Vào các Mùa chay hàng năm, Hội Thánh thường nhắc cho chúng ta
nhớ đến các việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Từ năm này
qua năm khác, sứ điệp vẫn là như thế; nhưng việc thực hiện thì khó khăn. Tự kiểm
điểm và nhận ra rằng tôi chưa thực hiện được bao nhiêu. Vì thế, sứ điệp vẫn cần
thiết. Các việc làm đó nhằm hướng chúng ta về cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su,
mà cao điểm là biến cố Phục sinh từ trong cõi chết của Người mà chúng ta chuẩn
bị mừng Lễ. Nói chung là như thế, tuy nhiên mỗi người chúng ta đều có cách thức
khác nhau để thực hiện các lời khuyên đạo đức trong mùa chay này.
Vào cuối tuần vừa qua, tôi may mắn được nghe các bậc phụ
huynh chia sẻ với nhau về các việc mà con cái họ thường áp dụng trong mùa chay.
Trong các lời san sẻ, tôi đã bị đánh động bởi việc làm của các cháu trong gia đình
của người bạn. Anh chị đã chia sẻ rằng: Để chuẩn bị cho mùa chay năm 2019 này,
mấy người con gái của anh chị đã lau chùi, sắp xếp lại phòng ốc cho ngăn nắp,
khang trang và sạch sẽ hơn. Các cháu còn đưa ra quyết tâm sẽ kiêng thịt trong
suốt mùa chay. Đây không phải là điều gì mới mẻ, các cháu đã từng làm vào các
mùa chay trước đây. Tuy nhiên, việc làm của các cháu thật ý nghĩa, nó đã để lại
trong tôi một ấn tượng thật sâu sắc.
Lau chùi và sắp xếp lại phòng ốc là hình ảnh tiêu biểu giúp
chúng ta sống mùa chay.
Vẫn biết, thời gian thuộc về Chúa và tất cả mọi biến cố xẩy
ra đều là các dấu chỉ để con người nhận ra ý định của Thiên Chúa. Tuy nhiên,
mùa chay bao giờ cũng là thời gian thuận tiện, thời khắc ân sủng để chúng ta có
cơ hội nhìn lại mà lau chùi và sắp xếp lại cuộc sống của chính mình sao cho phù
hợp với cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su, nhất là thông phần vào mầu nhiệm chết
và sống lại của Người.
Cho dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đối diện với bao cám
dỗ, đã trải qua muôn vàn thử thách và đau khổ để học cho được bài học vâng phục
ý định của Thiên Chúa, Cha Người. Và trong phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật
thứ nhất Mùa chay năm nay, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy gẫm ba cuộc thử thách
tiêu biểu trong muôn vàn cám dỗ khác mà Đức Giê-su đã phải đương đầu khi thi
hành tác vụ cứu nhân độ thế của Người. Và đây cũng là các thử thách mà các môn
đệ và mọi thành phần trong cộng đoàn của các môn đệ sẽ gặp, trong đó có cả
chúng ta nữa.
Thưa anh chị em,
Ba cuộc thử
thách mà Đức Giê-su đối diện trong tư cách làm ‘Con Thiên Chúa’ cho chúng ta biết
Người sẽ hành động thế nào? Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su sẽ đi tìm vinh
quang và biểu lộ uy quyền cho người ta thấy mình là Con Thiên Chúa hay là lắng
nghe và để cho Lời của Chúa ứng nghiệm qua sự vâng phục của Người? Đó vẫn là vấn
nạn mà Người sẽ đáp trả trong cuộc sống.
Cơn cám dỗ đầu
tiên là biến đá thành bánh. Cơm ăn áo mặc là
nhu cầu chính đáng của con người; nhất là sau khi đã nhịn đói 40 đêm
ngày thì giờ đây chính là cơ hội để cho họ thấy quyền năng của Con Thiên Chúa,
Đấng có thể làm cho đá thành bánh, bộc lộ uy quyền cho họ sáng mắt sáng lòng. Nhưng,
đó là cạm bẫy đi ‘con đường tắt’ để bộc lộ vinh quang, cho nên Người đã từ chối
thực hiện phép lạ vì ích lợi riêng cho bản thân mình.
