Thursday, 8 November 2018

NGÀY CHUNG THẨM, KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI MỚI.



Trình thuật Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay có lối hành văn thật khó hiểu, không gần gũi với chúng ta. Tuy nhiên, câu cuối cùng trong bài Tin Mừng giúp chúng ta thấy sứ điệp mà Đức Giê-su muốn nhắn gửi cho các môn đệ và các tín hữu mọi thời, đó là không ai biết khi nào sẽ tận thế. Người nói “còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.
Tuy nhiên, mỗi khi thấy những biến cố hay các tai ương xẩy ra trên thế giới như: động đất, lũ lụt, chiến tranh thì không thiếu những người tín hữu vội vàng tiên đoán đó là các dấu chỉ của ngày tận thế. Lối suy đoán này đã từng xẩy ra trong lịch sử. Mỗi một giai đoạn trong dòng lịch sử, người ta lại có các kiểu đoán khác nhau.
Ở đây chúng ta nên nhớ lại lời của Thánh Augustinô sau cuộc trao đổi về ngày tận thế với Đức Tổng Giám Mục, giáo phận Sa-lo-ne-a, Ngài đã nói như sau: “Chúng tôi cũng không biết bao giờ sẽ tận thế. Bởi vì, đó không phải là việc của chúng ta biết khi nào ngày đó sẽ xẩy đến; việc đó nằm trong quyền hạn của Chúa Cha.” Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại cuối cùng.
Thời đại đó đã được bắt đầu từ thời các Thánh Tông Đồ, và sẽ còn tiếp tục sau cả thời của chúng ta nữa. Ngày tận thế còn cách xa chúng ta bao lâu, điều đó tôi cũng chẳng hề biết. Nhưng trong lúc này chúng ta hãy cứ sống trong niềm mong đợi về ngày đó. Và Ngài nhận thấy hiện có ba cách nhìn đã gây ảnh hưởng trên lối sống của các tín hữu thời đó trước những tin đồn về ngày tận thế như sau:
Có một số người quan niệm là hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện, vì ngày Chúa đến sắp xẩy đến.
Một nhóm khác lại chủ trương là hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì đời sống của con người thì quá ngắn ngủi và bấp bênh và ngày Chúa đến hãy còn xa lắm.
Vì thân phận con người rất là yếu đuối và mỏng giòn, nên chúng ta hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện trong niềm mong chờ ngày Chúa đến sẽ xẩy ra vào bất cứ lúc nào.
Đối với Thánh Augustinô thì lối sống thứ ba này là thích hợp nhất.
Dù rằng các lời tiên đoán về ngày tận thế đều không xẩy ra như người ta đoán già đoán non. Vì thế, chúng ta không nên quá chú trọng đến việc tiên đoán ngày nào sẽ là ngày tận thế. Nhưng hãy lưu ý đến nội dung của sứ điệp mà họ muốn nói đến là thời đại mà chúng ta đang sống là thời cuối cùng của lịch sử nhân loại, rồi đây vũ trụ sẽ bị tàn phá và sụp đổ để nhường cho việc Chúa đến trong quyền năng; và ngày đó có thể đang gần đến. Tuy nhiên, khi nào ngày ấy đến thì đó không phải là việc của chúng ta. Bởi vì, ngày đó là “Ngày của Chúa” và những gì của Chúa thì hãy để cho Chúa định liệu.
Chúng ta thường có quan niệm nhìn ngày tận thế rất tiêu cực. Ngày tận diệt, ngày phá hủy. Ngày khiến con người sống trong lo âu và sợ hãi. Thật là mâu thuẫn, bởi vì chúng ta đều gọi ngày đó là ngày quang lâm; không lẽ trong ngày hiển thắng của Đức Chúa quang lâm lại chỉ bao trùm chết chóc, sợ hãi và huỷ diệt hay sao! Đâu là sứ điệp vui mừng trong bữa tiệc cánh chung, đâu là hình ảnh ngóng đợi chàng rể đến để hợp hoan, đem vui mừng đến cho mọi người.
Quả thật, trong bài diễn từ về ngày cánh chung hôm nay có hàm chứa một biến cố lịch sử đã xẩy ra cho dân tộc Do Thái, đó chính là việc Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và đã bị huỷ diệt thành bình địa. Nhân dựa vào biến cố lịch sử này, các Thánh sử đều muốn nhắm đến sứ điệp là một thời đại đã qua đi để nhường chỗ cho những gì mới sẽ xẩy đến. Giê-ru-sa-lem cũ đã qua đi để nhường chỗ cho một Giê-ru-sa-lem mới. Và cho dù trời đất này phải qua đi thì Trời mới đất mới sẽ xuất hiện. Và một cảnh sống hoà bình sẽ đuợc thành hình như lời loan báo của ngôn sứ I-sa-i-a như sau: “Trong ngày đó, sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.”
