Thursday, 28 May 2020

THẦN KHÍ TÁI SINH và ĐỔI MỚI



Để bắt đầu bài suy niệm hôm nay, xin mời anh chị em cùng cầu nguyện.
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời sai Đức Chúa Thánh Thần xuống. Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen

Đó là lời cầu nguyện mà chúng ta thuờng dùng để khai mạc các buổi kinh nguyện tại gia, cầu cho các linh hồn nhân dịp lễ giỗ, các buổi họp và cũng là lời nguyện khai mạc giờ suy niệm hôm nay. Chúng ta đến với Đức Chúa Thánh Thần để dâng mọi sự cho Ngài, cầu xin Ngài soi sáng để mọi việc chúng ta làm đều thể hiện lòng vâng phục của chúng ta thuận theo ý Chúa. Như vậy, câu hỏi mà chúng ta cần suy niệm hôm nay là Đức Chúa Thánh Thần giữ vai trò nào trong cuộc sống của chúng ta?

Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là ân huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần trong đời qua bí tích Thêm Sức mà thôi, rồi sau ngày hôm đó chúng ta cất Ngài vào trong tủ kiếng để thờ. Tuy rằng chúng ta quên Ngài, nhưng Ngài không hề quên chúng ta. Ngài không hề vắng mặt. Thật ra Ngài vẫn hiện diện và hoạt động mãnh liệt như đã hiện diện vào ngày khai sinh Hội thánh, “khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv 2:2-3) Và kể từ lúc đó, các Tông Đồ mất hẳn sự nhút nhát, không còn sợ ai, ngay cả chính mình. Các Ngài đã lên đường xông pha và vượt qua mọi hiểm nguy để làm chứng về một Đấng đã chết và hiện nay đang sống và sẽ trở lại trong vinh quang như lúc Người được suy tôn.

Như vậy, Đức Chúa Thánh Thần đã khởi động sứ mạng của các Tông Đồ, đã đốt lên ngọn lửa nồng cháy thiêu đốt tâm hồn chai đá và nguội lạnh của các ông, đồng thời là hơi thở thông ban sự sống của Thiên Chúa cho các Tông Đồ, cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta. Ngài chính là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của chúng ta.

Thưa anh chị em,

Ngay từ khi vũ trụ này còn trong cảnh hư vô, chưa có trật tự thì Thần Khí Thiên Chúa đã hiện diện. Rồi trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế Ký, tác giả đã truyền tải cho chúng ta một kinh nghiệm tôn giáo thật sâu sắc về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Bằng hình ảnh của ông thợ gốm, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người qua việc nặn, đắp tượng. Tượng muôn đời vẫn mãi là tượng nếu Thiên Chúa không thổi ‘Thần Khí’ vào lỗ mũi. Như vậy sự sống con người, ngay từ ngày đầu, đã thuộc về Thiên Chúa.

Theo truyền thống của các ngôn sứ, như trường hợp của Giê-rê-mi-a, Ngài đã xác tín là Thần Khí Thiên Chúa làm chủ môi miệng Ngài trong việc rao truyền sứ vụ. Đặc biệt, trong hành trình bốn mươi năm tiến về miền đất mà Chúa đã hứa, ngôn sứ I-sa-ia đã quả quyết rằng chính Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn nghỉ ngơi.

Thần Khí Thiên Chúa hiện diện với Đức Giêsu từ khi Người được thụ thai trong cung lòng của Mẹ Người, Đức Maria. Người lớn lên trong sự bao bọc của Thần Khí. Đến khi thi hành sứ vụ công khai thì cũng chính Thần Khí của Đức Chúa đã dẫn Người vào hoang địa để đối diện và chiến thắng các thử thách. Với Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã chọn các Tông Đồ; và với Thần Khí, Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh không tì vết mà dâng lên Cha. Nói chung, Người làm mọi việc với Chúa Thánh Thần. Đức Giê-su xác tín rằng sức mạnh của Thần Khí đã hoạt động trong cuộc đời và sứ vụ của Người thế nào thì Thần Khí cũng sẽ tác động một cách thật mạnh mẽ trong cuộc đời của các môn đệ và những ai đi theo Người như thế. Vì thế, Đức Giêsu đã nói về Chúa Thánh Thần bằng những từ rất cụ thể, thực ra, về những gì Chúa Thánh Thần sẽ làm trong cuộc sống của chúng ta.