Là Con Thiên
Chúa, Đức Giê-su chấp nhận tất cả mọi sự từ Thiên Chúa, Cha của Người và chỉ từ
Cha mà thôi. Cuộc sống của Người bao gồm cả tác vụ mà Người thi hành. Tất cả đều
xuất phát từ Cha, nên Người phải lệ thuộc vào Ngài; không tự động biến đá thành
bánh theo ý mình. Vẫn biết bánh và của ăn thì cần thiết cho việc nuôi dưỡng cơ
thể; nhưng sự sống của con người hoàn toàn không chỉ lệ thuộc vào của ăn mà
thôi. Nói như thế, có nghĩa là cho dù phải đói khát, Người vẫn tin tưởng rằng
Thiên Chúa sẽ lo cho Người, Cha Người sẽ cung cấp lương thực nuôi dưỡng Người.
Phần Người hãy lo tìm kiếm và thực hiện ý Cha trước.
Như vậy, đối
diện với thử thách thứ nhất, Đức Giê-su hôm nay và trong những ngày thi hành sứ
vụ đã khước từ các gợi ý mà ma quỷ đưa ra, Người chỉ biết bám lấy ý định và việc
dậy bảo của Thiên Chúa. Chính đó là lẽ sống nuôi dưỡng và là sức mạnh giúp Người
thực hiện sứ mạng.
Thử thách hay
còn gọi là cám dỗ thứ hai là cơn cám dỗ về việc sở hữu quyền lực. Trước đề nghị
và lời hứa của ma quỷ hình như là một cạm bẫy. Vinh quang và quyền quý luôn là
các ước mơ của con người; tuy nhiên phương thức để đạt được các điều đó khiến
cho con người trở thành nạn nhân của thứ vinh quang hão huyền, để rồi khi đạt
được, con người có thể sẽ mất đi chính họ.
Như chúng ta
đã từng kinh nghiệm, quyền lực thì thống trị và đi ngược lại với uy quyền. Ở
đây ma quỷ đưa ra một lời thỏa hiệp trắng trợn. Thói vinh hoa trong cám dỗ này
thuộc quyền sở hữu của thần dữ. Và một khi con người chấp nhận thỏa hiệp này
thì chính mình lại trở thành nạn nhân cho chúng. Đức Giê-su đã quyết liệt từ
khước lề thói thỏa hiệp này. Người khẳng định niềm tin và sự chọn lựa đứng về
bên Thiên Chúa, cho dù phải kinh qua đau khổ Người vui lòng chấp nhận miễn là
sao cho Lời Chúa được ứng nghiệm. Đó chính là vũ khí tối hậu để chống trả các
cơn cám dỗ.
Đức Giê-su đã
không đến và dùng quyền lực để lôi kéo đám đông; nhưng qua uy quyền của kẻ làm
tôi tớ, Người đã thực hiện một vương quốc yêu thương, vương quốc vĩnh cửu và an
bình. Đức Giê-su chỉ đón nhận vương quyền từ Thiên Chúa mà vương quyền đó được
thể hiện qua việc hiến dâng và trở thành tôi tớ của muôn người. Đó mới là vương quyền đích thật không
do tay người phàm tạo ra, nhưng được xuất phát và ban tặng bởi Thiên Chúa qua sự
vâng phục của người Con.
Cuộc cám dỗ
cuối cùng là thả mình xuống khỏi đỉnh cao của đền thờ. Ma quỷ đưa ra một lời đề
nghị thật hoành tráng cho những ai nghĩ rằng mình có quyền, rồi dùng quyền để
làm cho mọi người phải qui phục. Đã nghĩ như thế thì hãy thả mình xuống để thử
coi Thiên Chúa có cứu họ hay không? Thật thú vị cho lối suy nghĩ bắt Chúa làm
theo ý mình.
