời: “Con biếu cha vài quả trứng gà để tẩm bổ. Đây là phần bổ dưỡng của trại phát cho con dâu của con, cháu đang mang bầu con so, cha ạ.” Lúng túng và ngại ngùng tôi thưa với cụ rằng: “Tôi không dám nhận món quà này đâu, bởi vì hoàn cảnh và nhu cầu của cô con dâu của cụ cần hơn!” Vừa nghe xong, cụ xem ra không hài lòng với lối cư xử của tôi, cầm gói quà trong tay, quay đi rồi lẩm bẩm “Cha khinh con nghèo, quà không xứng đáng…” Giờ đến luợt tôi choáng váng và chẳng biết phải hành xử thế nào!!!

Ngồi trên xe bus về lại nhà dòng mà tôi còn ân hận và tự hỏi mình rằng tại sao mình không nhận để làm vui lòng cụ. Lần sau sẽ nhận tất cả, nhưng làm gì có lần sau!

Rồi lại đến một truyện khác.

Có người phụ nữ kia đã từng giúp đỡ mọi người. Nhưng đến khi cần phải nhận một quà tặng để cứu sống bà, thì bà cảm thấy vô cùng bối rối. Bà đã cho rất nhiều, nhưng giờ đây không thể giúp đỡ chính mình. Bà trong lòng luôn luôn muốn được yêu thuơng. Nhưng nhận được sự yêu thương của người khác thì thật là khó khăn. Bà cần học cách để lại trở thành một trẻ nhỏ, khiêm tốn đủ để nhận một món quà. Nhưng điều đó không dễ dàng bởi vì bà hoàn toàn đối lập với điều đó: bà thích cho một cách vị kỷ.

Những người vị kỷ, coi mình là trung tâm ban phát mà lại không thích nhận. Tại sao thế? Bởi vì khi nhận quà, họ cảm thấy mình thấp kém hơn người khác và tự nhận mình là kẻ mắc nợ, ăn bám người khác. Điều họ thích cho, chưa hẳn là điều tốt nhưng phải chăng họ làm điều đó để đề cao và tâng bốc cái tôi của họ, và khiến họ đuợc xếp loại cao sang hơn kẻ khác!!!

Cho là việc quan trọng. Nhưng nhận cũng thế. Không ai trong chúng ta tự cho mình là đủ. Mọi người đều bất toàn. Chúng ta đón nhận và hỗ trợ nhau. Trên hết mọi sự chúng ta cần đón nhận từ Thiên Chúa. Chúng ta không thể cho người khác điều chúng ta không có. Và, thật là thê thảm khi chúng ta không có khả năng để tiếp nhận. Biết cho như thế nào thì cũng phải biết nhận như thể ấy. Cho và nhận đều là những hậu quả của ân sủng.

Câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa Mar-tha và Ma-ri-a. Mar-tha không có khả năng nhận, trong khi Ma-ri-a có. Ma-ri-a không lười. Cô đón tiếp Chúa bằng cả con tim, chú tâm đến sự hiện diện của Người, để mắt đến từng cử chỉ và lời nói của Người. Đối với cô, từ lúc Đức Giê-su bước chân vào nhà thì Người là tất cả. Còn Mar-tha, vì quá bận rộn nên không nhận ra Đức Giê-su là khách. Đức Giê-su đến thăm để bộc lộ ý muốn của Người cho hai chị em mà cô lại bận rộn như thế thì cho dù Người muốn cũng chẳng có cơ hội trao cho Mar-tha. Nói khác đi, vì quá bận rộn, Mar-tha chẳng còn tâm trí hay cơ hội nhận ra ý định của Chúa nữa.

Với cái nhìn nông cạn, chúng ta dễ dàng đồng ý với Chúa là Ma-ri-a đã chọn, không phải là phần tốt nhất mà còn dễ nhất nữa. Ma-ri-a chỉ việc ngồi thừ ra đó, còn bao nhiêu việc tất bật khác thì Mar-tha ôm trọn, thật là khó khăn! Nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy, phần việc của Ma-ri-a khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú tâm hoàn toàn vào người khác không phải là việc dễ làm đâu. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó hơn. Nhưng đó mới là phuơng thế tuyệt hảo nhất trong việc hiệp thông để sinh ra lợi ích cho bản thân mình và tha nhân.

Thưa anh chị em,

Như vậy, sự bận rộn trong cuộc sống để hoàn thành việc của mình mà không nhận ra nhu cầu của người thân để quan tâm thì cũng giống như việc chạy đôn chạy đáo mà Mar-tha thể hiện hôm nay. Kết quả mà họ đạt được cũng không đáng khích lệ. Sau đây là vài thí dụ điển hình.

Có một gia đình kia. Anh chị đã sống với nhau mấy chục năm, và đã có ba người con. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Khi mới cưới, vì trách nhiệm và bổn phận đối với thân nhân của hai bên gia đình còn ở Việt Nam, và nhất là muốn tạo cho gia đình riêng của anh chị một nền tảng vững chắc; cho nên anh chị đã phải cầy cả đêm lẫn ngày, anh chị đã nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi. Mỗi người một công việc. Cả anh và chị thành công trong sự nghiệp. Ai cũng làm chủ. Tuy nhiên cái giá phải trả cho sự thành công này cũng không nhẹ. Chỉ vì vật lộn với công ăn việc làm, anh chị không còn nhiều thời gian cho nhau. Về đến nhà chỉ biết ngủ. Mối dây tương quan trong cuộc sống vợ chồng giả như có thì cũng chỉ là bổn phận qua loa cho xong. Đối với con cái, anh chị đã nuôi nấng các cháu rập theo cung cách quản lý nhân viên; mấy người con của anh chị không được lớn lên trong vòng tay yêu thương, vì thế cách hành xử của các cháu cũng bộc lộ một sự thèm muốn được yêu thương!

Người ngoài nhìn vào tưởng họ hạnh phúc chứ ai nào ngờ cảnh ‘phòng không gối chiếc’ hay ‘đồng sàng dị mộng’ đã xẩy ra với họ từ lâu rồi. Giờ này chỉ còn lại là sự chịu đựng cho qua khỏi kiếp này. Cái giả phải trả cho sự bận rộn trong cuộc sống mắc đến độ khi nhìn lại cũng chẳng còn biết làm thế nào để sửa chữa. Thật tội nghiệp!

Trong việc xây dựng mối dây tương quan giữa Chúa và ta cũng thế. Chúng ta đến với Chúa trong lúc bận rộn thì còn giây phút hay tâm tình nào dành cho Ngài đây! Sau đây là một trong những thói quen mà nhiều người đã vấp phải.

Có một bà thưa rằng: “Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt đời, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Linh mục đó mới hỏi: “Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?”. Bà nói: “Ồ không, con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?” Vị Linh mục đó trả lời: “Không, tôi không nghĩ như thế,” rồi nói tiếp: “Bây giờ, tôi xin đề nghị với cụ thế này nhé: mỗi ngày, cụ hãy dành riêng năm hoặc mười phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa”. Thưa cha, ngồi như thế dễ buồn ngủ lắm! Vị linh mục ôn tồn đáp: “Bà ơi, ngủ trong bàn tay yêu thuơng của Chúa là một hồng ân đấy, bà cứ tập đi.”

Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà ta trở lại và nói: “Thưa Cha, thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác khi con nói với Ngài, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh, mặt đối mặt với Ngài, con cảm thấy được bao trùm trong sự hiện diện của Ngài”.

Như vậy, Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất. Cô đã không nói gì nhưng trao trọn vẹn tấm lòng và con tim cho Chúa để Chúa họat động. Còn Mar-tha thì bận rộn để phô trương thanh thế, muốn chứng minh rằng mình đã quá đầy đủ, làm việc gì cũng hòan hảo thì Chúa đâu làm đuợc gì nữa.

Ma-ri-a ngồi duới chân Chúa bộc lộ tâm tình lệ thuộc; và lắng nghe để nhận chỉ thị và huấn lịnh của Chúa. Còn Mar-tha lại bận rộn rồi yêu cầu Chúa làm điều cô muốn: “nói em con giúp con”.

Như Ma-ri-a chúng ta hãy lệ thuộc vào Chúa. Như Ma-ri-a chúng ta hãy lắng nghe Lời Người chỉ dậy. Và, Chúa sẽ huớng dẫn, thúc đẩy và tác động để chúng ta trở thành những Mar-tha, những Sa-ma-ri-a sống động. Như thế, hãy ngồi để lắng nghe Chúa dậy như Ma-ri-a; rồi với lòng hiếu khách chúng ta cùng đứng dậy, noi gương người Sa-ma-ri-a và Mar-tha, đón tiếp và phục vụ Chúa trong anh em mình nhé. Amen!

Thursday, 10 July 2025

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY


 Câu hỏi của người thông luật “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” mở đầu bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay.

“Sự sống đời đời” là một thực tại mà hầu hết mỗi người tín hữu đều nhắm đến. “Tôi phải làm gì?” nhắc nhở đến bổn phận và trách nhiệm mà chúng ta cần thực hiện ngay bây giờ. Nếu chúng ta không có niềm tin vào sự sống đời đời thì quả thực chúng ta sẽ sống buông thả và thiếu trách nhiệm với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, cho dù sự sống đời đời thuộc về Thiên Chúa và chúng ta chưa nắm trọn vẹn được; nhưng ngay bây giờ chúng ta cần thực hiện các việc làm để thể hiện lòng mến Chúa và yêu người thì sẽ được sống.