Ngay trong giây phút từ giã cõi trần, Người gục đầu xuống mà trao ban Thần Khí cho những ai ở dưới chân Thập Giá. Và theo Tin Mừng của Thánh Gio-an thì duới chân Thập Giá lúc đó có Mẹ Người và người môn đệ mà Người yêu mến. Thật ra, ai trong chúng ta không đuợc Chúa yêu thương. Nói khác đi, ngay trong giây phút Đức Giêsu đi về cùng Cha, Người đã trao ban Thần Khí cho Hội Thánh, đó cũng là chủ đích mà Thánh Luca đã ghi lại trong sách Tông đồ công vụ.

Thưa anh chị em.

Trong những tuần vừa qua, nhất là qua biến cố lên trời của Đức Giê-su, chúng ta đã nhận ra một sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh. Người không vắng mặt, nhưng nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra cách thức hiện diện vô cùng mới mẻ và sống động của Người. Nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra sự thật là Thiên Chúa không chỉ ở cùng mà còn ở trong mỗi người chúng ta, như Lời Đức Giê-su đã nói: “Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.”

Điều này đã được chứng thật qua sự hình thành và phát triển của Hội Thánh. Thật vậy, khi đọc lại lịch sử của Hội Thánh, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Từng câu từng chữ trong sách Công vụ Tông đồ đã nói lên chân lý này. Và Thần Khí của Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động trong lòng Hội Thánh cho đến mọi thời, như Lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Có nhiều người đã nghĩ rằng Thần Khí của Thiên Chúa chỉ hoạt động nơi các cộng đoàn đang phát triển, hiện diện qua các sự kiện nhằm phô trương thanh thế và nơi các đấng các bậc có chức quyền. Thật ra, Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động hữu hiệu và mãnh liệt nơi những người cùng khốn, nơi các cộng đoàn đang bị chà đạp và bách hại. Còn hơn thế, một khi Hội Thánh đang ở thời điểm đen tối lại là lúc Hội Thánh nhận được sự trợ giúp và soi sáng của Thần Khí  tác động một cách hữu hiệu hơn cả.

Cụ thể, trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhiều về các biến cố đã xẩy ra trong Giáo hội tại các nuớc Tây Phương - Nói như thế, không phải để bào chữa hay phủ nhận rằng các việc này không xẩy ra bên các nuớc Á Châu - Những sự kiện này được gọi là ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục trẻ em’. Cụm từ tuy ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Đó là hành động phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền đối với người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn và đời sống của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Họ mặc cảm bị khước từ. Họ cắn răng chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’, tự tìm lối giải thoát cho bản thân và để lại niềm thuơng tiếc, nỗi đau khổ cho người thân.

Các sự kiện này đã xẩy ra vào các thời điểm khác nhau. Có những vụ đã xẩy ra khoảng vài chục năm trước đây, trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt với văn hóa ngày nay. Có những nạn nhân vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không dám lên tiếng cho các bậc hữu trách biết tường tận mọi chi tiết của tình huống. Nhưng từ khoảng thập niên 1970 và nhất là việc thiết lập ‘uỷ ban hoàng gia’ để điều tra về các vụ án này, cộng thêm các nguyên nhân khác. Tât cả đã trở thành nguồn động lực giúp cho các nạn nhân mạnh dạn hơn trong việc nói ra những vết thương thầm kín, đã đè nén tâm tư họ bao nhiêu năm trường. Và với phuơng tiện truyền thông hiện đại, mọi sự đều đuợc phơi bầy. Vì thế, nhiều tín hữu mất đi niềm tin và giảm sự kính trọng nơi các vị lãnh đạo trong Hội Thánh.

Tuy nhiên, với những ai lạc quan, họ có thể cho rằng Đức Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi, Ngài còn soi sáng cho các vị có trách nhiệm của ‘uỷ ban hoàng gia’, các nạn nhân và các tổ chức liên hệ đứng dậy để giúp cho cơ cấu của Hội Thánh đuợc tinh luyện hơn. Chúng ta tin rằng Thần khí của Thiên Chúa vẫn hoạt động không ngừng để rửa sạch, thánh hóa và làm cho bản chất của Hội Thánh mỗi ngày một Thánh Thiện hơn.

Còn đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, tái tạo và hàn gắn đổ vỡ. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia!
                                                                                               


Thursday, 21 May 2020

CHÚA VỀ TRỜI, CHÚNG TA CÙNG RA KHƠI!



