Wednesday, 9 November 2022

SẴN SÀNG CHO CHÚA

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 33 mùa thường niên là một phần của diễn từ mà chúng ta hay gọi là diễn từ quang lâm. Khi nghe trích đoạn Tin Mừng này các tín hữu đầu tiên đã chứng kiến cảnh đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Quả thật, biến cố kinh hoàng này đã khiến cho niềm tin của các tín hữu tiên khởi bị lung lay đến tận xương tủy. Họ tự hỏi nhau rằng phải chăng đây là dấu hiệu báo ngày tận thế sắp xảy ra?

Chúng ta phải đọc diễn từ quang lâm mà Thánh Lu-ca trình bầy ở đây như là một lời nhắc nhở rằng việc đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá được Đức Giê-su dự đoán đã xẩy ra. Đó không phải là dấu hiệu tiên báo điều gì sẽ xẩy ra cho bằng bàn tay của con người phá hủy nó. Chúng ta hãy nhớ rằng Đức Giê-su rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa. Việc hình thành và phát triển Nước Thiên Chúa không bị lệ thuộc bởi việc xây dựng các cơ sở vật chất do bàn tay con người đóng góp.

Bên cạnh đó, Người còn nói cho những kẻ theo Người biết rằng không chỉ có đền thờ đã bị tàn phá mà sẽ còn nhiều tai ương và hoạn nạn xẩy đến cho thế giới này nữa... Một thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, bạo động, chiến tranh và khủng bố; các tai ương như thiên tai, động đất và lũ lụt vẫn xẩy ra.

Cho dù tất cả các biến cố như động đất, ôn dịch, đói kém hay các hiện tượng kinh hoàng khác ập xuống trên mặt đất cũng không làm con người phải hoảng sợ. Đức Giê-su đã quả quyết rằng những sự việc đó sẽ xẩy ra trước, nhưng đó cũng không phải là các điềm báo nói về ngày tận thế đâu. Việc Chúa đến trễ hay đến sớm không phải là việc mà chúng ta cần quan tâm hay lo lắng.

Ngoài ra, các người theo Chúa còn bị bách hại, bị ngược đãi và bị giam cầm, thậm chí còn bị những người thân trong gia đình bắt nộp. Nhưng, tất cả các điều đó không làm cho chúng ta phải hoang mang hay lo sợ; trái lại chúng ta hãy xử dụng hoàn cảnh ngặt nghèo như là những cơ hội để loan báo Tin Mừng cho những ai đang có lối sống thù địch với Tin Mừng. Sống trong tư thế của kẻ đã sẵn sàng hoạt động để loan báo Tin Mừng là thái độ sống tích cực của người tín hữu đã sẵn sàng đón chào Chúa.

Thật ra, chúng ta được mời gọi để đón nhận mọi biến cố xẩy đến trên thế giới này bằng một niềm hy vọng. Chúng ta được mời gọi trung kiên với Chúa và tìm mọi cơ hội để làm chứng cho niềm tin giữa lòng thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả mọi biến cố đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Người. Đức Giê-su muốn chúng ta có nhiều thời gian để chuẩn bị cho thật tốt, nhất là biết dùng thời gian đang sống để công bố cho mọi người biết về Tin Mừng của Thiên Chúa.

Đối với chúng ta là những tín hữu, chúng ta cũng được mời gọi hành xử tự do với vốn liếng đã được trao ban để làm chứng cho Tin Mừng trong lòng xã hội và môi trường sống của chúng ta. Sự tự do này đòi hỏi chúng ta phải liều lĩnh và chấp nhận mọi thua thiệt để trung tín với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Liều lĩnh trong niềm tin vào Thiên Chúa là một trong những đức tính cần thiết mà chúng ta cần có. Liều lĩnh để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa là một ơn gọi vô cùng cao quí mà Chúa đã mời gọi. Đây còn là một đòi hỏi vô cùng cần thiết cho thế giới bị tục hoá mà chúng ta đang sống hôm nay.

Thưa anh chị em,

Hôm nay, trong tinh thần đó, với niềm hân hoan, chúng ta mừng Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha ông chúng mình đã hy sinh mạng sống để minh chứng đức tin kiên cường của các ngài. Chúng ta không thể phủ nhận gương can đảm, chấp nhận mọi khổ hình mà cha ông chúng mình đã trải qua. Sử sách đã ghi lại bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng tượng những cực hình nói trên cũng khiến cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.

 Tất cả các cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc áp dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm, những cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính đã giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các ngài. Vì yêu mến Chúa mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho tất cả.

Thật vậy, sự hiểu biết giáo lý hay những tín điều về Thiên Chúa của các ngài tuy nông cạn và các ngài cũng không có những suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu, các ngài đã yêu Chúa bằng tất cả con người của các ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện qua việc chấp nhận cái chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung tín với Chúa mà thôi; nhưng qua hành vi tự hiến, các ngài đã noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã hiến thân để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân lọai.

Tiến ra pháp truờng bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của chúng ta rất thư thái và bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và trên môi là nụ cuời hân hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng mà các ngài cả đời yêu mến và trông đợi.

Hôm nay dù cuộc sống chịu ảnh hưởng bởi một nền văn minh đã bị tục hóa, chúng ta cũng được mời gọi sống từ bỏ hàng ngày, từ bỏ từ từ cho đến trọn vẹn để sống với lòng mến thiết tha cho đến giây phút cuối cùng.

Khi nói đến lối sống từ bỏ trong cuộc sống hàng ngày, tôi nhớ lại gương sáng của các bậc làm cha làm mẹ. Một trong các mẫu gương đó như sau. Để hoàn thành ơn gọi cao quí mà Chúa đã trao ban, các bậc làm cha làm mẹ đã phải trải qua những đêm dài trằn trọc, vượt qua các thử thách để tìm ra các phuơng thức khả dĩ giúp cho những người con khỏi rơi vào cảnh lầm lạc, có thể dẫn các cháu đến ngõ cụt của cuộc đời. Cuối cùng, dù trải qua trăm cay nghìn đắng… cha mẹ vẫn là những người thua cuộc.

Như tham dự một cuộc chơi ‘trốn-tìm’: anh chị chận đầu này, con cái anh chị chạy lối kia. Truớc những cảnh ngộ đó, tôi thuờng nghĩ rằng trong bổn phận làm cha, làm mẹ, chẳng một ai trong anh chị em là người thắng cuộc. Vì yêu thuơng con cái, anh chị em là những người bại trận, phải từ bỏ ý riêng, vui lòng thua cuộc vì hy sinh và yêu mến các cháu.  

Đó là tâm huyết và tôn chỉ của những người con Chúa. Đó là gương sáng của các Thánh Tử Đạo, cha ông chúng ta, hơn 100.000 người đã anh dũng, hy sinh chết vì đạo, chết vì niềm tin kiên cường, chết để bộc lộ lòng mến thiết tha. Các ngài đã vui lòng thua cuộc trong trận chiến với thế quyền. Nhưng gương hy sinh, phát sinh từ lòng mến của các Ngài với Chúa, vẫn lưu truyền trong cuộc sống của dân Việt khắp nơi trên thế giới.

Hôm nay, hòa chung với niềm hãnh diện là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy noi gương các Ngài, biết chọn lối sống hy sinh, chết đi cho ý riêng và tuân phục ý Chúa, Đấng đã hy sinh để nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường bao. Phần chúng ta, hãy bước theo dấu chân của các Thánh Tử Đạo, cha ông mà làm chứng cho thế giới nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đang chảy trong huyết quản mình. Amen!

 

 

No comments:

Post a Comment