Wednesday, 25 August 2021

HÃY CHỌN: LỀ LUẬT HAY TRÁI TIM?


Anh chị em thân mến,

Vào thời Chúa Giê-su, dân Do Thái, ngoài việc tuân giữ các huấn lịnh của Thiên Chúa ban cho qua Mai-sen và các tiên tri, họ còn tuân giữ các qui định của cha ông truyền lại và coi đó như là những khoản luật của Thiên Chúa. Các qui định được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và được coi như là các tập tục của tiền nhân. Đây là những kiểu mẫu sống hơn là luật lệ. Sau một thời gian dài áp dụng, dân Do Thái bằng lòng với những qui định này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp. Người ta xếp chúng vào loại truyền khẩu và được gọi là “truyền thống của tiền nhân”.

Việc tuân giữ các lịnh truyền và những qui định của tiền nhân tuy tốt đẹp nhưng khi áp dụng, họ lại quá chú trọng đến những nghi thức bên ngoài và sinh ra kiêu hãnh về các việc làm đó. Từ đó ý nghĩa tôn giáo của các việc làm bị mất dần đi. Họ cho rằng việc thực hành và tuân giữ những qui định này được xem là các việc đạo đức, là hành vi của những người biết phụng sự Chúa. Họ đã quên rằng sự thánh thiện phải được xuất phát từ Thiên Chúa chứ không lệ thuộc các việc làm của chúng ta.

            Một cách cụ thể, chúng ta xem qua tập tục rửa tay trước khi dùng bữa được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước tiên, đó là các khoản luật dành cho hàng ngũ tư tế. Mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi bước vào nơi cực thánh trong đền thờ. Mục đích của việc làm này này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng cử hành nghi lễ thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.

Khi Đức Giê-su chỉ trích một số người thuộc nhóm Pha-ri-siêu về điểm vụ hình thức này, Người đã dựa vào truyền thống của các ngôn sứ bằng cách nhắc lại điều cảnh báo mà ngôn sứ I-sa-ia đã công bố: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

Đối với Đức Giê-su tất cả mọi sự đều phải được xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim bằng không tất cả chỉ là các hình thức đạo đức không có chiều sâu, thậm chí có thể coi là hình thức của những người đạo đức giả. Theo Người, mọi sự thay đổi phải đuợc bắt nguồn từ trong tâm hồn thì mới có hiệu quả lâu dài. Tương tự như thế, các việc làm đuợc gọi là thánh thiện đều không lệ thuộc vào các hành vi bên ngoài, nhưng phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Như vậy, ở đây, Đức Giê-su đã giúp chúng ta có một cái nhìn khác về sự thánh thiện. Chỉ có Thiên Chúa duy nhất là Đấng Thánh, và không một tạo vật nào đuợc gọi là thánh nếu không có quan hệ với Ngài. Con người chỉ đuợc nên thánh qua việc tiếp xúc, tương giao, gặp gỡ và nối kết với Thiên Chúa. Chỉ có trong Ngài và với Ngài, con người mới đạt đến sự thánh thiện mà thôi.

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su chúng ta nhận thấy Người chính là mẫu mực của mối tương giao, nối kết mật thiết của Cha và Con. Một sự hiệp nhất nên một. Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Vì thế, bản chất thánh thiện nơi con người Đức Giê-su phát sinh từ Thiên Chúa, không lệ thuộc vào nghi thức bên ngoài như những người Pha-ri-siêu lầm tưởng. Do đó, Đức Giê-su không bao giờ bị ô uế khi đụng chạm vào những người, mà lề luật đã xếp họ vào lớp người ‘ô uế, tội lỗi’. Trái lại, họ lại được thay đổi từ sự thánh thiện cuả Thiên Chúa thoát ra từ con người của Đức Giê-su. Qua việc tiếp xúc này, nhân phẩm họ đuợc phục hồi và con người họ được tái tạo nên một con người mới trong Chúa. Sự thánh thiện của con người không hệ luỵ bởi việc làm của chúng ta cho bằng đó là việc nối dài bản chất thánh của Thiên Chúa nơi mình, qua Đức Giê-su.

