Thursday, 30 June 2022

BÌNH AN CHO ANH CHỊ EM!


Cùng với Đức Giê-su và các môn đệ, chúng ta trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, đỉnh cao của sứ vụ, để thông chia cuộc khổ nạn và sự chết của Người. Trên con đường đó, Đức Giê-su đã ghé vào làng Sa-ma-ri-a và người ta đã từ chối tiếp đón Người. Cho dù như thế, Đức Giê-su vẫn tiếp tục đi, Người và các môn đệ đã đi sang làng khác và trên lối đi này, Đức Giê-su đã gặp ba người muốn đi theo Người. Nhưng họ lại vịn vào các lý do, dường như rất hợp lý, để sắp xếp dự định làm môn đệ theo tiêu chuẩn của họ. Vì thế, nhân cơ hội này, Đức Giê-su đã đưa ra những yêu cầu mà người môn đệ của Người cần phải có.

Tiếp theo các điều kiện cần có để theo Chúa là bài tường thuật mô tả việc Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai môn đệ ra đi. Sứ mạng của họ không dễ dàng, họ được sai đi giống như chiên vào giữa đàn sói. Người khuyên bảo họ không nên chất quá nhiều những thứ không cần thiết, không mang theo túi tiền, bao bị và giầy dép; nhất là không lãng phí thời gian trên đường đi và gấp rút đến những nơi có những người sẵn sàng đón tiếp các ông. 

Những lời khuyên ‘từ bỏ’ của Đức Giê-su hôm nay nói lên tính cách khẩn thiết của việc rao giảng Tin Mừng. Điều quan trọng nhất mà người môn đệ cần có là tấm lòng. Tấm lòng gắn bó với Chúa và tha nhân. Từ mối quan hệ đó, chúng ta ý thức và chấp nhận giới hạn của chính mình để cần sự dậy bảo của Chúa, sự trợ giúp của cộng đoàn mà hoàn thành nhiệm vụ đã được Chúa trao phó. Khi đã có tinh thần và thái độ nhẹ nhàng không dính bén như thế, chúng ta thanh thản thi hành sứ vụ.

Sứ vụ bao gồm việc làm và lời nói. Dĩ nhiên lời nói và việc làm của người môn đệ phải hợp nhất. Việc làm là giới thiệu Nước Thiên Chúa đã đến gần. Đức Giê-su sai nhóm Bẩy Mươi Hai đi vào các nơi mà Người sẽ đến. Bổn phận của họ là giới thiệu và chuẩn bị cho việc Đức Giê-su sẽ đến. Người chính là dấu chỉ biểu hiện  Vương quyền của Thiên Chúa. Còn sứ điệp mà các môn đệ đem đến cho người nghe là gì?

Hãy nghe Chúa phán với các môn đệ khi các con vào nhà nào thì hãy nói bình an cho họ trước tiên, sau đó loan báo cho họ biết Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chúng ta nên để ý rằng, Đức Giê-su không hề nói các môn đệ hãy thẩm định hay đánh giá xem đối tượng mà các môn đệ trao ban bình an là ai? Họ có phải là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham hay không? Họ có tuân thủ những điều mà lề luật dậy bảo để xứng đáng đón nhận tin vui mà Người mang đến hay không? Họ có phải là tín hữu hay không? Không cần biết họ là ai. Chúng ta chỉ cần biết là họ mở lòng ra đón tiếp. Còn chúng ta vừa bước chân vào nhà của họ thì việc đầu tiên cần làm là trao cho họ sự bình an.              

Như vậy, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, mỗi khi chúng ta đến với người khác, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tạo bầu khí an bình giữa ta và họ, có nghĩa là trước khi chia sẻ bình an cho người khác thì các môn đệ của Chúa phải có sự an bình trước. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể trao ban bình an cho người khác trong khi lòng mình còn lo lắng quá nhiều về các thứ khác!

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào thực trạng của thế giới hiện nay, cho dù có lạc quan đến đâu, chúng ta cũng không thể phủ nhận hiện tại còn rất nhiều nơi cần đến sự an bình của Chúa, dĩ nhiên qua bàn tay và con tim của chúng ta. Khi đối mặt với những bi kịch và thảm họa gây ra bởi chiến tranh và các cuộc khủng bố trên thế giới khiến lòng chúng ta đau nhói. Cũng chỉ vì những bi kịch đó khiến nhiều người phải đi tìm sự sống trong cái chết; họ đã trải qua bao nguy hiểm để tìm chốn an bình. Thế mà với thân phận của những con người tầm trú, họ lại bị khước từ và hất hủi của thế giới khiến họ lâm vào tình trạng thất vọng. Còn bao nhiêu con người đang bị đau khổ vì là nạn nhân của sự bất công và bị lạm dụng. Trước các hiện tượng có vẻ bi quan như thế cũng làm cho chúng ta cảm thấy mình bất lực và tâm hồn bị tan nát. Làm thế nào để có thể đem an bình đến cho họ đây?

Có quá nhiều nỗi đau và tổn thương cần được chữa lành để cuộc sống được an bình. Vẫn biết là trách nhiệm mà Chúa trao ban cho chúng ta thật cần thiết; nhưng đã nhiều lần chúng ta vịn vào các lý lẽ như: "Làm thế nào chúng ta có thể đối phó thỏa đáng với mầm mống của sự ác và những nỗi đau mà nó gây ra?" Đối với bản thân của chúng ta thì không thể. Chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta những gì chúng ta cần. Chúa Giêsu ban cho chúng ta Thần Khí của Người và trao bình an cho chúng ta vào buổi sáng Phục Sinh, để chúng ta có thể trở thành sứ giả của an bình.

