Khi còn bé, hầu
hết các trẻ em chúng ta say mê những câu chuyện được trích dẫn trong sách ‘Sấm
Truyền Cũ’ hay còn gọi là các sách ‘Cựu Ước’. Các tình tiết của câu chuyện trở
nên sống động hơn bởi tài kể truyện của các dì phước và mấy ông bà quản giáo. Họ
là những người tràn đầy kinh nghiệm trong việc dậy giáo lý bằng những câu chuyện
như thế này. Một trong những truyện tích mà tôi còn nhớ đó là cuộc chiến giữa cậu
bé Đa-vít của Ít-ra-en và anh chàng khổng lồ Go-li-át bên Phi-lip-tinh.
Câu chuyện đó
được tóm tắt như sau:
Vào thời đó,
dân Phi-lip-tinh và dân Ít-ra-en thường xuyên xẩy ra các cuộc giao chiến. Trong
một trận chiến kia, quân Phi-lip-tinh cử đấu thủ tên là Go-li-át bước ra gây
chiến với quân lính Ít-ra-en. Người khổng lồ này cao khoảng 3 thước, mình mặc
áo giáp và trang bị vũ khí của một vị dũng tướng. Với vẻ uy nghi bộc lộ một sức
mạnh phi thường, Go-li-át ra đứng trước hàng quân ròng rã 40 ngày, liên tục thách
đố quân lính Ít-ra-en bằng những lời khiêu khích như: “Hãy chọn lấy một người
và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ mạnh để chiến đấu với ta và hạ được ta,
thì chúng tao sẽ làm nô lệ chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn và hạ được nó, thì
chúng bay sẽ làm nô lệ chúng tao và sẽ hầu hạ chúng tao.” Vua Sa-un và toàn thể
quân lính Ít-ra-en nhìn thấy tướng uy nghi của Go-li-át thì đã khiếp sợ, và khi
nghe tiếng áp đảo của ông ta lại càng kinh khiếp hơn; thế là không một ai trong
quân đội của Ít-ra-en dám ra đương đầu với Go-li-át.
Đến một ngày
kia, có chàng thiếu niên tên là Đa-vít, làm nghề chăn cừu, chưa đủ tuổi gia nhập
quân ngũ. Cậu có biệt tài bắn ná, trăm phát trăm trúng. Vào một hôm, cha cậu,
ông Gie-sê sai cậu mang thực phẩm ra thăm ba người anh của cậu đang đóng quân tại
cuộc giao chiến đó. Cậu đến trại binh vào lúc quân đội hai bên đang dàn trận
tuyến đối đầu nhau. Khi nghe những lời thách thức và khinh thường quân đội
Ít-ra-en của Go-li-át, Đa-vít đã vào xin vua Sa-un cử mình ra để nghinh chiến với
đấu thủ. Thoạt đầu, khi nhìn thấy cậu, nhà vua do dự nhưng sau cùng vua Sa-un đã
bị thuyết phục bởi các lý lẽ và chứng từ mà cậu đưa ra và cử cậu ra trận tuyến.
Vũ khí của cậu chỉ là cây gậy, dây phóng đá và mấy hòn đá bỏ vào túi.
Khi nhìn thấy
cậu bé, chỉ đứng tới ngang hông của mình nên Go-li-át coi thường và bằng giọng
khinh bỉ đã nói với Đa-vít rằng: “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với
tao? Đến đây, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.” Đa-vít đáp
trả tên Phi-lip-tinh rằng: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao.
Còn tao, tao đến với mày bằng sức mạnh của Thiên Chúa mà mày thách thức. Ngay
hôm nay, Thiên Chúa sẽ nộp mày vào tay tao…” Nói xong, Đa-vít thọc tay vào bị,
rút ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Phi-lip-tinh.
Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất; cậu chạy lại và dùng
gươm đâm và chặt đầu Go-li-át. Thế là Đa-vít thắng Go-li-át và quân
Phi-lip-tinh thua trận và tháo chạy không còn manh giáp nào.