Vì vậy, trong phần kết luận của trình thuật hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc làm của trái tim. Sự thánh thiện của con người phát xuất từ trái tim của người đó, chứ không lệ thuộc vào những lề thói hay cách cư xử hình thức bên ngoài của họ. Trái tim là nơi để con người có thể tiếp xúc một cách sâu thẳm với Thiên Chúa. Đó chính là cung lòng để Thiên Chúa ngự trị.

Đừng đánh giá nhau qua dáng vẻ bên ngoài nhưng hãy trao cho nhau tấm lòng, ban cho nhau quả tim yêu thương, nhân hậu và biết rung động trước các nhu cầu của nhau. Muốn đạt được điều này, tất cả chúng ta cần xây dựng và duy trì mối tương giao với Đức Giê-su mỗi ngày mỗi bền chặt và gắn bó hơn. Bởi vì, chỉ ở trong trái tim yêu thương của Đức Giê-su chúng ta mới tìm ra mẫu mực cho mọi tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Chính tại nơi đó sẽ phát sinh ra những hành động được phát xuất bởi Tình Yêu, như Lời Chúa đã phán: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” Amen!

Tuesday, 17 August 2021

THẬT VÔ DỤNG, BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI!


Anh chị em thân mến,

Thực tế trong cuộc sống là một bằng chứng hùng hồn giúp chúng ta nhận ra vị trí của chính mình. Tôi còn nhớ một hiện tượng, một thói quen mà người ‘có đạo’ hay thực hiện tại trại tỵ nạn Ga-lăng năm nào. Mỗi khi có tầu thuận buồm xuôi gió, từ Việt Nam bình an đến đảo thì thùng tiền xin tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đầy hơn. Rồi mỗi khi có phái đoàn đến phỏng vấn nhận người định cư thì thùng tiền xin khấn tăng vọt, cho đến khi phái đoàn ra về thì lại đến thùng tạ ơn làm ăn khấm khá hơn. Cứ xin khấn rồi lại tạ ơn, tạ ơn xong rồi lại xin tiếp. Lối sống đạo theo vòng xin xỏ rồi lại tạ ơn cứ thế tiếp tục xoay.

Điều này nói lên mối tương quan giữa mình và Chúa. Có những lúc chúng ta xác tín về việc theo Chúa của mình, nhất là khi gặp được nhiều thuận lợi trong cuộc sống. Tuy nhiên, lại có nhiều khoảnh khắc, nhất là khi phải đối diện với các thử thách vượt qua sức đón nhận khiến chúng ta cảm thấy chán nản, thậm chí có những người lâm vào tình trạng tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc.

Vì thế, phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay, đặc biệt nội dung của trình thuật Tin Mừng giúp cho chúng ta có cơ hội để xét mình và nhận ra chúng ta có phải là các tín hữu thực thụ theo yêu cầu của Đức Giê-su hay vẫn chỉ là tín hữu có tiếng mà không có miếng; có nghĩa là cụm từ tín hữu chỉ là bảng hiệu, còn đời sống chúng ta còn xa với những giá trị của Tin Mừng mà người tín hữu chân chính cần đem lại trong cuộc sống!

Trình thuật Tin Mừng hôm nay là cao điểm của một cuộc đối kháng mang tính quyết liệt giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến dấu lạ hoá bánh ra nhiều và đuợc nghe lời giải thích của Người về việc làm đó. Tuy nhiên, Người càng cố gắng làm sáng tỏ sứ điệp bao nhiêu thì lại nhận được sự chống đối không thiếu phần dứt khoát của một nhóm môn đệ bấy nhiêu. Kết quả là có rất nhiều môn đệ đã rút lui và không tiếp tục đi theo Người nữa.

Còn nhóm muời hai, tuy còn ở lại nhưng các ông vẫn chưa toàn tâm, toàn lực theo Người. Cụ thể, tại vườn cây dầu và trong hành trình Thương Khó sau này, Phê-rô là người đầu tiên đã chối Chúa. Như vậy, chúng ta thấy tuy cách chọn lựa của nhóm muời hai có phần khá hơn các môn đệ kia, nhưng điều mà Phê-rô đại diện cho nhóm mười hai tuyên cáo hôm nay “bỏ Thầy, chúng con biết theo ai” cũng chỉ là những lời nói suông, dựa trên môi miệng. Vẫn biết là như thế, nhưng đặc tính không tháo lui, tiếp tục dấn buớc bằng tất cả nỗ lực và khả năng của mình khiến cho nhóm muời hai gần với chúng ta hơn.