Như vậy, viêc sai phái Bẩy Mươi Hai môn đệ nhắc nhở và làm sống sứ điệp của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ và cả chúng ta nữa. Người muốn tặng cho chúng ta món quà này hôm nay và sẽ lưu lại trong cuộc sống của chúng mình luôn mãi. Vì vậy, với con tim an định và một lòng nương tựa vào Chúa, chúng ta sẽ hoàn tất sứ mạng đem bình an mà chúng ta tiếp nhận từ Chúa rồi chia sẻ cho người khác. Hãy đứng dậy bước tiếp để làm chứng nhân cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và làm cho thế giới của chúng ta đang sống được an bình hơn. Cho dù có ai phải đối diện với các tai ương và những bi kịch trong cuộc sống thì họ vẫn có thể tận hưởng được “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lu-ca 2:14)

Và trong phần kết thúc, Thánh Lu-ca đã mở ra cho chúng ta một kết cục thật đáng suy nghĩ. Đó là việc nhóm Bẩy Mươi Hai trở về hớn hở, hân hoan và vui mừng báo cáo cho Thầy biết về thành quả mà các ông đã đạt được. Việc làm của các ông đã khiến cho Sa-tan phải sa xuống. Các môn đệ đã chiến thắng thần dữ. Tuy nhiên, đó không phải là điều làm cho các môn đệ vui mừng. Niềm vui của người môn đệ không dựa trên thành quả của công tác và cũng không căn cứ trên con số đông người tham dự để nghe anh em giảng thuyết hay đọc bài anh em viết. Nhưng, hãy vui lên vì tên anh em đã được ghi trên trời. Tên được ghi trên trời thì không như việc ghi tên trong sổ vàng để mọi người ca tụng; nhưng qua việc ghi tên, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến mối tương quan của các môn đệ với Người. Trong Người, với Người chúng ta cùng vui, bởi vỉ niềm vui là dấu chỉ minh chứng cho nhân loại biết rằng Chúa đang hiện diện với chúng ta. Amen!

Wednesday, 22 June 2022

CON SẴN SÀNG, NHƯNG TRƯỚC HẾT…


Anh chị em thân mến,

Khi khai mạc sứ vụ, Đức Giê-su bị khước từ tại hội đường Na-da-rét. Hôm nay trên đường đi Giê-ru-sa-lem để hoàn tất sứ vụ, Người cũng không được dân làng Samaria tiếp nhận. Sự từ chối đón nhận mà Đức Giê-su phải gánh chịu cũng là số phận của các môn đệ.

Con đường theo Chúa không dễ dàng thuận lợi, những ai muốn theo Chúa thường xuyên gặp nhiều khó khăn và bị chống đối. Họ phải chọn lựa giữa những tiêu chuẩn của Nước Trời và các giá trị chống lại nó. Họ được mời gọi sống theo sự hướng dẫn và lãnh đạo của Đức Giê-su và thể hiện các giá trị của Tin Mừng mà Chúa đã trao. Biết như thế, cho nên cho dù bị khước từ, nhưng điều đó không làm các môn đệ chùn bước, trái lại mỗi lần bị khước từ là một cơ hội để các môn đệ nhìn lại chính mình mà sửa đổi hơn là phê phán thái độ và cách cư xử của những người chống lại mình, rồi bằng cái nhìn chủ quan, quá khích đã khiến các môn đệ, như Gio-an và Gia-cô-bê hôm nay, muốn gọi lửa từ trời xuống để tiêu diệt những ai không cùng phe với mình!

Chúa không cư xử như cách thức mà các môn đệ đề ra. Người không sử dụng quyền lực để lên án những ai không theo Người hay không đón tiếp Người. Người không muốn các môn đệ tiếp tục tranh luận về việc từ chối đón tiếp Người của dân làng Samaria nữa. Đây không phải là cuộc tranh luận để thẩm định họ sai ta đúng, họ lạc giáo ta mới là chính thống, ta là kẻ chiến thắng và đối phương là kẻ thua cuộc. Đức Giê-su nhắc cho các môn đệ biết thầy trò còn việc phải làm, đó là cùng nhau đi về phía trước cho dù phải đối diện với các thách đố trong việc loan báo Tin Mừng.

Anh chị em thân mến,

Vì thế, phần kế tiếp của bài Tin Mừng nói về cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với ba người muốn theo Chúa. Nhưng mỗi người đều có chuyện cần làm trước. Trước thái độ thiếu dứt khoát trong việc chọn lựa của họ, Đức Giê-su đã trả lời như sau:

Đối với người thứ nhất, Chúa nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Lý do mà người thứ hai đưa ra rất đáng kính phục, anh cần phải báo hiếu. Cha anh vừa chết nên việc chôn cất là bổn phận. Anh cần lo việc chôn cất cha anh trước, rồi mới theo Thầy. Đối với anh, Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa". Và người thứ ba, Ðức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa".

Cách chọn lựa của họ làm chúng ta nhớ lại các nỗi trăn trở mà chúng ta đã từng trải nghiệm. Một cách cụ thể, bao nhiêu lần chúng ta đã thưa với Chúa rằng Chúa muốn con đi đâu và làm gì, con cũng xin vâng! Nhưng mặt khác, chúng ta lại nói: Nhưng, trước tiên xin cho con về báo hiếu và nói lời từ biệt với các bậc sinh thành và dưỡng dục con trước… Hình như chúng ta đang bị lôi kéo theo hai hướng: theo Chúa hay theo ý mình.

