Thursday, 25 June 2020

MÔN ĐỆ YÊU CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ



Anh chị em thân mến,

Trong  bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã khuyên bảo các môn đệ đừng sợ, hãy can đảm tham gia vào sứ mạng truyền giáo, cho dù có phải hy sinh mạng sống mình thì cũng đừng lo, bởi vì anh chị em là môn đệ chân chính của Chúa và cuộc sống của anh chị em đều thuộc về Chúa.

Tin mừng hôm nay là phần kết luận bài giảng truyền giáo của Đức Giê-su. Trong đó, Người đưa ra các tiêu chuẩn mà người môn đệ của Nước Trời cần phải có. Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng, khi đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, tất cả các Ki-tô hữu đều có bổn phận tham gia vào công cuộc rao giảng mở mang Nước Chúa; nhưng không phải ai cũng là môn đệ chân chính của Đức Giê-su cả đâu! Có sự khác biệt giữa người môn đệ chân chính và người chỉ khoác trên mình bảng hiệu Ki-tô hữu.

Căn cứ vào những gì mà Đức Giê-su dậy bảo hôm nay, chúng ta nhận thấy điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa không lệ thuộc vào các việc như: tuân giữ các giới răn, siêng năng cầu nguyện, lĩnh nhận các Bí Tích, hăng say tham gia công tác trong xứ đạo và những việc đạo đức khác nữa. Vẫn biết rằng, tất cả các điều kể trên là bổn phận của người tín hữu, và chúng ta thật có lỗi nếu không thực hiện các điều này. Nhưng các tiêu chuẩn mà Chúa dành cho các môn đệ hôm nay đòi hỏi chúng ta cần có một chọn lựa, thứ chọn lựa đòi hỏi sự hy sinh. Đây không phải là điều dễ dàng. Bởi vì, yêu sách của Đức Giê-su đưa ra hôm nay rất quyết liệt, khó thực hiện, đòi hỏi người môn đệ phải có thái độ sẵn sàng để dứt bỏ.

Chúng ta cùng nhau nghe lại điều Chúa nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10: 37) Nói cách khác, để trở thành môn đệ đích thực của Đức Giê-su, chúng ta cần chọn lựa ưu tiên giữa tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và các mối tương quan thế gian.

Tình Yêu mà người môn đệ dành cho Chúa phải vượt lên trên tất cả mọi thứ tình yêu khác. Đức Giê-su đã nói thêm rằng chúng ta phải yêu Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức mình. Có nghĩa là tình yêu của người môn đệ dành cho Chúa phải nhiều hơn, mãnh liệt hơn, hy sinh hơn tất cả mối tình. Nói chung, yêu Chúa trên hết mọi sự.

Thật vậy, tình yêu mà người xứng đáng được gọi là môn đệ là thứ tình không dựa trên cảm xúc như chúng ta dành cho cha mẹ, cha mẹ dành cho con cái, vợ chồng dành cho nhau. Đó là một sự chọn lựa trong cuộc sống để thể hiện tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, thậm chí sự lựa chọn này có thể đòi chúng ta dâng hiến bản thân mình để làm chứng cho mối tình của mình dành cho Người. Yêu Chúa như gương Chúa yêu. Yêu Chúa rồi làm như Chúa đã dậy trong Bữa Tiệc Ly. Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ rồi phán “Này là Mình Thầy.” Tình yêu của Đức Giê-su là của lễ hiến dâng lên Cha, rồi trao ban cho các môn đệ. Tất cả cử chỉ của Chúa như hiến dâng, bẻ ra, trao ban đều là các tiêu chuẩn mà các môn đệ của Chúa phải áp dụng.

Chúng ta cũng nhận ra trong các mối quan hệ của con người, tuy hiếm nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt, họ sẵn sàng hy sinh cho nhau. Nhưng động lực để họ hy sinh vẫn là tình yêu dành cho Chúa trước, Cho nên, để yêu Chúa hơn tất cả là lúc chúng ta chọn lựa Chúa là người quan trọng nhất, không có Chúa trong cuộc đời thì mọi sự và mọi việc chúng ta làm chẳng có giá trị gì.

Thưa anh chị em,

Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta cũng nên dành đôi phút hồi tâm để kiểm tra xem chúng ta yêu Chúa đến độ nào, có yêu Chúa trên hết mọi sự không? Bởi vì, chỉ có can đảm để nhìn nhận, chúng ta mới biết mình có phải là môn đệ chân chính của Chúa hay là cứ mãi sống dưới nhãn hiệu của người tín hữu, và các điều cần làm để vui lòng Chúa thì lại bỏ quên.

Để xứng đáng là môn đệ của Chúa, chúng ta phải nỗ lực tham gia để biến đổi môi trường chúng ta đang sống trở thành trời mới đất mới, và tại nơi đó con người cùng hướng về mục đích là được lớn lên trong Tình Yêu Chúa. Tất cả mọi mối tương quan mà chúng ta đang xây dựng như vợ chồng, con cái, bạn bè, thân hữu, v.v… đều được đặt trên nền tảng và cùng qui hướng về Tình Yêu Chúa.

