Wednesday, 16 November 2022

CHÚA KI-TÔ: VUA VŨ TRỤ, ĐẤNG XÓT THƯƠNG MUÔN LOÀI


Trong Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta hướng về ngày cùng tận của thế giới, ngày mà chúng ta trông đợi Đức Giê-su uy nghi vinh hiển đến trong tư thế của một ông vua, không theo nghĩa thế trần. Đức Ki-tô sẽ đến như một vị vua đầy lòng nhân ái, quan tâm, lo lắng, chăm sóc và hy sinh cho toàn dân thuộc về Nước của Người, không loại trừ một ai. Đó chính là đích điểm nói lên tình yêu, lòng thương xót của Người dành cho thế gian này. Và, để diễn tả ý tưởng này, phụng vụ của Hội Thánh, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã mô tả những việc xẩy ra trong giây phút cuối đời của Chúa Giê-su khi Người bị treo trên Thập giá. Giây phút này được coi như cao điểm của những thử thách mà Đức Giê-su đã chiến đấu để hoàn tất vai trò và nhiệm vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Những gì xẩy ra hôm nay được coi như thử thách hay cám dỗ cuối cùng mà Đức Giê-su cần phải đối diện. Trận chiến kéo Đức Giê-su ra khỏi thập giá được lập đi lập lại bởi những người đang hiện diện dưới chân của cây thập giá. Còn dân chúng thì đứng từ đàng xa mà nhìn.

Trước hết, các thủ lãnh cám dỗ Chúa: “hãy xuống khỏi thập giá đi!” Lý luận họ đưa ra thật xác đáng rằng nếu Đức Chúa đã từng giúp và cứu nhiều người thì giờ đây tại sao lại chịu trói như thế. Và nếu quyền năng của Thiên Chúa ở với Đức Chúa thì đây là giây phút bộc lộ cho mọi người biết thì hãy tự cứu mình đi. Nghe chúng nói thì chướng tai và nhìn họ lại thêm gai mắt; thôi thì biểu lộ uy quyền cho chúng biết tay. Nếu Đức Giê-su làm như thế sẽ mắc bẫy của chúng!

Quân lính cũng đưa ra món mồi tuơng tự: “Hãy xuống khỏi thập giá”. Vua mà không có quyền thì nói ai tin. Cứu mình khỏi cảnh ô nhục và cho muôn dân thấy vương quyền của Người. Lại một lời mời gọi đi con đuờng tắt dẫn vào ngõ cụt, trái ý Chúa Cha nên Người đã không theo.

Rồi đến người tử tội cũng muốn ăn ké; nhưng cám dỗ mà anh ta đưa ra chạm vào căn tính ‘Mesia’ của Người. Đức Kitô đuợc xức dầu, tấn phong để thực hiện nhiệm vụ của người tôi tớ, chứ đâu phải đến để tìm quyền lực và vinh danh hư ảo.

Đức Giê-su đã không chịu lùi bước, Người đã chiến đấu. Tuy vậy, truớc mắt họ thì hình như Đức Giê-su là nguời thua cuộc, thất bại. Nhưng, qua sự vâng phục thẩm sâu của Đức Giê-su như thế cho nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Đức Giê-su đã đuợc Chúa Cha tôn vinh là Vua, là Chúa của muôn dân muôn nuớc. Qua tấm lòng hiếu kính và vâng phục, Người đã sửa lại những sai trật của con người từ nguyên thủy để ban cho tất cả nguồn ơn cứu độ.

Còn chúng ta thì sao?

Hãy ghé mắt nhìn vào tội nhân thứ hai. Tôi thấy trong anh có tôi. Anh là đại diện và là mẫu guơng cho các người thuộc về ‘nuớc’ của Đức Giê-su. Anh nhìn nhận lỗi phạm của chính mình và cũng nhận ra sự vô tội của Đức Giê-su, rồi cầu xin Người cứu vớt. Thái độ của anh hòan tòan khác và trái nguợc với những người thủ lãnh, quân lính và phạm nhân bên kia. Và anh đã đuợc cứu.

‘Hôm nay’ không phải ngày mai. Ngay bây giờ, ngay lúc này anh đuợc ở trên thiên đàng với Chúa. Thiên đàng ở đây không phải là nơi chốn, nhưng là tình trạng hiệp nhất hòan hảo giữa Chúa và anh. Anh đã đạt được sự hiệp thông trọn vẹn này qua việc nhận ra sự hèn yếu của bản thân mà nuơng tựa hoàn toàn vào Chúa. Trong mối dây hiệp nhất, anh được ơn tha thứ.