Câu chuyện về
cuộc giao chiến giữa Đa-vít và Go-li-át nói trên giúp cho chúng ta nhận ra bài
học, đó là sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa luôn đánh bại sức mạnh của quyền
lực chống lại Ngài. Go-li-át cậy vào sức mạnh của bản thân nên đã bị bại; còn
Da-vít đã dùng sức mạnh nội tâm, một nguồn sức mạnh của Thiên Chúa, chiến đấu
và chiến thắng cho Thiên Chúa nên tuy nhỏ con nhưng cậu đã đánh bại người không
lồ.
Đó là những
gì đã xẩy ra cho các môn đệ trước và sau ngày Lễ Ngũ Tuần.
Trong hành
trình theo Chúa, các môn đệ đã tìm kiếm sức mạnh và quyền uy của thế gian. Và
cho đến lúc trước khi Chúa Phục Sinh được cất nhắc về trời, trong hàng ngũ các
môn đệ vẫn còn có ông đã hỏi Chúa rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy
khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Tham vọng quyền bính, óc quyền lực và
dùng sức mạnh để chinh phục và chiến thắng vẫn còn trong tâm não và quan niệm sống
của các môn đệ. Các ông vẫn còn mê quyền uy và sức mạnh để chiến thắng địch
thù. Vì thế, những gì Chúa ban, những điều Người truyền dậy vẫn như ‘nước đổ lá
khoai’. Trong các lần hiện ra, Người đều thổi hơi, thông truyền sức mạnh và Thần
Khí cho các môn đệ thế mà các ông vẫn ù lì, không cất bước để ra đi thực hiện lịnh
truyền vì lo sợ!
Thế mà, những
gì xẩy ra cho họ vào dịp Lễ Ngũ Tuần đã gây kinh ngạc cho mọi người. Vẫn biết rằng
Thần Khí và sức mạnh của Thiên Chúa không chỉ đến một lần. Thần Khí đã được trao
ban ngay khi Đức Giê-su bị treo trên Thánh Giá. Người đã thực hiện cuộc trao
ban Thần Khí qua việc trút hơi thở từ thân xác sống động của Người xuống trên
những ai đứng dưới chân Thập Giá mà đại diện của toàn thể nhân loại là Mẹ Người
và những ai mà Chúa yêu thương.
Trong ngày lễ
Ngũ Tuần hôm nay, các ông đã để cho quyền lưc của Thiên Chúa qua sức mạnh của
Thần Khí thúc đẩy. Đó là sức mạnh nội tâm, luồng gió tái sinh thổi tung mọi thứ
rào cản, kéo các ông lại gần và thông cảm cũng như hiểu biết nhau hơn. Cho dù những
người qui tụ tại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó vẫn còn nói các thứ tiếng khác nhau,
nhưng trên hết mọi sự, ngôn ngữ của con tim, tiếng nói cũa cõi lòng, sức mạnh của
lòng mến đã bao trùm và đẩy các ông và cử tọa, là những người nghe các môn đệ
loan báo Tin Mừng Phục Sinh, gần nhau hơn.
Thần Khí
Thiên Chúa đã hiện diện nhưng không ép buộc con người phải đón nhận. Thần Khí
như mầm hạt giống, không phát triển trong một giây lát, nhưng lớn lên từ từ cho
đến lúc bung ra thì không còn chỉ là những nụ hoa mà trở thành những bông hoa rực
rỡ muôn mầu trong vườn hoa muôn mầu muôn sắc của Thiên Chúa. Như vậy, người tín
hữu có thể được gọi là những con người tràn đầy Chúa Thánh Thần, là những con
người đã để cho Thần Khí bao phủ, chỉ đạo và hướng dẫn.
Vậy Thần Khí ở
đâu?
