Thursday, 25 October 2018

TRONG CHÚA, CHÚNG TA ĐƯỢC SÁNG MẮT


Hôm nay, chúng ta bắt đầu bài suy niệm bằng một truyện kể về cuộc sống của chú Bảo mù, làm nghề bán vé số dạo trong xứ đạo của chúng tôi khi xưa. Tôi không biết chú từ đâu đến và tại sao chú bị mù. Khi tôi có trí khôn thì đã thấy chú, một tay cầm tập vé số, tay kia với cây gậy dò đường. Chú vừa đi vừa hát bài ‘xổ số kiến thiết quốc gia…’ Tôi là một trong những thân chủ của chú, và từ việc giao dịch đó, mối dây liên hệ của chú cháu chúng tôi càng ngày càng trở nên thân thiết hơn.
Không chỉ có thế, tôi thường được nghe nói rằng: những ai có tật thì có tài. Một trong những tài của chú và có thể của các người mù nói chung là họ phân biệt và nhận ra giá trị của đồng tiền rất chính xác qua xúc giác. Chú chỉ cần cầm đồng tiền trên tay, lật qua lật lại là có thể đoán ra giá trị của nó. Chưa bao giờ chú bị lầm lẫn. Sau này chú lập gia đình và có hai người con, môt trai một gái. Gia đình chú thím sống hạnh phúc cho đến ngày chú mãn phần.
Truyện kể không chỉ có thế. Tôi còn nhớ một lần anh chị em trong nhóm đến thăm gia đình chú. Qua cuộc trao đổi, có một người trong nhóm xin chú chia sẻ về cuộc sống và thân phận mù lòa của chú. Chúng ta có thể nghĩ rằng họ là những người bất hạnh bạc phước. Nhưng chú lại khác, bằng vào một giọng nói dí dỏm, chú chia sẻ rằng chú rất hạnh phúc với những gì đã được trao ban. Đối với chú, những ai không bị mù lòa, có nghĩa là còn đôi mắt mà không biết dùng cặp mắt của mình cho đúng nghĩa, thì dường như họ bị thừa đôi mắt. Chú vui lòng và chấp nhận giới hạn của bản thân. Cho dù chú không nhìn thấy ánh sáng như những người có đôi mắt, nhưng chú vẫn đi ngủ và thức dậy đúng giờ, vẫn thường xuyên tham dự và cảm nhận được ý nghĩa của Thánh lễ. Cho dù chú không nhận ra được vẻ đẹp của mầu sắc, nhưng chú vẫn nhận ra nét đẹp đó bằng óc tưởng tượng và bằng khứu giác để nhận ra mùi hương của hoa.
Câu truyện này nhắc nhở tôi một kinh nghiệm mới đây khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, Keysborough. Tôi đã gặp một cựu tu sĩ dòng Don-Bosco: Anh Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập mái ấm Thiên Ân. Anh đến Úc thăm thân nhân. Nhân dịp đó, tôi đã mời anh ra nói chuyện với bà con thuộc cộng đoàn.
Theo như câu chuyện về cuộc đời của anh. Anh bị mù qua một tai nạn giao thông. Với hoàn cảnh như thế, anh đã không thể tiếp tục ơn gọi trong Dòng Thánh Bosco. Anh đã xin trở về nhà. Thoạt đầu, anh không chấp nhận và sống trong nỗi phẫn uất với số phận nghiệt ngã qua biến cố đã xẩy ra cho anh. Nhưng dần dà với ơn Chúa, qua ngày tháng sau này anh nhận ra được một điều là Thiên Chúa vẫn họat động và mời anh lên đường. Mái ấm Thiên Ân, hay còn gọi là trung tâm hướng nghiệp dành cho các em bị khiếm thị được thành hình. Tại nơi đó, anh không chỉ nuôi các trẻ em bị mù, mà còn tạo cho các em tay nghề hợp với năng khiếu của các em. Đến khi lớn khôn, chính các em này là những người thầy dậy các em khác. Có nhiều em đến tuổi trưởng thành, đã lập gia đình, vẫn thường xuyên trở về mái nhà Thiên Ân để cùng đồng hành với anh trong công việc nuôi nấng và tạo ra các công ăn việc làm khác cho các trẻ em bị mù lòa. Anh thật xứng đáng là người cha của gia đình ‘mái ấm Thiên Ân’.
Qua các truyện kể nói trên, chúng ta nên nghĩ rằng những người mà thân thể của họ tuy bị khiếm khuyết, nhưng nghị lực, ý chí và tấm lòng của họ dành cho các công việc bác ái, đem lại ích lợi và hạnh phúc cho tha nhân, có thể vượt xa chúng ta là những kẻ tưởng rằng mình sáng mắt, ai ngờ lại bị khiếm thị. Dành cho họ tấm lòng thán phục và ngưỡng mộ là việc cần; nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta nên khám phá nơi họ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và thường xuyên hoạt động nơi họ.
Anh chị em thân mến.
Anh mù Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng hôm nay may mắn hơn vì đã được Đức Giê-su chữa cho khỏi bịnh. Anh không chỉ được sáng mắt mà cõi lòng cũng được sáng để nhìn ra con đường mà theo Chúa.
Trước khi gặp Đức Giê-su, anh không chỉ bị mù lòa mà còn là người ăn xin nữa. Cuộc sống của anh hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tốt, của bố thí của khách vãng lai. Việc Đức Giê-su chữa lành cho anh không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Bởi vì, cho đến hôm nay không ai trong chúng ta có thể phủ nhận uy quyền của Thiên Chúa hoạt động nơi Người. Tuy nhiên, ý định của Thánh Mác-cô khi sắp xếp trình thuật này khiến chúng ta ngạc nhiên và cần tìm hiểu.
Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã hỏi lại Gia-cô-bê và Gio-an: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Hôm nay, Người lại hỏi anh Ba-ti-mê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Hai câu hỏi cùng một ý nhưng cách trả lời lại khác nhau. Lẽ ra, Gia-cô-bê và Gio-an, với kinh nghiệm qua nhiều lần gặp gỡ Đức Giê-su và đã được Người khai mở lòng trí thì câu trả lời của anh Ba-ti-mê “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” phải là câu trả lời của các môn đệ. Trái lại, tham vọng quyền bính đã che lấp tầm nhìn khiến mắt các ông tuy sáng lại trở thành mù, vì thế các ông đã không xin Chúa ơn soi sáng để nhận biết về con người của Thầy mà lại xin chỗ ngồi tốt, địa vị cao.
