Thursday, 25 October 2018

TRONG CHÚA, CHÚNG TA ĐƯỢC SÁNG MẮT


Hôm nay, chúng ta bắt đầu bài suy niệm bằng một truyện kể về cuộc sống của chú Bảo mù, làm nghề bán vé số dạo trong xứ đạo của chúng tôi khi xưa. Tôi không biết chú từ đâu đến và tại sao chú bị mù. Khi tôi có trí khôn thì đã thấy chú, một tay cầm tập vé số, tay kia với cây gậy dò đường. Chú vừa đi vừa hát bài ‘xổ số kiến thiết quốc gia…’ Tôi là một trong những thân chủ của chú, và từ việc giao dịch đó, mối dây liên hệ của chú cháu chúng tôi càng ngày càng trở nên thân thiết hơn.
Không chỉ có thế, tôi thường được nghe nói rằng: những ai có tật thì có tài. Một trong những tài của chú và có thể của các người mù nói chung là họ phân biệt và nhận ra giá trị của đồng tiền rất chính xác qua xúc giác. Chú chỉ cần cầm đồng tiền trên tay, lật qua lật lại là có thể đoán ra giá trị của nó. Chưa bao giờ chú bị lầm lẫn. Sau này chú lập gia đình và có hai người con, môt trai một gái. Gia đình chú thím sống hạnh phúc cho đến ngày chú mãn phần.
Truyện kể không chỉ có thế. Tôi còn nhớ một lần anh chị em trong nhóm đến thăm gia đình chú. Qua cuộc trao đổi, có một người trong nhóm xin chú chia sẻ về cuộc sống và thân phận mù lòa của chú. Chúng ta có thể nghĩ rằng họ là những người bất hạnh bạc phước. Nhưng chú lại khác, bằng vào một giọng nói dí dỏm, chú chia sẻ rằng chú rất hạnh phúc với những gì đã được trao ban. Đối với chú, những ai không bị mù lòa, có nghĩa là còn đôi mắt mà không biết dùng cặp mắt của mình cho đúng nghĩa, thì dường như họ bị thừa đôi mắt. Chú vui lòng và chấp nhận giới hạn của bản thân. Cho dù chú không nhìn thấy ánh sáng như những người có đôi mắt, nhưng chú vẫn đi ngủ và thức dậy đúng giờ, vẫn thường xuyên tham dự và cảm nhận được ý nghĩa của Thánh lễ. Cho dù chú không nhận ra được vẻ đẹp của mầu sắc, nhưng chú vẫn nhận ra nét đẹp đó bằng óc tưởng tượng và bằng khứu giác để nhận ra mùi hương của hoa.
Câu truyện này nhắc nhở tôi một kinh nghiệm mới đây khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, Keysborough. Tôi đã gặp một cựu tu sĩ dòng Don-Bosco: Anh Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập mái ấm Thiên Ân. Anh đến Úc thăm thân nhân. Nhân dịp đó, tôi đã mời anh ra nói chuyện với bà con thuộc cộng đoàn.
Theo như câu chuyện về cuộc đời của anh. Anh bị mù qua một tai nạn giao thông. Với hoàn cảnh như thế, anh đã không thể tiếp tục ơn gọi trong Dòng Thánh Bosco. Anh đã xin trở về nhà. Thoạt đầu, anh không chấp nhận và sống trong nỗi phẫn uất với số phận nghiệt ngã qua biến cố đã xẩy ra cho anh. Nhưng dần dà với ơn Chúa, qua ngày tháng sau này anh nhận ra được một điều là Thiên Chúa vẫn họat động và mời anh lên đường. Mái ấm Thiên Ân, hay còn gọi là trung tâm hướng nghiệp dành cho các em bị khiếm thị được thành hình. Tại nơi đó, anh không chỉ nuôi các trẻ em bị mù, mà còn tạo cho các em tay nghề hợp với năng khiếu của các em. Đến khi lớn khôn, chính các em này là những người thầy dậy các em khác. Có nhiều em đến tuổi trưởng thành, đã lập gia đình, vẫn thường xuyên trở về mái nhà Thiên Ân để cùng đồng hành với anh trong công việc nuôi nấng và tạo ra các công ăn việc làm khác cho các trẻ em bị mù lòa. Anh thật xứng đáng là người cha của gia đình ‘mái ấm Thiên Ân’.
Qua các truyện kể nói trên, chúng ta nên nghĩ rằng những người mà thân thể của họ tuy bị khiếm khuyết, nhưng nghị lực, ý chí và tấm lòng của họ dành cho các công việc bác ái, đem lại ích lợi và hạnh phúc cho tha nhân, có thể vượt xa chúng ta là những kẻ tưởng rằng mình sáng mắt, ai ngờ lại bị khiếm thị. Dành cho họ tấm lòng thán phục và ngưỡng mộ là việc cần; nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta nên khám phá nơi họ sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng hiện diện và thường xuyên hoạt động nơi họ.
