Chúng ta bước sang tuần thứ Tư Mùa Vọng. Và chỉ còn vài ngày
nữa là đến Lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Không khí thật nhộn nhịp. Các trung tâm
thương mại được người người viếng thăm. Có những người vội vã tìm kiếm quà cho
ngươì thân vào giờ phút chót. Lại có những kẻ tay trong tay cùng với người mình
yêu dạo ngắm các mặt hàng được trưng bầy tại các khu shops. Và có nhiều người trốn
vào các trung tâm thương mại để tránh cái nóng thật oi bức của mấy ngày này.
Bên cạnh đó, không thiếu những cảnh thật thương tâm. Vẫn còn
nhiều cảnh đời bất hạnh. Không thiếu những trẻ em sống trong hoàn cảnh éo le
trước sự đổ vỡ của cha mẹ mà hậu quả là sự cô đơn, thiếu vắng tình thương mà
các cháu phải gánh chịu. Còn có những cụ già trong các viện dưỡng lão kiên trì
ngồi bên khung cửa để trông chờ và đón đợi con cháu đến thăm… Những ngày như thế
này chỉ đem lại cho họ nỗi buồn và tâm trạng tủi thân.
Nói gì thì nói, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng
Chúa vẫn đến trong hoàn cảnh riêng của từng người. Việc Chúa viếng thăm không xẩy ra một lần là đủ.
Nguời đã đến, đang đến và mãi mãi sẽ đến cho đến ngày muôn dân muôn nước quy tụ
duới chân Người. Chính nhờ điểm này mà chúng ta ý thức rằng tất cả mọi giao tiếp,
gặp gỡ và những lần thăm viếng giữa người với người phải được xuất phát từ kinh
nghiệm gặp gỡ giữa Chúa và ta.
Và đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Người đã đi bước
trước để làm gương cho con cháu và hậu duệ của Ngài. Khi bước vào trần gian,
Ngài đã chọn con đường vâng phục theo ý Cha Người. Thiên Chúa đã không ngần ngại
bước đến với con người trong hoàn cảnh mỏng dòn, bội ước và đầy tham vọng của họ.
Ngài chấp nhận đi vào hoàn cảnh chung của nhân loại và riêng từng người. Ngài
không còn ở xa, nhưng đã đồng hình đồng dạng để chia sẻ mọi hoạn nạn khổ đau của
con người.
Như mọi người, Ngài cũng mặc lấy thân phận của một thai nhi,
tuỳ thuộc và lớn lên trong cung lòng mẹ. Và điều đặc biệt là sự cộng tác trọn vẹn
và phó thác của Mẹ đã khiến một biến cố phi thường xẩy ra một cách thật bình
thường. Mẹ là người đã sẵn sàng vuợt qua mọi rào cản để cho Con Thiên Chúa bước
vào cuộc đời Mẹ và bước vào thế giới qua cung lòng của Mẹ. Như mọi bào thai, Đức
Giê-su, Con Thiên Chúa đã đón nhận sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ những giọt máu
đào và dòng sữa yêu thương của Mẹ.
Qua sự cộng tác của Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện việc viếng
thăm mà cả dân tộc Do Thái đang ngóng trông và đợi chờ. Cuộc viếng thăm của
Thiên Chúa đã lật sang một trang sử mới; khai trương một triều đại mới của Nước
Thiên Chúa. Sự xuất hiện của Con Thiên Chúa đã đem Nhiệm Cục Cứu Rỗi của Thiên
Chúa đến chỗ thành tựu.
Kính thưa anh chị em,
Thăm viếng là dấu chỉ của tình thương. Đó có thể là khởi điểm
của một mối tình hay là bước đầu của một dự án.
Chúng ta thường đến thăm những người chúng ta yêu thương.