Vẫn chưa hết, trong phân đoạn mô tả cuộc hành trình trong vùng ngoại biên của Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su, Thánh sử Má-cô đã bắt đầu bằng việc Đức Giê-su chữa lành cho người mù tại Bết-xai-đa và kết thúc bằng việc Đức Giê-su làm cho anh mù Ba-ti-mê tại Giê-ri-khô là cửa ngõ vào Giê-ru-sa-lem được sáng mắt. Hai người mù này đóng vai trò gì trong việc soạn tác và huấn luyện niềm tin của Đức Giê-su dành cho các môn đệ? Đâu là ý định của Thánh sử. Hai người mù này đã được Đức Giê-su khai sáng thế nào thì con đường của các môn đệ cũng cần sự tác động như thế. Gặp Thầy để tin và bước vào hành trình khổ nạn với Người như thế.
Rồi thêm một truyện khác. Simon Phê-rô đã theo Thầy, vượt qua bao cạm bẫy, nhận được bao lời huấn giáo để có thể tuyên xưng Thầy là Đức Ki-tô; thế mà sau khi nghe thầy loan báo về cuộc khổ nạn, ông đã đứng ra ngăn cản Thầy thực hiện ý định của Thiên Chúa, không chấp nhận cho Thầy mình đi vào vinh quang qua cuộc khổ nạn. Vì thế, ông đã bị Chúa khiển trách là ‘Xatan, lui lại đàng sau Thầy’ Trong khi đó, một con người bị khuyết tật, cuộc sống lệ thuộc vào lòng thương xót của người khác như anh Ba-ti-mê hôm nay, lại đạt được đích điểm khi đã tuyên xưng không chỉ bằng miệng mà còn bằng cuộc sống, là sẵn sàng theo Thầy đi vào Giê-ru-sa-lem, không phải để đón nhận hào quang, mà là để chịu thương khó.
Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là những người tưởng mình sáng mắt lại trở thành mù tối, còn anh Ba-ti-mê lại trở thành người sáng mắt qua việc gặp gỡ Đức Giê-su. Chính anh đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa.
Anh Ba-ti-mê đã không dựa vào những giáo điều để tin vào Đức Giêsu. Đức tin của anh đã được xây dựng trên nền tảng của mối tương quan với một con người mà có thể anh chỉ nghe người ta nói; mà anh chưa bao giờ được gặp mặt; vì anh bị mù. Chính điều này giúp anh đào sâu niềm tin của anh vào Đấng mà anh kêu xin. Anh không xin những đồng tiền bố thí từ Đức Giê-su. Được nghe người ta nói; và đúng hơn trong thâm tâm anh thấy Chúa Giêsu là con vua Đavid, là Đấng Messia. Anh nhận ra nơi Người có một quyền năng có thể giúp anh. Anh xin Người dủ lòng thương đến thân phận của anh. Trong khi đó những người sáng mắt theo Chúa lại không nhận ra điều mà họ cần. Trái lại họ lại hành động như một thứ rào cản, ngăn chận người khác đến với Chúa.
Như vậy có một nghịch lý ở đây là người mù đã thấy được nhiều hơn là người sáng mắt. Và những gì đã xẩy đến cho Ba-ti-mê hôm nay là lời mời gọi mà các môn đệ cần phải tìm cho ra câu trả lời trên đường theo Chúa của các ông. Hành trình và nỗ lực để được gặp Chúa của anh Ba-ti-mê cũng là bài học dành cho những ai muốn trở thành môn đệ của Thầy.
Sau đây là các bước nhẩy vọt của anh mù mang tên Ba-ti-mê:
Chúng ta hãy tưởng tượng và hình dung ra cảnh anh mù Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin. Nơi anh ngồi là vệ đường. Không ai đi ăn xin tại các nơi hẻo lánh. Họ phải chọn chỗ đông người qua lại như giữa phố xá, rất nhộn nhịp và là nơi tập trung các khách từ bốn phương tuôn về. Ngày hôm đó, tuy rằng mắt anh mù, nhưng đôi tai của anh lại thính, anh Ba-ti-mê nhận ra có đám đông đi qua chỗ anh đang ngồi. Và anh nghe người ta nói rằng trong đám đông, có một người tên là Giê-su, đến từ Na-za-rét, Người đã thực hiện nhiều việc lạ lùng và kỳ diệu. Chỉ cần biết ngần ấy, anh liền la thật to để xin Đức Giêsu giúp đỡ.
Hoàn cảnh của anh cũng giống như hoàn cảnh của những người chạy đến để xin Đức Giê-su giúp mà chúng ta thường được nghe trong Tin Mừng. Bằng vào nỗ lực của bản thân, họ phải vượt qua các rào cản để có thể tiếp cận với Đức Giê-su. Hôm nay cũng thế, đám đông, bao gồm cả những môn đệ của Đức Giê-su, cố gắng làm anh im lặng, thậm chí có một số người muốn đuổi anh đi. Tuy nhiên, không vì việc làm của họ khiến anh nản lòng. Trái lại sự ngăn cản của đám đông càng làm anh quyết tâm hơn. Anh gào thét to hơn, cho đến khi Đức Giê-su để ý đến anh. Cuối cùng, Người nhận ra anh. Người dừng lại và yêu cầu người ta đưa anh đến.
Nghe được những lời cho phép của Đức Giê-su, anh không cần đợi người ta giúp. Tuy vẫn đang bị mù lòa, nhưng đôi tai của anh không bị điếc; anh đã nhận ra hướng của Đức Giê-su đang đứng. Lập tức, anh quăng chiếc áo choàng đang khoác trên người của anh lại đàng sau. Hành động này cho chúng ta nhận ra một điều là anh buông bỏ tất cả, buông cả chiếc áo hộ thân đã bao bọc anh bấy lâu nay, rồi đứng phắt dậy để tiến về phía Chúa.
Nhu cầu được xót thương và niềm tin là động lực và sức mạnh giúp anh vượt qua mọi trở ngại để gặp Chúa. Đến lúc này, câu hỏi của Đức Giê-su “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” và câu trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” của anh Ba-ti-mê xem ra hơi dư thừa. Bởi vì, Đức Giê-su đã biết rõ anh mù này cần gì và nhu cầu của anh mù đã được hiển thị quá rõ ràng.
Quả thật không dư thừa chút nào. Bởi vì, như chúng ta đã nói ở phần trên là anh mù đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa. Thật vậy, câu hỏi của Đức Giê-su dành cho anh mù năm xưa cũng là câu hỏi của Chúa dành cho chúng ta hôm nay: Chúng ta muốn Đức Giê-su làm gì cho chúng ta? Và lời đáp trả xin cho chúng con được thấy cũng cần được lập đi lập lại trong cuộc sống của những ai muốn làm môn đệ của Chúa. Chúng ta không xin Chúa ban cho chúng ta nhìn thấy về mặt thể lý cho bằng nhìn ra việc Chúa làm gì trong chúng ta và cho chúng ta, để mãi mãi chúng ta nhìn ra được sứ mạng mà Chúa muốn chúng ta thực hiện.
Xin cho chúng con đuợc thấy các kỳ công của Chúa thực hiện trong thân phận mỏng dòn và yêú đuối của chúng con. Và, chúng con tin rằng: chỉ có ai để cho thần linh của Chúa hướng dẫn thì mắt người đó mới nhìn ra sứ mạng mà Chúa đã trao ban, để rồi chúng ta có thể hoàn thành sứ mạng đó theo như ý định của Chúa mà thôi. Amen!