Đây cũng chính là điều mà chúng ta theo đuổi trong suốt cuộc đời. Lòng thuơng xót của Chúa là chốn nuơng thân cho những ai thuộc về Nước Thiên Chúa. Chúa thương xót để chúng ta xót thương nhau.

Sau đây là vài truyện ngắn nói lên một vài gương sáng để chúng ta cùng suy cùng gẫm:

Truyện thứ nhất xẩy ra vào một đêm khuya lạnh giá tại thành phố Dublin, bên Ái Nhĩ Lan. Có cô y tá đang vội vã chạy trên đường hầu bắt kịp chuyến xe buýt cuối cùng để về nhà, thì trước mắt cô là một cảnh tượng rất đáng thương tâm. Một người đàn ông trẻ tuổi nằm trên vỉa hè. Anh ta dường như là người say rượu hay mới bị ai đánh đang cần sự trợ giúp. Tuy đang vội, nhưng lòng trắc ẩn và lương tâm của một y tá đánh thức cô. Cô dừng lại để tìm cách giúp đỡ anh. Nhưng, khi cô vừa cúi mình xuống thì anh ta nhẩy chồm lên, chộp lấy chiếc xách tay của cô. Hai bên giằng co nhau. Cô không chịu buông tay và anh ta cũng không bỏ cuộc. Trong lúc dành giật, thì bỗng nhiên vào một khoảnh khắc nào đó, ánh mắt của họ gặp nhau và chàng thanh niên giả vờ bị thương mới buông tay ra và kêu lên ‘Ồ, chị là cô y tá Murphy,’ và họ bắt đầu trò chuyện.

Số là vào một thời gian trước đây, cậu thanh niên đó đã nằm trong nhà thương với một cái chân bị gãy, và cô y tá Murphy là người đã tận tình săn sóc và đối xử rất tốt với anh.

Trong khi nói chuyện, anh hỏi cô đi đâu? Cô y tá tốt bụng nói cho anh biết là cô đang trên đường đến trạm xe buýt để đón xe về nhà. Nghe đến đó, anh cùng với cô đi bộ đến trạm xe buýt, xin lỗi cô về những gì đã xảy ra và chào tạm biệt cô.

Truyện thứ hai được kể lại bởi mẹ Thánh Teresa thành Calcuta, bên Ấn độ. Vào một ngày kia, từ trong một cống rãnh đầy mùi hôi thối tại Calcuta, Mẹ đã nhặt được một người đàn ông và đưa ông về nhà dành cho những người đang hấp hối. Trước khi chết, anh thưa với mẹ rằng "Thưa sơ, khi còn sống con đã sống như một con vật nhưng khi chết con lại được yêu thương, chăm sóc và chết như một thiên thần." Mẹ vô cùng cảm kích khi nghe những lời như thế. Ông đã chết mà không oán trách hay nguyền rủa ai. Mẹ cảm thấy thật vinh dự khi có cơ hội giúp ông sống những giờ phút cuối đời với cảm giác được yêu thương và trân trọng như một thiên thần.

Lòng nhân ái và sự săn sóc đặc biệt của Mẹ Teresa, các nữ tu trong Dòng của Mẹ và chị y tá mang tên Murphy đã đánh động lòng tốt, sự thiện hảo của nhiều người, trong đó có một người sẵn sàng phạm tội ác. Anh đã được cảm hóa, không cướp giật vì qua việc làm nhân ái của cô y tá Murphy đã đánh thức bản tính thiện lương và lòng tốt mà Thiên Chúa, Đấng tạo hóa đã ban cho anh. Tất cả mọi vật Thiên Chúa tạo dựng đều tốt.

Ước gì qua lối sống xót thuơng mà chúng ta đặt tha nhân làm đối tượng sẽ giúp chúng ta nhận ra sự bất tòan của bản thân mà nương tựa vào Chúa. Vì trong khoảnh khắc như thế, Chúa làm cho con tim ta rung động, mắt ta sáng hơn, đôi tai ta nghe rõ hơn nhưng lời van xin của kẻ khác, nhất là những người nghèo. Họ đang chờ lòng xót thương của anh chị em.

Hãy nuơng tựa vào Chúa. Người chính là nguồn năng lực duy nhất giúp chúng ta tiếp tục sống và làm chứng cho thế giới nhận ra Chúa là Vua yêu thương, là Chúa của lòng thương xót. Amen!

 

No comments:

Post a Comment