Friday, 12 October 2018

ĐỐI VỚI CHÚA MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ!



Anh chị em thân mến,

Trình thuật Tin Mừng hôm nay bao gồm 3 phần, liên kết với nhau.

Phần thứ nhất nói về việc tìm kiếm sự sống đời đời của người giầu có.

Phần thứ hai là lời cảnh báo của Đức Giê-su dành cho người giầu.

Và sau cùng là phần thưởng dành cho những ai dám chấp nhận sống từ bỏ.

Trước hết, chúng ta thật kính phục và ngưỡng mộ việc tìm kiếm của người giầu có hôm nay. Ông không chỉ là người giàu mà còn là người đạo đức nữa. Khi Đức Giê-su nhắc lại cho ông nhớ đến các giới răn của Thiên Chúa, thì ông đã mau mắn không chút ngần ngại, hết sức tự tin trả lời rằng: Thưa Thầy, tất cả những điều ấy, tôi đã giữ từ thủa nhỏ. Tuy thế, ông vẫn khao khát tìm kiếm một điều gì cao hơn những gì mà ông đang có, cho nên hôm nay ông mới chạy đến chặn đường Đức Giê-su để xin Người chỉ cho biết cách đạt đến sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Cách trả lời của ông nhà giàu hôm nay khiến tôi nhớ lại câu trả lời của cậu con cả trong dụ ngôn tình phụ tử “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lịnh…” Và lối khoe khoang công đức của người Pha-ri-siêu khi cầu nguyện trong đền thờ: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con…”

Cả ba người cùng một tâm trạng, chạy đến thưa với Chúa về các việc đạo đức và các nỗ lực của bản thân. Họ quên đi điều quan trọng nhất trong cuộc sống của người môn đệ là thiết lập và phát huy mối tương quan giao kết giữa Thiên Chúa và họ. Và, chính trong mối tương quan giao ước với Thiên Chúa như thế sẽ giúp họ hoàn tất được những gì mà Thiên Chúa muốn thành toàn trong cuộc sống của họ.

Cho dù, ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay không được mô tả là người ngạo mạn hay kiêu hãnh, như ông Pha-ri-siêu trong đền thờ hay là dạng người chỉ biết vâng lời mà không hề nhận ra mối tương quan cha con của người con cả. Nhưng, tôi thiết nghĩ, tự trong thâm tâm ông vẫn chưa thoát ra khỏi ý nghĩ cho rằng sự giầu có mà ông có hôm nay là thành quả của việc giữ luật, lối sống đạo của ông từ nhỏ cho đến bây giờ. Vì coi đó là thành quả, cho nên ông không chấp nhận được lời yêu cầu rất thẳng thắn của Đức Giê-su trong phần kế tiếp.

Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh bằng cái nhìn trìu mến. Tuy không nói ra, nhưng Người biết rõ ông cần gì. Điều mà Người yêu cầu ông là hãy bán gia tài mà Thiên Chúa trao ban vào tay ông, rồi đem tặng lại cho người nghèo, sau đó ông sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Chúa. Bởi vì, sự sống đời đời mà ông nhà giàu kiếm tìm hôm nay là chính sự sống của Thiên Chúa, được trao ban một cách nhưng không qua Đức Ki-tô, chứ không hoàn toàn lệ thuộc vào công trạng của ông.

Theo lẽ thường tình, chúng ta theo Chúa để tìm sự sống đích thực và vĩnh cửu ở trên trời. Nhưng, hôm nay Đức Giê-su đã đảo ngược vị trí này. Đó là việc Đức Giê-su mời ông nhà giàu này tậu cho mình một kho tàng trên trời trước rồi mới theo Người.

Chúng ta có thể lý luận rằng một khi đã tậu được kho tàng rồi thì cần gì phải theo Chúa nữa. Đó là lối suy nghĩ của con người. Đối với Chúa, việc tậu cho mình một kho tàng chưa hẳn là một bảo đảm vĩnh cửu. Chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục nỗ lực để làm cho kho tàng đó được sinh hoa lợi thêm ra. Hoa lợi này là kết quả của việc chúng ta dùng gia sản để phục vụ những người nghèo khó. Qua lối đầu tư này Thiên Chúa sẽ ban thêm cho chúng ta.

Lời mời gọi bước theo Đức Giê-su không thể dừng lại ở việc sống và thực hiện một số việc làm đạo đức. Theo Chúa không chỉ là việc tuân giữ các khoản luật, nhưng cần được thể hiện bằng việc làm; không cho riêng mình, gia đình và dòng tộc mình; nhưng là cho tất cả mọi người; đặc biệt là giới nghèo, những ai bị thương tích, những con người đang sống trong tình trạng mỏng dòn dễ vỡ. Do đó, Đức Giê-su mời gọi ông sống một số điều cụ thể hơn, đó là: Bán gia tài, tặng cho người nghèo để tậu cho ông có một sản nghiệp trên trời, rồi đi theo Người.