Đức Giê-su đã
có thái độ ngược lại, Người không dám thử thách uy quyền cuả Thiên Chúa và buộc
Ngài phải thực hiện những phép lạ để bảo vệ Người. Trái lại, những gì mà Người trải
nghiệm tại Giê-ru-sa-lem sẽ là sự từ khước, nỗi xấu hổ và bị nhục mạ. Nhưng
chính qua các trải nghiệm và cho đi tận cùng của Con Thiên Chúa, ngay cả khi trần
trụi trên Thập Giá, Đức Giê-su đã chẳng đòi hỏi hay cầu xin Thiên Chúa ra tay cứu
Người. Đức Giê-su tin vào điều đó, nhưng chỉ là một niềm tin sắt son, không cần
kiểm chứng. Người tin vào Thiên Chúa sẽ hoàn thành chương trình của Ngài trong
việc Người làm, thế và chỉ có thế thôi. Vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người,
nâng Người dậy và ban cho Người một danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, để cả gầm
trời này phải quì xuống mà suy tôn Người là Chúa.
Đức Giêsu đã đối diện với các thử thách khi thi hành sứ vụ và
với quyền năng của Thần Khí, Đức Giê-su đã chiến thắng các cuộc cám dỗ.
Hôm nay, khi suy niệm về các cuộc cám dỗ mà Đức Giê-su đã trải
qua, chúng ta nhớ lại điều mà tác giả thư Do Thái đã viết: “Dầu là Con Thiên
Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và
khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu
cho tất cả những ai tùng phục Người,” (Dt 6:8-9)
Phần chúng ta cũng thế. Là thành viên của Hội Thánh; với tư
cách của một tín hữu và là con yêu dấu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống và tuân theo ý định của
Thiên Chúa, không được phép dùng Chúa hay Lời của Người như một công cụ để đáp ứng
nhu cầu riêng mình. Thế mà, vẫn còn một số viên chức, đã nhân danh hai chữ uy
quyền để buộc người khác làm theo ý mình. Các đấng bề trên, những người lãnh đạo
thay vì giúp người khác nhận ra ý Chúa mà thi hành; trái lại vẫn còn một số người,
cho dù là rất ít, đã lạm dụng hai chữ ‘vâng lời’ để bắt người khác phải vâng
theo sự khôn ngoan của các ngài. Cuối cùng, uy quyền không được dùng như một
khí cụ để bộc lộ tình yêu, mà đã biến thành luỡi gươm của quyền lực để chà đạp và
gây tổn thương cho các phần tử bé nhỏ, mỏng dòn và yếu đuối khác.
Có một thực tế rất hiển nhiên mà chúng ta nên can đảm nhìn nhận.
Thử thách hay còn gọi là cám dỗ là điều không thể thiếu vắng trong đời sống của
các kẻ tin nói riêng và đời sống cộng thể nói chung. Và, không một ai trong
chúng ta có thể tránh thoát được các cạm bẫy của ma quỷ hay các quyền lực của sự
dữ ẩn núp dưới các chiêu bài khác nhau để lôi kéo chúng ta đi ngược lại Ý Chúa.
Cạm bẫy đó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh của cuộc
sống. Nhiều lúc nó đã đến với chúng ta dưới nhãn hiệu ‘nhu cầu mục vụ’, ‘giúp đỡ
kẻ khác’, v.v..
Cám dỗ nào cũng ngọt ngào và hấp dẫn. Thử thách nào cũng đòi chúng
ta phải biện phân và chọn lựa.
Chỉ có sự hiện diện của Chúa, Đấng đã đối diện và chiến thắng
thần dữ mới giúp và mở lòng cho chúng ta nhận ra đâu là Ý Chúa mà học cho được
vâng phục. Thánh Ý của Ngài luôn vuợt qua những đắng cay và đau khổ mà chúng ta
phải đối diện và gánh chịu khi chọn lựa.
Chọn Chúa để tôn thờ hay làm theo ý riêng mình?
Chọn yêu và phục vụ anh em hay yêu chính mình rồi làm tổn
thương người khác?
Xin Thiên Chúa chúc lành và giúp anh chị em chọn đúng. Amen
No comments:
Post a Comment