Biến cố lên trời là một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giê-su. Sự kiện này xẩy ra sau khi Người sống lại, hiện diện và đàm đạo về Nước Thiên Chúa với các Tông Đồ, được bốn mươi ngày. Trong ngày đó, Đức Giê-su căn dặn các Tông Đồ lưu lại Giê-ru-sa-lem để chờ điều Thiên Chúa hứa, sẽ trao ban Thần Khí cho các ông, rồi sau đó Người ủy quyền trao ban sứ mạng cho các môn đệ. Nói xong, Đức Giê-su được cất lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. (Cvtđ 1: 9)

Ngày nay chúng ta mừng lễ Đức Giê-su chết, sống lại, lên trời và Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách riêng rẽ. Nhưng thật ra các sự kiện này không thể tách riêng ra được. Tất cả được liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Mỗi sự kiện nối kết với nhau tạo thành một tổng thể và chúng ta gọi đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Trong tâm tình của ngày Lễ hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu việc Đức Giê-su lên trời có ý nghĩa gì với chúng ta?

Thứ nhất, khi Đức Giê-su sống lại cũng là lúc Người được suy tôn và siêu thăng về với Cha của Người, Đấng ngự trên trời. Như vậy, lên trời là một sự kiện tất yếu chứng thực Đức Giê-su đã sống lại và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Vẫn biết rằng không có một hình ảnh nào có thể diễn tả mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có một hình ảnh mà chúng ta thường được nhìn thấy sau các trận thi đấu thể thao, nhất là trong các trận chung kết. Các cầu thủ xuất sắc sẽ được tôn vinh bởi các đồng đội và những người hâm mộ.

Tương tự như thế, qua việc chỗi dậy bước ra khỏi mồ, Đức Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và thần chết; và trong giây phút hân hoan tràn ngập niềm vui sống lại đó, Thiên Chúa đã suy tôn và cất nhắc Người về trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Và điều này chúng ta gọi là Lên Trời. Sự về trời của Đức Giê-su là một bảo đảm cho Lời hứa của Người dành cho chúng ta rằng Người ở đâu thì chúng ta cũng sẽ ở đó.

Trời là nơi Chúa hiện diện. Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một mốc thời gian nào của lịch sử; nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi không gian và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và cho đến muôn đời, vô thủy vô chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và như lời Chúa đã phán thì ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp nhất, thông cảm, yêu thương thì có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con người cùng chia sẻ một đức tin, cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Như vậy, khi mô tả việc Chúa lên trời có nghĩa là chúng ta nói đến việc Chúa Giê-su ngự trị bên hữu Thiên Chúa và một cách nào đó vẫn còn hiện diện với mọi kẻ tin.

Điểm thứ hai mà chúng ta cần đề cập đến ở đây là sự kiện về trời của Chúa Giê-su không có nghĩa là sứ mệnh mà Đức Giê-su thực sự chấm dứt. Dù Người không còn hiện diện với các môn đệ theo nghĩa thể lý; nhựng trong niềm tin và trải qua bao thế hệ, các môn đệ của Người vẫn còn tiếp tục làm chứng về sự hiện diện đó, không chỉ tại Giê-ru-sa-lem hay một địa danh nào bên Do Thái, mà cho đến tận cùng trái đất.

Thật vậy, với sự hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn hiện diện bằng xuơng bằng thịt và cũng không còn bị giới hạn và ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa. Người sẽ hoạt động trong con người, nhất là nơi các kẻ tin. Vì thế việc trao ban uy quyền và sứ mạng làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dậy bảo họ tuân giữ giáo huấn của Chúa, là một việc cần được thực hiện truớc khi Người về trời, trở về với thân phận hằng có trong Thiên Chúa của Người.

Vì thế, việc về trời của Đức Giê-su không hề ám chỉ đến sứ vắng mặt hay biến mất của Người. Trái lại Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ Vượt Qua, vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ. Người đã sống lại và tiếp tục sống cho họ và với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa.”

