Tuesday, 25 January 2022

“THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG!”


Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiếp tục thuật lại sinh hoạt của Đức Giê-su tại hội đường Na-da-rét trong ngày hưu lễ. Đức Giê-su, các môn đệ và bà con trong làng tụ họp với nhau để cử hành việc thờ phượng. Họ hát Thánh ca, nghe sách Thánh và cầu nguyện. Họ đã nghe danh tiếng, những lời giảng dậy và các việc Đức Giê-su làm tại các nơi khác, cho nên ai cũng háo hức và nôn nóng đến nghe Người giảng.

Sau khi công bố Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sa-ia, tiên báo về vai trò của Đấng Mê-si-a, Đấng được Thần Khí Thiên Chúa xức dầu tấn phong để trở thành Đức Kitô. Nhiệm vụ của Đấng Thiên Sai là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, loan báo niềm vui được giải thoát cho những ai bị giam cầm, cởi trói cho những ai đang bị gông cùm và đem đến cho con người một nền tự do đích thật. Quan trọng hơn cả là công bố và thiết lập năm hồng ân của Thiên Chúa nơi bản thân và sứ vụ của Người. Đức Giêsu đọc xong thì ngồi xuống và nói cho họ biết rằng những điều mà tai họ vừa nghe đã ứng nghiệm nơi bản thân và sứ vụ của Người. Vắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào trọng tâm của sứ điệp.

Thái độ và phản ứng của thính giả trong hội đường khiến chúng ta ngạc nhiên. Thoạt đầu họ đều tán thành và khâm phục những lời hồng ân thốt ra từ miệngNgười. Nhưng tại sao mọi người đang từ chỗ tán thành và ca tụng, đột ngột chuyển sang chống đối, rồi mức độ đối kháng tăng dần cho đến độ tất cả “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi … kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.”

Nguyên do nào khiến cho phản ứng của các thính giả trong hội đuờng ngày hôm đó lại biến chuyển như thế, từ thán phục đến chống đối và có ý định thủ tiêu Người?

Hình như nội dung bài giảng của Đức Giê-su không phải là nguyên nhân tạo nên sự phẫn uất của những người đồng hương. Thật ra, dựa vào trình thuật hôm nay thì chúng ta chưa hề nghe trọn vẹn nội dung bài giảng của Chúa. Người chỉ vừa mở đầu bài giảng bằng câu “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Quả thật đây là câu then chốt. Giả như Đức Giê-su là một trong các vị tư tế hay có vai trò lãnh đạo trong hội đường thì việc loan báo ứng nghiệm lời Kinh Thánh hôm nay còn có cơ may được họ chấp nhận. Nhưng vị trí của Đức Giê-su trong kinh nghiệm và ý nghĩ của họ không phải như thế! Họ biết quá rõ về gia thế, địa vị và các phần tử trong gia đình của Chúa. Chẳng có gì sáng giá! Bần cùng, nghèo hèn. Tất cả đều rất bình thường. Người chỉ là con bác thợ mộc Giu-se mà họ đều quen biết. Như vậy làm sao họ có thể chấp nhận được việc Người quả quyết là Lời Chúa mà ngôn sứ I-sa-ia đã loan báo lại có thể được thực hiện nơi bản thân Người.

Từ lối suy nghĩ đó, họ cho Chúa một cơ hội là hãy làm cho họ thấy những gì mà Người đã làm ở các nơi khác. Quả thật, yêu cầu này không phải là điều quá đáng. Nhưng Đức Giê-su đã không chiều theo sở thích của họ. Trái lại, Đức Giê-su mà Thánh Luca đã trình bầy ở đây không phải là một con người dễ dàng bị trói buộc bởi đám đông hay bởi bất cứ một hệ thống nào. Người không lo tìm kiếm sự hỗ trợ và tôn vinh của dân chúng, cũng không vịn vào sự thành công bởi các việc Người làm. Người cũng không làm các phép lạ để tạo sự tín nhiệm và gây thanh thế kéo đám đông về phe mình. Người hoàn toàn tự do để thực hiện ý định mà Thiên Chúa muốn Người thực hiện, cho dù gặp chống đối hay thất bại.

