Wednesday, 30 March 2022

HÃY RA VỀ VÀ VUI SỐNG


Anh chị em thân mến,

Giống như dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu’, câu chuyện người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình trong bài Tin Mừng hôm nay cũng gửi cho chúng ta một sứ điệp nhằm đề cao lòng nhân hậu hay thương xót và luôn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng luôn thể hiện lòng khoan dung đối với những người tội lỗi.

Câu chuyện này rất quen thuộc. Chúng ta đã nghe nhiều lần. Nhưng bài học và ý tưởng của câu chuyện có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta?

Truyện kể vào lúc Đức Giê-su ở trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Trong khi dân chúng tuôn đến nghe Người giảng dậy thì mấy ông kinh sư và những người thuộc phái Pha-ri-sêu lại đến kiếm chuyện. Họ dắt một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình đến để chất vấn về lối sống và giáo huấn của Đức Giê-su. Họ dùng tội của bà như một cái cớ để buộc tội Chúa. Bởi vì họ biết rằng Đức Giê-su luôn bênh vực và đứng về phía kẻ tội lỗi. Nếu Chúa tha cho bà thì Người không tuân theo luật lệ của tiền nhân. Theo luật thì bà phải bị ném đá cho đến chết. Còn giả như Đức Giê-su lên án tội của bà thì Người đi ngược lại với giáo huấn của Người. Chính vì thế, mục tiêu mà họ đến gặp Chúa không phải để xin chỉ dậy, nhưng họ đến để gài bẫy và tìm bằng chứng để kết tội Người. Chúng ta hãy nghe họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.”

Trước những lời cáo buộc của họ, Đức Giê-su đã im lặng, cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Sự im lặng mà Đức Giê-su thể hiện ở đây không có ý coi thường họ, cho bằng tạo một khoảng trống để họ nhìn lại những việc họ đã làm. Họ chỉ biết dán mắt vào luật mà không cần để ý đến hoàn cảnh cũng như các nguyên nhân, sâu thẳm bên trong cũng như bên ngoài, khiến bà có thể không còn tự chủ mà phải vi phạm vào điều mà chính bà biết rõ sẽ dẫn bà đến cái chết! Có ai trong nhóm họ đã tự hỏi là họ có cần hy sinh một khoản luật để cứu bà ta hay là hy sinh người phụ nữ để giữ luật! Căn bản là họ thiếu lòng thuơng xót.

Đức Giê-su không nói bà này vô tội, nhưng bằng cái nhìn xót thương và tấm lòng nhân hậu, Người đã nhìn vào cả con người của bà. Bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đó là chứng cớ hiển nhiên mà họ đưa ra trước mắt Người. Hãy để bà đứng yên đấy. Bà không đến nỗi hư hỏng như các ông nhìn thấy. Các ông hãy nhìn lại đời sống của các ông; có ai trong các ông thấy mình sạch tội thì đá ở đây, hãy cầm lấy mà ném vào bà này trước đi.

Khi phán như thế, Đức Giê-su tạo cơ hội giúp họ hồi tâm và nhận ra con người yếu đuối và tội lỗi của họ. Những câu hỏi có thể liệt kê như sau: Người phụ nữ có tội vì bị các ông bắt đang phạm tội ngoại tình, còn các ông thì sao? Người đàn ông đồng phạm với bà ấy đâu? Phải chăng các ông để cho ông ta chạy thoát? Hay đây là cái bẫy mà các ông đã cùng với người đàn ông đó giăng ra để làm cớ mà buộc tội bà ta? Lòng dạ các ông có ngay thẳng và chính trực như các ông thường tự phụ hay không? Hay là các ông ác ý, bàn mưu tính kế, để loại trừ những người mà các ông không ưa và để đạt được mục tiêu các ông có thể hy sinh những ai làm cản buớc đường danh vọng và vị trí mà các ông đang nắm giữ… Nếu các ông sạch tội thì ném đá bà ấy trước đi. Kết quả là kẻ trước người sau, trước tiên là những người lớn tuổi và sau cùng là mọi người đi hết bởi vì không ai là không có tội. Đó là một sự thật hiển nhiên mà nhiều khi chính chúng ta cũng hay bị quên.

Đối với người phụ nữ. Đức Giê-su khéo léo và tế nhị khi không đề cập đến quá khứ và hoàn cảnh hiện tại của chị. Họ đem chị đến trong lúc chị đang ngoại tình. Đó là chứng cớ mà họ tố cáo. Đức Giê-su không muốn tạo thêm áp lực làm tăng mặc cảm tội lỗi mà bà đang phải gánh chịu. Người khuyên bà đừng sống mãi với quá khứ. Quá khứ đã qua rồi. Hiện tại, Chúa Giê-su cũng không lên án bà và Người nói với bà hãy đi và kể từ nay đừng phạm tội nữa.

Theo Đức Giê-su thì tội lỗi và thánh thiện không là kết quả hay thước đo dựa trên lối sống và việc làm của con người. Con người chỉ khám phá ra sự thật của bản thân mình trong mối dây tương quan với Thiên Chúa. Sự Thánh Thiện của con nguời hoàn toàn dựa vào nguồn Thánh Thiện của Thiên Chúa. Và tội lỗi là việc cắt đứt hay gián đoạn mối tương quan giữa Thiên Chúa và mình.

Như vậy, qua bản văn Tin Mừng hôm nay chúng ta khám phá một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với kẻ có tội và những người tự nhận mình là người công chính… Tất cả đều nhận đuợc ơn. Những ai tự nhận mình là công chính, đang nắm giữ vai trò lãnh đạo cộng đoàn nhận được ơn là khám phá ra sự giới hạn của bản thân để thông cảm, bớt lên án và dễ dàng đến với tha nhân hơn. Còn ai có tội thì nhận đuợc tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

 Thưa anh chị em,

Đó là bài học cho tất cả chúng ta, những ai đang nghe Lời Người hôm nay. Bài học về chân lý, về cách thức sống theo Tin Mừng, về Lòng Thương Xót, luôn khoan dung và hay tha thứ của Thiên Chúa đã xuất hiện từ thủa tạo thiên lập điạ. Cho dù con người có bất trung với Thiên Chúa và đối xử hẹp hòi đến mức tệ bạc với nhau như thế nào thì cũng không làm cản trở nguồn ơn tái tạo và đổi mới của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động trong con người.