Do đó, một cách minh bạch chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu tình yêu của chúng ta dành cho Chúa không quan trọng và chưa lớn hơn tất cả thứ tình yêu khác thì chúng ta làm sao có thể dâng hiến đời mình cho Chúa trong tất cả, đặt Người lên trên mọi sự  như thời gian, công sức, tài năng và tiền của cho Người được?

Làm sao chúng ta có thể nói rằng tôi yêu Chúa hơn mọi sự, trên tất cả mọi thứ mà tôi lại không có thời gian để hàn huyên và tâm sự với Người. Trong khi đó, 24 giờ là của Chúa ban cho!

Dựa vào kinh nghiệm trong cuộc sống, khi yêu nhau là muốn ở bên nhau. Có nhiều đôi bạn trẻ đã chia sẻ rằng họ chỉ mong ở bên nhau, thậm chí chẳng biết và chẳng có chuyện gì để nói.

Giống như các kinh nghiệm mà chúng ta đã trải qua, im lặng để nhìn ngắm Chúa và lắng nghe tiếng Người là phương thế cầu nguyện tốt nhất. Anh chị và tôi là những người thật xứng đáng là môn đệ của Chúa, nhưng chúng ta đã yêu Chúa bằng cách dùng thời gian theo ý Chúa hay chưa?

Cùng một cách như thế, chúng ta hãy kiểm tra cách chúng ta xử dụng tài năng mà Chúa trao ban. Tôi đã xử dụng nó như thế nào, để xây dựng công ích, mưu cầu ích lợi chung hay là chỉ ích kỷ dùng cho riêng gia đình mình mà thôi.

Tiến xa hơn một bước nữa và cũng thật là khó khăn khi chúng ta đề cập đến việc xử dụng tiền bạc. Đây là vấn đề rất tế nhị. Bởi vì tiền của gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Trên thực tế, tôi biết rằng có nhiều anh chị em bộc lộ vẻ chán nản và thất vọng khi nghe linh mục nói đến tiền. Thậm chí, có nhiều người không muốn đến Nhà Thờ vì chẳng nghe được những lời giáo huấn từ cha xứ, thay vào đó chỉ nghe đề cập đến ngân quỹ nhà xứ thiếu chỗ này, hụt chỗ kia… tiền ơi là tiền.

Quả thật, bản thân tôi rất ngại khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đối diện với thách đố là chúng ta đã yêu Chúa và đặt Chúa trên mọi nhu cầu và mãnh lực mà tiền bạc có thể chi phối cuộc sống của chúng ta hay chưa? Như chúng ta thường nghe nói “tiền bạc là ông chủ xấu nhưng lại là một đầy tớ tốt”. Vì thế, anh chị em hãy tự vấn mình đã coi tiền của như phương tiện mà Chúa ban để xây dựng công ích hay lại tôn nó lên vai trò của một ông chủ điều khiển cuộc sống mình.

Một cách cụ thể, nhiều người trong chúng ta đã đóng góp cho các việc đem lại ích lợi chung một khoản tiền ít hơn số tiền bỏ ra để mua kẹo và đồ ngọt, rồi sau đó lại chi tiền cho việc giảm cân!

Nếu chúng ta thật sự là môn đệ chân chính của Chúa thì hãy học nơi Người lòng quảng đại và tinh thần bác ái trong việc xử dụng tiền của.

Khi suy niệm và trình bầy các điểm nói trên, tôi chợt nhớ đến đời sống và gương sáng của Thánh Nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Hành trình đời sống của Ngài chỉ vỏn vẹn 24 năm. Ngoài thời gian thơ ấu sống trong sự bao bọc của cha mẹ, thời gian còn lại Ngài sống trong đan viện của Dòng Kín Ca-mê-lô. Cuộc sống nghèo, chẳng có nhiều tiền để cho ai. Công việc của Ngài thật âm thầm, lo việc trong nhà. Thế mà công trạng của Ngài lại được sánh ngang hàng với Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e bôn ba khắp nơi để truyền giáo. Bởi vì Thánh Nữ đã yêu Chúa bằng cả cuộc đời. Mọi việc Ngài làm, mọi cử chỉ và mọi lời Ngài nói đều phát sinh từ tình yêu mà Ngài dâng tặng cho Chúa để cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Giống như Chúa, noi gương Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, chúng ta phải yêu Chúa trên hết mọi sự, chọn Chúa trước khi chọn lựa các điều khác. Trong cử chỉ, lời nói và việc làm trong cuộc sống, chúng ta đừng hỏi tôi muốn gì mà là Chúa muốn gì. Đây không phải là điều dễ làm. Chúa biết rõ nỗi khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải. Vì thế, sau khi đưa ra các điều kiện đòi hỏi người môn đệ cần có, Chúa đã phán tiếp: ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng làm môn đệ của Thầy.

