Thursday, 5 August 2021

BÁNH HẰNG SỐNG và MẸ MACKILLOP

 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 19 thường niên năm B hôm nay, chúng ta tiếp tục lắng nghe, đón nhận và đào sâu về diễn từ bánh hằng sống của Đức Giê-su. Người chính là bánh trường sinh, bánh hằng sống từ trời xuống nuôi duỡng và ban thêm sức mạnh cho chúng ta đủ sức đến và cùng dắt tay nhau đi về nhà Cha. Trong niềm tin đó, giờ đây, xin mời anh chị em cùng đọc thật chậm phần thứ nhất của diễn từ và để cho lòng mình lắng đọng ở một số từ ngữ quan trọng và sống động mà Đức Giê-su đã dùng.

Đức Giê-su nói rằng Người là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ĂN bánh này sẽ đuợc sống muôn đời; Chúa nói tiếp ‘bánh tôi sẽ ban tặng, chính là THỊT tôi đây, để cho thế gian được sống.’ Trước thái độ hoài nghi, vịn vào lý lẽ rồi từ khước đón nhận Đức Giê-su của người Do Thái, Đức Giê-su tiếp tục nói không ai có thể đến với Người trừ phi Chúa Cha là Đấng đã SAI Người, không LÔI KÉO kẻ ấy, và Đức Giê-su sẽ cho người ấy SỐNG LẠI trong ngày sau hết.

Ở đây, Đức Giê-su đã nói cho chúng ta một điều thật quan trọng. Việc chúng ta có thể đến được với Chúa có thể phát sinh từ niềm tin trong việc đáp trả lời mời gọi của Người; nhưng thật ra đó chỉ là điều thứ yếu. Thiên Chúa đã đi bước trước, đã hoạt động bằng cách ‘lôi kéo’ chúng ta đến với Ngài. Thiên Chúa luôn làm chủ công trình của Ngài là lôi kéo chúng ta về với nguồn ơn cứu độ đã xuất hiện nơi con người Đức Giê-su là Đấng được SAI đến từ Thiên Chúa.

Tìm đến với Đức Giê-su là tìm gặp được Thiên Chúa. Đến với Chúa có nghĩa là đón nhận con người của Chúa. Thân thể Đức Ki-tô trở nên của ăn, Máu Người trở nên của uống nuôi sống chúng ta như Lời Chúa nói: “Ai đến với Người sẽ không hề đói. Ai tin vào Người sẽ không hề khát bao giờ”.

Đức Giê-su, hôm nay, cho chúng ta thấy Người là của ăn nuôi dưỡng và ai ăn bánh này sẽ được Chúa cho sống lại trong ngày sau hết. Ngày sau hết không phải là ngày trên quê trời; nhưng được bắt đầu trong mọi thời khắc của cuộc sống mình. Thời điểm nào cũng có thể là giờ phút sau hết của chúng ta. Vì thế, đến với Đức Giê-su như là của ăn đích thật ngay trong giây phút hiện tại là một bảo đảm cho chúng ta đuợc sống lại trong ngày sau hết.

Hơn thế nữa, qua cách suy niệm về công việc của Cha và Con đã làm, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không hoạt động một mình, Ngài cũng không dùng quyền năng từ xa để hướng dẫn hay điều khiển chúng ta. Ngài liên hệ mật thiết với sinh hoạt của dân riêng Ngài nói chung và đến với mỗi người chúng ta nói riêng. Các cử chỉ của Thiên Chúa như ‘lôi keó’, ‘dẫn dắt’, ‘nuôi ăn’, ‘làm cho sống lại’ diễn tả một Thiên Chúa làm việc thật sống động trong đời sống của các tín hữu. Ngài bận rộn trong việc thiết lập và xây dựng mối quan hệ với từng cá nhân nói riêng và cộng đồng dân Chúa nói chung.

Như vậy, nếu chúng ta sẵn lòng để Chúa đi vào trong mọi sinh hoạt của cuộc sống là lúc Chúa hoạt động trong và với chúng ta. Có nghĩa là để Thiên Chúa lôi kéo. Dưạ trên kinh nghiệm trong cuộc sống, khi chấp nhận cho kẻ khác lôi kéo là lúc chúng ta phải thả lỏng cơ thể. Không ai, một mặt chấp nhận cho người khác lôi kéo, mặt khác lại gồng nên để kháng cự. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng này vẫn còn.

Vì thế, cử chỉ mà chúng ta nên làm là mở lòng ra để đón nhận quyền dẫn dắt của Thiên Chúa. Có nghĩa là, chúng ta chấp nhận từ bỏ quyền làm chủ bản thân và cuộc sống mình cũng như tha nhân rồi để Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa thật, Đấng ban sự sống và nuôi dưỡng chúng ta, như Lời Người phán dậy “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Anh chị em thân mến,

Sứ điệp của Đức Giê-su trong phần một của bài diễn từ mà chúng ta vừa suy niệm đã ăn sâu vào trong cuộc sống kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể và đời dâng hiến của Thánh Nữ Mary MacKillop, còn được gọi là Mary Thánh Giá mà Giáo Hội Công Giáo Úc mừng lễ hôm nay. Thánh nữ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1842 tại thành phố Melbourne, từ trần ngày 8 tháng 8 năm 1909 tại North Sydney, hưởng thọ 67 tuổi.