Thật vậy, việc chúng ta đến với Chúa, đi theo Chúa trước tiên không phát xuất từ mình. Đó là lời mời gọi, hành động lôi kéo từ Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta có thể đến để nối kết, gặp gỡ rồi tin vào Đức Giê-su nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy. Lời mời gọi, hành động lôi kéo đã xuất phát từ Thiên Chúa, bổn phận của chúng ta là thả lỏng, không gồng lên để cuỡng lại và sẵn sàng tự nguyện và buông quyền kiểm soát bản thân của chúng ta để theo Chúa. Đây là một sự chọn lựa khôn ngoan của người tín hữu khi họ nhận ra tất cả những gì mình có đều là hồng ân của Chúa, bổn phận còn lại là thi hành việc làm của chủ mình.

Nói thì dễ nhưng thực hành thật khó!

Làm thế nào chúng ta vẫn giữ được tâm hồn thanh thản, không tự mãn trước các việc làm đạo đức của mình. Hình ảnh người biệt phái tự mãn hiên ngang đứng trên bục bàn thờ, rồi mang công trạng ra để khoe trước mặt Chúa. Cuối cùng ra về tay không. Thái độ tự mãn dựa vào công trạng của ông khiến chúng ta nhận ra rằng các việc lành phúc đức đôi khi có thể là những vật cản để mình nhận ra tất cả chỉ là ân huệ của Thiên Chúa muốn qua mình trao ban cho người khác mà thôi. Và nếu là như vậy thì có gì mà khoe khoang.

Còn thái độ của người thu thuế, khúm núm đứng tự đàng xa, sau những hàng ghế cuối của đền thờ; ông đấm ngực nhận mình là kẻ tội lỗi rồi ca tụng những kỳ công mà Chúa thực hiện trong ông là hình ảnh của một kẻ tin biết trao quyền làm chủ những việc mà mình đã làm được vào tay của Thiên Chúa. Ông ra về và trở thành người công chính vì niềm tin và thái độ khiêm cung của ông. Cách ứng xử khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa, trước tha nhân và trước cả lòng mình của ông giúp chúng ta nhận ra mình chỉ là đầy tớ bình thường, thậm chí còn vô dụng của Thiên Chúa. Tất cả luôn là hồng ân, là cơ hội giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì mà chúng ta làm được hoàn toàn phát sinh từ nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, Đấng làm chủ chương trình và đời sống của mỗi người chúng ta.

Như vậy, buông lỏng sức mạnh kềm chế bản thân mình là buớc tiên quyết để bộc lộ và trao phó lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về mình. Đây chính là thái độ niềm tin của người tín hữu. Tuy nhiên chính Chúa Cha mới là đấng che chở, bảo vệ và lôi kéo chúng ta đến để đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su, Con của Ngài.

Thưa anh chị em,

Để có thể tuyên xưng lòng tin nơi Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến trở thành sự sống đời đời cho mọi người như lời Người phán dậy: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” đòi hỏi chúng ta bước ra khỏi mình, dấn thân vào trong cuộc sống, trở thành của ăn mà Đức Kitô muốn chúng ta san sẻ cho người khác.

Niềm tin của người môn đệ không chỉ được nuôi duỡng bởi các bí tích, nhưng được dưỡng nuôi bởi Người làm nên các bí tích đó. Tất cả các nhiệm tích của Hội Thánh đều dẫn chúng ta về với nguồn của bí tích là Đức Giê-su, Nguồn mọi ân phúc và là Tin Vui cho các kẻ tin. Nói khác đi, để sống đúng chân tướng của người tin vào Đức Giê-su, thì việc cử hành và lĩnh nhận các bí tích chưa đủ, nhưng truớc hết chúng ta phải trung thành với Con Người của Đức Giê-su Kitô và sống tình huynh đệ với người khác.

