Biến cố lên trời là một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời và sứ
vụ của Đức Giê-su. Sự kiện này xẩy ra sau khi Người sống lại, hiện diện và đàm
đạo về Nước Thiên Chúa với các Tông Đồ, được bốn mươi ngày. Trong ngày đó, Đức
Giê-su căn dặn các Tông Đồ lưu lại Giê-ru-sa-lem để chờ điều Thiên Chúa hứa, sẽ
trao ban Thần Khí cho các ông, rồi sau đó Người ủy quyền trao ban sứ mạng cho
các môn đệ. Nói xong, Đức Giê-su được cất lên trời ngay trước mắt các ông, và
có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. (Cvtđ 1: 9)
Ngày nay chúng ta mừng lễ Đức Giê-su chết, sống lại, lên trời
và Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách riêng rẽ. Nhưng thật ra các sự kiện
này không thể tách riêng ra được. Tất cả được liên kết chặt chẽ với nhau, không
thể tách rời. Mỗi sự kiện nối kết với nhau tạo thành một tổng thể và chúng ta gọi
đó là Mầu Nhiệm Vượt Qua.
Trong tâm tình của ngày Lễ hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu việc
Đức Giê-su lên trời có ý nghĩa gì với chúng ta?
Thứ nhất, khi Đức Giê-su sống lại cũng là lúc Người được suy
tôn và siêu thăng về với Cha của Người, Đấng ngự trên trời. Như vậy, lên trời
là một sự kiện tất yếu chứng thực Đức Giê-su đã sống lại và ngự bên hữu Thiên
Chúa.
Vẫn biết rằng không có một hình ảnh nào có thể diễn tả mầu
nhiệm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có một hình ảnh mà chúng ta thường được nhìn
thấy sau các trận thi đấu thể thao, nhất là trong các trận chung kết. Các cầu
thủ xuất sắc sẽ được tôn vinh bởi các đồng đội và những người hâm mộ.
Tương tự như thế, qua việc chỗi dậy bước ra khỏi mồ, Đức
Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và thần chết; và trong giây phút hân hoan tràn ngập
niềm vui sống lại đó, Thiên Chúa đã suy tôn và cất nhắc Người về trời ngự bên hữu
Thiên Chúa. Và điều này chúng ta gọi là Lên Trời. Sự về trời của Đức Giê-su là
một bảo đảm cho Lời hứa của Người dành cho chúng ta rằng Người ở đâu thì chúng
ta cũng sẽ ở đó.
Trời là nơi Chúa hiện diện. Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ
thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một mốc thời gian nào của lịch sử;
nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi không gian và không lệ thuộc
vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và cho đến muôn đời, vô thủy vô
chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và như lời Chúa đã phán thì ở đâu
có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của
câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp nhất, thông cảm, yêu thương thì
có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con người cùng chia sẻ một đức tin,
cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi đó có sự hiện diện của Chúa.
Như vậy, khi mô tả việc Chúa lên trời có nghĩa là chúng ta nói đến việc Chúa
Giê-su ngự trị bên hữu Thiên Chúa và một cách nào đó vẫn còn hiện diện với mọi
kẻ tin.
Điểm thứ hai mà chúng ta cần đề cập đến ở đây là sự kiện về
trời của Chúa Giê-su không có nghĩa là sứ mệnh mà Đức Giê-su thực sự chấm dứt.
Dù Người không còn hiện diện với các môn đệ theo nghĩa thể lý; nhựng trong niềm
tin và trải qua bao thế hệ, các môn đệ của Người vẫn còn tiếp tục làm chứng về
sự hiện diện đó, không chỉ tại Giê-ru-sa-lem hay một địa danh nào bên Do Thái,
mà cho đến tận cùng trái đất.
Thật vậy, với sự hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn hiện diện
bằng xuơng bằng thịt và cũng không còn bị giới hạn và ràng buộc bởi không gian
và thời gian nữa. Người sẽ hoạt động trong con người, nhất là nơi các kẻ tin.
Vì thế việc trao ban uy quyền và sứ mạng làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dậy
bảo họ tuân giữ giáo huấn của Chúa, là một việc cần được thực hiện truớc khi
Người về trời, trở về với thân phận hằng có trong Thiên Chúa của Người.