Giả như ông luật sĩ đừng tranh luận thêm và cố gắng thực thi những khoản luật mà ông đã được dậy bảo thì chúng ta không còn gì để tìm hiểu thêm. Nhưng ngay từ đầu của bài tường thuật, người luật sĩ đã không có lòng thành để tìm kiếm, ông đặt câu hỏi nhằm thử Đức Giê-su cho nên giờ này ông nghĩ là tiếp tục bắt bí Người bằng một vấn nạn khác, đó là: “Ai là người thân của tôi?”

Có người cho rằng người thân của họ là những người cùng một huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, v.v… Đúng vậy, và nếu người nhà mình mà mình không yêu, không sống tử tế thì làm sao yêu người khác được. Nhưng, trong thân phận của người tín hữu, chúng ta được mời gọi sống và vượt lên trên tiêu chuẩn nói trên. Và câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người thân của tôi?” đã được Đức Giê-su diễn tả thật sống động qua truyện ngắn mà chúng ta hay gọi là dụ ngôn “Người Sa-ma-ri-a nhân hậu.” mà chúng ta vừa được nghe trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.

Truyện ấy xẩy ra trên con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, đây là một đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xuyên xẩy ra các nạn cướp của và giết người.

Xẩy ra, có một người mà chúng ta không hề biết gốc tích, gia thế hay địa vị, nói chung là một người vô danh, không hề có bất cứ một chút quan hệ gì với mỗi người chúng ta. Ông đi ngang qua đó và đã rơi vào tay bọn cướp. Chúng cướp hết tiền bạc, đánh ông nhừ tử, thừa sống thiếu chết rồi quăng ông nằm bên vệ đường. Tình trạng của ông cần được cứu cấp.

Cùng vào thời gian đó, có một ông tư tế mà chúng ta hay gọi là ông cha, cũng đi trên con đường đó. Cha nhìn thấy cảnh tượng của người bị nạn bèn quay mặt làm như không thấy gì rồi đi sang lối bên kia để đi.

Lại có một ông luật sĩ, thông thạo và giảng dậy cho dân chúng biết về đạo lý, cũng đi qua, cũng nhìn thấy rồi cũng ngoảnh mặt làm ngơ và rẽ sang lối khác để đi. Tuy trong bản văn chúng ta không hề hay biết lý do tại sao họ lại làm như thế! Cho dù, có một số lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho việc làm của hai vị trọng vọng nói trên, đó là các ngài có chuyện gấp cần phải đi hay sợ bị trở thành ô uế khi đụng chạm vào nạn nhân. Nhưng thái độ sống và việc làm của họ cũng khó chấp nhận. Nói chung chúng ta có thể coi họ là người ‘vô cảm’.

Tình cờ, lại là truyện tình cờ. Nhưng lần tình cờ này đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Số là, cùng vào lúc đó, có một người thuộc dòng giống Sa-ma-ri-a mà người Do Thái coi họ là kẻ thù; vì họ đã dám phế bỏ truyền thồng của tiền nhân, thu nhập các thói tục ngoại giáo và luôn sống trong tình trạng bị ô uế. Họ bị coi như là kẻ thù của người Do Thái.

Giống như vị tư tế và ông kinh sư, người Sa-ma-ri-a cũng đi trên con đường ấy, ông  nhìn thấy nạn nhân nửa sống nửa chết, nằm thoi thóp bên vệ đường. Ông cảm thấy như có lưỡi dao đâm vào tim ông. Bỏ hết mọi sự mà ông dự tính thực hiện sang một bên. Ông dừng lại, tiến lại gần, dùng tất cả khả năng và dụng cụ cứu thương sẵn có để cứu giúp nạn nhân. Chưa xong, ông cảm thấy không thể để người bị cướp này nằm ở lề đường. Ông đưa nạn nhân, người mà ông không hề quen biết đến quán trọ và xin chủ quán săn sóc cẩn thận và mọi chi phí sẽ được bồi hòan khi ông trở lại.

Thưa anh chị em,

Sau đó, thay vì tiếp tục cuộc tranh luận và đưa cho nhà thông luật câu trả lời thì Đức Giê-su đã hỏi ý kiến ông rằng: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy". (Luca 10: 30-37)

Người thông luật trả lời thật là chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái là người thân cận của kẻ đang sống dở chết dở. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ. Ông hãy đi và làm như vậy.

Người thông luật dĩ nhiên là người có học và thông hiểu giáo lý trong đạo. Nhưng hiểu mà làm gì nếu không biết đem ra thực hành. Đó là điều Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây: “Hãy đi và làm như vậy”. Khi nói thế Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết ý muốn của Người. Việc xác định ai là người thân của tôi không quan trọng về mặt lý thuyết. Nhưng điểm quan trọng là thái độ và cách sống của chúng ta nói lên tiêu chuẩn để xác định mình có là người thân của người khác hay không?

Người thân cận là người có lòng thuơng xót, biết động lòng thương, biết rung động trước nhu cầu của người khác. Một khi mà hành trang trong cuộc sống của chúng ta còn thiếu những khí cụ như tình yêu, lòng thương xót, thông cảm và tha thứ cho nhau, … thì mình vẫn xa lạ với chính mình và chưa là người thân của ai hết.

Chúng ta hãy trở lại với trình thuật của dụ ngôn. Người thân cận không phải là người nửa sống nửa chết, nằm bên vệ đường, đang cần được chăm sóc. Nhưng là người Sa-ma-ri-a biết ‘động lòng’ trước cảnh khốn cùng của kẻ bị (cuộc đời) cướp đi gần như tất cả những gì ông có.

            Không chỉ là người Sa-ma-ri-a mà thôi. Ngay cả chúng ta nữa. Nếu ai ai cũng có tấm lòng như thế thì dù bất cứ ai coi chúng ta là kẻ thù, nhưng với mình thì chẳng ai là kẻ thù hết. Tất cả đều là người thân của nhau. Tất cả những người mà ta gặp trên hành trình sống đều là đối tượng để ta ban phát và ‘động lòng thương’.

Vì vậy, hãy ra đi và ‘động lòng thương’ bởi vì mình luôn là người thân của nhau. Tất cả chúng ta, không phân biệt giới tính, chủng tộc, địa vị, mầu da hay tín ngưỡng... đều là hình ảnh và thành viên của gia đình có người Cha chung là Thiên Chúa. Tất cả đều xứng đáng thừa hưởng sự kính trọng và yêu thương của chúng ta. Giữa chúng ta không có định kiến hay thù ghét, chỉ có thông cảm và yêu thương.

Nhưng trên thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện trọn vẹn những yêu cầu của Chúa hôm nay. Vì thế phải cần ơn Chúa. Với Người, trong Người chúng ta có thể tiến lại gần các nạn nhân, với niềm kính trọng, như người Sa-ma-ri-a đã làm.

Hãy đi và làm như Chúa đã làm là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện hôm nay rồi chúng ta sẽ đạt được sự sống đời đời làm gia nệp. Amen!

Wednesday, 2 July 2025

BÌNH AN CHO ANH CHỊ EM!


Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai môn đệ ra đi. Sứ mạng của họ không dễ dàng, họ được sai đi giống như chiên vào giữa đàn sói. Chúa khuyên bảo họ không nên chất quá nhiều những thứ không cần thiết, không mang theo túi tiền, bao bị và giầy dép; nhất là không lãng phí thời gian trên đường đi và gấp rút đến những nơi có những người sẵn sàng đón tiếp các ông. 

Những lời khuyên của Đức Giê-su hôm nay nói lên tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng, điều quan trọng mà người môn đệ cần có là tấm lòng. Tấm lòng gắn bó với Chúa và tha nhân. Từ mối quan hệ đó, chúng ta ý thức và chấp nhận giới hạn của chính mình để cần sự dậy bảo của Chúa và sự trợ giúp của cộng đoàn mà hoàn thành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó. Khi đã có tinh thần và thái độ nhẹ nhàng và không dính bén như thế, chúng ta thanh thản lên đường để thi hành sứ vụ.

Sứ vụ mà người môn đệ phải thi hành bao gồm việc làm và lời nói. Dĩ nhiên lời nói và việc làm của người môn đệ phải hợp nhất. Việc làm là giới thiệu Nước Thiên Chúa. Bổn phận của người môn đệ là giới thiệu và chuẩn bị cho việc Đức Giê-su sẽ đến. Họ không phải là trung tâm của việc rao giảng. Chính Chúa mới là trọng tâm, là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa.

Còn sứ điệp mà các môn đệ đem đến cho người nghe là gì?

Hãy nghe Chúa phán với các môn đệ khi các con vào nhà nào thì hãy nói bình an cho họ trước tiên, sau đó loan báo cho họ biết Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chúng ta nên để ý rằng, Đức Giê-su không hề nói các môn đệ hãy thẩm định hay đánh giá xem đối tượng mà các môn đệ trao ban bình an là ai? Họ có phải là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham hay không? Họ có tuân thủ những điều mà lề luật dậy bảo để xứng đáng đón nhận tin vui mà Người mang đến hay không? Họ có phải là tín hữu hay không? Không cần biết họ là ai. Chúng ta chỉ cần biết là họ mở lòng ra đón tiếp. Còn chúng ta vừa bước chân vào nhà của họ thì việc đầu tiên cần làm là trao cho họ sự bình an.                 