Chúng ta hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa. Tuy, chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta có thể gặp Chúa và hình ảnh của Người nơi anh chị em mình.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ. Công việc cứu độ của Thiên Chúa đã đạt đến cao điểm qua sứ mạng của Đức Giê-su, nhưng chương trình đó không ngừng lại ở thời điểm về trời của Người. Công việc đó vẫn được tiếp tục bởi Giáo Hội và những thành viên của Hội Thánh. Sứ mạng của Hội Thánh vẫn là tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su, Người không còn hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt như xưa nữa. Kể từ ngày được cất nhắc về trời và qua các bí tích, Người hoạt động và chứng thực sự hiện diện trong cuộc sống của chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Nói như vậy có nghĩa là cuộc sống của các tín hữu được biển đổi bởi sự sống của chính Chúa. Chúng ta được mời gọi trở thành Đức Ki-tô cho người khác. Đây là ân huệ của Thánh Linh. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Thần Khí mới giúp chúng ta tiếp tục công việc của Chúa. Từ ngày về trời, Người giao nhiệm vụ này cho chúng ta.

Sau cùng, mừng Lễ Đức Giê-su Lên Trời nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng quê hương chúng ta là Nước Trời, là nơi mà Đức Giê-su đã trở về để dọn chỗ cho chúng ta, để rồi sau này Người ở đâu thì chúng ta sẽ ở đó. Hơn thế nữa, vinh quang mà Đức Ki-tô được Thiên Chúa ban tặng hôm nay cũng là vinh quang của chúng ta sau này. Vì thế, chúng ta không được phép dán mắt và đặt mọi tiêu chuẩn trong cuộc sống lệ thuộc vào thế giới này. Thế gian mà chúng ta đang sống và mọi sự thuộc về nó không có tính vĩnh cửu, nó mang tính tạm bợ và chỉ có thể là nơi để chúng ta thực hiện lịnh truyền của Chúa.

Trong khi chờ đợi tới ngày về Trời chia sẻ vinh quang với Chúa, chúng ta vẫn phải tiếp tục sống và sống thật tốt để san sẻ các nỗi đau khổ mà bao nhiêu người đang phải gánh chịu. Những khổ đau đó có thể chúng ta đã trải qua. Nguồn gốc của các đau khổ có thể được phát sinh do nghèo đói, bịnh tật, ghen tương hay hận thù. Trên hết mọi sự, phải kể đến tính ích kỷ, chưa biết yêu thương và chưa sống được những điều Chúa truyền dậy.

Bổn phận của chúng ta không phải cứ đứng đó nhìn ngắm quê trời rồi quên đi các thực tại của trần gian. Hãy chuẩn bị con đường về trời của chúng ta bằng các việc hy sinh như chia sẻ của ăn cho những người túng thiếu, lên đường chăm sóc cho các bịnh nhân, an ủi và trở thành bờ vai cho những ai sầu khổ. Làm tất cả mọi sự để những ai mà chúng ta gặp trên đường đời đều cảm thấy cuộc đời của họ sẽ bớt khổ đau hơn, giúp họ tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống và biết thương nhau hơn, từ đó chúng ta góp phần làm cho cuộc sống này tươi đẹp hơn.

Trên hết mọi sự là hãy để Chúa và Thánh Linh biến đổi chúng ta trở thành dấu chứng nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa, và cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành lời mời gọi người khác đến gặp Chúa.  Đó chính là bổn phận của chúng ta trong khi chờ đến ngày được về quê trời với Chúa, và đó cũng là bảo chứng chúng ta sẽ gặp lại Chúa trong Nước Trời. Amen!

Wednesday, 13 May 2020

THẦN KHÍ: SỨC MẠNH YÊU THƯƠNG



Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật thứ Sáu của Mùa Phục Sinh năm 2020. Tình hình đại dịch do Covid -19 gây ra đã khiến chúng ta không có cơ hội tụ họp với nhau như một cộng đoàn phụng vụ trong suốt mùa này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, gương sáng của những thiện nguyện viên sẵn sàng hy sinh để phục vụ những bịnh nhân do dịch bịnh gây ra. Gương sáng của họ thật đáng cảm phục. Cho đến nay, các biện pháp ngăn ngừa việc truyền nhiễm đã được nới lỏng dần. Nhưng cơn đại dịch vẫn là nỗi ám ảnh và niềm lo sợ cho mọi người. Tuy số người bị lây nhiễm giảm sút, nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn bị hạn chế. Chúng ta vẫn chưa khắc phục hay khống chế được sự nguy hiểm do Covid -19 gây ra.