Số phận của ngôn sứ là thế. Chỉ biết phục vụ Lời. Người nói “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê quán mình.” Điều này có nghĩa là Người biết ơn gọi của Người là gì, và Người chấp nhận số phận của một ngôn sứ giống như số phận mà các ngôn sứ trong truyền thống đã phải lĩnh nhận. Tuy kết quả là như thế; nhưng không một ngôn sứ nào có thể từ khước nhiệm vụ đã được trao ban ngay khi còn trong lòng thân mẫu; và chính Thiên Chúa không chỉ ở cùng ngôn sứ, mà còn là thành trì bảo vệ ngôn sứ để chiến thắng kẻ thù, như trong trường hợp của ngôn sứ Giê-rê-mi-a mà bài đọc một đã mô tả.

Như vậy, qua việc loan báo ơn gọi ngôn sứ và chấp nhận sự từ khước của dân chúng, Đức Giê-su đã cho chúng ta thấy mục tiêu cuộc sống của Người là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, thay vì làm cho họ được hài lòng thì Đức Giê-su lại làm khác. Người trích dẫn và nhấn mạnh đến sứ mạng mà các ngôn sứ như Ê-li-a và Ê-li-sa đã thực hiện tại Si-don và Xy-ria, là các vùng của dân ngoại. Mục tiêu mà Đức Giê-su trích dẫn hai vị ngôn sứ này là muốn cho những người đồng hương biết rằng Người không đến để thực hiện và ban phát hồng ân cho riêng họ mà thôi. Người còn có trách nhiệm đem tin vui, loan báo Năm Hồng Ân cho những con chiên lạc của nhà Is-ra-en nữa. Thật tuyệt diệu khi chúng ta nhận ra ý tưởng truyền giáo và đem Tin Mừng ra khỏi biên cương Do Thái giáo được đề cập một cách thật khéo léo ở đây.

Kính thưa anh chị em,

Sự sai lầm của những người thuộc làng Na-da-rét khi xưa có thể là sai lầm của chúng ta hôm nay. Chúng ta nhiều lần vịn vào tư cách như đã được rửa tội, đã sống đạo lâu năm, đã  góp công góp của xây dựng cơ sở Giáo Hội, gia đình mình có nhiều con cháu là tu sĩ, làm linh mục, v.v… rồi buộc Chúa phải trả công bội hâụ. Thiên Chúa không phải là ông chủ ngân hàng, để rồi chúng ta gửi vào đó những công việc để sinh lời rồi sau này buộc ông chủ phải trả lại cả vốn lẫn lời cho chúng ta. Những suy nghĩ đó phát sinh từ việc chúng ta quên rằng tất cả đều là hồng ân. Và Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban phát các ân huệ cho chúng ta, ngay từ khi chúng ta chưa thuộc về Ngài. Trước sự giầu sang và đại lượng của Thiên Chúa, chúng ta mãi mãi là những người nghèo, thiếu thốn và luôn luôn cần đến sự quan tâm và yêu thương của Ngài.

Bài học và hành động từ chối đón nhận Chúa của dân làng Na-da-rét khi xưa luôn là lời cảnh giác cho mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta không được phép bắt Người phải quan tâm và dành cho chúng ta một sự chiếu cố đặc biệt. Tuy nhiên, chính sự từ khước của dân làng Na-da-rét khi xưa không làm Chúa buồn, trái lại Người coi đó như là dấu chỉ dẫn Đức Giê-su nhận ra con đường của Người. Một con đường chông gai, đầy sỏi đá… cuối cùng bị khước từ và chết tủi nhục trên Thập Giá để cứu độ con người. Nhưng đó lại là một con đường tình mà Thiên Chúa đã dọn cho Người, để Người tự do thực hiện Lời Người đã phán: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

Tất cả đều được xuất phát từ lòng mến, đó là ơn cao trọng nhất và cũng là con đường hoàn hảo nhất mà Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ hai hôm nay nhấn mạnh. Theo Thánh nhân thì cái lợi duy nhất mà con người cần đạt được là ở lại trong lòng mến của Thiên Chúa. Đó chính là thước đo, là nến tảng của mọi công việc của chúng ta trong cuộc sống chứng nhân.

Cái khác biệt giữa lời của ngôn sứ với tất cả lời của bất cứ bậc hiền triết hay các nhà thông thái và khôn ngoan nào đó, chính là trong Lời của ngôn sứ có chứa đựng và truyền tải một sức mạnh yêu thương dẫn chúng ta đến Chúa, nguồn ơn cứu độ. Đó là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện tại Na-da-rét và Người muốn mọi tín hữu hãy lập lại những gì mà chúng ta lĩnh nhận hôm nay để cho dù có gặp khó khăn hay bị từ khước chúng ta vẫn hiên ngang chu toàn ơn gọi ngôn sứ của mình, vì chính Chúa là thành trì bảo vệ và giúp ta chiến thắng mọi nghịch cảnh làm chúng ta đi ngược lại Ý muốn của Chúa. Amen!

