Thursday, 27 September 2018

CÙNG GIÚP NHAU SỐNG TỐT LÀNH



Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã không mấy hài lòng trước lối suy nghĩ ích kỷ, thái độ hẹp hòi và tinh thần phe phái của các môn đệ. Chúng ta hẳn còn nhớ đến bài học phục vụ trong thân phận của người tôi tớ mà Đức Giê-su đã dậy họ trong bài Phúc Âm tuần vừa qua. Người yêu cầu các ông phải trở thành tôi tớ cho mọi người, không phân biệt bạn hay thù, lương hay giáo, đồng đạo hay khác đạo.

Thế mà, chúng ta thấy thái độ và cách cư xử thật hẹp hòi của họ, mà người lên tiếng với Đức Giê-su hôm nay lại là môn đệ mà Người yêu mến nhất. Gio-an đã phân bua với Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con muốn ngăn cản anh ta, vì anh ta không theo chúng ta.” Đối với Gio-an, chỉ có những ai thuộc về nhóm ‘chúng ta’ thì mới được nhân danh Chúa để làm một việc gì đó như trừ ma bắt quỉ. Nhưng, đối với Đức Giê-su thì khác. Ai không chống Người là ủng hộ Người.

Chúng ta nên nhớ rằng còn rất nhiều người sống tốt lành, sống thiện hảo; họ có nhiều đức tính và việc làm hơn mình mà không thuộc về phe nhóm hay cùng chung chia một niềm tin với mình. Thiên Chúa không bị ràng buộc hay bị trói bởi suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ và đầy tính độc tôn của phe chúng mình, cho dù đôi lúc trong quá khứ chúng mình tự nhận rằng mình mang tính chính thống. Không một ai có quyền nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ thuộc về họ và phe phái họ mà thôi. Lối suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi và độc tôn này không phải là tinh thần của Tin Mừng.

Chúng ta bằng cuộc sống có thể làm chứng về sự hiện diện của Chúa cho người khác; nhưng chúng ta không thê nắm giữ hay tạo một Đức Chúa và bắt người khác phải thần phục. Thiên Chúa đã hiện diện trong mọi nền văn hoá, trong các lối sống trước khi chúng ta đến với họ. Bổn phận của mình là khơi dậy cho những người không cùng nhóm với mình nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ.

Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những chuỗi ngày đau thương và buồn thảm đến nổi đã xẩy ra cuộc Thánh Chiến để bảo vệ ngôi vị độc tôn của mình. Thậm chí còn có những hình phạt dành cho những ai nói hay tuyên xưng một đạo lý khác với ý của Giáo Hội. Những sai lầm trong việc nhận thức kéo theo các hành động tiêu diệt nhau đã xẩy ra trong lòng Giáo Hội cũng là việc dễ hiểu. Bởi vì, trong thân phận của con người, chúng ta luôn bị cám dỗ và áp đặt cho Thiên Chúa lối suy nghĩ hẹp hòi và thiển cận của chính mình, và quên đi Lời Chúa đã phán ‘tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi.”.

Nói đâu xa, cứ nhìn lại lối suy nghĩ và cách hành xử của các nhà truyền giáo về việc tôn kính tổ tiên của chúng ta thì thấy! Nếu các nhà truyền giáo tôn trọng và nhìn ra việc tôn kính tổ tiên của chúng ta như là một cách thức mà Thiên Chúa Mạc Khải để mời gọi chúng ta phải hiếu thảo với Cha Mẹ thì việc rao giảng về Thiên Chúa còn hiệu quả biết chừng nào. Tuy nhiên chúng ta cũng không quên gương sáng, lòng hy sinh trong việc từ bỏ để dấn thân trong công việc mở mang Nước Chúa của các Ngài. Thiên Chúa làm việc trong các nỗi bất toàn của chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mới. Giai đọan mà Giáo Hội không còn quyền độc tôn. Ngày nay, qua những biến cố đã và đang xẩy ra trong lòng Hội Thánh khiến cho chúng ta nhận ra vị trí của mình rõ hơn. Không còn việc bao che, bảo vệ cho các lỗi lầm của nhau. Cách hành xử trong Giáo Hội đòi hỏi sự trong sáng. Nhận ra Thập Giá của chính mình, từ đó chúng ta không còn thái độ coi thường những người chung quanh, không có lối suy nghĩ khinh miệt các tôn giáo khác. Chúng ta tôn trọng và dành cho họ niềm quý mến trong việc đối thoại để cùng nhau xây dựng môi trường mà chúng ta đang sống được tốt đẹp hơn. Chân lý là gia tài chung. Chúng ta cùng nhau xây dựng và đi tìm chân lý đó. Thực tế cho chúng ta nhận ra rằng: những hành vi và lối sống tốt đẹp không chỉ xuất hiện trong cộng đoàn của những kẻ tin mà còn được thể hiện trong cuộc sống của nhiều người khác nữa.

Sau khi nhắc nhở cho các môn đệ nhớ rằng Thiên Chúa thuộc về mọi người. Không một ai hay bất kỳ một phe nhóm nào được phép giữ Ngài làm của riêng cho họ hay phe của họ. Trong phần kế tiếp, Đức Giê-su cảnh báo họ rằng mầm móng sinh ra gương xấu, các hành vi dẫn đến sự tội không bị xâm nhập từ bên ngoài, nhưng nó lại xẩy ra từ bên trong cộng đoàn, do các người lãnh đạo. Họ là những người cầm cán cân công lý, tự nhận mình là người trưởng thành. Thế mà thay vì làm gương sáng, họ lại có những hành vi xấu ảnh hưởng trên cuộc sống của những kẻ bé mọn, những người yêú đuối thì quả thật giống như tội ác giết những người này vậy. Những kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là trẻ con, ngây thơ, yếu đuối, những ai yếu đức tin, những người cô thân tất bạt, không có ai bảo vệ. Và, nếu những người lãnh đạo mà làm cớ cho họ vấp phạm thì “thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà ném xuống biển còn hơn”

Điều mà Đức Giê-su nói với các Tông đồ “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” không có ý ám chỉ hay thúc dục chúng ta vi phạm tội ác giết người, cho bằng đó là kiểu nói nhấn mạnh. Hình thức nói như thế có thể hiểu là một khi chúng ta làm gương mù gương xấu, dẫn đưa người khác đến sự tội thì chẳng thà giết chết họ cho xong.

