Trong các tuần vừa qua, chúng ta đã được nghe
giáo huấn và các lời giảng dậy của Đức Giê-su về các mối phúc thật. Thiên Chúa,
Cha nhân từ và hay thương xót luôn ban phúc và ân huệ cho mọi người, không phân
biệt và cũng không loại trừ một ai. Tất cả mọi người đều được Chúa thương yêu
và chúc phúc. Tuy nhiên, những ai sống nghèo khó, đói khát, bị oán ghét, bị nhục
mạ và bị bỏ rơi là nhưng người dễ dàng nhận ra việc họ đuợc chúc phúc hơn các
người giầu có và có cuộc sống sung túc.
Sau đó, chúng ta lại đuợc nghe một loạt các lời
giảng dậy của Đức Giê-su xoay quanh chủ đề yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho
những ai gây tổn thương cho chúng ta. Tuy các lời giáo huấn và tiêu chuẩn mà Đức
Giê-su đòi hỏi quá khó áp dụng, hay nói khác đi là không thể nào thực hiện được;
nhưng cũng chính vì thế nên các môn đệ, những ai theo Chúa cần nhìn ra mức giới
hạn của bản thân và biết nương tưạ vào Chúa. Chỉ có trong Chúa chúng ta mới áp
dụng và sống đúng theo các tiêu chuẩn mà Đức Giê-su đã làm gương là tha thứ và
cầu nguyện cho những ai đã làm hại, thậm chí giết Người nữa.
Trong tinh thần đó, bài Tin Mừng hôm nay được coi
như là một phần trong bài giảng của Đức Giê-su trên đồng bằng mà chúng ta đã suy
niệm trong các tuần vừa qua. Các lời giảng dậy này cũng là ‘khuôn vàng thước ngọc’,
là ‘kim chỉ nam’ mà các môn đệ đích thật của Đức Giê-su cần noi theo. Những lời
giảng dậy của Đức Giê-su trong trình thuật hôm nay rất thực tế. Lời giảng dậy của
Người không hoa mỹ, không dưạ vào thuật hùng biện. Bất cứ ai khi nghe Người giảng
dậy, đều phải xét mình và nhận ra thân phận yêú đuối và mỏng dòn của mình. Xét
mình trước rồi chúng ta sẽ không còn dám xoi mói đời tư nhau nữa. Và một khi đã
xét mình thì chúng ta không còn dám đoán xét người khác nữa. Bởi vì, có ai
trong chúng ta đã hoàn thiện đâu! Tốt mặt này lại xấu mặt khác. Không ai là người
hoàn hảo thì tại sao lại dám lên án nhau! Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ Chúa yêu
thương tất cả, ngay cả “phường gian ác và quân bội ước” mà Chúa cũng chẳng
quên!
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta quên đi
bổn phận giúp đỡ và cùng giúp nhau cầu tiến, thăng hoa bản thân và cách sống
sao cho tốt lành và thánh thiện hơn. Trên thực tế, chúng ta không thấy cái xà
trong mắt mình nhưng lại thích bới lông tìm vết, xét nét cọng rác trong mắt tha
nhân. Đây là một hiên tượng rất phổ thông và dễ bắt chước. Chúng ta thường nhìn
ra các sai lỗi của người khác rất rõ, nhưng vì thiếu bác ái và ghen tỵ nên
chúng ta coi đó như là cơ hội để xét đoán và phê bình nhau. Thế là chúng ta đã
mặc nhiên tiếm chỗ của Thiên Chúa đứng ra phân xử và phán xét kẻ khác dựa trên
tiêu chuẩn bất toàn và tội lỗi của mình. Khi làm như vậy, chúng ta tự nhiên
tách chúng ta ra khỏi cuộc sống của những người chung quanh, rồi tự xếp mình
vào hạng của những người công chính và thánh thiện nên mới lên án anh em mình.
Và giả như, có đôi lần chúng ta nhìn thấy các
sai lỗi của mình đi chăng nữa thì lại có muôn ngàn lý do để bào chữa, như: nào
thế này, tại thế kia, rồi nào ai muốn nhưng vì thân phận con người yếu đuối nên
mới ra nông nỗi này… Nói chung, việc sai ta đã làm lại không dám nhận, lại đi học
theo khuôn và lối hành xử của Adam và Eva, đổ thừa cho nhau. Thật là xấu hổ! Đã
là người lại đi bán cái trách nhiệm cho thú vật! Thái độ như thế chỉ làm hoen ố
và lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa!
Nói tới đây, tôi nhớ một câu chuyện.
Truyện xẩy ra trong một hội dòng chiêm niệm.