Vậy, việc đòi buộc các môn đệ trung tín với Đức Giê-su lệ thuộc vào việc chuyên cần nghe lời giáo huấn của Người, có nghĩa là Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” đồng nghĩa với việc tin vào Đức Giê-su là Đấng nuôi sống chúng ta. Hơn thế nữa, các môn đệ còn đòi buộc buớc theo Người, đi con đuờng Người đã đi và tin rằng đó cũng là con đuờng dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.

Thật vậy, chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn động lực giúp chúng ta sống rồi có thể đến với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa truớc. Đến với Chúa, gặp gỡ Chúa rồi tin vào Người là một hành động của người có đức tin.

Tin rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc siêng năng đón nhận Mình Máu Thánh Chúa không chỉ là việc làm cho mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa, nên một với Chúa. Có nghĩa là khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể là lúc chúng ta cũng chịu lấy thần khí và sự sống của Người; đó cũng là thời khắc để Chúa trở thành sự sống và thần khí của đời ta. Và như thế, cuộc sống của chúng ta trở thành hiến lễ. Hiến lễ cũng trở thành cuộc sống. Hiến lễ và cuộc sống là một trong Đức Giê-su thế nào thì đối với chúng ta cũng như vậy. Chúng ta không thể tách cuộc sống của người môn đệ ra khỏi hành vi hiến tế của Chúa được. Đây là một cuộc gặp gỡ thật trọn vẹn nói lên sự hiện diện đích thật của Đức Kitô với Hội Thánh của Người để ban sự sống cho nhân loại.

Như vậy, nếu không có Đức Giê-su thì cuộc gặp gỡ, mối dây hiệp thông dù mang tính hy tế cũng chỉ là các nghi thức. Và nếu chỉ là các nghi thức thì còn có ích gì! Có Đức Giê-su là có sự sống, và nếu bỏ Đức Giê-su, Thầy yêu dấu ra thì cuộc sống của chúng ta còn có ý nghĩa gì; lúc đó chúng ta còn biết đi theo ai nữa đây! Chỉ có Đức Giê-su Ki-tô vừa là Tin Vui vừa là Đấng trao ban sự sống cho chúng ta mà thôi. Đó là mầu nhiệm của niềm tin.

Chúng ta hãy hân hoan tuyên xưng niềm tin ấy trong Chúa Giê-su Thánh Thể, Đấng là Bánh trường sinh nuôi dưỡng muôn người qua muôn thế hệ. Amen!

Wednesday, 11 August 2021

HƯỚNG VỀ TRỜI VỚI MẸ, VẪN KHÔNG QUÊN SỨ VỤ.

 

Trong khi mừng lễ Mẹ Lên Trời hôm nay, cùng với tòan thể Hội Thánh, lòng chúng ta mừng rỡ hân hoan. Vì, như một xác phàm với tất cả yếu đuối của bản thân, Mẹ đã chấp nhận để cho Thiên Chúa làm các việc thật diệu kỳ đến nỗi Mẹ không còn vuơng vấn một chút tục lụy nào của thế gian, để được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Một hồng ân cao quí mà Mẹ chúng ta đã nhận được, và chúng ta là những người con của Ngài cũng hy vọng được về trời với Mẹ.

Vi thế, cho dù tin chắc rằng Mẹ Lên Trời như một bảo đảm cho việc sống lại vinh hiển của chúng ta sau này; nhưng ngay trong thời điểm này và giống như các Thánh Tông đồ trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cũng đuợc mời gọi trở về với cuộc sống hằng ngày, đối diện với những biến động bởi đại dịch do các biến thể Covid-19 gây ra, bằng một con tim mới, con tim biết rung động trước nhu cầu của người khác, con tim rộng mở để yêu thuong và đón nhận, con tim đã nếm huởng hạnh phúc vĩnh cửu để thực hiện sứ mạng “…làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28: 19-20)

Vì thế, chúng ta hân hoan mừng Lễ Mẹ lên trời, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ được trao ban. Đó không chỉ là chủ đề của bài suy niệm hôm nay, nhưng còn là tiêu chuẩn trong cuộc sống dấn thân của chúng ta nữa.

