Wednesday, 22 June 2022

CON SẴN SÀNG, NHƯNG TRƯỚC HẾT…


Anh chị em thân mến,

Khi khai mạc sứ vụ, Đức Giê-su bị khước từ tại hội đường Na-da-rét. Hôm nay trên đường đi Giê-ru-sa-lem để hoàn tất sứ vụ, Người cũng không được dân làng Samaria tiếp nhận. Sự từ chối đón nhận mà Đức Giê-su phải gánh chịu cũng là số phận của các môn đệ.

Con đường theo Chúa không dễ dàng thuận lợi, những ai muốn theo Chúa thường xuyên gặp nhiều khó khăn và bị chống đối. Họ phải chọn lựa giữa những tiêu chuẩn của Nước Trời và các giá trị chống lại nó. Họ được mời gọi sống theo sự hướng dẫn và lãnh đạo của Đức Giê-su và thể hiện các giá trị của Tin Mừng mà Chúa đã trao. Biết như thế, cho nên cho dù bị khước từ, nhưng điều đó không làm các môn đệ chùn bước, trái lại mỗi lần bị khước từ là một cơ hội để các môn đệ nhìn lại chính mình mà sửa đổi hơn là phê phán thái độ và cách cư xử của những người chống lại mình, rồi bằng cái nhìn chủ quan, quá khích đã khiến các môn đệ, như Gio-an và Gia-cô-bê hôm nay, muốn gọi lửa từ trời xuống để tiêu diệt những ai không cùng phe với mình!

Chúa không cư xử như cách thức mà các môn đệ đề ra. Người không sử dụng quyền lực để lên án những ai không theo Người hay không đón tiếp Người. Người không muốn các môn đệ tiếp tục tranh luận về việc từ chối đón tiếp Người của dân làng Samaria nữa. Đây không phải là cuộc tranh luận để thẩm định họ sai ta đúng, họ lạc giáo ta mới là chính thống, ta là kẻ chiến thắng và đối phương là kẻ thua cuộc. Đức Giê-su nhắc cho các môn đệ biết thầy trò còn việc phải làm, đó là cùng nhau đi về phía trước cho dù phải đối diện với các thách đố trong việc loan báo Tin Mừng.

Anh chị em thân mến,

Vì thế, phần kế tiếp của bài Tin Mừng nói về cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với ba người muốn theo Chúa. Nhưng mỗi người đều có chuyện cần làm trước. Trước thái độ thiếu dứt khoát trong việc chọn lựa của họ, Đức Giê-su đã trả lời như sau:

Đối với người thứ nhất, Chúa nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Lý do mà người thứ hai đưa ra rất đáng kính phục, anh cần phải báo hiếu. Cha anh vừa chết nên việc chôn cất là bổn phận. Anh cần lo việc chôn cất cha anh trước, rồi mới theo Thầy. Đối với anh, Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa". Và người thứ ba, Ðức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa".

Cách chọn lựa của họ làm chúng ta nhớ lại các nỗi trăn trở mà chúng ta đã từng trải nghiệm. Một cách cụ thể, bao nhiêu lần chúng ta đã thưa với Chúa rằng Chúa muốn con đi đâu và làm gì, con cũng xin vâng! Nhưng mặt khác, chúng ta lại nói: Nhưng, trước tiên xin cho con về báo hiếu và nói lời từ biệt với các bậc sinh thành và dưỡng dục con trước… Hình như chúng ta đang bị lôi kéo theo hai hướng: theo Chúa hay theo ý mình.

Về nguyên tắc, thật đơn giản để có thể nói rằng theo Chúa và sống những giới răn của Người thật dễ dàng. Hãy yêu người lân cận như chính mình, yêu kẻ thù của mình, đón tiếp khách lạ, thăm người đau ốm, thăm viếng kẻ tù đày, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống và hãy tha thứ không chỉ bảy lần mà bảy mươi lần bảy cho những ai làm hại mình. Đó là những giá trị mà Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta noi theo. Đó là đich điểm mà Đức Giê-su muốn chúng ta hướng đến. Đó là nơi mà Chúa muốn hiện diện. Đó là đường đi đến thánh đô Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa hy sinh. Hầu hết chúng ta có lẽ đồng ý với những giá trị đó. Về nguyên tắc, đó là con đường chúng tôi đã chọn để đi.

Nhưng lối sống của những ai theo Chúa thì khó khăn và phải đối diện với nhiều thách đố hơn rất nhiều so với nguyên tắc. Tôi đoán rằng tất cả các nguyên tắc sống mà chúng ta đồng ý theo Chúa sẽ bị thay đổi cho đến khi chúng ta gặp những người mà cho dù cố gắng đến đâu chúng ta cũng không thể yêu thương họ, gặp những khách lạ khiến chúng ta sợ hãi như những tên khủng bố, những hành động của họ không thể tha thứ, hoặc chạm trán với người Samaria trong cuộc đời chúng ta. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ e dè, đắn đo và có thể xét lại và bắt đầu bằng câu: “Nhưng, trước hết…”

Tương tự như trên, ở lãnh vực cá nhân, chúng ta cũng thường gặp những lối suy nghĩ, thí dụ như:

Quả thật, cô / anh ta rất tốt. Tôi yêu cô ấy hay anh ấy nhưng trước hết hãy để tôi đi xem cô / anh ấy là ai, cô ấy hay anh ấy có đáng để yêu hay không, tôi có thích anh ấy hay cô ấy không, người ấy có đồng ý và hợp ý tôi không. Bao nhiêu điều kiện được đưa ra trong việc chọn lựa của chúng ta.

