Thursday, 2 July 2020

CHÚA LÀ NGUỒN TRỢ LỰC, CÒN TA?



Trong khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã gặp phải sự chống đối của những người thông thái. Họ thuộc về hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo. Lẽ ra, với sự hiểu biết về đạo giáo sẽ giúp họ nhận ra chân tướng của Đức Giê-su, trái lại sự khôn ngoan và tài giỏi lại là trở ngại, thay vì đón nhận họ lại từ chối Người. Còn những người thấp cổ bé miệng, tâm tình đơn sơ, cuộc sống nghèo hèn có nhiều cơ hội để tiếp nhận sứ điệp mới. Vì thế, họ có thể đón nhận Lời giảng dậy của Người một cách dễ dàng hơn.

Khi những người thông thái, có ăn học từ chối đón nhận Chúa; thì chúng ta có thể nghĩ rằng những kẻ bé mọn sẽ có đặc quyền để tiếp nhận những mạc khải của Đức Giêsu về Thiên Chúa. Điều này xẩy ra không vì họ có lối sống tốt hơn những người kia. Nhưng vì họ chịu thua thiệt, bị chà đạp, bị bóc lột, bỏ rơi và coi thuờng nên đuợc Thiên Chúa chăm sóc và thương yêu cách riêng. Đó là điều đuợc ban - nhưng không, chứ không phải vì thân phận bé mọn hay nhân đức của họ. Tất cả đều xuất phát từ tình thuơng và lòng nhân ái của Thiên Chúa. Thật ra, Chúa làm chủ việc này: Người muốn tỏ bầy cho ai tùy theo ý định của Người, còn việc nhận biết Thiên Chúa là ai trong cuộc sống của mình là một hồng ân.

Đức Giêsu đã nhận ra tình trạng sống của họ. Họ bị những người lãnh đạo, thông luật bó những gánh nặng chất lên vai họ. Chính vì thế, phần kế tiếp trong trình thuật Tin Mừng là lời mời gọi của Chúa dành cho những ai đang vất vả mang gánh năng nề (nặng nề trong cuộc sống, nặng nề vì tuân giữ lề luật, nặng nề vì quá khứ tội lỗi… v.v);  Hãy đến với Người, học nơi Người, tôn Người làm Thầy; và Người sẽ bổ duỡng để họ đủ sức mà tiếp tục buớc theo Người.

 Như anh chị em đã biết, sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng không phải là điều dễ dàng. Học theo lối sống của Đức Giêsu rất khó khăn vì đó là cuộc sống từ bỏ, hy sinh. Và, chúng ta cũng không nên lầm tuởng là Người đến để phá hủy (gánh nặng của) lề luật; nhưng kiện tòan (Mt 5:18). Và điều trọng đại nhất mà Đức Giêsu muốn là Tình Yêu, Lòng Nhân Nghĩa.

Thưa anh chị em,

Trong những ngày vừa qua, số người bị nhiễm coronavirus đột nhiên tăng một cách đáng ngại tại một số vùng của Thành Phố Melbourne. Quả thật, đây là một gánh nặng cho những ai có trách nhiệm. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chỉ ban hành các lịnh cấm về sự di chuyển của những người dân trong vùng. Con người vẫn còn loay hoay tìm kiếm giải pháp thích nghi cho đến khi tìm được thuốc chủng thì may ra mới cảm thấy an tâm hơn. Dường như gánh nặng của đại dịch vẫn vượt quá sức của con người.

 Đứng trước một thực tế không mấy lạc quan như thế, chúng ta mới thấy ý nghĩa và sứ điệp mà Tin Mừng của Chúa Nhật này thật quan trọng. Lời mời gọi hãy đến với Chúa cho chúng ta một nguồn hy vọng, giúp chúng ta tin rằng Đức Giê-su đang ở với chúng ta, chia sẻ các nỗi đau khổ, hoạn nạn và lo âu của chúng ta. Người vỗ về, ấp ủ và cất đi những gánh nặng mà chúng ta đang phải gánh chịu theo cách thức của Người.

Vì thế, trong niềm tin đó chúng ta để cho Lời Chúa hôm nay thấm nhập và giúp chúng ta đủ sức đối diện với các khó khăn, hiên ngang vác những gánh nặng của cuộc sống mà tiếp tục cất buớc theo Chúa.

Tôi không quá lạc quan hoặc bi quan quá khi nhìn về cuộc đời. Ta có thể nói cuộc sống là chuỗi ngày vui buồn lẫn lộn. Không ai vui cả đời và không ai sầu muôn kiếp. Trong thi thi hành bổn phận đuợc trao phó, các tu sĩ và linh mục cũng gặp những gánh nặng không sao kể xiết! Trong cuộc sống gia đình, anh chị em đã trải qua trăm cay nghìn đắng ai nào thấu đuợc! Nhưng theo ý kiến thô thiển của tôi thì chính bản thân hay ‘cái tôi’ là gánh nặng đầu tiên và cuối cùng mà chúng ta cần đối diện.

