Wednesday, 12 January 2022

RƯỢU MỚI THÌ BÌNH PHẢI MỚI.


Tin Mừng theo Thánh Gioan thường có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe hôm nay, tuy nói về tình hình của một đám cưới nhưng ý nghĩa không chỉ gói gọn về các khó khăn trong đời sống hôn nhân mà bao trùm cả đời sống con người. Tuy nói về việc nước biến thành rượu nhưng ám chỉ đến tất cả những thứ mà quyền năng Chúa Giêsu có thể biến đổi.

Việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu được Thánh Gioan gọi là "dấu chỉ" và còn là "dấu chỉ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người". Dấu chỉ là cái gì đó trước mắt chỉ tới điều gì khác có ý nghĩa sâu xa hơn. Cái trước mắt ở Cana là nước thành rượu. Cái khác mà nước thành rượu chỉ tới là gì? Đó là với sự hiện diện của Đức Kitô, Người sẽ biến đổi cuộc sống con người thành cuộc sống tràn đầy niềm vui và hoan lạc như tiệc cưới.

Vì thế, thưa anh chị em,

Dù chúng ta sống ở thời đại nào hay lớn lên trong bất cứ nền văn hoá nào, tiệc cưới luôn là bữa tiệc của niềm vui. Người ta ăn uống nhẩy múa để san sẻ niềm vui với cô dâu, chú rể và hai họ. Theo phong tục của người Do Thái thời Đức Giê-su thì tiệc cưới kéo dài bẩy ngày. Con số bẩy là con số tràn đầy, gợi lại cho chúng ta thời gian mà Thiên Chúa dùng để tạo dựng vũ trụ và vạn vật. Phải chăng theo tập tục cưới hỏi này chúng ta nhận ra cuộc sống của người nam và nữ chỉ đạt đến mức trọn hảo khi họ kết hợp với nhau thành một gia đình!

Thế mà mới sang ngày thứ ba, họ đã hết rượu. Chi tiết và cách xử dụng phép lạ đuợc thực hiện vào ngày thứ ba khiến cho chúng ta nghĩ đến cụm từ ‘ngày thứ ba’ đuợc dùng để mô tả biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su; như vậy rõ ràng có sự nối kết giữa việc xẩy ra hôm nay với Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Trong tiệc cưới hôm nay có Đức Giê-su, Mẹ Người và các môn đệ của Người nữa. Không khí tiệc cưới thật náo nhiệt, mọi người vui vẻ, đã sang ngày thứ ba rồi nên ai cũng có chút hơi men; vì thế không khí càng sôi nổi hơn. Mẹ của Đức Giê-su ngồi chung bàn với bà con và những người bạn của Mẹ. Mẹ nhìn sang bàn của Chúa và các môn đệ, thấy họ đang nghe Chúa kể truyện. Người là nguồn vui cho cả bàn. Mẹ gật gù, mỉm cuời mãn nguyện về con mình.

Giống như các bà mẹ khác, Đức Maria cũng có hoài vọng và mơ ước riêng dành cho Đức Giê-su. Tuy nhiên, Mẹ tiếp tục cầu nguyện và xin được tự do, không bị vuớng bận bởi các ước muốn của riêng Mẹ để luôn tôn trọng việc tự do tìm kiếm ý định của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su và cùng với Người hoàn thành ý định của Thiên Chúa.

Đang chìm đắm trong mối suy tư về con của mình. Bỗng nhiên, Mẹ khám phá ra sự việc tiệc cưới đã hết rượu! Làm sao chuyện này có thể xẩy ra được. Trước khi khai mạc tiệc cưới, họ đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng; thế mà làm sao vẫn có thể xẩy ra như thế này. Mọi người đều bối rối.

Trong lúc đó, Đức Giê-su vẫn đang mải mê kể truyện, làm như không hề biết chuyện gì đã xẩy ra. Mẹ đứng dậy, mạnh dạn bước đến nói với Đức Giê-su ‘Con ơi, họ hết rượu rồi.’ Mẹ ám chỉ đến tình trạng của đám cuới. Mẹ chỉ nói được như thế. Sau khi nghe Mẹ thông báo về tình trạng hết ruợu của nhà đám, Đức Giê-su nhìn vào trong nhà, thấy rõ vẻ bối rối của họ. Tuy nhiên, quay sang Mẹ, Người ngập ngừng nói ‘Mummy’, rồi im lặng mới nói tiếp: “Thưa bà, chuyện đó có can hệ gì đến tôi và bà, giờ tôi chưa đến.” Câu nói này tuy hơi khó nghe, nhưng ở đây, Đức Giê-su muốn tỏ rõ lập trường về mối quan hệ giữa Đức Maria và Người. Liên hệ máu huyết tuy quan trọng, nhưng vẫn không bằng mối tương quan của những ai luôn tìm kiếm và thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Vì vậy, vấn đề quan trọng mà Người và Mẹ Người cần thi hành đó chính là ý định của Thiên Chúa.