Nhìn lại lịch
sử cứu độ chúng ta nhận biết rằng Thánh Thần đã hiện diện và không ai có thể
tách Ngài ra khỏi sự sống của Chúa Cha và Chúa Con được. Chúa Thánh Thần là sự
sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong dòng lịch sử nhân loại,
trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thần Khí Thiên
Chúa không chỉ là quà tặng của Thiên Chúa mà chính là sự sống của chúng ta.
Trong trình
thuật tạo dựng của sách Sáng Thế Ký, tác giả đã truyền tải cho chúng ta một
kinh nghiệm tôn giáo thật sâu sắc về sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Bằng
hình ảnh của ông thợ gốm, tác giả đã mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng nên con người
qua việc nặn, đắp tượng. Tượng đất, tương gỗ muôn đời vẫn mãi là pho tượng bất
động nếu Thiên Chúa không thổi ‘Thần Khí’ vào lỗ mũi. Như vậy sự sống con người,
ngay từ ngày đầu, đã thuộc về Thiên Chúa.
Trong hành
trình tiến về ‘Đất Hứa’, Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động không ngừng trong
tiến trình hình thành để trở thành dân riêng cư ngụ nơi mảnh đất mà Chúa đã hứa;
như lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã quả quyết “Thần Khí Đức Chúa đã đưa họ về chốn
nghỉ ngơi” (Is 63,14).
Thần Khí
Thiên Chúa hiện diện với Đức Giêsu. Người làm mọi việc với Chúa Thánh Thần: Người
đầy Thánh Thần, đã bỏ bờ sông Gio-đan và được Thần khí đưa vào sa mạc (Lc 4:1).
Người bắt đầu sứ vụ với Chúa Thánh Thần (Lc 4:14 và 18). Với Chúa Thánh Thần, Đức
Giêsu đã chọn nhóm 12 (Cvtđ 1:2); và với Thần Khí, Người đã hiến mình làm của lễ
hy sinh không tì vết mà dâng lên Cha. (Dt 9:14). Ngay trong giây phút từ gĩa
cõi trần, Người gục đầu xuống mà trao ban Thần Khí (Gioan 19:30). Duới chân Thập
Giá có Mẹ Người và toàn thể những ai mà Chúa yêu thương, mà ở đây hình ảnh biểu
tương được dùng là Thánh Gioan. Thật ra, ai trong chúng ta lại không đuợc Chúa
yêu thương. Nói khác đi, ngay trong giây phút Đức Giêsu đi về cùng Cha, Người
đã trao ban Thần Khí cho Hội Thánh, đó cũng là chủ đích mà Thánh Luca đã ghi lại
trong sách Tông đồ công vụ.
Nhìn lại lịch
sử của Hội Thánh, cho dù ai có khó tính đến đâu, thì người đó cũng không thể phủ
nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh.
Nhất là qua những thời điểm đen tối nhất, Hội Thánh lại nhận thấy quyền năng của
Thần Khí hoạt động hữu hiệu hơn cả.
Sau cùng, đối
với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh
của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay
cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu
đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta như Lời Chúa trong bài
Tin Mừng hôm nay: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng
sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai,
thì người ấy bị cầm giữ.”
Như vậy: Bình
an, lịnh truyền ra đi, quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Linh để tha thứ là
những gì Chúa muốn cho con người thực hiện trong cuộc sống. Nói khác đi, chỉ có
sức sống và sự đổi mới của Thần Khí mới làm cho con người dễ dàng thông cảm, hiểu
biết, đón nhận và tha thứ cho nhau một cách chân thật hơn.
Sức mạnh của
Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, ban ơn tái tạo. Thần khí Thiên Chúa luôn ở
với chúng ta, dù nhiều lúc chúng ta không ý thức về sự hiện diện đó. Nhưng Thần
Khí của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động, cả những lúc chúng ta không ngờ. Chỉ
có một việc mà chúng ta cần làm là để cho hơi thở của Thần khí biến đổi chúng
ta, làm mới lại tất cả. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận
bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta
đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được
chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia, Alleluia!
No comments:
Post a Comment