Friday, 17 June 2022

CHÚA HÀI LÒNG THÌ QUÁ ĐÃ!


Thưa anh chị em,

Trình thuật phép lạ ‘Bánh Hóa Nhiều’ được đặt sau việc Đức Giê-su sai mười hai Tông Đồ tham dự vào việc truyền giáo của Người. Khi sai các Tông Đồ, Đức Giê-su đã dặn họ trước tiên phải nương tựa vào Chúa và sau đó dựa vào lòng quảng đại của người nghe. Chúa phán “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” và “hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, ...”

Bài Tin Mừng ‘Bánh Hóa Nhiều’ nói lên sự quan tâm của Chúa dành cho những kẻ đi theo Người; nhưng đây cũng là cơ hội để Chúa huấn luyện các môn đệ về sứ vụ mà họ vừa thực hiện. Họ nên nhớ rằng tham dự vào sứ vụ rao giảng về Nước Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói nhưng cần được thể hiện bằng việc làm nữa.

Làm sao người môn đệ của Chúa có thể đặt tay ban bình an cho tha nhân khi những người đến với họ đang lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc và khổ sở trăm bề. Cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay, nỗi khó khăn mà các Tông đồ phải đối diện là làm thế nào các ông có thể cung cấp lương thực cho một số đông khi trời đã xế chiều, nơi họ tụ họp lại hoang vắng và cách xa thị trấn. Lý do của các Tông Đồ đưa ra quả thật rất đáng thuyết phục. Nói chung khả năng và môi trường không thuận lợi cho các ông, đơn giản là giải tán đám đông để họ tự lo liệu. Nhưng ý nghĩ của các ông không phải là ý nghĩ của Chúa.

Các Tông đồ tuy là những người bạn hữu thân thiết với Đức Giê-su, nhưng các ông vẫn chưa học được bài học quên mình và quan tâm đến người khác. Dân chúng đã tuôn đến với họ để nghe Thầy giảng dậy và các ông vừa được Chúa sai đi, giờ đây cơ hội đã đến để các ông thực tập những gì các ông vừa giảng dậy là quan tâm và lo cho đám đông thì các ông lại không nhận ra. Trong khi đó, các ông lại chăm chăm chú chú nhìn vào khả năng của chính mình và một khi nhìn vào mình thì các Tông đồ đã bỏ sót một yếu tố thật quan trọng, đó là sự có mặt của Đức Giê-su, Đấng có thể làm mọi sự, hiện đang ở giữa họ.

Nhưng Đức Giê-su biết phải làm gì, thay vì trực tiếp ra lịnh cho đám đông chia thành từng nhóm rồi ngồi xuống đồng bằng, Đức Giê-su đã nhân cơ hội này huấn luyện các ông trở thành các thừa tác viên của Người. Đức Giê-su mời các ông cộng tác. Người nói với các môn đệ hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người và họ đã làm theo ý Người.

Sau đó, Đức Giê-su cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá. Thực phẩm chỉ vọn vẹn có bấy nhiêu thì ai ăn ai nhịn đây. Nhưng đó lại là tất cả những gì các môn đệ có. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Kết quả là ai ai cũng hài lòng vì được ăn no. Có lẽ Người hài lòng nhất là chính Đức Giê-su. Giống như dân Is-ra-el khi xưa, trong hoang địa đã được Thiên Chúa nuôi ăn bằng Man-na và nước uống thế nào thì hôm nay qua việc phân phát bánh, Đức Giê-su cũng nuôi những ai đã bỏ hết mọi sự, vất vả theo chân Người được ăn no nê.

Thưa anh chị em,

Các cử chỉ như đón nhận, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban hôm nay chỉ được ghi lại một lần khác; đó là trong bữa tiệc ly Người đã san sẻ bánh và rượu cho các môn đệ. Bánh và rượu đây là dấu chỉ tượng trưng cho Thịt và Máu của Người như Đức Giê-su đã phán: “Ta là bánh trường sinh và ai đến với Người sẽ không đói bao giờ.