Tóm lại, trên hết mọi sự và trong tất cả, chúng ta hãy yêu Chúa trước. Tình yêu Chúa bao hàm sự hy sinh, từ bỏ và dâng hiến. Tình yêu đáp trả mà chúng ta có được cũng xuất phát từ Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Người yêu con người đến nỗi đã gửi người Con duy nhất, hiến mạng sống của người Con làm quà tặng ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Một lần nữa, chúng ta tin vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành. Đây là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta trong Thánh Lễ này. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy, nhớ đến thân xác đã hy sinh làm của ăn mà Thầy ban tặng cho chúng ta.

Trước khi đón nhận Mình Chúa, chúng ta thú nhận mình bất xứng. Và sau lời thú nhận đó, chúng ta đón nhận thân xác Người và được biến đổi để xứng đáng thành người môn đệ của Chúa, và giống như Chúa chúng ta sẽ nỗ lực yêu thương và nuôi sống nhau.

Tình Yêu là thế. Chỉ có ai yêu mến Chúa hơn mọi thứ tình trên trần gian này mới xứng đáng là người môn đệ của Chúa và sẽ làm được như các việc Chúa làm. Amen!


Thursday, 18 June 2020

ĐỪNG SỢ! HÃY TIN



Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay vỏn vẹn chỉ có 7 câu, thế mà ba lần Đức Giê-su đã nhắn nhủ các môn đệ rằng “anh em đừng sợ”. Đức Giê-su nhận ra rằng nỗi sợ hãi có thể là một trong các nguyên nhân gây ra sự chán nản, bỏ cuộc và thất bại khi thi hành sứ mạng mà các môn đệ đã được trao phó. Vẫn biết rằng, khi chấp nhận lời mời gọi trở thành môn đệ của Chúa, các môn đệ đã từ bỏ gia đình, nếp sống an toàn để lao mình vào cuộc chiến vì Nước Trời; nhưng không vì thế mà các môn đệ sẽ bớt sợ, vì sợ hãi vẫn là một sức mạnh ngấm ngầm làm cản trở họ thực hiện sứ mạng.

Sứ điệp đừng sợ vẫn là một lời khuyên rất khẩn thiết mà Chúa muốn gửi đến cho chúng ta hôm nay. Trong bài giảng đầu tiên với tư cách là Giáo Hoàng, Thánh Gio-an Phao-lô đệ Nhị cũng lập lại sứ điệp “đừng sợ” của Chúa Giê-su và không biết bao nhiêu lần sau đó, Ngài đã nhắc lại sứ điệp này. Bởi vì, Ngài biết những người đang sống trong thời đại mà chúng ta đang sống cần được lắng nghe sứ điệp này đến mức độ nào. Quả thật, chúng ta liên tục sống trong lo âu và sợ hãi, đến nỗi có một số người quả quyết rằng cuộc sống của con người chỉ là một chuỗi dài của sự sợ hãi!

Khi còn bé chúng ta sợ bóng tối, sợ ma, sợ cô đơn cho đến khi nhìn thấy khuôn mặt của cha mẹ hay người bảo hộ thì cháu bé mới bớt sợ.

Lớn hơn một tý, chúng ta sợ bị bắt nạt, sợ bị chê là học dốt.

Đến tuổi mới lớn, chúng ta sợ bị áp lực, sợ không dám đối diện với thất bại, sợ bị chê mập hay xấu, sợ bị tai tiếng, sợ không bằng chúng bạn… Nhiều nỗi sợ hãi vu vơ khiến con người mất ngủ, thậm chí bị trầm cảm… Chúng ta nghĩ rằng đến tuổi trưởng thành các nỗi sợ hãi sẽ dừng lại. Nhưng, đến tuổi lớn khôn, chúng ta lại có nhiều nỗi lo sợ khác. Sợ cuộc sống thiếu an toàn vì những điều không may có thể xẩy đến nên mua bảo hiểm, sợ tương lai xấu, sợ con cái hư hỏng, sợ bị mất việc, sợ tai ương ập đến khiến cuộc sống bị bế tắc, sợ khủng bố, sợ chết, v.v…

Dân công giáo thì sợ bị cám dỗ, sợ tội, sợ bị sa hỏa ngục, sợ bị Chúa phạt.
Mỗi người chúng ta đều có nỗi lo sợ riêng, sợ chính mình và sợ nhau nữa.
Anh chị em thử tởng tợng sống trong một trạng thái sợ hãi như thế thì cuộc sống sẽ ra sao?