Về nguyên tắc, thật đơn giản để có thể nói rằng theo Chúa và sống những giới răn của Người thật dễ dàng. Hãy yêu người lân cận như chính mình, yêu kẻ thù của mình, đón tiếp khách lạ, thăm người đau ốm, thăm viếng kẻ tù đày, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống và hãy tha thứ không chỉ bảy lần mà bảy mươi lần bảy cho những ai làm hại mình. Đó là những giá trị mà Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta noi theo. Đó là đich điểm mà Đức Giê-su muốn chúng ta hướng đến. Đó là nơi mà Chúa muốn hiện diện. Đó là đường đi đến thánh đô Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa hy sinh. Hầu hết chúng ta có lẽ đồng ý với những giá trị đó. Về nguyên tắc, đó là con đường chúng tôi đã chọn để đi.

Nhưng lối sống của những ai theo Chúa thì khó khăn và phải đối diện với nhiều thách đố hơn rất nhiều so với nguyên tắc. Tôi đoán rằng tất cả các nguyên tắc sống mà chúng ta đồng ý theo Chúa sẽ bị thay đổi cho đến khi chúng ta gặp những người mà cho dù cố gắng đến đâu chúng ta cũng không thể yêu thương họ, gặp những khách lạ khiến chúng ta sợ hãi như những tên khủng bố, những hành động của họ không thể tha thứ, hoặc chạm trán với người Samaria trong cuộc đời chúng ta. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ e dè, đắn đo và có thể xét lại và bắt đầu bằng câu: “Nhưng, trước hết…”

Tương tự như trên, ở lãnh vực cá nhân, chúng ta cũng thường gặp những lối suy nghĩ, thí dụ như:

Quả thật, cô / anh ta rất tốt. Tôi yêu cô ấy hay anh ấy nhưng trước hết hãy để tôi đi xem cô / anh ấy là ai, cô ấy hay anh ấy có đáng để yêu hay không, tôi có thích anh ấy hay cô ấy không, người ấy có đồng ý và hợp ý tôi không. Bao nhiêu điều kiện được đưa ra trong việc chọn lựa của chúng ta.

Vâng, tôi sẽ mở cửa để chào đón người khách lạ, khách ngoại kiều nhưng trước tiên hãy để tôi xem ai đang gõ cửa, người đó khác với tôi như thế nào, cô ấy hoặc anh ấy muốn gì, người ấy có tạo nguy hiểm cho cuộc sống của tôi hay không? Không khéo tôi lại rước một tên phá hoại, khủng bố gây bao chết chóc cho người khác!

Đúng vậy, theo Chúa là tha thứ cho người khác nhưng trước hết hãy để tôi đi xem cô ấy hoặc anh ấy có thừa nhận hành vi sai trái của mình hay không, có hối hận về những gì họ đã làm không và có hứa sẽ thay đổi không.

Có, tôi sẽ hy sinh và quan tâm đến người khác nhưng trước tiên hãy để tôi đi và xem lý do tại sao tôi nên làm như vậy, tôi sẽ phải trả giá bao nhiêu và tôi sẽ được lại những gì.

Khi nói: “Nhưng, trước hết …” là lối đặt điều kiện trong khi đó chúng ta không được phép đặt điều kiên khi theo Chúa. Tôi tự hỏi cuộc sống và thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta yêu thương, cho đi, chào đón và tha thứ mà không có "nhưng hay nhưng gì hết?"

Anh chị em thân mến,

Dựa trên kinh nghiệm sống, chúng ta đều biết rằng muốn đạt được ước mơ, chúng ta cần hy sinh rất nhiều, nhất là cần đặt trọn tâm tư, ý chí và trung thành với điều mà chúng ta đã cam kết. Không có sự thành công nào mà không đòi buộc sự quyết tâm. Không một ai dấn thân nửa vời mà có kết quả tốt bao giờ. Không một ai cứ chần chừ không dám quyết định mà có thể đạt được điều mình mong ước. Vì thế, quyết tâm dấn thân cho lý tưởng đòi buộc chúng ta phải kiên tâm và bền chí. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta sẽ hy sinh đến độ mất hết tự do. Thật ra chúng ta dùng quyền tự do của mình để hạn chế những phần không cần thiết của sứ vụ để dùng sự do đó mà thực hiện điều chúng ta đang mong đợi.

Như vậy, căn cứ vào lời dậy bảo của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng nếu ai có quyết định theo Chúa, thì người đó phải chuẩn bị hy sinh và hao tốn rất nhiều năng lực. Nhưng tất cả những hy sinh này sẽ giúp cho họ đạt được Nước Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su là Người cho chúng ta được theo Người, cho nên Người có đủ thẩm quyền để yêu cầu chúng ta làm theo ý của Người.

Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, chúng ta có hai chọn lựa: hoặc là sống độc thân vì lý tưởng hay lập gia đình. Cả hai chọn lựa đều yêu cầu chúng ta phải ra khỏi vùng an toàn của chính mình, và chấp nhận một lối sống với nhiều hy sinh hơn lối sống ở hiện tại. Nếu họ quyết tâm thực hiện điều họ đã cam kết và chấp nhận mọi hậu quả để hoàn thành ước nguyện thì giả như có gặp khủng hoảng hay khó khăn thì họ cũng dễ dàng đón nhận và tìm ra phương thức để giải quyết ổn thỏa hơn.

Nhưng nếu một người không có định hướng rõ ràng. Anh muốn thử nghiệm mọi hướng, có nghĩa là cái gì anh cũng muốn thử rồi đến khi gặp khó khăn thì lùi bước. Với thái độ như thế, thì dù anh chọn bậc sống nào như đi tu hay lập gia đình, thì kết quả sẽ không tốt và cũng chẳng được bền vững. Thiếu quyết tâm trong việc sắp đặt ưu tiên cho cuộc sống sẽ đưa anh đến một thỏa hiệp mở ra cho hai phía và kết quả mà anh sẽ đón nhận là sự đổ vỡ vì đã không chọn lựa, chỉ muốn đi hai hàng.

Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã mời gọi các môn đệ hãy mở lòng ra để đón tiếp Chúa và anh em. Trong tiến trình của việc đón tiếp, các môn đệ và chúng ta được yêu cầu hy sinh để thực hiện điều mình đã cam kết khi chọn lựa. Vì thế, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho bản thân là mình thuộc về ai, biết nương tựa và gắn bó với ai? Và chỉ có trong Chúa, Người mới ban cho các môn đệ và chúng ta một sự tự do đích thực để chúng ta hoàn thành sứ vụ theo đúng như các yêu cầu mà Đức Giê-su phán trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện và giúp nhau đạt được nguyện ước này. Amen!

Friday, 17 June 2022

CHÚA HÀI LÒNG THÌ QUÁ ĐÃ!


Thưa anh chị em,

Trình thuật phép lạ ‘Bánh Hóa Nhiều’ được đặt sau việc Đức Giê-su sai mười hai Tông Đồ tham dự vào việc truyền giáo của Người. Khi sai các Tông Đồ, Đức Giê-su đã dặn họ trước tiên phải nương tựa vào Chúa và sau đó dựa vào lòng quảng đại của người nghe. Chúa phán “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” và “hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, ...”

Bài Tin Mừng ‘Bánh Hóa Nhiều’ nói lên sự quan tâm của Chúa dành cho những kẻ đi theo Người; nhưng đây cũng là cơ hội để Chúa huấn luyện các môn đệ về sứ vụ mà họ vừa thực hiện. Họ nên nhớ rằng tham dự vào sứ vụ rao giảng về Nước Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói nhưng cần được thể hiện bằng việc làm nữa.

Làm sao người môn đệ của Chúa có thể đặt tay ban bình an cho tha nhân khi những người đến với họ đang lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc và khổ sở trăm bề. Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, nỗi khó khăn mà các Tông đồ phải đối diện là làm thế nào các ông có thể cung cấp lương thực cho một số đông khi trời đã xế chiều, nơi họ tụ họp lại hoang vắng và cách xa thị trấn. Lý do của các Tông Đồ đưa ra quả thật rất đáng thuyết phục. Nói chung khả năng và môi trường không thuận lợi cho các ông, đơn giản là giải tán đám đông để họ tự lo liệu. Nhưng ý nghĩ của các ông không phải là ý nghĩ của Chúa.

Các Tông đồ tuy là những người bạn hữu thân thiết với Đức Giê-su, nhưng các ông vẫn chưa học được bài học quên mình và quan tâm đến người khác. Dân chúng đã tuôn đến với họ để nghe Thầy giảng dậy và các ông vừa được Chúa sai đi, giờ đây cơ hội đã đến để các ông thực tập những gì các ông vừa giảng dậy là quan tâm và lo cho đám đông thì các ông lại không nhận ra. Trong khi đó, các ông lại chăm chăm chú chú nhìn vào khả năng của chính mình và một khi nhìn vào mình thì các Tông đồ đã bỏ sót một yếu tố thật quan trọng, đó là sự có mặt của Đức Giê-su, Đấng có thể làm mọi sự, hiện đang ở giữa họ.

Nhưng Đức Giê-su biết phải làm gì, thay vì trực tiếp ra lịnh cho đám đông chia thành từng nhóm rồi ngồi xuống đồng bằng, Đức Giê-su đã nhân cơ hội này huấn luyện các ông trở thành các thừa tác viên của Người. Đức Giê-su mời các ông cộng tác. Người nói với các môn đệ hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người và họ đã làm theo ý Người.

Sau đó, Đức Giê-su cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá. Thực phẩm chỉ vọn vẹn có bấy nhiêu thì ai ăn ai nhịn đây. Nhưng đó lại là tất cả những gì các môn đệ có. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Kết quả là ai ai cũng hài lòng vì được ăn no. Có lẽ Người hài lòng nhất là chính Đức Giê-su. Giống như dân Is-ra-el khi xưa, trong hoang địa đã được Thiên Chúa nuôi ăn bằng Man-na và nước uống thế nào thì hôm nay qua việc phân phát bánh, Đức Giê-su cũng nuôi những ai đã bỏ hết mọi sự, vất vả theo chân Người được ăn no nê.

Thưa anh chị em,

Các cử chỉ như đón nhận, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban hôm nay chỉ được ghi lại một lần khác; đó là trong bữa tiệc ly Người đã san sẻ bánh và rượu cho các môn đệ. Bánh và rượu đây là dấu chỉ tượng trưng cho Thịt và Máu của Người như Đức Giê-su đã phán: “Ta là bánh trường sinh và ai đến với Người sẽ không đói bao giờ.

Bánh, của ăn và thực phẩm là những thực vật nhằm nuôi dưỡng và làm cho con người được lớn lên. Con người cần đến nó để duy trì sức khỏe và sự sống. Nhưng ý nghĩa của bữa ăn không nhằm đến việc ăn cho đầy bụng. Đói quá thì cũng chết mà ăn no quá thì bội thực và cũng chết. Việc của chúng ta là biết ăn. Bữa ăn là cơ hội để xây dựng tình nghĩa, thể hiện tình yêu, cùng san sẻ và chia vui những thành công trong đời và qua bữa ăn con người còn đến gần và thông cảm nhau hơn; từ đó cộng đoàn được gầy dựng một cách thật tự nhiên.

Trình thuật ‘Bánh hóa Nhiều’ hôm nay là thế. Biến cố này nói lên tình yêu của Người dành cho những ai đi theo Người. Sự kiện này còn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng những gì chúng ta có được để duy trì cuộc sống thể lý đều được ban tặng từ Chúa, và sau cùng Người còn là bánh trường sinh nuôi dưỡng toàn bộ con người chúng ta.

