Anh chị em thân mến,
Vào những dịp cuối năm, nhiều người có thói
quen dành thời gian để nhìn lại những việc làm trong năm cũ, những sai lầm cần
sửa đổi, các kinh nghiệm cần ghi nhớ và những dự án cần thực hiện để đổi mới.
Có những người nhìn lại rồi hối tiếc. Lại có những người nhìn lại với tâm tình
tạ ơn. Dĩ nhiên cũng có những trải nghiệm khiến chúng ta bị tổn thương… Tất cả
đều là kinh nghiệm.
Với các bài học đã xẩy ra trong năm qua, nhất
là nỗi sợ hãi do đại dịch Co-vid 19 gây ra khiến lòng chúng ta còn hoang mang.
Tuy là như thế, nhưng chúng ta vẫn hy vọng hướng về tương lai, mong chờ nhiều
cơ hội mới sẽ diễn ra với những giải pháp thật tốt đẹp sẽ xẩy đến. Như vậy, thời
gian ‘giao thừa này’ thật thú vị. Đó là thời gian thay cũ đổi mới.
Đức Giê-su cũng đã trải qua kinh nghiệm này. Trong cuộc đời của Người
thì biến cố lĩnh nhận phép rửa hôm nay đánh dấu một bước ngoặt lớn. Nó có thể
được coi như là sự kiện kết thúc quãng đời ẩn dật và báo trước cuộc sống công
khai của Người. Kể từ hôm nay, Người bắt đầu sứ vụ giảng dạy và chữa lành, một
sứ vụ sẽ kết thúc bằng cái chết trên Thánh Giá sau này.
Thật vậy, qua việc đón nhận phép rửa bởi
Gio-an, Đức Giê-su đã tỏ cho chúng ta thấy mối dây liên đới của Người với toàn
thế nhân loại, đang trông chờ ơn cứu độ. Khi làm việc này, Đức Giê-su đã nói
lên tính hòa đồng giữa Người và chúng ta, Người đành chấp nhận mất tất cả và trở
thành một người như chúng ta.
Ngoài ra, với hành động tự hạ của Người, Đức
Giê-su đã hàm ý loan báo cho chúng ta biết về phép rửa bằng chính sự chết của
Người trên Thánh Giá; đó chính là phép rửa mà Người sẽ vui lòng nhận lãnh để
làm trọn vai trò của ‘người tôi tớ đau khổ’ mà Thiên Chúa sai đến để cứu độ
muôn dân. Vì tình yêu, Đức Giê-su đã hoàn tất ý định của Thiên Chúa và đồng ý
đi đến cùng, cho dù phải đón nhận phép rửa bằng máu trên Thánh Giá để xóa bỏ tội
lỗi của chúng ta.
Hơn thế nữa, theo các
nhà chuyên môn Thánh Kinh thì việc Đức Giê-su đã hạ mình xuống, chấp nhận thân
phận tội nhân để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa mang một ý nghĩa là qua đó Người
đã thánh hóa nước và ban cho nước một hiệu quả kỳ diệu, đó là trao ban ơn sủng.
Hay nói cách khác, chính nhờ việc chấp nhận chia sẻ thân phận của hàng ngũ tội
nhân hôm nay và hành vi dâng hiến trọn vẹn sau này trên Thánh Giá, Người đã thiết
lập bí tích Rửa tội.
Như vậy, phép rửa mà Đức Giê-su đón nhận bên bờ
sông Gióc-đan bởi Gio-an Tẩy giả mang đến một ý nghĩa mới, đầy đủ và thiêng
liêng hơn. Qua biến cố này, căn tính của Đức Giê-su được lộ diện. Thần khí đã
xuống trên Người bằng hình chim bồ câu. Hơn thế nữa, trong lúc
tự hạ mình xuống như vậy, Người đã được Chúa Cha nâng lên qua lời xác nhận: “Này
là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.”
Thưa anh chị em,
Với chúng ta cũng vậy,
kể từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta cũng đã được Chúa Cha nhận làm
con cái Ngài. Những gì mà Thiên Chúa đã nói với Đức
Giêsu trong nghi lễ thanh tẩy hôm nay cũng là điều mà Chúa Cha nói với mỗi người
chúng ta, đó là qua bí tích rủa tội, chúng ta không chỉ sạch mọi tội khiên mà còn
được diễm phúc là thành viên trong gia đình của những con yêu dấu của Thiên
Chúa.
Trong bí tích rửa tội, chúng ta đã được ghi ấn
tín và trở thành Con Thiên Chúa, thuộc về gia đình của những người môn đệ của Đức
Giê-su. Phép rửa không chỉ là một nghi thức; nhưng đó là phương thế mà Thiên
Chúa đã dùng để xác định rằng chúng ta thuộc về cộng đoàn tín hữu, những người
môn đệ dấu yêu của Người. Tập thể của những người con mà Thiên Chúa yêu dấu và
dĩ nhiên chúng ta cũng cố gắng làm vui lòng Ngài. Do vậy, tuy rằng chúng ta lĩnh
nhận bí tích này duy chỉ một lần trong đời, nhưng căn tính được ban tặng cần được
phát triển mãnh liệt trong cuôc sống thường ngày của chúng ta.
Hôm nay, khi mừng lễ Đức Giê-su chịu phép rửa.
Hội Thánh mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống, tuyên xưng lại niềm tin và quyết
tâm sống trọn lời tuyên hứa trong ngày lĩnh nhận bí tích rửa tội của mỗi người.
Từ đó, chúng ta có nhiều cơ hội sống tốt hơn, thiện hảo hơn, sống đúng theo yêu
cầu mà Đức Giê-su đã tỏ bầy cho chúng ta là những môn đệ chân chính của Thầy.
Và cho dù vô tội. Nhưng hôm nay Đức Giê-su đã
hoà mình vào dòng chảy của những con người tội lỗi để thay thế chúng ta thì giờ
đây qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi mặc lấy Đức Ki-tô, trở nên một với
Đức Ki-tô, có nghĩa là qua bí tích rửa tội chúng ta đuợc mời gọi trở thành một
Đức Kitô khác.
Vì thế: vẫn biết rằng chúng ta chỉ được rửa tội
một lần trong đời, nhưng trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải sống và giữ
lời hứa rửa tội trong suốt cuộc đời. Có nghĩa là buớc vào con đuờng của Người,
mặc lấy cuộc sống và sứ vụ của Người, để càng ngày càng trở nên giống Người
hơn. Và đó chính là Tin Vui, mà chúng ta những người đã được lĩnh nhận bí tích rửa
tội cần đem đến cho thế giới hôm nay. Amen!
No comments:
Post a Comment