Khoa học ngày nay đã sáng chế ra một loại ngôn
ngữ bằng dấu chỉ (sign language) để giúp những người bị tật nguyền như câm và
điếc có thể giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay vẫn
còn những dạng ‘câm và điếc tân thời’ khác như tiếng nói của những người bị áp
bức, nghèo khổ không được đón nhận. Họ có miệng nhưng cũng như không, vì tiếng
nói của họ có ai nghe thấu chăng! Và những người có uy quyền và thế lực lại chọn
bị điếc để khỏi bị áy náy.
Những người sống cùng thời với Đức Giê-su thì
không được như vậy. Vì điếc nên họ không thể nghe và mức độ cảm thông với người
khác cũng bị suy giảm. Vì bị câm nên họ không thể nói, vì thế việc làm cho người
khác hiểu đuợc tâm tư và nguyện vọng của họ cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng
này kéo dài từ ngày nay sang ngày khác, nên sinh ra khó khăn trong việc giao tiếp.
Cuối cùng, cả hai phía đều không vượt qua được các khó khăn này, và cuộc sống của
những người bị câm và điếc càng ngày càng bị cô lập và xa cách với cộng đoàn.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Thánh
Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su đã chữa cho một người vừa bị câm lại bị điếc được
khỏi bịnh. Đức Giêsu không chỉ phục hồi tình trạng tật nguyền cho ông mà còn ra
tay phá bỏ bức tường ngăn cách giữa ông và cộng đoàn. Từ đó, ông ta nghe được,
nói được và cảm thông được với người khác, và ngược lại, người khác cũng dễ
dàng nghe, hiểu và thông cảm với ông ta hơn.
Kính thưa anh chị em,
Như vậy, việc chữa lành hôm nay không chỉ dừng
lại việc chữa bịnh về mặt thể lý, nhưng còn nói lên việc Thiên Chúa tín trung, giữ
lời hứa và tái tạo thế giới mới, một thế giới mà trong đó người ta sẽ không còn
thấy bất cứ một nỗi lầm than nào; sẽ không còn tật nguyền nhưng đầy sự sống; sẽ
không còn đói khát, âu lo và chiến tranh nhưng là hòa bình. Thế giới sẽ tràn đầy
niềm vui và hoan lạc. Đó là một thế giới tuyệt vời mà chính Thiên Chúa đã khai
mạc trong Đức Giê-su. Trong ngày đó, những ai tưởng như mình đã chết, đã đui
mù, đã câm điếc, què quặt và những tật nguyền giống như thế… sẽ được chữa lành.
Tất cả sẽ vùng lên, hân hoan, vui mừng reo hò vì Đấng cứu độ đã đến và giải
thoát họ khỏi tất cả những tật nguyền và hoạn nạn nói trên.
Khi Tin Mừng Mác-cô ghi lại cho chúng ta những
điều kỳ diệu của Đức Giê-su như việc làm cho người câm nói đuợc, người mù trông
thấy và người điếc nghe được thì có nghĩa là lúc mà những gì đã được loan báo về
Nước Thiên Chúa bởi các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ I-sa-ia nay đã được thực hiện.
Đức Giê-su, một con người bằng xương bằng thịt đang hiện diện trước mặt ta. Người
không chỉ đứng đó mà nhìn ngắm rồi phán dậy. Người hiện diện một cách thật tích
cực. Người hiện diện bằng hành động. Những tật nguyền đã làm cho con người sống
trong đau khổ nay được tháo bỏ. Những hàng rào quan niệm khiến cho con người bị
cô lập và mất đi mối hiệp thông như nói không ra tiếng, nghe không thấy âm sắc…
tất cả đuợc cởi bỏ.
Hôm nay, Đức Giê-su đến để khai mạc thời đại mới.
Tuy, bổn phận của chúng ta là Tin vào những gì mà Đức Giêsu đã làm. Nhưng, vấn
đề không phải là tìm cách làm cho mình có những quyền phép lạ lùng nhưng phải
tin rằng những gì mà Đức Giê-su đã thực hành vẫn được thể hiện qua cuộc sống của
chúng mình.
Đó là hồng ân. Chúng ta không chỉ là những người
thừa hưởng gia nghiệp mà còn có bổn phận làm cho gia nghiệp mà chúng ta đã lĩnh
nhận càng ngày càng phát triển rộng lớn hơn. Có nghĩa là, chúng ta cũng đuợc mời
gọi, trong cuộc sống, trở thành những người biết san sẻ hồng ân và niềm vui khi
được cứu độ cho người khác nữa.
Đó là ân phúc thật trọng đại, vì biết rằng
mình đã thuộc về Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào, chúng ta làm cho người khác biết
được mối tương quan ‘thuộc về’ Chúa của chúng ta cho người khác nhận biết. Có
nghĩa là chúng ta cần có chứng từ khiến người khác nhận ra mối tương giao thật
mật thiết giữa Chúa và ta. Đây không chỉ là một sự thuộc về dựa trên niềm tin,
còn hơn thế nữa, nó cần có các chứng từ kèm theo. Và các chứng từ cần được minh
chứng bằng chính cuộc sống mình.
Nói khác đi, những ai đã thuộc về Thiên Chúa thì
đều cảm nhận được niềm vui của Thiên Chúa, Đấng giải thoát, nâng đỡ và tháo gỡ
những gông cuồng, đau khổ đang đầy đọa cuộc sống ta. Cho nên, trong niềm vui mừng
và hân hoan đó, chúng ta không được phép khư khư giữ cho riêng mình mà còn phải
biết nghĩ đến người khác, quan tâm cho những ai đang sống với các nỗi khổ đau, đang
chịu thiệt thòi mà họ phải gánh chịu; rồi như Đức Giê-su, chúng ta sẵn sàng sống
và chia sẻ cho họ nguồn ơn cứu độ mà chính bản thân mình đã đươc lĩnh nhận.
Chúa đã làm xong phần của Người, còn chúng ta,
phải làm gì để xứng đáng với vinh dự là môn đệ của Đức Giê-su, Đấng đã mở tai
cho người điếc, mở luỡi cho người câm, giải oan cho người bị áp bức và loan báo
năm hồng ân của Thiên Chúa cho muôn dân? Vấn nạn này chất vấn và theo chúng ta
cả đời và với tư cách của tín hữu, chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước
các đau khổ của những con người mà Chúa đã đến để làm bạn với họ.
Tóm lại, Đức Giêsu đã đến để đưa quyền năng của
Thiên Chúa vào thế giới này hầu tái tạo trời mới đất mới và trao ban sự sống mới
cho muôn dân thế nào thì chúng ta cũng cần thể hiện như thế. Có nghĩa là cuộc sống
của chúng ta cần được mở rộng và mở lớn hơn.
‘Mở’ ra cho bản thân và người khác nhìn thấy Chúa
nơi phần sâu thẳm nhất của đời mình.
‘Mở’ cho ánh sáng lời Chúa chiếu thấu tâm can
của mình, vì đó là nơi kín ẩn mà Thiên Chúa muốn ngự trị.
‘Mở’ tung những ‘mặt nạ’ khiến dung mạo của
Chúa bị bóp méo trong cuộc sống.
‘Mở’ để
nhìn, để nghe, để cảm thông, để buớc đến, để an ủi, để vỗ về và để san sẻ tình
thương cho bao nhiêu người đang chờ đợi bàn tay và con tim của chúng ta….
Cuối cùng là ‘Ép-pha-tha – hãy mở ra’ để Chúa làm
chủ mọi sự trong và ngoài của chúng ta. Amen.
No comments:
Post a Comment