Giống như thức ăn có thể dẫn chúng ta đến gần nhau và nhiều việc được bắt đầu và tiến đến thành tựu qua bữa ăn thế nào thì của ăn mà Chúa ban phát cũng làm cho chúng ta trở nên thành viên của một cộng đoàn thuộc về Người, nhất là giúp chúng ta nhận thức rằng qua đó chúng ta nên những người bạn thân tình với Chúa và với nhau.

Tuy nhiên, họ và chúng ta vẫn còn gặp trở ngại. Chúng ta cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau, có thể biết kế hoạch của Chúa, chứng kiến việc Chúa chết, nghe các bạn nói rằng Người đã sống lại và hiện ra với họ… Nói chung là giống như họ, chúng ta biết rất nhiều, biết rất rõ những kế hoạch và gần như là biết mọi sự; nhưng lại quên sự hiện diện của Đấng trở thành của ăn cho chúng ta; cho nên chúng ta e ngại vì thấy mình đứng trước những nhu cầu quá lớn lao của con người. Nhìn chung quanh vẫn thấy bao người đói khổ. Hàng giây, hàng phút vẫn còn bao nhiều sinh mạng nhất là các trẻ em bị chết đói trên thế giới này. Thế mà, trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực.

Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có, trao cho Người những cố gắng thật khiêm tốn của chúng ta thì việc làm cho ‘Bánh Hóa Nhiều’ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể làm hài lòng người khác bằng lòng quảng đại và sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng ta có. Thế là quá đủ cho chúng ta rồi! Thế mà chúng ta lại không dám, cứ khư khư giữ làm của riêng cuối cùng mọi người, cả chúng ta nữa, đều bị đói khát.

Như vậy, hãy nhớ rằng chúng ta còn nhiệm vụ phải chu toàn. Nhiệm vụ đó là được gửi đi, gặp gỡ những người mà chúng ta chưa biết. Đến với nhau bằng tấm lòng rộng mở và cùng nhau chia sẻ những nỗi băn khoăn, cùng tiến về một mục tiêu. Mục tiêu đó được phát sinh từ những lần chúng ta tham dự tiệc bẻ bánh và trao ban của ăn cho nhau thì ai trong chúng ta còn bị thiếu thốn và đói khát nữa.

Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận Chúa Kitô và những người đang đói khát. Người đến với chúng ta, không phải một mình, nhưng với những người nghèo, những người bị áp bức, bị bỏ rơi, bị đói khát, bị nhục mạ, bị thống trị, bị sỉ nhục, bị cưỡng bức, mất căn tính con người,… đang sống chung quanh ta. Với Chúa, họ cần được giúp đỡ. Tình yêu cần được thể hiện bằng việc làm chứ không chỉ dựa vào lời nói. Còn chúng ta thì sao? Xin ghi lại truyện kể sau đây như một lời nhắc nhở.

Câu chuyện này xẩy ra bên Phi Luật Tân. Có cha giáo dậy thần học tại chủng viện. Cuối tuần, ngài đi làm mục vụ tại các làng quê. Chọn lựa này của ngài thật đáng cảm phục. Dân quê tuy nghèo nhưng đơn sơ và chân thật. Họ chịu nhiều thiên tai, nhưng ít ai oán trách. Trong làng, có gia đình hai cụ kia, lớn tuổi, nghèo. Hai cụ cư trú trong một căn chòi chỉ đủ che mưa, che nắng mà sống qua ngày. Họ không có con cái nên cũng chẳng có ai để nhờ vả. Xẩy ra là có cơn bão quét qua làng khiến cho căn chòi của hai cụ bị thiệt hại nặng hơn các nhà khác.

Sau cơn bão, theo thông lệ cha giáo xuống làng để cùng bà con cử hành Thánh Lễ. Trong các bài giảng, cha luôn tìm cách nhắc nhở cho bà con biết về tình trạng của hai cụ. Tuần thứ nhất qua đi, rồi lại một tuần nữa trôi qua, sang thêm một tuần nữa, đến cuối tuần thứ tư, mọi sự vẫn y nguyên. Sau khi dâng Lễ xong. Cha báo cho bà con biết tuần tới sẽ không có lễ. Tình trạng trong nhà thờ nhốn nháo cả lên. Họ nghĩ là cha ốm hay bị thuyên chuyển.

Cha giáo giải thích tôi không đến dâng lễ vì anh chị em chưa sống đúng vai trò của người tín hữu. Cha nói thêm: “Đây nhé, kể từ ngày cơn bão quét đến làng này, tuần nào tôi cũng nhắc cho anh chị em biết về hoàn cảnh mục nát, xiêu vẹo của căn chòi mà hai cụ đang ở. Thế mà có ai quan tâm làm gì để giúp họ đâu!” Chúng ta cùng chia một bánh, cùng uống một chén trong Thánh Lễ, rồi có ai sống điều mình đã nhận chưa? Nghe đến đâu lòng họ bị đánh động đến đó. Cả nhà thờ lặng yên. Ai ai cũng cúi gầm mặt xuống. Không ai nói với ai điều gì.

Sau vài phút trôi qua, ở góc cuối nhà thờ, có một người đàn ông bị tàn tật, run rẩy đứng lên và thưa với cha và cộng đoàn lời lẽ sau đây: “Dạ thưa cha, lời cha dậy thật chí phải! Tuy nhiên, thay vì nhắc nhở cho chúng con biết nhiệm vụ phải làm, sao cha không dẫn chúng con đi, rồi mỗi người một tay sửa lại căn chòi xiêu vẹo cho hai cụ ấy. Theo con, đó là cách thế hữu hiệu và nhanh nhất.”

