Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước và dân tộc Việt Nam đã
bước sang một trang sử mới. Nói chung, cuộc sống của chúng ta trong giai đoạn
đó thật khó khăn. Hội Thánh phải dè dặt trong mọi sinh hoạt để thăm dò phản ứng
của nhà cầm quyền. Bọn dân đen ngửa cổ trông chờ chỉ thị và hướng dẫn của các vị
lãnh đạo. Các tu viện bị hạn chế sinh hoạt, các cơ sở và chương trình đào tạo tạm
đóng cửa. Mọi sinh hoạt tôn giáo đã được thu gọn lại trong khuôn viên của xứ đạo
và nhà thờ. Một tâm trạng sợ hãi bao trùm khiến con người cảm thấy bị nghẹt thở.
Trong khi đó, có một số rất ít các nhà lãnh đạo, vốn đã có mối
tương giao với nhà nước, cảm thấy hân hoan và ngây ngô cho rằng ‘trời mới đất mới’
đã hiện diện. Họ hồ hởi phấn khởi kêu gọi mọi người sắn tay xây dựng đất nước.
Cuối cùng chính họ là những người vỡ mộng, buông xuôi chán nản rồi bỏ cuộc, tự
mình đánh mất hướng đi và từ bỏ sứ mạng.
Giống như bao nhiêu người khác. Tôi cũng chới với, nhất là
trong hoàn cảnh của một người đang đi tìm hướng đi cho cuộc sống. Tương lai mù
mịt, hướng đi bị che lấp bởi các áng mây, càng nỗ lực tìm kiếm càng nhìn thấy
khó khăn; cho đến một buổi chiều thứ bẩy kia tôi đã được nghe công bố về biến cố
hiển dung của Đức Giêsu. Sau khi loan báo tin vui này, vị linh mục đã giải
thích; còn tôi ngồi đó mà lòng trí và tâm hồn lại để chỗ khác. Tôi cố gắng hình
dung và đặt thực trạng đời mình như một người trong cuộc hiển dung của Đức
Giê-su. Hẳn nhiên tôi không được diễm phúc nhìn thấy ánh vinh quang của Đức
Chúa. Tôi cũng không có diễm phúc nhìn thấy cuộc thần hiện của Người. Nhưng,
tôi đã trải qua những phút giây thật tuyệt diệu như phản ứng muốn dựng lều của
Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay. Và, cho đến nay, dù tôi không tài nào nhớ hết
các diễn tiến đã xẩy ra. Điều duy nhất mà tôi nhận ra là có một sự biến đổi
trong bản thân: thay vì sợ sệt, tôi đã hiên ngang đón nhận; thay vì buông xuôi
và chạy trốn tôi đã liều mình bước tới, cho dù chẳng biết mình sẽ bước đi đâu!
Nói chung, giây phút trào dâng đầy mật ngọt này cho đến nay, sau hơn 40 năm,
tôi chẳng còn có được những cảm nghiệm như thế nữa.
Ai trong chúng ta có thể giải thích những kinh nghiệm hàng
ngày để làm chứng có bàn tay Thiên Chúa can thiệp? Chỉ có người đó và Thiên
Chúa biết mà thôi. Đó là một loại mạc khải riêng mà không ai biết, ngoại trừ
người đó. Và, không một kinh nghiệm nào lại giống một kinh nghiệm nào hết.
Thưa quí vị,
Theo Thánh sử Lu-ca, biến cố hiển dung của Đức Giê-su hôm nay
được coi như ‘trình thuật bản lề’ trong hành trình sứ mạng của Đức Giê-su. Biến
cố này chấm dứt giai đoạn rao giảng của Đức Giê-su tại Ga-li-lê. Mặc dầu, trong
đoạn chót của sứ vụ tại Ga-li-lê, chúng ta khám phá kết quả của việc rao giảng
và huấn luyện của Đức Giê-su, đó là việc các môn đệ đã nhận ra Thầy mình chính
là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa. Nhưng họ vẫn còn lẫn lộn giữa quan niệm của họ về
Đấng Mesia và sứ mạng đích thật mà Đức Mesia sẽ hoàn tất theo ý định của Thiên
Chúa. Vì thế, khi Đức Giê-su loan báo về việc bị từ khước, các đau khổ mà Người
sẽ lãnh nhận và sau cùng bị giết thì các ông lại mù tịt và không thể chấp nhận việc
Thầy mình đi vào ngõ cụt, còn lên tiếng ngăn cản Thầy lên Giê-ru-sa-lem để chịu
thống khổ và bị chết. Vì thế, hôm nay qua biến cố hiển dung, Đức Giê-su đã hé mở
cho các ông nhìn thấy trước vinh quang Phục sinh mà Người sẽ đón nhận từ tay
Thiên Chúa để các ông đủ sức chấp nhận và đồng hành với Người trên con đường khổ
nạn và chết đi của Người trên Giê-ru-sa lem.
Sau này, biến cố hiển dung của Đức Giê-su còn đóng một vai
trò thật quan trọng trong hành trình đức tin và đời sống của các tín hữu thuộc
về các cộng đoàn tiên khởi và chúng ta ngày hôm nay. Quả thật, chúng ta không nên
quên thực trạng đời sống của các tín hữu thời sơ khai. Họ đã để lại cho chúng
ta một mẫu gương gắn bó với Đức Giê-su và với nhau. Cho dù họ bị chối từ, bị
coi thường, bị theo dõi, bị săn lùng và thậm chí bị giết chết; nhưng vẫn quyết
tâm và thành tín để trao đổi cho nhau qua việc chia sẻ và nói về Đức Giê-su.
Trong số những san sẻ đó có chuyện tích hiển dung hôm nay.
