Wednesday, 31 May 2023

THIÊN CHÚA BA NGÔI: SỨC LAN TỎA CỦA TÌNH YÊU.


Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao siêu trên hết vẫn là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Và một khi nói đến mầu nhiệm thì chúng ta hẳn nhiên phải đồng ý với nhau rằng, sức lực và trí óc của con người cho dù có thông minh và khôn ngoan đến đâu thì cũng không thể lĩnh hội và hiểu thấu một cách trọn vẹn về ý nghĩa của các mầu nhiệm. Chấp nhận trong niềm tin, cầu nguyện với tâm hồn khiêm tốn, phó thác với lòng cậy trông và nhất là sống yêu thương là các yếu tố giúp chúng ta có thể cảm nhận được phần nào về những bí nhiệm mà Thiên Chúa tỏ bầy.

Khi chiêm niệm và suy tư về Thiên Chúa, Thánh Gio-an tông đồ, người môn đệ mà Chúa yêu mến, đã xác tín và san sẻ cho chúng ta biết bản tính của Thiên Chúa, đó chính là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa. Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nếu Ngài không Yêu.

Và một khi đã nói đến Yêu thì chúng ta phải kể đến đối tượng của yêu thương. Tình Yêu mà Thiên Chúa trao ban là quà tặng cho thế gian, như Lời mà chúng ta vừa được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, “quả vậy, Thiên Chúa ban Con của Người cho thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Gio-an 3: 17)

Hơn thế nữa, dựa vào truyền thống của Thánh Kinh, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa không là một hữu thể đơn độc. Nếu như Thiên Chúa đơn độc một mình thì Người sẽ tự yêu mình. Nhưng Người là ba: Chúa Cha, Chúa Con và Thần Khí. Tuy ba ngôi vị, nhưng lại liên kết với nhau nên một trong tình yêu. Cả ba ngôi vị, hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau. Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là Thần Khí của Thiên Chúa. Tình yêu mà Người ban tặng cho thế gian, cho chúng ta, trước tiên được luân chuyển và xuất phát từ Thiên Chúa. Sức luân chuyển này làm cho Tình Yêu của Thiên Chúa càng phong phú và đầy tràn hơn. 

Trong niềm tin đó, chúng ta có thể nói với nhau rằng: dù cho cuộc sống và thân phận có như thế nào, thì mỗi người chúng ta vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa. Và chính vì được ở trong trái tim của Thiên Chúa cho nên con người mới có sức để lãnh hội mầu nhiệm Tình Yêu mà Thiên Chúa đã mạc khải trong mầu nhiệm Ba Ngôi mà chúng ta mừng kính và suy tôn hôm nay.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình. Bởi vì anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.

Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó không chỉ của chúng ta, mà là chúng ta. Đó chính là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.

Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu. Yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi, và yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.

Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.

Thưa anh chị em,

Quả thật, đón nhận sự tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống thì quan trọng hơn là sự hiểu biết về mầu nhiệm đó. Bởi vì, con đường của Ba Ngôi là con đường đích thực của hiệp nhất. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi (ngôi vị, cá thể, người) đồng nhất với người kia, trao thân cho nhau và duy trì sự tồn tại của nhau.

Vì vậy, với Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ làm được các việc sau:

·        Chúng ta hãy đồng cảm với nhau, nhận ra con người chung, cố gắng tạo thành một mẫu số chung mà chúng ta có với người khác, sẵn sàng chia sẻ đau khổ với nhau, thông cảm, hiểu hoàn cảnh và các nỗi khó khăn của nhau.

·        Chúng ta hãy trao thân cho nhau trong công việc phục vụ, sẵn sàng san sẻ và vác những gánh nặng của nhau.

·        Chúng ta hãy nhìn nhận sự hiện diện của tha nhân, cùng nhau duy trì sự hiện diện đó trong các tổ chức hay cơ cấu của xã hội; để cùng nhau xây dựng một môi trường trong đó quyền lợi và nhân vị của con người được đảm bảo và nhu cầu của con người được đáp ứng một cách công bằng.

