Vào thời Đức Giê-su, đạo Do Thái có 613 khoản luật, trong đó có 248 lời khuyên và 365 luật buộc. Một cách ngay lành, chúng ta phải nhìn nhận các nỗ lực và cố gắng của họ trong việc tìm hiểu ý nghĩa của các huấn lệnh mà Chúa ban, để giúp họ sống. Nguyên thuỷ, người Do Thái tin rằng, qua tổ phụ Maisen, Thiên Chúa đã ban cho họ các giới răn của Ngài. Từ những giới răn này, sau này những người lãnh đạo như mấy ông kinh sư hay thầy dậy đạo thuộc phái Pha-ri-sêu thường bàn bạc với nhau để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng nhất.
Trong các sách Tin
Mừng, chúng ta hay gặp các tình huống mô tả việc các nhà lãnh đạo đem các khoản
luật đến chất vấn nhằm gài bẫy và bắt lỗi Đức Giê-su. Tuy nhiên, hoàn cảnh hôm
nay dường như có vẻ hơi khác. Ông kinh sư đến gặp Đức Giê-su lại là người có
thiện cảm với Chúa. Ông muốn tìm hiểu xem trong 613 điều luật thì điều nào đứng
đầu và quan trọng nhất. Ông xin Chúa một điều, Chuá lại ban cho ông hai. Đó là:
“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta,
là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn
hơn các điều răn đó.” Đức Giê-su đã nối kết hai điều luật lại với nhau thành
một. Người dạy họ và chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người thân cận là trọng tâm
của cuộc sống.
Việc
tìm hiểu giới răn nào là huấn lịnh quan trọng nhất đã là việc khó; phương chi
nói đến việc áp dụng trong cuộc sống; hẳn nhiên còn khó hơn bội phần. Ai trong
chúng ta dám vỗ ngực xưng mình là kẻ đã yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết
trí khôn và hết sức của mình! Lại còn cần thể hiện lòng mến đó cho tha nhân,
đặc biệt là những ai ở bên mình.
Để
minh họa điều này, chúng ta cùng nghe một câu chuyện ngụ ngôn. Đối với người
Hồi Giáo, thì việc hành hương thánh điạ Mecca là một trong năm việc đạo đức mà
họ phải thực hiện ít nhất một lần trong đời. Mục đích của việc hành hương là để
tìm kiếm sự tha thứ, dẫn dắt và cứu rỗi linh hồn của họ từ Allah, Thiên Chúa
của họ.
Ngày xửa ngày
xưa, trong một lần nào đó, chúa tể giống mèo đi hành hương thánh địa Mecca. Trong
chuyến hành hương này cũng có chúa tể của loài chuột nữa. Trên đường trở về, vị
lãnh đạo của loài chuột mới tự nghĩ rằng ông ta có bổn phận phải đến để chào và
chúc mừng chúa tể giống mèo. Khi nghe vị lãnh đạo dân chuột có ý nghĩ này, thì
mấy chú chuột đàn em cấp duới lo ngại cho sự an toàn của ông. Họ can gián ông đừng
đi bằng các lời lẽ như sau: “Thưa ngài, mèo đã là kẻ thù truyền kiếp của chúng
ta, làm sao Ngài có thể tin vào ông ta được”. Nhưng vua chuột đáp: “Ông ta mới
đi hành hương thánh địa Mecca về. Người ta nói ông ta đã cầu nguyện năm lần một
ngày nữa. Vì thế, ta rất hy vọng là ông chúa của giống mèo đã được biến đổi!
các ngươi hãy tin vào Ta.”
Nói xong, ông lập
tức khởi hành đến cung điện của chúa mèo. Vừa vào tới cửa dinh, ông nhìn thấy
một cảnh tượng vô cùng đẹp. Vua mèo, trong bộ trang phục của người vừa đi hành
hương về, đang quì mọp xuống nền nhà để cầu kinh vô cùng sốt sắng. Nhìn thấy
thế, vua chuột nhà ta cảm thấy an tâm hơn, bèn tiến vào gần thêm chút nữa. Ngay
trong giây phút đó và vô cùng bất ngờ, chúa mèo nhẩy chồm lên để vồ lấy ông.
Cũng may cho vua chuột của chúng mình, nhờ nhanh chân hơn nên đã kịp phóng ra
ngoài thoát nạn.