Đến lúc này, không chỉ có giáo dân mà cả cha giáo cũng cúi gầm mặt xuống. Cha ngẫm lại mới thấy ông này nói đúng. Cha thường xuyên nói cho họ biết là con người ngày nay muốn được chứng kiến nhiều gương sáng hơn là những lời nói suông!

Truyện dừng lại ở chỗ đó, như lời mời gọi! Và, phần sau là kết luận của từng người, những ai đã cử hành và cùng tham dự Thánh Lễ.

Nói khác đi, chúng ta không thể tham dự Bữa tiệc Thánh Thể một cách trọn vẹn khi lòng chúng ta còn dửng dưng trước cảnh đói khát của người khác, không phân biệt mầu da, tín ngưỡng hay giai cấp trong xã hội. Tất cả đều là con Chúa. Tất cả đều cần yêu thương, không ai bị loại trừ.

Tâm hồn phục vụ, yêu thương của chúng ta dành cho nhau được phát xuất từ bữa tiệc Thánh Thể mà chúng ta cử hành hôm nay và mọi ngày trong cuộc sống. Đừng nhốt Chúa trong nhà tạm, hãy đem Chúa đến cho mọi người nơi mà Chúa đang chờ đợi bàn tay và tấm lòng quảng đại của con người. Chắc hẳn Chúa rất hài lòng khi chúng ta quan tâm và lo lắng cho sự sống của nhau. Làm được như thế là tốt rồi, Amen!

Wednesday, 8 June 2022

ÔI TÌNH CHÚA BA NGÔI!


Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn lao nhất trọng đạo, vì mầu nhiệm này thuộc về đời sống thâm sâu của bản tính Thiên Chúa. Và đã là mầu nhiệm thì trí khôn con người làm thế nào có thể thể hiểu thấu đuợc! Chỉ cần tin thôi. Sở dĩ chúng ta tin là vì chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Nhưng nếu Chúa đã mạc khải thì tại sao Chúa lại không ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để chúng ta hiểu?

Thật ra theo đạo, giữ đạo, sống đạo rồi truyền đạo không chỉ lệ thuộc vào sự hiểu biết; mà bằng vào chứng từ và lối sống của chúng ta. Vì thế, trong dịp mừng lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi rằng: Ba Ngôi Thiên Chúa nắm giữ vai trò nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta? Và làm thế nào để chúng ta sống điều chúng ta tuyên xưng về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nhìn lại cuộc sống, tôi cảm nhận đuợc một điều là tôi được Ba Ngôi Thiên Chúa bao phủ; cho dù đã nhiều lần tôi chẳng có ý thức gì về việc tuyên xưng hay hành động cuả tôi.

Đã bao nhiêu lần chúng ta làm dấu Thánh gía: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần - Amen.

Trong cuộc sống, mỗi khi gặp gian nguy và thoát cảnh hiểm nghèo, chúng ta thuờng dâng lời tạ ơn rồi làm dấu Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.

Đến lúc sinh thì, trong giây phút lâm chung; tôi thuờng nghe một công thức phó linh hồn cho nguời quá cố như sau: Giêsu, Maria, Giuse con phó linh hồn Maria, Giuse, Phêrô hay là linh hồn ABCDE trong tay Chúa, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần - Amen.

Phải chăng mỗi lần như thế là chúng ta đặt mình duới sự bảo vệ của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Như vậy, dù ý thức hay sự hiểu biết của chúng ta về Mầu nhiệm Ba Ngôi đến độ nào cũng không quan trọng bằng việc đặt mình duới sự bao bọc và yêu thuơng của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng chính các việc làm thật đạo đức và ý nghĩa của mình. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.

Ba Ngôi Thiên Chúa thuờng xuyên hiện diện và hoạt động thật mãnh liệt trong cuộc sống, cả những lúc chúng ta không ý thức về sự hiện diện đó; nhưng Ngài vẫn hiện diện; vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đó chính là chân tướng đích thật về Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để thấy được Thiên Chúa. Thật ra có ai thấy Thiên Chúa bao giờ trừ phi người đó được Thiên Chúa tỏ mình ra và câu chuyện sau đây có thể minh họa phần nào lối tư duy nói trên. Truyện kể như sau:

Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời, ta đã thụ hưởng được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ mọi thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.

Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: "Có lẽ hạ thần có thể giúp Bệ Hạ được". Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: "Hãy xem kìa". Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: "Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!" Người chăn cừu đáp: "Tâu Bệ Hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Bệ Hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Bệ Hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của Bệ Hạ? Bệ Hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác". Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: "Ta cám ơn ngươi đã mở cặp mắt trí khôn của ta.

Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?" Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: "Bệ Hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin Bệ Hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào Bệ Hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta".

Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt của ông. Người chăn cừu nói tiếp: "Tâu Bệ Hạ, còn một điều nữa". Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: "Ai sống dưới đó thế?" Người chăn cừu đáp: "Thiên Chúa". "Ta có thể nhìn thấy Ngài không?" "Được chứ, Bệ Hạ chỉ cần nhìn". Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: "Ta chỉ thấy mặt Ta thôi". Người chăn cừu giải thích: "Bây giờ thì Bệ Hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong Bệ Hạ đó".

Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông yêu thuơng và đối xử rất nhân hậu với mọi người, không kể thứ bậc và giai cấp.

Giống như ông vua trong câu chuyện, chúng ta cũng được mời gọi làm toả sáng guơng mặt của Thiên Chúa nơi mình. Thiên Chúa là Tình Yêu, vì thế làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tỏa sáng là cách sống mầu nhiệm Ba Ngôi.

Anh chị em thân mến,

Thật vậy, điều làm cho Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện trường cửu và bất toàn là Tình yêu. Ba Ngôi trao đổi và làm giầu có Tình Yêu bằng cách trao ban Tình yêu đó cho nhau và cho nhân loại. Như vậy, tuy thế gian và những lực luợng của thế gian nhằm chống đối lại chuơng trình của Thiên Chúa nhưng lại là đối tuợng để Thiên Chúa trao ban Tình Yêu: Tình Yêu dâng hiến, Tình yêu tái tạo, Tình yêu cho đi, Tình yêu sáng tạo…..