·        Chúng ta hãy tha thứ cho các sai lầm của nhau và cùng nhau bước đi trên con đường xây dựng hòa bình.

·        Chúng ta hãy chia cho người khác những hồng ân mà chúng ta đã lĩnh nhận từ trong kho lẫm thật phong phú mà Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban.

·        Chúng ta hãy tôn trọng lối sống của nhau, nhận ra rằng mỗi cuộc sống của con người là một hành động phát sinh từ tình yêu, từ trong trái tim sáng tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi.

·        Và những điều tương tự giống như thế…

Tóm lại, trong Thiên Chúa, tinh yêu của chúng ta sẽ được khởi động lại bằng cách  mở ra, thông ban và chia sẻ cho nhau. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân, buông bỏ ý riêng và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ, lắng nghe và quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.

Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi.

Sau cùng, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết chia sẻ tình yêu cho nhau và cho tha nhân. Amen.

Wednesday, 24 May 2023

THẦN KHÍ TÁI SINH và ĐỔI MỚI


Để bắt đầu bài suy niệm hôm nay, xin mời anh chị em cùng cầu nguyện.

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời sai Đức Chúa Thánh Thần xuống. Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen

Đó là lời cầu nguyện mà chúng ta thường dùng để khai mạc các buổi kinh nguyện tại gia, cầu cho các linh hồn nhân dịp lễ giỗ, các buổi họp và cũng là lời nguyện khai mạc giờ suy niệm hôm nay. Chúng ta đến với Đức Chúa Thánh Thần để dâng mọi sự cho Ngài, cầu xin Ngài soi sáng để mọi việc chúng ta làm đều thể hiện lòng vâng phục của chúng ta thuận theo ý Chúa. Nhưng trên thực tế, chúng ta có hành động theo như lời chúng ta cầu xin hay là dâng lời nguyện để xin soi sáng nhưng lại từ khước sự can thiệp và soi sáng của Thánh Linh. Thay vào đó, cái tôi và ý riêng của mình được nổi bật và không chấp nhận ý kiến của người khác. Từ đó sinh ra mâu thuẫn, chia rẽ, thậm chí hận thù và không nhìn mặt nhau.

Như vậy, câu hỏi mà chúng ta cần suy niệm hôm nay là Đức Chúa Thánh Thần giữ vai trò nào trong cuộc sống của chúng ta? Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là ân huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua bí tích Rửa tội và Thêm Sức mà thôi, rồi sau hai biến cố trọng đại đó chúng ta cất Ngài vào trong tủ kiếng để thờ. Tuy rằng chúng ta quên Ngài, nhưng Ngài không hề quên chúng ta. Ngài không hề vắng mặt. Thật ra Ngài vẫn hiện diện và hoạt động mãnh liệt như đã hiện diện vào ngày khai sinh Hội thánh mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một chứng thực rằng “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv 2:3b) Và kể từ lúc đó, các Tông Đồ mất hẳn sự nhút nhát, không còn lo sợ. Các Ngài đã lên đường xông pha và vượt qua mọi hiểm nguy để làm chứng về một Đấng đã chết và hiện nay đang sống và sẽ trở lại trong vinh quang như lúc Người được suy tôn.

Như vậy, Đức Chúa Thánh Thần đã khởi động sứ mạng của các Tông Đồ, đã đốt lên ngọn lửa nồng cháy thiêu đốt tâm hồn chai đá và nguội lạnh của các ông, đồng thời là hơi thở thông ban sự sống của Thiên Chúa cho các Tông Đồ, cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta. Ngài chính là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của chúng ta.

Thưa anh chị em,

Trong những tuần vừa qua, nhất là qua biến cố về trời của Đức Giê-su, chúng ta đã nhận ra một sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh. Người không vắng mặt, nhưng nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra cách thức hiện diện vô cùng mới mẻ và sống động của Người. Nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra sự thật là Thiên Chúa không chỉ ở cùng mà còn ở trong mỗi người chúng ta, như Lời Đức Giê-su đã nói: “Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.”