Trên thực tế, không một cộng đoàn nào mà không có người xấu. Không một tập thể hay cá nhân nào hoàn toàn thánh thiện. Hãy nhìn chung vào hoàn cảnh của thế giới. Nếu trên thế giới này chỉ bao gồm những người đạo đức, những người công chính; và nếu sự tội đã hoàn toàn bị bẻ gẫy thì Mầu nhiệm nhập thể và ơn cứu độ của Đức Giê-su còn có ý nghĩa gì. Lịch sử nhân loại vẫn còn bị dầy vò và đầy dẫy những hiện tượng khiến con người bị giằng co bởi hai mặt thiện và ác.

Tất cả những gì mà chúng ta biết được, ngay cả niềm tin của mình không khiến cho chúng ta sống biệt lập, sống tách biệt với thế giới này. Trái lại, đó là những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban. Chúng ta lĩnh nhận và biết rằng phải làm giầu có gia tài hồng ân đó. Đó là bổn phận và trách nhiệm của những kẻ tin đối với xã hội mà chúng ta là thành viên.

Vì thế, mang trong mình sức sống của Đức Kitô, chúng ta hãy lắng tai để nghe, hãy mở mắt mà nhận ra sự hiện diện và tiếng nói của Chúa nơi những người chung quanh; cho dù họ chưa thuộc về nhóm mình; nhưng điều quan trọng là chúng ta nhận ra Chúa đang hiện diện trong lối sống của họ. Trên hết mọi sự, chúng ta không được phép thất vọng. Nhân loại vẫn đang chờ đợi lối sống quảng đại, cái nhìn bao dung, cuộc sống đầy gương sáng, con tim chan chứa tình yêu thương và lòng thương xót của chúng ta. Hãy dùng cuộc sống của mình như lời rao giảng minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy giúp nhau sống tốt và đừng cản trở sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi người khác. Amen!


Friday, 21 September 2018

PHỤC VỤ: NGUỒN VUI VÀ LẼ SỐNG



Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Trước khi suy niệm bài Tin Mừng của Chúa nhật này, chúng ta cùng nhau dành một vài phút để suy tư về thân phận của mình. Ai trong chúng ta cũng được sinh ra để yêu thương, để nối kết và sống cho nhau. Đó là một sự thật hiển nhiên. Vì vậy chúng ta cần nối kết với nhau, cùng nhau xây dựng các mối dây tương quan như liên hệ vợ chồng, con cái, anh em, đồng nghiệp, đồng bào, v.v… Và trong tiến trình xây dựng các mối tương quan dựa trên nền tảng yêu thương này chúng ta cần trao cho nhau những gì đã được ban tặng. Có nghĩa là chúng ta phải tập sống từ bỏ, sống hy sinh cho nhau. Bởi vì qua các cử chỉ đó, chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa đích thật cho cuộc sống mình. Nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta nên nhắc đi nhắc lại cho nhau cùng nhớ, đó là trước khi chúng ta thuộc về nhau thì chúng ta thuộc về Thiên Chúa trước.

Như vậy, việc thiết lập tuơng quan giữa chúng ta với nhau là hậu quả của mối liên hệ giao ước của Chúa và ta. Chính Chúa là nguồn gốc, là sức mạnh và là cùng đích giúp chúng ta hoàn thành các mối liên hệ với nhau một cách hoàn hảo hơn. Nhưng trên thực tế, chúng ta dễ dàng nói yêu Chúa, nhưng yêu thương bằng hành động thì rất khó. Hãy nhớ lại Lời Chúa qua ngòi bút của Thánh Gio-an như sau: “Nếu ai nói, Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (Gio-an 4:20)

Vấn đề yêu và ghét cũng phức tạp, không đơn giản như thế. Tôi xin chia sẻ với anh chị em rằng, tự trong thâm tâm nào tôi có dám ghét ai; bởi vì ghét họ cũng chẳng đem lại điều gì bổ ích cho tôi. Trái lại một khi ghét họ là lúc làm cho bản thân tôi bực mình trước. Ai lại đi mua lấy sự buồn phiền cho mình! Nhưng thương anh nọ và chị kia sao mà khó thế! Đây là điều tôi nói thật. Căn cứ trên kinh nghiệm bản thân, điều làm tôi đau khổ không phải là thương ai hay ghét ai. Nhưng chính sự lạnh lùng mà chúng ta hay gọi là ‘chiến tranh lạnh’ lại là nguyên nhân khiến cho chúng ta đau khổ nhất.

Anh chị em mến,

Khi nói đến tương quan, thì chúng ta nghĩ ngay đến cộng đoàn. Một cộng đoàn dù nhỏ bé như gia đình hoặc rộng lớn như Giáo hội hay thế giới sẽ là tòa nhà hạnh phúc nếu tất cả các thành viên đều biết sống cho nhau. Trái lại, nếu họ chỉ nghĩ và sống cho quyền lợi riêng, thì không cần đi tìm ‘hỏa ngục’ đâu xa nữa; nó hiện diện ngay trong môi trường và lối sống ích kỷ mà chúng ta đang dành cho nhau đó. Vì thế, cũng chẳng ngạc nhiên khi nhìn thấy những va chạm, bất hòa hay đổ vỡ tại các cộng đoàn có lối sống như thế. Một điều đáng buồn là chúng ta lại quá dễ dàng chạy theo và tán đồng với lối sống đó. Nó như cơn bịnh ung thư, cứ thế lan rộng và ăn dần vào từng bộ phận và giết dần giết mòn các chức năng khác của thân thể.