Bánh, của ăn và thực phẩm là những thực vật nhằm nuôi dưỡng và làm cho con người được lớn lên. Con người cần đến nó để duy trì sức khỏe và sự sống. Nhưng ý nghĩa của bữa ăn không nhằm đến việc ăn cho đầy bụng. Đói quá thì cũng chết mà ăn no quá thì bội thực và cũng chết. Việc của chúng ta là biết ăn. Bữa ăn là cơ hội để xây dựng tình nghĩa, thể hiện tình yêu, cùng san sẻ và chia vui những thành công trong đời và qua bữa ăn con người còn đến gần và thông cảm nhau hơn; từ đó cộng đoàn được gầy dựng một cách thật tự nhiên.

Trình thuật ‘Bánh hóa Nhiều’ hôm nay là thế. Biến cố này nói lên tình yêu của Người dành cho những ai đi theo Người. Sự kiện này còn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng những gì chúng ta có được để duy trì cuộc sống thể lý đều được ban tặng từ Chúa, và sau cùng Người còn là bánh trường sinh nuôi dưỡng toàn bộ con người chúng ta.

Giống như thức ăn có thể dẫn chúng ta đến gần nhau và nhiều việc được bắt đầu và tiến đến thành tựu qua bữa ăn thế nào thì của ăn mà Chúa ban phát cũng làm cho chúng ta trở nên thành viên của một cộng đoàn thuộc về Người, nhất là giúp chúng ta nhận thức rằng qua đó chúng ta nên những người bạn thân tình với Chúa và với nhau.

Tuy nhiên, họ và chúng ta vẫn còn gặp trở ngại. Chúng ta cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau, có thể biết kế hoạch của Chúa, chứng kiến việc Chúa chết, nghe các bạn nói rằng Người đã sống lại và hiện ra với họ… Nói chung là giống như họ, chúng ta biết rất nhiều, biết rất rõ những kế hoạch và gần như là biết mọi sự; nhưng lại quên sự hiện diện của Đấng trở thành của ăn cho chúng ta; cho nên chúng ta e ngại vì thấy mình đứng trước những nhu cầu quá lớn lao của con người. Nhìn chung quanh vẫn thấy bao người đói khổ. Hàng giây, hàng phút vẫn còn bao nhiều sinh mạng nhất là các trẻ em bị chết đói trên thế giới này. Thế mà, trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực.

Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có, trao cho Người những cố gắng thật khiêm tốn của chúng ta thì việc làm cho ‘Bánh Hóa Nhiều’ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể làm hài lòng người khác bằng lòng quảng đại và sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng ta có. Thế là quá đủ cho chúng ta rồi! Thế mà chúng ta lại không dám, cứ khư khư giữ làm của riêng cuối cùng mọi người, cả chúng ta nữa, đều bị đói khát.

Như vậy, hãy nhớ rằng chúng ta còn nhiệm vụ phải chu toàn. Nhiệm vụ đó là được gửi đi, gặp gỡ những người mà chúng ta chưa biết. Đến với nhau bằng tấm lòng rộng mở và cùng nhau chia sẻ những nỗi băn khoăn, cùng tiến về một mục tiêu. Mục tiêu đó được phát sinh từ những lần chúng ta tham dự tiệc bẻ bánh và trao ban của ăn cho nhau thì ai trong chúng ta còn bị thiếu thốn và đói khát nữa.

Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận Chúa Kitô và những người đang đói khát. Người đến với chúng ta, không phải một mình, nhưng với những người nghèo, những người bị áp bức, bị bỏ rơi, bị đói khát, bị nhục mạ, bị thống trị, bị sỉ nhục, bị cưỡng bức, mất căn tính con người,… đang sống chung quanh ta. Với Chúa, họ cần được giúp đỡ. Tình yêu cần được thể hiện bằng việc làm chứ không chỉ dựa vào lời nói. Còn chúng ta thì sao? Xin ghi lại truyện kể sau đây như một lời nhắc nhở.