Anh chị em thân mến,

Trước tiên, xin gửi đến anh chị em một kinh nghiệm. Đó là trong thời gian làm việc tại Keysborough, vào mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần, tôi và một số anh chị em trong hội Legio đã đến các nhà duờng lão để thăm các cụ đang đuợc chăm sóc tại các nơi đó. Đây là một trong những công tác mà tôi ưa thích nhất. Ngòai những câu chào hỏi, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện và kết thúc là việc trao Mình Thánh Chúa cho họ. Đây là giây phút cảm động nhất mà tôi ghi nhận đuợc.

Như anh chị em đều biết, những người được nhận vào các trung tâm hưu dưỡng  thuờng là các cụ lớn tuổi, con cái không có đủ điều kiện và phuơng tiện để phụng duỡng tại nhà; một số khác bị bịnh mất ký ức (dementia); số khác bị tai biến mạch máu não làm cho bộ óc, giọng nói hay việc đi lại của họ bị ảnh huởng. Tuy hòan cảnh về thể lý bị suy giảm; nhưng mỗi khi các cụ chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa, mắt họ liền sáng rực, chăm chú theo dõi các lời kinh nguyện và đón nhận Chúa vào trong tâm hồn bằng một cử chỉ thật cung kính và tôn nghiêm.

Dường như các cụ đã cảm nghiệm và tin rằng những điều Đức Giêsu nói trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 20 hôm nay đã trở thành hiện thực trong cuộc sống niềm tin của họ. Và đây là Lời Chúa phán: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Tin vào sức mạnh của Lời Chúa, các cụ đã không còn đặt vấn đề làm sao Chúa có thể cho chúng ta ăn thịt của Người nữa, mà đây chính là của ăn, là sự sống đích thật nuôi dưỡng các cụ.

Kính thưa anh chị em,

Những lần viếng thăm và chứng kiến sự tác động của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống của các cụ mà tôi vừa chia sẻ nói trên giúp tôi nhớ lại cuộc viếng thăm của Mẹ dành cho người chị họ mình: bà Y-sa-ve mà chúng ta vừa nghe trong bài Phúc Âm mừng Lễ Mẹ về trời hôm nay.

Đây không phải là sự trao đổi lịch sự giữa hai người phụ nữ có họ hàng với nhau. Nhưng qua đó, các Ngài đã bộc lộ cho chúng ta biết cuộc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho họ truớc. Thiên Chúa đến trong lòng Mẹ như một nhà tạm sống đông, cưu mang hài nhi Giêsu. Mẹ đã không giữ niềm vui cho riêng mình, vội vã lên đường giới thiệu Đức Giê-su và chia sẻ niềm hạnh phúc này với nguời chị họ mình: bà Y-sa-ve.

Và diệu kỳ làm sao! Vừa gặp Mẹ, bà Y-sa-ve đã nhận ra sự vĩ đại của ơn gọi mà Mẹ vừa được trao ban nên đã thốt lên rằng: “Em được chúc  phúc hơn mọi người nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Nhưng phần Mẹ lại khác, với tấm lòng khiêm tốn Mẹ đã không chấp nhận lời ca ngợi của Y-sa-ve dành cho mình. Trái lại, Mẹ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã họat động và thực hiện những việc diệu kỳ trong cung lòng Mẹ. Mẹ biết rằng tất cả những gì Mẹ có được như hôm nay, hòan tòan phát sinh từ Lòng Thuơng Xót của Thiên Chúa.

Đây chính là bài học thứ nhất của Mẹ.

Mỗi khi hiện diện truớc tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ và nhận ra sự nghèo hàn của mình; và tất cả những gì có đuợc hòan tòan là do kỳ công của Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria vậy. Và từ đó, chúng ta sẽ nhìn thấy mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta! Và, nếu là như thế thì chúng ta còn có gì để tự hào, để vinh vang và cũng chẳng có gì để hãnh diện trong lúc tiếp cận và gặp gỡ nhau. Tất cả đều là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng muốn dùng chúng ta để trao ban cho người khác.