Những nguyên nhân gây ra tình trạng chia rẽ trong cộng đoàn thì nhiều, và thật đáng buồn khi chúng ta nhận ra mầm mống của sự chia rẽ lại xuất phát từ hàng ngũ lãnh đạo. Có lẽ, về mặt tự nhiên chúng ta cũng thấy một điều là, chỉ những ai có quyền mới sợ mất quyền rồi tự động họ sẽ dùng mọi phương tiện để bảo vệ quyền. Đối với họ đó là thứ quyền lực nên phải dùng lực để giữ. Do đó, việc va chạm và đổ vỡ sớm hay muộn cũng sẽ xẩy ra.

Trong Tin Mừng, chúng ta đã được biết lời yêu cầu của Gio-an và Gia-cô-bê: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả của thầy, khi Thầy đuợc vinh quang.” (Mk 10:37). Tham vọng quyền bính đã khiến các ông nhìn sai mục tiêu và sứ vụ của Đức Giê-su. Các ông vẫn tưởng rằng Đức Giê-su đến để khôi phục vương quyền Israel (Cvtd 1:6). Và một khi vương quyền đã được khôi phục, thì các ông cũng được chia chác quyền lực. Các tông đồ kia cũng có tham vọng như thế, nhưng không ‘bon chen’ và ‘nhanh miệng’ bằng hai anh em ông Gio-an, vì thế đâm ra tức tối (Mk: 10:41). Đây là một trong những nguyên nhân trọng đại khiến cộng đòan - dù nhỏ bé như gia đình, hay rộng như Giáo hội - bị chia rẽ và phân tán.

Anh chị em đều có kinh nghiệm này: Gia đình ít khi bị đổ vỡ vì con cái, chúng có thể là nguyên nhân gây ra sự bất đồng trong việc giáo dục. Nhưng nguyên nhân chính yếu thường xẩy ra bởi cha mẹ. Thay vì dùng khả năng, ân phúc để xây dựng và phục vụ lẫn nhau, chúng ta trong nhiệm vụ là người phối ngẫu, nương tựa và cùng giúp nhau chu toàn nghĩa vụ được trao ban; trái lại chúng ta lạm dụng quyền lực để áp bức và thống trị nhau. Thậm chí đã có những tình huống bạo lực xẩy ra trong gia đình. Chỉ vì không ai chịu thua ai. Ai cũng dành phần thắng, phần nhất về cho mình.

Nói tới đây, tôi nhớ lại những lời khuyên của các bậc trưởng thượng, trải qua bao thử thách để chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình của họ. Họ nói rằng, nhận thua là nghệ thuật sống chung trong gia đình. Khi bạn thua là lúc bạn thắng. Thắng chính mình để sống cho người khác hầu đem lại bầu khí an vui và hạnh phúc cho gia đình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nào loại bỏ các khuynh hướng xấu đang lan tràn và ảnh hưởng trong cuộc sống của chúng ta, đó là lối sống muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước. Trước hoàn cảnh đó, đặc biệt để giải quyết các tranh cãi của các Tông đồ hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra một giải pháp luôn luôn mới lạ và vô cùng hiệu quả nếu chúng ta biết áp dụng, đó là “ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Không chỉ có thế, sau đó Người đem một em nhỏ đến và đặt cháu đứng giữa các môn đệ, rồi ôm lấy cháu rồi nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy.”

Như anh chị em đã biết, vào thời Đức Giê-su, người Do Thái không coi trọng phụ nữ và trẻ con như chúng ta ngày nay. Đối với họ thì hai hạng người này bị coi là không đáng kể, là thành phần không có chỗ đứng trong xã hội.

Kính thưa anh chị em,

Đối với Đức Giê-su thì khác, khi đem em nhỏ đến và đặt giữa các ông là lúc Người muốn căn dặn các ông và chúng ta rằng: em nhỏ này là hình ảnh tượng trưng cho những người thấp cổ bé miệng, nghèo hèn, bị coi thường và không có tiếng nói về mặt đạo cũng như mặt đời. Thậm chí phải chờ đến lúc trẻ em lên 12 tuổi mới đuợc tham dự các nghi thức phụng vụ tại Đền Thờ. Như vậy, qua cử chỉ đón tiếp thật ân cần mà Đức Giê-su dành cho em bé hôm nay, Người muốn dậy các ông bài học quan tâm và đón tiếp nhau. Vì không ai trong chúng ta là người giầu có hết. Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là người nghèo. Đón tiếp họ không phải là một hành vi bố thí về thân phận của họ bị coi thường, cho bằng chúng ta nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa nơi những người đó. Vì thế, khi chúng ta đón tiếp, yêu thương và giúp đỡ những người như thế là giúp đỡ và yêu thương chính Chúa.

Hơn thế nữa, cử chỉ khi Đức Giêsu ôm em nhỏ vào lòng là lúc Người biểu lộ lòng quí mến, yêu thương và tiếp nhận. Tiếp nhận một em nhỏ như thế chắc chắn không phải để em nhỏ đó phục dịch mình, nhưng là cơ hội mà Người muốn dậy cho các môn đệ bài học phục vụ. Hãy nhớ lại Lời Người đã nói “ai phục vụ ta thì hãy theo Ta”. Chúng ta đã là môn đệ của Người, vì thế chúng ta không còn chọn lựa nào khác hơn là chọn lối sống phục vụ. Đó chính là lẽ sống và niềm vui cho cuộc sống dấn thân.

Như vậy, điều Chúa nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải là người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” quá rõ ràng. Có nghĩa là ai muốn làm lớn phải làm người phục vụ trước. Phục vụ là chìa khóa, là nguyên tắc của quyền lãnh đạo. Uy quyền có được trao ban cũng là do Thiên Chúa. Địa vị, quyền cao chức trọng cốt để phục vụ mọi người, chứ không phải để xa lìa con người; như Chúa phán: "Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ". Chính Chúa mới là ông chủ; còn tất cả chúng ta chỉ là những người thừa hành. Thế mà ông chủ lại hạ mình xuống để rửa chân cho các môn đệ, còn những kẻ thừa hành lại bắt người ta rửa chân cho mình. Thật thê thảm, những kẻ thừa hành lại chiếm quyền ông chủ. Gương Chúa Giêsu còn đó. Lời nói và việc làm của Ngài là một. Ngài không bao giờ dậy một đàng làm một nẻo.