Hãy quên đi các lỗi lầm của nhau. Chúa hiện diện để tái tạo một thế giới mới. Phán quyết của Chúa là sự tha thứ, không giam cầm tội nhân, không giữ họ bị mặc cảm qua các sai phạm của quá khứ mà giúp họ vững tin và vươn lên với niềm hy vọng, tin tưởng buớc đi trong Chúa, tin nhau và tin vào chính khả năng đã được trao ban để tha thứ và nâng đỡ nhau mỗi khi bị té ngã. Và, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa đang chờ ta, nâng ta dậy chứ Người không kết án chúng ta đâu.

Thật vậy, Đức Giê-su hiện diện để nâng và vực chúng ta dậy mỗi khi bị vấp ngã. Hãy đi và làm cho người khác được chỗi dậy như chúng ta đã được chỗi dậy bởi Chúa. Hãy thương xót, bộc lộ lòng nhân từ và luôn tha thứ nhau. Đó là cách thức duy nhất mà Chúa mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng trời mời đất mới ngay trong hoàn cảnh sống của chúng ta, không chỉ trong Mùa Chay này, mà là mọi ngày trong cuộc sống. Đó cũng là điều mà thế giới ngày nay đang thiếu hụt và trông chờ. Hãy bước đi và vui sống trong hồng ân của Chúa. Amen!

 

Wednesday, 23 March 2022

LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA


Lòng nhân hậu, sự bao dung và lòng thương xót của Thiên Chúa là các chủ đề chính trong dụ ngôn hôm nay. Tuy nhiên, cách hành xử của người con cả và con đường tìm kiếm của cậu em út sẽ giúp chúng ta tìm ra các bài học thật bổ ích cho cuộc sống.

Trước hết là người con thứ. Anh muốn tìm kiếm một lối sống trưởng thành và tự lập. Anh đến gặp cha và thưa rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Anh không tham lam, chỉ xin những gì thuộc về anh theo qui định mà thôi. Có một số người cho rằng qua lời yêu cầu chia gia tài này anh mong muốn cho người cha mau chết. Thật ra, không biết anh có ý nghĩ đó hay không? Chúng ta chỉ biết là lời thỉnh nguyện của anh ẩn chứa ý nghĩ là anh muốn tự do để tự mình sắp xếp cuộc sống cho chính mình.

Hậu quả của việc tìm kiếm để đạt được ước mơ sống tự lập, sống tự do đã dẫn anh đi vào ngõ cụt. Vì không có cha bên cạnh, không được cha khuyên răn và dậy bảo nên anh đã tiêu pha hết tài sản một cách phung phí. Anh đã mất trớn, đi quá đà, không còn kềm chế được hành vi của mình nữa, thả lỏng dây cương và trôi dạt vào những bến bờ vô định. Anh đã mất tất cả. Môi trường mà anh đang sống cũng chống lại anh. Nạn đói trong vùng càng làm cho anh thêm túng quẫn. Thậm chí, anh muốn có công việc của một hạ nhân là chăn nuôi heo để có thể ăn mót thực phẩm của heo mà cũng không ai thèm cho. Mọi cánh cửa dường như khép lại. Và chính trong cảnh khốn cùng như thế anh bắt đầu hồi tâm và tìm cho mình một lối thoát.

Quá trình trở về được khởi đầu bằng việc nhìn lại chính mình - ta có thể coi giai đoạn này như là thời gian ‘vào sa mạc’ của anh. “Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ - He came to himself.”

Nhìn lại chính mình không phải để trách móc hay than thân trách phận, nhưng là đặt mình trong tương quan với cha và ôn lại các kỷ niệm khi còn ở nhà với cha; anh nhớ lại rằng ngay những kẻ ăn người ở trong nhà cũng có được một cuộc sống cơm dư gạo thừa, còn anh thì lại chết đói. Mái nhà xưa đã không đủ ấm cúng để giữ chân anh, thì giờ đây lại là mục đích mà anh hướng đến. Nếu trước đây ‘cái tôi’ đã làm anh mù quáng và sống trong mơ mộng và chỉ nghĩ đến tham vọng của bản thân, thì giờ đây nhờ việc anh đặt mình trong tương quan với cha anh và các thành viên khác trong gia đình đã giúp anh thay đổi. Sự thay đổi này được diễn tả không chỉ trong tư tưởng mà còn ở việc làm của anh nữa.

Anh khám phá rằng chính lúc anh làm mất tất cả, mất luôn quyền thừa tự lại là lúc anh cảm nhận được diễm phúc làm con, một người con chỉ mang nghĩa là người con đích thật khi anh biết sống nương tựa vào sự che chở của cha. Việc nhận ra sự thật này là điều căn bản giúp anh có được một chọn lựa chính đáng, đó là chọn sự sống hầu thoát khỏi cái chết. Anh cũng biết rằng quyền được làm con mà anh có thể sẽ được phục hồi không phải do các nhân đức của anh, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào lòng thương xót và sự định liệu của cha anh.

 Với những tâm tình này, anh con thứ đã dọn cho mình một lối về. Vì thế, chúng ta ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh người cha vội vã ra đón mừng anh, còn anh thì không! Anh không hề ngạc nhiên khi  thấy cha vui mừng chạy ra đón mừng anh, vì anh biết rằng niềm vui của cha cũng là niềm vui của chính anh. Qua sự biến đổi khi trở về tổ ấm, Thánh Luca đã gọi anh là ‘người con trưởng thành’, một cách nói để so sánh lối suy nghĩ và cách sống vẫn còn ‘trẻ con’ của người con cả.

Tôi cảm phục lòng can đảm kiếm tìm một lối sống của người con thứ. Anh đã thành thật và sống trọn vẹn với các suy tư của anh. Và khi đã mất tất cả thì anh lại tìm thấy điều quí giá nhất, đó là mối tương quan đích thật của tình cha con.

