Monday, 3 December 2018

“HÃY ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN”



Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Với việc mừng kính trọng thể Lễ Đức Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ; chúng ta đã kết thúc một chu kỳ của năm phụng vụ. Đã có kết thúc thì có khởi điểm; và khởi điểm của năm phụng vụ thường bắt đầu bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trong năm phụng vụ 2019 này chúng ta sẽ được nghe rất nhiều bài Tin Mừng trích dẫn trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca, Tin Mừng của Lòng Thương Xót. Dường như đây là một trong các chủ đề quan trọng mà tác giả muốn truyền đạt cho cộng đoàn của Ngài và cho cả chúng ta nữa.

Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thánh sử đã cảm nhận được lòng thương xót và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa; Đấng yêu thương hơn là oán phạt. Trong chương 15, chúng ta nhận ra đặc tính của Thiên Chúa: tìm kiếm, tha thứ, yêu thương, đón nhận, vui mừng và hân hoan khi đón tiếp chúng ta. Không thấy chỗ nào nói đến án phạt. Giả như có vài nơi nói về sự công minh của Ngài thì cũng chỉ là kiểu nói để giáo dục chúng ta sống ngay thẳng và tốt lành hơn mà thôi.

Khi viết tới đây, tôi nhớ đến một truyện ngắn như sau. Trong một lớp giáo lý dành cho trẻ em, lúc ma-sơ đang thao thao bất tuyệt giảng giải về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì ở cuối lớp có một em bé dường như đang bị chia trí với bản vẽ trước mặt. Tò mò sơ tiến lại gần và hỏi em đang vẽ gì? Em trình bầy bản vẽ và thưa với sơ rằng con đang vẽ hình ảnh của Thiên Chúa. Sơ ngạc nhiên hỏi lại em đã nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ đâu mà vẽ. Em bé nhìn ma sơ, với niềm xác tín rồi trả lời rằng chỉ còn vài phút nữa ma sơ sẽ thấy hình của Thiên Chúa.

Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Câu trả lời của em nhỏ cũng là câu trả lời của mỗi người chúng ta. Anh chị em cảm nhận Thiên Chúa là ai? Chúng ta nhận như thế nào sẽ trao ban như thế. Người có phải là tin vui, nguồn ơn tha thứ, lòng thương xót, nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta hay không? Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội trở lại chủ đế này để đào sâu lòng sùng mộ và yêu mến của chúng ta về một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót.

Thưa anh chị em,

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với ý nghĩa của Mùa Vọng. Hầu hết những người tín hữu đều biết về ý nghĩa của mùa vọng. Đây là thời gian chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Đức Giê-su. Sự hiện diện này đươc diễn tả qua 3 thời điểm: Người đã đến trần gian này hơn 2000 năm, mà lễ mừng ngày sinh hạ của Người sẽ được cử hành vào dịp Lễ Giáng Sinh hàng năm. Người sẽ khải hoàn đến trong quang lâm để đón chúng ta đi về nhà Cha và Người đang hiện diện giữa lòng đời và trong lòng người.

Nhìn cách trang hòang tại các trung tâm thương mại và những màn quảng cáo, không cần nhắc, anh chi em cũng biết lễ Giáng Sinh đã gần đến. Và Mùa vọng là thời gian để chúng ta chuẩn bị cho việc mừng Lễ.

Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ đến để thay thế trời cũ đất cũ. Ngày mà sự sống vĩnh cửu sẽ hiển trị và vượt thắng sự chết. Ngày mà con người sẽ đuợc đổi mới toàn diện. Thật ra, sự biến đổi đã bắt đầu bởi cuộc giáng hạ và nhất là bởi sự sống lại của Con Thiên Chúa và trong thời khắc hiện tại chúng ta đang sống để chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong ngày quang lâm vinh hiển của Đức Chúa, mà chúng ta hay gọi là “Ngày của Chúa”. Và không ai trong chúng ta biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Mong đợi với niềm hy vọng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài những điểm diễn tả việc tàn phá sẽ xẩy ra trên trái đất làm cho con người phải khiếp sợ, chúng ta cần ghi nhớ điểm quan trọng là sau cùng Thiên Chúa vẫn hiển trị. Cho dù các tai ương trong hiện tại có xẩy ra như thế nào; nhưng cuối cùng vẫn là sự toàn thắng của Thiên Chúa. Vì giờ cứu chuộc mà Đức Giê-su đã khai mạc sắp hoàn tất. Vì thế, cho dù những người khác phải kinh hoàng khiếp sợ trước các biến động sẽ xẩy ra trên quả địa cầu này; nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần làm là hãy hiên ngang đứng thẳng người và ngẩng đầu lên. Thái độ này chỉ xuất hiện nơi những ai trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa. Kẻ sợ hãi thì lẩn trốn còn kẻ tin thì hiên ngang đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì giờ cứu chuộc đã gần kề.

Sau đó Đức Giê-su lại còn khuyên bảo chúng ta phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chèn chén say sưa hay lo lắng sự đời quá sức rồi ngày ấy sẽ như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu chúng ta.
Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Vì thế, trong phần sau của bài Tin Mừng, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ gặp nguy cơ và trở thành chai đá. Rồi những lo âu thái quá trong cuộc sống khiến cho đời sống của chúng ta bị quay như chóng chóng và mất đi phương hướng, hay vì quá bận tâm đến thế trần và vật chất khiến chúng ta quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Vì thế, chúng ta nên lập ra một chương trình làm việc trong Mùa Vọng này. Đây là thời gian hồng ân, đây là thời điểm mà chúng ta làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn; tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày ấy sẽ như một chiếc lưới, ập xuống trên mọi cư dân trên khắp mặt đất.

Trước lời cảnh báo như thế, chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. Chúng ta đừng để mình bị "chộp bắt" bất thình lình, như con thú bị sa lưới.

Hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, luôn cảnh giác. Việc không biết ngày nào sẽ xảy đến, không đặt chúng ta nằm trong trạng thái thụ động , lười biếng, trễ nải, nhưng làm cho chúng ta trở thành những con người hiên ngang đứng thẳng người trong trạng thái sẵn sàng!

Qua những lời trên, Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến! Và cầu nguyện là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa, càng gặp càng yêu và càng yêu lại càng muốn gặp; bằng không thì giống như cá thiếu nước, con người thiếu dưỡng khí. Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người gặp Chúa và gặp nhau.

Vì thế, đừng ngủ mê nữa. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Ngài gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Vì, Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình … tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến.

Hiện tại, Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến, vì chúng con đang đợi Người. Amen!

No comments:

Post a Comment