Wednesday, 12 September 2018

THẦY LÀ AI?




Thật là vui mừng và hân hoan khi đến tham dự Thánh Lễ truyền chức linh mục cho người bạn trẻ thuộc Dòng Thánh Tâm, vào sáng thứ Bẩy, ngày 08.09.2018 vừa qua. Trong phần cảm ơn, tôi ghi nhận được một điều, xem ra vô cùng tâm đắc đối với cha. Đó là việc ngài không coi trọng chức vụ. Theo quan niệm sống của ngài thì phục vụ là chính, phục vụ trong mọi phẩm trật, phục vụ trong mọi nơi và mọi lúc.

Niềm ước mơ ngày nào, nay đã thành sự thật. Cha còn trẻ, rất trẻ so với những người già như anh em chúng tôi. Vì thế, ngài sẽ còn rất nhiều thời gian và sức mạnh để thực hiện hoài bão và mơ ước này. Chúc cha đủ năng lực, can đảm rồi hoàn thành những gì mà cha đã tin tưởng và khấn xin.

Đến phần kinh cầu các Thánh, nhìn thấy cha mới nằm phủ phục và úp mặt xuống nền nhà thờ, lòng tôi vô cùng xúc động; hồi tưởng và nhớ lại việc mình, quí linh mục và tu sĩ đã thực hiện nhiều năm trước đây. Giây phút thật long trọng. Giọng hát của ca xướng viên (cantor) và lời đáp của cộng đoàn hoà quyện vào với nhau như những làn hương bay vút lên trời cao. Trong giây phút đó, tôi xác tín có một sự hiệp thông của Hội Thánh giữa chúng ta và các thế hệ đã đi trước. Mọi người, kẻ trước người sau, đều hiện diện; tuy không nói ra thành tiếng, nhưng tất cả đều sẵn sàng hỗ trợ cho tân chức chu toàn nhiệm vụ được trao ban.

Nghi thức diễn ra thật tốt đẹp và ý nghĩa thật sâu lắng; nhưng vẫn chỉ là nghi thức. Giây phút lắng đọng rồi sẽ qua đi để nhường chỗ cho các hành động của cuộc sống. Chúng ta, đặc biệt cha mới cần dùng cả cuộc sống, kinh qua các thăng trầm, đối diện với muôn ngàn thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài, để hoàn thành tâm nguyện và ước vọng mà chúng ta được sai đi.

Miên man trong tư duy về thân phận của linh mục trong một giai đoạn mới, tôi nhớ lại một trong các nguyên nhân đã thúc đẩy việc tìm kiếm ơn gọi của mình. Đó là một trong nhiều ước mơ khi còn trẻ, hăng say và đầy nhiệt huyết. Ước mơ của tôi là muốn làm vài việc hầu giúp cho cộng đoàn giáo xứ nơi mình sinh sống được thay đổi.

Giờ này, ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngu ngơ khi có ý tưởng ngộ nghĩnh này. Nhưng, nếu được đi trở lại và với bối cảnh của những ngày đầu tiên trong hành trình tìm kiếm ơn gọi thì quả thật những việc làm trong thời gian đó thật có ích. Nó đã giúp đỡ và hâm nóng ý chí trong hành trình tìm kiếm của tôi rất mạnh. Suy nghĩ của tôi tuy đơn giản và rất chủ quan như: Nếu được huấn luyện, với ơn Chúa và sự cộng tác của cộng đoàn giáo xứ… thì mình có thể làm được?

Sau khi đã trải qua gần hai phần ba hành trình của đời người, với mọi nỗ lực và cố gắng, đối diện và nhiều lần đã ngã gục trước các thử thách… tôi nhận ra rằng mình chưa làm được gì hết… Vẫn như ngày đầu tiên… Tâm nguyện vẫn còn… Nhưng lực bất tòng tâm và đèn trong người cũng sắp cạn hết dầu … Tôi vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘Thầy là ai?’ Cho dù câu trả lời vẫn chưa rõ nét. Nhưng, tất cả đều là hồng ân. Qua từng giai đoạn của cuộc sống, Chúa xử dụng hết, miễn là mình sẵn lòng.

Từ những nhận xét và trải nghiệm của bản thân, tôi đọc lại trình thuật Tin Mừng. Hôm nay, Đức Giêsu đặt vấn nạn cho các tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Phê-rô, với bản tính bộc trực, nghĩ sao nói vậy, đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô.” Thánh nhân có biết mình đã nói gì hay không? Hay lại giống như lúc ngài ở trên núi Hiển Dung, khi được diễm phúc nhìn thấy vinh quang sáng láng của Thầy, Phêrô đã xin Chúa điều mà chính ông không biết mình đã nói gì.

Ở đây cũng vậy. Số là sau phần tuyên tín của Phê-rô là lúc Đức Giêsu bộc lộ con đường mà Con Thiên Chúa phải đi thì ông lại ngăn cản Người. Lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Nhưng ông đâu biết rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hoàn toàn sai với ý định của Thiên Chúa, cho nên đã bị Chúa khiển trách "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Không chỉ có thế, trên đường thương khó Phêrô đã chối Thầy đến ba lần… Tuy nhiên, Phêrô cũng là người đã bộc lộ tình yêu và lòng mến dành cho Thầy… Thánh nhân cũng có nhiều tài năng để trở thành một môn đồ tốt, Ngài thẳng thắn, tự tin, chăm chỉ, không che đậy, không tính tóan hơn thiệt giống như các bạn của ông tìm cách để tìm kiếm địa vị cao hơn…  và nhất là lúc nào cũng muốn và trở thành một người bạn thiết nghĩa với Thầy mình. Chính vì thế mà Chúa lại tín nhiệm ông. Nói khác đi, vì nhận ra mình là người còn đầy khiếm khuyết và tội lỗi nên Phê-rô quyết tâm lệ thuộc vào Chúa. Đối với Phê-rô, Chúa làm chủ đời ông.