Hành trình nào lại không có những va chạm, đổ vỡ! Cuộc sống nào chẳng có thử thách! Con người nào lại chẳng có tội! ... Có lẽ các điều đó không quan trọng. Điều thiết yếu là chúng ta có đủ can đảm và dùng mọi cố gắng để tìm kiếm một lối thoát trong sự đổ vỡ đó hay không? Cứ can đảm tìm kiếm và thực hiện các dự tính của mình. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng của Người vẫn đang chiếu soi trên các buớc chân của chúng ta.

Còn người cha thì sao?

Có lẽ, chúng ta vẫn không hiểu rõ hành động của người cha trong phần đầu câu chuyện. Nhưng theo tôi nghĩ thì ông thuộc loại người giầu tình cảm, luôn rung động trước những nhu cầu của kẻ khác. Ông giáo dục con cái bằng cách chấp nhận các sáng kiến của họ, và luôn chờ đợi và chấp nhận các sai lầm của chúng bằng tấm lòng nhân hậu và khoan dung để qua đó có thể giúp cho con cái cảm nhận được tình thương của ông và cũng là cơ hội giúp cho con cái được trưởng thành hơn qua các kinh nghiệm đau thương mà chúng đã trải qua.

Với tâm tình ấy, từ ngày con ông bỏ đi, ông hằng mong cậu trở về. Ông đau khổ đêm ngày mỗi khi tưởng nhớ đến cậu. Chính vì thế, khi cậu còn ở đàng xa - hình dáng của cậu lúc này có lẽ khác trước: gầy còm vì thiếu ăn, tiều tụy vì lo lắng; thế mà ông vẫn nhận ra con của mình. Niềm đau buồn thương nhớ nay biến thành niềm hạnh phúc. Điều này được diễn tả bằng các chi tiết vô cùng sống động mà ít người cha nào có thể thực hiện được. Ông chạy ra, ôm chầm lấy con, hôn lấy hôn để. Thái độ của ông được xem như là một ngoại lệ, không phù hợp với tập tục của người phương Đông thời bấy giờ. Tuy nhiên, qua việc xử sự như thế, người cha đã biểu lộ một cách mãnh liệt tình thương mà ông hằng ôm ấp đối với con ông. Qua ánh mắt, cả hai đều cảm nhận được những đau khổ chồng chất, và những thay đổi trong cuộc sống từ ngày hai cha con họ xa nhau. Hơn nữa, thái độ của ông - chạy, ôm cổ, hôn lấy hôn để - còn diễn tả tâm tình của một người mẹ.

Tình thương và sự vui mừng đã đạt đến cao điểm khi ông cắt đứt dự định thú tội của người con thứ khi cậu muốn được đối xử như người tôi tớ trong nhà mà thôi. Ông không cho cậu có cơ hội nói lên điều đó. Bởi vì, dù quá khứ của cậu có xấu xa đến đâu chăng nữa, nhưng bây giờ, trong giây phút này, trước mặt ông, trong lòng ông cậu vẫn là con trong nhà; mà đã làm con thì không bao giờ được coi như kẻ làm công, ông không cho phép cậu tự hạ mình xuống hàng tôi đòi, vì như thế tức là xúc phạm đến tình cha con. Con muôn đời vẫn là con yêu quí của cha. Hãy quên đi quá khứ của mình mà mặc lấy con người mới. Quyền thừa kế và vinh dự cũng được trao lại cho con. Con đừng để các mặc cảm tội lỗi dầy vò cuộc sống mà hãy vui với niềm vui của cha. Hai cha con đã thông chia cùng một tâm tình khi họ xa nhau, tình trạng này được gọi là ‘tâm linh tương thông’. Đã như vậy, thì giờ đây cha con chúng mình hãy bước vào để dự tiệc vui, tiệc đoàn tụ nói lên sự hiệp nhất và yêu thương của gia đình mình. Bởi vì, theo cha, từ ngày con rời nhà ra đi thì trong gia đình của chúng mình có một khoảng trống mà không ai có thể bù đắp được, ngoại trừ con. Giờ đây, con đã tìm về sự sống với gia đình. Vậy chúng ta phải hân hoan và ăn mừng chứ. Tiệc vui đã dọn sẵn.

Đến phiên ông con cả?

Người con cả lúc này đang ở ngoài đồng, lo việc cho Cha. Khi về gần đến nhà, anh chẳng thèm bước vào để hỏi cha xem chuyện gì đã xẩy ra mà nhà này lại vui như thế. Anh còn thua cả người giúp việc nữa, bởi vì tuy là kẻ tôi đòi, nhưng họ cũng nhận được niềm vui của ông chủ khi nghe ông báo rằng: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe.” Điều này, có nghĩa là phần chúng tôi đây, cho dù phận làm tôi, nhưng cũng được thông phần vào sự vui mừng với ông chủ qua việc chuẩn bị tiệc vui này cho thật chu đáo.

Mọi người đều vui. Người con cả đã được báo tin vui. Nhưng phản ứng của anh thì khác. Anh nổi giận, không tiếp nhận tin vui; trái lại còn biểu lộ sự bất mãn bằng cách tiếp tục đứng lỳ bên ngoài.

Người cha bước ra năn nỉ mà người anh cả vẫn không nhận ra được nỗi lòng của cha. Trái lại, còn kể lể công lao, phân bì, ghen tương, lên án và đặt điều nói xấu cậu em qua lời hờn dỗi sau đây: Cha coi, con hầu hạ cha suốt cuộc đời, chưa bao giờ có ý định hay phản kháng lại ý cha, thế mà đã bao giơ cha cho con đuợc tổ chức tiệc mừng với bạn bè chưa. Rõ khổ, người cha bị anh loại bỏ trắng trợn; vị trí của mấy ông bạn còn trọng hơn cha. Rồi anh tiếp tục: còn thằng con của cha; nghĩa là cha vẫn nhận nó làm con và hình như nó không còn là em con nữa; vì kể từ ngày nó rời bỏ căn nhà này ra đi thì con không màng đến việc nó sống hay chết nữa. Đến nay, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm; nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng. Không biết ông anh cả lấy chi tiết này ở đâu mà dám tăng thêm tội cho em mình là phung phí tài sản với các cô gái như thế hay là cậu cả nhà mình lại gán cho cậu em điều mà cậu cả hằng mơ uớc!