Cũng vậy, sứ điệp phục vụ mà Chúa mời gọi qua bài Tin Mừng hôm nay cũng là sự cho đi tận cùng, cho đi tất cả, ban phát hết cuộc sống của chúng ta cho Chúa và cho tha nhân. Đến lúc đó chúng ta cũng hãnh diện để tuyên xưng như thánh Phao-lô đã tuyên xưng; “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Ki-tô, Chúa sống trong tôi. Hiện tại tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Galat 2: 20-21). Nói cách khác, cuộc sống của những kẻ có niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh cũng là cuộc sống phục vụ, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì ích lợi của người khác. Amen!

Wednesday, 12 September 2018

THẦY LÀ AI?




Thật là vui mừng và hân hoan khi đến tham dự Thánh Lễ truyền chức linh mục cho người bạn trẻ thuộc Dòng Thánh Tâm, vào sáng thứ Bẩy, ngày 08.09.2018 vừa qua. Trong phần cảm ơn, tôi ghi nhận được một điều, xem ra vô cùng tâm đắc đối với cha. Đó là việc ngài không coi trọng chức vụ. Theo quan niệm sống của ngài thì phục vụ là chính, phục vụ trong mọi phẩm trật, phục vụ trong mọi nơi và mọi lúc.

Niềm ước mơ ngày nào, nay đã thành sự thật. Cha còn trẻ, rất trẻ so với những người già như anh em chúng tôi. Vì thế, ngài sẽ còn rất nhiều thời gian và sức mạnh để thực hiện hoài bão và mơ ước này. Chúc cha đủ năng lực, can đảm rồi hoàn thành những gì mà cha đã tin tưởng và khấn xin.

Đến phần kinh cầu các Thánh, nhìn thấy cha mới nằm phủ phục và úp mặt xuống nền nhà thờ, lòng tôi vô cùng xúc động; hồi tưởng và nhớ lại việc mình, quí linh mục và tu sĩ đã thực hiện nhiều năm trước đây. Giây phút thật long trọng. Giọng hát của ca xướng viên (cantor) và lời đáp của cộng đoàn hoà quyện vào với nhau như những làn hương bay vút lên trời cao. Trong giây phút đó, tôi xác tín có một sự hiệp thông của Hội Thánh giữa chúng ta và các thế hệ đã đi trước. Mọi người, kẻ trước người sau, đều hiện diện; tuy không nói ra thành tiếng, nhưng tất cả đều sẵn sàng hỗ trợ cho tân chức chu toàn nhiệm vụ được trao ban.

Nghi thức diễn ra thật tốt đẹp và ý nghĩa thật sâu lắng; nhưng vẫn chỉ là nghi thức. Giây phút lắng đọng rồi sẽ qua đi để nhường chỗ cho các hành động của cuộc sống. Chúng ta, đặc biệt cha mới cần dùng cả cuộc sống, kinh qua các thăng trầm, đối diện với muôn ngàn thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài, để hoàn thành tâm nguyện và ước vọng mà chúng ta được sai đi.

Miên man trong tư duy về thân phận của linh mục trong một giai đoạn mới, tôi nhớ lại một trong các nguyên nhân đã thúc đẩy việc tìm kiếm ơn gọi của mình. Đó là một trong nhiều ước mơ khi còn trẻ, hăng say và đầy nhiệt huyết. Ước mơ của tôi là muốn làm vài việc hầu giúp cho cộng đoàn giáo xứ nơi mình sinh sống được thay đổi.

Giờ này, ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngu ngơ khi có ý tưởng ngộ nghĩnh này. Nhưng, nếu được đi trở lại và với bối cảnh của những ngày đầu tiên trong hành trình tìm kiếm ơn gọi thì quả thật những việc làm trong thời gian đó thật có ích. Nó đã giúp đỡ và hâm nóng ý chí trong hành trình tìm kiếm của tôi rất mạnh. Suy nghĩ của tôi tuy đơn giản và rất chủ quan như: Nếu được huấn luyện, với ơn Chúa và sự cộng tác của cộng đoàn giáo xứ… thì mình có thể làm được?

Sau khi đã trải qua gần hai phần ba hành trình của đời người, với mọi nỗ lực và cố gắng, đối diện và nhiều lần đã ngã gục trước các thử thách… tôi nhận ra rằng mình chưa làm được gì hết… Vẫn như ngày đầu tiên… Tâm nguyện vẫn còn… Nhưng lực bất tòng tâm và đèn trong người cũng sắp cạn hết dầu … Tôi vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘Thầy là ai?’ Cho dù câu trả lời vẫn chưa rõ nét. Nhưng, tất cả đều là hồng ân. Qua từng giai đoạn của cuộc sống, Chúa xử dụng hết, miễn là mình sẵn lòng.

Từ những nhận xét và trải nghiệm của bản thân, tôi đọc lại trình thuật Tin Mừng. Hôm nay, Đức Giêsu đặt vấn nạn cho các tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phê-rô, với bản tính bộc trực, nghĩ sao nói vậy, đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô.” Thánh nhân có biết mình đã nói gì hay không? Hay lại giống như lúc ngài ở trên núi Hiển Dung, khi được diễm phúc nhìn thấy vinh quang sáng láng của Thầy, Phêrô đã xin Chúa điều mà chính ông không biết mình đã nói gì.

