Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã
gặp Đức Giê-su trong sa mạc, nơi Người bị Sa-tan cám dỗ. Tại nơi đó, chúng ta
thiếu đủ thứ để sinh tồn. Sa mạc nói lên tình trạng nghèo hèn của thân phận làm
người, và chính trong hoàn cảnh đó con người mới biết học cho biết phải sống lệ
thuộc vào Thiên Chúa như thế nào. Tuần này thì khác, thực tế là một sự tương phản.
Đức Giê-su ở trên núi, bộc lộ vinh quang, tỏa sáng hào quang.
Thật vậy, đây là hành trình Mùa
Chay và cũng là cuộc sống hàng ngày của chúng ta, được đánh dấu bằng những
thăng trầm. Làm thế nào để những trải nghiệm trên núi của các môn đệ hôm nay có
thể giúp chúng ta tiến bước về phía trước?
Đã có giây phút tôi nghĩ rằng cuộc
sống sẽ khá hơn nếu tôi ý thức rằng Chúa hằng ở bên tôi?
Rồi tôi lại mơ: giả như Chúa hiện
diện, nói rõ ràng, trực tiếp và minh bạch cho tôi nghe thấy tiếng của Người thì
hay biết mấy?
Nhất là khi cuộc sống đang gặp khó
khăn, đối diện với các thử thách, tuôn đến một lúc khiến tôi không biết phải tháo
gỡ như thế nào… Lúc đó mà có Chúa thì mọi sự sẽ trở thành dễ dàng hơn, phải
không?
Nhưng trên thực tế, cuộc sống
không phải như vậy! Đây là câu chuyện và cũng là một trải nghiệm.
Với biến cố xẩy ra trong ngày 30
tháng 4 năm 1975, đất nuớc và dân tộc Việt Nam đã bước sang một trang sử mới. Miền
Nam thất thủ. Cả nước tuy được thống nhất nhưng lại nằm dưới ách thống trị của chế
độ cộng sản. Cuộc sống của chúng ta trong giai đoạn giao thời đó thật khó khăn.
Hội Thánh phải dè dặt trong mọi sinh hoạt để thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền.
Bọn dân đen ngửa cổ trông chờ chỉ thị và hướng dẫn của các vị lãnh đạo. Các tu
viện bị hạn chế sinh hoạt, các cơ sở và chương trình đào tạo tạm đóng cửa. Mọi
sinh hoạt tôn giáo đã được thu gọn lại trong khuôn viên của xứ đạo và nhà thờ.
Một tâm trạng sợ hãi bao trùm khiến con người cảm thấy bị nghẹt thở.
Giống như bao nhiêu người khác.
Tôi cũng chới với, nhất là trong hoàn cảnh của một người đang đi tìm hướng đi
cho cuộc sống. Tương lai mù mịt, hướng đi bị che lấp bởi các áng mây, càng nỗ lực
tìm kiếm càng nhìn thấy khó khăn.
Cho đến một buổi chiều Thứ Bẩy
kia. Tôi lại được nghe bài Tin Mừng nói về cuộc hiển dung của Đức Giêsu. Sau đó,
vị linh mục thao thao bất tuyệt giải thích ý nghĩa của sự kiện; còn tôi ngồi đó
mà lòng trí và tâm hồn lại để chỗ khác. Tôi cố gắng hình dung và đặt thực trạng
đời mình như một người trong cuộc, cùng với các môn đệ được vinh phúc cảm nhận
sự vinh hiển, dung nhan sáng ngời của Đức Giê-su. Hẳn nhiên tôi không được diễm
phúc nhìn thấy bằng đôi mắt của mình. Tôi cũng không có diễm phúc nhìn thấy cuộc
thần hiện của Người. Tất cả chỉ là suy tưởng. Nhưng, tôi đã trải qua những phút
giây thật tuyệt diệu như phản ứng muốn dựng lều của Phê-rô trong bài Tin Mừng
hôm nay. Phê-rô đã xin một điều mà chính ông không biết đã xin gì nữa. Còn tôi,
cho dù không nhớ hết các diễn tiến đã xẩy ra, nhưng có một điều duy nhất mà tôi
không bao giờ quên, đó là sự biến đổi mà tôi vừa nhận ra: thay vì sợ sệt, tôi
đã hiên ngang đón nhận; thay vì buông xuôi và chạy trốn tôi đã liều mình bước tới,
cho dù chẳng biết mình sẽ buớc đi đâu! Nói chung, giây phút trào dâng đầy mật
ngọt này đã xẩy ra một lần trong đời và cho đến nay, sau gần năm mươi năm, tôi
chẳng có thêm những cảm nghiệm như thế nữa.