Điều này đã được chứng thật qua sự hình thành và phát triển của Hội Thánh. Thật vậy, khi đọc lại lịch sử của Hội Thánh, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Từng câu từng chữ trong sách Công vụ Tông đồ đã nói lên chân lý này. Và Thần Khí của Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động trong lòng Hội Thánh cho đến mọi thời, như Lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Có nhiều người đã nghĩ rằng Thần Khí của Thiên Chúa chỉ hoạt động nơi các cộng đoàn đang phát triển, hiện diện qua các sự kiện nhằm phô trương thanh thế và nơi các đấng các bậc có chức quyền. Thật ra, Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động hữu hiệu và mãnh liệt nơi những người cùng khốn, nơi các cộng đoàn đang bị chà đạp và bách hại. Còn hơn thế, một khi Hội Thánh đang ở thời điểm đen tối lại là lúc Hội Thánh nhận được sự trợ giúp và soi sáng của Thần Khí  tác động một cách hữu hiệu hơn cả. Để minh họa cho ý tưởng nói trên, chúng ta cùng ngồi xuống để xem xét các biến cố mà các đấng bậc trong Giáo hội đang phải đối diện.

Điều làm cho các đấng bản quyền trong Hội Thánh phải nhức đầu là hành vi ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục trẻ em’ của một số giáo sĩ và tu sĩ. Cụm từ tuy ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Đó là hành động phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền đối với người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn và đời sống của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Họ mặc cảm bị khước từ. Họ cắn răng chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’, tự tìm lối giải thoát cho bản thân và để lại niềm thuơng tiếc, nỗi đau khổ cho người thân.

Các sự kiện này đã xẩy ra vào các thời điểm khác nhau. Có những vụ đã xẩy ra khoảng vài chục năm trước đây, trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt với văn hóa ngày nay. Có những nạn nhân vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không dám lên tiếng cho các bậc hữu trách biết tường tận mọi chi tiết của tình huống. Nhưng từ khoảng thập niên 1970 và nhất là việc thiết lập ‘uỷ ban hoàng gia’ để điều tra về các vụ án này, cộng thêm các nguyên nhân khác. Tât cả đã trở thành nguồn động lực giúp cho các nạn nhân mạnh dạn hơn trong việc nói ra những vết thương thầm kín, đã đè nén tâm tư họ bao nhiêu năm trường. Và với phuơng tiện truyền thông hiện đại, mọi sự đều đuợc phơi bầy. Vì thế, nhiều tín hữu mất đi niềm tin và giảm sự kính trọng nơi các vị lãnh đạo trong Hội Thánh.

Tuy nhiên, với những ai lạc quan, họ có thể cho rằng Đức Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi, Ngài còn soi sáng cho các vị có trách nhiệm của ‘uỷ ban hoàng gia’, các nạn nhân và các tổ chức liên hệ đứng dậy để giúp cho cơ cấu của Hội Thánh đuợc tinh luyện hơn. Chúng ta tin rằng Thần khí của Thiên Chúa vẫn hoạt động không ngừng để rửa sạch, thánh hóa và làm cho bản chất của Hội Thánh mỗi ngày một Thánh Thiện hơn.

Còn đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, tái tạo và hàn gắn đổ vỡ. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia!

Wednesday, 17 May 2023

Về Trời Và Tiếp Tục Hiện Diện


Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Lễ Chúa Giê-su lên trời. Bài đọc một và trình thuật Tin Mừng trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay tuy có một chút khác biệt, nhưng nội dung chính yếu là nói về việc Đức Giê-su được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ. Như vậy câu hỏi đầu tiên chúng ta cần san sẻ cho nhau là trời ở đâu?