Cách đây khoảng hơn chục năm, có một lần tôi đuợc diễm phúc nghe tâm tình của một vị có thẩm quyền chuyên lo về giáo dục cho một nhóm trẻ tại Việt Nam. Ông phân tích về hiện tợng của thế hệ trẻ sống tại quê nhà. Theo sự nhận xét của ông thì những người trẻ hiện nay, đăc biệt những cháu mà ông có trách nhiệm đào tạo và hớng dẫn, đang sống trong trạng thái nghi ngờ và sợ nhau. Nguyên nhân gây ra hiệu quả này là các cháu được sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà trong đó hệ thống ‘gài ngời’ làm ăng-ten (antenna) quá tinh vi, đã cắm rễ sâu trong mọi tổ chức. Để giải quyết cho vấn nạn này, ông và các bạn đồng hành cố gắng đào tạo một thế hệ trẻ biết tin tưởng nhau hơn. Và, để thực hiện điều này, ông cho phép những người trẻ mà ông đang hớng dẫn có dịp nói lên những suy tư và ý nghĩ của họ. Sau khi họ phát biểu; thay vì lắng nghe, ông và các bạn lại lựa những người đã có những ý tưởng ngợc lại với ông và khai trừ họ khỏi tổ chức. Vì sợ mất quyền nên ông đã khai trừ lớp trẻ mà Thiên Chúa đã trao cho ông chăm sóc!

Lại có những ông chồng may mắn có đợc vợ đẹp con khôn. Thay vì tin tởng lại sợ người phối ngẫu và các con vuột khỏi tầm tay của mình, nên ông đã có lối hành xử thống trị, kiểm sóat khiến cho gia đình thành ngục tù với bầu khí đầy thê lơng và tang tóc…Từ đó, ai cũng sợ và né ông, và sợ nhau nữa. Cuối cùng thì điều ông sợ đã biến thành sự thật: gia đình tan vỡ chỉ vì sợ mà đánh mất đi hai yếu tố căn bản của gia đình là tin tưởng và yêu thương nhau.

Thêm nữa thì có các tu sĩ hay linh mục, chỉ vì sợ mối tơng quan giữa họ và Thiên Chúa, giữa họ và tha nhân bị phai lạt. Để bù đắp họ tìm mọi phơng thức để thành công hầu thu phục và nối lại các mối tơng quan đó. Nhưng thật ra, họ tìm đủ cách để bồi đắp ‘cái tôi’ của họ. Cuối cùng ‘cái tôi’ và ‘sự sợ hãi’ phát triển đồng đều khiến họ bị rối lọan và có thể lạc đờng.

Đó là các hậu quả rất tiêu cực của nỗi sợ hãi. Giờ đây chúng ta làm thế nào?

Lần theo các sách Tin Mừng, chúng ta nhận thấy Đức Maria cũng sợ nên thiên thần mới phán “Maria, đừng sợ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”. Phêrô nhìn Chúa đi trên biển đến với các ông, nhưng vì sợ nên mới tởng là ma; cho nên Chúa mới xác định “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6:51). Đức Giê-su cũng sợ. Người không khuyên chúng ta điều Người chưa từng trải qua. Khi nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, mặc lấy thân phận con người, Người đã giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Người cảm nhận được sự đau đớn trong chính thân xác Người, cho nên cho dù sợ đau nhưng không trốn chạy nó. Tuy Người sợ chết, nhưng vui lòng chấp nhận chịu chết vì tin tưởng vào Thánh Ý của Thiên Chúa.

Và Đức Giê-su không chỉ nói “đừng sợ’ một hai lần mà rất nhiều lần. Giả như lời khuyên “đừng sợ” của Chúa được chúng ta nhắc lại hàng ngày, và dám đối diện với các nỗi sợ hãi, nhận ra sự nguy hiểm của nó và mời Chúa đến cất đi nỗi sợ hãi thì chúng ta có thể sống trọn vẹn thân phận của người môn đệ hơn. Và sau cùng chúng ta cũng nhận ra rằng nỗi sợ hãi còn tồn tại và chúng chỉ làm chủ và quấy nhiễu cuộc sống khi chúng ta thiếu niềm tin vào Chúa. Và một khi thiếu niềm tin vào Chúa thì làm sao chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ của người môn đệ mà Chúa đã trao ban.

Thật vậy, lời khuyên “anh em đừng sợ” ẩn chứa lời thúc dục các môn đệ hãy can đảm thực thi sứ mạng rao giảng bằng bất cứ giá nào, vì những gì mà Chúa nói với chúng ta ban đêm, thì hãy công bố giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy công khai rao giảng. Hơn thế nữa, bất kỳ những gì xẩy đến cho Đức Giê-su thì các môn đệ cũng sẽ phải đón nhận như thế. Nếu Đức Giê-su đã bị chống đối thì số phận của các môn đệ cũng y như thế. Những lời cảnh báo về các khó khăn này được nói ra để trấn an các môn đệ “đừng sợ”, vì thân phận của người môn đệ xứng đáng được Chúa bảo vệ. Thậm chí, dù gặp nguy cơ phải chết thì cũng đừng sợ vì người ta có thể giết thân xác nhưng Thiên Chúa mới là Đấng có quyền trên cả hồn lẫn xác.

Như vậy, chúng ta nhận thấy giải pháp làm chúng ta giảm thiểu nỗi sợ hãi, đó là dám đối diện với sự sợ hãi bằng tâm tình phó thác và tin vào Chúa, Đấng luôn yêu thơng và bao bọc chúng ta. Tin và Yêu là giải pháp giúp chúng ta sống vui hơn.