Vì thế, việc về trời của Đức Giê-su không hề ám chỉ đến sứ vắng
mặt hay biến mất của Người. Trái lại Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị
giết vào dịp lễ Vượt Qua, vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ. Người đã
sống lại và tiếp tục sống cho họ và với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe
trong bài đọc một hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông
thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong
khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa.”
Chúng ta hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa.
Tuy, chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của
Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta có
thể gặp Chúa và hình ảnh của Người nơi anh chị em mình.
Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ. Công việc cứu độ của Thiên Chúa đã
đạt đến cao điểm qua sứ mạng của Đức Giê-su, nhưng chương trình đó không ngừng
lại ở thời điểm về trời của Người. Công việc đó vẫn được tiếp tục bởi Giáo Hội
và những thành viên của Hội Thánh. Sứ mạng của Hội Thánh vẫn là tiếp nối sứ mạng
của Đức Giê-su, Người không còn hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt như xưa
nữa. Kể từ ngày được cất nhắc về trời và qua các bí tích, Người hoạt động và chứng
thực sự hiện diện trong cuộc sống của chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Nói
như vậy có nghĩa là cuộc sống của các tín hữu được biển đổi bởi sự sống của
chính Chúa. Chúng ta được mời gọi trở thành Đức Ki-tô cho người khác. Đây là ân
huệ của Thánh Linh. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Thần Khí
mới giúp chúng ta tiếp tục công việc của Chúa. Từ ngày về trời, Người giao nhiệm
vụ này cho chúng ta.
Sau cùng, mừng Lễ Đức Giê-su Lên Trời nhắc nhở cho chúng ta
nhớ rằng quê hương chúng ta là Nước Trời, là nơi mà Đức Giê-su đã trở về để dọn
chỗ cho chúng ta, để rồi sau này Người ở đâu thì chúng ta sẽ ở đó. Hơn thế nữa,
vinh quang mà Đức Ki-tô được Thiên Chúa ban tặng hôm nay cũng là vinh quang của
chúng ta sau này. Vì thế, chúng ta không được phép dán mắt và đặt mọi tiêu chuẩn
trong cuộc sống lệ thuộc vào thế giới này. Thế gian mà chúng ta đang sống và mọi
sự thuộc về nó không có tính vĩnh cửu, nó mang tính tạm bợ và chỉ có thể là nơi
để chúng ta thực hiện lịnh truyền của Chúa.
Trong khi chờ đợi tới ngày về Trời chia sẻ vinh quang với
Chúa, chúng ta vẫn phải tiếp tục sống và sống thật tốt để san sẻ các nỗi đau khổ
mà bao nhiêu người đang phải gánh chịu. Những khổ đau đó có thể chúng ta đã trải
qua. Nguồn gốc của các đau khổ có thể được phát sinh do nghèo đói, bịnh tật,
ghen tương hay hận thù. Trên hết mọi sự, phải kể đến tính ích kỷ, chưa biết yêu
thương và chưa sống được những điều Chúa truyền dậy.
Bổn phận của chúng ta không phải cứ đứng đó nhìn ngắm quê trời
rồi quên đi các thực tại của trần gian. Hãy chuẩn bị con đường về trời của
chúng ta bằng các việc hy sinh như chia sẻ của ăn cho những người túng thiếu,
lên đường chăm sóc cho các bịnh nhân, an ủi và trở thành bờ vai cho những ai sầu
khổ. Làm tất cả mọi sự để những ai mà chúng ta gặp trên đường đời đều cảm thấy
cuộc đời của họ sẽ bớt khổ đau hơn, giúp họ tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống
và biết thương nhau hơn, từ đó chúng ta góp phần làm cho cuộc sống này tươi đẹp
hơn.
Trên hết mọi sự là hãy để Chúa và Thánh Linh biến đổi chúng
ta trở thành dấu chứng nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa, và cuộc sống của
chúng ta sẽ trở thành lời mời gọi người khác đến gặp Chúa. Đó chính là bổn phận của chúng ta trong khi chờ
đến ngày được về quê trời với Chúa, và đó cũng là bảo chứng chúng ta sẽ gặp lại
Chúa trong Nước Trời. Amen!
No comments:
Post a Comment