Wednesday, 19 January 2022

BÀI GIẢNG TUY NGẮN NHƯNG ĐẦY ĐỦ!


Trong phần lời tựa, tác giả soạn tác Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đã nói rõ mục đích công việc Ngài làm là ghi lại các lời giảng dậy và những việc làm của Đức Giê-su, để người đón nhận Tin mừng này nhận biết rằng giáo huấn chứa đựng trong đó rất xác thực. Khi trình bầy bối cảnh mà Đức Giê-su rao giảng trong các hội đường, tác giả muốn nhắm đến ý niệm là Đức Giê-su hoàn thành những gì mà truyền thống Cựu Ước đang mong chờ. Cụ thể, tại Ga-li-lê-a và các vùng lân cận, Đức Giê-su đã rao giảng và được mọi người đón nhận và tôn vinh. Nhưng chúng ta không biết nội dung của các bài giảng của Người tại các nơi đó như thế nào.

Hôm nay, trong bài giảng đầu tiên tại Na-da rét, Đức Giê-su quả quyết rằng lời hứa qua miệng các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ I-sa-ia về sứ vụ của Đấng Thiên Sai được ứng nghiệm. Có nghĩa là những gì mà Thiên Chúa đã hứa thì nay được thực hiện bởi Đức Giê-su. Bài giảng khai mạc thật ngắn gọn và đây phải là mẫu mực của mọi bài giảng của các nhà giảng thuyết sau này. Đơn giản, ngắn gọn và đi thẳng vào trọng tâm. Đức Giê-su công bố Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sa-ia, rồi đơn giản tuyên bố rằng những gì mà anh chị em vừa nghe, hôm nay được ứng nghiệm. Bài giảng kết thúc!

Điều được ứng nghiệm hôm nay diễn tả ước vọng của Thiên Chúa, và cũng là điều mà các ngôn sứ hằng mơ ước. Rất đơn giản, chỉ đủ để thông truyền một sứ điệp là tin vui cho những ai nghèo hèn, luôn trông cậy vào sự giầu có của Thiên Chúa, trả tự do cho kẻ bị giam cầm, cho những ai bị đui mù nay được sáng mắt, những người bị áp bức về tinh thần cũng như vật chất nay được thanh thản tự do và khai mạc Năm Hồng Ân của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Hầu giúp chúng ta thấy rõ điều mới mẻ mà Đức Giê-su vừa công bố, chúng ta hãy ôn lại ý niệm về năm hồng ân của người Do Thái. Như chúng ta được biết, người Do Thái tôn trọng và giữ luật của ngày hưu lễ rất nhiệm nhặt. Sau sáu ngày làm lụng vất vả họ dành riêng một ngày để nghỉ ngơi và dưỡng sức để lấy lại những năng lực đã hao phí trong sáu ngày qua. Ngày đó được gọi là ngày hưu lễ.  Trong ngày hưu lễ, họ không làm gì hết, chỉ nghỉ ngơi. Sau 7 năm họ để ra trọn một năm: năm hồng ân ban ơn toàn xá; và sau bẩy lần bẩy năm, nghĩa là sau 49 năm, họ lại dành ra một năm, năm thứ năm mươi để cử hành một năm gọi là “năm chúa của mọi ngày hưu lễ và gọi là năm hồng ân.”

Họ trù tính rằng trong một kiếp người, dù dài hay ngắn, thì ai ai cũng có thể tiếp nhận được các đặc ân của năm đó. Trong năm ‘chúa của mọi ngày hưu lễ’, toàn thể dân Do Thái được mời gọi tìm lại bản chất đích thực của dân tộc mình. Họ tìm lại sự mới mẻ, trọn vẹn và tinh tuyền cũng như sự tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho họ ngay từ những ngày đầu của tạo dựng. Họ phải tuân thủ một cách thật nghiêm ngặt một số qui định sau đây:

1/ Ruộng đất bỏ hoang, không cầy cấy trồng trọt. Việc này có ý nghĩa là hãy quan tâm đến đời sống của mình, vì nó còn quan trọng hơn là trồng cấy. Họ tin tưởng vào sự chăm sóc và nuôi dưỡng của Thiên Chúa trong thời gian này.