Trong cuộc sống, vào năm 14 tuổi, Mary MacKillop đã để cho Thiên Chúa lôi keó, dẫn dắt mẹ nhận ra ý Chúa qua các công việc thường nhật. Mẹ không nhận được các thị kiến hay mạc khải cao siêu. Từ công việc của một quản gia cho dì chú Cameron tại Penola, Nam Úc, Mary MacKillop còn đảm nhiệm thêm công việc chăm sóc con cái của họ và dạy dỗ chúng. Trong thời gian làm công việc đó, Mary MacKillop đã bị quặn lòng trước cảnh các trẻ em nghèo bị bỏ rơi, không được dậy bảo. Mẹ quyết tâm giúp đỡ chúng và đã đưa những đứa trẻ nghèo trong vùng vào sự chăm sóc của mẹ. Đó là khởi điểm của một hành trình tìm kiếm và thực hiện ý Chúa. Ngay tại thời điểm này, Thiên Chúa đã gửi đến cho mẹ những người bạn đồng hành cùng với mẹ mở mang thêm nhiều trường lớp cho các trẻ em nghèo bị bỏ rơi.

Đến năm 1866, theo tục lệ, những người dâng mình cho Chúa được trao hay tự chọn cho mình một tên mới, mẹ đã chọn là Mary Thánh Giá. Quả thật là diệu kỳ, chính con đường Thánh Giá của Đức Giê-su đã ứng nghiệm trong cuộc đời phục vụ của mẹ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng, như đích điểm của con đường Thánh Giá mà Đức Giê-su đã đi qua, Mary MacKillop đã bị Giáo quyền sở tại ra án lịnh vạ tuyệt thông vì đã không vâng lời.

Với biến cố này và cho dù dòng do mẹ Mary MacKillop sáng lập, Josephite không bị giải tán, nhưng hầu hết các trường học do các nữ tu của nhà dòng chăm sóc đã bị đóng cửa. Mary bị cô lập và cấm mẹ tiếp xúc với cộng đoàn. Trong hoàn cảnh bị đối xử bất công như thế, Mary MacKillop vẫn không mất niềm hy vọng vào Chúa. Mẹ đến sống với một gia đình Do Thái và được các linh mục Dòng Tên che chở. Tuy nhiên, có một điều đáng buồn đã xẩy ra qua biến cố này, đó là một số nữ tu của dòng đã chọn ở lại dưới quyền chỉ đạo của giáo phận và sau này họ được nhiều người biết đến với cái tên "Black Joeys – Josephite áo đen".

Biến cố đau thương này đã xẩy đến cho mẹ Thánh MacKillop vào khoảng tháng 9 năm 1971. Và vào tháng 2 năm 1872, Linh mục tổng đại diện Giáo quyền sở tại đương thời, Cha Horan đã thừa lịnh Đức Giám Mục hủy bỏ án vạ tuyệt thông và mẹ MacKillop đã hoàn toàn được minh oan.

Nhìn lại quãng thời gian này và những gì mà mẹ Mary MacKillop đã đón nhận, chúng ta nhận ra bàn tay của Thiên Chúa đã dưỡng nuôi và phục hồi sự sống cho mẹ. Quả thật đúng như những điều mà Chúa phán dậy hôm nay. Thiên Chúa là của ăn nuôi sống niềm tin cho mẹ luôn tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả những lúc mẹ và nhà dòng bị đối xử bất công. Chúa vẫn hiện diện và giúp mẹ vượt qua.

Tóm lại, qua kinh nghiệm của chính bản thân, mẹ Mary MacKillop đã tìm thấy Chúa Kitô đau khổ nơi những người nghèo khổ, cơ cực và bị bỏ rơi. Vì thế,

Giống như mẹ MacKillop, chúng ta được kêu gọi ra đi để phục vụ người nghèo, những con người bị bỏ rơi, bị ngược đãi và cuộc sống tràn đầy gian nan.

Giống như mẹ MacKillop, chúng ta được mời gọi nhìn nhận những thử thách và khó khăn trong cuộc sống của chúng ta là những hồng ân.

Giống như mẹ MacKillop, chúng ta được mời gọi chấp nhận gian khổ để tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cần xác tín, đó là việc phục vụ người nghèo là một món quà mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua việc cử hành hy tế tạ ơn trong các Thánh Lễ. Chính tại nơi đó, chúng ta được lội kéo đến với nhau, chúng ta được nuôi dưỡng, ra đi chia sẻ của ăn cho người khác, đặc biệt cho những ai nghèo khổ và bị bỏ rơi.

Sau cùng, noi gương mẹ MacKillop, chúng ta nương tựa vào sức sống của Chúa qua Bí Tích Thánh Thể và trở thành của ăn trong niềm vui phục vụ nhau. Amen!

 

No comments:

Post a Comment