Thursday, 18 October 2018

PHỤC VỤ LÀ NIỀM VUI




Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta bài học về quyền lãnh đạo. Người nói rất rõ ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ anh chị em mình. Sứ điệp này có thể đã quá quen thuộc với chúng ta, nhưng xét về mặt thực hành thì nó vẫn là một thách đố với Hội Thánh thuộc mọi thế hệ nói chung và gia đình nhỏ bé hay các nhóm của chúng ta nói riêng.
Khi Thánh Mác-cô trình bầy giáo huấn này của Đức Giê-su thì dường như những người lãnh đạo trong cộng đoàn của ngài cũng có vấn đề! Ngay từ thủa ban đầu, những ai được mời vào chức vụ lãnh đạo đều có các tố chất thật xứng đáng như tinh thần phục vụ và lòng hy sinh. Nhưng không phải lúc nào họ cũng giữ được tấm lòng trung kiên và lửa nhiệt thành như thủa ban đầu như thế. Với tính xác phàm, những nét yếu đuối trong bản tính con người cũng dễ bị lộ diện, từ đó dẫn họ đến chỗ tranh chấp rồi hạ bệ để tranh nhau chỗ nhất. Để đối diện với hoàn cảnh như thế thì không còn có gì hay hơn là trình bầy lại sứ điệp và gương sáng phục vụ của Đức Giê-su. Đấng đã làm gương và dậy cho chúng ta bài học phục vụ. và để có thể hoàn thành sứ mạng này, như Đức Giê-su chúng ta phải biết nương tựa vào Thiên Chúa.
Trình thuật hôm nay được gắn liền với lời loan báo của Đức Giê-su cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải gánh chịu. Cho dù, đây là lời loan báo lần thứ ba, nhưng hình như các môn đệ vẫn còn mải mê trong cái nhìn, nỗi ước mơ hay tham vọng của họ. Mắt họ chỉ nhìn ra quan niệm về một Đấng Thiên Sai theo nghĩa chính trị, có nghĩa là Đấng Mesia sẽ đ7067202ợc sai đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, đuổi bọn xâm lược ra khỏi đất nuớc và trả lại cho dân tộc họ chủ quyền của một quốc gia, tái lập thời đại hoàng kim. Các điều này đã được trình bầy qua câu hỏi của họ trong biến cố Chúa về trời như sau: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en hay không?” Chính cái nhìn về một triều đại trần thế như thế nên khi nghe Đức Giê-su loan báo đến hành trình khổ nạn của Người trước khi bước vào vinh quang, thì họ chỉ nghĩ đến một thứ vinh quang trần thế, cho nên hôm nay Gia-cô-bê và Gio-an mới nhanh miệng xin Thầy mình rằng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”
Tuy rằng Gia-cô- bê và Gio-an đã nhanh miệng khi đưa ra lời thỉnh cầu rất mực con người như thế. Nhưng điều này không chỉ là ước vọng của hai ông mà thôi, các môn đệ khác cũng có cùng một niềm mơ ước như họ. Giữa các ông đã có một cuộc chiến quyền lực, ai cũng cố gắng dành phần thắng, cố gắng trèo lên ghế cao để được trọng vọng: Trong các ông, ai sẽ là kẻ lớn hơn? Và dĩ nhiên, khi con người có ghế, có địa vị thì dễ sinh ra quyền lực và bị quyền lợi cám dỗ.
Điều đáng buồn là trước thái độ và lời cầu khẩn của Gia-cô-bê và Gio-an đã khiến các môn đệ kia giận dữ. Tình hình bỗng trở nên căng thẳng, tinh thần hiệp nhất giữa các ông đã bị sứt mẻ để nhường chỗ cho một cuộc chiến tranh lạnh; có thể nói các ông bằng mặt chứ không bằng lòng. Vì thế, Đức Giêsu cần hành động ngay, nếu không thì những lời giáo huấn của Người từ trước đến giờ sẽ như ‘nước đổ lá khoai.’ Và, trong phần kế tiếp, Đức Giê-su đã cho họ thấy rõ các tiêu chuẩn khác nhau về sự cao trọng, về vai trò lãnh đạo trong Vương quốc của Thiên Chúa với các vuơng triều thế tục.
Trong các vương quốc tại trần gian thì người ta dùng quyền để cai trị. Như một hoàng đế, ông ta muốn làm gì thì làm, ông có quyền trên sự sống chết của thần dân và thuộc hạ. Như vậy, quyền sinh ra lực và những ai có quyền thì thường dùng quyền để bảo vệ lợi ích của mình. Và như thế họ luôn bị quay cuồng bởi việc nắm giữ quyền lực để phát triển quyền lợi rồi củng cố điạ vị còn nói gì đến việc phục vụ tha nhân.
Trong khi đó, đối với Đức Giê-su, vương quốc mà Người khai mạc là triều đại hồng ân của Thiên Chúa. Huấn chương là Tình yêu và tiêu chuẩn để đánh giá vị trí của các thành viên là việc phục vụ. Sự cao trọng không bao gồm việc bắt người khác phục vụ mình, nhưng là đặt chính mình vào việc phục vụ người khác. Cách thử nghiệm đã được Đức Giê-su phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Bài học phục vụ nói lên giao ước Tình yêu của Thiên Chúa đã đuợc khai mạc nơi con người của Đức Giêsu. Người đến để mở ra một con đường, một lối sống yêu thương, vô vị lợi. Nếu tình yêu mà còn mong đáp trả thì còn có thể là tình yêu được hay sao! Lúc đó, tình yêu đã biến thành phương tiện cho bản thân. Như vậy có nghĩa là là tôi yêu người khác vì tôi; và người khác có đáp trả tình yêu cho tôi cũng vì cái lợi mà họ có thể thu hoạch được; như vậy họ cũng yêu chính họ chứ không hề yêu tôi. Một tình yêu cho đi, không cần đáp trả mới là mối tình của Chúa và thuộc về Chúa.