Chúng ta không biết nhiều về khoa học không gian, nhất là môn học về vũ trụ thì lại càng khó hiểu. Đó là việc của các nhà chuyên môn. Vào thời Đức Giê-su, và hầu hết những người dân thường ít hiểu biết như chúng ta vẫn còn cho rằng trời ở trên cao, đất là nơi chúng ta đang sống và được bao quanh bởi biển cả và đại dương, và dưới hay trong lòng quả đất này là hỏa ngục.

Từ khái niệm đơn sơ này chúng ta suy diễn về các mốc điểm trong hành trình của chúng ta. Các Thiên Thần và các Thánh thì ở trên trời. Quỉ dữ và những ai thuộc về nó thì bị giam cầm dưới Hỏa Ngục, trong lòng đất. Còn trái đất là nơi chúng ta đang sống và chiến đấu. Chính vì thế, đôi khi chúng ta cho rằng về trời hay lên thiên đàng là phần thưởng dành cho ai đã chiến đấu và chiến thắng quyền lực của sự ác chi phối và hoành hành trên cuộc sống của chúng ta. Vì thế quan niệm sống để thu tích các công việc đạo đức và đưa vào kho lẫm để chờ ngày lãnh nhận phần thưởng đời sau vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc sống của tín hữu. Với lối suy luận như thế, chúng ta có thể sẽ quên đi trách vụ và bổn phận cần phải làm để biến đổi môi trường mà chúng ta đang sống trở thành trời mới đất mới.

Trời là nơi Chúa ngự. Ngự trị không nhắm đến nơi chốn cho bằng mô tả sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện này sẽ không còn tuỳ thuộc vào một khoảng không gian nào đó hay một mốc thời gian nào của lịch sử; nhưng là một sự hiện diện không bị giới hạn bởi không gian và không lệ thuộc vào thời gian. Thiên Chúa hiện diện từ trước và cho đến muôn đời, vô thủy vô chung. Như vậy ở đâu có Chúa là ở đó có trời. Và như lời Chúa đã phán thì ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Chúa thì Chúa hiện diện giữa họ. Ý nghĩa của câu này có thể giải thích là ở đâu có sự hiệp nhất, thông cảm, yêu thương thì có Chúa ở đó; nói khác đi tại nơi đâu mà con người cùng chia sẻ một đức tin, cùng san sẻ và trao ban một lòng mến thì tại nơi đó có sự hiện diện của Chúa. Như vậy, trời hay thiên đàng không ám chỉ đến địa danh hay nơi chốn nào đó cho bằng một cách mà con người dùng để diễn tả khi nói đến nơi ngự trị của Chúa. Nói khác đi, khi mô tả việc Chúa lên trời có nghĩa là chúng ta nói đến việc Chúa Giê-su ngự trị bên hữu Thiên Chúa.

Trên thực tế, làm sao chúng ta có thể giải thích về ý niệm về một vị Thiên Chúa vừa hiện diện lại vừa vắng mặt trong cuộc sống của chúng ta nói riêng và trong các sinh hoạt của thế giới này nói chung. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn sống với quan niệm về một vị Thiên Chúa ở trên trời, xa vắng với các sinh hoạt của con người. Với cái nhìn như thế, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn là lúc chúng ta chạy đến cầu xin với Ngài đến can thiệp và giải quyết thay cho chúng ta.

Có phải cho đến hôm nay Chúa mới đuợc đưa lên trời hay không? Thật ra, Đức Giê-su đã về nhà Cha, tiếp nhận vinh quang như đã có từ Thiên Chúa ngay khi Người trút hơi thở và trao ban Thần Khí cho chúng ta là những người đứng dưới chân Thập Giá. Việc Chúa Giê-su được cất nhắc về trời hôm nay không phải là việc ra đi để rồi không hiện diện nữa; nhưng đây chính là một sự hiện diện mới mà chúng ta và các môn đệ cần cảm nhận bằng con mắt đức tin và thể hiện bằng việc làm để minh chứng điều mà chúng ta và các môn đệ đã tin.