Thật vậy, chúng ta chỉ có thể vợt qua được nỗi sợ hãi nhờ tin vào Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi cảnh huống. Ngài yêu thơng và chăm lo đến từng sợi tóc của chúng ta.

Chúng ta tin rằng đừng để sợ hãi làm chúng ta vấp ngã. Giả như có vấp ngã - thì cũng là lẽ đương nhiên - nhưng cũng đừng vì thế mà sợ Chúa phạt ta. Chúa yêu ta vô bờ bến, thơng ta ngay lúc ta còn là tội nhân cơ mà.

Sau cùng, chúng ta vẫn biết rằng không ai có thể tránh đuợc cái chết. Tuy nhiên đừng sợ chết. Vì có bớc qua ngưỡng cửa của sự chết, chúng ta mới bước vào sự sống vĩnh cửu với Người.

Thật vậy, con người chỉ thắng được các nỗi sợ hãi nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã không ngã gục vì sợ hãi, đi tới cùng và tuân theo ý định của Thiên Chúa. Qua sự chết Người đi về nhà Cha thế nào thì con đường mà người môn đệ được chọn để thi hành có thể dẫn họ đến cái chết như thế. Tuy vẫn biết kết cục là như thế, nhưng cho dù là sự chết cũng không làm cản trở ơn trung kiên, lòng chung thủy của các môn đệ với Chúa, là Đấng mà chúng ta đã hết lòng tin tưởng và cậy trông.

Cầu xin Chúa cho chúng ta đủ can đảm để vượt qua mọi nỗi sợ hãi trong cuộc sống mà trung thành trong nhiệm vụ của người môn đệ được Chúa yêu thương. Amen!

Wednesday, 10 June 2020

MÌNH VÀ MÁU CHÚA TAN CHẢY TRONG TA.



Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan và vui mừng cử hành Lễ Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Đây là một ngày rất đặc biệt vì với việc làm này Đức Giê-su đã bầy tỏ sự hiện diện đích thực của Người, làm của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Với lòng khiêm tốn, chúng ta cùng nhau suy gẫm về các bài đọc trong Thánh Lễ và ý nghĩa việc mừng trọng thể Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô hôm nay.

Trong thời gian qua, chúng ta biết ơn các đấng bản quyền đã đình chỉ việc cử hành Bí Tích Thánh Thể công khai, bởi vì sự tụ họp và cách tiếp xúc của chúng ta có thể làm cho đại dịch bùng phát. Và đây cũng là hành động nói lên tấm lòng yêu thương và sự quan tâm mà chúng ta dành cho những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong cộng đoàn có nhiều rủi ro bị lây nhiễm do Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, thật lòng mà nói với nhau thì việc không được phép tham dự Thánh Lễ cuối tuần là một mất mát thật lớn lao cho đời sống đạo của chúng ta. Việc xem hay tham dự các Thánh Lễ trực tuyến không thể thay cho việc tham dự Thánh Lễ một cách trực tiếp và việc làm này sẽ làm giảm ý nghĩa của Bí Tích. Cho đến nay việc khống chế sự lây lan đã nằm trong tầm kiểm soát của những người có trách nhiệm. Các chính sách nghiêm cấm được nới lỏng hơn. Nhà thờ và các nơi thờ phượng đã được mở cửa lại. Cho dù số người tham dự vẫn còn bị hạn chế, nhưng trong tinh thần mỗi người là một chi thể trong thân thể của Đức Ki-tô, chúng ta có thể thay phiên nhau tham dự Thánh Lễ. Vì vậy, trước hoàn cảnh hiện tại thì việc mừng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa năm nay có một ý nghĩa thật đặc biệt.

Thật ra, bữa tiệc Thánh Thể đã bắt đầu vào buổi tối Thứ Năm Tuần Thánh, khi Đức Giê-su trao thân xác và máu của mình làm của ăn cho các môn đệ, và việc trao hiến của Người đã hoàn tất khi tự ý trao nộp mạng sống của Người trên Thập Giá vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, để cứu độ muôn dân. Sự chết không cầm giữ được Người. Ba ngày sau, Người đã sống lại, lên trời và hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Thánh Lễ mà chúng ta cử hành bao gồm mọi chiều kích của mầu nhiệm Vượt Qua. Thế mà, trên thực tế, khi tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua, tâm tình chúng ta lại chỉ bị cuốn theo những roi đòn, những lời sỉ nhục, các cảnh tang thương và sau cùng là cái chết tủi nhục mà Đức Giê-su đã chịu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Tất cả mọi chi tiết trong các cảnh tang thương đó có thể làm lu mờ món quà mà Chúa đã trao ban tại Bữa Tiệc Ly mà chúng ta cử hành trong mỗi Thánh Lễ hiện nay.