Đề nghị này gồm ba bước gắn bó với nhau:

Thứ nhất là bán gia tài. Gia tài ở đây không chỉ là tiền bạc; nhưng là tất cả những gì ông ta đang có, những gì ông đang sở hữu, đang quản lý. Nó có thể là tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, tài năng. Bán đi là hành động chứng tỏ ông không thuộc về nó, làm chủ nó. Nói khác đi, ông phải nhận ra rằng những gì mà ông đang có không thể là của riêng ông. Đó là của chung. Tất cả chỉ là phương tiện giúp ông dễ dàng hơn trong việc theo Chúa. Có nghĩa là ông không được để cho lòng mình vướng bận những điều đó. Tất cả những gì ông có đều là hồng ân của Chúa ban cho. Đó là của chung, còn ông và chúng ta chỉ là những người quản lý. Bởi thế, tất cả những gì chúng ta có, chỉ để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Vì thế, việc kế tiếp mà ông cần nhắm đến là tha nhân, những người nghèo chung quanh ông. Có nghĩa là ông cần chuyên tâm sống nguyên tắc không dính bén và biết chia sẻ. Không nghĩ đến mình, mà còn phải biết nghĩ đến tha nhân, phải mở rộng con tim, giang đôi tay ra để ôm ấp, giúp đỡ nhưng người tất bạt rồi quì xuống mà phục vụ anh em.

Người nghèo không chỉ thiếu tiền thiếu bạc và của cải. Họ còn thiếu tình thương, lời an ủi, niềm khích lệ, sự tôn trọng… Vì thế, chúng ta không chỉ mời gọi trao ban cho họ tiền của, mà còn cho họ thời giờ, sức lực và cả trí tuệ, con người của mình nữa. Nhiều khi, chỉ cần trao cho họ một nụ cười, trả lại cho họ niềm kính trọng như một con người thì còn cao quí hơn các tặng vật.

Sau khi thực hiện các việc làm đó rồi hãy đi theo Chúa. Lúc này, ông không còn bị vướng bận, thảnh thơi để bước vào giai đọan sau cùng của người môn đệ là theo Chúa. Tuy gia tài trên trời đã có; nhưng không vì vậy mà ông và chúng ta lại chểnh mảng và không lo làm cho nó giàu có hơn. Theo Chúa là như thế, là làm giàu cho Chúa những gì đã được tặng ban. Như thế, muốn bước theo Đức Giê-su, con người phải để cho mình hết sức nhẹ nhàng và thanh thản, không còn bị dính bén hay bị bận rộn trong việc tính toán theo thói thế gian, mà phải hoàn toàn nhẹ nhàng và thanh thoát.

Đức Giê-su đã đáp ứng điều mà ông nhà giầu đang kiếm tìm bằng cách chỉ cho ông điều mà ông đang thiếu, điều mà ông cần dứt bỏ để có thể tiến vào hạnh phúc đích thật và viên mãn. Tuy nhiên, trước lời mời gọi của Đức Giê-su, người này đã chùn chân và không dám bước tới, ông đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”.

Thái độ buồn rầu của ông giúp chúng ta nhận ra một điều là ông dám mơ ước, nhưng lại không dám hy sinh để đạt được ước mơ của mình. Có lẽ trong cuộc sống, ông ta chưa bao giờ phải chạm trán và đuơng đầu với một cuộc chiến thật gay go như lúc này. Và, ngay trong giây phút đó, ông mới nhận ra rằng tiền bạc là mục tiêu tối hậu cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã không thể dứt bỏ được của cải. Ông đành bỏ Chúa để đi.  

Thưa anh chị em,

Như chúng ta đều biết, của cải vật chất không phải là điều xấu, nó là ước mơ của nhiều người. Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta chỉ dừng lại ở của cải vật chất, là lúc chúng ta biến của cải thành mục tiêu tối hậu cho cuộc sống. Và, chúng ta sẽ tìm mọi phương thế để đạt cho được nó. Đến lúc đó, ước mơ ban đầu cho dù rất tinh tuyền, như ước mơ làm giàu để phục vụ kẻ khác, có thể sẽ biến dạng thành tham vọng, rồi dẫn chúng ta đi vào con đường sai lạc.

Nói khác đi, một khi chúng ta chỉ đặt mục tiêu cuộc đời vào của cải vật chất, nó sẽ biến chúng ta thành những con người tham lam, sống theo bản năng và thay vì làm chủ nó, chúng ta lại biến thành nạn nhân cho của cải. Lúc đó của cải sẽ biến thành ông chủ sai khiến ta. Ý hướng ngay lành, hướng thượng không còn nữa mà chỉ còn lại là hưởng thụ với những thú vui theo sau. Các điều đó sẽ biến chúng ta thành những con người hoàn toàn lệ thuộc vào sự chỉ huy của tiền của.

Giống như ông nhà giàu hôm nay, các môn đệ cũng nhận ra được sự đòi hỏi thật quyết liệt và gắt gao của Chúa. Chúng ta làm được gì với tài hèn sức mọn, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.

Đó chính là trọng tâm của sứ điệp: Với Chúa, chúng ta làm được tất cả.

Và đó là điều mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, qua những con người như Thánh Phan Sinh, ngài đã từ bỏ nếp sống quí tộc, ra đi làm bạn với ‘bà chúa nghèo hèn’; như mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcuta, đã từ bỏ nếp sống an toàn trong một tu viện, ra đi làm bạn với những người hấp hối cần tình thương và ơn bình an. Và còn nhiều gương sáng khác nữa.

Các ngài là những mẫu gương của người môn đệ, luôn sẵn sàng chấp nhận để Thiên Chúa thành toàn trong nếp sống của họ, ở mọi thời, mọi nơi; và hôm nay, ngay tại chỗ này có cả chúng ta nữa.

Hãy để Chúa làm, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. Amen!


No comments:

Post a Comment