Ở đây cũng vậy. Số là sau phần tuyên tín của Phê-rô là lúc Đức Giêsu bộc lộ con đường mà Con Thiên Chúa phải đi thì ông lại ngăn cản Người. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hoàn toàn sai với ý định của Thiên Chúa, cho nên đã bị Chúa khiển trách "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Không chỉ có thế, trên đường thương khó Phêrô đã chối Thầy đến ba lần… Tuy nhiên, Phêrô cũng là người đã bộc lộ tình yêu và lòng mến dành cho Thầy… Thánh nhân cũng có nhiều tài năng để trở thành một môn đồ tốt, Ngài thẳng thắn, tự tin, chăm chỉ, không che đậy, không tính tóan hơn thiệt giống như các bạn của ông tìm cách để tìm kiếm địa vị cao hơn…  và nhất là lúc nào cũng muốn và trở thành một người bạn thiết nghĩa với Thầy mình. Chính vì thế mà Chúa lại tín nhiệm ông. Nói khác đi, vì nhận ra mình là người còn đầy khiếm khuyết và tội lỗi nên Phê-rô quyết tâm lệ thuộc vào Chúa. Đối với Phê-rô, Chúa làm chủ đời ông.

Thưa anh chị em,

Còn anh chị em nói Thầy là ai?

Chúng ta có thể có muôn vàn câu trả lời dựa trên sách vở và kiến thức về Đức Giêsu; nhưng tất cả những câu trả lời đó sẽ đem lại gì cho chúng ta! Hãy nhìn lại cuộc sống của mình.

Có thật chúng ta tin nhận Người là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ và mở lối chỉ đường cho chúng ta về với Cha hay không? Và, nếu chúng ta đã hãnh diện tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa thì trong cuộc sống chúng ta đã đầu phục vị Chúa đó hay là vẫn dùng Người như là khí cụ để phục vụ tham vọng của mình?  Niềm tin và cuộc sống của những ai tin vào Chúa phải là một. Không thể nào miệng tuyên xưng một đường, rồi chọn lối sống theo ngã khác. Chúng ta cứ làm như đời và đạo vẫn là hai mặt tách biệt của cuộc sống, không gắn bó và ăn nhập gì với nhau.

Vậy, Đức Giêsu là ai?

Tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải là việc dễ dàng. Có thể, trong suốt cuộc sống chúng ta cũng chỉ thấy mờ mờ mà thôi. Câu chuyện sau, xẩy ra mọi nơi, có thể giúp chúng ta phần nào. Truyện kể như sau:

Trong một lớp giáo lý, dựa vào bài Tin Mừng hôm nay, ma-sơ mới hỏi các em: Còn các con nói Đức Giêsu là ai? Cả lớp nhao nhao, có cháu nói Người là Thiên Chúa, cháu khác lại nói là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa… v.v. Gom chung lại thì các cháu nói đúng như văn bản mà chúng ta tuyên xưng với nhau trong các Thánh Lễ Chúa Nhật: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.…”

Ma-sơ để ý thấy một bé trai ngồi ở góc lớp, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ, đăm đăm như có chuyện gì khó giải quyết. Sơ đến gần, chăm chú nhìn cháu rồi một lần nữa nhắc lại câu hỏi. Cháu thẫn thờ trả lời: Thưa sơ, con không biết! Con chỉ biết là hiện nay em con đang bị ốm, trong nhà không có tiền để mua thuốc. Ba con đóng quân ở một vùng rất xa. Mẹ đang chạy ngược chạy xuôi ngoài chợ… Nếu Đức Giêsu là Chúa thì sao Người không săn sóc cho em con.

Ma-sơ và cả lớp ngạc nhiên trước câu trả lời của bạn mình. Chẳng ai biết làm gì! Sau cùng, bà sơ nhà ta lấy ra một túi nhỏ, tự mình bỏ vào đó vâi đồng cắc và chuyền túi đó cho cả lớp… rồi trao cho em để mua thuốc cho em mình.

Qua hành động và chứng từ như thế, chúng ta sẽ làm chứng Đức Giêsu là ai, không chỉ bằng lời nói, cho dù đó là bản tuyên xưng của Hội Thánh; nhưng đó chính là những trải nghiệm của cuộc sống. Người đến để mời gọi chúng ta hy sinh, quan tâm, yêu thương và thỏa mãn các nhu cầu của nhau.

Nói đến hy sinh là phải nhớ đến từ bỏ. Đây không phải là việc làm dễ dàng. Từ bỏ một nết xấu, thói quen đã khó. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su còn đòi hỏi chúng ta bị loại bỏ vì yêu con đường từ bỏ hy sinh của Thầy Giê-su nữa.

Ai trong chúng ta có thể làm đuợc điều đó! Chúa mới là cội nguồn của sự việc. Chúa làm trong chúng ta. Chúa không làm thay vì Người đã ban và muốn dùng chúng ta như những khí cụ để thể hiện uy quyền của Người, không chỉ trong Hội Thánh Công giáo mà cho mọi người.

Đúng thế, người tín hữu, dù được gọi sống trong bậc nào, âm thầm nhỏ bé như hạt cải văng vãi ở một góc nào trong xứ đạo, đứng đầu một địa phận hay sống ở một vị thế cao hơn thế nữa, v.v… Cuộc sống của người môn đệ phải là mục tiêu cho những người chung quanh đặt vấn đề và họ phải tìm kiếm câu trả lời. Có nghĩa là, cuộc sống của chúng ta, bao gồm từ lời nói đến việc làm, sẽ là một câu hỏi cho những người chung quanh. Họ phải tìm hiểu xem chân tướng của chúng ta là ai? Và, câu hỏi này càng quan trọng và khẩn thiết hơn khi chúng ta đang phải đối diện với bao khó khăn trong lòng Hội Thánh xuất phát từ các hành vi của một vài vị lãnh đạo đã làm tổn hại đến uy quyền của Đức Giê-su.

Cầu xin cho chúng ta biết dùng cả cuộc sống để đáp trả lời mời gọi của Đức Giê-su: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Amen!


Friday, 7 September 2018

‘ÉP-PHA-THA’ HÃY MỞ RA ĐỂ CHÚA SỬA DẬY!




Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su đã chữa cho một người vừa bị câm lại bị điếc được khỏi bịnh. Người không chỉ phục hồi về  mặt thể lý mà còn giúp ông ta nối kết và giao tiếp với các thành viên khác của cộng đoàn nữa.