Như vậy, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, mỗi khi chúng ta đến với người khác, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tạo bầu khí an bình giữa ta và họ, có nghĩa là trước khi chia sẻ bình an cho người khác thì các môn đệ của Chúa phải có sự an bình trước.

An bình ở đây không thể dựa vào sự khôn ngoan hay tầm hiểu biết của mình. Nó cũng không ám chỉ đến một nơi không có chiến tranh mà thôi. Nhưng bao hàm lòng quảng đại sẵn sàng mở ra để đón nhận nhau. Nó diễn tả tình tương thân tương ái và là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta, những môn đệ của Chúa, ra đi để chia sẻ cho người khác niềm vui và sự bình an đó. Họ là một phần của chúng ta, sự hiện diện của họ khiến chúng ta được trọn vẹn và đầy đủ hơn.

Nếu nơi đó không có sự bình an thì sự bình an đó sẽ trở về với chúng ta. Làm thế nào giải thích điều này đây? Bởi vì, một mặt chúng ta cầu chúc và đem bình an đến cho họ, mặt khác yêu cầu họ phải sẵn sàng để tiếp nhận. Hình như có một chút ép buộc! Sau đây là một hình ảnh có thể giúp anh chị em hiểu được phần nào ý nghĩa của việc trao ban và đón nhận bình an nói trên.

Ngày nay với nền tiến bộ của y khoa. Sự sống của con người có thể được kéo dài qua các cuộc ghép tim, thay gan hay một cơ phận nào đó của cơ thể. Trước tiên cần người hiến tặng. Nhưng cơ phận của người hiến tặng phải được chấp nhận bởi người nhận nữa; bằng không thì cuộc ghép cơ phận cũng không thành công. Cũng giống như thế; người môn đệ đã có bình an; nhưng người môn đệ không thể ép ai phải nhận sự bình an này nếu họ chưa sẵn sàng được hưởng.

Trên thực tế, làm thế nào có thể trao ban bình an cho những người sẵn lòng đón tiếp chúng ta, trong khi đó chúng ta còn lo lắng quá nhiều về các thứ khác!

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào tình hình thực tế của thế giới hiện nay, chúng ta nhận ra rằng hiện còn rất nhiều nơi đang cần đến sự an bình của Chúa. Chiến tranh bên Ukraine vẫn còn. Cuộc chiến giữa các nước bên Trung Đông vẫn là ngòi nổ đe dọa nền hòa bình không chỉ tại nơi đó mà có thể ảnh hưởng cho cho số phận của các nước lân cận và thế giới nữa. Chưa kể đến con số những người vô tội bị giết chết.

Khi đối mặt với những bi kịch và thảm họa gây ra bởi chiến tranh và các cuộc khủng bố trên thế giới khiến lòng chúng ta đau nhói. Cũng chỉ vì những bi kịch đó khiến nhiều người phải đi tìm sự sống trong cái chết; họ đã trải qua bao nguy hiểm để tìm chốn an bình. Thế mà với thân phận của những con người tầm trú, họ lại bị khước từ và hất hủi của thế giới khiến họ lâm vào tình trạng thất vọng.

Còn bao nhiêu con người đang bị đau khổ vì là nạn nhân của sự bất công và bị lạm dụng. Trước các hiện tượng có vẻ bi quan như thế cũng làm cho chúng ta cảm thấy mình bất lực và tâm hồn bị tan nát. Làm thế nào để có thể đem an bình đến cho họ đây?

Vài năm trước, tôi đã đến dự đám tang của một người mẹ mất đứa con trai cả mà chị gọi là ‘cục cưng của chị’. Đối với chị, cháu là báu vật mà Chúa đã ban tặng. Vì bệnh tâm thần, cháu buồn bã đi tìm lối giải thoát bằng cách tự kết liễu mạng sống mình. Chị đã khóc và than trách Chúa đã không công bằng. Tại sao Chúa đã ban cho anh chị một quà tặng tuyệt vời như thế, rồi lại lấy cháu đi khỏi cuộc đời của chị? Tại sao và tại sao?

Trong hoàn cảnh của chị và những người có hoàn cảnh giống như thế, làm thế nào để họ cảm nhận được sự an bình mà chúng ta cầu chúc cho họ đây? Vẫn biết rằng chúng ta đồng cảm với họ; nhưng làm sao có thể giúp họ tìm được an bình khi phải đối diện với nỗi thương tâm như thế? Đối với tôi điều đó rất khó thực hiện!

Có quá nhiều nỗi đau và tổn thương cần được chữa lành để cuộc sống được an bình. Vẫn biết là trách nhiệm mà Chúa trao ban cho chúng ta thật cần thiết; nhưng đã nhiều lần chúng ta vịn vào các lý lẽ như: "Làm thế nào chúng ta có thể đối phó thỏa đáng với mầm mống của sự ác và những nỗi đau mà nó gây ra?"

Đối với bản thân của chúng ta thì không thể. Chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta những gì chúng ta cần. Sức mạnh của Thiên Chúa đã được ban như năng lượng để chúng ta dễ dàng tiếp cận với người khác. Chúa Giêsu ban cho chúng ta Thần Khí của Người và trao bình an cho chúng ta vào buổi sáng Phục Sinh, để chúng ta có thể trở thành sứ giả của an bình.

Như vậy, viêc sai phái Bẩy Mươi Hai môn đệ nhắc nhở và làm sống sứ điệp của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ và cả chúng ta nữa. Người muốn tặng cho chúng ta món quà này hôm nay và sẽ lưu lại trong cuộc sống của chúng mình luôn mãi. Vì vậy, với con tim an bình và một lòng nương tựa vào Chúa, chúng ta sẽ hoàn tất sứ mạng đem bình an mà chúng ta tiếp nhận từ Chúa rồi chia sẻ cho người khác.

Hãy đứng dậy bước tiếp để làm chứng nhân cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và làm cho thế giới của chúng ta đang sống được an bình hơn. Cho dù có ai phải đối diện với các tai ương và những bi kịch trong cuộc sống thì họ vẫn có thể tận hưởng được “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lu-ca 2:14)

Và trong phần kết thúc, Thánh Lu-ca đã mở ra cho chúng ta một kết cục thật đáng suy nghĩ. Đó là việc nhóm Bẩy Mươi Hai trở về hớn hở, hân hoan và vui mừng báo cáo cho Thầy biết về thành quả mà các ông đã đạt được. Việc làm của các ông đã khiến cho Sa-tan phải sa xuống. Các môn đệ đã chiến thắng thần dữ.

Tuy nhiên, đó không phải là điều làm cho các môn đệ vui mừng. Niềm vui của người môn đệ không dựa trên thành quả của công tác và cũng không căn cứ trên con số của người tham dự để nghe anh em giảng thuyết hay đọc bài anh em viết. Nhưng, hãy vui lên vì tên anh em đã được ghi trên trời.

Tên được ghi trên trời thì không giống như việc ghi tên trong sổ vàng để mọi người ca tụng; nhưng qua việc ghi tên, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến mối tương quan của các môn đệ với Người. Trong Người, với Người chúng ta cùng vui. Đó là dấu chỉ nói cho thế giới biết rằng Chúa đang hiện diện và chúng ta quả thật rất xứng đáng là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình. Amen!

SỐNG VÀ CHẾT VÌ YÊU.

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Chúa Nhật thứ 13 mùa thường niên, Hội Thánh cho phép chúng ta mừng trọng thể Lễ hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô. Tại sao lại như thế? Phải chăng việc tôn vinh các ngài cao trọng hơn ‘ngày của Chúa’. Không thật như thế. Chủ đích vẫn là tình yêu của Mẹ Hội Thánh. Vì yêu thương con cái mình cho nên Hội Thánh muốn chúng ta nhìn lại mẫu gương sống động mà các ngài đã để lại, hầu giúp chúng ta khám phá ra sự quan tâm và yêu thương của Thiên Chúa, đấng làm chủ đời các ngài và nhất là không ngừng ban cho chúng ta những gương sáng để chúng ta noi theo. Vì thế, việc tôn kính và cùng nhìn lại đời sống của các ngài, không chỉ để ngưỡng mộ, mà còn để ca tụng tình yêu và sự can thiệp của Thiên Chúa.

Cả hai là những con người rất khác nhau về xuất thân, tính cách và đời sống đức tin. Nhưng họ có những điểm chung như: họ đã được Chúa chọn, họ để Chúa biến đổi và sai đi. Và mỗi người một vẻ, đối tượng tuy khác nhau. Phê-rô được sai đi để rao giảng cho người Do Thái, còn Phao-lô dành cho dân ngoại. Nhưng cả hai đã cùng nhau rao giảng một Tin Mừng: Chúa Giê-su, đấng họ hết mực yêu thương, và là Đấng Cứu Độ trần gian.