Nhờ ánh sáng của Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta tin tưởng vào sự đồng hành của Đức Chúa Phục Sinh trong các sinh hoạt của mỗi cá nhân và cộng đoàn. Tuy nhiên khi phải đối diện với các biến cố xẩy ra ngoài dự liệu cũng làm cho chúng ta lo lắng và quên đi những lời khuyên bảo của Chúa. Cá nhân tôi, trong tuần qua, đã trải qua cảm nghiệm này. Như anh chị em biết, cộng đoàn chúng tôi đang sống là một cộng đoàn dành cho các cha đã đến tuổi về hưu. Ngoài việc vệ sinh cá nhân, tất cả các dịch vụ khác của các ngài đều cần đến bày tay nhân ái và yêu thương của các cộng sự viên, mà chúng tôi gọi họ là partner-mission. Họ là y tá, người quét dọn vệ sinh, đến quản lý cơ sở nhà dòng.

Trong tuần qua, chồng của bà quét dọn bị nhiễm Coronavirus. Chiếu theo luật lệ y tế hiện đang được áp dụng bà bị cách ly tại gia và trải qua một cuộc xét nghiệm. Và giả như bà bị nhiễm thì mọi thành viên trong cộng đoàn chúng tôi sẽ bị cách ly. Anh chị em thử tưởng tượng mọi việc sẽ diễn tiến như thế nào! Lúc đó ngoài tâm trạng bồn chồn, lo lắng và chờ đợi chúng tôi chẳng biết làm gì. Thậm chí, bản thân tôi, đến Lời khuyên của Chúa: “Anh em đừng lo lắng” trong bài Tin Mừng tuần qua cũng bị quên lãng. Cho đến khi nhận được tin về kết quả xét nghiệm của bà thuộc loại âm tính (negative), có nghĩa là bà không bị nhiễm. Đến lúc đó tôi mới hoàn hồn và yên tâm.

Trước mặt Chúa, tôi xin thành thật chia sẻ với anh chị em về cảnh ngộ thiếu lòng tin của tôi.

Bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay đến với tôi thật đúng lúc. Đây là phần tiếp nối của bài Tin Mừng tuần trước. Tất cả đều thuộc về diễn từ tiệc ly trong buổi chia tay với các môn đệ của Đức Giê-su. Các chủ đề và ý tưởng trong ý nghĩa của buổi chia tay được lập đi lập lại. Đức Giê-su muốn nói đi nhắc lại để củng cố niềm tin và an ủi các môn đệ. Đức Giê-su biết giờ của Người, giờ về nhà Cha sắp xẩy ra. Người  cảm nhận được sự cô đơn của các môn đệ khi vắng bóng Thầy. Vì thế, Người khuyên họ đừng lo lắng mà hãy tin vào Người. Sự vắng mặt của Người sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho các môn đệ. Bởi vì Người ra đi để dọn chỗ cho họ và Người sẽ trở lại và khi trở lại thì Người muốn họ ở cùng với Người. Trong thời gian này, Người sẽ xin Cha sai Đấng Bầu Chữa đến ở với các môn đệ. Phần các ông, nếu tin và yêu Người thì hãy tuân theo Lời khuyên dậy của Đức Giê-su. Tuy nhiên các môn đệ lại không hiểu ý của Người.

Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhắc nhở cho các môn đệ nhớ lại một chân lý thật căn bản, đó là khi chúng ta yêu ai thì chúng ta cố gắng làm mọi sự để diễn tả tình yêu của chúng ta cho người đó. Tình yêu trọn hảo mà các môn đệ cần có phải được xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Người là Đấng mà Đức Giê-su sẽ xin Cha sai đến ở giữa họ, sống với họ, giúp họ tuân theo lời dậy của Người, đó là: ai yêu mến Chúa thì giữ các giới răn của Người. Mà ai yêu mến Chúa, thì sẽ được Cha yêu mến và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.

Như vậy, yêu thương là tuân giữ lịnh truyền của Chúa, đươc thể hiện bằng các việc làm nói lên lòng hiếu kính và yêu thương của chúng ta dành cho Chúa.

Anh chị em thân mến,

Còn chúng ta thì sao? Đã có lúc nào chúng ta tự vấn lương tâm để trả lời câu hỏi là tôi có yêu Chúa hay không? Trong anh chị em, sẽ có một số người cho rằng câu hỏi này thật vớ vẩn. Cả đời tôi đã theo Chúa. Gia đình tôi thuộc đạo gốc. Tính theo tuổi đời tôi đã làm con Chúa bao nhiêu năm. Biết bao việc đạo đức đã thực hiện, kể sao cho hết! Nào là việc tham dự Thánh Lễ, tuân giữ luật Giáo Hội, ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, làm các việc bác ái, tham gia vào các sinh hoạt trong nhà thờ…. cứ thế mà tuôn ra. Các việc làm như thế không là yêu Chúa thì còn yêu ai nữa đây!