Việc xẩy ra trong vùng đất của dân ngoại. Chi tiết này nói cho chúng ta nhận ra một điều, đó chính là tính phổ quát của ơn cứu độ. Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho muôn dân. Qua cuộc sống và sứ vụ của Người, Thiên Chúa muốn biểu lộ quyền năng và sự thành tín với Lời Ngài đã hứa mà các ngôn sứ thường xuyên nhắc đến.

Một cách cụ thể, trong bài đọc một hôm nay, Thiên Chúa đã dùng miệng của ngôn sứ Isaia để nhắc lại việc Ngài đã can thiệp khi họ bị lưu đầy bên Ba-by-lon thế nào thì ngày của Đức Mesia, Đấng Cứu Thế đến để giải thoát họ sẽ xẩy ra như Lời Ngài đã hứa. Và đây là các dấu chỉ để báo cho dân biết về ngày đó, ngày khai mạc vương quốc của Thiên Chúa. Ngày mà người điếc được nghe, người câm nói được, người phung hủi được sạch và mọi người ca tụng các kỳ công của Thiên Chúa.

Đối tượng mà sứ điệp của các ngôn sứ nói chung cho tất cả mọi người; nhưng những kẻ khốn cùng, những kẻ tật nguyền, những người đang sống trong hoàn cảnh gần như là tuyệt vọng được quan tâm hơn cả. Họ dường như không có quyền hành gì trên cuộc sống của họ.

Nếu cuộc sống của những ai bị phung cùi đã bị cách ly bởi lề luật thế nào thì người bị câm và điếc hôm nay cũng thế. Vì tình trạng bịnh tật, cuộc sống của ông ta vô hình đã bị ngăn cách với cộng đoàn và những người chung quanh.

Khoa ngôn ngữ học hôm nay đã sáng chế ra một loại ngôn ngữ bằng dấu chỉ (sign language) để giúp những người bị tật nguyền như câm và điếc có thể giao tiếp với người khác. Nhưng thời Đức Giê-su thì không được như vậy. Vì điếc nên họ không thể nghe và không thể cảm thông với người khác. Vì bị câm nên họ không thể nói và không có cách nào khiến người khác hiểu được tâm tư và nguyện vọng của họ. Tình trạng này kéo dài từ ngày nay sang ngày khác, nên sinh ra khó khăn trong việc giao tiếp. Cuối cùng, cả hai phía đều không vượt qua được các khó khăn này, và cuộc sống của họ ngày càng bị cô lập và xa cách với cộng đoàn.

Đức Giêsu đã tỏ ra cảm thông với hoàn cảnh của người câm điếc. Người ra tay phá bỏ bức tường ngăn cách là bệnh câm điếc này cho bệnh nhân. Qua việc làm này, Đức Giê-su đã nối kết người bị câm và điếc với cộng đoàn. Từ đó, ông ta nghe được, nói được và cảm thông được với người khác, và ngược lại, người khác cũng dễ dàng nghe, hiểu và thông cảm với ông ta hơn.

Kính thưa anh chị em,

Như vậy, việc chữa lành hôm nay không chỉ dừng lại chữa bịnh về mặt thể lý, nhưng còn nói lên việc Thiên Chúa tín trung, giữ lời hứa và tái tạo thế giới mới, một thế giới mà trong đó người ta sẽ không còn thấy bất cứ một nỗi lầm than nào; sẽ không còn tật nguyền nhưng đầy sự sống; sẽ không còn đói khát, âu lo và chiến tranh nhưng là hòa bình. Thế giới sẽ tràn đầy niềm vui và hoan lạc. Đó là một thế giới tuyệt vời mà chính Thiên Chúa sẽ đến khai mạc.

Trong ngày đó, những ai tưởng như mình đã chết, đã rã rượi, đã đui mù, đã câm điếc, què quặt và những tật nguyền giống như thế… Tất cả sẽ vùng lên, hân hoan và reo hò vì Đấng cứu độ đã đến và giải thoát họ khỏi tất cả những tật nguyền và hoạn nạn nói trên.

Khi Tin Mừng Mác-cô ghi lại cho chúng ta những điều kỳ diệu của Đức Giê-su như việc làm cho người câm nói được, người mù trông thấy và người điếc nghe được thì có nghĩa là lúc mà những gì đã được loan báo bởi các ngôn sứ, đặc biệt I-sa-ia nay đã được thực hiện. Đức Giê-su, một con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện trước mặt ta. Người không chỉ đứng đó mà nhìn ngắm rồi phán dậy. Người hiện diện một cách thật tích cực. Người hiện diện bằng hành động. Những tật nguyền đã làm cho con người sống trong đau khổ nay được tháo bỏ. Những hàng rào quan niệm khiến cho con người bị cô lập và mất đi mối hiệp thông như nói không ra tiếng, nghe không thấy âm sắc… tất cả được cởi bỏ.

Hôm nay, Đức Giê-su đến để khai mạc thời đại mới. Tuy, bổn phận của chúng ta là Tin vào những gì mà Đức Giêsu đã làm. Nhưng, vấn đề không phải là tìm cách làm cho mình có những quyền phép lạ lùng nhưng phải tin rằng những gì mà Đức Giê-su đã thực hành vẫn được thể hiện qua cuộc sống của chúng mình.

Đó là hồng ân. Chúng ta không chỉ là những người thừa hưởng gia nghiệp mà còn có bổn phận làm cho gia nghiệp mà chúng ta đã lĩnh nhận càng ngày càng phát triển rộng lớn hơn. Có nghĩa là, chúng ta cũng được mời gọi, trong cuộc sống, trở thành những người biết san sẻ hồng ân và niềm vui khi được cứu độ cho người khác nữa.

Chúng ta biết rằng mình đã thuộc về Thiên Chúa. Đó là ân phúc thật trọng đại. Nhưng làm thế nào, chúng ta làm cho người khác biết được mối tương quan ‘thuộc về’ Chúa cho người khác. Có nghĩa là chúng ta cần có chứng từ khiến người khác nhận ra mối tương giao thật mật thiết giữa Chúa và ta. Đây không chỉ là một sự thuộc về dựa trên niềm tin, còn hơn thế nữa, nó cần có chứng từ kèm theo. Và các chứng từ cần được minh chứng bằng chính cuộc sống mình.