Anh chị em thân mến.
Anh mù Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng hôm nay may mắn hơn vì đã được Đức Giê-su chữa cho khỏi bịnh. Anh không chỉ được sáng mắt mà cõi lòng cũng được sáng để nhìn ra con đường mà theo Chúa.
Trước khi gặp Đức Giê-su, anh không chỉ bị mù lòa mà còn là người ăn xin nữa. Cuộc sống của anh hoàn toàn lệ thuộc vào lòng tốt, của bố thí của khách vãng lai. Việc Đức Giê-su chữa lành cho anh không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Bởi vì, cho đến hôm nay không ai trong chúng ta có thể phủ nhận uy quyền của Thiên Chúa hoạt động nơi Người. Tuy nhiên, ý định của Thánh Mác-cô khi sắp xếp trình thuật này khiến chúng ta ngạc nhiên và cần tìm hiểu.
Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã hỏi lại Gia-cô-bê và Gio-an: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Hôm nay, Người lại hỏi anh Ba-ti-mê: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Hai câu hỏi cùng một ý nhưng cách trả lời lại khác nhau. Lẽ ra, Gia-cô-bê và Gio-an, với kinh nghiệm qua nhiều lần gặp gỡ Đức Giê-su và đã được Người khai mở lòng trí thì câu trả lời của anh Ba-ti-mê “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” phải là câu trả lời của các môn đệ. Trái lại, tham vọng quyền bính đã che lấp tầm nhìn khiến mắt các ông tuy sáng lại trở thành mù, vì thế các ông đã không xin Chúa ơn soi sáng để nhận biết về con người của Thầy mà lại xin chỗ ngồi tốt, địa vị cao.
Vẫn chưa hết, trong phân đoạn mô tả cuộc hành trình trong vùng ngoại biên của Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem của Đức Giê-su, Thánh sử Má-cô đã bắt đầu bằng việc Đức Giê-su chữa lành cho người mù tại Bết-xai-đa và kết thúc bằng việc Đức Giê-su làm cho anh mù Ba-ti-mê tại Giê-ri-khô là cửa ngõ vào Giê-ru-sa-lem được sáng mắt. Hai người mù này đóng vai trò gì trong việc soạn tác và huấn luyện niềm tin của Đức Giê-su dành cho các môn đệ? Đâu là ý định của Thánh sử. Hai người mù này đã được Đức Giê-su khai sáng thế nào thì con đường của các môn đệ cũng cần sự tác động như thế. Gặp Thầy để tin và bước vào hành trình khổ nạn với Người như thế.
Rồi thêm một truyện khác. Simon Phê-rô đã theo Thầy, vượt qua bao cạm bẫy, nhận được bao lời huấn giáo để có thể tuyên xưng Thầy là Đức Ki-tô; thế mà sau khi nghe thầy loan báo về cuộc khổ nạn, ông đã đứng ra ngăn cản Thầy thực hiện ý định của Thiên Chúa, không chấp nhận cho Thầy mình đi vào vinh quang qua cuộc khổ nạn. Vì thế, ông đã bị Chúa khiển trách là ‘Xatan, lui lại đàng sau Thầy’ Trong khi đó, một con người bị khuyết tật, cuộc sống lệ thuộc vào lòng thương xót của người khác như anh Ba-ti-mê hôm nay, lại đạt được đích điểm khi đã tuyên xưng không chỉ bằng miệng mà còn bằng cuộc sống, là sẵn sàng theo Thầy đi vào Giê-ru-sa-lem, không phải để đón nhận hào quang, mà là để chịu thương khó.
Hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là những người tưởng mình sáng mắt lại trở thành mù tối, còn anh Ba-ti-mê lại trở thành người sáng mắt qua việc gặp gỡ Đức Giê-su. Chính anh đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa.
Anh Ba-ti-mê đã không dựa vào những giáo điều để tin vào Đức Giêsu. Đức tin của anh đã được xây dựng trên nền tảng của mối tương quan với một con người mà có thể anh chỉ nghe người ta nói; mà anh chưa bao giờ được gặp mặt; vì anh bị mù. Chính điều này giúp anh đào sâu niềm tin của anh vào Đấng mà anh kêu xin. Anh không xin những đồng tiền bố thí từ Đức Giê-su. Được nghe người ta nói; và đúng hơn trong thâm tâm anh thấy Chúa Giêsu là con vua Đavid, là Đấng Messia. Anh nhận ra nơi Người có một quyền năng có thể giúp anh. Anh xin Người dủ lòng thương đến thân phận của anh. Trong khi đó những người sáng mắt theo Chúa lại không nhận ra điều mà họ cần. Trái lại họ lại hành động như một thứ rào cản, ngăn chận người khác đến với Chúa.
