Anh chị em thân mến,
Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật thứ Sáu của Mùa Phục Sinh năm
2020. Tình hình đại dịch do Covid -19 gây ra đã khiến chúng ta không có cơ hội
tụ họp với nhau như một cộng đoàn phụng vụ trong suốt mùa này. Tuy nhiên, chúng
ta vẫn được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, gương sáng của những thiện nguyện viên sẵn
sàng hy sinh để phục vụ những bịnh nhân do dịch bịnh gây ra. Gương sáng của họ
thật đáng cảm phục. Cho đến nay, các biện pháp ngăn ngừa việc truyền nhiễm đã
được nới lỏng dần. Nhưng cơn đại dịch vẫn là nỗi ám ảnh và niềm lo sợ cho mọi
người. Tuy số người bị lây nhiễm giảm sút, nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn bị hạn
chế. Chúng ta vẫn chưa khắc phục hay khống chế được sự nguy hiểm do Covid -19
gây ra.
Nhờ ánh sáng của Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta tin tưởng vào sự
đồng hành của Đức Chúa Phục Sinh trong các sinh hoạt của mỗi cá nhân và cộng
đoàn. Tuy nhiên khi phải đối diện với các biến cố xẩy ra ngoài dự liệu cũng làm
cho chúng ta lo lắng và quên đi những lời khuyên bảo của Chúa. Cá nhân tôi,
trong tuần qua, đã trải qua cảm nghiệm này. Như anh chị em biết, cộng đoàn chúng
tôi đang sống là một cộng đoàn dành cho các cha đã đến tuổi về hưu. Ngoài việc
vệ sinh cá nhân, tất cả các dịch vụ khác của các ngài đều cần đến bày tay nhân
ái và yêu thương của các cộng sự viên, mà chúng tôi gọi họ là partner-mission.
Họ là y tá, người quét dọn vệ sinh, đến quản lý cơ sở nhà dòng.
Trong tuần qua, chồng của bà quét dọn bị nhiễm Coronavirus.
Chiếu theo luật lệ y tế hiện đang được áp dụng bà bị cách ly tại gia và trải
qua một cuộc xét nghiệm. Và giả như bà bị nhiễm thì mọi thành viên trong cộng
đoàn chúng tôi sẽ bị cách ly. Anh chị em thử tưởng tượng mọi việc sẽ diễn tiến
như thế nào! Lúc đó ngoài tâm trạng bồn chồn, lo lắng và chờ đợi chúng tôi chẳng
biết làm gì. Thậm chí, bản thân tôi, đến Lời khuyên của Chúa: “Anh em đừng lo lắng”
trong bài Tin Mừng tuần qua cũng bị quên lãng. Cho đến khi nhận được tin về kết
quả xét nghiệm của bà thuộc loại âm tính (negative), có nghĩa là bà không bị
nhiễm. Đến lúc đó tôi mới hoàn hồn và yên tâm.
Trước mặt Chúa, tôi xin thành thật chia sẻ với anh chị em về cảnh
ngộ thiếu lòng tin của tôi.
Bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay đến với tôi thật
đúng lúc. Đây là phần tiếp nối của bài Tin Mừng tuần trước. Tất cả đều thuộc về
diễn từ tiệc ly trong buổi chia tay với các môn đệ của Đức Giê-su. Các chủ đề
và ý tưởng trong ý nghĩa của buổi chia tay được lập đi lập lại. Đức Giê-su muốn
nói đi nhắc lại để củng cố niềm tin và an ủi các môn đệ. Đức Giê-su biết giờ của
Người, giờ về nhà Cha sắp xẩy ra. Người cảm nhận được sự cô đơn của các môn đệ khi vắng
bóng Thầy. Vì thế, Người khuyên họ đừng lo lắng mà hãy tin vào Người. Sự vắng mặt
của Người sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho các môn đệ. Bởi vì Người ra đi để dọn
chỗ cho họ và Người sẽ trở lại và khi trở lại thì Người muốn họ ở cùng với Người.