Cậu cả muốn nghĩ sao cũng được, vấn đề ở đây là việc ông cha mời cậu cả cùng chung chia niềm vui gia đình với ông; vì dù thế nào cậu vẫn là một thành viên trong gia đình này.

Công việc hầu hạ và không dám trái lịnh cha của người con cả là một điều tốt. Nhưng các việc anh làm lại không đem lại ích lợi gì cho anh vì anh làm trong tư thế của kẻ làm công. Anh làm để mong được thưởng và chia sẻ phần thưởng đó với bạn bè, chứ không phải với cha anh. Anh tuy sống trong nhà, nhưng thật ra con tim và lối sống của anh đã không thuộc về gia đình nữa, anh đã thoát ly và đi xa hơn người em. Anh đã đánh mất tình cha con, và tình anh em cũng không còn. Vì thế, khi nghe người cha nhắc đến cậu con thứ, anh liền lên tiếng xác nhận ngay ‘đó là thằng con của cha, có nghĩa là nó là con cha mà không phải là em con.’ Tuy ở chung một nhà, thế mà có bao giờ anh đã nhận ra sự đau khổ của cha khi mất cậu em. Riêng cậu cả đã coi như em mình đã chết tính từ ngày em cậu rời nhà ra đi.

Người con cả trong trình thuật là thế đó. Dường như dòng máu của người anh vẫn chảy trong thân xác của chúng ta, nên lối hành sử của chúng ta vẫn giống như anh ta!

Tóm lại, cao điểm và trọng tâm của dụ ngôn vẫn là thái độ sống và lối xử sự của người cha. Ông là hình ảnh tuyệt diệu của lòng nhân ái, tình yêu thương của Thiên Chúa. Ông yêu thương và tôn trọng các con theo cá tính khác biệt của mỗi người con. Ông hiểu và thông cảm các tính tốt cũng như tật xấu của mỗi người con. Chúng được ông yêu thương bằng nhau. Đối với ông, cuộc sống của họ thật đáng quí trọng. Vì thế, một lần nữa, ông bước ra để xác nhận với người con cả, mang quyền thừa tự rằng “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha (tiền tài, vinh dự, niềm vui, nỗi buồn... cuộc sống của cha) đều là của con.”

Bài học của chúng ta hôm nay là tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn là điều tuyệt hảo nhất mà chúng ta cần dựa vào. Tình yêu này chúng ta đã không xin mà có, vì thế hãy hân hoan đón nhận và san sẻ cho nhau nhưng đừng đòi đáp trả nhé. Amen!

 

 

Wednesday, 16 March 2022

THƯƠNG XÓT: CÁNH CỬA CỦA SÁM HỐI


Từ đầu năm 2022 đến nay, chúng ta tiếp tục chiến đấu với sự bùng phát của biến thể Omicron của Covid-19 gây ra. Rồi cuộc xâm lăng bùng nổ bên Ukraine khiến bao nhiêu người dân vô tội bị chết thảm thương, chưa kể đến hàng triệu người đi tránh nạn. Chiến tranh chưa chấm dứt; thiên tai lại ập đến, cuốn trôi sinh mạng, nhà cửa, tài sản của bao thường dân tại NSW và QLD đang phải gánh chịu.

Trong khi đó, ở cấp độ cá nhân, nhiều người trong chúng ta còn phải vật lộn với những bi kịch riêng tư - những người thân yêu bị chết cô đơn và tức tưởi, những tai nạn để lại hậu quả tàn khốc, những trẻ thơ bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, v.v...

Đương nhiên, chúng ta luôn hỏi: "Tại sao?" Tại sao điều này phải xảy ra? Dường như quyền quyết định về cuộc sống của các nạn nhân bởi chiến tranh hay bạo loạn không nằm trong tay họ mà lại được quyết định bởi những người cầm quyền. Họ ngồi trong bốn bức tường, được bảo vệ, rồi bấm nút ra lịnh khiến cho những thường dân vô tội, đáng được yêu thương chết thảm và gây ra bao thảm họa cho dân chúng.

Đứng trước những tai uơng, các biến cố đem lại đau khổ, tai hoạ và chết chóc như thế; người ta lại đặt những vấn nạn như:

-          Chúa ở đâu, khi các bi kịch này cứ xảy ra trên thế giới?

-          Chúa ở đâu, khi người vô tội lại gặp toàn những chuyện bất hạnh và khổ đau?

Không một ai trong chúng ta có thể giải đáp được các câu hỏi như thế; và chúng ta cũng không nên tìm hiểu tại sao các tai ương vẫn xẩy đến cho bằng hãy tự hỏi là một khi tai họa xẩy ra thì phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào?

Ngày xưa những người đồng thời với Đức Giêsu cho rằng mọi tai họa như bịnh tật, tai ương, chết chóc, v.v… là những hình phạt của Thiên Chúa giáng trên những kẻ mà họ gọi là phường tội lỗi. Còn, những ai thoát nạn thì lại được họ đánh giá là những người đạo đức, công chính và không cần hoán cải.

Đức Giê-su không đồng ý với quan điểm và lối nhìn của những sống cùng thời với Người. Người còn nhìn ra thâm ý của họ khi tường trình lại biến cố này. Họ muốn xem thái độ và cách hành xử của Đức Giê-su trước những biến cố thời sự đang xẩy ra như thế nào?