Trong tinh thần và lối sống của Đức Giê-su thì những ai được mời gọi là Con Chúa, trở thành môn đệ của Người là những con người biết cho đi, biết san sẻ và cùng chung chia sứ mạng của Người. Đó chính là điều mà Đức Giê-su yêu cầu Gia-cô-bê và Gio-an hôm nay: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”
Chén mà Đức Giê-su sắp uống và phép rửa mà Người sắp chịu là cuộc sống của Người, và cao điểm là hành trình Thập Giá mà Người sắp đón nhận. Noi khác đi, đó chính là sứ mạng của Người, rất cụ thể, rất sáng tạo và đong đầy hy sinh. Đức Giêsu muốn nói đến sự chọn lựa trong vâng phục ý định của Thiên Chúa nơi Người. Với quyền năng sẵn có, Người có thể sắp xếp cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chính Người, nhưng Người đã không làm thế, sẵn sàng dâng hiến, ngay cả bản thân và tất cả những gì Người có chỉ để phục vụ người khác. Có nghĩa là luôn đi tìm và tạo hạnh phúc cho người khác bằng việc quì xuống rửa chân nói lên ý nghĩa phục vụ của Người. Thật đúng như lời Người đã phán: sẵn sàng hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người và phục hồi tình trạng làm con Thiên Chúa của chúng ta, để chúng ta cũng có thể chia sẻ cuộc sống thần linh với Người.
Đấy là con đường của Đức Giê-su. Và đó cũng là con đường của người môn đệ phải đi; có nghĩa là chúng ta phải sống cuộc sống của Chúa như lời tuyên tín của Thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”, có nghĩa là giống Đức Giê-su, chúng ta luôn đi tìm cách để phục vụ người khác, mong làm đầy tớ mọi người.
Đây không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến chương” của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ của mọi người. Trong Giáo Hội, chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là phục vụ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta coi thường năng quyền được trao ban trong Hội Thánh. Uy quyền tuy cần thiết và trong bất cứ một tổ chức hay một tập thể nào thì đều cần có người lãnh đạo, bằng không thì lại rối loạn vì chẳng ai nghe ai!
Chúa không hủy bỏ vai trò của người lãnh đạo; nhưng làm đầu là để phục vụ người khác thì khác với tinh thần làm lớn để bắt người khác cúc cung quì gối mà phục vụ mình. Vì thế, cho hạng giáo sĩ, những người được mời gọi vào các vai trò đặc biệt trong Hội Thánh mà chúng ta thường gọi họ là các thừa tác viên: linh mục, phó tế. Họ cũng nên nhớ rằng năng quyền mà họ đang có đã được Hội Thánh trao ban vì lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không thuộc về riêng họ. Họ là những kẻ lãnh nhận quyền thừa tác của Đức Giê-su trong gia đình Hội Thánh. Uy quyền lãnh đạo sau cùng và tối cao vẫn thuộc về Đức Giê-su. Như vậy, làm gì có lãnh tụ theo nghĩa thế gian trong cơ chế của Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”, những “người phục vụ”.
Và những ai đã được Chúa mời gọi chia sẽ quyền lãnh đạo với Người hãy cân nhắc cẩn thận để lời nói và hành động được hợp nhất. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Đức Giê-su. Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận đối với cộng đòan. Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình. Người nào có bổn phận của người ấy. Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ. Vì thế phục vụ là bài học mà Chúa muốn dùng để dậy bảo chúng ta.
Phục vụ trong tinh thần hiến dâng vì ích lợi của tha nhân, của muôn người. Đó là con đuờng của Đức Giê-su và cũng là con đường nguyên thuỷ mà Hội Thánh, cộng đoàn của các kẻ tin phải noi gương và bắt chước. Phục vụ đến mức độ sẵn sàng hy sinh ý riêng và thậm chí ngay cả cuộc sống của mình vì lợi ích chung.
Chúng ta cần để ý đến ý nghĩa tích cực mà Đức Giê-su đã đón nhận để nói lên việc hiến dâng mạng sống của Người. Tuy con đường trước mắt là khổ nạn, là đau thương; nhưng Người hân hoan đón nhận, vì đó không phải là án phạt mà Người phải chịu, nhưng đó là hồng ân, quà tặng, niềm vui trong vâng phục cho dù cho đến chết. Đối với Đức Giê-su, Người không nghĩ về cái chết này một cách đau khổ; con đường thập giá đối với Người là “con đuờng phục vụ tuy thống khổ và hy sinh nhưng ngập tràn niềm vui”.
Người đã thể hiện trọn vẹn tinh thần và việc làm phục vụ đó qua nghĩa cử rửa chân cho các môn đệ. Đức Giê-su đã không thể hiện vai trò của một quân vương, mà là vai trò của một người đầy tớ.  Gương của Thầy vẫn còn đó. Câu chuyên về cuộc đời phục vụ của Đức Giê-su vẫn được mời gọi và thể hiện qua cuộc sống của chúng ta.
Hãy nương tựa và trao cho Chúa tất cả yếu đuối, mỏng dòn của chúng ta, vì chỉ với Người, trong Người và nhờ Người, chúng ta mới có thể chu toàn trọn vẹn ơn gọi phục vụ và hiến dâng cuộc sống mình cho tha nhân. Uớc mong nguyện vọng này được thực hiện trong cuộc sống của các kẻ tin, mọi thời, mọi nơi, nhất là trong giây phút này. Amen!

