Wednesday, 16 March 2022

THƯƠNG XÓT: CÁNH CỬA CỦA SÁM HỐI


Từ đầu năm 2022 đến nay, chúng ta tiếp tục chiến đấu với sự bùng phát của biến thể Omicron của Covid-19 gây ra. Rồi cuộc xâm lăng bùng nổ bên Ukraine khiến bao nhiêu người dân vô tội bị chết thảm thương, chưa kể đến hàng triệu người đi tránh nạn. Chiến tranh chưa chấm dứt; thiên tai lại ập đến, cuốn trôi sinh mạng, nhà cửa, tài sản của bao thường dân tại NSW và QLD đang phải gánh chịu.

Trong khi đó, ở cấp độ cá nhân, nhiều người trong chúng ta còn phải vật lộn với những bi kịch riêng tư - những người thân yêu bị chết cô đơn và tức tưởi, những tai nạn để lại hậu quả tàn khốc, những trẻ thơ bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, v.v...

Đương nhiên, chúng ta luôn hỏi: "Tại sao?" Tại sao điều này phải xảy ra? Dường như quyền quyết định về cuộc sống của các nạn nhân bởi chiến tranh hay bạo loạn không nằm trong tay họ mà lại được quyết định bởi những người cầm quyền. Họ ngồi trong bốn bức tường, được bảo vệ, rồi bấm nút ra lịnh khiến cho những thường dân vô tội, đáng được yêu thương chết thảm và gây ra bao thảm họa cho dân chúng.

Đứng trước những tai uơng, các biến cố đem lại đau khổ, tai hoạ và chết chóc như thế; người ta lại đặt những vấn nạn như:

-          Chúa ở đâu, khi các bi kịch này cứ xảy ra trên thế giới?

-          Chúa ở đâu, khi người vô tội lại gặp toàn những chuyện bất hạnh và khổ đau?

Không một ai trong chúng ta có thể giải đáp được các câu hỏi như thế; và chúng ta cũng không nên tìm hiểu tại sao các tai ương vẫn xẩy đến cho bằng hãy tự hỏi là một khi tai họa xẩy ra thì phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào?

Ngày xưa những người đồng thời với Đức Giêsu cho rằng mọi tai họa như bịnh tật, tai ương, chết chóc, v.v… là những hình phạt của Thiên Chúa giáng trên những kẻ mà họ gọi là phường tội lỗi. Còn, những ai thoát nạn thì lại được họ đánh giá là những người đạo đức, công chính và không cần hoán cải.

Đức Giê-su không đồng ý với quan điểm và lối nhìn của những sống cùng thời với Người. Người còn nhìn ra thâm ý của họ khi tường trình lại biến cố này. Họ muốn xem thái độ và cách hành xử của Đức Giê-su trước những biến cố thời sự đang xẩy ra như thế nào?

Có lẽ chúng ta cũng nên đặt biến cố mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay vào hoàn cảnh và môi trường chính trị thời Đức Giê-su đang sống. Thánh Lu-ca tường thuật là máu của họ hoà lẫn với máu của các con vật mà họ dùng để tế lễ. Chi tiết này cho chúng ta biết những người bị Phi-la-tô giết hại hôm nay là những người đang tham dự các nghi thức phụng vụ tai đền thờ. Họ có thể là thành phần của một nhóm yêu nước muốn nổi dậy để đòi quyền tự chủ hay là những người dân vô tội đã vô tình xuất hiện ngay vào lúc có cơn càn quét các nhóm chống đối chính quyền Rô-ma. Vậy nếu Đức Giê-su binh vực họ thì Người sẽ chống lại quân lính của Phi-la-tô và khuyến khích họ đi vào những cuộc nổi dậy không lối thoát. Ngược lại, nếu đồng ý với cách cư xử tàn ác của Phi-la-tô thì Đức Giê-su xem ra lạiđứng về phe của những kẻ có thế lực đang dầy xéo và tạo nên bao nhiêu cảnh lầm than cho dân chúng.

Đức Giê-su xác định rõ lập trường của Người, đó là Người đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha là ban ơn cứu độ, giải thoát con người khỏi căn nguyên của tội lỗi. Vì thế, Người đã không để cho bất cứ một tham vọng chính trị nào ảnh hướng trên sứ vụ của Người. Đức Giê-su đã vặn lại bằng cách hỏi họ rằng “các ông tưởng những người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?” Qua cách đặt vấn đề như thế, Đức Giê-su muốn lôi họ ra thoát khỏi quan niệm của họ khi cho rằng tai hoạ là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống kẻ có tội.

Thưa anh chị em,

Thật ra, giữa tai họa và tội lỗi không có một nối kết nào. Hẳn chúng ta còn nhớ trong phép lạ chữa người mù từ thủa mới sinh, các môn đệ đã lập luận với Thầy mình về tình trạng của người mù. Anh đã làm gì nên tội mà bị mù ngay từ lúc vừa chào đời; và nếu án phạt là hậu quả của tội lỗi thì việc anh bị mù là tội của ai? Đức Giê-su đã trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội (mà anh bị mù). Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ thấy quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.

