Trong
trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta bài học về quyền lãnh
đạo. Người nói rất rõ ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ anh chị em
mình. Sứ điệp này có thể đã quá quen thuộc với chúng ta, nhưng xét về mặt thực
hành thì nó vẫn là một thách đố với Hội Thánh thuộc mọi thế hệ nói chung và gia
đình nhỏ bé hay các nhóm của chúng ta nói riêng.
Khi
Thánh Mác-cô trình bầy giáo huấn này của Đức Giê-su thì dường như những người
lãnh đạo trong cộng đoàn của ngài cũng có vấn đề! Ngay từ thủa ban đầu, những
ai được mời vào chức vụ lãnh đạo đều có các tố chất thật xứng đáng như tinh
thần phục vụ và lòng hy sinh. Nhưng không phải lúc nào họ cũng giữ được tấm lòng
trung kiên và lửa nhiệt thành như thủa ban đầu như thế. Với tính xác phàm,
những nét yếu đuối trong bản tính con người cũng dễ bị lộ diện, từ đó dẫn họ
đến chỗ tranh chấp rồi hạ bệ để tranh nhau chỗ nhất. Để đối diện với hoàn cảnh
như thế thì không còn có gì hay hơn là trình bầy lại sứ điệp và gương sáng phục
vụ của Đức Giê-su. Đấng đã làm gương và dậy cho chúng ta bài học phục vụ. và để
có thể hoàn thành sứ mạng này, như Đức Giê-su chúng ta phải biết nương tựa vào
Thiên Chúa.
Trình
thuật hôm nay được gắn liền với lời loan báo của Đức Giê-su cho các môn đệ biết
về cuộc khổ nạn mà Người sẽ phải gánh chịu. Cho dù, đây là lời loan báo lần thứ
ba, nhưng hình như các môn đệ vẫn còn mải mê trong cái nhìn, nỗi ước mơ hay tham
vọng của họ. Mắt họ chỉ nhìn ra quan niệm về một Đấng Thiên Sai theo nghĩa
chính trị, có nghĩa là Đấng Mesia sẽ đ7067202ợc sai đến để giải thoát họ khỏi
ách nô lệ, đuổi bọn xâm lược ra khỏi đất nuớc và trả lại cho dân tộc họ chủ
quyền của một quốc gia, tái lập thời
đại hoàng kim. Các điều này đã được trình bầy qua câu hỏi của họ trong biến cố Chúa
về trời như sau: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc
Ít-ra-en hay không?” Chính cái nhìn về một triều đại trần thế như thế nên khi
nghe Đức Giê-su loan báo đến hành trình khổ nạn của Người trước khi bước vào
vinh quang, thì họ chỉ nghĩ đến một thứ vinh quang trần thế, cho nên hôm nay
Gia-cô-bê và Gio-an mới nhanh miệng xin Thầy mình rằng: “Xin cho hai anh em
chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi
Thầy được vinh quang.”
Tuy
rằng Gia-cô- bê và Gio-an đã nhanh miệng khi đưa ra lời thỉnh cầu rất mực con người
như thế. Nhưng điều này không chỉ là ước vọng của hai ông mà thôi, các môn đệ
khác cũng có cùng một niềm mơ ước như họ. Giữa các ông đã có một cuộc chiến
quyền lực, ai cũng cố gắng dành phần thắng, cố gắng trèo lên ghế cao để được trọng
vọng: Trong các ông, ai sẽ là kẻ lớn hơn? Và dĩ nhiên, khi con người có ghế, có
địa vị thì dễ sinh ra quyền lực và bị quyền lợi cám dỗ.
Điều
đáng buồn là trước thái độ và lời cầu khẩn của Gia-cô-bê và Gio-an đã khiến các
môn đệ kia giận dữ. Tình hình bỗng trở nên căng thẳng, tinh thần hiệp nhất giữa
các ông đã bị sứt mẻ để nhường chỗ cho một cuộc chiến tranh lạnh; có thể nói các
ông bằng mặt chứ không bằng lòng. Vì thế, Đức Giêsu cần hành động ngay, nếu
không thì những lời giáo huấn của Người từ trước đến giờ sẽ như ‘nước đổ lá
khoai.’ Và, trong phần kế tiếp, Đức Giê-su đã cho họ thấy rõ các tiêu chuẩn
khác nhau về sự cao trọng, về vai trò lãnh đạo trong Vương quốc của Thiên Chúa
với các vuơng triều thế tục.