Thật ra, câu hỏi nói trên không dễ trả lời chút nào. Thành thật mà nhìn nhận rằng tất cả các việc làm đạo đức mà chúng ta liệt kê ở trên chưa hẳn là các chứng từ nói lên tình yêu của mình với Chúa. Câu hỏi thật khó khăn và cũng cần có câu trả lời thỏa đáng.

Nói chung, chúng ta có thể diễn tả cảm giác yêu bố mẹ và những người thân trong gia đình như thế nào. Tình yêu của người chồng dành cho vợ hay là của người phối ngẫu dành cho nhau có thể diễn tả được. Họ biết mức cảm xúc trong tình nghĩa vợ chồng cần có cho nhau. Nhưng thành thật mà nói chúng ta lại ú ớ khi diễn tả cảm giác yêu Chúa. Bản thân tôi cũng thế, nói yêu Chúa thì nhiều; nhưng đã có lần nào tôi có cảm giác ấm áp trước tình của Chúa dành cho tôi hay chưa. Nói khác đi, ý nghĩ về Chúa có đem lại cho tôi một loại cảm giác đặc biệt nào chăng!

Tuy nhiên, có một sự thật, ít nhất đối với tôi, và xin phép chia sẻ đến anh chị em; đó là cho dù chúng ta không thể diễn tả bằng cảm xúc trước tình của Chúa dành cho mình thì cũng đừng lo; bởi vì tình yêu mà Chúa muốn chúng ta thực hiện không dừng lại ở cảm giác. Người không chỉ muốn tình cảm nồng ấm mà chúng ta dành cho Người, điều Chúa muốn là sự vâng phục, ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Hơn thế nữa, khi nói đến tình yêu, Đức Giê-su không chỉ muốn tình cảm của chúng ta cho bằng hành động. Và điều trước tiên mà chúng ta cần ghi nhớ là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa là một tình yêu siêu thoát cần sự đầu phục và tôn thờ. Như vậy, tình yêu đích thật mà Chúa muốn chúng ta dành cho Người là cách sống vâng phục và tôn thờ Thiên Chúa để từ đó chúng ta có thể yêu nhau trong Chúa.

Nhưng làm thế nào để có thể đầu phục Chúa hoàn toàn, làm thế nào để chúng ta có thể dâng hiến một đời trong việc cúc cung và tận tụy với Người. Chắc hẳn không thể dựa vào nỗ lực và những cố gắng của bản thân! Bởi vì, con người thì yếu đuối, dễ vỡ và mỏng dòn. Chúng ta cần trợ lực. Đó chính là điều mà Đức Giê-su nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Gio-an 14: 16-17)

Thật vậy, chúng ta chỉ có thể yêu Chúa và thương tha nhân khi để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động. Người chính là Thần Khí của Thiên Chúa, thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta và kéo chúng ta lại gần Chúa hơn. Chúng ta chỉ cần học để buông bỏ chính mình, tập đừng kiểm soát và trao quyền kiểm soát và thống trị cho Chúa, để Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta thì chúng ta sẽ càng ngày càng tận tụy và ngoan ngoãn hơn trong việc yêu mến Chúa.

Cuối cùng, thưa anh chị em.

Kinh nghiệm về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta là nền tảng tuyệt đối trong mọi trải nghiệm của đời sống chúng ta. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đi vào nẻo chính đường ngay để mối quan hệ với Thiên Chúa càng ngày càng bền chặt hơn. Người chính là nguồn suối của mọi ân huệ. Người làm cho các hạt giống được triển nở và sinh hoa kết quả trong cuộc sống để chúng ta trở thành mẫu mực trọn vẹn theo Ý định của Thiên Chúa. Chính Thần Khí của Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta đầu phục và bầy tỏ lòng sùng kính của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta hết mực tôn thờ và yêu thương. Đó chính là điều mà Đức Giê-su đã phán: “Thầy ra đi thì có lợi (hơn) cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Gio-an 16:7)

Đức Giêsu thể lý không còn ở đây nữa. Người đã ra đi và rời bỏ chúng ta: Hãy ngợi khen Chúa vì điều đó! Bởi vì nếu Chúa Giêsu vẫn còn ở với chúng ta, chúng ta sẽ không biết sức mạnh của Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta và chúng ta cũng không có cơ hội diễn tả thân phận và cuộc sống Kitô hữu nữa.  