Có lẽ chúng ta cũng nên đặt biến cố mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay vào hoàn cảnh và môi trường chính trị thời Đức Giê-su đang sống. Thánh Lu-ca tường thuật là máu của họ hoà lẫn với máu của các con vật mà họ dùng để tế lễ. Chi tiết này cho chúng ta biết những người bị Phi-la-tô giết hại hôm nay là những người đang tham dự các nghi thức phụng vụ tai đền thờ. Họ có thể là thành phần của một nhóm yêu nước muốn nổi dậy để đòi quyền tự chủ hay là những người dân vô tội đã vô tình xuất hiện ngay vào lúc có cơn càn quét các nhóm chống đối chính quyền Rô-ma. Vậy nếu Đức Giê-su binh vực họ thì Người sẽ chống lại quân lính của Phi-la-tô và khuyến khích họ đi vào những cuộc nổi dậy không lối thoát. Ngược lại, nếu đồng ý với cách cư xử tàn ác của Phi-la-tô thì Đức Giê-su xem ra lạiđứng về phe của những kẻ có thế lực đang dầy xéo và tạo nên bao nhiêu cảnh lầm than cho dân chúng.

Đức Giê-su xác định rõ lập trường của Người, đó là Người đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha là ban ơn cứu độ, giải thoát con người khỏi căn nguyên của tội lỗi. Vì thế, Người đã không để cho bất cứ một tham vọng chính trị nào ảnh hướng trên sứ vụ của Người. Đức Giê-su đã vặn lại bằng cách hỏi họ rằng “các ông tưởng những người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?” Qua cách đặt vấn đề như thế, Đức Giê-su muốn lôi họ ra thoát khỏi quan niệm của họ khi cho rằng tai hoạ là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống kẻ có tội.

Thưa anh chị em,

Thật ra, giữa tai họa và tội lỗi không có một nối kết nào. Hẳn chúng ta còn nhớ trong phép lạ chữa người mù từ thủa mới sinh, các môn đệ đã lập luận với Thầy mình về tình trạng của người mù. Anh đã làm gì nên tội mà bị mù ngay từ lúc vừa chào đời; và nếu án phạt là hậu quả của tội lỗi thì việc anh bị mù là tội của ai? Đức Giê-su đã trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội (mà anh bị mù). Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ thấy quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.

Theo Đức Giê-su thì tai hoạ không phải là hậu quả của tội lỗi; vì thế Người mới nói thêm về số phận của những người bị tháp Si-lô-ác đè chết, họ cũng không phải là những người mang tội nặng hơn những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem đâu! Tương tự như thế, không lẽ ngày nay có ai trong chúng ta dám nói rằng những nạn nhân đã chết trong các cuộc chiến hay do thiên tai lại là những người có tội hơn chúng ta sao!

Sau đó, Đức Giê-su đã khuyến cáo họ, lời khuyến cáo này rất khẩn thiết và quan trọng vì trong một đoạn văn rất ngắn mà Thánh sử đã lập lại hai lần, Đức Giê-su phán rằng “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu” có nghĩa là số phận của họ không giống như các ông nghĩ là do tội của họ mà ra. Người tiếp tục “… nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.”

Như vậy lời khuyến cáo của Đức Giê-su là lời mời gọi sám hối. Đây cũng không phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ lúc khai mạc sứ vụ Đức Giê-su đã phán “hãy hối cải và Tin vào Tin Mừng.” Hối cải không chỉ là một lịnh truyền cần được nhắc đi nhắc lại từng giây từng phút trong cuộc sống của người môn đệ mà thôi; nó còn là một sự chọn lựa bộc lộ bằng hành động của mình. Muốn hối cải, con người cần trở về với chính mình để nhận ra tình thương của Chúa hoạt động trong chúng ta mãnh liệt dường bao. Và nếu chúng ta không biết hối cải thì cho dù còn sống nhưng thật ra đã chết!  

Việc hối cải không chỉ là nỗ lực riêng của con người; nhưng phát sinh từ Thiên Chúa, Đấng trung tín với sự bất trung và bội tín của con người. Ngài luôn kiên tâm và chờ đợi con người như ý nghĩa trong dụ ngôn cây vả mà chúng ta nghe hôm nay. Người làm vườn đầy tình thương và chờ đợi để nó sinh hoa trái như lời ông ta năn nỉ ‘Thưa ông chủ, xin cứ để nó lại năm nay nữa.’ Còn tình thương và lòng quảng đại nào vĩ đại hơn điều chúng ta vừa nghe. Đã bao nhiêu lần ‘xin cứ để’, và bao nhiêu thời hạn ‘một năm’ đã trôi qua; Chúa vẫn lặng thinh, âm thầm và chờ đợi con người mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót của Ngài.

Suy niệm tới đây, tôi nhớ đến một truyện ngắn đã xẩy ra trong cuộc đời của Vua Na-po-le-on, vị hoàng đế vĩ đại một thời của nước Pháp. Khi mang trách vụ Tổng chỉ huy quân đội, Đại đế Na-po-le-on đã công bố một điều luật là nếu ai vắng mặt không có phép mà bị bắt thì sẽ bị xử tử vào giờ ăn sáng của ngày hôm sau.

Có một chú lính kia, mới 17 tuổi, đã chứng kiến các bạn đồng đội bị bắn khi vi phạm khoản luật nói trên. Nhưng vì quá sợ hãi, cậu chạy trốn; không may cho cậu là trốn không thoát nên số phận của cậu cũng sẽ bị định đoạt trong bữa ăn sáng của ngày kế tiếp.

Có một sự việc xẩy ra rất tình cờ, đó là cậu này lại là con trai bà bếp của nhà vua. Bà xin gặp và van xin lòng thương xót của vua. Sau khi nghe lời van xin thống thiết của bà mẹ; Vua Napoleon vẫn giữ ý định của mình và đuổi bà ra khỏi dinh. Trước khi đuổi bà đi, Vua phán “Bà hay đi, vì con bà không xứng đáng đón nhận lòng thương xót cuả tôi.” Khi nghe như thế, người phụ nữ mới đáp lại: “Thưa Vua, Ngài nói chí phải. Con của tôi không xứng đáng đón nhận lòng thương xót của Ngài. Bởi vì, nếu nó xứng đáng, thì Lòng Thương Xót không còn mang đặc tính của Lòng Thương xót được ban tặng nhưng không cho những ai không xứng đáng đón nhận nữa.” Nghe đến đó, nhà Vua ngồi trầm ngâm suy nghĩ…

Truyện không có đoạn kết. Đó là điều mà chúng ta cần khám phá và thực thi trong cuộc sống và trong mối tương quan của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Tuy chúng ta bất xứng thế mà Chúa vẫn yêu thương, kiên tâm chờ đợi, tìm mọi cách thế để kéo chúng ta trở về nguồn suối yêu thương phát sinh từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Còn chúng ta đã hành xử với nhau ra sao?