Và bài học thứ hai mà Đức Mẹ dạy chúng ta hôm nay là thái độ của Mẹ trước mặt Thiên Chúa. Tiêu chuẩn và cách thức sống của Mẹ hòan tòan trái ngược với tiêu chuẩn và lối sống của thế gian.

Xã hội, môi trường mà chúng ta đang sống dựa trên một hệ thống, trong đó đề cao giá trị về sự xuất sắc của cá nhân. Hơn nữa, người mạnh được tôn trọng, người giàu được ngưỡng mộ, người nghèo và người yếu đuối bị coi thuờng. Thế giới chúng ta đang sống dựa trên thành quả và khả năng. Trong khí đó, qua lời hứa, Mẹ đã giới thiệu một cách sống mới, cách cư xử hòan toàn trái ngược với các tiêu chuẩn của xã hội đề ra.

Lời của Mẹ là một cuộc cách mạng:

Kho Tàng và báu vật của cuộc sống chúng ta không phụ thuộc vào sự giàu có. Tiền tài, thế lực, uy quyền, địa vị không phải là mục đích tối hậu của cuộc sống. Nhưng nó là một phần thật nhỏ bé trong các quà tặng mà Thiên Chúa ban cho. Các điều đó cũng chỉ là một phần không đáng kể nếu so với các mối quan hệ dựa trên tình yêu trong cuộc sống; và chỉ có trong các mối quan hệ đó, chúng ta mới tìm đuợc một kho báu quí giá và bền vững nhất; hòan tòan không dựa vào thế lực, uy quyền và sức mạnh.

Vì thế, qua thái độ và lối sống, Mẹ đã dậy chúng ta biết rằng: Chỉ có con đuờng khiêm tốn và thừa nhận rằng tất cả những gì chúng ta có, đang có và sẽ có… tất cả đã đến, đang đến và sẽ đến… là những món quà quý báu của Thiên Chúa, không phải cho chính mình; nhưng phát sinh từ lòng quảng đại của Thiên Chúa cho tha nhân.

Vì vậy, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì món quà nơi bản thân của mỗi người; và tiếp tục dâng lời cầu nguyện, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria để chúng ta mãi mãi đến với nhau, kết nối, giao tiếp, an ủi và chia sẻ cuộc sống cho nhau mà làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện. Và có như thế, chúng ta mới xứng đáng chia sẻ phần phúc của người tín hữu như một quà tặng của Thiên Chúa khi đến viếng thăm dân của Người như Mẹ thể hiện hôm nay, và sau cùng chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Mẹ trên cõi trời vinh phúc đến muôn đời. Amen

 

Thursday, 5 August 2021

BÁNH HẰNG SỐNG và MẸ MACKILLOP

 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 19 thường niên năm B hôm nay, chúng ta tiếp tục lắng nghe, đón nhận và đào sâu về diễn từ bánh hằng sống của Đức Giê-su. Người chính là bánh trường sinh, bánh hằng sống từ trời xuống nuôi duỡng và ban thêm sức mạnh cho chúng ta đủ sức đến và cùng dắt tay nhau đi về nhà Cha. Trong niềm tin đó, giờ đây, xin mời anh chị em cùng đọc thật chậm phần thứ nhất của diễn từ và để cho lòng mình lắng đọng ở một số từ ngữ quan trọng và sống động mà Đức Giê-su đã dùng.

Đức Giê-su nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ĂN bánh này sẽ đuợc sống muôn đời; Chúa nói tiếp ‘bánh tôi sẽ ban tặng, chính là THỊT tôi đây, để cho thế gian được sống.’ Trước thái độ hoài nghi, vịn vào lý lẽ rồi từ khước đón nhận Đức Giê-su của người Do Thái, Đức Giê-su tiếp tục nói không ai có thể đến với Người trừ phi Chúa Cha là Đấng đã SAI Người, không LÔI KÉO kẻ ấy, và Đức Giê-su sẽ cho người ấy SỐNG LẠI trong ngày sau hết.