Vâng, tôi sẽ mở cửa để chào đón người khách lạ, khách ngoại kiều nhưng trước tiên hãy để tôi xem ai đang gõ cửa, người đó khác với tôi như thế nào, cô ấy hoặc anh ấy muốn gì, người ấy có tạo nguy hiểm cho cuộc sống của tôi hay không? Không khéo tôi lại rước một tên phá hoại, khủng bố gây bao chết chóc cho người khác!

Đúng vậy, theo Chúa là tha thứ cho người khác nhưng trước hết hãy để tôi đi xem cô ấy hoặc anh ấy có thừa nhận hành vi sai trái của mình hay không, có hối hận về những gì họ đã làm không và có hứa sẽ thay đổi không.

Có, tôi sẽ hy sinh và quan tâm đến người khác nhưng trước tiên hãy để tôi đi và xem lý do tại sao tôi nên làm như vậy, tôi sẽ phải trả giá bao nhiêu và tôi sẽ được lại những gì.

Khi nói: “Nhưng, trước hết …” là lối đặt điều kiện trong khi đó chúng ta không được phép đặt điều kiên khi theo Chúa. Tôi tự hỏi cuộc sống và thế giới của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta yêu thương, cho đi, chào đón và tha thứ mà không có "nhưng hay nhưng gì hết?"

Anh chị em thân mến,

Dựa trên kinh nghiệm sống, chúng ta đều biết rằng muốn đạt được ước mơ, chúng ta cần hy sinh rất nhiều, nhất là cần đặt trọn tâm tư, ý chí và trung thành với điều mà chúng ta đã cam kết. Không có sự thành công nào mà không đòi buộc sự quyết tâm. Không một ai dấn thân nửa vời mà có kết quả tốt bao giờ. Không một ai cứ chần chừ không dám quyết định mà có thể đạt được điều mình mong ước. Vì thế, quyết tâm dấn thân cho lý tưởng đòi buộc chúng ta phải kiên tâm và bền chí. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta sẽ hy sinh đến độ mất hết tự do. Thật ra chúng ta dùng quyền tự do của mình để hạn chế những phần không cần thiết của sứ vụ để dùng sự do đó mà thực hiện điều chúng ta đang mong đợi.

Như vậy, căn cứ vào lời dậy bảo của Đức Giê-su, chúng ta nhận ra rằng nếu ai có quyết định theo Chúa, thì người đó phải chuẩn bị hy sinh và hao tốn rất nhiều năng lực. Nhưng tất cả những hy sinh này sẽ giúp cho họ đạt được Nước Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su là Người cho chúng ta được theo Người, cho nên Người có đủ thẩm quyền để yêu cầu chúng ta làm theo ý của Người.

Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, chúng ta có hai chọn lựa: hoặc là sống độc thân vì lý tưởng hay lập gia đình. Cả hai chọn lựa đều yêu cầu chúng ta phải ra khỏi vùng an toàn của chính mình, và chấp nhận một lối sống với nhiều hy sinh hơn lối sống ở hiện tại. Nếu họ quyết tâm thực hiện điều họ đã cam kết và chấp nhận mọi hậu quả để hoàn thành ước nguyện thì giả như có gặp khủng hoảng hay khó khăn thì họ cũng dễ dàng đón nhận và tìm ra phương thức để giải quyết ổn thỏa hơn.

Nhưng nếu một người không có định hướng rõ ràng. Anh muốn thử nghiệm mọi hướng, có nghĩa là cái gì anh cũng muốn thử rồi đến khi gặp khó khăn thì lùi bước. Với thái độ như thế, thì dù anh chọn bậc sống nào như đi tu hay lập gia đình, thì kết quả sẽ không tốt và cũng chẳng được bền vững. Thiếu quyết tâm trong việc sắp đặt ưu tiên cho cuộc sống sẽ đưa anh đến một thỏa hiệp mở ra cho hai phía và kết quả mà anh sẽ đón nhận là sự đổ vỡ vì đã không chọn lựa, chỉ muốn đi hai hàng.

Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã mời gọi các môn đệ hãy mở lòng ra để đón tiếp Chúa và anh em. Trong tiến trình của việc đón tiếp, các môn đệ và chúng ta được yêu cầu hy sinh để thực hiện điều mình đã cam kết khi chọn lựa. Vì thế, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra cho bản thân là mình thuộc về ai, biết nương tựa và gắn bó với ai? Và chỉ có trong Chúa, Người mới ban cho các môn đệ và chúng ta một sự tự do đích thực để chúng ta hoàn thành sứ vụ theo đúng như các yêu cầu mà Đức Giê-su phán trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện và giúp nhau đạt được nguyện ước này. Amen!

No comments:

Post a Comment