Như thế, việc nhìn lại cuộc sống, lối đáp trả và hành trình đức tin của các ngài không chỉ là việc học hỏi lịch sử, mà còn là một cơ hội giúp chúng ta sống đức tin một cách sâu xa hơn, gắn bó và thực tế hơn trong sứ mạng của mỗi tín hữu. Và sau đây là một vài nét chính trong đời sống và hành trình niềm tin của các ngài, đặc biệt của Thánh Phê-rô, mà tôi tin rằng vẫn còn sức tác động và ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta.

Xuất thân là một người đánh cá tại biển hồ Ga-li-lê, Phê-rô đã được Chúa gọi và đào tạo ông trở thành kẻ chài lưới người ta. Và theo giải thích của William Barclay, nhà chú giải Thánh kinh nổi tiếng bên Scotland, thì các đặc tính của người đánh cá có thể giúp họ dễ dàng trở thành những kẻ chài lưới người ta một cách tốt hơn. Vậy đâu là những đặc tính của một người đánh cá chuyên nghiệp, và chúng ta thấy những điều đó nơi Thánh Phêrô như thế nào?

Người đánh cá không phải lúc nào cũng đánh được mẻ cá lớn. Có những lần làm việc thâu đêm mà vẫn trắng tay. Thánh Phêrô cũng từng trải qua điều đó, như đêm ông và các bạn “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì” (Lc 5,5). Nhưng khi nghe Chúa bảo “hãy chèo ra chỗ nước sâu” thì ông lập tức vâng lời mà thả lưới. Và kết quả là một mẻ cá đầy. Tính kiên nhẫn và thái độ sẵn sàng mở ra trong vâng phục của Phêrô là bài học cho chúng ta trong đời sống đức tin. Người tín hữu trung kiên chỉ có thể là một người môn đệ luôn tìm kiếm và vâng lời Chúa cho dù chúng ta chưa thấy kết quả.

Người đánh cá thường xuyên đối diện với hiểm nguy, càng ra xa bờ càng gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng có ra xa bờ và vào nơi chỗ nước sâu mới có cơ hội đánh được nhiều cá. Quanh quẩn bên bờ thì chỉ trắng tay. Cũng vậy, Phêrô đã dám ra khỏi nơi an toàn trên thuyền, bước đi trên mặt nước đến với Chúa. Trong khi đi trên biển, ông đã có lúc hoảng sợ, nhưng chính sự can đảm, liều lĩnh trong nim tin nơi Chúa đã giúp ông trở thành đá tảng mà Chúa xây Hội Thánh trên đó.

Đặc tính tiếp theo mà chúng ta thấy được nơi những người đánh cá đó là biết lắng nghe và học hỏi. Một người đánh cá giỏi không dựa vào sức mình mà còn học hỏi kinh nghiệm, theo dõi thời tiết, quan sát thiên nhiên. Những điểm này chúng ta cũng nhìn thấy nơi Phêrô.

Cho dù ông rất thẳng thắn, bộc trực, nóng tính và thường xuyên phạm sai lầm trước khi được sửa đổi. Ông đã tuyên xưng Thầy mình là Đức KI-tô, nhưng đến khi Chúa mặc khải Đức Ki-tô phải chịu nhiếu đau khổ thì ông đã không chấp nhận nên Chúa đã khiển trách ông là “Satan, lui ra đàng sau.” Trong lúc yếu đuối, Phê-rô đã sai lầm nhưng ông không bỏ cuộc, luôn sẵn sàng học hỏi từ Thầy mình.

Phê-rô đã ba lần chối là ông không hề biết Chúa. Nhưng với ân huệ của Chúa Phục Sinh, Phê-rô nhớ lại việc ông đã làm, nhất là việc ông nhận ra lòng thương xót luôn tha thứ của Chúa khi Người muốn tao một cơ hội để chữa lành vết thương trong tâm hồn khi ông chối Chúa, cho nên ông đã khiêm tốn thân thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Tình yêu mà Phê-rô tuyên xưng hôm nay là kết quả tiến trình của một con người đã được yêu thương và hối cải. Phê-rô đã từng sai lỗi, từng té ngã, nhưng Chúa yêu ông cho nên ông được biến đổi. Nói khác đi, chính tình yêu của Chúa đã làm thay đổi đời Phê-rô.

Giống Phê-rô, không ai trong chúng ta là những con người hoàn hảo. Nhưng chúng ta có biết để Chúa uốn nắn, sửa đổi mỗi khi phạm sai lầm hay không?

Chính Tình yêu Chúa đã khiến Phê-rô thay đổi. Từ người đánh cá trở thành ngư phủ của Nước Trời. Phê-rô đã dùng chính kinh nghiệm nghề nghiệp của mình để phục vụ Nước Trời.

Tình yêu nồng cháy của Phê-rô: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” dẫn chúng ta bước vào đời sống cảm nghiệm được Chúa yêu thương của Phao-lô. Trong thư gửi giáo đoàn Roma, Phao-lô đã khẳng định rằng: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô. Đấng đã yêu mến và hy sinh mạng sống vì ông. (Rm 8,35 và Galat 2,20)

Trước khi được Chúa biến đổi, Thánh Phaolô là người có quá khứ chống đối đạo. Ông rất nhiệt thành trên đường lùng kiếm và bắt bớ các tín hữu. Nhưng sau khi gặp Chúa  trên đường đi Đa-mát, ông đã được biến đổi và trở thành vị tông đồ nhiệt thành nhất. Ông không rao giảng bằng lời nói suông, mà bằng chính mạng sống của mình.      

Dù đời sống và hành trình đức tin của Phêrô và Phaolô khác nhau, nhưng cả hai thánh đều yêu một Chúa, cống hiến cả đời để phục vụ một Tin Mừng, một Chúa. Gương chứng nhân của hai Thánh đã dậy chúng ta nhớ rằng:

Thiên Chúa có đường lối riêng cho mỗi người. Vẫn biết rằng không ai giống ai, nhưng điều quan trọng là mỗi người sống đúng với ơn gọi của mình, và góp phần xây dựng Nước Trời bằng khả năng và hoàn cảnh sống của mình.

Cả hai thánh đều đã tử đạo vì Tin Mừng. Không phải ai trong chúng ta cũng được phúc tử đạo, nhưng lòng trung kiên và sự trung thành của chúng ta khi sống giữa những thử thách và cạm bẫy của đời sống hàng ngày cũng là một cách chết dần vì yêu Chúa vậy. Hãy đưa Chúa đến mọi ngã rẽ, mọi góc khuất trong đời thường.

Thật vây, thế giới hôm nay đang rất cần những Phêrô mới biết yêu mến và kiên trì, và những Phaolô mới biết dấn thân và nhiệt thành.

Cho dù chúng ta rất yếu đuối và đã bao phen từ chối Chúa. Nhưng Chúa vẫn gọi như đã gọi và giúp Phêrô chữa vết thương trong lòng ông.

Cho dù chúng ta đã phạm phải sai lầm khi nhiều lần chống đối Chúa, Chúa vẫn can thiệp và chờ đợi ta như đã can thiệp để thức tỉnh Phaolô.

Chúng ta không cần phải đi đâu xa. Hãy sống đạo giữa gia đình, nơi làm việc, trên mạng xã hội, vì đó là nơi Chúa sai chúng ta đến để loan báo Tin Mừng.

Xin Chúa giúp chúng ta không chỉ tôn kính hai thánh tông đồ hôm nay, mà còn nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của các ngài, chúng ta luôn là chứng nhân trung tín để làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa thời đại hôm nay. Amen!

Thursday, 12 June 2025

THẦN KHÍ: SỨC MẠNH YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

 


Khi còn bé, tôi say mê những câu chuyện được trích dẫn trong sách ‘Sấm Truyền Cũ’ hay còn gọi là ‘Cựu Ước’. Các tình tiết của câu chuyện trở nên sống động hơn bởi tài kể truyện của các dì phước và mấy ông bà quản giáo. Họ là những người tràn đầy kinh nghiệm trong việc dậy giáo lý bằng những câu chuyện như thế này. Một trong những truyện tích mà tôi còn nhớ đó là cuộc chiến giữa cậu bé Đa-vít của Ít-ra-en và anh chàng khổng lồ Go-li-át bên Phi-lip-tinh.

Câu chuyện đó được tóm tắt như sau:

Vào thời đó, dân Phi-lip-tinh và dân Ít-ra-en thường xuyên xẩy ra các cuộc giao chiến. Trong một trận chiến kia, quân Phi-lip-tinh cử đấu thủ tên là Go-li-át bước ra gây chiến với quân lính Ít-ra-en. Người khổng lồ này cao khoảng 3 thước, mình mặc áo giáp và trang bị vũ khí của một vị dũng tướng. Với vẻ uy nghi bộc lộ một sức mạnh phi thường, Go-li-át ra đứng trước hàng quân ròng rã 40 ngày, liên tục thách đố quân lính Ít-ra-en bằng những lời khiêu khích như: “Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ mạnh để chiến đấu với ta và hạ được ta, thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ chúng tao và sẽ hầu hạ chúng tao.” Vua Sa-un và toàn thể quân lính Ít-ra-en nhìn thấy tướng uy nghi của Go-li-át thì đã khiếp sợ, và khi nghe tiếng áp đảo của ông ta lại càng kinh khiếp hơn; thế là không một ai trong quân đội của Ít-ra-en dám ra đương đầu với Go-li-át.