Friday, 12 October 2018

ĐỐI VỚI CHÚA MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ!



Anh chị em thân mến,

Trình thuật Tin Mừng hôm nay bao gồm 3 phần, liên kết với nhau.

Phần thứ nhất nói về việc tìm kiếm sự sống đời đời của người giầu có.

Phần thứ hai là lời cảnh báo của Đức Giê-su dành cho người giầu.

Và sau cùng là phần thưởng dành cho những ai dám chấp nhận sống từ bỏ.

Trước hết, chúng ta thật kính phục và ngưỡng mộ việc tìm kiếm của người giầu có hôm nay. Ông không chỉ là người giàu mà còn là người đạo đức nữa. Khi Đức Giê-su nhắc lại cho ông nhớ đến các giới răn của Thiên Chúa, thì ông đã mau mắn không chút ngần ngại, hết sức tự tin trả lời rằng: Thưa Thầy, tất cả những điều ấy, tôi đã giữ từ thủa nhỏ. Tuy thế, ông vẫn khao khát tìm kiếm một điều gì cao hơn những gì mà ông đang có, cho nên hôm nay ông mới chạy đến chặn đường Đức Giê-su để xin Người chỉ cho biết cách đạt đến sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Cách trả lời của ông nhà giàu hôm nay khiến tôi nhớ lại câu trả lời của cậu con cả trong dụ ngôn tình phụ tử “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lịnh…” Và lối khoe khoang công đức của người Pha-ri-siêu khi cầu nguyện trong đền thờ: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con…”

Cả ba người cùng một tâm trạng, chạy đến thưa với Chúa về các việc đạo đức và các nỗ lực của bản thân. Họ quên đi điều quan trọng nhất trong cuộc sống của người môn đệ là thiết lập và phát huy mối tương quan giao kết giữa Thiên Chúa và họ. Và, chính trong mối tương quan giao ước với Thiên Chúa như thế sẽ giúp họ hoàn tất được những gì mà Thiên Chúa muốn thành toàn trong cuộc sống của họ.

Cho dù, ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay không được mô tả là người ngạo mạn hay kiêu hãnh, như ông Pha-ri-siêu trong đền thờ hay là dạng người chỉ biết vâng lời mà không hề nhận ra mối tương quan cha con của người con cả. Nhưng, tôi thiết nghĩ, tự trong thâm tâm ông vẫn chưa thoát ra khỏi ý nghĩ cho rằng sự giầu có mà ông có hôm nay là thành quả của việc giữ luật, lối sống đạo của ông từ nhỏ cho đến bây giờ. Vì coi đó là thành quả, cho nên ông không chấp nhận được lời yêu cầu rất thẳng thắn của Đức Giê-su trong phần kế tiếp.

Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh bằng cái nhìn trìu mến. Tuy không nói ra, nhưng Người biết rõ ông cần gì. Điều mà Người yêu cầu ông là hãy bán gia tài mà Thiên Chúa trao ban vào tay ông, rồi đem tặng lại cho người nghèo, sau đó ông sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Chúa. Bởi vì, sự sống đời đời mà ông nhà giàu kiếm tìm hôm nay là chính sự sống của Thiên Chúa, được trao ban một cách nhưng không qua Đức Ki-tô, chứ không hoàn toàn lệ thuộc vào công trạng của ông.

Theo lẽ thường tình, chúng ta theo Chúa để tìm sự sống đích thực và vĩnh cửu ở trên trời. Nhưng, hôm nay Đức Giê-su đã đảo ngược vị trí này. Đó là việc Đức Giê-su mời ông nhà giàu này tậu cho mình một kho tàng trên trời trước rồi mới theo Người.

Chúng ta có thể lý luận rằng một khi đã tậu được kho tàng rồi thì cần gì phải theo Chúa nữa. Đó là lối suy nghĩ của con người. Đối với Chúa, việc tậu cho mình một kho tàng chưa hẳn là một bảo đảm vĩnh cửu. Chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục nỗ lực để làm cho kho tàng đó được sinh hoa lợi thêm ra. Hoa lợi này là kết quả của việc chúng ta dùng gia sản để phục vụ những người nghèo khó. Qua lối đầu tư này Thiên Chúa sẽ ban thêm cho chúng ta.

Lời mời gọi bước theo Đức Giê-su không thể dừng lại ở việc sống và thực hiện một số việc làm đạo đức. Theo Chúa không chỉ là việc tuân giữ các khoản luật, nhưng cần được thể hiện bằng việc làm; không cho riêng mình, gia đình và dòng tộc mình; nhưng là cho tất cả mọi người; đặc biệt là giới nghèo, những ai bị thương tích, những con người đang sống trong tình trạng mỏng dòn dễ vỡ. Do đó, Đức Giê-su mời gọi ông sống một số điều cụ thể hơn, đó là: Bán gia tài, tặng cho người nghèo để tậu cho ông có một sản nghiệp trên trời, rồi đi theo Người.