Theo Đức Giê-su thì tai hoạ không phải là hậu quả của tội lỗi; vì thế Người mới nói thêm về số phận của những người bị tháp Si-lô-ác đè chết, họ cũng không phải là những người mang tội nặng hơn những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem đâu! Tương tự như thế, không lẽ ngày nay có ai trong chúng ta dám nói rằng những nạn nhân đã chết trong các cuộc chiến hay do thiên tai lại là những người có tội hơn chúng ta sao!

Sau đó, Đức Giê-su đã khuyến cáo họ, lời khuyến cáo này rất khẩn thiết và quan trọng vì trong một đoạn văn rất ngắn mà Thánh sử đã lập lại hai lần, Đức Giê-su phán rằng “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu” có nghĩa là số phận của họ không giống như các ông nghĩ là do tội của họ mà ra. Người tiếp tục “… nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy.”

Như vậy lời khuyến cáo của Đức Giê-su là lời mời gọi sám hối. Đây cũng không phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ lúc khai mạc sứ vụ Đức Giê-su đã phán “hãy hối cải và Tin vào Tin Mừng.” Hối cải không chỉ là một lịnh truyền cần được nhắc đi nhắc lại từng giây từng phút trong cuộc sống của người môn đệ mà thôi; nó còn là một sự chọn lựa bộc lộ bằng hành động của mình. Muốn hối cải, con người cần trở về với chính mình để nhận ra tình thương của Chúa hoạt động trong chúng ta mãnh liệt dường bao. Và nếu chúng ta không biết hối cải thì cho dù còn sống nhưng thật ra đã chết!  

Việc hối cải không chỉ là nỗ lực riêng của con người; nhưng phát sinh từ Thiên Chúa, Đấng trung tín với sự bất trung và bội tín của con người. Ngài luôn kiên tâm và chờ đợi con người như ý nghĩa trong dụ ngôn cây vả mà chúng ta nghe hôm nay. Người làm vườn đầy tình thương và chờ đợi để nó sinh hoa trái như lời ông ta năn nỉ ‘Thưa ông chủ, xin cứ để nó lại năm nay nữa.’ Còn tình thương và lòng quảng đại nào vĩ đại hơn điều chúng ta vừa nghe. Đã bao nhiêu lần ‘xin cứ để’, và bao nhiêu thời hạn ‘một năm’ đã trôi qua; Chúa vẫn lặng thinh, âm thầm và chờ đợi con người mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót của Ngài.

Suy niệm tới đây, tôi nhớ đến một truyện ngắn đã xẩy ra trong cuộc đời của Vua Na-po-le-on, vị hoàng đế vĩ đại một thời của nước Pháp. Khi mang trách vụ Tổng chỉ huy quân đội, Đại đế Na-po-le-on đã công bố một điều luật là nếu ai vắng mặt không có phép mà bị bắt thì sẽ bị xử tử vào giờ ăn sáng của ngày hôm sau.

Có một chú lính kia, mới 17 tuổi, đã chứng kiến các bạn đồng đội bị bắn khi vi phạm khoản luật nói trên. Nhưng vì quá sợ hãi, cậu chạy trốn; không may cho cậu là trốn không thoát nên số phận của cậu cũng sẽ bị định đoạt trong bữa ăn sáng của ngày kế tiếp.

Có một sự việc xẩy ra rất tình cờ, đó là cậu này lại là con trai bà bếp của nhà vua. Bà xin gặp và van xin lòng thương xót của vua. Sau khi nghe lời van xin thống thiết của bà mẹ; Vua Napoleon vẫn giữ ý định của mình và đuổi bà ra khỏi dinh. Trước khi đuổi bà đi, Vua phán “Bà hay đi, vì con bà không xứng đáng đón nhận lòng thương xót cuả tôi.” Khi nghe như thế, người phụ nữ mới đáp lại: “Thưa Vua, Ngài nói chí phải. Con của tôi không xứng đáng đón nhận lòng thương xót của Ngài. Bởi vì, nếu nó xứng đáng, thì Lòng Thương Xót không còn mang đặc tính của Lòng Thương xót được ban tặng nhưng không cho những ai không xứng đáng đón nhận nữa.” Nghe đến đó, nhà Vua ngồi trầm ngâm suy nghĩ…

Truyện không có đoạn kết. Đó là điều mà chúng ta cần khám phá và thực thi trong cuộc sống và trong mối tương quan của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Tuy chúng ta bất xứng thế mà Chúa vẫn yêu thương, kiên tâm chờ đợi, tìm mọi cách thế để kéo chúng ta trở về nguồn suối yêu thương phát sinh từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Còn chúng ta đã hành xử với nhau ra sao?

Hãy trở về và trao cho nhau điều mà chúng ta đã nhận lĩnh. Amen!

No comments:

Post a Comment