Thiên Chúa là tình yêu, nghĩa là Ngài không đơn độc một mình. Nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống của Cha và Con là Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng cho chúng ta nhận ra sự phi thường và bí nhiệm của Thiên Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín ở trong cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba Ngôi yêu thương nhau và đối tượng tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Từ trong bầu khí yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta xác tín rằng tất cả mọi người, dù cho cuộc sống có ra sao, vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Như vậy, mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng ta biết chia sẻ tình yêu cho nhau và cho tha nhân. Amen!

Wednesday, 1 June 2022

THẦN KHÍ: ĐỘNG LỰC YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ


Khi còn bé, hầu hết các trẻ em chúng ta say mê những câu chuyện được trích dẫn trong sách ‘Sấm Truyền Cũ’ hay còn gọi là các sách ‘Cựu Ước’. Các tình tiết của câu chuyện trở nên sống động hơn bởi tài kể truyện của các dì phước và mấy ông bà quản giáo. Họ là những người tràn đầy kinh nghiệm trong việc dậy giáo lý bằng những câu chuyện như thế này. Một trong những truyện tích mà tôi còn nhớ đó là cuộc chiến giữa cậu bé Đa-vít của Ít-ra-en và anh chàng khổng lồ Go-li-át bên Phi-lip-tinh.

Câu chuyện đó được tóm tắt như sau:

Vào thời đó, dân Phi-lip-tinh và dân Ít-ra-en thường xuyên xẩy ra các cuộc giao chiến. Trong một trận chiến kia, quân Phi-lip-tinh cử đấu thủ tên là Go-li-át bước ra gây chiến với quân lính Ít-ra-en. Người khổng lồ này cao khoảng 3 thước, mình mặc áo giáp và trang bị vũ khí của một vị dũng tướng. Với vẻ uy nghi bộc lộ một sức mạnh phi thường, Go-li-át ra đứng trước hàng quân ròng rã 40 ngày, liên tục thách đố quân lính Ít-ra-en bằng những lời khiêu khích như: “Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ mạnh để chiến đấu với ta và hạ được ta, thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ chúng tao và sẽ hầu hạ chúng tao.” Vua Sa-un và toàn thể quân lính Ít-ra-en nhìn thấy tướng uy nghi của Go-li-át thì đã khiếp sợ, và khi nghe tiếng áp đảo của ông ta lại càng kinh khiếp hơn; thế là không một ai trong quân đội của Ít-ra-en dám ra đương đầu với Go-li-át.

Đến một ngày kia, có chàng thiếu niên tên là Đa-vít, làm nghề chăn cừu, chưa đủ tuổi gia nhập quân ngũ. Cậu có biệt tài bắn ná, trăm phát trăm trúng. Vào một hôm, cha cậu, ông Gie-sê sai cậu mang thực phẩm ra thăm ba người anh của cậu đang đóng quân tại cuộc giao chiến đó. Cậu đến trại binh vào lúc quân đội hai bên đang dàn trận tuyến đối đầu nhau. Khi nghe những lời thách thức và khinh thường quân đội Ít-ra-en của Go-li-át, Đa-vít đã vào xin vua Sa-un cử mình ra để nghinh chiến với đấu thủ. Thoạt đầu, khi nhìn thấy cậu, nhà vua do dự nhưng sau cùng vua Sa-un đã bị thuyết phục bởi các lý lẽ và chứng từ mà cậu đưa ra và cử cậu ra trận tuyến. Vũ khí của cậu chỉ là cây gậy, dây phóng đá và mấy hòn đá bỏ vào túi.

Khi nhìn thấy cậu bé, chỉ đứng tới ngang hông của mình nên Go-li-át coi thường và bằng giọng khinh bỉ đã nói với Đa-vít rằng: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao? Đến đây, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.” Đa-vít đáp trả tên Phi-lip-tinh rằng: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày bằng sức mạnh của Thiên Chúa mà mày thách thức. Ngay hôm nay, Thiên Chúa sẽ nộp mày vào tay tao…” Nói xong, Đa-vít thọc tay vào bị, rút ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Phi-lip-tinh. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất; cậu chạy lại và dùng gươm đâm và chặt đầu Go-li-át. Thế là Đa-vít thắng Go-li-át và quân Phi-lip-tinh thua trận và tháo chạy không còn manh giáp nào.

Câu chuyện về cuộc giao chiến giữa Đa-vít và Go-li-át nói trên giúp cho chúng ta nhận ra bài học, đó là sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa luôn đánh bại sức mạnh của quyền lực chống lại Ngài. Go-li-át cậy vào sức mạnh của bản thân nên đã bị bại; còn Da-vít đã dùng sức mạnh nội tâm, một nguồn sức mạnh của Thiên Chúa, chiến đấu và chiến thắng cho Thiên Chúa nên tuy nhỏ con nhưng cậu đã đánh bại người không lồ.

Đó là những gì đã xẩy ra cho các môn đệ trước và sau ngày Lễ Ngũ Tuần.

Trong hành trình theo Chúa, các môn đệ đã tìm kiếm sức mạnh và quyền uy của thế gian. Và cho đến lúc trước khi Chúa Phục Sinh được cất nhắc về trời, trong hàng ngũ các môn đệ vẫn còn có ông đã hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Tham vọng quyền bính, óc quyền lực và dùng sức mạnh để chinh phục và chiến thắng vẫn còn trong tâm não và quan niệm sống của các môn đệ. Các ông vẫn còn mê quyền uy và sức mạnh để chiến thắng địch thù. Vì thế, những gì Chúa ban, những điều Người truyền dậy vẫn như ‘nước đổ lá khoai’. Trong các lần hiện ra, Người đều thổi hơi, thông truyền sức mạnh và Thần Khí cho các môn đệ thế mà các ông vẫn ù lì, không cất bước để ra đi thực hiện lịnh truyền vì lo sợ!