Ở đây, Đức Giê-su đã nói cho chúng ta một điều thật quan trọng. Việc chúng ta có thể đến được với Chúa có thể phát sinh từ niềm tin trong việc đáp trả lời mời gọi của Người; nhưng thật ra đó chỉ là điều thứ yếu. Thiên Chúa đã đi bước trước, đã hoạt động bằng cách ‘lôi kéo’ chúng ta đến với Ngài. Thiên Chúa luôn làm chủ công trình của Ngài là lôi kéo chúng ta về với nguồn ơn cứu độ đã xuất hiện nơi con người Đức Giê-su là Đấng được SAI đến từ Thiên Chúa.

Tìm đến với Đức Giê-su là tìm gặp được Thiên Chúa. Đến với Chúa có nghĩa là đón nhận con người của Chúa. Thân thể Đức Ki-tô trở nên của ăn, Máu Người trở nên của uống nuôi sống chúng ta như Lời Chúa nói: “Ai đến với Người sẽ không hề đói. Ai tin vào Người sẽ không hề khát bao giờ”.

Đức Giê-su, hôm nay, cho chúng ta thấy Người là của ăn nuôi dưỡng và ai ăn bánh này sẽ được Chúa cho sống lại trong ngày sau hết. Ngày sau hết không phải là ngày trên quê trời; nhưng được bắt đầu trong mọi thời khắc của cuộc sống mình. Thời điểm nào cũng có thể là giờ phút sau hết của chúng ta. Vì thế, đến với Đức Giê-su như là của ăn đích thật ngay trong giây phút hiện tại là một bảo đảm cho chúng ta đuợc sống lại trong ngày sau hết.

Hơn thế nữa, qua cách suy niệm về công việc của Cha và Con đã làm, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không hoạt động một mình, Ngài cũng không dùng quyền năng từ xa để hướng dẫn hay điều khiển chúng ta. Ngài liên hệ mật thiết với sinh hoạt của dân riêng Ngài nói chung và đến với mỗi người chúng ta nói riêng. Các cử chỉ của Thiên Chúa như ‘lôi keó’, ‘dẫn dắt’, ‘nuôi ăn’, ‘làm cho sống lại’ diễn tả một Thiên Chúa làm việc thật sống động trong đời sống của các tín hữu. Ngài bận rộn trong việc thiết lập và xây dựng mối quan hệ với từng cá nhân nói riêng và cộng đồng dân Chúa nói chung.

Như vậy, nếu chúng ta sẵn lòng để Chúa đi vào trong mọi sinh hoạt của cuộc sống là lúc Chúa hoạt động trong và với chúng ta. Có nghĩa là để Thiên Chúa lôi kéo. Dưạ trên kinh nghiệm trong cuộc sống, khi chấp nhận cho kẻ khác lôi kéo là lúc chúng ta phải thả lỏng cơ thể. Không ai, một mặt chấp nhận cho người khác lôi kéo, mặt khác lại gồng nên để kháng cự. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này vẫn còn.

Vì thế, cử chỉ mà chúng ta nên làm là mở lòng ra để đón nhận quyền dẫn dắt của Thiên Chúa. Có nghĩa là, chúng ta chấp nhận từ bỏ quyền làm chủ bản thân và cuộc sống mình cũng như tha nhân rồi để Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa thật, Đấng ban sự sống và nuôi dưỡng chúng ta, như Lời Người phán dậy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Anh chị em thân mến,

Sứ điệp của Đức Giê-su trong phần một của bài diễn từ mà chúng ta vừa suy niệm đã ăn sâu vào trong cuộc sống kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể và đời dâng hiến của Thánh Nữ Mary MacKillop, còn được gọi là Mary Thánh Giá mà Giáo Hội Công Giáo Úc mừng lễ hôm nay. Thánh nữ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1842 tại thành phố Melbourne, từ trần ngày 8 tháng 8 năm 1909 tại North Sydney, hưởng thọ 67 tuổi.