Khi nói về biến cố này, họ đã cảm nghiệm có một sự thay đổi
nơi con nguời của họ. Ánh vinh quang cuả Thiên Chúa đã chiếu toả để cho hình ảnh
của Thiên Chúa nơi các tín hữu được rõ ràng hơn. Một con người có Chúa là như
thế, dung mạo của họ sẽ toát lên một sức mạnh mà chỉ có nhưng ai ở trong Chúa mới
có được. Sự hiện diện của Thiên Chúa là thế!
Như vậy, biến cố hiển dung của Đức Giê-su không chỉ nâng đỡ
và hỗ trợ cho các môn đệ đủ can đảm đối diện với các thử thách và đau khổ trong
khi thi hành sứ vụ; nó còn chất chứa một lời mời gọi tất cả những ai tin vào
Chúa là hãy sẵn sàng tham dự vào những gì mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc
sống. Chúng ta không được phép thụ hưởng, cho dù đó là những giây phút tuyệt diệu
nói lên mối dây thân tình giữa ta và Chúa.
Các kinh nghiệm mật thiết đó không làm chúng ta quên đi sứ mạng
của chính mình; nhưng đem chúng ta đến vì phần ích và niềm vui của người khác.
Tâm tình này cũng giống như ước muốn của thánh Phao-lô. Kể từ ngày gặp Chúa
Giê-su, ngài đã không còn sống cho riêng mình nữa nhưng chỉ sống cho Chúa, chỉ
hành động vì danh Chúa, và khao khát được ở với Đức Ki-tô. Nhưng vì ích lợi của
các tín hữu mà ngài đã chấp nhận ở lại để chu toàn trách nhiệm là đem niềm vui
đức tin cho mọi tín hữu.
Kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa lúc ẩn lúc hiện. Ngay lúc chúng
ta tưởng như là Người đang hiện diện trước mắt khiến chúng ta vui quá nên đã muốn
dựng lều như ý định của Phê-rô hôm nay, lại là lúc Người vụt mất để nhường chỗ
cho quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua sự xuất hiện của đám mây và tiếng
nói của Ngài “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Và
sau lời tuyên phán của Thiên Chúa thì các ông bừng tỉnh, trở về với thực tế và chỉ
còn thấy một mình Đức Giê-su.
Như vậy, qua Lời Chúa phán hôm nay, chúng ta được mời gọi để
nhận ra rằng Đức Giê-su không chỉ là Đấng Cứu Thế. Người còn là Con yêu dấu của
Thiên Chúa, Đấng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Ngôi thứ và nhiệm vụ của Người
thì vượt xa so với tổ phụ Mai-sen và truyền thống các ngôn sứ mà E-li-a là người
đại diện đã xuất hiện hôm nay. Tiếng cuả Thiên Chúa còn yêu cầu chúng ta hãy lắng
nghe và vâng theo Lời Đức Giê-su; có nghĩa là hãy nhớ lại các lời tiên báo mà
Người sẽ thực hiện tại Giê-ru-sa-lem trong hành trình sắp tới; đó là việc Đức
Giê-su sẽ phải chịu muôn vàn thống khổ, bị loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba
sẽ sống lại. Và, đây có thể là nội dung của cuộc bàn luận của Đức Giê-su với
Mai-sen và E-li-a về những gì mà Người sẽ chu toàn tại Giê-ru-sa-lem.
Để tuân theo và hoàn tất ý định của Cha Người, Đức Giêsu sẽ đạt
được vinh quang như đã có từ trước với Chúa Cha, khi Người sẵn lòng đón nhận và
đi vào các nỗi thống khổ của thế gian để chữa lành và phục hồi những khuôn mặt
đã bị biến dạng bởi bạo lực, bởi lòng tham muốn và ích kỷ mà trên thực tế các
điều ghê sợ đó vẫn tồn tại trong môi trường của chúng ta đang sống.
Đó chính là con đường mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Đức
Giê-su, Con yêu dấu của Ngài và dĩ nhiên cho cả chúng ta nữa. Hành trình càng
gian khổ bao nhiêu thì ánh vinh quang càng toả sáng bấy nhiêu. Sứ vụ của Đức
Giê-su và cũng là sứ vụ của chúng ta hôm nay không dừng lại ở chốn đau khổ,
cũng không chỉ nhắm về tương lai mà quên đi các thử thách và gian nan trong hiện
tại. Hai mặt đau khổ và vinh quang cần được nối kết với nhau. Không trải qua
gian khổ, không đón nhận cái chết thì vinh quang có được cũng là giả tạo, không
bền vững.
Vì thế, trình thuật hiển dung hôm nay không chỉ cần cho chúng
ta trong Mùa chay này mà thôi; nhưng ứng dụng của nó cần được thể hiện trong
hành trình và sứ vụ của người môn đệ. Thử thách, gian nan và đau khổ là một phần
trong hành trình của sứ vụ. Cứ mãi mê nhìn và chiến đấu với nó khiến chúng ta mệt
nhoài. Hãy ôn lại các lần gặp gỡ giữa Chúa và ta, hãy nhớ lại việc Chúa can thiệp
để biến đổi chúng ta… tất cả những kinh nghiệm đó sẽ là những cuộc hiển dung của
Thiên Chúa nhằm giúp chúng ta mạnh dạn, can đảm bước đi và đi mãi cho đến cùng
của hành trình Thương Khó, chết đi cho những biến dạng của thế tục và mãi để
cho hình ảnh của Thiên Chúa được bộc lộ một cách thật rõ ràng qua thân xác vinh
hiển của Đức Ki-tô phục sinh, Đấng đã cho các môn đệ nếm hưởng ánh vinh quang
Phục Sinh trong biến cố hiển dung hôm nay. Amen!
No comments:
Post a Comment