Trong
các vương quốc tại trần gian thì người ta dùng quyền để cai trị. Như một hoàng
đế, ông ta muốn làm gì thì làm, ông có quyền trên sự sống chết của thần dân và
thuộc hạ. Như vậy, quyền sinh ra lực và những ai có quyền thì thường dùng quyền
để bảo vệ lợi ích của mình. Và như thế họ luôn bị quay cuồng bởi việc nắm giữ
quyền lực để phát triển quyền lợi rồi củng cố điạ vị còn nói gì đến việc phục
vụ tha nhân.
Trong
khi đó, đối với Đức Giê-su, vương quốc mà Người khai mạc là triều đại hồng ân
của Thiên Chúa. Huấn chương là Tình yêu và tiêu chuẩn để đánh giá vị trí của
các thành viên là việc phục vụ. Sự cao trọng không bao gồm việc bắt người khác
phục vụ mình, nhưng là đặt chính mình vào việc phục vụ người khác. Cách thử
nghiệm đã được Đức Giê-su phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục
vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Bài
học phục vụ nói lên giao ước Tình yêu của Thiên Chúa đã đuợc khai mạc nơi con
người của Đức Giêsu. Người đến để mở ra một con đường, một lối sống yêu thương,
vô vị lợi. Nếu tình yêu mà còn mong đáp trả thì còn có thể là tình yêu được hay
sao! Lúc đó, tình yêu đã biến thành phương tiện cho bản thân. Như vậy có nghĩa
là là tôi yêu người khác vì tôi; và người khác có đáp trả tình yêu cho tôi cũng
vì cái lợi mà họ có thể thu hoạch được; như vậy họ cũng yêu chính họ chứ không
hề yêu tôi. Một tình yêu cho đi, không cần đáp trả mới là mối tình của Chúa và
thuộc về Chúa.
Trong
tinh thần và lối sống của Đức Giê-su thì những ai được mời gọi là Con Chúa, trở
thành môn đệ của Người là những con người biết cho đi, biết san sẻ và cùng
chung chia sứ mạng của Người. Đó chính là điều mà Đức Giê-su yêu cầu Gia-cô-bê và
Gio-an hôm nay: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén
Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”
Chén
mà Đức Giê-su sắp uống và phép rửa mà Người sắp chịu là cuộc sống của Người, và
cao điểm là hành trình Thập Giá mà Người sắp đón nhận. Noi khác đi, đó chính là
sứ mạng của Người, rất cụ thể, rất sáng tạo và đong đầy hy sinh. Đức Giêsu muốn
nói đến sự chọn lựa trong vâng phục ý định của Thiên Chúa nơi Người. Với quyền
năng sẵn có, Người có thể sắp xếp cuộc sống hoàn toàn phù hợp với chính Người,
nhưng Người đã không làm thế, sẵn sàng dâng hiến, ngay cả bản thân và tất cả những
gì Người có chỉ để phục vụ người khác. Có nghĩa là luôn đi tìm và tạo hạnh phúc
cho người khác bằng việc quì xuống rửa chân nói lên ý nghĩa phục vụ của Người.
Thật đúng như lời Người đã phán: sẵn sàng hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho
muôn người và phục hồi tình trạng làm con Thiên Chúa của chúng ta, để chúng ta
cũng có thể chia sẻ cuộc sống thần linh với Người.
Đấy
là con đường của Đức Giê-su. Và đó cũng là con đường của người môn đệ phải đi;
có nghĩa là chúng ta phải sống cuộc sống của Chúa như lời tuyên tín của Thánh
Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong
tôi”, có nghĩa là giống Đức Giê-su, chúng ta luôn đi tìm cách để phục vụ người
khác, mong làm đầy tớ mọi người.