Câu chuyện này xẩy ra bên Phi Luật Tân. Có cha giáo dậy thần học tại chủng viện. Cuối tuần, ngài đi làm mục vụ tại các làng quê. Chọn lựa này của ngài thật đáng cảm phục. Dân quê tuy nghèo nhưng đơn sơ và chân thật. Họ chịu nhiều thiên tai, nhưng ít ai oán trách. Trong làng, có gia đình hai cụ kia, lớn tuổi, nghèo. Hai cụ cư trú trong một căn chòi chỉ đủ che mưa, che nắng mà sống qua ngày. Họ không có con cái nên cũng chẳng có ai để nhờ vả. Xẩy ra là có cơn bão quét qua làng khiến cho căn chòi của hai cụ bị thiệt hại nặng hơn các nhà khác.

Sau cơn bão, theo thông lệ cha giáo xuống làng để cùng bà con cử hành Thánh Lễ. Trong các bài giảng, cha luôn tìm cách nhắc nhở cho bà con biết về tình trạng của hai cụ. Tuần thứ nhất qua đi, rồi lại một tuần nữa trôi qua, sang thêm một tuần nữa, đến cuối tuần thứ tư, mọi sự vẫn y nguyên. Sau khi dâng Lễ xong. Cha báo cho bà con biết tuần tới sẽ không có lễ. Tình trạng trong nhà thờ nhốn nháo cả lên. Họ nghĩ là cha ốm hay bị thuyên chuyển.

Cha giáo giải thích tôi không đến dâng lễ vì anh chị em chưa sống đúng vai trò của người tín hữu. Cha nói thêm: “Đây nhé, kể từ ngày cơn bão quét đến làng này, tuần nào tôi cũng nhắc cho anh chị em biết về hoàn cảnh mục nát, xiêu vẹo của căn chòi mà hai cụ đang ở. Thế mà có ai quan tâm làm gì để giúp họ đâu!” Chúng ta cùng chia một bánh, cùng uống một chén trong Thánh Lễ, rồi có ai sống điều mình đã nhận chưa? Nghe đến đâu lòng họ bị đánh động đến đó. Cả nhà thờ lặng yên. Ai ai cũng cúi gầm mặt xuống. Không ai nói với ai điều gì.

Sau vài phút trôi qua, ở góc cuối nhà thờ, có một người đàn ông bị tàn tật, run rẩy đứng lên và thưa với cha và cộng đoàn lời lẽ sau đây: “Dạ thưa cha, lời cha dậy thật chí phải! Tuy nhiên, thay vì nhắc nhở cho chúng con biết nhiệm vụ phải làm, sao cha không dẫn chúng con đi, rồi mỗi người một tay sửa lại căn chòi xiêu vẹo cho hai cụ ấy. Theo con, đó là cách thế hữu hiệu và nhanh nhất.”

Đến lúc này, không chỉ có giáo dân mà cả cha giáo cũng cúi gầm mặt xuống. Cha ngẫm lại mới thấy ông này nói đúng. Cha thường xuyên nói cho họ biết là con người ngày nay muốn được chứng kiến nhiều gương sáng hơn là những lời nói suông!

Truyện dừng lại ở chỗ đó, như lời mời gọi! Và, phần sau là kết luận của từng người, những ai đã cử hành và cùng tham dự Thánh Lễ.

Nói khác đi, chúng ta không thể tham dự Bữa tiệc Thánh Thể một cách trọn vẹn khi lòng chúng ta còn dửng dưng trước cảnh đói khát của người khác, không phân biệt mầu da, tín ngưỡng hay giai cấp trong xã hội. Tất cả đều là con Chúa. Tất cả đều cần yêu thương, không ai bị loại trừ.

Tâm hồn phục vụ, yêu thương của chúng ta dành cho nhau được phát xuất từ bữa tiệc Thánh Thể mà chúng ta cử hành hôm nay và mọi ngày trong cuộc sống. Đừng nhốt Chúa trong nhà tạm, hãy đem Chúa đến cho mọi người nơi mà Chúa đang chờ đợi bàn tay và tấm lòng quảng đại của con người. Chắc hẳn Chúa rất hài lòng khi chúng ta quan tâm và lo lắng cho sự sống của nhau. Làm được như thế là tốt rồi, Amen!

No comments:

Post a Comment