Hãy trở về và trao cho nhau điều mà chúng ta đã nhận lĩnh. Amen!

Wednesday, 9 March 2022

ÁNH SÁNG CHÚA BAO PHỦ THÂN TÔI!

 

Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã gặp Đức Giê-su trong sa mạc, nơi Người bị Sa-tan cám dỗ. Tại nơi đó, chúng ta thiếu đủ thứ để sinh tồn. Sa mạc nói lên tình trạng nghèo hèn của thân phận làm người, và chính trong hoàn cảnh đó con người mới biết học cho biết phải sống lệ thuộc vào Thiên Chúa như thế nào. Tuần này thì khác, thực tế là một sự tương phản. Đức Giê-su ở trên núi, bộc lộ vinh quang, tỏa sáng hào quang.

Thật vậy, đây là hành trình Mùa Chay và cũng là cuộc sống hàng ngày của chúng ta, được đánh dấu bằng những thăng trầm. Làm thế nào để những trải nghiệm trên núi của các môn đệ hôm nay có thể giúp chúng ta tiến bước về phía trước?

Đã có giây phút tôi nghĩ rằng cuộc sống sẽ khá hơn nếu tôi ý thức rằng Chúa hằng ở bên tôi?

Rồi tôi lại mơ: giả như Chúa hiện diện, nói rõ ràng, trực tiếp và minh bạch cho tôi nghe thấy tiếng của Người thì hay biết mấy?

Nhất là khi cuộc sống đang gặp khó khăn, đối diện với các thử thách, tuôn đến một lúc khiến tôi không biết phải tháo gỡ như thế nào… Lúc đó mà có Chúa thì mọi sự sẽ trở thành dễ dàng hơn, phải không?

Nhưng trên thực tế, cuộc sống không phải như vậy! Đây là câu chuyện và cũng là một trải nghiệm.

Với biến cố xẩy ra trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nuớc và dân tộc Việt Nam đã bước sang một trang sử mới. Miền Nam thất thủ. Cả nước tuy được thống nhất nhưng lại nằm dưới ách thống trị của chế độ cộng sản. Cuộc sống của chúng ta trong giai đoạn giao thời đó thật khó khăn. Hội Thánh phải dè dặt trong mọi sinh hoạt để thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền. Bọn dân đen ngửa cổ trông chờ chỉ thị và hướng dẫn của các vị lãnh đạo. Các tu viện bị hạn chế sinh hoạt, các cơ sở và chương trình đào tạo tạm đóng cửa. Mọi sinh hoạt tôn giáo đã được thu gọn lại trong khuôn viên của xứ đạo và nhà thờ. Một tâm trạng sợ hãi bao trùm khiến con người cảm thấy bị nghẹt thở.

Giống như bao nhiêu người khác. Tôi cũng chới với, nhất là trong hoàn cảnh của một người đang đi tìm hướng đi cho cuộc sống. Tương lai mù mịt, hướng đi bị che lấp bởi các áng mây, càng nỗ lực tìm kiếm càng nhìn thấy khó khăn.

Cho đến một buổi chiều Thứ Bẩy kia. Tôi lại được nghe bài Tin Mừng nói về cuộc hiển dung của Đức Giêsu. Sau đó, vị linh mục thao thao bất tuyệt giải thích ý nghĩa của sự kiện; còn tôi ngồi đó mà lòng trí và tâm hồn lại để chỗ khác. Tôi cố gắng hình dung và đặt thực trạng đời mình như một người trong cuộc, cùng với các môn đệ được vinh phúc cảm nhận sự vinh hiển, dung nhan sáng ngời của Đức Giê-su. Hẳn nhiên tôi không được diễm phúc nhìn thấy bằng đôi mắt của mình. Tôi cũng không có diễm phúc nhìn thấy cuộc thần hiện của Người. Tất cả chỉ là suy tưởng. Nhưng, tôi đã trải qua những phút giây thật tuyệt diệu như phản ứng muốn dựng lều của Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay. Phê-rô đã xin một điều mà chính ông không biết đã xin gì nữa. Còn tôi, cho dù không nhớ hết các diễn tiến đã xẩy ra, nhưng có một điều duy nhất mà tôi không bao giờ quên, đó là sự biến đổi mà tôi vừa nhận ra: thay vì sợ sệt, tôi đã hiên ngang đón nhận; thay vì buông xuôi và chạy trốn tôi đã liều mình bước tới, cho dù chẳng biết mình sẽ buớc đi đâu! Nói chung, giây phút trào dâng đầy mật ngọt này đã xẩy ra một lần trong đời và cho đến nay, sau gần năm mươi năm, tôi chẳng có thêm những cảm nghiệm như thế nữa.

Anh chị em thân mến,

Tôi đoán nhiều người trong chúng ta đã có những giây phút thấy sự hiện diện của Chúa rất gần gũi, để lại trong ta một kinh nghiệm thật sâu sắc về sự hiện diện của Người. Nhưng nếu có ai may mắn có được trải nghiệm về sự thần hiện của Thiên Chúa thì chúng ta cũng biết rằng những khoảnh khắc này sẽ biến mất nhanh chóng như khi nó xuất hiện và tất cả những gì còn lại chỉ là ký ức. Và có lẽ chúng ta sẽ mong mỏi có nhiều kinh nghiệm giống như thế nữa. Và nếu đó là điều mà chúng ta mong ước thì chúng ta cũng giống như các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Câu chuyện này, mà chúng ta gọi là Chúa hiển dung, là một trong những câu chuyện quan trọng nhất trong các sách Phúc âm. Biến cố này đã xẩy ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giê-su, nhưng không phải cho chính Người mà là vì lợi ích của các môn đồ. Qua biến cố hiển dung của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương, săn sóc và quan tâm đến tình trạng của các môn đồ và chúng ta biết bao. Người hiểu rõ những điểm yếu của các môn đệ; Người biết ý định sai lầm khi tìm kiếm địa vị của Gio-an và Gia-cô-bê, v.v… Người cũng biết rằng họ không đủ sức để chấp nhận những đau khổ mà Người sẽ phải nhận trong hành trình Thương Khó; và cuối cùng làm sao họ có thể chấp nhận Đấng mà họ tôn thờ là Chúa, là Chủ của họ lại phải trải qua đau khổ và cái chết trên Thánh Giá rồi mới được vinh quang.