Thế mà, những gì xẩy ra cho họ vào dịp Lễ Ngũ Tuần đã gây kinh ngạc cho mọi người. Vẫn biết rằng Thần Khí và sức mạnh của Thiên Chúa không chỉ đến một lần. Thần Khí đã được trao ban ngay khi Đức Giê-su bị treo trên Thánh Giá. Người đã thực hiện cuộc trao ban Thần Khí qua việc trút hơi thở từ thân xác sống động của Người xuống trên những ai đứng dưới chân Thập Giá mà đại diện của toàn thể nhân loại là Mẹ Người và những ai mà Chúa yêu thương.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay, các ông đã để cho quyền lưc của Thiên Chúa qua sức mạnh của Thần Khí thúc đẩy. Đó là sức mạnh nội tâm, luồng gió tái sinh thổi tung mọi thứ rào cản, kéo các ông lại gần và thông cảm cũng như hiểu biết nhau hơn. Cho dù những người qui tụ tại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó vẫn còn nói các thứ tiếng khác nhau, nhưng trên hết mọi sự, ngôn ngữ của con tim, tiếng nói cũa cõi lòng, sức mạnh của lòng mến đã bao trùm và đẩy các ông và cử tọa, là những người nghe các môn đệ loan báo Tin Mừng Phục Sinh, gần nhau hơn.

Thần Khí Thiên Chúa đã hiện diện nhưng không ép buộc con người phải đón nhận. Thần Khí như mầm hạt giống, không phát triển trong một giây lát, nhưng lớn lên từ từ cho đến lúc bung ra thì không còn chỉ là những nụ hoa mà trở thành những bông hoa rực rỡ muôn mầu trong vườn hoa muôn mầu muôn sắc của Thiên Chúa. Như vậy, người tín hữu có thể được gọi là những con người tràn đầy Chúa Thánh Thần, là những con người đã để cho Thần Khí bao phủ, chỉ đạo và hướng dẫn.

Vậy Thần Khí ở đâu?

Nhìn lại lịch sử cứu độ chúng ta nhận biết rằng Thánh Thần đã hiện diện và không ai có thể tách Ngài ra khỏi sự sống của Chúa Cha và Chúa Con được. Chúa Thánh Thần là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong dòng lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là quà tặng của Thiên Chúa mà chính là sự sống của chúng ta.

Trong trình thuật tạo dựng của sách Sáng Thế Ký, tác giả đã truyền tải cho chúng ta một kinh nghiệm tôn giáo thật sâu sắc về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Bằng hình ảnh của ông thợ gốm, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người qua việc nặn, đắp tượng. Tượng đất, tương gỗ muôn đời vẫn mãi là pho tượng bất động nếu Thiên Chúa không thổi ‘Thần Khí’ vào lỗ mũi. Như vậy sự sống con người, ngay từ ngày đầu, đã thuộc về Thiên Chúa.

Trong hành trình tiến về ‘Đất Hứa’, Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động không ngừng trong tiến trình hình thành để trở thành dân riêng cư ngụ nơi mảnh đất mà Chúa đã hứa; như lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã quả quyết “Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn nghỉ ngơi” (Is 63,14).

Thần Khí Thiên Chúa hiện diện với Đức Giêsu. Người làm mọi việc với Chúa Thánh Thần: Người đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Gio-đan và được Thần khí đưa vào sa mạc (Lc 4:1). Người bắt đầu sứ vụ với Chúa Thánh Thần (Lc 4:14 và 18). Với Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã chọn nhóm 12 (Cvtđ 1:2); và với Thần Khí, Người đã hiến mình làm của lễ hy sinh không tì vết mà dâng lên Cha. (Dt 9:14). Ngay trong giây phút từ gĩa cõi trần, Người gục đầu xuống mà trao ban Thần Khí (Gioan 19:30). Duới chân Thập Giá có Mẹ Người và toàn thể những ai mà Chúa yêu thương, mà ở đây hình ảnh biểu tương được dùng là Thánh Gioan. Thật ra, ai trong chúng ta lại không đuợc Chúa yêu thương. Nói khác đi, ngay trong giây phút Đức Giêsu đi về cùng Cha, Người đã trao ban Thần Khí cho Hội Thánh, đó cũng là chủ đích mà Thánh Luca đã ghi lại trong sách Tông đồ công vụ. 

Nhìn lại lịch sử của Hội Thánh, cho dù ai có khó tính đến đâu, thì người đó cũng không thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Nhất là qua những thời điểm đen tối nhất, Hội Thánh lại nhận thấy quyền năng của Thần Khí hoạt động hữu hiệu hơn cả.

Sau cùng, đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta như Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Như vậy: Bình an, lịnh truyền ra đi, quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh để tha thứ là những gì Chúa muốn cho con người thực hiện trong cuộc sống. Nói khác đi, chỉ có sức sống và sự đổi mới của Thần Khí mới làm cho con người dễ dàng thông cảm, hiểu biết, đón nhận và tha thứ cho nhau một cách chân thật hơn.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, ban ơn tái tạo. Thần khí Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, dù nhiều lúc chúng ta không ý thức về sự hiện diện đó. Nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động, cả những lúc chúng ta không ngờ. Chỉ có một việc mà chúng ta cần làm là để cho hơi thở của Thần khí biến đổi chúng ta, làm mới lại tất cả. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia, Alleluia!