Thưa anh chị em,

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Mô-sê đã nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại vai trò và công trình mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân khi họ lang thang trong hoang địa. Đối diện với các khó khăn mà dân đã trải qua khiến nhiều người chán nản, thất vọng và rên xiết là Thiên Chúa đã bỏ rơi, khiến họ phải chết đói. Thậm chí, có nhiều người lại mong được chết quách bên Ai Cập còn hơn là vất vả theo Chúa, rồi cũng bị mất xác ở nơi hoang vu này. Trong hoàn cảnh đó, Thiên Chúa đã can thiệp và cung cấp của ăn là man-na cho họ. Lần đầu tiên họ nhìn thấy man-na. Họ không biết đó là vật gì. Họ chỉ biết từ trời rơi xuống để nuôi dưỡng cơ thể và làm mới tâm hồn. Thật không may, họ đã nhận món quà theo nghĩa vật lý, đó là thực phẩm làm cho họ khỏi bị chết đói mà hoàn toàn không nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc của món quà đó.

Và Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một phần trong diễn từ Bánh hằng Sống mà Đức Giê-su đã dùng để giải thích ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Đây là một trong các diễn từ quan trọng, có thể thay thế việc thuật lại việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể trong truyền thống của Tin Mừng này. Đức Giê-su giải thích cho họ hiểu về ý nghĩa của man-na mới, là chính thân xác và máu huyết của Người. Người là bánh trường sinh, bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Nghe thế, một số người đã không tin, cho nên Chúa Giê-su quả quyết rằng “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Gio-an 6: 53-58)

Anh chị em thân mến,

Để nhận ra ý nghĩa sâu xa của Bí Tích, chúng ta cần có đức tin, và đây không phải là điều mà chúng ta đạt được nhờ vào sự khôn ngoan hay năng lực của mình, nhưng từ sự dẫn dắt và lôi kéo của Thiên Chúa, như Lời Người mới phán: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy,…” (Gio-an 6: 44) Như vậy, mọi sự đều phát nguồn từ Thiên Chúa, Đấng hoạt động liên lỷ, lôi kéo và dẫn dắt mọi người đến với Chúa Con để nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta được ban sự sống bằng chính thân xác và máu của Người ngay từ bây giờ và cho đến sau này.

Vì vậy, trong bữa tiệc hôm nay và mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta nhận được món quà rất đặc biệt: Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô. Đây là món quà quý giá từ Thiên Chúa, trong đó Đức Giêsu ban chính mình cho mỗi người chúng ta. Thật vậy, chúng ta nhận ra rằng mỗi khi tham dự Thánh Lễ và nhận được Mình và Máu Chúa Kitô là lúc Người sống trong ta, nuôi dưỡng, nâng đỡ, củng cố, ban cho chúng ta sự bình an và cho chúng ta can đảm để chấp nhận tất cả, đặc biệt là những điều khó khăn mà chúng ta có thể sẽ trải qua trong cuộc sống này.

Hơn nữa, mỗi khi thông hiệp với Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta trải nghiệm một Lễ Vượt Qua. Chúng ta vượt qua sự tham lam, ích kỷ và tội lỗi để đến với sự tốt đẹp, lối sống tử tế, rộng lượng, đầy khoan dung, chan hòa lòng mến và thánh thiện hơn. Trong Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được Người chỉ dẫn cho cách sống. Đây là một bước rất quan trọng trong cuộc sống, trên hành trình đức tin của chúng ta. Cuộc hành trình này đã được bắt đầu từ ngày chúng ta đón nhận phép rửa để trở thành con Chúa, thành viên của gia đình Hội Thánh, và là chi thể trong thân thể của Chúa Kitô.

Do đó, trong Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, con người nhận được thịt và máu của Người làm của ăn để bất cứ ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời. Với sự hiện diện bền bỉ của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, cuộc sống của chúng ta được nối kết, củng cố và duy trì không chỉ với Chúa Kitô mà còn với nhau nữa. Và, tiếp theo sau là lời mời gọi chúng ta hãy chia sẻ đời sống của Chúa Kitô và sống sứ mạng của Người để trở thành của ăn cho nhau.

Trong tinh thần đó, thay cho lời kết của phần suy niệm, xin mời anh chị em nghe một truyện ngắn. Câu chuyện này đã được kể lại bởi vị linh mục, bạn tôi.

Ngài đã kể rằng: trong số những người bạn của linh mục, có hai người bạn trẻ kia yêu nhau tha thiết. Anh chị đã đính hôn được hơn một năm và trong thời gian chuẩn bị hôn lễ thì chị phát hiện mình mắc phải căn bịnh ung thư. Theo sự chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa lúc bấy giờ thì chị chỉ còn sống được khoảng một năm nữa mà thôi. Trước tình hình đó, chị đề nghị và khuyên anh nên hủy bỏ hôn lễ. Anh đáp lại rằng: anh đã yêu chị lúc mạnh khỏe thì giờ đây anh cũng sẵn sàng yêu thương chị khi lâm cảnh ốm đau. Và đám cưới của anh chị đã diễn ra như đã được dự trù. Kết quả không chỉ là một năm mà anh chị đã sống bên nhau được mười sáu năm trong cuộc chiến với căn bịnh nan y. Anh chị đã có với nhau bốn người con.