Đến một ngày kia, có chàng thiếu niên tên là Đa-vít, làm nghề chăn cừu, chưa đủ tuổi gia nhập quân ngũ. Cậu có biệt tài bắn ná, trăm phát trăm trúng. Vào một hôm, cha cậu, ông Gie-sê sai cậu mang thực phẩm ra thăm ba người anh của cậu đang đóng quân tại cuộc giao chiến đó. Cậu đến trại binh vào lúc quân đội hai bên đang dàn trận tuyến đối đầu nhau. Khi nghe những lời thách thức và khinh thường quân đội Ít-ra-en của Go-li-át, Đa-vít đã vào xin vua Sa-un cử mình ra để nghinh chiến với đấu thủ. Thoạt đầu, khi nhìn thấy cậu, nhà vua do dự nhưng sau cùng vua Sa-un đã bị thuyết phục bởi các lý lẽ và chứng từ mà cậu đưa ra và cử cậu ra trận tuyến. Vũ khí của cậu chỉ là cây gậy, dây phóng đá và mấy hòn đá bỏ vào túi.

Khi nhìn thấy cậu bé, chỉ đứng tới ngang hông của mình nên Go-li-át coi thường và bằng giọng khinh bỉ đã nói với Đa-vít rằng: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao? Đến đây, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.” Đa-vít đáp trả tên Phi-lip-tinh rằng: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày bằng sức mạnh của Thiên Chúa mà mày thách thức. Ngay hôm nay, Thiên Chúa sẽ nộp mày vào tay tao…” Nói xong, Đa-vít thọc tay vào bị, rút ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Phi-lip-tinh. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất; cậu chạy lại và dùng gươm đâm và chặt đầu Go-li-át. Thế là Đa-vít thắng Go-li-át và quân Phi-lip-tinh thua trận và tháo chạy không còn manh giáp nào.

Câu chuyện về cuộc giao chiến giữa Đa-vít và Go-li-át nói trên giúp cho chúng ta nhận ra bài học, đó là sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa luôn đánh bại sức mạnh của quyền lực chống lại Ngài. Go-li-át cậy vào sức mạnh của bản thân nên đã bị bại; còn Da-vít đã dùng sức mạnh nội tâm, một nguồn sức mạnh của Thiên Chúa, chiến đấu và chiến thắng cho Thiên Chúa nên tuy nhỏ con nhưng cậu đã đánh bại người khổng lồ.

Đó là những gì đã xẩy ra cho các môn đệ trước và sau ngày Lễ Ngũ Tuần.

Trong hành trình theo Chúa, các môn đệ đã tìm kiếm sức mạnh và quyền uy của thế gian. Và cho đến lúc trước khi Chúa Phục Sinh được cất nhắc về trời, trong hàng ngũ các môn đệ vẫn còn có ông đã hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Tham vọng quyền bính, óc quyền lực và dùng sức mạnh để chinh phục và chiến thắng vẫn còn trong tâm não và quan niệm sống của các môn đệ. Các ông vẫn còn mê quyền uy và sức mạnh để chiến thắng địch thù. Vì thế, những gì Chúa ban, những điều Người truyền dậy vẫn như ‘nước đổ lá khoai’, các môn đệ vẫn ù lì, không cất bước để ra đi thực hiện lịnh truyền vì lo sợ! Thế mà, những gì xẩy ra cho họ vào dịp Lễ Ngũ Tuần đã gây kinh ngạc cho mọi người.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay, các ông đã để cho quyền lưc của Thiên Chúa qua sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy. Đó là sức mạnh nội tâm, luồng gió tái sinh thổi tung mọi thứ rào cản, kéo các ông lại gần và thông cảm cũng như hiểu biết nhau hơn. Cho dù những người qui tụ tại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó vẫn còn nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng trên hết mọi sự, ngôn ngữ của con tim, tiếng nói cũa cõi lòng, sức mạnh của lòng mến đã bao trùm và đẩy các ông và những người đang nghe các môn đệ loan báo Tin Mừng Phục Sinh, hiểu biết và gần nhau hơn.

Thần Khí Thiên Chúa đã hiện diện nhưng không ép buộc con người phải đón nhận. Thần Khí như mầm hạt giống, không phát triển trong một giây lát, nhưng lớn lên từ từ cho đến lúc bung ra thì không còn chỉ là những nụ hoa mà trở thành những bông hoa rực rỡ trong vườn hoa muôn mầu muôn sắc của Thiên Chúa. Người tín hữu được tràn đầy Thánh Thần cũng vậy. Họ trở thành khí cụ của Thiên Chúa. Họ là những con người đã để cho Thần Khí bao phủ, chỉ đạo và hướng dẫn.

Vậy Thần Khí ở đâu?

Nhìn lại lịch sử cứu độ chúng ta nhận biết rằng Thánh Thần đã hiện diện và không ai có thể tách Ngài ra khỏi sự sống của Chúa Cha và Chúa Con được. Chúa Thánh Thần là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong dòng lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là quà tặng của Thiên Chúa mà chính là sự sống của chúng ta.

Trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế Ký, tác giả đã truyền tải cho chúng ta một kinh nghiệm tôn giáo thật sâu sắc về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Bằng hình ảnh của ông thợ gốm, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người qua việc nặn, đắp tượng. Tượng đất, tượng gỗ muôn đời vẫn mãi là pho tượng bất động nếu Thiên Chúa không thổi ‘Thần Khí’ vào lỗ mũi. Như vậy sự sống con người, ngay từ ngày đầu, đã thuộc về Thiên Chúa.

Trong hành trình tiến về ‘Đất Hứa’, Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động không ngừng trong tiến trình hình thành để trở thành dân riêng cư ngụ nơi mảnh đất mà Chúa đã hứa; như lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã quả quyết “Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn nghỉ ngơi” (Is 63,14).

Thần Khí Thiên Chúa hiện diện với Đức Giêsu. Người làm mọi việc với Chúa Thánh Thần: Người đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Gio-đan và được Thần khí đưa vào sa mạc (Lc 4:1). Người bắt đầu sứ vụ với Chúa Thánh Thần (Lc 4:14 và 18). Với Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã chọn nhóm 12 (Cvtđ 1:2); và với Thần Khí, Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh không tì vết mà dâng lên Cha. (Dt 9:14). Ngay trong giây phút từ gĩa cõi trần, Người gục đầu xuống mà trao ban Thần Khí (Gioan 19:30). Duới chân Thập Giá có Mẹ Người và toàn thể những ai mà Chúa yêu thương, mà ở đây hình ảnh biểu tương được dùng là Thánh Gioan. Thật ra, ai trong chúng ta lại không đuợc Chúa yêu thương. Nói khác đi, ngay trong giây phút Đức Giêsu đi về cùng Cha, Người đã trao ban Thần Khí cho Hội Thánh, đó cũng là chủ đích mà Thánh Luca đã ghi lại trong sách Tông đồ công vụ. 

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, cho dù ai có khó tính đến đâu, thì người đó cũng không thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Nhất là qua những thời điểm đen tối nhất, Hội Thánh lại nhận thấy quyền năng của Thần Khí hoạt động hữu hiệu hơn cả.

Sau cùng, đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh để ta đủ sức đối diện với sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta như Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Như vậy: Bình an, lịnh truyền ra đi, quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh để tha thứ là những gì Chúa muốn cho con người thực hiện trong cuộc sống. Và, chỉ có trong Chúa Thánh Thần, con người mới tìm lại được sức sống và sự đổi mới để họ dễ dàng thông cảm, đón nhận và tha thứ cho nhau một cách chân thật hơn.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, ban ơn tái tạo. Thần khí Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Người vẫn âm thầm hoạt động, cả những lúc chúng ta không ngờ. Chỉ có một việc mà chúng ta cần làm là biết sống phó thác để cho hơi thở của Thần khí biến đổi và làm mới lại tất cả.

Thánh Thần đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Người. Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa, là môn đệ của Người và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Chúa Cứu Thế. Amen. Alleluia, Alleluia!

Wednesday, 4 June 2025

THẦN KHÍ: SỨC MẠNH YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

 

Khi còn bé, tôi say mê những câu chuyện được trích dẫn trong sách ‘Sấm Truyền Cũ’ hay còn gọi là ‘Cựu Ước’. Các tình tiết của câu chuyện trở nên sống động hơn bởi tài kể truyện của các dì phước và mấy ông bà quản giáo. Họ là những người tràn đầy kinh nghiệm trong việc dậy giáo lý bằng những câu chuyện như thế này. Một trong những truyện tích mà tôi còn nhớ đó là cuộc chiến giữa cậu bé Đa-vít của Ít-ra-en và anh chàng khổng lồ Go-li-át bên Phi-lip-tinh.