Anh chị em thân mến,
Tôi đoán nhiều người trong chúng
ta đã có những giây phút thấy sự hiện diện của Chúa rất gần gũi, để lại trong
ta một kinh nghiệm thật sâu sắc về sự hiện diện của Người. Nhưng nếu có ai may
mắn có được trải nghiệm về sự thần hiện của Thiên Chúa thì chúng ta cũng biết rằng
những khoảnh khắc này sẽ biến mất nhanh chóng như khi nó xuất hiện và tất cả những
gì còn lại chỉ là ký ức. Và có lẽ chúng ta sẽ mong mỏi có nhiều kinh nghiệm giống
như thế nữa. Và nếu đó là điều mà chúng ta mong ước thì chúng ta cũng giống như
các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Câu chuyện này, mà chúng ta gọi
là Chúa hiển dung, là một trong những câu chuyện quan trọng nhất trong các sách
Phúc âm. Biến cố này đã xẩy ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Chúa
Giê-su, nhưng không phải cho chính Người mà là vì lợi ích của các môn đồ. Qua biến
cố hiển dung của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương, săn
sóc và quan tâm đến tình trạng của các môn đồ và chúng ta biết bao. Người hiểu
rõ những điểm yếu của các môn đệ; Người biết ý định sai lầm khi tìm kiếm địa vị
của Gio-an và Gia-cô-bê, v.v… Người cũng biết rằng họ không đủ sức để chấp nhận
những đau khổ mà Người sẽ phải nhận trong hành trình Thương Khó; và cuối cùng
làm sao họ có thể chấp nhận Đấng mà họ tôn thờ là Chúa, là Chủ của họ lại phải trải
qua đau khổ và cái chết trên Thánh Giá rồi mới được vinh quang.
Trong hành trình đức tin của
chúng ta, những kinh nghiệm về ‘Sự Biến Hình’ rất quan trọng và cần thiết. Tất
cả chúng ta cần và nên ghi nhớ những kinh nghiệm này. Đôi khi những trải nghiệm
đó xảy ra rất tình cờ, nhưng ân sủng và hành động của Chúa sẽ giúp chúng ta nhận
ra rằng Chúa luôn ở cùng chúng ta, Chúa chưa hề bỏ rơi chúng ta.
Vì vậy, khi chuẩn bị đón nhận
bánh và rượu trong bữa tiệc Thánh Thể hôm nay, chúng ta dâng lên Thiên Chúa mọi
điều xảy ra trong đời sống của chúng ta; tất cả niềm vui và nỗi buồn, niềm hoan
lạc và sự tổn thương, nỗi thất vọng cũng như những dự án, sự thành công và các
nút thắt dẫn đưa chúng ta vào ngõ cụt… dâng tất cả cho Người. Trong kinh nguyện,
chúng ta cầu xin Người hiển dung, biến đổi cuộc sống của chúng ta. Bởi vì,
chúng ta tin rằng qua cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su trong bánh và rượu, chúng ta sẽ
được tỏa sáng bởi ánh hào quang của Đức Chúa mà chúng ta lĩnh nhận.
Sau cùng, Chúa đang hiện diện ở
đây, ngay trong lúc này và có cả Thánh Linh của Người nữa. Như thế chúng ta sẽ được
biến đổi. Amen!
No comments:
Post a Comment