Vì thế, không có chuyện vắng mặt. Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ Vượt Qua, vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ; Người đã sống lại và tiếp tục sống cho họ và với họ như những gì mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một hôm nay, đó là “sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa.” Cách thức hiện diện tuy khác, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Trong khi thi hành sứ vụ, Người đã không thể ở với mọi người tại mọi nơi khác nhau. Nay qua sự chết trong vâng phục mà Người đã được tôn vinh và hiện diện ở mọi nơi, mọi chốn và ở với mọi người trong mọi cảnh huống của đời họ.

Chúng ta mừng sự thay đổi, hân hoan đón nhận cách thức hiện diện mới của Chúa. Tuy, chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta đuợc liên kết với Người như Lời Người đã phán với chúng ta trong bài Tin mừng: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28: 20b)

Mặc dầu các dấu chỉ biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa có thể thay đổi so với các việc làm của các tín hữu thuộc các công đoàn sơ khai; nhưng nguồn gốc và sức mạnh vẫn xuất phát từ Chúa. Người vẫn hoạt động thông qua những kẻ đi theo Người. Người về trời ngự bên hữu Thiên Chúa không phải để đuợc tôn vinh mà thôi, nhưng còn tiếp tục làm việc nơi các môn đệ qua quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, đó chính là sức mạnh của Thánh Linh như Chúa đã hứa “các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giu-đê-a và Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất”. Với sức mạnh của Chúa Thánh Linh, các Tông Đồ và nhóm môn đệ mọi thời đã hoàn tất sứ mạng của họ.

Còn chúng ta hôm nay thì sao?

Thực hiện lịnh truyền của Chúa trước khi Người về trời, đó là: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Có nghĩa là:

Sống trong một thế giới đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta đuợc mời gọi trở nên sứ giả của hoà bình.

Sống trong một tập thể mà người ta tìm cách loại bỏ nhau vì ghen ghét, đố kỵ và thù hằn thì chúng ta lại đuợc mời gọi sống yêu thương, tương tác và liên đới với nhau.

Đối diện với một cộng đoàn chỉ biết tham lam và tranh dành địa vị thì chúng ta lại được mời gọi sống bác ái và khiêm nhường trong việc phục vụ.

Tất cả đều là dấu chỉ nói lên lời mời gọi của Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng đã về trời để tiếp tục hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn của các kẻ tin.

Vì thế, câu hỏi mà chúng ta phải đối diện hôm nay là sống thế nào trong vai trò chứng nhân về sự hiện diện của Chúa? Đó cũng là thử thách mà Tin mừng đề ra cho các tín hữu tại Ga-li-lê-a khi xưa và cho chúng ta hôm nay “Hỡi những người Ga-li-lê-a, sao còn đứng đó nhìn trời.” Có nghĩa là tại sao chúng ta vẫn còn ngồi đó mà tiếc nuối quá khứ! Sao cứ khư khư ôm lấy vinh quang mà không dám trở về với cuộc sống hiện tại để chu toàn phận sự đã được trao phó?

Khi thi hành nhiệm vụ mà Chúa trao phó hôm nay, chúng ta ý thức rằng mình không tự làm; nhưng sứ mạng được trao ban từ Chúa; Người là vị cứu tinh nhân hậu, đang hiện diện và đồng hành với chúng ta.

Chúng ta nương tựa vào Chúa.

Chúng ta gắn bó và nối kết mật thiết với Người.

Chúng ta không ngồi đó chờ Người làm thay các việc mà chúng ta cần làm.

Chúng ta sẽ không yêu cầu Chúa đến để thay đổi những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.

Thay vào đó, trong niềm tin, chúng ta biết chắc Người đang đồng hành, soi sáng và mở mắt để chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa trong các sự kiện đang xảy ra. Thiên Chúa đã không rời bỏ chúng ta nhưng hiện diện trong những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta ngay bây giờ và mãi mãi.