Đây
không phải là một điều luật trong những điều luật khác nhưng đó là “hiến
chương” của Giáo Hội, của cộng đoàn các môn đệ: Mỗi người phải trở nên đầy tớ
của mọi người. Trong Giáo Hội, chỉ có một nguyên tắc mà thôi: Đó là phục vụ. Nói
như thế không có nghĩa là chúng ta coi thường năng quyền được trao ban trong
Hội Thánh. Uy quyền tuy cần thiết và trong bất cứ một tổ chức hay một tập thể
nào thì đều cần có người lãnh đạo, bằng không thì lại rối loạn vì chẳng ai nghe
ai!
Chúa
không hủy bỏ vai trò của người lãnh đạo; nhưng làm đầu là để phục vụ người khác
thì khác với tinh thần làm lớn để bắt người khác cúc cung quì gối mà phục vụ
mình. Vì thế, cho hạng giáo sĩ, những người được mời gọi vào các vai trò đặc
biệt trong Hội Thánh mà chúng ta thường gọi họ là các thừa tác viên: linh mục,
phó tế. Họ cũng nên nhớ rằng năng quyền mà họ đang có đã được Hội Thánh trao
ban vì lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không thuộc về riêng họ. Họ là những kẻ
lãnh nhận quyền thừa tác của Đức Giê-su trong gia đình Hội Thánh. Uy quyền lãnh
đạo sau cùng và tối cao vẫn thuộc về Đức Giê-su. Như vậy, làm gì có lãnh tụ
theo nghĩa thế gian trong cơ chế của Giáo Hội. Chỉ có những “thừa tác viên”,
những “người phục vụ”.
Và
những ai đã được Chúa mời gọi chia sẽ quyền lãnh đạo với Người hãy cân nhắc cẩn
thận để lời nói và hành động được hợp nhất. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực
hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Đức Giê-su. Ai được
mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận đối với cộng đòan. Ai
được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình. Người
nào có bổn phận của người ấy. Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ. Vì
thế phục vụ là bài học mà Chúa muốn dùng để dậy bảo chúng ta.
Phục
vụ trong tinh thần hiến dâng vì ích lợi của tha nhân, của muôn người. Đó là con
đuờng của Đức Giê-su và cũng là con đường nguyên thuỷ mà Hội Thánh, cộng đoàn
của các kẻ tin phải noi gương và bắt chước. Phục vụ đến mức độ sẵn sàng hy sinh
ý riêng và thậm chí ngay cả cuộc sống của mình vì lợi ích chung.
Chúng
ta cần để ý đến ý nghĩa tích cực mà Đức Giê-su đã đón nhận để nói lên việc hiến
dâng mạng sống của Người. Tuy con đường trước mắt là khổ nạn, là đau thương;
nhưng Người hân hoan đón nhận, vì đó không phải là án phạt mà Người phải chịu,
nhưng đó là hồng ân, quà tặng, niềm vui trong vâng phục cho dù cho đến chết.
Đối với Đức Giê-su, Người không nghĩ về cái chết này một cách đau khổ; con
đường thập giá đối với Người là “con đuờng phục vụ tuy thống khổ và hy sinh
nhưng ngập tràn niềm vui”.
Người
đã thể hiện trọn vẹn tinh thần và việc làm phục vụ đó qua nghĩa cử rửa chân cho
các môn đệ. Đức Giê-su đã không thể hiện vai trò của một quân vương, mà là vai
trò của một người đầy tớ. Gương của Thầy
vẫn còn đó. Câu chuyên về cuộc đời phục vụ của Đức Giê-su vẫn được mời gọi và
thể hiện qua cuộc sống của chúng ta.
Hãy
nương tựa và trao cho Chúa tất cả yếu đuối, mỏng dòn của chúng ta, vì chỉ với
Người, trong Người và nhờ Người, chúng ta mới có thể chu toàn trọn vẹn ơn gọi
phục vụ và hiến dâng cuộc sống mình cho tha nhân. Uớc mong nguyện vọng này được
thực hiện trong cuộc sống của các kẻ tin, mọi thời, mọi nơi, nhất là trong giây
phút này. Amen!
No comments:
Post a Comment