2/ Tất cả những ai đang thiếu nợ thì đều được tha. Việc tha nợ nói lên chủ đích là đừng để nợ nần chồng chất từ đời này sang đời khác. Nó cũng nhằm bảo đảm cho những ai dù vất vả suốt đời nhưng vẫn không có khả năng trả nợ, thì được tha hết.

3/ Những ai đang sống trong thân phận nô lệ đều được trả tự do và quyền công dân được phục hồi. Điều lệ này nhằm chống lại việc phân chia giai cấp, vì con người được sinh ra không phải để làm nô lệ cho kẻ khác.

4/ Việc giảng dậy về sự khôn ngoan của lề luật được phổ biến rộng rãi cho toàn dân, ai ai cũng được học hỏi về lẽ khôn ngoan. Đó không phải là điều mà chỉ có những người thuộc thành phần ưu tú hay có địa vị mới được lĩnh nhận mà thôi.

Mục đích mà chúng ta ôn lại cách hiểu biết của người Do Thái về năm hồng ân, năm toàn xá giúp cho chúng ta hiểu về những điều mới mẻ mà Đức Giê-su muốn kiện toàn qui định này. Hãy nhìn vào sứ vụ và lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy tất cả lề luật của đạo Do Thái, đặc biệt là các qui định về năm hồng ân đã được kiện toàn, trở nên sống động và ứng nghiệm nơi bản thân Chúa.

Cụ thể như trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đọc xong rồi ngồi xuống như cách mà các kinh sư thường làm. Tất cả đều chăm chú nhìn Người chờ đợi. Đức Giê-su đã tuyên bố cho họ biết rằng những lời mà ngôn sứ I-sa-ia đã loan báo khi xưa, nay đuợc thể hiện nơi bản thân và sứ vụ của Người. Người mạc khải cho họ biết chính Người là Đấng đuợc Thiên Chúa sai đến.

Với tư cách ấy, Người rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, loan báo niềm vui đuợc giải thoát cho những ai bị giam cầm, bị trói buộc bởi gông cùm của tội lỗi và thiết lập những nguyên tắc đem đến cho con người một sự tự do đích thật. Quan trọng hơn cả là công bố và thiết lập năm hồng ân của Thiên Chúa nơi bản thân và sứ vụ của Người.

Nói khác đi, thời đại của Hồng Ân đã được loan báo bởi các ngôn sứ xưa kia, nay được ứng nghiệm nơi sự hiện diện của Người. Thời đại đó không còn chỉ dành riêng cho người Do Thái, nhưng cho mọi dân tộc trên thế giới. Hơn thế nữa, Người không chỉ là dấu chỉ của Hồng Ân, mà còn là ‘Con Người Hồng Ân’. Tất cả những ai đã gặp Người đều cảm nghiệm được điều đó. Bằng chính cuộc sống cũng như các lời giảng dậy, Đức Giêsu đã là Tin Vui cho người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi và thân phận không được tôn trọng. Người đã không chỉ giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà thôi, nhưng còn lôi họ ra khỏi sự giam cầm của thứ luật lệ đã giam hãm và làm mất đi phẩm giá của họ. Từ sự giải thoát ấy, họ cảm nghiệm được lối sống phát sinh từ sự tự do của ân sủng nơi Người.

Anh chị em thân mến,

Khi nói đến Năm Hồng Ân, theo thói quen chúng ta thường hay nghĩ đến ơn toàn xá. Thật ra đây không phải là điều quan trọng, dù có hay không cũng không làm thay đổi cuộc sống và mối dây tương quan giữa chúng ta và Thiên Chúa. Bởi vì, mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống của chúng ta đều là ân sủng. Tất cả đều là hồng ân.

Còn năm hồng ân theo tinh thần của Đức Giê-su không chỉ nhắc nhở chúng ta nhớ đến các hồng ân của Chúa ban tặng mà còn là lời mời gọi chúng ta sống yêu thương hơn, sống tha thứ và biết bỏ qua những nợ nần của nhau. Hãy can đảm để đổi mới cách sống: thay vì nhìn nhau bằng cặp mắt soi mói, ghen tương, lên án hay hận thù thì hãy trao cho nhau sự tin tưởng, lòng nhân ái và hãy thông cảm những yếu hèn, sự mỏng giòn trong thân phận kiếp người của nhau.

Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi ích cho bản thân, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của người quản lý trung tín để phục vụ cộng đồng nhân loại và đổi mới bộ mặt của thế gian. Bởi vì, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc cho dân của Người. Chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở mới, một thế giới mới và ở nơi đó công bằng sẽ ngự trị. Hạnh phúc tại nơi ấy sẽ thỏa mãn và lắp đầy mọi ước vọng của sự an bình luôn trào dâng trong lòng con người... Vì tất cả đều là hồng ân, không chỉ ban tặng trong năm hồng ân mà thôi. Nó đã đuợc khai mạc bởi Đức Giê-su và sẽ kéo dài cho đến muôn thế hệ.

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy sống mọi ngày như những ngày của hồng ân mà nhìn lại chính mình, sắp xếp lại cuộc sống và vui mừng dấn bước trong công việc tái thiết cũng như xây dựng gia đình mình, xóm giáo, họ đạo, cộng đoàn, giáo xứ và tập thể chung của nhân loại để trở thành một cộng đồng yêu thương, đầy tràn công lý và bình an, trong đó mọi người đều có thể cảm nhận được hồng ân của Thiên Chúa ban cho họ qua sự cộng tác của các tín hữu.

Cầu xin Chúa gìn giữ và giúp cho chúng ta đạt được nguyện ước đó để làm cho kho tàng hồng ân của Thiên Chúa mỗi ngày mỗi phong phú và đầy tràn hơn. Amen!

 

Wednesday, 12 January 2022

RƯỢU MỚI THÌ BÌNH PHẢI MỚI.


Tin Mừng theo Thánh Gioan thường có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay, tuy nói về tình hình của một đám cưới nhưng ý nghĩa không chỉ gói gọn về các khó khăn trong đời sống hôn nhân mà bao trùm cả đời sống con người. Tuy nói về việc nước biến thành rượu nhưng ám chỉ đến tất cả những thứ mà quyền năng Chúa Giêsu có thể biến đổi.

Việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu được Thánh Gioan gọi là "dấu chỉ" và còn là "dấu chỉ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người". Dấu chỉ là cái gì đó trước mắt chỉ tới điều gì khác có ý nghĩa sâu xa hơn. Cái trước mắt ở Cana là nước thành rượu. Cái khác mà nước thành rượu chỉ tới là gì? Đó là với sự hiện diện của Đức Kitô, Người sẽ biến đổi cuộc sống con người thành cuộc sống tràn đầy niềm vui và hoan lạc như tiệc cưới.

Vì thế, thưa anh chị em,

Dù chúng ta sống ở thời đại nào hay lớn lên trong bất cứ nền văn hoá nào, tiệc cưới luôn là bữa tiệc của niềm vui. Người ta ăn uống nhẩy múa để san sẻ niềm vui với cô dâu, chú rể và hai họ. Theo phong tục của người Do Thái thời Đức Giê-su thì tiệc cưới kéo dài bẩy ngày. Con số bẩy là con số tràn đầy, gợi lại cho chúng ta thời gian mà Thiên Chúa dùng để tạo dựng vũ trụ và vạn vật. Phải chăng theo tập tục cưới hỏi này chúng ta nhận ra cuộc sống của người nam và nữ chỉ đạt đến mức trọn hảo khi họ kết hợp với nhau thành một gia đình!

Thế mà mới sang ngày thứ ba, họ đã hết rượu. Chi tiết và cách xử dụng phép lạ đuợc thực hiện vào ngày thứ ba khiến cho chúng ta nghĩ đến cụm từ ‘ngày thứ ba’ đuợc dùng để mô tả biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su; như vậy rõ ràng có sự nối kết giữa việc xẩy ra hôm nay với Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Trong tiệc cưới hôm nay có Đức Giê-su, Mẹ Người và các môn đệ của Người nữa. Không khí tiệc cưới thật náo nhiệt, mọi người vui vẻ, đã sang ngày thứ ba rồi nên ai cũng có chút hơi men; vì thế không khí càng sôi nổi hơn. Mẹ của Đức Giê-su ngồi chung bàn với bà con và những người bạn của Mẹ. Mẹ nhìn sang bàn của Chúa và các môn đệ, thấy họ đang nghe Chúa kể truyện. Người là nguồn vui cho cả bàn. Mẹ gật gù, mỉm cuời mãn nguyện về con mình.