Đề nghị này gồm ba bước gắn bó với nhau:

Thứ nhất là bán gia tài. Gia tài ở đây không chỉ là tiền bạc; nhưng là tất cả những gì ông ta đang có, những gì ông đang sở hữu, đang quản lý. Nó có thể là tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, tài năng. Bán đi là hành động chứng tỏ ông không thuộc về nó, làm chủ nó. Nói khác đi, ông phải nhận ra rằng những gì mà ông đang có không thể là của riêng ông. Đó là của chung. Tất cả chỉ là phương tiện giúp ông dễ dàng hơn trong việc theo Chúa. Có nghĩa là ông không được để cho lòng mình vướng bận những điều đó. Tất cả những gì ông có đều là hồng ân của Chúa ban cho. Đó là của chung, còn ông và chúng ta chỉ là những người quản lý. Bởi thế, tất cả những gì chúng ta có, chỉ để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Vì thế, việc kế tiếp mà ông cần nhắm đến là tha nhân, những người nghèo chung quanh ông. Có nghĩa là ông cần chuyên tâm sống nguyên tắc không dính bén và biết chia sẻ. Không nghĩ đến mình, mà còn phải biết nghĩ đến tha nhân, phải mở rộng con tim, giang đôi tay ra để ôm ấp, giúp đỡ nhưng người tất bạt rồi quì xuống mà phục vụ anh em.

Người nghèo không chỉ thiếu tiền thiếu bạc và của cải. Họ còn thiếu tình thương, lời an ủi, niềm khích lệ, sự tôn trọng… Vì thế, chúng ta không chỉ mời gọi trao ban cho họ tiền của, mà còn cho họ thời giờ, sức lực và cả trí tuệ, con người của mình nữa. Nhiều khi, chỉ cần trao cho họ một nụ cười, trả lại cho họ niềm kính trọng như một con người thì còn cao quí hơn các tặng vật.

Sau khi thực hiện các việc làm đó rồi hãy đi theo Chúa. Lúc này, ông không còn bị vướng bận, thảnh thơi để bước vào giai đọan sau cùng của người môn đệ là theo Chúa. Tuy gia tài trên trời đã có; nhưng không vì vậy mà ông và chúng ta lại chểnh mảng và không lo làm cho nó giàu có hơn. Theo Chúa là như thế, là làm giàu cho Chúa những gì đã được tặng ban. Như thế, muốn bước theo Đức Giê-su, con người phải để cho mình hết sức nhẹ nhàng và thanh thản, không còn bị dính bén hay bị bận rộn trong việc tính toán theo thói thế gian, mà phải hoàn toàn nhẹ nhàng và thanh thoát.

Đức Giê-su đã đáp ứng điều mà ông nhà giầu đang kiếm tìm bằng cách chỉ cho ông điều mà ông đang thiếu, điều mà ông cần dứt bỏ để có thể tiến vào hạnh phúc đích thật và viên mãn. Tuy nhiên, trước lời mời gọi của Đức Giê-su, người này đã chùn chân và không dám bước tới, ông đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”.

Thái độ buồn rầu của ông giúp chúng ta nhận ra một điều là ông dám mơ ước, nhưng lại không dám hy sinh để đạt được ước mơ của mình. Có lẽ trong cuộc sống, ông ta chưa bao giờ phải chạm trán và đuơng đầu với một cuộc chiến thật gay go như lúc này. Và, ngay trong giây phút đó, ông mới nhận ra rằng tiền bạc là mục tiêu tối hậu cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã không thể dứt bỏ được của cải. Ông đành bỏ Chúa để đi.  

Thưa anh chị em,

Như chúng ta đều biết, của cải vật chất không phải là điều xấu, nó là ước mơ của nhiều người. Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta chỉ dừng lại ở của cải vật chất, là lúc chúng ta biến của cải thành mục tiêu tối hậu cho cuộc sống. Và, chúng ta sẽ tìm mọi phương thế để đạt cho được nó. Đến lúc đó, ước mơ ban đầu cho dù rất tinh tuyền, như ước mơ làm giàu để phục vụ kẻ khác, có thể sẽ biến dạng thành tham vọng, rồi dẫn chúng ta đi vào con đường sai lạc.

Nói khác đi, một khi chúng ta chỉ đặt mục tiêu cuộc đời vào của cải vật chất, nó sẽ biến chúng ta thành những con người tham lam, sống theo bản năng và thay vì làm chủ nó, chúng ta lại biến thành nạn nhân cho của cải. Lúc đó của cải sẽ biến thành ông chủ sai khiến ta. Ý hướng ngay lành, hướng thượng không còn nữa mà chỉ còn lại là hưởng thụ với những thú vui theo sau. Các điều đó sẽ biến chúng ta thành những con người hoàn toàn lệ thuộc vào sự chỉ huy của tiền của.

Giống như ông nhà giàu hôm nay, các môn đệ cũng nhận ra được sự đòi hỏi thật quyết liệt và gắt gao của Chúa. Chúng ta làm được gì với tài hèn sức mọn, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.

Đó chính là trọng tâm của sứ điệp: Với Chúa, chúng ta làm được tất cả.

Và đó là điều mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, qua những con người như Thánh Phan Sinh, ngài đã từ bỏ nếp sống quí tộc, ra đi làm bạn với ‘bà chúa nghèo hèn’; như mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcuta, đã từ bỏ nếp sống an toàn trong một tu viện, ra đi làm bạn với những người hấp hối cần tình thương và ơn bình an. Và còn nhiều gương sáng khác nữa.

Các ngài là những mẫu gương của người môn đệ, luôn sẵn sàng chấp nhận để Thiên Chúa thành toàn trong nếp sống của họ, ở mọi thời, mọi nơi; và hôm nay, ngay tại chỗ này có cả chúng ta nữa.

Hãy để Chúa làm, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. Amen!


Thursday, 4 October 2018

TIN CHÚA, YÊU CHÚA RỒI TIN YÊU NHAU



Đề tài của trình thuật Tin Mừng hôm nay là một trong những vấn đề sôi bỏng không chỉ cho giới luật sĩ Do Thái cùng thời với Đức Giê-su, mà còn cho thời đại của chúng ta hôm nay nữa. Đó là việc ly dị trong đời sống hôn nhân.