Như vậy có một nghịch lý ở đây là người mù đã thấy được nhiều hơn là người sáng mắt. Và những gì đã xẩy đến cho Ba-ti-mê hôm nay là lời mời gọi mà các môn đệ cần phải tìm cho ra câu trả lời trên đường theo Chúa của các ông. Hành trình và nỗ lực để được gặp Chúa của anh Ba-ti-mê cũng là bài học dành cho những ai muốn trở thành môn đệ của Thầy.
Sau đây là các bước nhẩy vọt của anh mù mang tên Ba-ti-mê:
Chúng ta hãy tưởng tượng và hình dung ra cảnh anh mù Ba-ti-mê đang ngồi ăn xin. Nơi anh ngồi là vệ đường. Không ai đi ăn xin tại các nơi hẻo lánh. Họ phải chọn chỗ đông người qua lại như giữa phố xá, rất nhộn nhịp và là nơi tập trung các khách từ bốn phương tuôn về. Ngày hôm đó, tuy rằng mắt anh mù, nhưng đôi tai của anh lại thính, anh Ba-ti-mê nhận ra có đám đông đi qua chỗ anh đang ngồi. Và anh nghe người ta nói rằng trong đám đông, có một người tên là Giê-su, đến từ Na-za-rét, Người đã thực hiện nhiều việc lạ lùng và kỳ diệu. Chỉ cần biết ngần ấy, anh liền la thật to để xin Đức Giêsu giúp đỡ.
Hoàn cảnh của anh cũng giống như hoàn cảnh của những người chạy đến để xin Đức Giê-su giúp mà chúng ta thường được nghe trong Tin Mừng. Bằng vào nỗ lực của bản thân, họ phải vượt qua các rào cản để có thể tiếp cận với Đức Giê-su. Hôm nay cũng thế, đám đông, bao gồm cả những môn đệ của Đức Giê-su, cố gắng làm anh im lặng, thậm chí có một số người muốn đuổi anh đi. Tuy nhiên, không vì việc làm của họ khiến anh nản lòng. Trái lại sự ngăn cản của đám đông càng làm anh quyết tâm hơn. Anh gào thét to hơn, cho đến khi Đức Giê-su để ý đến anh. Cuối cùng, Người nhận ra anh. Người dừng lại và yêu cầu người ta đưa anh đến.
Nghe được những lời cho phép của Đức Giê-su, anh không cần đợi người ta giúp. Tuy vẫn đang bị mù lòa, nhưng đôi tai của anh không bị điếc; anh đã nhận ra hướng của Đức Giê-su đang đứng. Lập tức, anh quăng chiếc áo choàng đang khoác trên người của anh lại đàng sau. Hành động này cho chúng ta nhận ra một điều là anh buông bỏ tất cả, buông cả chiếc áo hộ thân đã bao bọc anh bấy lâu nay, rồi đứng phắt dậy để tiến về phía Chúa.
Nhu cầu được xót thương và niềm tin là động lực và sức mạnh giúp anh vượt qua mọi trở ngại để gặp Chúa. Đến lúc này, câu hỏi của Đức Giê-su “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” và câu trả lời: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” của anh Ba-ti-mê xem ra hơi dư thừa. Bởi vì, Đức Giê-su đã biết rõ anh mù này cần gì và nhu cầu của anh mù đã được hiển thị quá rõ ràng.
Quả thật không dư thừa chút nào. Bởi vì, như chúng ta đã nói ở phần trên là anh mù đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa. Thật vậy, câu hỏi của Đức Giê-su dành cho anh mù năm xưa cũng là câu hỏi của Chúa dành cho chúng ta hôm nay: Chúng ta muốn Đức Giê-su làm gì cho chúng ta? Và lời đáp trả xin cho chúng con được thấy cũng cần được lập đi lập lại trong cuộc sống của những ai muốn làm môn đệ của Chúa. Chúng ta không xin Chúa ban cho chúng ta nhìn thấy về mặt thể lý cho bằng nhìn ra việc Chúa làm gì trong chúng ta và cho chúng ta, để mãi mãi chúng ta nhìn ra được sứ mạng mà Chúa muốn chúng ta thực hiện.
Xin cho chúng con đuợc thấy các kỳ công của Chúa thực hiện trong thân phận mỏng dòn và yêú đuối của chúng con. Và, chúng con tin rằng: chỉ có ai để cho thần linh của Chúa hướng dẫn thì mắt người đó mới nhìn ra sứ mạng mà Chúa đã trao ban, để rồi chúng ta có thể hoàn thành sứ mạng đó theo như ý định của Chúa mà thôi. Amen!



No comments:

Post a Comment