Giống như các bà mẹ khác, Đức Maria cũng có hoài vọng và mơ ước riêng dành cho Đức Giê-su. Tuy nhiên, Mẹ tiếp tục cầu nguyện và xin được tự do, không bị vuớng bận bởi các ước muốn của riêng Mẹ để luôn tôn trọng việc tự do tìm kiếm ý định của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su và cùng với Người hoàn thành ý định của Thiên Chúa.

Đang chìm đắm trong mối suy tư về con của mình. Bỗng nhiên, Mẹ khám phá ra sự việc tiệc cưới đã hết rượu! Làm sao chuyện này có thể xẩy ra được. Trước khi khai mạc tiệc cưới, họ đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng; thế mà làm sao vẫn có thể xẩy ra như thế này. Mọi người đều bối rối.

Trong lúc đó, Đức Giê-su vẫn đang mải mê kể truyện, làm như không hề biết chuyện gì đã xẩy ra. Mẹ đứng dậy, mạnh dạn bước đến nói với Đức Giê-su ‘Con ơi, họ hết rượu rồi.’ Mẹ ám chỉ đến tình trạng của đám cuới. Mẹ chỉ nói được như thế. Sau khi nghe Mẹ thông báo về tình trạng hết ruợu của nhà đám, Đức Giê-su nhìn vào trong nhà, thấy rõ vẻ bối rối của họ. Tuy nhiên, quay sang Mẹ, Người ngập ngừng nói ‘Mummy’, rồi im lặng mới nói tiếp: “Thưa bà, chuyện đó có can hệ gì đến tôi và bà, giờ tôi chưa đến.” Câu nói này tuy hơi khó nghe, nhưng ở đây, Đức Giê-su muốn tỏ rõ lập trường về mối quan hệ giữa Đức Maria và Người. Liên hệ máu huyết tuy quan trọng, nhưng vẫn không bằng mối tương quan của những ai luôn tìm kiếm và thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Vì vậy, vấn đề quan trọng mà Người và Mẹ Người cần thi hành đó chính là ý định của Thiên Chúa.

Câu trả lời của Đức Giê-su ‘Giờ tôi chưa đến’ khiến Mẹ nhớ lại Lời mà Người đã nói trong đền thờ là ‘Cha Mẹ không biết rằng con phải lo việc cha con sao’.  Mẹ tin vào sự lựa chọn của Đức Giê-su. Người chỉ muốn tùng phục và vâng nghe theo ý của Thiên Chúa mà thôi, nên Mẹ cũng chẳng cảm thấy buồn, bèn quay vào trong nhà và bảo những người giúp việc là “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Nghe Đức Maria nói thế, họ nhìn nhau ngạc nhiên và chẳng hiểu gì hết!

Một lát sau. Mẹ nhìn thấy Đức Giê-su sai bảo gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum đá dành cho việc rửa tay trước khi nhập tiệc. Những người giúp việc nghe xong lịnh truyền của Chúa bèn cảm thấy bối rối. Bởi vì, nghi thức rửa tay trước khi nhập tiệc đã hoàn tất, giờ đây cần đổ đầy nước vào các chum để làm gì! Tuy vậy, họ cũng không hỏi lại Người. Chỉ biết vâng nghe và làm theo. Sau đó Đức Giê-su yêu cầu họ đem nuớc ra cho ông quản tiệc. Nước đã biến thành rượu mà ông quản tiệc không hề biết. Chỉ có những người cộng tác biết mà thôi!

Phần Mẹ, qua mẩu đối thoại hôm nay giúp chúng ta nhận ra niềm tin của Mẹ, luôn kiên cường, phó thác và hết lòng cậy trông, không nghi ngại. Tuy nhiên đó không phải là ý của Thánh sử khi thuật lại dấu lạ tại Ca-na này. Tuy vị trí của Mẹ quan trọng trong sứ vụ của Đức Giê-su, nhưng Mẹ không thể thay thế được vai trò của Chúa. Đức Giê-su mới là nhân vật quan trọng mà Thánh sử muốn nói đến trong câu chuyện này.