 Trong bài Tin Mừng, những người thuộc phái Pha-ri-siêu muốn gài bẫy Đức Giê-su và yêu cầu Người công khai xác định lập trường. Theo luật Mai-sen thì họ được phép ly dị. Nếu Người nói không là chống lại lề luật; còn nếu Người nói có thì họ sẽ bắt bẻ Người. Ở đây Đức Giê-su không đưa ra ý kiến và lập trường của Người về hôn nhân, cho bằng đặt lại cho họ một vấn đề đã được nhắc đến trong quá khứ. Người trả lời rất rõ ràng ông Mai-sen cho phép họ ly dị là vì lòng dạ chai đá của họ. Thật ra, từ ban đầu không phải là như thế. Ý định ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Như thế, Đức Giê-su cho mọi người biết rõ lập trường của Người là không có chuyện ly dị trong đời sống lứa đôi. Điều này có nghĩa là khi hai người lấy nhau theo đúng ý muốn của Thiên Chúa thì họ phải chu toàn nghĩa vụ, bổn phận và làm mọi cách để duy trì mối tương quan nên một đó cho đến trọn đời.

Ngày xưa các cụ nhà ta mỗi khi gặp khó khăn trong hôn nhân thì các ngài tìm mọi cách để vượt qua. Chỉ nghĩ đến việc bỏ nhau là họ cảm thấy rùng mình rồi, phương chi là hành động. Còn ngày nay, giới trẻ chúng mình học cao hiểu rộng, nhưng lại thiếu hy sinh, thiếu kiên nhẫn; chỉ muốn sống theo sở thích và ý riêng của mình. Vì thế mỗi khi gặp khó khăn là chạy trốn và nghĩ ngay đến chuyện làm sao để ly dị.

Vì thế, khi nói đến hôn nhân, chúng ta phải nhớ đến một yếu tố vô cùng quan trọng. Yếu tố này gắn chặt đời họ bên nhau. Đó chính là tình yêu. Tình yêu trao cho nhau trước hay sau hôn nhân không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là họ đang được kêu mời để làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa.

Tình yêu trong tâm hồn mỗi người là một sức mạnh kỳ diệu và phi thường, có khả năng vượt qua mọi trở ngại, mọi ràng buộc. Chẳng có đầu óc nào có thể giải thích được lý lẽ của tình yêu. Nhưng nhờ vào truyền thống của Thánh Kinh, chúng ta tìm ra được câu giải thích thật chính xác về tình yêu và hôn nhân.

Trong trình thuật tạo dựng, đặc biệt là việc Thiên Chúa dựng nên con người, có hai yếu tố đáng cho chúng ta quan tâm: “Ngài dựng nên họ giống hình ảnh Ngài” và “Ngài dựng nên họ có nam có nữ.” Mà Thiên Chúa là đấng thiêng liêng. Vậy hình ảnh của Ngài là gì? Thánh Gioan đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Thế nên ta mới hiểu được tình yêu trong chúng ta chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà chúng ta mới thấy tình yêu như một mầu nhiệm. “Và người đàn ông bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ của mình và cả hai trở nên một thể xác”

Vì có Thiên Chúa liên quan đến tình yêu và hôn nhân, nên hôn nhân không còn phải là một kết hợp tự nhiên giữa người nam và người nữ về phương diện thể xác. Hôn nhân là một giao ước, trong đó hai người tuyên thệ sống trọn đời bên nhau và chia sẻ mọi buồn vui, sướng khổ trong trách nhim làm vợ chồng với nhau, làm cha mẹ đối với con cái. Nhiệm vụ đó tuy thật là cao cả; nhưng cũng thật nặng nề đôi khi vượt quá khả năng của con người. Chính vì thế, phải có sự can thiệp của Thiên Chúa. Ngài tạo một dịp để ban ơn đặc biệt cho đôi bạn qua một bí tích, một dấu chỉ mà Chúa thiết lập để ban ơn cho vợ chồng được chung thủy và trở nên cha mẹ có trách nhiệm.

Chính Thiên Chúa lập nên bí tích, nên Ngài cũng bị ràng buộc vào bí tích đó. Vì vậy hôn nhân không còn chỉ là giao ước song phương và tự nhiên được ký kết bởi hai người, mà là giao ước tam phương vì có Chúa hiện diện ở trong đó. Vậy sống trọn vẹn bí tích hôn phối cũng có nghĩa là sống đức tin trong nếp sinh họat lứa đôi và trong việc sinh sản cũng như giáo dục con cái.

Tình yêu và lòng tin tưởng trong đời sống vợ chồng là hai mặt của một đồng tiền. Một khi tình yêu bị phai nhạt thì niềm tin cũng suy giảm, và gia đình có nhiều nguy cơ bị đổ vỡ. Nhưng chúng ta cũng cần phân biệt đức tin với niềm tin tưởng mà vợ chồng dành cho nhau. Bởi vì, hôn nhân Kitô giáo không đặt nền tảng trên sự tín nhiệm của hai người mà thôi. Đây còn là một sự tín thác vào ơn Chúa.

Trong đời sống gia đình, với tất cả lòng thành, tự họ có thể chấp nhận và chung thủy với nhau trong những điều kiện thuận lợi. Nhưng trên thực tế, hoàn cảnh mưa thuận gió hòa lại rất hiếm. Và khi có những thử thách, nghi ngờ, bất hòa hay tai họa xẩy đến, vợ chồng dễ bị lung lạc để tìm cách xa nhau. Không cần chờ đến lúc gặp phong ba bão tố họ mới chạy đến với Chúa như nguồn sinh lực mới để nối kết họ lại với nhau. Nhưng trên vàn mọi sự họ cần sống đức tin vào Chúa qua những thăng trầm của đời sồng gia đình. Chính niềm tín thác vào Chúa là nền tảng giúp họ tin tưởng lẫn nhau hơn. Và chính từ niềm tin tưởng này mà họ có thể sống tách biệt nhau, chấp nhận những sự khác biệt của nhau trong nếp sống hằng ngày.

Họ cũng nên nhận thức rằng mỗi người đều có những cá tính khác nhau. Sự khác biệt này thật cần thiết để họ có thể bổ sung và xây dựng cho nhau. Họ cần phân biệt hai yếu tố hiệp nhất và đồng hóa. Hiệp nhất là tôn trọng những cá biệt của nhau, còn đồng hóa là biến người khác giống như mình. Và làm thế nào vợ chồng có thể đồng hóa với nhau. Tôi thường nghe nói, trong bất kỳ một tổ chức nào mà lúc nào hai người cũng đồng ý với nhau thì hình như tổ chức đó dư một người. Đời sống vợ chồng cũng thế, dù yêu nhau đến đâu, họ vẫn là hai và đừng bao giờ có tham vọng hiểu hết các suy nghĩ của nhau. Mỗi người là một mầu nhiệm, cần được khám phá những điều mới lạ của nhau luôn mãi.