Trong hành trình đức tin của chúng ta, những kinh nghiệm về ‘Sự Biến Hình’ rất quan trọng và cần thiết. Tất cả chúng ta cần và nên ghi nhớ những kinh nghiệm này. Đôi khi những trải nghiệm đó xảy ra rất tình cờ, nhưng ân sủng và hành động của Chúa sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta, Chúa chưa hề bỏ rơi chúng ta.

Vì vậy, khi chuẩn bị đón nhận bánh và rượu trong bữa tiệc Thánh Thể hôm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa mọi điều xảy ra trong đời sống của chúng ta; tất cả niềm vui và nỗi buồn, niềm hoan lạc và sự tổn thương, nỗi thất vọng cũng như những dự án, sự thành công và các nút thắt dẫn đưa chúng ta vào ngõ cụt… dâng tất cả cho Người. Trong kinh nguyện, chúng ta cầu xin Người hiển dung, biến đổi cuộc sống của chúng ta. Bởi vì, chúng ta tin rằng qua cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su trong bánh và rượu, chúng ta sẽ được tỏa sáng bởi ánh hào quang của Đức Chúa mà chúng ta lĩnh nhận.

Sau cùng, Chúa đang hiện diện ở đây, ngay trong lúc này và có cả Thánh Linh của Người nữa. Như thế chúng ta sẽ được biến đổi. Amen!

Wednesday, 2 March 2022

CÓ CHÚA TA SẼ CHIẾN THẮNG


Vào các Mùa Chay hàng năm, Hội Thánh thường nhắc cho chúng ta nhớ đến các việc đạo đức như ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Xét mình để chuẩn bị bước vào Mùa Chay, tôi mới nhận ra một điều là mình chưa làm được gì hết. Vì thế, tuy nội dung của sứ điệp rất cũ, nhưng việc áp dụng và thực hành trong đời sống vẫn cần thiết. Các việc làm đó không chỉ nói lên tính đạo đức hay cử chỉ hy sinh cho bằng qua các việc làm đó chúng ta bộc lộ bản chất thánh thiện của người tín hữu mà chỉ trong Chúa chúng ta mới có.

Vì thế, Mùa Chay bao giờ cũng là thời gian thuận tiện, thời khắc ân sủng để chúng ta có cơ hội nhìn lại, lau chùi và sắp xếp cuộc sống của chính mình sao cho phù hợp với cuộc sống và sứ vụ của Đức Giê-su, nhất là thông phần vào mầu nhiệm chết và sống lại của Người.

Và trong phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay năm nay, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy gẫm ba cuộc thử thách tiêu biểu trong muôn vàn cám dỗ khác mà Đức Giê-su đã phải đương đầu khi thi hành sứ vụ. Và đây cũng là các thử thách mà các môn đệ và mọi thành phần trong cộng đoàn sẽ gặp, trong đó có cả chúng ta nữa.

Thưa anh chị em,

Cho dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đối diện với bao cám dỗ, đã trải qua muôn vàn thử thách và đau khổ để học cho được bài học vâng phục ý định của Thiên Chúa, Cha Người. Và hôm nay, trong tư cách làm ‘Con Thiên Chúa’ Đức Giê-su sẽ cho chúng ta biết Người sẽ hành động như thế nào? Người sẽ đi tìm vinh quang và biểu lộ uy quyền cho người ta thấy mình là Con Thiên Chúa hay là lắng nghe và để cho sức mạnh của Lời Chúa ứng nghiệm qua sự vâng phục của Người!

Cơn cám dỗ đầu tiên là biến đá thành bánh.

Cơm ăn áo mặc là  nhu cầu chính đáng của con người; nhất là sau khi đã nhịn đói bốn mươi đêm ngày thì giờ đây chính là cơ hội để cho họ thấy quyền năng của Con Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho đá thành bánh, bộc lộ uy quyền cho họ sáng mắt sáng lòng. Nhưng là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su chấp nhận tất cả mọi sự từ Thiên Chúa, Cha của Người và chỉ từ Cha mà thôi. Cuộc sống của Người bao gồm cả sứ vụ đang thi hành đều xuất phát từ Cha, nên Người phải lệ thuộc vào Cha Ngài.

Vì thế, cho dù vẫn biết bánh và của ăn cần thiết cho việc nuôi dưỡng cơ thể; nhưng Đức Giê-su còn biết rằng sự sống của con người không chỉ lệ thuộc vào của ăn mà thôi. Nói như thế, có nghĩa là cho dù phải đói khát, Người vẫn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lo cho Người, Cha Người sẽ cung cấp lương thực nuôi dưỡng Người. Phần Người hãy lo tìm kiếm và thực hiện ý Cha trước.

Như vậy, đối diện với thử thách thứ nhất, Đức Giê-su hôm nay và trong những ngày thi hành sứ vụ đã khước từ các gợi ý mà ma quỷ đưa ra, Người chỉ biết bám lấy ý định và việc dậy bảo của Thiên Chúa. Đó là lẽ sống nuôi duỡng và là sức mạnh giúp Người thực hiện sứ mạng.

Cám dỗ thứ hai là cơn cám dỗ về việc sở hữu quyền lực.

Trước đề nghị và lời hứa của ma quỷ hình như là một cạm bẫy. Vinh quang và quyền quý luôn là các ước mơ của con người; tuy nhiên phuơng thức để đạt đuợc các điều đó khiến cho con người trở thành nạn nhân của thứ vinh quang hão huyền, để rồi khi đạt được, con người có thể sẽ mất đi chính họ.