Và, có một sự biến chuyển thật diệu kỳ ở đây. Đó là từ đầu trình thuật chúng ta chưa hề biết ai là chú rể. Theo tục lệ của người Do thái thì chú rể là người cung cấp rượu. Đến lúc này, qua việc Đức Giê-su biến nuớc thành rượu chúng ta nhận ra ý của Thánh sử muốn công bố cho chúng ta biết Đức Giê-su không chỉ là rượu mới, mà còn là Chủ cung cấp ruợu cho muôn dân. Người là chủ bữa tiệc hoan lạc của ngày cánh chung, mà hiện nay chúng ta cùng nhau cử hành trong các Thánh lễ.

Tại Cana, trong tiệc cuới hôm nay, Đức Giêsu đã đến khai mạc ngày hoan lạc ấy. Ở Na-im, Người đã biến đổi những giọt nước mắt đau thương của người Mẹ khóc con thành những giọt lệ vui mừng khi cho con của bà sống lại. Ở Giê-ri-cô, Nguời đã biến tâm hồn ích kỷ, chỉ biết vơ vét của ông Da-kêu thành một tâm hồn quảng đại. Cho tới lúc đã bị đóng đinh trên thập giá, lúc mà thiên hạ tưởng như Người đã bó tay; nhưng chính trong lúc đó Người đã biến đổi kẻ trộm thành người khách đầu tiên dự tiệc thiên quốc. Và nhất là trong biến cố phục sinh, Nguời đã biến đổi sự chết thành sự sống.

Vì thế, qua dấu lạ hôm nay, Đức Giê-su đã tỏ bầy cho chúng ta nhìn thấy vinh quang của Người. Phải chăng đây cũng là cuộc hiển linh, cuộc tỏ mình để biến đổi tất cả những ai tin vào Người trở thành rượu thơm ngon hảo hạng, dành cho thế giới đang có nhiều sự đổi thay hôm nay. Giữa các sự đổi thay nhanh như chớp, người tín hữu cần đến với Đức Giê-su là nguồn của mọi sự đổi mới. Chỉ trong Người thì mọi sự thay đổi mới bền vững và có giá trị lâu bền. Hãy đến với Chúa, Người sẽ biến đổi cuộc sống tẻ nhạt, không chút đổi thay của chúng ta thành rượu ngon cho mọi bữa tiệc mà chúng ta cùng tham dự. Amen!

Wednesday, 5 January 2022

ĐỨC GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA.


Anh chị em thân mến,

Vào những dịp cuối năm, nhiều người có thói quen dành thời gian để nhìn lại những việc làm trong năm cũ, những sai lầm cần sửa đổi, các kinh nghiệm cần ghi nhớ và những dự án cần thực hiện để đổi mới. Có những người nhìn lại rồi hối tiếc. Lại có những người nhìn lại với tâm tình tạ ơn. Dĩ nhiên cũng có những trải nghiệm khiến chúng ta bị tổn thương… Tất cả đều là kinh nghiệm.

Với các bài học đã xẩy ra trong năm qua, nhất là nỗi sợ hãi do đại dịch Co-vid 19 gây ra khiến lòng chúng ta còn hoang mang. Tuy là như thế, nhưng chúng ta vẫn hy vọng hướng về tương lai, mong chờ nhiều cơ hội mới sẽ diễn ra với những giải pháp thật tốt đẹp sẽ xẩy đến. Như vậy, thời gian ‘giao thừa này’ thật thú vị. Đó là thời gian thay cũ đổi mới.

Đức Giê-su cũng đã trải qua kinh nghiệm này. Trong cuộc đời của Người thì biến cố lĩnh nhận phép rửa hôm nay đánh dấu một bước ngoặt lớn. Nó có thể được coi như là sự kiện kết thúc quãng đời ẩn dật và báo trước cuộc sống công khai của Người. Kể từ hôm nay, Người bắt đầu sứ vụ giảng dạy và chữa lành, một sứ vụ sẽ kết thúc bằng cái chết trên Thánh Giá sau này.

Thật vậy, qua việc đón nhận phép rửa bởi Gio-an, Đức Giê-su đã tỏ cho chúng ta thấy mối dây liên đới của Người với toàn thế nhân loại, đang trông chờ ơn cứu độ. Khi làm việc này, Đức Giê-su đã nói lên tính hòa đồng giữa Người và chúng ta, Người đành chấp nhận mất tất cả và trở thành một người như chúng ta.

