Thursday, 4 June 2020

THIÊN CHÚA BA NGÔI: SỨC LAN TỎA CỦA TÌNH YÊU


Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao siêu trên hết vẫn là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Và một khi nói đến mầu nhiệm thì chúng ta hẳn nhiên phải đồng ý với nhau rằng, sức lực và trí óc của con người cho dù có thông minh và khôn ngoan đến đâu thì cũng không thể lĩnh hội và hiểu thấu một cách trọn vẹn về ý nghĩa của các mầu nhiệm. Chấp nhận trong niềm tin, cầu nguyện với tâm hồn khiêm tốn, phó thác với lòng cậy trông và nhất là sống yêu thương là các yếu tố giúp chúng ta có thể cảm nhận được phần nào về những bí nhiệm mà Thiên Chúa tỏ bầy.
Khi chiêm niệm và suy tư về Thiên Chúa, Thánh Gio-an tông đồ, người môn đệ mà Chúa yêu mến, đã xác tín và san sẻ cho chúng ta biết bản tính của Thiên Chúa, đó chính là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa. Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nếu Ngài không Yêu.
Và một khi đã nói đến Yêu thì chúng ta phải kể đến đối tượng của yêu thương. Tình Yêu mà Thiên Chúa trao ban là quà tặng cho thế gian, như Lời mà chúng ta vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, “quả vậy, Thiên Chúa ban Con của Người cho thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Gio-an 3: 17)
Hơn thế nữa, dựa vào truyền thống của Thánh Kinh, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không là một hữu thể đơn độc. Nếu như Thiên Chúa đơn độc một mình thì Người sẽ tự yêu mình. Nhưng Người là ba: Chúa Cha, Chúa Con và Thần Khí. Tuy ba ngôi vị, nhưng lại liên kết với nhau nên một trong tình yêu. Cả ba ngôi vị, hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau. Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Thần Khí của Thiên Chúa. Tình yêu mà Người ban tặng cho thế gian, cho chúng ta, trước tiên được luân chuyển và xuất phát từ Thiên Chúa. Sức luân chuyển này làm cho Tình Yêu của Thiên Chúa càng phong phú và đầy tràn hơn. 
Trong niềm tin đó, chúng ta có thể nói với nhau rằng: dù cho cuộc sống và thân phận có như thế nào, thì mỗi người chúng ta vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. Và chính vì được ở trong trái tim của Thiên Chúa cho nên con người mới có sức để lãnh hội mầu nhiệm Tình Yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải trong mầu nhiệm Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính và suy tôn hôm nay.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.
Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình. Bởi vì anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.
Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó là chúng ta, là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.
Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.
Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.
Thưa anh chị em,
Khi tôn vinh và thờ lậy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhớ rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một. Niềm tin và cách thức tôn sùng của chúng ta không dừng lại ở các nghi lễ. Chúng ta còn được mời gọi noi gương và sống Mầu Nhiệm mà chúng ta tuyên xưng; và để giống như Ba Ngôi, chúng ta sẽ hiệp nhất nên một như Ba Ngôi là một.
Nhưng thật đáng buồn, điều này không phải lúc nào cũng xẩy ra như lòng chúng ta mong ước khi tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ngay từ ngày đầu tiên, khi các cộng đoàn của các kẻ tin còn trong thời kỳ phôi thai, cụ thể tại Cô-rin-tô, anh em tín hữu tiên khởi đã phải đối diện và đương đầu với sự phân tán và chia rẽ. Thánh Phao-lô, trong những lời đầu tiên của lá thư gửi cho họ, đã khuyên dậy như sau, “Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau.” (1 Cor 1: 10)
Rồi đến đoạn kết thúc trong lá thư thứ hai của Ngài mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Phao-lô đã bầy tỏ lòng ước ao của ngài dành cho các thành viên của cộng đoàn Cô-rin-tô là: hãy nên hoàn thiện, đồng tâm nhất trí và ăn ở hòa thuận với nhau. Sau đó, Thánh nhân, dù không trực tiếp truyền dậy cho chúng ta biết về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng Ngài đã gửi đến cho họ một nguyện ước về sự tác động của Ba Ngôi trong cuộc sống, đó chính là: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.”
Quả thật, đón nhận sự tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống thì quan trọng hơn là sự hiểu biết về mầu nhiệm đó.
Thưa anh chị em,
Cho đến hôm nay, tinh thần hiệp thông, sợi dây hiệp nhất của các công đoàn, từ gia đình đến xã hội, vẫn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân là vì con người còn sống ích kỷ, chia rẽ, thiếu tôn trọng, đối xử bất công với nhau, thiếu khoan dung trong cách cư xử, đối xử kỳ thị, bất công và bạo lực. Những gì đang xẩy ra xung quanh cái chết của George Floyd tại Minneapolis, vào ngày 25.05.2020 vừa qua nói lên tình hình thực tế của xã hội mà chúng ta đang sống. Một xã hội bị ảnh hưởng bởi lối sống kỳ thị, bạo lực, hành xử bất công và lối sống thiếu khoan dung mà chúng ta đang phải đối diện. Tất cả các điều đó hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần mà Thiên Chúa Ba Ngôi truyền ban.
Con đường của Ba Ngôi là con đường đích thực để hiệp nhất. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi (ngôi vị, cá thể) người đồng nhất với người kia, trao thân cho nhau và duy trì sự tồn tại của nhau. Vì vậy, với Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ làm các việc như sau:
·        Chúng ta hãy đồng cảm với nhau, nhận ra con người chung, cố gắng tạo thành một mẫu số chung mà chúng ta có với người khác, sẵn sàng chia sẻ đau khổ với nhau, thông cảm, hiểu hoàn cảnh và các nỗi khó khăn của nhau.
·        Chúng ta hãy trao thân cho nhau trong công việc phục vụ, sẵn sàng san sẻ và vác những gánh nặng của nhau.
·        Chúng ta hãy nhìn nhận sự hiện diện của tha nhân, cùng nhau duy trì sự hiện diện đó trong các tổ chức hay cơ cấu của xã hội; để cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó quyền lợi và nhân vị của con người được đảm bảo và nhu cầu của con người được đáp ứng một cách công bằng.
·        Chúng ta hãy tha thứ cho các sai lầm của nhau và cùng nhau bước đi trên con đường xây dựng hòa bình.
·        Chúng ta hãy chia cho người khác những hồng ân mà chúng ta đã lĩnh nhận từ trong kho lẫm thật phong phú mà Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban.
·        Chúng ta hãy tôn trọng lối sống của nhau, nhận ra rằng mỗi cuộc sống của con người là một hành động phát sinh từ tình yêu, từ trong trái tim sáng tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi.
·        Và những điều tương tự giống như thế…
Tóm lại, trong Thiên Chúa, tinh yêu của chúng ta sẽ được khởi động lại bằng cách  mở ra, thông ban và chia sẻ cho nhau. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ để ra đi khỏi chính mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Hãy nhớ rằng tinh thần bè phái và phe nhóm thường xuyên có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng lan tràn và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ trong lòng mọi người.
Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở và là sự sống của Thiên Chúa.
Sau cùng, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết chia sẻ tình yêu cho nhau và cho tha nhân. Amen.

No comments:

Post a Comment