Câu trả lời của Đức Giê-su ‘Giờ tôi chưa đến’ khiến Mẹ nhớ lại Lời mà Người đã nói trong đền thờ là ‘Cha Mẹ không biết rằng con phải lo việc cha con sao’.  Mẹ tin vào sự lựa chọn của Đức Giê-su. Người chỉ muốn tùng phục và vâng nghe theo ý của Thiên Chúa mà thôi, nên Mẹ cũng chẳng cảm thấy buồn, bèn quay vào trong nhà và bảo những người giúp việc là “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Nghe Đức Maria nói thế, họ nhìn nhau ngạc nhiên và chẳng hiểu gì hết!

Một lát sau. Mẹ nhìn thấy Đức Giê-su sai bảo gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum đá dành cho việc rửa tay trước khi nhập tiệc. Những người giúp việc nghe xong lịnh truyền của Chúa bèn cảm thấy bối rối. Bởi vì, nghi thức rửa tay trước khi nhập tiệc đã hoàn tất, giờ đây cần đổ đầy nước vào các chum để làm gì! Tuy vậy, họ cũng không hỏi lại Người. Chỉ biết vâng nghe và làm theo. Sau đó Đức Giê-su yêu cầu họ đem nuớc ra cho ông quản tiệc. Nước đã biến thành rượu mà ông quản tiệc không hề biết. Chỉ có những người cộng tác biết mà thôi!

Phần Mẹ, qua mẩu đối thoại hôm nay giúp chúng ta nhận ra niềm tin của Mẹ, luôn kiên cường, phó thác và hết lòng cậy trông, không nghi ngại. Tuy nhiên đó không phải là ý của Thánh sử khi thuật lại dấu lạ tại Ca-na này. Tuy vị trí của Mẹ quan trọng trong sứ vụ của Đức Giê-su, nhưng Mẹ không thể thay thế được vai trò của Chúa. Đức Giê-su mới là nhân vật quan trọng mà Thánh sử muốn nói đến trong câu chuyện này.

Và, có một sự biến chuyển thật diệu kỳ ở đây. Đó là từ đầu trình thuật chúng ta chưa hề biết ai là chú rể. Theo tục lệ của người Do thái thì chú rể là người cung cấp rượu. Đến lúc này, qua việc Đức Giê-su biến nuớc thành rượu chúng ta nhận ra ý của Thánh sử muốn công bố cho chúng ta biết Đức Giê-su không chỉ là rượu mới, mà còn là Chủ cung cấp ruợu cho muôn dân. Người là chủ bữa tiệc hoan lạc của ngày cánh chung, mà hiện nay chúng ta cùng nhau cử hành trong các Thánh lễ.

Tại Cana, trong tiệc cuới hôm nay, Đức Giêsu đã đến khai mạc ngày hoan lạc ấy. Ở Na-im, Người đã biến đổi những giọt nước mắt đau thương của người Mẹ khóc con thành những giọt lệ vui mừng khi cho con của bà sống lại. Ở Giê-ri-cô, Nguời đã biến tâm hồn ích kỷ, chỉ biết vơ vét của ông Da-kêu thành một tâm hồn quảng đại. Cho tới lúc đã bị đóng đinh trên thập giá, lúc mà thiên hạ tưởng như Người đã bó tay; nhưng chính trong lúc đó Người đã biến đổi kẻ trộm thành người khách đầu tiên dự tiệc thiên quốc. Và nhất là trong biến cố phục sinh, Nguời đã biến đổi sự chết thành sự sống.

Vì thế, qua dấu lạ hôm nay, Đức Giê-su đã tỏ bầy cho chúng ta nhìn thấy vinh quang của Người. Phải chăng đây cũng là cuộc hiển linh, cuộc tỏ mình để biến đổi tất cả những ai tin vào Người trở thành rượu thơm ngon hảo hạng, dành cho thế giới đang có nhiều sự đổi thay hôm nay. Giữa các sự đổi thay nhanh như chớp, người tín hữu cần đến với Đức Giê-su là nguồn của mọi sự đổi mới. Chỉ trong Người thì mọi sự thay đổi mới bền vững và có giá trị lâu bền. Hãy đến với Chúa, Người sẽ biến đổi cuộc sống tẻ nhạt, không chút đổi thay của chúng ta thành rượu ngon cho mọi bữa tiệc mà chúng ta cùng tham dự. Amen!

No comments:

Post a Comment