Câu chuyện đó được tóm tắt như sau:

Vào thời đó, dân Phi-lip-tinh và dân Ít-ra-en thường xuyên xẩy ra các cuộc giao chiến. Trong một trận chiến kia, quân Phi-lip-tinh cử đấu thủ tên là Go-li-át bước ra gây chiến với quân lính Ít-ra-en. Người khổng lồ này cao khoảng 3 thước, mình mặc áo giáp và trang bị vũ khí của một vị dũng tướng. Với vẻ uy nghi bộc lộ một sức mạnh phi thường, Go-li-át ra đứng trước hàng quân ròng rã 40 ngày, liên tục thách đố quân lính Ít-ra-en bằng những lời khiêu khích như: “Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ mạnh để chiến đấu với ta và hạ được ta, thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ chúng tao và sẽ hầu hạ chúng tao.” Vua Sa-un và toàn thể quân lính Ít-ra-en nhìn thấy tướng uy nghi của Go-li-át thì đã khiếp sợ, và khi nghe tiếng áp đảo của ông ta lại càng kinh khiếp hơn; thế là không một ai trong quân đội của Ít-ra-en dám ra đương đầu với Go-li-át.

Đến một ngày kia, có chàng thiếu niên tên là Đa-vít, làm nghề chăn cừu, chưa đủ tuổi gia nhập quân ngũ. Cậu có biệt tài bắn ná, trăm phát trăm trúng. Vào một hôm, cha cậu, ông Gie-sê sai cậu mang thực phẩm ra thăm ba người anh của cậu đang đóng quân tại cuộc giao chiến đó. Cậu đến trại binh vào lúc quân đội hai bên đang dàn trận tuyến đối đầu nhau. Khi nghe những lời thách thức và khinh thường quân đội Ít-ra-en của Go-li-át, Đa-vít đã vào xin vua Sa-un cử mình ra để nghinh chiến với đấu thủ. Thoạt đầu, khi nhìn thấy cậu, nhà vua do dự nhưng sau cùng vua Sa-un đã bị thuyết phục bởi các lý lẽ và chứng từ mà cậu đưa ra và cử cậu ra trận tuyến. Vũ khí của cậu chỉ là cây gậy, dây phóng đá và mấy hòn đá bỏ vào túi.

Khi nhìn thấy cậu bé, chỉ đứng tới ngang hông của mình nên Go-li-át coi thường và bằng giọng khinh bỉ đã nói với Đa-vít rằng: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao? Đến đây, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.” Đa-vít đáp trả tên Phi-lip-tinh rằng: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày bằng sức mạnh của Thiên Chúa mà mày thách thức. Ngay hôm nay, Thiên Chúa sẽ nộp mày vào tay tao…” Nói xong, Đa-vít thọc tay vào bị, rút ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Phi-lip-tinh. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất; cậu chạy lại và dùng gươm đâm và chặt đầu Go-li-át. Thế là Đa-vít thắng Go-li-át và quân Phi-lip-tinh thua trận và tháo chạy không còn manh giáp nào.

Câu chuyện về cuộc giao chiến giữa Đa-vít và Go-li-át nói trên giúp cho chúng ta nhận ra bài học, đó là sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa luôn đánh bại sức mạnh của quyền lực chống lại Ngài. Go-li-át cậy vào sức mạnh của bản thân nên đã bị bại; còn Da-vít đã dùng sức mạnh nội tâm, một nguồn sức mạnh của Thiên Chúa, chiến đấu và chiến thắng cho Thiên Chúa nên tuy nhỏ con nhưng cậu đã đánh bại người khổng lồ.

Đó là những gì đã xẩy ra cho các môn đệ trước và sau ngày Lễ Ngũ Tuần.

Trong hành trình theo Chúa, các môn đệ đã tìm kiếm sức mạnh và quyền uy của thế gian. Và cho đến lúc trước khi Chúa Phục Sinh được cất nhắc về trời, trong hàng ngũ các môn đệ vẫn còn có ông đã hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Tham vọng quyền bính, óc quyền lực và dùng sức mạnh để chinh phục và chiến thắng vẫn còn trong tâm não và quan niệm sống của các môn đệ. Các ông vẫn còn mê quyền uy và sức mạnh để chiến thắng địch thù. Vì thế, những gì Chúa ban, những điều Người truyền dậy vẫn như ‘nước đổ lá khoai’, các môn đệ vẫn ù lì, không cất bước để ra đi thực hiện lịnh truyền vì lo sợ! Thế mà, những gì xẩy ra cho họ vào dịp Lễ Ngũ Tuần đã gây kinh ngạc cho mọi người.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay, các ông đã để cho quyền lưc của Thiên Chúa qua sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy. Đó là sức mạnh nội tâm, luồng gió tái sinh thổi tung mọi thứ rào cản, kéo các ông lại gần và thông cảm cũng như hiểu biết nhau hơn. Cho dù những người qui tụ tại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó vẫn còn nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng trên hết mọi sự, ngôn ngữ của con tim, tiếng nói cũa cõi lòng, sức mạnh của lòng mến đã bao trùm và đẩy các ông và những người đang nghe các môn đệ loan báo Tin Mừng Phục Sinh, hiểu biết và gần nhau hơn.

Thần Khí Thiên Chúa đã hiện diện nhưng không ép buộc con người phải đón nhận. Thần Khí như mầm hạt giống, không phát triển trong một giây lát, nhưng lớn lên từ từ cho đến lúc bung ra thì không còn chỉ là những nụ hoa mà trở thành những bông hoa rực rỡ trong vườn hoa muôn mầu muôn sắc của Thiên Chúa. Người tín hữu được tràn đầy Thánh Thần cũng vậy. Họ trở thành khí cụ của Thiên Chúa. Họ là những con người đã để cho Thần Khí bao phủ, chỉ đạo và hướng dẫn.

Vậy Thần Khí ở đâu?

Nhìn lại lịch sử cứu độ chúng ta nhận biết rằng Thánh Thần đã hiện diện và không ai có thể tách Ngài ra khỏi sự sống của Chúa Cha và Chúa Con được. Chúa Thánh Thần là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong dòng lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là quà tặng của Thiên Chúa mà chính là sự sống của chúng ta.

Trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế Ký, tác giả đã truyền tải cho chúng ta một kinh nghiệm tôn giáo thật sâu sắc về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Bằng hình ảnh của ông thợ gốm, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người qua việc nặn, đắp tượng. Tượng đất, tượng gỗ muôn đời vẫn mãi là pho tượng bất động nếu Thiên Chúa không thổi ‘Thần Khí’ vào lỗ mũi. Như vậy sự sống con người, ngay từ ngày đầu, đã thuộc về Thiên Chúa.

Trong hành trình tiến về ‘Đất Hứa’, Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động không ngừng trong tiến trình hình thành để trở thành dân riêng cư ngụ nơi mảnh đất mà Chúa đã hứa; như lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã quả quyết “Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn nghỉ ngơi” (Is 63,14).

Thần Khí Thiên Chúa hiện diện với Đức Giêsu. Người làm mọi việc với Chúa Thánh Thần: Người đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Gio-đan và được Thần khí đưa vào sa mạc (Lc 4:1). Người bắt đầu sứ vụ với Chúa Thánh Thần (Lc 4:14 và 18). Với Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã chọn nhóm 12 (Cvtđ 1:2); và với Thần Khí, Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh không tì vết mà dâng lên Cha. (Dt 9:14). Ngay trong giây phút từ gĩa cõi trần, Người gục đầu xuống mà trao ban Thần Khí (Gioan 19:30). Duới chân Thập Giá có Mẹ Người và toàn thể những ai mà Chúa yêu thương, mà ở đây hình ảnh biểu tương được dùng là Thánh Gioan. Thật ra, ai trong chúng ta lại không đuợc Chúa yêu thương. Nói khác đi, ngay trong giây phút Đức Giêsu đi về cùng Cha, Người đã trao ban Thần Khí cho Hội Thánh, đó cũng là chủ đích mà Thánh Luca đã ghi lại trong sách Tông đồ công vụ. 

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, cho dù ai có khó tính đến đâu, thì người đó cũng không thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Nhất là qua những thời điểm đen tối nhất, Hội Thánh lại nhận thấy quyền năng của Thần Khí hoạt động hữu hiệu hơn cả.

Sau cùng, đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh để ta đủ sức đối diện với sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta như Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Như vậy: Bình an, lịnh truyền ra đi, quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh để tha thứ là những gì Chúa muốn cho con người thực hiện trong cuộc sống. Và, chỉ có trong Chúa Thánh Thần, con người mới tìm lại được sức sống và sự đổi mới để họ dễ dàng thông cảm, đón nhận và tha thứ cho nhau một cách chân thật hơn.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, ban ơn tái tạo. Thần khí Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Người vẫn âm thầm hoạt động, cả những lúc chúng ta không ngờ. Chỉ có một việc mà chúng ta cần làm là biết sống phó thác để cho hơi thở của Thần khí biến đổi và làm mới lại tất cả.

Thánh Thần đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Người. Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa, là môn đệ của Người và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Chúa Cứu Thế. Amen. Alleluia, Alleluia!

Thursday, 29 May 2025

Về Trời Để Cùng Hiện Diện

 

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Lễ Chúa Giê-su lên trời. Bài đọc một và trình thuật Tin Mừng tuy có một chút khác biệt, nhưng nội dung chính yếu vẫn nói về việc Đức Giê-su được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ. Như vậy câu hỏi đầu tiên chúng ta cần san sẻ cho nhau là trời ở đâu?