Và chuyện gì phải đến rồi sẽ đến.

Theo như lời của vị linh mục đó kể tiếp thì cha thật may mắn vì đã được phép đồng hành với gia đình anh chị không chỉ vào những ngày cuối đời của chị mà còn được anh chị chia vui, sẻ buồn trong cuộc sống gia đình của họ nữa. Cha đã chứng kiến cảnh chị vật vã với cơn đau, nhưng không một lời than thở. Chị không sống cho chị. Điều làm chị quan tâm nhất là hạnh phúc và cuộc sống của chồng và những người con.

Trong Thánh Lễ cuối đời của chị trong căn phòng tại nhà thương, ngoài gia đình chị còn có vị linh mục. Tuy thể xác rất hốc hác và gầy còm, nhưng tinh thần của chị rất tỉnh táo. Chị đã cùng gia đình dâng của lễ cuộc đời. Trong lúc đọc lời truyền phép “… Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Cha nhìn thấy thân xác tiều tụy của chị đã hy sinh, trao phó cho chồng và các người con của chị. Chị đã chết vào buổi tối hôm đó.

Khi chứng kiến những gì đã xẩy ra cho người bạn của mình, vị linh mục chìm đắm trong suy tư và với niềm xác tín, ngài đã nhẹ nhàng nói cuộc sống của chị đã đem cho những người trong gia đình của chị một ý nghĩa mới về Bí Tích Thánh Thể. Còn phần vị linh mục là tưởng nhớ lại việc lập Bí Tích Thánh Thể, tại bữa tiệc ly, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”

Cũng vậy, cuộc sống của chị đã được chúc phúc. Chị đã được Chúa thương yêu, dìu dắt và dẫn đưa vào mối tình với chồng và các con của chị. Chính Chúa là tác giả của mối tình đó. Bổn phận của chị là đáp trả tình của Chúa bằng cách hy sinh, bẻ (break) cuộc sống của chị, trao cho chồng và con. Và bằng lời chúc tụng chị đã tán dương Tình Yêu của Chúa trong cuộc sống. Chị càng hy sinh bao nhiêu thì sự cao quí và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong cuộc sống của chị càng được bộc lộ bấy nhiêu.

Chị có thể làm được các việc đó vì chị sẵn sàng để cho tình Chúa tan chảy trong cuộc sống của chị. Ước mong, Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành cũng làm cho cuộc sống của chúng ta được tan chảy trong tình Chúa và trở thành của ăn cho nhau. Amen!