Trong cuộc sống, vào năm 14 tuổi, Mary MacKillop đã để cho Thiên Chúa lôi keó, dẫn dắt mẹ nhận ra ý Chúa qua các công việc thường nhật. Mẹ không nhận được các thị kiến hay mạc khải cao siêu. Từ công việc của một quản gia cho dì chú Cameron tại Penola, Nam Úc, Mary MacKillop còn đảm nhiệm thêm công việc chăm sóc con cái của họ và dạy dỗ chúng. Trong thời gian làm công việc đó, Mary MacKillop đã bị quặn lòng trước cảnh các trẻ em nghèo bị bỏ rơi, không được dậy bảo. Mẹ quyết tâm giúp đỡ chúng và đã đưa những đứa trẻ nghèo trong vùng vào sự chăm sóc của mẹ. Đó là khởi điểm của một hành trình tìm kiếm và thực hiện ý Chúa. Ngay tại thời điểm này, Thiên Chúa đã gửi đến cho mẹ những người bạn đồng hành cùng với mẹ mở mang thêm nhiều trường lớp cho các trẻ em nghèo bị bỏ rơi.

Đến năm 1866, theo tục lệ, những người dâng mình cho Chúa được trao hay tự chọn cho mình một tên mới, mẹ đã chọn là Mary Thánh Giá. Quả thật là diệu kỳ, chính con đường Thánh Giá của Đức Giê-su đã ứng nghiệm trong cuộc đời phục vụ của mẹ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng, như đích điểm của con đường Thánh Giá mà Đức Giê-su đã đi qua, Mary MacKillop đã bị Giáo quyền sở tại ra án lịnh vạ tuyệt thông vì đã không vâng lời.

Với biến cố này và cho dù dòng do mẹ Mary MacKillop sáng lập, Josephite không bị giải tán, nhưng hầu hết các trường học do các nữ tu của nhà dòng chăm sóc đã bị đóng cửa. Mary bị cô lập và cấm mẹ tiếp xúc với cộng đoàn. Trong hoàn cảnh bị đối xử bất công như thế, Mary MacKillop vẫn không mất niềm hy vọng vào Chúa. Mẹ đến sống với một gia đình Do Thái và được các linh mục Dòng Tên che chở. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn đã xẩy ra qua biến cố này, đó là một số nữ tu của dòng đã chọn ở lại dưới quyền chỉ đạo của giáo phận và sau này họ được nhiều người biết đến với cái tên "Black Joeys – Josephite áo đen".

Biến cố đau thương này đã xẩy đến cho mẹ Thánh MacKillop vào khoảng tháng 9 năm 1971. Và vào tháng 2 năm 1872, Linh mục tổng đại diện Giáo quyền sở tại đương thời, Cha Horan đã thừa lịnh Đức Giám Mục hủy bỏ án vạ tuyệt thông và mẹ MacKillop đã hoàn toàn được minh oan.

Nhìn lại quãng thời gian này và những gì mà mẹ Mary MacKillop đã đón nhận, chúng ta nhận ra bàn tay của Thiên Chúa đã dưỡng nuôi và phục hồi sự sống cho mẹ. Quả thật đúng như những điều mà Chúa phán dậy hôm nay. Thiên Chúa là của ăn nuôi sống niềm tin cho mẹ luôn tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả những lúc mẹ và nhà dòng bị đối xử bất công. Chúa vẫn hiện diện và giúp mẹ vượt qua.

Tóm lại, qua kinh nghiệm của chính bản thân, mẹ Mary MacKillop đã tìm thấy Chúa Kitô đau khổ nơi những người nghèo khổ, cơ cực và bị bỏ rơi. Vì thế,

Giống như mẹ MacKillop, chúng ta được kêu gọi ra đi để phục vụ người nghèo, những con người bị bỏ rơi, bị ngược đãi và cuộc sống tràn đầy gian nan.

Giống như mẹ MacKillop, chúng ta được mời gọi nhìn nhận những thử thách và khó khăn trong cuộc sống của chúng ta là những hồng ân.

Giống như mẹ MacKillop, chúng ta được mời gọi chấp nhận gian khổ để tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cần xác tín, đó là việc phục vụ người nghèo là một món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua việc cử hành hy tế tạ ơn trong các Thánh Lễ. Chính tại nơi đó, chúng ta được lội kéo đến với nhau, chúng ta được nuôi dưỡng, ra đi chia sẻ của ăn cho người khác, đặc biệt cho những ai nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Sau cùng, noi gương mẹ MacKillop, chúng ta nương tựa vào sức sống của Chúa qua Bí Tích Thánh Thể và trở thành của ăn trong niềm vui phục vụ nhau. Amen!