Trời là nơi Chúa ngự. Ngự trị không nhắm đến nơi chốn cho bằng mô tả sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một mốc thời gian nào của lịch sử; nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi không gian và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và cho đến muôn đời, vô thủy vô chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và như lời Chúa đã phán thì ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp nhất, thông cảm, yêu thương thì có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con người cùng chia sẻ một đức tin, cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi đó có sự hiện diện của Chúa.

Như vậy, trời hay thiên đàng không ám chỉ đến địa danh hay nơi chốn nào đó cho bằng đó là một cách nói để diễn tả nơi Chúa ngự. Nói khác đi, khi nói đến việc Chúa lên trời là chúng ta nói đến việc Chúa Giê-su ngự bên hữu Thiên Chúa.

Có phải cho đến hôm nay Chúa mới đuợc đưa lên trời hay không?

Thật ra, Đức Giê-su đã về nhà Cha, tiếp nhận vinh quang như đã có từ Thiên Chúa ngay khi Người trút hơi thở và trao ban Thần Khí cho những ai đứng bên Thập Giá. Việc Chúa Giê-su được cất nhắc về trời hôm nay không phải là việc ra đi để rồi không hiện diện nữa; nhưng đây chính là một sự hiện diện mới mà chúng ta và các môn đệ cần nhận ra bằng con mắt đức tin và thể hiện bằng việc làm để minh chứng điều mà chúng ta và các môn đệ đã tin.

Vì thế, không có chuyện vắng mặt. Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ Vượt Qua vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ; Người đã sống lại và tiếp tục sống cho họ và ở với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa.”

Cách thức hiện diện tuy khác, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Trong khi thi hành sứ vụ, Người đã không thể ở với mọi người tại mọi nơi khác nhau. Nay qua sự chết trong vâng phục mà Người đã được tôn vinh và hiện diện ở mọi nơi, mọi chốn và ở với mọi người trong mọi cảnh huống của đời họ.

Chúng ta mừng sự thay đổi, hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa. Tuy, chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta đuợc liên kết với Người như Lời Người đã phán: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.”

Mặc dầu các dấu chỉ biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa có thể thay đổi so với các việc làm của các tín hữu thuộc các công đoàn sơ khai; nhưng nguồn gốc và sức mạnh vẫn xuất phát từ Chúa. Người vẫn hoạt động thông qua những kẻ đi theo Người. Người về trời ngự bên hữu Thiên Chúa không phải để đuợc tôn vinh mà thôi, nhưng còn tiếp tục làm việc nơi các môn đệ qua quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, đó chính là sức mạnh của Thánh Linh như Chúa đã hứa “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất”.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Linh, các Tông Đồ và nhóm môn đệ mọi thời đã hoàn tất sứ mạng của họ. Còn chúng ta hôm nay thì sao?

Sống trong một thế giới đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta đuợc mời gọi trở nên sứ giả của hoà bình.

Sống trong một tập thể mà người ta tìm cách loại bỏ nhau vì ghen ghét, đố kỵ và thù hằn thì chúng ta lại đuợc mời gọi sống yêu thương, sống hiệp hành trong tình liên đới với nhau.

Sống trong môi trường mà con người chỉ biết tham lam và tranh dành địa vị thì chúng ta lại được mời gọi sống bác ái và khiêm nhường trong việc phục vụ.

Tất cả đều là dấu chỉ nói lên lời mời gọi của Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng tiếp tục hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn của các kẻ tin.

Vì thế, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện hôm nay là sống thế nào trong vai trò chứng nhân về sự hiện diện của Chúa? Đó cũng là thử thách mà Tin mừng đề ra cho các tín hữu tại Ga-li-lê-a khi xưa và cho chúng ta hôm nay “Hỡi những người Ga-li-lê-a, sao còn đứng đó nhìn trời.” Có nghĩa là tại sao chúng ta vẫn còn ngồi đó mà tiếc nuối quá khứ! Sao cứ khư khư ôm lấy vinh quang mà không dám trở về với cuộc sống hiện tại để chu toàn phận sự đã được trao phó?

Và khi thi hành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó, chúng ta không làm một mình vì chúng ta tin rằng Chúa đang đồng hành với chúng ta.

Chúng ta vẫn nương tựa vào Chúa. Chúng ta vẫn gắn bó và nối kết mật thiết với Người. Tuy nhiên, chúng ta không ngồi đó chờ Người làm thay các việc mà chúng ta cần làm.

Chúng ta sẽ không yêu cầu Chúa đến làm phép lạ biến chúng ta thành các ngôi sao, thay vào đó, trong niềm tin, chúng ta tin chắc Người đang đồng hành với chúng ta, soi sáng và mở mắt để chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi Lời Chúa, trong các việc làm của Hội Thánh và những sự kiện đang xảy ra quanh chúng ta. Thiên Chúa đã không hề bỏ rơi chúng ta nhưng hiện diện trong những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi.

Chúa đã đi đâu là việc của Chúa! Việc của chúng ta phải làm là thực hiện lịnh truyền mà Chúa phán trước khi được cất nhắc lên trời, đó là: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” Đây là niềm vinh dự. Vai trò chứng nhân cho đến tận cùng trái đất được trao cho Hội Thánh, và nhờ việc làm của Hội Thánh mọi thời mà thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ của Người.

Sau cùng, Lễ Chúa Lên trời không phải là lễ tưởng niệm cuộc ra đi hay ly biệt của Chúa. Nhưng, đây là lễ của niềm hy vọng. Chúa Giêsu không còn hiện diện theo cách cũ, nhưng Ngài vẫn ở giữa chúng ta bằng một sự hiện diện mới: vô hình nhưng đầy sức mạnh và quyền năng, âm thầm nhưng đầy tác động của yêu thương.

Phần chúng ta, hãy mở lòng ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong các buổi cử hành phụng vụ mà cao điểm là Thánh lễ, trong Lời Chúa, nơi tha nhân và trong chính cuộc đời mình. Và khi cảm nghiệm được việc Chúa đang đồng hành, chúng ta sẽ không còn cô đơn hay lo sợ, vì biết rằng Chúa đang ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Amen!

Saturday, 17 May 2025

TÌNH YÊU THÚC ĐẨY TÌNH YÊU

 

Để bắt đầu bài suy niệm Chúa Nhật thứ Sáu, mùa Phục Sinh năm nay. Xin mời anh chị em nghe một câu chuyện. Câu chuyện này được một thầy già kể lại cho con cháu và các thế hệ đàn em nghe cho vui.

Truyện xẩy ra vào năm 1978, một số tu viện tại Thủ Đức bị chính quyền tịch thu và đóng cửa. Các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, người thì bị giam giữ, người khác bị đuổi về nhà. Nói chung, đời sống cộng đoàn của các tu sĩ bị phá vỡ.

Trong thời gian bị giam giữ, hàng ngày họ phải học tập về chính sách mới. Vào một buổi học tập nọ, để khai mạc, bằng môt lối nói châm biếm, pha chút ngạo mạnđắc thắng anh cán bộ phụ trách đã nói rằng: “Trong những ngày vừa qua chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay chúng tôi. Nhưng các ông thấy đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”. Nghe thế, một trong các tu sĩ trong nhóm đã thản nhiên đáp trả: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà chúng tôi đã cầu nguyện để được ở lại trong bàn tay yêu thương của Chúa. Và chúng tôi cũng cầu nguyện cho các ông được Chúa yêu thương nữa.”

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày đầu của sứ vụ, Đức Giê-su đã mời các môn đệ hãy đến mà xem và họ đã đến, đã xem và ở lại với Chúa. Ở lại trong lòng bàn tay yêu thương của Chúa, ở trong con tim của Người là mục tiêu mà chúng ta, những tín hữu của Chúa phải theo đuổi. Và đây cũng là một trong những sứ điệp mà tác giả của Tin mừng theo Thánh Gio-an muốn nhắm đến.

Bài Tin mừng hôm nay là một phần trong diễn từ cáo biệt của Đức Giê-su. Đó chính là tâm huyết, những lời nhắn nhủ, trăn trối của Đức Giê-su dành cho các môn đệ và những ai mà Người yêu thương hết lòng. Tuy nhiên, các môn đệ làm thế nào có thể hiểu và cảm nghiệm điều Chúa nói hôm nay!

Cũng như chúng ta, các môn đệ hoang mang và lo sợ về sự ra đi của Người. Làm sao các ông có thể hiểu được điều Chúa nói rằng việc ra đi của Chúa sẽ mang lại lợi ích nhiều cho các ông hơn? Thấy vậy, Đức Giêsu đã trấn an các ông, Người ban cho các ông sự bình an để các môn đệ đừng xao xuyến cũng đừng lo âu và sợ hãi, vì Người ra đi rồi sẽ đến cùng và ở với các ông. Người còn nói điều này chỉ xẩy ra cho các ông nếu họ yêu mến Người. Vì thế, Đức Giêsu khuyên các ông hãy giữ mối tình thắm thiết với Người. Đối với Chúa, không có chuyện “xa mặt cách lòng” như chúng ta.