Tình yêu cần được nhìn thấy, chứ không thể khư khư, giữ kín và ôm lấy cho riêng
mình. Một thứ tình yêu âm thầm, chỉ dựa vào ngôn từ mà không được biểu lộ thành
hành động thì không phải là tình yêu chân chính và đích thực. Đây là kinh nghiệm
vô cùng quí giá của những ai đang yêu. Họ tìm mọi cách để thăm nhau. Và thường
thì mỗi lần như thế họ để lại trong nhau các trải nghiệm khó phai mờ.
Không chỉ có thế, thăm viếng là một trong các điều vô cùng cần
thiết trong xã hội mà khuynh hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân được cổ võ và
phát triển như hiện nay. Ngày xưa, con người đến với nhau để giao tiếp. Hôm
nay, lệ thuộc vào sự tiến bộ của truyền thông, con người bỗng trở nên lười biếng
hơn, chưa kể đến việc lạm dụng các phương tiện văn minh kỹ thuật để bớt gặp nhau
hơn. Có ai ngờ được hiện tượng của những con người sống chung trong một mái nhà
mà lại phải dùng điện thoại để nhắn tin hay gọi nhau xuống ăn cơm tối. Tiện lợi
vô cùng, nhưng hiểm họa ngay bên! Lối sống mỗi người là một ốc đảo càng ngày
càng hiện rõ trong các sinh hoạt của gia đình và đương nhiên sẽ lan tràn như bệnh
dịch sang môi trường mình sinh sống.
Ngày xưa, trong các tuần đại phúc, nghĩa là trong các lần giảng
tĩnh tâm tại các Giáo xứ, chúng tôi thường dành mấy tuần đầu cho chương trình,
ban ngày đi thăm viếng buổi tối họp nhóm. Công việc này giúp chúng tôi và giáo
dân trong xứ hiểu nhau hơn, nhìn thấy nhu cầu của nhau mà quan tâm… rồi từ đó
các bài giảng thuyết được chuẩn bị hầu đáp ứng đúng nhu cầu của bà con trong
giáo xứ.
Vì sao mà được như thế? Tất cả nhờ vào công tác thăm viếng.
Qua đó, chúng ta dễ dàng tiếp cận và hiểu nhau hơn.
Ngày nay, vì nhiều nguyên do khác nhau, dù lòng chúng ta muốn
áp dụng cách thức này; nhưng thực tế cũng không cho phép. Con người quá bận rộn!
Nhu cầu thăm viếng, đến với nhau càng ngày càng thấy hiếm.
Lần giở sách Kinh
Thánh, chúng ta nhận ra chuỗi dài của việc viếng thăm mà Thiên Chúa đã thực hiện
trong dân Ngài. Qua các sứ giả của Thiên Chúa, mà cụ thể là việc Thiên Thần đến
với E-li-sa-bét và Đức Maria trong các trình thuật truyền tin; rồi qua môi miệng
và chứng từ của các ngôn sứ, như lời tụng ca của Dacaria “Chúc tụng Đức Chúa là
Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu
chuộc dân Người.”
Trong sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta có thể liệt kê
vô số các lần thăm viếng và đồng bàn với dân chúng của Đức Giê-su. Và nhiều điều
kỳ diệu đã xẩy ra trong và sau những lần thăm viếng đó. Cụ thể như việc Đức
Giê-su chữa lành cho người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng trong lần Người ghé
thăm Ca-pha-na-um; qua lần ghé Nain, Người đã làm cho cậu con trai duy nhất của
bà goá được sống lại. Với việc đến thăm và làm bạn với những người tội lỗi khiến
cho mấy ông bà tưởng mình đạo đức phật lòng… Nhưng lần thăm Giê-ru-sa-lem sau
cùng lại không có kết quả tốt như các lần trước. Người đã bị từ khước và cuối
cùng là hành trình khổ nạn và Thập Giá; nhưng đàng sau của Thập Giá là vinh
quang của sống lại mà ngày nay con cháu của Người được thừa hưởng sự hy sinh
đó.