Vào một ngày kia, có một thầy trẻ tuổi đã phạm lỗi. Khổ một điều đây không phải
là lỗi riêng tư và không ai biết. Trái lại, các thầy khác đều biết nên họ đã họp
lại, lấy danh nghĩa xây dựng để giúp thầy sửa lỗi. Càng nói thì các thầy lại
càng thấy tội của ông này không thể chấp nhận được, cần bị luận phạt, nhưng
không một ai trong nhóm các thầy có quyền đó. Quyền đó thuộc về cha bề trên mà
chúng ta hay gọi là Viện Phụ. Vì thế, họ sai người đi mời Viện phụ đến tham dự
phiên họp. Nhận được lời yêu cầu và biết thâm ý của họ, cha bề trên đến tham dự.
Trước khi đi, ngài lấy một chiếc bao có nhiều lỗ thủng, rồi tự mình đổ cát lên
đến miệng bao, đeo vào sau lưng rồi bước đến chỗ họp. Cha đi đến đâu cát rơi
vãi ra tới đó, rơi đầy dọc đường.
Các tu sĩ kia thấy như thế mới lên tiếng hỏi
cha bề trên về ý nghĩa của việc ngài vừa làm. Cha từ tốn trả lời rằng: “Các sai
phạm của tôi thì giống như hạt cát vừa rơi lại sau lưng trên đường tôi đến đây.
Nào tôi có thấy nó đâu. Thế mà anh em lại bảo tôi ngồi xuống đây để kết tội người
anh em mình, thì tôi nào dám. Nhưng vì nghe theo lời yêu cầu của anh em, nên
tôi đã đến!” Nghe đến đó, các tu sĩ kia cảm thấy xấu hổ và nhận ra ý nghĩa việc
làm của cha bề trên và không còn ai dám có ý định kết tội ông thầy trẻ tuổi kia
nữa. Trái lại họ cùng ngồi lại hàn huyên và kể lại những trải nghiệm trong đời
sống tu sĩ cho nhau nghe.
Câu chuyện nói trên minh họa cho lối sống phê
phán mà Đức Giê-su thẳng thắn loại bỏ hôm nay. Người nói: hãy lấy cái xà trong
mắt mình ra trước, rồi mới tính đến chuyện lấy cái rác khỏi mắt anh em. Nếu mắt
chúng ta vẫn bị cái xà chắn ngang thì có khác gì người bị mù thì làm sao phán
đoán người khác; chưa nói đến việc có thể vì thù ghét hay ghen tương mà chúng
ta thích hạch tội người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ của mình. Việc nhận và
nhìn ra cái xà trong mắt mình để hoán cải liên tục là cơ hội giúp chúng ta
thoát ra cảnh mù loà và để cho ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi vào trong tâm
hồn mình rồi qua việc làm chúng ta giúp cho người khác nhận ra cọng rác trong mắt
họ.
Chúng ta có một ông Thầy để noi gương, đó
chính là Đức Giê-su. Người không hề thất vọng về các sai phạm của chúng ta.
Trái lại, Người luôn tìm mọi cách để hoán cải và mời gọi chúng ta trở về. Hành
trình hoán cải và trở về này có thể kéo dài trong suốt cuộc sống. Có nghĩa là
cuộc sống của chúng ta là một chuỗi ngày mà Chúa dùng để huấn luyện mình. Người
quảng đại và ban ơn tha thứ cho các lỗi phạm của con người. Chính lòng thương
xót của Người là nguồn động lực giúp chúng ta thương xót và hướng dẫn người
khác; bằng không chúng ta sẽ trở thành những người chỉ biết nói mà không biết
làm, thậm chí việc làm của mình lại đi ngược với điều mà chúng ta nói. Như vậy
chúng ta là những người đạo đức giả.
Hơn thế, Thiên Chúa biết rõ chúng ta hơn ta biết
ta. Tội lỗi và sai phạm là một phần của cuộc sống. Nói một cách tích cực hơn là
sai lỗi không làm chúng ta xa Chúa. Trái lại, qua đó chúng ta khám phá ra tình
thương của Chúa vĩ đại và bao la dường bao. Thân phận mỏng dòn và yếu đuối của
con người là một cơ hội để nương tựa vào Chúa. Và chỉ trong Chúa, chúng ta mới
có thể đứng vững và trung thành cho đến hôm nay. Còn ngày mai ra sao, vẫn tuỳ
thuộc vào sự tiếp nhận hồng ân của chúng ta với Thiên Chúa.
Như thế đoán xét, phê bình và lên án không có
chỗ đứng trong cuộc sống của người môn đệ. Trong Chúa, với Chúa chỉ có điều thiện
hảo, chỉ có yêu thương và tha thứ làm gì có lên án hay đoán xét nhau. Ước gì cuộc
sống của chúng ta đươc xây dựng trên nền tảng của Đức Chúa. Vì chính Người là
đá tảng để chúng ta dựa vào mà xây dựng ngôi nhà của Chúa được bền vững cho đến
muôn đời. Amen!
No comments:
Post a Comment