Khi vị lãnh tụ loài
chuột về đến hang của mình, đàn chuột con đến thăm hỏi và muốn biết kết quả của
cuộc gặp gỡ giữa hai ông: chúa mèo và chúa chuột. Họ hỏi ông rằng sau khi tham
dự hành hương thánh địa trở về, vua mèo có thay đổi và trở nên thân thiện với
họ hay không? Vị lãnh tụ loài chuột đáp: “Những lời góp ý của các ngươi rất
thực tế và chính xác. Mèo vẫn là mèo. Khi ông ta cầu nguyện thì dáng vẻ thánh
thiện và hiền lành như một người đang tham dự hành hương; nhưng khi nhẩy lên vồ
ta thì mèo vẫn hoàn mèo.”
Qua câu chuyện
mang tính ngụ ngôn nói trên đã giúp chúng ta hiểu rằng thật là nguy hiểm khi
chúng ta tách rời hai huấn lịnh, mến Chúa và yêu người, ra thành hai. Đức
Giê-su đã gom hai điều răn này thành một, gắn liền với nhau, không thể tách
rời. Yêu Chúa là yêu tha nhân và tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân phải
được phát xuất từ Tình yêu Chúa. Yêu Chúa như Chúa yêu đã không phải là việc dễ
dàng; yêu tha nhân còn khó hơn bội phần. Vì, làm sao chúng ta có thể yêu được
con người với đủ mọi khuyết điểm; và đôi khi họ còn được coi như những người
trái ý và không cùng phe với chúng ta.
Vẫn biết là khi
yêu chúng ta cần cảm xúc. Tuy nhiên cảm xúc đến rồi đi. Nhưng mối tình dành cho
Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở mặt cảm xúc; nò còn đòi hỏi chúng ta diễn tả
bằng hành động. Đó là thứ tình mà Đức Giê-su nhắc lại cho ông kinh sư hôm nay:
yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực là yêu Thiên Chúa
bằng tất cả những gì chúng ta đang có. Đó là dạng thức của mối tình bác ái, hy
sinh, dâng hiến và mưu cầu hạnh phúc cho người mình yêu.
Vì thế, ai yêu
mến Chúa thì vâng lời Ngài. Ai yêu mến Người thì tôn thờ Người. Những người cha
và người mẹ yêu thương Thiên Chúa thế nào thì họ sẽ nuôi dạy con cái họ trong
đức tin. Tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái bền vững hơn khi mối tình mà họ
trao ban cho nhau và cho con cái được xuất phát từ Tình yêu Thiên Chúa. Một
thương gia sẽ trở thành một viên quản lý trung tín và liêm khiết nếu ông xây
dựng cuộc sống mình trên nền tảng của giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và ông.
Trong mọi trường hợp, tình yêu Thiên Chúa được đánh giá bằng hành vi hiến dâng,
biểu hiện bằng việc làm đem lại lợi ích cho người khác.
Đức Giê-su còn
mời gọi chúng ta thể hiện trong cuộc sống mình một sự liên kết chặt chẽ, không
gì có thể tháo gỡ và tách biệt hai giới răn này ra khỏi nhau. Thật vậy, nhiều
lần chúng ta đã lạm dụng cụm từ yêu thương khi mạnh dạn tuyên xưng mình rất yêu
Chúa mà lại không nhìn thấy hay làm ngơ trước các nhu cầu của tha nhân là những
người đang sống gần bên ta, thế nghĩa là làm sao!
Lời Chúa trong bài
Tin Mừng hôm nay là cơ hội giúp chúng ta đặt lại vấn đề căn bản: Đạo công giáo
là đạo gì? Phải chăng đạo công giáo chỉ bao gồm những điều khoản bắt tín đồ phải
giữ. Không chỉ là như thế. Thật ra đó là đạo Tình Yêu, đó là con đường yêu
thương. Đây không chỉ là bài học của Chúa hôm nay, nhưng chính là con đường
Chúa đã đi qua.Vì thế, cách sống đạo của chúng ta không chỉ dựa vào việc đọc
kinh ê a, dài dòng, hoặc tổ chức các chuyến hành hương, tụ họp để biểu dương
niềm tin tôn giáo; nhưng còn phải và nhất là: Hãy yêu nhau. Chúng ta có chung
một mối tình đó là Yêu Chúa yêu người. Khi nói như thế không có nghĩa là con
tim của chúng ta bị chia hai: một nửa cho Chúa và phần nửa còn lại cho tha nhân
và người hàng xóm láng giềng bên cạnh ta.
Việc đầu tiên chúng
ta cần làm là cởi mở cõi lòng để nhận ra có một Đức Chúa duy nhất, chứ không có
một thần tượng nào khác ngoài Ngài ra. Môt khi đã nhận ra Ngài là Thiên Chúa
duy nhất là lúc chúng ta đầu phục và biết rằng mọi sự chúng ta có trên cõi đời
này, ngay cả việc nhận ra Ngài là Thiên Chúa duy nhất cũng được trao ban cho
chúng ta bởi Ngài. Nếu mọi sự chúng ta có đều thuộc về Ngài thì làm sao chúng
ta có thể cư xử với nhau như người dưng, khách lạ được. Trong Ngài, tất cả
chúng ta đều là anh chị em.