Hình ảnh mà ngôn sứ I-saia loan báo quả thật vô cùng đẹp đẽ và an bình. Qua đó, chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự bình an, của sáng tạo, của sự sống chứ không phải huỷ diệt và sư chết. Có nghĩa là từ khởi thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loại, và sẽ đưa muôn loài đến cùng đích trong sự viên mãn và thành toàn nơi Người. Bởi thế, trong ngày của Chúa, mọi sự sẽ được đổi mới toàn diện; ngày mà chúng ta thấy rõ dung nhan vinh hiển của Chúa, mà trong hiện tại chúng ta chỉ thấy mờ mờ.
Trạng thái lo âu và sơ hãi không có chỗ đứng trong hành trang của người tín hũu đang ngóng chờ Ngày Quang Lâm vinh hiển của Đức Chúa. Nhưng không vì thế, mà chúng ta lại đi vào thái cực khác là coi thường, thờ ơ rồi sống như không có ngày chung kết, rồi trong hiện tại con người lại tác oai, tác quái muốn làm gì thì làm, thậm chí kể cả các hành vi vô đạo  và bất lương cũng không từ. Trái lại, chúng ta phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một người quản lý mà Chúa đã giao phó cho việc trông coi và phát triển vũ trụ này trở thành Trời Mới và Đất Mới.
Như vậy, thái độ tích cực nhất của chúng ta là hãy sắp xếp cuộc sống của mình cho phù hợp với các nhiệm vụ đã được giao phó nơi trần thế. Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi ích cho bản thân mình mà thôi, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của người quản lý trung tín để phục vụ cộng đồng nhân loại và đổi mới bộ mặt của thế gian. Bởi vì, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc cho dân của Ngài, như lời giáo huấn của Giáo Hội: “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của thế gian đã bị lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi. Nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới, một thế giới mới và ở nơi đó công bằng sẽ ngự trị. Hạnh phúc tại nơi ấy sẽ thỏa mãn và lắp đầy mọi ước vọng của sự an bình luôn trào dâng trong lòng con người... Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Tuy nhiên, sự trông chờ đất mới không được làm suy giảm, nhưng trái lại phải kích thích các nỗ lực phát triển trái đất này, đó chính là nơi mà gia đình nhân loại mới đang được tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ tại trần thế với sự bành trướng Vương quyền của Chúa Kitô, nhưng các tiến bộ tại trần thế phải trở nên yếu tố quan trọng đối với Nước Thiên Chúa và tùy theo mức độ gạn lọc để chúng có thể góp phần vào việc xây dựng xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn” (Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 39). 
Ý thức được nhiệm vụ và bổn phận của mình trong dòng lịch sử nhân loại để ngóng chờ ngày mà Đức Kitô ngự đến trong quang lâm, mỗi Kitô hữu mang trong mình niềm tin tưởng vào sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến, qua những sinh hoạt của mình nơi trần thế. Niềm tin này không chỉ được qui chiếu vào những sinh hoạt phụng vụ hay các bổn phận luân lý cần phải chu toàn mà thôi; nhưng chính nó buộc chúng ta phải dấn thân trọn vẹn vào môi trường, tùy theo ơn gọi của mình, để làm cho môi trường mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Đó là niềm hy vọng và cũng là ước nguyện của chúng ta.
Cầu xin cho đức tin, đức cậy của chúng ta cùng triển nở với đức ái để chờ ngày cùng được hiển thắng với Đức Giê-su trong ngày vinh thắng. Amen!



No comments:

Post a Comment