Nói khác đi, những ai đã thuộc về Thiên Chúa thì đều cảm nhận được niềm vui của Thiên Chúa, Đấng giải thoát, nâng đỡ và thaó gỡ những gông cuồng, đau khổ đang đầy đọa cuộc sống ta. Cho nên, trong niềm vui mừng và hân hoan đó, chúng ta không được phép khư khư giữ cho riêng mình mà còn phải biết nghĩ đến người khác, quan tâm cho những ai đang sống với các nỗi khổ đau, đang chịu thiệt thòi mà họ phải gánh chịu; rồi như Đức Giê-su, chúng ta sẵn sàng sống và chia sẻ cho họ nguồn ơn cứu độ mà chính bản thân mình đã đươc lĩnh nhận.

Một cách cụ thể, câu hỏi mà Thánh Gia-cô-bê đã đề cập trong bài đọc hai hôm nay cũng là vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ và có một thái độ thích hợp. Đó chính là: “Anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” Như vậy có nghĩa là, trong ơn gọi của người môn đệ của Đấng đã mở tai cho người điếc, mở lưỡi cho người bị câm, giải oan cho người bị áp bức và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa cho muôn dân; và với tư cách của tín hữu, làm thế nào chúng ta có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước các đau khổ của những con người mà Chúa đã đến để làm bạn với họ? Đức Giêsu là Đấng đến để đưa quyền năng của Thiên Chúa vào thế giới này hầu tái tạo sự sống mới cho muôn dân. Chúng ta cũng cần thể hiện như thế.

Như vậy, quyền năng của Đức Giêsu cần được thể hiện nơi cuộc sống của những kẻ tin. Có nghĩa là cuộc sống của chúng ta cần được mở rộng hơn. ‘Mở’ để tìm Chúa nơi phần sâu thẳm nhất của đời mình. ‘Mở’ để lột tung những ‘mặt nạ’ đã khiến dung mạo của Chúa bị bóp méo trong cuộc sống. ‘Mở’ để ánh sáng lời Chúa chiếu thấu suốt tâm can của mình, đó là nơi kín ẩn mà Thiên Chúa muốn ngự trị. ‘Mở’ để nhìn, để nghe, để cảm thông, để bước đến, an ủi, vỗ về và san sẻ tình thương cho bao nhiêu người đang chờ đợi bàn tay và con tim của chúng ta….

Cuối cùng là ‘Ép-pha-tha – hãy mở ra’ để Chúa sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.





Monday, 3 September 2018

HÃY CHỌN: LỀ LUẬT HAY THẦN KHÍ?



Anh chị em thân mến,

Thái độ của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta có thể hiểu lầm và cho rằng Người không có thiện cảm với luật lệ của người Do Thái và luôn tìm cách đả phá các tập tục của tiền nhân. Dựa vào lối suy nghĩ đó, chúng ta có thể tách Người ra khỏi truyền thống và nền văn hoá đã ăn sâu vào máu huyết và con người của Đức Giê-su.

Đây là một vấn đề khá tế nhị. Bởi vì, chúng ta phải công nhận rằng Đức Giê-su là người Do Thái. Tôn giáo, văn hóa, phong tục, tập quán và lề thói Do Thái đã ảnh hưởng trong cuộc sống của Người. Người không đến để phá hủy lề luật nhưng kiện toàn nó. Lề luật nào có tội gì! Đó là những thánh chỉ, những lời chỉ dẫn giúp ta sống thánh thiện. Và những ai đem ra thực hành trong đời sống thì được gọi là những người khôn ngoan.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên phân biệt những khoản luật mà người Do Thái gọi là Torah và những qui định được bổ sung sau này. Torah là những khoản luật mà dân Do Thái đã coi như những ngọn đuốc soi đường. Họ tin rằng, qua tổ phụ Mai-sen, Thiên Chúa đã yêu thương trao cho họ những khoản luật đó và ai tuân giữ thì được coi như là những con người tuân giữ giao ước của Thiên Chúa.  

Còn các qui định được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì được coi như là các tập tục của tiền nhân. Đây là những kiểu mẫu phải theo hơn là luật lệ. Trong một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với những qui định này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp. Người ta xếp chúng vào loại truyền khẩu và được gọi là “truyền thống của tiền nhân”.

Sự hình thành mang tính pha trộn giữa các khoản luật (Torah) và các qui định được thêm vào sau này có thể ví như sự phát triển của một tổ chức. Đầu tiên chỉ là một vài người tâm đầu ý hợp họp lại với nhau. Tuy không ghi lại, nhưng giữa họ đã có một khoản luật bất thành văn mà tất cả mọi người đều đồng ý và tuần thủ. Theo thời gian, tổ chức đó lớn mạnh. Có nhiều người xin gia nhập. Con số tăng dần và lúc đó họ cần có những khoản luật để duy trì trật tự và bảo quản các lề thói sinh hoạt trong nhóm. Sự phát triển của tổ chức càng ngày càng mạnh mẽ, đương nhiên sẽ nẩy sinh ra các mâu thuẫn, đụng chạm giữa người này với người kia, thành viên này với thành viên khác. Để giải quyết những đụng chạm, mâu thuẫn này, họ cần có sự hoà giải, dần dần biến thành các qui định. Từ qui định này đến khế uớc khác, họ suy nghĩ thêm những chuyện có thể xẩy ra, rồi để ngăn ngừa họ lại lập thêm các qui định khác. Cứ thế, số qui định đuợc thêm vào cho thích hợp với hoàn cảnh của từng giai đoạn. Đôi khi có những qui định sẽ không phù hợp cho các thế hệ tiếp nối hay đi ngược lại với ý định ban đầu.

            Chúng ta nên nhớ rằng, các truyền thống này được bảo tồn và nắm giữ bởi nhóm Pha-ri-siêu, mà chúng ta hay gọi họ là bè biệt phái. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta hay gặp các trường hợp diễn tả thái độ gay gắt của Đức Giê-su dành cho họ nên từ đó chúng ta cũng không mấy có thiện cảm với nhóm này.