Ngoài ra, với hành động tự hạ của Người, Đức Giê-su đã hàm ý loan báo cho chúng ta biết về phép rửa bằng chính sự chết của Người trên Thánh Giá; đó chính là phép rửa mà Người sẽ vui lòng nhận lãnh để làm trọn vai trò của ‘người tôi tớ đau khổ’ mà Thiên Chúa sai đến để cứu độ muôn dân. Vì tình yêu, Đức Giê-su đã hoàn tất ý định của Thiên Chúa và đồng ý đi đến cùng, cho dù phải đón nhận phép rửa bằng máu trên Thánh Giá để xóa bỏ tội lỗi của chúng ta.

Hơn thế nữa, theo các nhà chuyên môn Thánh Kinh thì việc Đức Giê-su đã hạ mình xuống, chấp nhận thân phận tội nhân để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa mang một ý nghĩa là qua đó Người đã thánh hóa nước và ban cho nước một hiệu quả kỳ diệu, đó là trao ban ơn sủng. Hay nói cách khác, chính nhờ việc chấp nhận chia sẻ thân phận của hàng ngũ tội nhân hôm nay và hành vi dâng hiến trọn vẹn sau này trên Thánh Giá, Người đã thiết lập bí tích Rửa tội.

Như vậy, phép rửa mà Đức Giê-su đón nhận bên bờ sông Gióc-đan bởi Gio-an Tẩy giả mang đến một ý nghĩa mới, đầy đủ và thiêng liêng hơn. Qua biến cố này, căn tính của Đức Giê-su được lộ diện. Thần khí đã xuống trên Người bằng hình chim bồ câu. Hơn thế nữa, trong lúc tự hạ mình xuống như vậy, Người đã được Chúa Cha nâng lên qua lời xác nhận: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.”

Thưa anh chị em,

Với chúng ta cũng vậy, kể từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta cũng đã được Chúa Cha nhận làm con cái Ngài. Những gì mà Thiên Chúa đã nói với Đức Giêsu trong nghi lễ thanh tẩy hôm nay cũng là điều mà Chúa Cha nói với mỗi người chúng ta, đó là qua bí tích rủa tội, chúng ta không chỉ sạch mọi tội khiên mà còn được diễm phúc là thành viên trong gia đình của những con yêu dấu của Thiên Chúa.

Trong bí tích rửa tội, chúng ta đã được ghi ấn tín và trở thành Con Thiên Chúa, thuộc về gia đình của những người môn đệ của Đức Giê-su. Phép rửa không chỉ là một nghi thức; nhưng đó là phương thế mà Thiên Chúa đã dùng để xác định rằng chúng ta thuộc về cộng đoàn tín hữu, những người môn đệ dấu yêu của Người. Tập thể của những người con mà Thiên Chúa yêu dấu và dĩ nhiên chúng ta cũng cố gắng làm vui lòng Ngài. Do vậy, tuy rằng chúng ta lĩnh nhận bí tích này duy chỉ một lần trong đời, nhưng căn tính được ban tặng cần được phát triển mãnh liệt trong cuôc sống thường ngày của chúng ta.

Hôm nay, khi mừng lễ Đức Giê-su chịu phép rửa. Hội Thánh mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống, tuyên xưng lại niềm tin và quyết tâm sống trọn lời tuyên hứa trong ngày lĩnh nhận bí tích rửa tội của mỗi người. Từ đó, chúng ta có nhiều cơ hội sống tốt hơn, thiện hảo hơn, sống đúng theo yêu cầu mà Đức Giê-su đã tỏ bầy cho chúng ta là những môn đệ chân chính của Thầy.

Và cho dù vô tội. Nhưng hôm nay Đức Giê-su đã hoà mình vào dòng chảy của những con người tội lỗi để thay thế chúng ta thì giờ đây qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi mặc lấy Đức Ki-tô, trở nên một với Đức Ki-tô, có nghĩa là qua bí tích rửa tội chúng ta đuợc mời gọi trở thành một Đức Kitô khác.

Vì thế: vẫn biết rằng chúng ta chỉ được rửa tội một lần trong đời, nhưng trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải sống và giữ lời hứa rửa tội trong suốt cuộc đời. Có nghĩa là buớc vào con đuờng của Người, mặc lấy cuộc sống và sứ vụ của Người, để càng ngày càng trở nên giống Người hơn. Và đó chính là Tin Vui, mà chúng ta những người đã được lĩnh nhận bí tích rửa tội cần đem đến cho thế giới hôm nay. Amen!