Thursday, 4 June 2020

THIÊN CHÚA BA NGÔI: SỨC LAN TỎA CỦA TÌNH YÊU


Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao siêu trên hết vẫn là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Và một khi nói đến mầu nhiệm thì chúng ta hẳn nhiên phải đồng ý với nhau rằng, sức lực và trí óc của con người cho dù có thông minh và khôn ngoan đến đâu thì cũng không thể lĩnh hội và hiểu thấu một cách trọn vẹn về ý nghĩa của các mầu nhiệm. Chấp nhận trong niềm tin, cầu nguyện với tâm hồn khiêm tốn, phó thác với lòng cậy trông và nhất là sống yêu thương là các yếu tố giúp chúng ta có thể cảm nhận được phần nào về những bí nhiệm mà Thiên Chúa tỏ bầy.
Khi chiêm niệm và suy tư về Thiên Chúa, Thánh Gio-an tông đồ, người môn đệ mà Chúa yêu mến, đã xác tín và san sẻ cho chúng ta biết bản tính của Thiên Chúa, đó chính là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa. Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nếu Ngài không Yêu.
Và một khi đã nói đến Yêu thì chúng ta phải kể đến đối tượng của yêu thương. Tình Yêu mà Thiên Chúa trao ban là quà tặng cho thế gian, như Lời mà chúng ta vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, “quả vậy, Thiên Chúa ban Con của Người cho thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Gio-an 3: 17)
Hơn thế nữa, dựa vào truyền thống của Thánh Kinh, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không là một hữu thể đơn độc. Nếu như Thiên Chúa đơn độc một mình thì Người sẽ tự yêu mình. Nhưng Người là ba: Chúa Cha, Chúa Con và Thần Khí. Tuy ba ngôi vị, nhưng lại liên kết với nhau nên một trong tình yêu. Cả ba ngôi vị, hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau. Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Thần Khí của Thiên Chúa. Tình yêu mà Người ban tặng cho thế gian, cho chúng ta, trước tiên được luân chuyển và xuất phát từ Thiên Chúa. Sức luân chuyển này làm cho Tình Yêu của Thiên Chúa càng phong phú và đầy tràn hơn. 
Trong niềm tin đó, chúng ta có thể nói với nhau rằng: dù cho cuộc sống và thân phận có như thế nào, thì mỗi người chúng ta vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. Và chính vì được ở trong trái tim của Thiên Chúa cho nên con người mới có sức để lãnh hội mầu nhiệm Tình Yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải trong mầu nhiệm Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính và suy tôn hôm nay.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.
Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình. Bởi vì anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.
Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó là chúng ta, là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.
Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.
Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.
Thưa anh chị em,
Khi tôn vinh và thờ lậy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhớ rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một. Niềm tin và cách thức tôn sùng của chúng ta không dừng lại ở các nghi lễ. Chúng ta còn được mời gọi noi gương và sống Mầu Nhiệm mà chúng ta tuyên xưng; và để giống như Ba Ngôi, chúng ta sẽ hiệp nhất nên một như Ba Ngôi là một.
Nhưng thật đáng buồn, điều này không phải lúc nào cũng xẩy ra như lòng chúng ta mong ước khi tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ngay từ ngày đầu tiên, khi các cộng đoàn của các kẻ tin còn trong thời kỳ phôi thai, cụ thể tại Cô-rin-tô, anh em tín hữu tiên khởi đã phải đối diện và đương đầu với sự phân tán và chia rẽ. Thánh Phao-lô, trong những lời đầu tiên của lá thư gửi cho họ, đã khuyên dậy như sau, “Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau.” (1 Cor 1: 10)
Rồi đến đoạn kết thúc trong lá thư thứ hai của Ngài mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phao-lô đã bầy tỏ lòng ước ao của ngài dành cho các thành viên của cộng đoàn Cô-rin-tô là: hãy nên hoàn thiện, đồng tâm nhất trí và ăn ở hòa thuận với nhau. Sau đó, Thánh nhân, dù không trực tiếp truyền dậy cho chúng ta biết về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng Ngài đã gửi đến cho họ một nguyện ước về sự tác động của Ba Ngôi trong cuộc sống, đó chính là: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.”
Quả thật, đón nhận sự tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống thì quan trọng hơn là sự hiểu biết về mầu nhiệm đó.
Thưa anh chị em,
Cho đến hôm nay, tinh thần hiệp thông, sợi dây hiệp nhất của các công đoàn, từ gia đình đến xã hội, vẫn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân là vì con người còn sống ích kỷ, chia rẽ, thiếu tôn trọng, đối xử bất công với nhau, thiếu khoan dung trong cách cư xử, đối xử kỳ thị, bất công và bạo lực. Những gì đang xẩy ra xung quanh cái chết của George Floyd tại Minneapolis, vào ngày 25.05.2020 vừa qua nói lên tình hình thực tế của xã hội mà chúng ta đang sống. Một xã hội bị ảnh hưởng bởi lối sống kỳ thị, bạo lực, hành xử bất công và lối sống thiếu khoan dung mà chúng ta đang phải đối diện. Tất cả các điều đó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần mà Thiên Chúa Ba Ngôi truyền ban.
Con đường của Ba Ngôi là con đường đích thực để hiệp nhất. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi (ngôi vị, cá thể) người đồng nhất với người kia, trao thân cho nhau và duy trì sự tồn tại của nhau. Vì vậy, với Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ làm các việc như sau:
·        Chúng ta hãy đồng cảm với nhau, nhận ra con người chung, cố gắng tạo thành một mẫu số chung mà chúng ta có với người khác, sẵn sàng chia sẻ đau khổ với nhau, thông cảm, hiểu hoàn cảnh và các nỗi khó khăn của nhau.
·        Chúng ta hãy trao thân cho nhau trong công việc phục vụ, sẵn sàng san sẻ và vác những gánh nặng của nhau.
·        Chúng ta hãy nhìn nhận sự hiện diện của tha nhân, cùng nhau duy trì sự hiện diện đó trong các tổ chức hay cơ cấu của xã hội; để cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó quyền lợi và nhân vị của con người được đảm bảo và nhu cầu của con người được đáp ứng một cách công bằng.
·        Chúng ta hãy tha thứ cho các sai lầm của nhau và cùng nhau bước đi trên con đường xây dựng hòa bình.
·        Chúng ta hãy chia cho người khác những hồng ân mà chúng ta đã lĩnh nhận từ trong kho lẫm thật phong phú mà Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban.
·        Chúng ta hãy tôn trọng lối sống của nhau, nhận ra rằng mỗi cuộc sống của con người là một hành động phát sinh từ tình yêu, từ trong trái tim sáng tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi.
·        Và những điều tương tự giống như thế…
Tóm lại, trong Thiên Chúa, tinh yêu của chúng ta sẽ được khởi động lại bằng cách  mở ra, thông ban và chia sẻ cho nhau. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ để ra đi khỏi chính mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Hãy nhớ rằng tinh thần bè phái và phe nhóm thường xuyên có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng lan tràn và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người.
Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở và là sự sống của Thiên Chúa.
Sau cùng, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết chia sẻ tình yêu cho nhau và cho tha nhân. Amen.