Chúng ta đừng quá khắt khe với nhóm này. Thật ra, họ là những con người rất nhiệt thành, thường xuyên tìm kiếm các phương thế để giúp cho dân chúng sống thánh thiện, sống theo đúng tiêu chuẩn của một sắc dân mà họ hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa.
            Ý định thì tốt, nhưng họ lại áp dụng một cách quá chi tiết và cực đoan.

Từ niềm hãnh diện là dân riêng của Thiên Chúa. Lẽ ra họ nên mở lòng ra để đón nhận cái hay cái tốt của các nhóm khác. Trái lại, họ coi tất cả các sắc dân khác là dân ngoại, dân ô uế; và một khi đụng chạm vào những người đó thì họ bị lây nhiễm và cần được tẩy rửa khỏi sự ô uế được sinh ra qua việc tiếp xúc này.

Họ chú ý và tập trung vào mọi hình thức bên ngoài mà quên đi việc thay đổi cần được xuất phát từ bên trong của tâm hồn. Đó chính là trung tâm của mọi mối dây liên hệ giữa Thiên Chúa và con người, giữa người với người.

Thay vì làm cho các hình thức đạo đức được phổ biến sâu rộng trong quần chúng bằng lối sống chân thật, họ lại dòm ngó và dùng những khoản luật của tiền nhân để bắt bẻ các nhóm khác như trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay.

Anh chị em thân mến,

Vào thời Chúa Giê-su, dân Do Thái tuân giữ những lề luật truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào bản luật của Thiên Chúa. Ý tưởng của việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi nó nhằm mục đích làm cho các giá trị tôn giáo đi sâu vào trong các lối cư xử của cuộc sống. Nhưng trong tiến trình áp dụng, họ lại quá chú trọng đến những nghi thức bên ngoài và sinh ra kiêu hãnh về các việc làm đó. Từ đó ý nghĩa tôn giáo về các việc làm đó bị mất dần đi. Họ cho rằng việc thực hành và tuân giữ những qui định này thì được kể là đạo đức, là hành vi của những người biết phụng sự Chúa. Họ đã quên rằng sự thánh thiện phải được xuất phát từ Thiên Chúa chứ không lệ thuộc các việc làm của chúng ta.

            Một cách cụ thể, chúng ta xem qua tập tục rửa tay trước khi dùng bữa được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước tiên, đó là các khoản luật dành cho hàng ngũ tư tế. Mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi bước vào nơi cực thánh trong đền thờ. Mục đích của việc làm này này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng cử hành nghi lễ thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.

Khi Đức Giê-su chỉ trích một số người thuộc nhóm Pha-ri-siêu về điểm vụ hình thức này, Người đã dựa vào truyền thống của các ngôn sứ bằng cách nhắc lại điều cảnh báo mà ngôn sứ I-sa-ia đã công bố: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

Đối với Đức Giê-su tất cả mọi sự đều phải đuợc xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim bằng không tất cả chỉ là các hình thức đạo đức không có chiều sâu, thậm chí có thể coi là hình thức của những người đạo đức giả. Theo Người, mọi sự thay đổi phải được bắt nguồn từ trong tâm hồn thì mới có hiệu quả lâu dài. Tương tự như thế, các việc làm được gọi là thánh thiện đều không lệ thuộc vào các hành vi bên ngoài, nhưng phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Như vậy, ở đậy, Đức Giê-su đã giúp chúng ta có một cái nhìn khác về sự thánh thiện. Chỉ có Thiên Chúa duy nhất là Đấng Thánh, và không một tạo vật nào được gọi là thánh nếu không có quan hệ với Ngài. Con người chỉ được nên thánh qua việc tiếp xúc, tương giao, gặp gỡ và nối kết với Thiên Chúa. Chỉ có trong Ngài và với Ngài, con người mới đạt đến sự thánh thiện mà thôi.

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su chúng ta nhận thấy Người chính là mẫu mực của mối tương giao, nối kết mật thiết của Cha và Con. Một sự hiệp nhất nên một. Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Vì thế, bản chất thánh thiện nơi con người Đức Giê-su phát sinh từ Thiên Chúa, không lệ thuộc vào nghi thức bên ngoài như những người Pha-ri-siêu lầm tưởng. Do đó, Đức Giê-su không bao giờ bị ô uế khi đụng chạm vào những người, mà lề luật đã xếp họ vào lớp người ‘ô uế, tội lỗi’. Trái lại, họ lại được thay đổi từ sự thánh thiện cuả Thiên Chúa thoát ra từ con người của Đức Giê-su. Qua việc tiếp xúc này, nhân phẩm họ được phục hồi và con người họ được tái tạo nên một con người mới trong Chúa. Sự thánh thiện của con người không hệ lụy bởi việc làm của chúng ta cho bằng đó là việc nối dài bản chất thánh của Thiên Chúa nơi mình, qua Đức Giê-su.

Vì vậy, trong phần kết luận của trình thuật hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc làm của trái tim. Sự thánh thiện của con người phát xuất từ trái tim của người đó, chứ không lệ thuộc vào những lề thói hay cách cư xử rất hình thức bên ngoài của họ. Trái tim là nơi để con người có thể tiếp xúc một cách sâu thẳm với Thiên Chúa. Đó chính là cung lòng để Thiên Chúa ngự trị.

Đừng đánh giá nhau qua dáng vẻ bên ngoài nhưng hãy trao cho nhau tấm lòng, ban cho nhau quả tim yêu thương, nhân hậu và biết rung động trước các nhu cầu của nhau. Muốn đạt được điều này, tất cả chúng ta cần xây dựng và duy trì mối tương giao với Đức Giê-su mỗi ngày mỗi bền chặt và gắn bó hơn. Bởi vì, chỉ ở trong trái tim yêu thương của Đức Giê-su chúng ta mới tìm ra mẫu mực cho mọi tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Chính tại nơi đó sẽ phát sinh ra những hành động được phát xuất bởi Tình Yêu, như Lời Chúa đã phán: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” Amen!