            Lý tưởng của hôn nhân là “mình với ta tuy hai mà một”. Nhưng trên thực tế ‘ta với mình tuy một mà hai”. Tuy cá tính của họ đã có những thay đổi khi sống chung với nhau. Nhưng hai người vẫn còn những điểm riêng biệt và chàng vẫn là chàng, nàng vẫn là nàng.

Phương thức tốt nhất để khỏi bị dằn vặt và nghi ngờ nhau là tinh thần đức tin vào Chúa. Bởi vì một khi “anh em đã nhận Đức Giê-su Kitô làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hiệp với Người. Anh em hãy bén rể sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giê-su Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ (Colose 2: 6-7).

Đó là cách tốt nhất để vợ chồng chung thủy với nhau. Thật vậy, trước khi vợ chồng mất niềm tin nơi nhau, phản bội nhau; họ phải mất niềm tin và phản bội Chúa trước. Nếu đời sống vợ chồng của họ đặt niềm tin vào Chúa và thực hiện những huấn lệnh Ngài truyền thì họ chẳng thề nào lỗi lời thề nguyền. Niềm chung thủy trong đời sống vợ chồng là họa ảnh của lòng trung tín của Thiên Chúa đối với nhân lọai. Ơn gọi này thật là cao cả.

Vẫn biết rằng hôn nhân Công Giáo được đặt trên nền tảng của yêu thương và sinh sản. Chúng ta không được coi trọng yếu tố này và xem nhẹ yếu tố kia. Cả hai hỗ trợ cho nhau để xây dựng một gia đình yên vui đằm thắm. Trên thực tế, tôi đã gặp một số gia đình, vợ chồng sống với nhau vì con cái. Đến khi con cái họ lớn khôn họ cảm thấy không còn bị ràng buộc với nhau nữa và từ đó sinh ra nhiều rạn nứt rồi dẫn đến đổ vỡ thật đáng tiếc. Trái lại, tôi cũng đã gặp các cụ ông và cụ bà, sau khi nuôi cho con cái của họ thành người, họ quay trở về sống cho nhau, cùng nhau đi lại hành trình với tất cả sự nồng ấm của những ngày đầu tiên. Tình yêu của họ lúc này trở thành nghĩa thủy chung, gắn bó và cùng nhau đi hết con đường tình.

Vì thế, thưa anh chị em, chúng ta không thể quên trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái trong nếp sống hôn nhân được. Đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, không khác gì tình yêu mà vợ chồng trao ban cho nhau.

Nhiệm vụ giáo dục con cái thật khó khăn, nên đòi hỏi cha mẹ cần tín thác vào Chúa. Vì thế, song song với việc chăm sóc, gìn giữ và giáo dục chúng nên người, cha mẹ cần giáo dục niềm tin, hướng dẫn về đường đạo đức và đời sống tâm linh cho chúng. Đó là trách nhiệm cao quí mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho cha mẹ. 

Tâm tình đầu tiên của cha mẹ dành cho con cái là đón nhận các cháu trong yêu thương. Với đức tin, chúng ta đều biết mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao ban một sứ mạng đặc biệt. Chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc này chứ không thể tự mình định đọat một cách tuyệt đối được. Vẫn biết rằng, vợ chồng cần tính toán trong việc sinh con; theo giáo huấn của Giáo hội. Nhưng thực tế lại khác, nhiều em bé được sinh ra ngoài kế họach của cha mẹ. Vẫn biết đó là ‘accident’; nhưng không vì vậy mà cha mẹ được quyền từ khước sự hiện diện của chúng. Tôi vẫn xác tín rằng “nếu con cái không được quyền chọn cha mẹ thì cha mẹ cũng không được phép từ khước chúng”. Xua đuổi chúng là hành vi tội lỗi. Và còn hành vi nào tàn nhẫn hơn khi người con vô tội bị hất hủi ngay từ trong lòng mẹ, chưa được mở mắt chào đời, chưa được đón nhận yêu thương đã phải hút ra khỏi lòng mẹ. Không có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc làm ác đức này của cha mẹ. Nhưng cha mẹ có đủ lý do để tín thác vào Chúa khi sinh ra chúng.

Với tất cả lòng thành, các bậc làm cha mẹ đã cố gắng chu toàn bổn phận giáo dục niềm tin của con cái mình bằng những phương thức hữu hiệu nhất. Nhưng không vì thế cha mẹ có thể cưỡng đọat quyền của Thiên Chúa trên những người con của mình. Mỗi người con là một tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa, Ngài trao vào tay cha mẹ để làm cho tác phẩm đó tốt đẹp hơn. Vì thế, cha mẹ cũng phải nhận ra giới hạn của chính mình. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn và chỉ bảo đường ngay lẽ phải để chúng đi theo. Nhưng khi đến tuổi lớn khôn, thì chúng có quyền suy nghĩ để chọn lựa con đường của mình.

Tóm lại, Đức tin là nền tảng của đời sống vợ chồng.

Nhờ niềm tin nơi Chúa vợ chồng luôn tin tưởng nhau. Từ đó họ gắn bó và yêu nhau hơn. Vì trong đời sống gia đình, họ tin là có Chúa làm chủ. Vì thế dù thành công hay gặp bất hạnh, vợ chồng không thể thiếu Chúa trong hành trình hôn nhân. Thiếu Chúa, họ đang xây nhà trên cát, một cơn sóng nhỏ cũng làm tiêu tan.

Hãy để Chúa cùng đồng hành với cha mẹ trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vì dù các cháu là con của chúng ta, nhưng đích thật chúng là con của Chúa. Chúng ta lo một, Chúa lo mười. Chỉ có Chúa mới giúp vợ chồng hoàn thành sứ mạng.

Những ai trông cậy và tin tưởng vào Chúa có bị Ngài bỏ rơi bao giờ. Cầu chúc mọi người đang sống trong bậc vợ chồng luôn biết xây dựng gia đình mình trên nền tảng yêu thương và phó thác gia đình mình cho Chúa.