Thật vậy, Đức Giê-su biết rằng giờ ra đi của Người đã đến. Việc Người ra đi để đón nhận cái chết có thể được coi như một cuộc chiến thắng của quyền lực bóng tối, chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng thật ra đây là dịp để tình yêu của Thiên Chúa được bộc lộ trọn vẹn nơi sự vâng phục của Đức Giê-su. Vì thế, trước khi nói những lời trăn trối này, Đức Giê-su đã khẳng định rằng giờ Người rời bỏ thế gian là giờ mà Thiên Chúa muốn dùng để diễn tả tình yêu cao siêu của Ngài dành cho thế gian mà Ngài vẫn yêu thương họ đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả qua việc rửa chân cho các môn đệ. Và Người truyền cho họ hãy noi gương Thầy, học theo cách thức yêu thương của Thầy đối với Chúa Cha.

Qua lối sống yêu thương, chúng ta làm cho Lời Chúa phán “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” được ứng nghiệm. Có nghĩa là, kể từ nay, yêu mến là dấu chứng, là ấn tích về sự hiện diện của Thiên Chúa. Người đến và ở lại với ai yêu mến Thầy.

Lời Chúa nói thật đơn sơ. Không chau chuốt, không phức tạp, không cầu kỳ. Đó là những điều mà chúng ta có kinh nghiệm trong cuộc sống. Khi bạn đã yêu thì chỉ muốn nghe người yêu mình nói chuyện hay ít nhất là được nghe người ta nói về người mình yêu. Mức độ cảm xúc của con tim bạn tùy thuộc vào mức độ yêu thương mà chúng ta dành cho nhau.

Trong thân phận con người mà chúng ta còn hành xử được với nhau như thế, phương chi mối tình của mình với Chúa. Người hết mực yêu thương chúng ta thì việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa là việc chính đáng và phải đạo. Và hiệu quả của việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa sẽ yêu mến chúng ta.

Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa và Đức Giê-su sẽ đến và ở lại với người ấy. Đây không chỉ là lời hứa về sự hiện diện mà thôi, đó còn là cách thức chúng ta cần làm để cho Lời của Chúa phán hôm nay được ứng nghiệm.

Sự hiện diện ấy, người tín hữu phải có bổn phận làm lan tỏa cho những người chung quanh nhận biết bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là ở lại trong Người, sống với Người, sống bằng chính sức sống của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến để tiếp tục dậy bảo và nhắc lại mọi điều mà Đức Giê-su đã nói hôm nay.

Chúng ta không thể cho đi điều mình không có. Chúng ta không thể thuyết phục người khác sống yêu thương trong khi mình lại hay giận ghét. Làm thế nào chúng ta chứng tỏ sự hiện diện của Chúa là tình yêu trong khi chúng ta không biết thương nhau. Nói chung, người môn đệ của Chúa sẽ không còn là chứng nhân nếu cuộc sống của họ thiếu chứng từ. Hôm nay, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là tuân giữ các giới răn của Người, tức là yêu thương nhau.

Theo tương truyền, anh chị em tín hữu tiên khởi đã làm cho những người chưa biết Chúa phải ngạc nhiên về lối sống của họ mà phải thốt lên rằng: “Kìa xem họ yêu thương và săn sóc nhau dường nào!” Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay là phải có lối sống như thế nào để sự hiện diện của Chúa không chỉ giới hạn trong các nghi thức phụng vụ hay các sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện trước tiên bằng chính cuộc sống của chúng ta.

Lời đáp trả của vị tu sĩ già năm xưa: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà chúng tôi đã cầu nguyện để được ở lại trong bàn tay yêu thương của Chúa. Và chúng tôi cũng cầu nguyện cho các ông được Chúa yêu thương nữa.” cần được ứng dụng trong cuộc sống yêu thương của chúng ta.

Vì thế, uớc gì qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn được Chúa yêu thương, và sẵn sàng đáp trả tình yêu của Chúa bằng cách lưu lại trong bàn tay và trái tim yêu thương của Ngườiquyết tâm thương yêu nhau để người ta nhận ra chúng ta là môn đệ của Người. Amen. Alleluia!

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU

 

Bài Tin Mừng hôm nay, tuy vỏn vẹn chỉ có bốn câu, nhưng chất chứa một sứ điệp thật quan trọng.

Trong hai câu đầu, Thánh sử trình bầy việc ra đi của Giu-đa. Hành động này của ông báo hiệu giờ của đêm tối đã đến. Vẫn biết rằng, tự bản chất, sứ vụ và nội dung các lời giảng dậy của Đức Giê-su đã gây ra nhiều cuộc tranh luận và đã tạo nên một làn sóng xung đột vô cùng căng thẳng với hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, nói riêng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Việc Người bị giao nộp là chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra. Nhưng đối với Thiên Chúa thì việc làm của Giu-đa hôm nay lại là cơ hội để Đức Giê-su làm trọn vai trò của Người. Do đó, một cách nào đó chúng ta có thể nhìn việc ra đi của ông giống như hình ảnh của bóng tối. Một khi bóng tối khuất đi thì ánh sáng sẽ xuất hiện.

Đức Giê-su không để cho hành động của Giu-đa ảnh hưởng trên sứ mạng của Người. Người biết sẽ phải làm gì. Người nói “giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Hành vi nộp Người của Giu-đa lại biến thành giờ để Đức Giê-su thực hiện và sống ơn gọi của Người một cách trọn vẹn nhất. Qua đó, Chúa được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi việc Chúa bị treo lên. Treo lên để được tôn vinh. Kể từ giờ Con Người bị treo lên thì mọi gối đều phải quì xuống bái lậy mà tôn vinh Người. Cả cuộc đời của Người, bao gồm mọi khoảnh khắc trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su luôn hướng về giờ mà Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. 

Và hôm nay trong giây phút thân tình với các môn đệ, Người đã tâm sự cho các ông biết ý nghĩa về việc được tôn vinh trong vâng phục của Người. Đức Giê-su cảm thấy bị xúc động khi Người phải từ giã các ông. Người trăn trối cho các môn đệ những điều mà Người đã ưu tư, ôm ấp và khát khao thực hiện.

Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Điều Thầy ban cho các môn đệ đêm nay vô cùng quan trọng.

Trước tiên, Thầy không chỉ truyền lịnh. Nhưng Thầy đã trao cho những người bạn thiết nghĩa của Thầy chính cử chỉ và hành động mà Thầy đã thực hiện trong một bữa ăn, Những lời tâm sự của Thầy nằm trong bối cảnh của bữa tiệc ly, trong bữa ăn đó “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Gio-an 13: 4-5) Hành động của Thầy khiến cho họ ngạc nhiên, nên Người đã giải thích “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gio-an 13: 13-14)

Kế đến, đó là lịnh truyền, giới răn, mệnh lệnh của Thầy yêu cầu. Điều Thầy truyền hôm nay vô cùng mới mẻ. Nó khác với cách hành xử mà con người dành cho nhau. Vẫn biết rằng, đạo nào cũng dậy con người làm lành tránh dữ và yêu thương nhau. Nhưng, điều đặc sắc và mới mẻ mà Đức Giê-su tỏ bầy hôm nay, đó là yêu người như Chúa yêu. Đức Giê-su gọi việc làm đó là giới răn, điều luật để trở nên thành viên cho một nhóm; có nghĩa là từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, bằng chứng, bản chất và danh xưng của những người thuộc về nhóm mà người ta gọi là nhóm môn đệ được Chúa yêu thương.

Như vậy, yêu thương là bổn phận và là dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương theo mẫu mực của Chúa. Yêu thương như Chúa đã làm là quì xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Rửa chân không nhằm nói đến việc tự hạ cho bằng đó là dịp để Chúa sống trọn vẹn ơn gọi mà Người đã lãnh nhận từ Cha; và trao ban cho các môn đệ. Những việc làm này là bổn phận của mỗi Kitô hữu, môn đệ của Chúa.

Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã đi. Đó không chỉ bao gồm những điều phải tin, và cũng không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng là con đường yêu thương. Vì thế, cách sống đạo đích thật mà chúng ta cần thực hiện là hãy trao ban và đón nhận tình yêu như cách thức của Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết mục tiêu và đối tượng để giãi bầy tình yêu; bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ và nằm trong nhiều cảnh huống khác nhau. Nhưng, tất cả đều có một mẫu số chung, đó là nếu muốn thể hiện tình yêu thì chúng ta cần từ bỏ tháp ngà, ý riêng của chính bản thân, ra đi để gặp gỡ họ.

Họ là ai? Họ là anh, là chị hoặc tôi, những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu, phố chơ, v.v… Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về, săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua viêc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy. 

Trong tình yêu không còn phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hoà hợp trong một tổng thể duy nhất của lòng yêu thương, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, tỵ hiềm hay chia rẽ; chỉ còn hiệp thông, tha thứ và bình an.

Nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn sống theo tiêu chuẩn lấy lòng mình làm thước đo. Ai tốt với mình thì mình tốt lại. Chúng ta chưa dám dấn thân, cho đi trọn vẹn! Thật ra, việc dấn thân ra đi phục vụ trong yêu thương như mẫu mực của Chúa có tính cách của một sự tái sinh, trở về với Chúa và đổi mới cuộc đời. Và qua việc yêu thương nhau như Chúa yêu, chúng ta dễ dàng gặp Chúa hơn, một cuộc gặp gỡ thân mật để ta được tham gia vào sự sống của Chúa, được trở nên thành viên của cộng đoàn môn đệ mà Chúa yêu mến. Amen!