Bước kế tiếp là
yêu Chúa. Tình yêu Chúa trong ta và tình của ta dành cho Chúa là căn nguyên, là
nguồn động lực thúc đẩy chúng ta sẵn sàng ra đi để yêu tha nhân. Chỉ có ai cắm
rễ sâu trong Tình yêu của Chúa thì mối tình của người đó dành cho tha nhân mới
bền lâu; bằng không cũng chỉ là những cảm xúc nhân loại, nhất thời và chóng
qua. Chỉ khi nào chúng ta tiếp cận được với Thiên Chúa của Đức Giê-su thì chúng
ta mới đầu phục và tôn thờ Ngài hoàn toàn, và tình của ta dành cho tha nhân mới
chân thật và bền vững. Bởi vì, nếu không có Đức Giê-su, chúng ta dễ bị lầm lẫn giữa
việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tôn sùng ngẫu tượng. Việc tôn sùng ngẫu tượng
này còn tạo cho chúng ta một điều rất nguy hiểm; đó chính là thay vì tôn thờ
Thiên Chúa thì con người lại đi thờ chính bản thân mình, khiến cho niềm tin bị
sai lạc, mù quáng và dẫn đến cuồng tín.
Còn yêu tha nhân
thì sao? Yêu Chúa thế nào thì yêu tha nhân như thế; bởi tình yêu dành cho tha
nhân phải được phát xuất từ Tình yêu Thiên Chúa. Đây chính là mẫu mực, là tiêu
chuẩn của những ai muốn trở thành môn đệ Chúa. Đây là giới răn mới mà Đức
Giê-su ban thêm. Ông kinh sư đến gặp Chúa để xin Người ban cho ông giới răn
trọng nhất; cuối cùng ông và chúng ta nhận được hai điều bằng nhau và chẳng có
điều răn nào khác lớn hơn hai điều ấy. Qua việc yêu thương tha nhân, chúng ta
đi vào chương trình và ý muốn của Thiên Chúa. Vẫn biết là như thế. Nhưng chúng
ta cũng nên cụ thể hóa tình yêu của chúng ta dành cho những người lân cận bằng
hành động. Chúng ta cũng không cần hỏi ai là người thân của mình, mà hãy yêu
tất cả mọi người như nhau.
Đây không phải là
việc dễ làm. Cho nên chúng ta cần đến Chúa. Chỉ những ai yêu mến Thiên Chúa hết
lòng, hết trí khôn, hết sức lực thì sẽ có hành động diễn tả tình yêu của họ một
cách cụ thể cho tha nhân. Chúng ta không yêu và trao ban cho người khác những
gì mình dư thừa, cũng không chỉ là việc trao ban những gì mình đang nắm giữ; mà
là việc trao ban mang ý nghĩa dâng hiến như Đức Giê-su đã thực hiện, bởi vì
chúng ta nhận ra hình ảnh của Đức Giê-su nơi người đó. Như chúng ta đã được đón
nhận việc phục vụ và dâng hiến của Đức Giê-su thế nào thì tha nhân cũng vậy. Họ
thật xứng đáng đón nhận quà tặng của Chúa qua việc trao ban của chúng ta. Như
vậy, việc trao ban giữa chúng ta với nhau không phải là việc bố thí; nhưng đó
là việc đáp ứng nhu cầu của nhau. Khi làm như thế, chúng ta tôn trọng và giúp
cho con người của họ được phát triển toàn diện.
Tóm lại, để trở
thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi yêu mến Chúa và thương tha
nhân “hết” lòng, “hết” trí khôn, “hết” sức lực và “hết” mình có nghĩa là dám cho
đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Trong ngôn ngữ của người Do Thái, các chữ “lòng”,
“linh hồn” và “trí khôn” có nghĩa toàn bộ con người. Do đó, ý nghĩa của giới
răn hôm nay là “hãy yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhau bằng tất cả con người
mình, cho đi tất cả con người mình, dâng hiến toàn bộ con người mình.” Nghĩa
là, trong Tình yêu thì không còn sự chia cách, không còn phân biệt giữa người
này với người khác. Tất cả đều được hoà hợp trong Tình Yêu, nơi đó không còn
biên giới, không còn hận thù, không còn tỵ hiềm hay chia rẽ; mà chỉ có hiệp
thông, tha thứ và bình an.
Cầu xin mọi người
vui sống trong tình yêu Chúa và thương mến nhau hơn. Amen!
No comments:
Post a Comment