Chúa ở cùng anh chị em. Thánh Thần của Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là lời chào mà chúng ta gửi đến cho nhau qua các nghi lễ phụng vụ. Đó còn là tin vui trọng đại mà chúng ta trao gửi cho nhau. Đó cũng là kinh nghiệm mà các kẻ tin đã chứng thực qua mọi thế hệ về sức mạnh của Thánh Linh, Đấng đã biến đổi họ và chúng ta thành khí cụ yêu Chúa và thương người một cách trọn hảo hơn. Và, khi những người khác thấy việc Chúa Giêsu đã làm để thay đổi cách sống của chúng ta với Người và với nhau thì họ cũng muốn biết Chúa.

Chỉ có trong quyền năng của Thánh Thần mới biến đổi chúng ta thành khí cụ yêu thương của Người. Ước gì, cuộc sống của chúng ta là chứng nhân tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa cho thế giới này. Amen!

Thursday, 7 May 2020

THEO CHÚA LÀ SỐNG NHƯ CHÚA.



Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng tuần trước Đức Giê-su đã mạc khải cho chúng ta biết Người là cửa (gate) ràn chiên và cũng là người gác cửa (gatekeeper). Sau đó trong phần giải thích, Đức Giê-su lại loan báo Người là người chăn chiên tốt lành (good shepherd). Đối với những người thích lý luận, họ sẽ hỏi rằng làm sao một người vừa có thể là cửa ràn chiên, vừa là người gác cửa, rồi lại là người chăn chiên nữa. Chúng ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho họ. Tuy nhiên, khi dùng các hình ảnh thực tế như thế để loan báo các nhiệm vụ, Đức Giê-su chỉ muốn nhắc nhở cho họ biết rằng Người là Đấng trung gian duy nhất, luôn yêu thương, quan tâm, trông chừng, săn sóc và bảo vệ ràn chiên của Thiên Chúa đã trao phó cho Người.

Lý tưởng và cũng là mục tiêu trong cuộc sống của Đức Giê-su là lo cho ràn chiên, lo cho sự sống của cả đoàn chiên đươc phong phú và dồi dào, cho nên trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không muốn các môn đệ sống trong hoang mang và lo sợ về cuộc ra đi sắp tới mà Người gọi là hành trình về nhà Cha của Người. Về nhà Cha có nghĩa là về cùng Cha hay về với Cha. Tất cả nói cho chúng ta biết Đức Giê-su đi về nơi mà Người đã đến và cũng là nơi mà chúng ta sẽ đi về.

Có cuộc chia ly nào mà không để lại nước mắt và đau thương. Kẻ đi người ở chỉ muốn giữ lấy nhau, muốn cho thời gian ngừng lại để có nhau mãi mãi. Và bài Tin Mừng hôm nay là một phần của diễn từ giã biệt, nhưng khi nghe xong, nhất là trong 4 câu đầu mà chúng ta trích dẫn ở đây: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Yn 14: 1-4)

Với những lời khuyên bảo và trấn an như thế, khi nghe xong ai trong chúng ta lại không cảm thấy được an ủi, thư thái và an bình hơn! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng mất mát, hoang mang, thất vọng và lo sợ của các môn đệ khi phải đối diện với sự chết mà Người vừa loan báo; cho nên Người mới giúp cho các môn đệ biết rằng tuy các ông sẽ xa cách Người về mặt thể lý, nhưng trong niềm tin các ông sẽ nhận ra rằng Người không hề bỏ rơi họ. Người vẫn hiện diện, cùng đồng hành với các ông, nhất là tiếp tục dìu các ông đi vào cõi vinh quang mà Người đang có ở bên Cha.

Các môn đệ và những kẻ tin vào Chúa chỉ có được tâm tình này nhờ niềm tin vào Chúa. Con người với thân phận mỏng dòn, nhất là trước nỗi bấp bênh về các sự cố đã và đang xẩy ra ngoài tầm khống chế và kiểm soát của chúng ta như nạn đại dịch Coronavirus khiến chúng ta như chưa tìm được lối thoát. Vì thế, sẽ có một số người chai lỳ và đông cứng, mặc cho dòng dịch đưa đẩy đến đâu hay đến đó. Lại cũng có một số người không chấp nhận được nên đã tìm lối thoát riêng. Đại đa số sống trong lo âu và sợ sệt. Đứng trước một tình trạng như thế, con người cần tin vào Thiên Chúa và tin vào Lời của Đức Giê-su khuyên bảo hôm nay hơn.