Giờ đây, chúng ta cùng suy gẫm cuộc thăm viếng của Đức Maria
và bà Ê-li-sa-bét. Sau khi để cho ý định của Thiên Chúa được thành sự trong
cung lòng của Ngài, Đức Maria vội vã ra đi lên miền sơn cuớc để thăm bà
Ê-li-sa-bét, chị họ Ngài. Trình thuật này thường được suy gẫm trong Kinh mân
côi để ca tụng nhân đức thương người, luôn quan tâm đến nhu cầu của kẻ khác nơi
Mẹ. Tất cả đều là những bài học thật quí giá mà Mẹ đã để lại cho chúng ta học hỏi
và noi gương.
Tuy nhiên, hôm nay tôi xin dựa vào một yêú tố khác. Đây là hậu
quả dưạ trên các kinh nghiệm thật sâu xa của các bà mẹ đang mang thai đã chia sẻ
với nhau mà tôi nghe lóm đuợc. Nhớ đó, chúng ta khám phá ra một điều là trình
thuật diễn tả việc Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét mang tính nhân bản, nói
lên cách xử sự thật con người của Mẹ. Trước tiên, niềm vui được cưu mang con là
niềm vui, là nguồn sức mạnh thúc đẩy Mẹ lên đường để chia sẻ niềm vui và điều kỳ
diệu đang xẩy ra trong cung lòng của Mẹ cho người khác. Và ai là người có thể đồng
cảm với Mẹ trong giai đoạn này? Đó chính là chị họ của Mẹ, người cùng cảnh ngộ
và đang mang thai như Mẹ.
Còn hơn thế nữa khi mà sứ giả của Thiên Chúa đã loan báo về
tương lai của hai bào thai: Con của Mẹ sẽ là Đấng Cứu Chuộc, và con của
Ê-li-sa-bét là người tiền hô. Vì thế, niềm vui của hai người Mẹ đang mang thai
chuyển động đến hai thai nhi khiến cả hai bào thai cùng nhẩy mừng trong cung
lòng của hai ngươì mẹ khi họ gặp nhau. Chính vì thế, bà Ê -li-sa-bét đã lớn tiếng
ca ngợi Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc dành cho Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế
này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã
nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những
gì Người đã nói với em.” Nhận ra nguồn ơn đó từ Thiên Chúa, Mẹ đã mau mắn đáp
trả: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên
Chúa, Đấng cứu độ tôi...”
Thưa anh chị em,
Qua trình thuật thăm viếng của Mẹ dành cho bà Ê-li-sa-bét, ẩn
chứa cuộc gặp gỡ thật vui mừng giữa Đức Giê-su và Gio-an tẩy giả, có thể giúp
chúng ta nhận ra ơn gọi của mình vừa là tiền thân vừa là hiện thân của Đấng Cứu
Thế. Như vậy, mỗi lần chúng ta gặp nhau, dù là tình cờ hay đã định trước, đều
là cơ hội để chúng ta có thể hỗ trợ nhau trong nỗi đau, củng cố và giúp nhau đối
diện với cơn buồn phiền rồi hướng dẫn nhau vuợt qua tình trạng bối rối để hướng
về cùng đích của Nuớc Trời.
Trong tinh thần đó, mỗi khi chúng ta gặp nhau, nhất là cuộc gặp
gỡ trong bữa tiệc Tạ Ơn, đều là cơ hội diễn tả việc viếng thăm của Thiên Chúa
dành cho dân của Ngài. Chính qua cử chỉ đó, chúng ta làm cho mầu nhiệm hy tế của
Đức Giê-su mà chúng ta đang cử hành trong các Thánh Lễ trở thành hiện thực và sống
động hơn bởi cuộc sống dấn thân và phục vụ mà chúng ta dành cho nhau.
Uớc mong Chúa mãi là hành trang trong các lần thăm viếng mà
chúng ta dành cho nhau, để niềm vui trong Chúa qua việc gặp gỡ của chúng ta được
trở nên trọn vẹn hơn. Amen!
No comments:
Post a Comment