Đau khổ, gánh nặng, niềm vui và nỗi buồn gắn liền với cuộc sống. Không ai tránh thoát và cũng không có ai đuợc sai đến để cất đi các nỗi cơ cực và nhọc nhằn trong cuộc sống của chúng ta. Cho những ai đang sống trong tình huống đó, Chúa mời: “Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Hãy đến cùng Chúa và học với Người. Người không dậy bằng lý thuyết, nhưng bằng những kinh nghiệm. Cuộc sống của Người là chứng từ hùng hồn về bài học hôm nay. Đức Giêsu, khi chấp nhận cuộc sống ở trần gian, Người cũng không có ngoại lệ. Người đã đối diện và thắng vuợt các gánh nặng: như gánh nặng của lề luật, gánh nặng của trách nhiệm, gánh nặng khi đối diện với những kẻ chống đối rồi giết Người, gánh năng để bảo vệ nhân phẩm và căn tính làm người của đàn chiên mà Thiên Chúa trao phó cho Người; và gánh nặng duy nhất là Người phải từ bỏ ý riêng mình mà vâng phục ý định của Cha. Người đã sống như một trẻ nhỏ, hoàn toàn lệ thuộc vào Cha. Và, với thân phận bé mọn của một trẻ thơ, Người đã đón nhận Mạc Khải của Cha một cách thật trọn vẹn; và sẵn sàng chia sẻ bí nhiệm đó cho những ai bé mọn. (Mt 11:25)

Hơn nữa, Chúa đã không hứa sẽ cất đi tòan bộ gánh nặng trong cuộc đời của chúng ta. Chính vì thế, cho dù vất vả với cuộc sống, cần tuân giữ các khỏan luật…Nhưng chúng ta không mang gánh nặng một mình. Con đuờng chúng ta đuợc mời gọi buớc đi là con đuờng của Chúa. Chúa đã đi truớc. Hôm nay, Chúa mời chúng ta: Hãy đến với Chúa, ngồi nghỉ duới chân Người, lắng nghe và kể cho Người nghe về cuộc đời mình. Hãy mời Chúa đến không như một vị khách quí mà thôi; nhưng còn là người tình để cùng dùng bữa với nhau. (Kh 3:20) Người sẽ thật vui mừng đến chia vui, sẻ buồn với chúng ta như đã chia sẻ với Maria, và đó là phần tốt nhất mà Maria đã chọn (Lc 10:42). Trong tinh thần đó, thì gánh nặng không còn. Trong Tình Yêu tất cả đều nhẹ nhàng.

Và với khí cụ ‘hiền lành và khiêm nhường’ Người đã hoàn thành chuơng trình mà Cha muốn Người thi hành. Hiền lành và khiêm nhường không chỉ là các nhân đức cho bằng đó là cách sống của Chúa.

Hiền lành để mời gọi mọi người và khiêm nhường để uy quyền cuả Thiên Chúa đuợc tỏ hiện; như lời của Thánh Phaolô “Đức Giê-su Ki-tô… đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người.”(Phi-lip-phê 2:6-9)

Tóm lại, Tin mừng của Chúa hôm nay là lời mời gọi không chỉ dành cho những ai đang vất vả lầm than mà thôi; nhưng đó là lời mời gọi dành cho tất cả chúng ta: Hãy đến với Nguời, hãy học nơi Người; bởi Người muốn tham dự, đồng hành và chia sẻ với cuộc đời chúng ta. Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ là nơi để chúng ta đuợc bổ sức. Nhưng còn muốn cùng chúng ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa như Lời đã phán hãy mang lấy ách của Chúa.

Thật vậy, Đức Giê-su không mời gọi chúng ta đi theo Người để có cuộc sống thoải mái và không còn đau khổ nữa. Trái lại, theo Chúa là chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, liều lĩnh đối diện với mọi hiểm nguy với đầy thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Con đường và cuộc sống mà Chúa dọn cho chúng ta bước vào là một cuộc sống mà trong đó con người đối xử với nhau một cách thật nhân từ và khiêm cung để phục vụ nhau. Tuy nhiên, ai được mời gọi đi vào nếp sống như thế đều cảm nhận được sự thanh nhàn khi phục vụ; không ai làm nô lệ ai. Tất cả mọi người đều là anh em của nhau. Vì là anh em cho nên họ cũng được kêu gọi để làm người phục vụ nhau như gương của Chúa, Đấng đã đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả và khó khăn như thế? Chỉ có một giải pháp là đến cùng Chúa, học nơi Người, rồi Người sẽ bổ sức và ban sức mạnh cho chúng ta, qua đó chúng ta sẽ trở thành nguồn trợ lực và bổ sức cho nhau. Amen!


No comments:

Post a Comment