Như vậy, Chúa đã đi đâu là việc của Chúa! Việc của chúng ta phải làm là thực hiện lịnh truyền mà Chúa phán trước khi Người được cất nhắc về trời, đó là: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”, và nhờ việc làm của anh em mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Người. Amen!

 

 

THẦN KHÍ NGUỒN SUỐI YÊU THƯƠNG


Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay là một phân đoạn trong diễn từ cáo biệt của Đức Giê-su trước khi Người bước vào hành trình khổ nạn. Chúa biết rõ chương trình của Cha muốn Người thực hiện. Giờ ra đi đã gần kề. Trước giờ ly biệt, Đức Giê-su bồi hồi và xúc động. Trong tâm tình đó, Người hiểu rõ tâm trạng mất mát, hoang mang, thất vọng và lo sợ của các môn đệ khi phải đối diện với sự chết mà Người vừa loan báo; cho nên Người mới giúp các môn đệ biết rằng tuy các ông sẽ xa cách Người về mặt thể lý, nhưng trong niềm tin các ông sẽ nhận ra rằng Người không hề bỏ rơi họ. Người vẫn hiện diện đồng hành với các ông, nhất là tiếp tục dìu các ông đi vào cõi vinh quang mà Người đang có ở bên Cha.

Muốn nhận biết được sự hiện diện mới này, các môn đệ cần có niềm tin, lòng mến, sự kiên trì trong vâng phục ý muốn của Chúa. Vì thế, trong câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nhắc các môn đệ rằng; “Nếu các con yêu mến Thầy, các con sẽ giữ các điều răn của Thầy.” Đây là chân lý, là sự thật được mạc khải bởi Chúa Giê-su. Phần các môn đệ, chỉ có tiếp nhận. Sự tiếp nhận này là một hồng ân.

Chân lý và sự thật được trao ban để các môn đệ nhận biết và tuân giữ điều Thầy truyền. Chỉ có trong lòng mến, các môn đệ mới có thể tuân giữ các giới lịnh của Chúa. Tình yêu và tuân phục Lời Chúa là hành trang của người môn đệ.

Thật vậy, dựa trên kinh nghiệm sống, chúng ta nhận biết rằng khi đang yêu là lúc chúng ta đi tìm và hoàn thành sở thích và ý nguyện của người mình yêu. Cho dù chàng hay nàng không nói, nhưng qua ánh mắt chúng ta nhận biết người ta đang yêu muốn gì và lập tức chúng ta thực hiện ngay. Đó chính là tâm tình và thái độ sống của Đức Giê-su, tìm kiếm và làm vui lòng Cha. Yêu là thế đó.

Anh chị em thân mến,

Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ nhớ lại một chân lý căn bản, đó là khả năng yêu mến của các môn đệ phải được xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Người là Đấng mà Đức Giê-su sẽ xin Cha sai đến ở giữa họ, sống với họ, giúp họ tuân theo lời dậy của Người. Mà ai yêu mến Chúa, thì sẽ được Cha yêu mến và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Như vậy, yêu thương và lắng nghe tiếng Chúa là cẩm nang sống của người môn đệ. Những điều này cần được thể hiện bằng việc làm diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Đã có lúc nào chúng ta tự vấn lương tâm trả lời câu hỏi là tôi có yêu Chúa hay nhận biết rằng Chúa vẫn yêu tôi như thế nào?

Trong anh chị em, sẽ có một số người cho rằng câu hỏi này thật vớ vẩn. Cả đời tôi theo Chúa. Gia đình tôi thuộc đạo gốc. Tính theo tuổi đời tôi đã làm con Chúa bao nhiêu năm. Biết bao việc đạo đức kể sao cho hết! Nào là tham dự Thánh Lễ, tuân giữ luật Giáo Hội, ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, làm các việc bác ái, tham gia vào các sinh hoạt trong nhà thờ… cứ thế mà tuôn ra. Các việc làm như thế không là yêu Chúa thì còn yêu ai nữa đây!