Tuy nhiên, giống như các môn đệ, với đầu óc thực tế, chúng ta luôn muốn mọi sự được xẩy ra trước mắt chúng ta, trong tầm kiểm soát của chúng ta. Sự việc Đức Giê-su đón chúng ta ‘đi về nhà Cha’ là việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Nhưng ngay trong giây phút này, nhất là những phút giây mà chúng ta hay gọi là ‘đêm đen, hay tình trạng không lối thoát’ con người cần đến sự can thiệp của Chúa hơn bao giờ hết. Làm sao chúng ta biết mình không bị bỏ rơi? Làm sao chúng ta nhận ra việc Đức Giê-su đang đồng hành với chúng ta. Thật chí lý khi nghe Tô-ma nói thay cho chúng ta rằng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

Đức Giê-su đã trả lời cho chúng ta rằng Người là đường là sự thật và là sự sống. Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Người. Truớc thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Phi-líp-phê cũng không hơn gì Tô-ma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đuờng sự sống dẫn các ông vào sự sống phong phú và dồi dào của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. (Gioan 14: 9)

Qua những lời đối thọai giữa Chúa Giêsu và các tông đồ, chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa, sống lối sống của Người.

Con đường, cánh cửa hay lối đi là cách diễn tả nói lên lời mời gọi mà Chúa muốn chúng ta đi vào cuộc sống của Chúa là. Đó chính là:

Cuộc sống từ bỏ, từ bỏ đến cùng như lời thánh Phaolô: “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….” (Phi-lip-phê 2: 6-11)

Với cuộc sống từ bỏ chúng ta bước vào cuộc sống yêu thương như Người đã yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân, phương chi bây giờ chúng ta đã được trở nên công chính nhờ máu của Người. Qua đó mới biết Người thương yêu chăm sóc cho chúng ta đến dường nào. Tình yêu của Người không bút mực hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết. Người yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. Trong Tình yêu của Chúa Giêsu thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Người. Tất cả mọi luật lệ trên trần gian, ngay cả những khỏan luật của Giáo Hội cũng không ngăn cản được tình yêu của Người: như việc Người chữa lành các bịnh nhân trong ngày hưu lễ. Lề luật chỉ là phương tiện để phục vụ con người. Con nguời không thể vịn vào lề luật để bóp nghẹt tình yêu hay ngăn chận người ta đến với tình yêu. Tình yêu trong Chúa là con đường đưa tất cả đến với nhau.

Sau đó là cuộc sống đón nhận nguời khác. Tất cả những ai đến với Người đều không bị khuớc từ. Người đã qui phục muôn dân muôn nuớc về một mối.

Và sau cùng, cuộc sống yêu thương của chúng ta được thể hiện qua việc tha thứ cho nhau, không phải chỉ tha 7 lần nhưng là đến 70 lần 7; có nghĩa là tha liên tục và tha đến cùng như trên thập giá Chúa đã tha cho cả những kẻ làm hại mình; Lậy cha xin tha cho chúng…

Vì thế, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bước vào con đuờng của Chúa. Và như anh chị em đã biết, chúng ta không thể cùng đồng hành với Chúa mà quên đi tha nhân. Chúng ta không thể đến với Thiên Chúa bằng một con đường khác với con đường đến với tha nhân. Ngược lại, không thể đến với tha nhân bằng con đường khác với con đường đến với Thiên Chúa. Chủ trương chỉ yêu tha nhân không cần đếm xỉa gì đến Thiên Chúa, hay ngược lại, chỉ yêu Thiên Chúa mà không đếm xỉa gì đến tha nhân đều là những tình yêu giả tạo, không thực tế. Do đó, muốn đến và gặp gỡ với Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến hay gặp gỡ Người nơi tha nhân. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa.

Đó là sự thật và là con đuờng đưa chúng ta vào sự sống của Chúa. Người đang chờ mỗi người chúng ta cùng bước vào con đuờng và thể hiện cuộc sống của chính Chúa nơi bản thân mình. Cầu cho nhau thực hiện được các điều đó. Amen!