Trong thời gian này, Người sẽ xin Cha sai Đấng Bầu Chữa đến ở với các môn đệ.
Phần các ông, nếu tin và yêu Người thì hãy tuân theo Lời khuyên dậy của Đức
Giê-su. Tuy nhiên các môn đệ lại không hiểu ý của Người.
Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhắc nhở cho
các môn đệ nhớ lại một chân lý thật căn bản, đó là khi chúng ta yêu ai thì
chúng ta cố gắng làm mọi sự để diễn tả tình yêu của chúng ta cho người đó. Tình
yêu trọn hảo mà các môn đệ cần có phải được xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Người
là Đấng mà Đức Giê-su sẽ xin Cha sai đến ở giữa họ, sống với họ, giúp họ tuân
theo lời dậy của Người, đó là: ai yêu mến Chúa thì giữ các giới răn của Người.
Mà ai yêu mến Chúa, thì sẽ được Cha yêu mến và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.
Như vậy, yêu thương là tuân giữ lịnh truyền của Chúa, đươc thể
hiện bằng các việc làm nói lên lòng hiếu kính và yêu thương của chúng ta dành
cho Chúa.
Anh chị em thân mến,
Còn chúng ta thì sao? Đã có lúc nào chúng ta tự vấn lương tâm
để trả lời câu hỏi là tôi có yêu Chúa hay không? Trong anh chị em, sẽ có một số
người cho rằng câu hỏi này thật vớ vẩn. Cả đời tôi đã theo Chúa. Gia đình tôi
thuộc đạo gốc. Tính theo tuổi đời tôi đã làm con Chúa bao nhiêu năm. Biết bao
việc đạo đức đã thực hiện, kể sao cho hết! Nào là việc tham dự Thánh Lễ, tuân
giữ luật Giáo Hội, ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, làm các việc bác ái, tham gia
vào các sinh hoạt trong nhà thờ…. cứ thế mà tuôn ra. Các việc làm như thế không
là yêu Chúa thì còn yêu ai nữa đây!
Thật ra, câu hỏi nói trên không dễ trả lời chút nào. Thành thật
mà nhìn nhận rằng tất cả các việc làm đạo đức mà chúng ta liệt kê ở trên chưa hẳn
là các chứng từ nói lên tình yêu của mình với Chúa. Câu hỏi thật khó khăn và
cũng cần có câu trả lời thỏa đáng.
Nói chung, chúng ta có thể diễn tả cảm giác yêu bố mẹ và những
người thân trong gia đình như thế nào. Tình yêu của người chồng dành cho vợ hay
là của người phối ngẫu dành cho nhau có thể diễn tả được. Họ biết mức cảm xúc
trong tình nghĩa vợ chồng cần có cho nhau. Nhưng thành thật mà nói chúng ta lại
ú ớ khi diễn tả cảm giác yêu Chúa. Bản thân tôi cũng thế, nói yêu Chúa thì nhiều;
nhưng đã có lần nào tôi có cảm giác ấm áp trước tình của Chúa dành cho tôi hay
chưa. Nói khác đi, ý nghĩ về Chúa có đem lại cho tôi một loại cảm giác đặc biệt
nào chăng!
Tuy nhiên, có một sự thật, ít nhất đối với tôi, và xin phép
chia sẻ đến anh chị em; đó là cho dù chúng ta không thể diễn tả bằng cảm xúc
trước tình của Chúa dành cho mình thì cũng đừng lo; bởi vì tình yêu mà Chúa muốn
chúng ta thực hiện không dừng lại ở cảm giác. Người không chỉ muốn tình cảm nồng
ấm mà chúng ta dành cho Người, điều Chúa muốn là sự vâng phục, ai yêu mến Thầy
thì sẽ giữ Lời Thầy. Hơn thế nữa, khi nói đến tình yêu, Đức Giê-su không chỉ muốn
tình cảm của chúng ta cho bằng hành động. Và điều trước tiên mà chúng ta cần
ghi nhớ là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa là một tình yêu siêu thoát cần sự
đầu phục và tôn thờ. Như vậy, tình yêu đích thật mà Chúa muốn chúng ta dành cho
Người là cách sống vâng phục và tôn thờ Thiên Chúa để từ đó chúng ta có thể yêu
nhau trong Chúa.