Như chúng ta đã từng kinh nghiệm, quyền lực thì thống trị và đi ngược lại với uy quyền. Ở đây ma quỷ đưa ra một lời thỏa hiệp trắng trợn. Thói vinh hoa trong cám dỗ này thuộc quyền sở hữu của thần dữ. Và một khi con người chấp nhận thỏa hiệp này thì chính mình lại trở thành nạn nhân cho chúng. Đức Giê-su đã quyết liệt từ khước lề thói thỏa hiệp này. Người khẳng định niềm tin và sự chọn lựa đứng về bên Thiên Chúa, cho dù phải kinh qua đau khổ Người vui lòng chấp nhận miễn là sao cho Lời Chúa được ứng nghiệm. Đó chính là vũ khí tối hậu để chống trả các cơn cám dỗ.

Đức Giê-su đã không đến và dùng quyền lực để lôi kéo đám đông; nhưng qua uy quyền của kẻ làm tôi tớ, Người đã thực hiện một vương quốc yêu thương, vương quốc vĩnh cửu và an bình. Đức Giê-su chỉ đón nhận vuơng quyền từ Thiên Chúa mà vuơng quyền đó được thể hiện qua việc hiến dâng và trở thành tôi tớ của muôn  người. Đó mới là vuơng quyền đích thật không do tay người phàm tạo ra, nhưng được xuất phát và ban tặng bởi Thiên Chúa qua sự vâng phục của người Con.

Cuộc cám dỗ cuối cùng là ép Chúa làm theo ý mình.

Ma quỷ đưa ra một lời đề nghị thật hoành tráng cho Đức Giê-su và những ai nghĩ rằng mình có quyền, rồi dùng quyền để làm cho mọi người phải qui phục. Đã nghĩ như thế thì tại sao không thả mình xuống để thử coi Thiên Chúa có cứu Người hay không? Thật thú vị cho lối suy nghĩ bắt Chúa làm theo ý mình.

Đức Giê-su đã có thái độ ngược lại, Người không dám thử thách uy quyền cuả Thiên Chúa và đòi buộc Cha phải thực hiện những phép lạ để bảo vệ Người. Trái lại, những gì mà Người trải nghiệm tại Giê-ru-sa-lem sẽ là sự từ khước, nỗi xấu hổ và bị nhục mạ. Nhưng chính qua các trải nghiệm và cho đi tận cùng của Con Thiên Chúa, ngay cả khi trần trụi trên Thập Giá, Đức Giê-su đã chẳng đòi hỏi hay cầu xin Thiên Chúa ra tay cứu Người. Đức Giê-su tin vào điều đó, nhưng chỉ là một niềm tin sắt son, không cần kiểm chứng. Người tin vào Thiên Chúa sẽ hoàn thành chương trình của Ngài trong việc Người làm, thế và chỉ có thế thôi. Vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người, nâng Người dậy và ban cho Người một danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, để cả gầm trời này phải quì xuống mà suy tôn Người là Chúa.

Tóm lại, không chỉ là ba cám dỗ được trình bầy hôm nay mà thôi. Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu đã đối diện với muôn vàn thử thách. Và với quyền năng của Thần Khí, sự hỗ trợ của Cha Người, Đức Giê-su đã chiến thắng tất cả các cám dỗ.

Thưa anh chị em,

Hôm nay, khi suy niệm về các cuộc cám dỗ mà Đức Giê-su đã trải qua, chúng ta nhớ lại điều mà tác giả thư Do Thái đã viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,” (Dt 6:8-9)

Phần chúng ta cũng thế. Là thành viên của Hội Thánh; với tư cách của một tín hữu và là con yêu dấu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống và tuân theo ý định của Thiên Chúa, không được phép dùng Chúa hay Lời của Người như một công cụ để đáp ứng nhu cầu riêng mình. Thế mà, vẫn còn một số viên chức, đã nhân danh hai chữ uy quyền để buộc ngưòi khác làm theo ý mình. Các đấng bề trên, những người lãnh đạo thay vì giúp người khác nhận ra ý Chúa mà thi hành; trái lại vẫn còn một số người, cho dù là rất ít, đã lạm dụng hai chữ ‘vâng lời’ để bắt người khác phải vâng theo sự khôn ngoan của các ngài. Cuối cùng, uy quyền không được dùng như một khí cụ để bộc lộ tình yêu, mà đã biến thành luỡi gươm của quyền lực để chà đạp và gây tổn thương cho các phần tử bé nhỏ, mỏng dòn và yếu đuối khác.

Có một thực tế rất hiển nhiên mà chúng ta nên can đảm nhìn nhận. Thử thách hay còn gọi là cám dỗ là điều không thể thiếu vắng trong đời sống của các kẻ tin nói riêng và đời sống cộng thể nói chung. Và, không một ai trong chúng ta có thể tránh thoát được các cạm bẫy của ma quỷ hay các quyền lực của sự dữ ẩn núp duới các chiêu bài khác nhau để lôi kéo chúng ta đi ngược lại Ý Chúa. Cạm bẫy đó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh của cuộc sống. Nhiều lúc nó đã đến với chúng ta dưới nhãn hiệu ‘nhu cầu mục vụ’, ‘giúp đỡ kẻ khác’, v.v..

Cám dỗ nào cũng ngọt ngào, hấp dẫn, gẫn gũi và quen thuộc đến mức độ khó phân biệt. Thử thách nào cũng đòi chúng ta phải biện phân và chọn lựa. Chỉ có sự hiện diện của Chúa, Đấng đã đối diện và chiến thắng thần dữ mới giúp và mở lòng cho chúng ta nhận ra đâu là Ý Chúa mà học cho được vâng phục. Thánh Ý của Ngài luôn vuợt qua những đắng cay và đau khổ mà chúng ta phải đối diện và gánh chịu khi chọn lựa.

Chọn Chúa để tôn thờ hay làm theo ý riêng mình?

Chọn yêu và phục vụ anh em hay yêu chính mình rồi làm tổn thương người khác?  

Xin Thiên Chúa chúc lành và giúp chúng ta chọn đúng. Amen