Thưa anh chị em,

Còn anh chị em nói Thầy là ai?

Chúng ta có thể có muôn vàn câu trả lời dựa trên sách vở và kiến thức về Đức Giêsu; nhưng tất cả những câu trả lời đó sẽ đem lại gì cho chúng ta! Hãy nhìn lại cuộc sống của mình.

Có thật chúng ta tin nhận Người là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ và mở lối chỉ đường cho chúng ta về với Cha hay không? Và, nếu chúng ta đã hãnh diện tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa thì trong cuộc sống chúng ta đã đầu phục vị Chúa đó hay là vẫn dùng Người như là khí cụ để phục vụ tham vọng của mình?  Niềm tin và cuộc sống của những ai tin vào Chúa phải là một. Không thể nào miệng tuyên xưng một đường, rồi chọn lối sống theo ngã khác. Chúng ta cứ làm như đời và đạo vẫn là hai mặt tách biệt của cuộc sống, không gắn bó và ăn nhập gì với nhau.

Vậy, Đức Giêsu là ai?

Tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này không phải là việc dễ dàng. Có thể, trong suốt cuộc sống chúng ta cũng chỉ thấy mờ mờ mà thôi. Câu chuyện sau, xẩy ra mọi nơi, có thể giúp chúng ta phần nào. Truyện kể như sau:

Trong một lớp giáo lý, dựa vào bài Tin Mừng hôm nay, ma-sơ mới hỏi các em: Còn các con nói Đức Giêsu là ai? Cả lớp nhao nhao, có cháu nói Người là Thiên Chúa, cháu khác lại nói là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa… v.v. Gom chung lại thì các cháu nói đúng như văn bản mà chúng ta tuyên xưng với nhau trong các Thánh Lễ Chúa Nhật: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.…”

Ma-sơ để ý thấy một bé trai ngồi ở góc lớp, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ, đăm đăm như có chuyện gì khó giải quyết. Sơ đến gần, chăm chú nhìn cháu rồi một lần nữa nhắc lại câu hỏi. Cháu thẫn thờ trả lời: Thưa sơ, con không biết! Con chỉ biết là hiện nay em con đang bị ốm, trong nhà không có tiền để mua thuốc. Ba con đóng quân ở một vùng rất xa. Mẹ đang chạy ngược chạy xuôi ngoài chợ… Nếu Đức Giêsu là Chúa thì sao Người không săn sóc cho em con.

Ma-sơ và cả lớp ngạc nhiên trước câu trả lời của bạn mình. Chẳng ai biết làm gì! Sau cùng, bà sơ nhà ta lấy ra một túi nhỏ, tự mình bỏ vào đó vâi đồng cắc và chuyền túi đó cho cả lớp… rồi trao cho em để mua thuốc cho em mình.

Qua hành động và chứng từ như thế, chúng ta sẽ làm chứng Đức Giêsu là ai, không chỉ bằng lời nói, cho dù đó là bản tuyên xưng của Hội Thánh; nhưng đó chính là những trải nghiệm của cuộc sống. Người đến để mời gọi chúng ta hy sinh, quan tâm, yêu thương và thỏa mãn các nhu cầu của nhau.

Nói đến hy sinh là phải nhớ đến từ bỏ. Đây không phải là việc làm dễ dàng. Từ bỏ một nết xấu, thói quen đã khó. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su còn đòi hỏi chúng ta bị loại bỏ vì yêu con đường từ bỏ hy sinh của Thầy Giê-su nữa.

Ai trong chúng ta có thể làm đuợc điều đó! Chúa mới là cội nguồn của sự việc. Chúa làm trong chúng ta. Chúa không làm thay vì Người đã ban và muốn dùng chúng ta như những khí cụ để thể hiện uy quyền của Người, không chỉ trong Hội Thánh Công giáo mà cho mọi người.

Đúng thế, người tín hữu, dù được gọi sống trong bậc nào, âm thầm nhỏ bé như hạt cải văng vãi ở một góc nào trong xứ đạo, đứng đầu một địa phận hay sống ở một vị thế cao hơn thế nữa, v.v… Cuộc sống của người môn đệ phải là mục tiêu cho những người chung quanh đặt vấn đề và họ phải tìm kiếm câu trả lời. Có nghĩa là, cuộc sống của chúng ta, bao gồm từ lời nói đến việc làm, sẽ là một câu hỏi cho những người chung quanh. Họ phải tìm hiểu xem chân tướng của chúng ta là ai? Và, câu hỏi này càng quan trọng và khẩn thiết hơn khi chúng ta đang phải đối diện với bao khó khăn trong lòng Hội Thánh xuất phát từ các hành vi của một vài vị lãnh đạo đã làm tổn hại đến uy quyền của Đức Giê-su.

Cầu xin cho chúng ta biết dùng cả cuộc sống để đáp trả lời mời gọi của Đức Giê-su: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Amen!


No comments:

Post a Comment