Nhưng làm thế nào để có thể đầu phục Chúa hoàn toàn, làm thế
nào để chúng ta có thể dâng hiến một đời trong việc cúc cung và tận tụy với Người.
Chắc hẳn không thể dựa vào nỗ lực và những cố gắng của bản thân! Bởi vì, con
người thì yếu đuối, dễ vỡ và mỏng dòn. Chúng ta cần trợ lực. Đó chính là điều
mà Đức Giê-su nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo
Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian
không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em
biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Gio-an 14: 16-17)
Thật vậy, chúng ta chỉ có thể yêu Chúa và thương tha nhân khi
để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động. Người chính là Thần Khí của
Thiên Chúa, thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta và kéo chúng ta lại gần Chúa
hơn. Chúng ta chỉ cần học để buông bỏ chính mình, tập đừng kiểm soát và trao
quyền kiểm soát và thống trị cho Chúa, để Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta
thì chúng ta sẽ càng ngày càng tận tụy và ngoan ngoãn hơn trong việc yêu mến
Chúa.
Cuối cùng, thưa anh chị em.
Kinh nghiệm về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần
trong chúng ta là nền tảng tuyệt đối trong mọi trải nghiệm của đời sống chúng
ta. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đi vào nẻo chính đường ngay để mối quan hệ với
Thiên Chúa càng ngày càng bền chặt hơn. Người chính là nguồn suối của mọi ân huệ.
Người làm cho các hạt giống được triển nở và sinh hoa kết quả trong cuộc sống để
chúng ta trở thành mẫu mực trọn vẹn theo Ý định của Thiên Chúa. Chính Thần Khí
của Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta đầu phục và bầy tỏ lòng sùng kính của chúng ta
đối với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta hết mực tôn thờ và yêu thương. Đó chính là
điều mà Đức Giê-su đã phán: “Thầy ra đi thì có lợi (hơn) cho anh em. Thật vậy,
nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi,
Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Gio-an 16:7)
Đức Giêsu thể lý không còn ở đây nữa. Người đã ra đi và rời bỏ
chúng ta: Hãy ngợi khen Chúa vì điều đó! Bởi vì nếu Chúa Giêsu vẫn còn ở với
chúng ta, chúng ta sẽ không biết sức mạnh của Thánh Linh trong cuộc sống của
chúng ta và chúng ta cũng không có cơ hội diễn tả thân phận và cuộc sống Kitô hữu
nữa.
Chúa ở cùng anh chị em. Thánh Thần của Thiên Chúa ở cùng
chúng ta. Đó là lời chào mà chúng ta gửi đến cho nhau qua các nghi lễ phụng vụ.
Đó còn là tin vui trọng đại mà chúng ta trao gửi cho nhau. Đó cũng là kinh nghiệm
mà các kẻ tin đã chứng thực qua mọi thế hệ về sức mạnh của Thánh Linh, Đấng đã
biến đổi họ và chúng ta thành khí cụ yêu Chúa và thương người một cách trọn hảo
hơn. Và, khi những người khác thấy việc Chúa Giêsu đã làm để thay đổi cách sống
của chúng ta với Người và với nhau thì họ cũng muốn biết Chúa.
Chỉ có trong quyền năng của Thánh Thần mới biến đổi chúng ta
thành khí cụ yêu thương của Người. Ước gì, cuộc sống của chúng ta là chứng nhân
tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa cho thế giới này. Amen!
No comments:
Post a Comment