Thật ra, câu hỏi nói trên không dễ trả lời chút nào. Thành thật mà nhìn nhận rằng tất cả các việc làm đạo đức mà chúng ta liệt kê ở trên chưa hẳn là các chứng từ nói lên tình yêu của mình với Chúa. Câu hỏi thật khó khăn và cũng cần có câu trả lời thỏa đáng.

Nói chung, chúng ta có thể diễn tả cảm giác yêu bố mẹ và những người thân trong gia đình như thế nào. Tình yêu của người chồng dành cho vợ hay là của người phối ngẫu dành cho nhau có thể diễn tả được. Họ biết mức cảm xúc trong tình nghĩa vợ chồng cần có cho nhau. Nhưng thành thật mà nói chúng ta lại ú ớ khi diễn tả cảm giác yêu Chúa. Bản thân tôi cũng thế, nói yêu Chúa thì nhiều; nhưng đã có lần nào tôi có cảm giác ấm áp trước tình của Chúa dành cho tôi hay chưa?

Tuy nhiên, có một sự thật, ít nhất đối với tôi, và xin phép chia sẻ đến anh chị em; đó là cho dù chúng ta không thể diễn tả bằng cảm xúc trước tình của Chúa dành cho mình thì cũng đừng lo; bởi vì tình yêu mà Chúa muốn chúng ta thực hiện không dừng lại ở cảm xúc. Người muốn là sự vâng phục, vâng phục trong yêu mến, vâng phục không chỉ một lần mà là luôn mãi. Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy.

Hơn thế nữa, khi nói đến tình yêu, Đức Giê-su muốn chúng ta hành động. Và điều trước tiên mà chúng ta cần ghi nhớ là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa là một tình yêu siêu thoát cần sự đầu phục và tôn thờ. Như vậy, tình yêu đích thật mà Chúa muốn chúng ta dành cho Người là cách sống vâng phục và tôn thờ Thiên Chúa.

Nhưng làm thế nào để có thể đầu phục Chúa hoàn toàn, làm thế nào để chúng ta có thể dâng hiến một đời cho Người. Chắc hẳn không thể dựa vào nỗ lực và những cố gắng của bản thân! Bởi vì, con người thì yếu đuối, dễ vỡ và mỏng dòn. Chúng ta cần trợ lực. Đó chính là điều mà Đức Giê-su nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Gio-an 14: 16-17)

Thật vậy, chúng ta chỉ có thể yêu Chúa và thương tha nhân khi để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động. Người chính là Thần Khí, hơi thở truyền ban sự sống của Thiên Chúa, thay đổi chúng ta, biến đổi chúng ta và kéo chúng ta lại gần Chúa hơn. Chúng ta chỉ cần học để buông bỏ chính mình, tập đừng kiểm soát và trao quyền kiểm soát và để Thiên Chúa hoạt động thì chúng ta sẽ càng ngày càng tận tụy và ngoan ngoãn hơn trong việc yêu mến Chúa.

Cuối cùng, thưa anh chị em.

Kinh nghiệm về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta là nền tảng tuyệt đối trong mọi trải nghiệm của đời sống. Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đi vào nẻo chính đường ngay để mối quan hệ với Thiên Chúa càng ngày càng bền chặt hơn. Người chính là nguồn suối của mọi ân huệ. Người làm cho các hạt giống được triển nở và sinh hoa kết quả trong cuộc sống để chúng ta trở thành mẫu mực trọn vẹn theo ý định của Thiên Chúa. Chính Thần Khí của Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta đầu phục và bầy tỏ lòng sùng kính đối với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta hết mực tôn thờ và yêu thương. Đó chính là điều mà Đức Giê-su đã phán: “Thầy ra đi thì có lợi (hơn) cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Gio-an 16:7)

Đức Giêsu thể lý không còn ở đây nữa. Người đã ra đi và rời bỏ chúng ta: Hãy ngợi khen Chúa vì điều đó! Bởi vì nếu Chúa Giêsu vẫn còn ở với chúng ta, chúng ta dựa vào Người rồi ỷ lại, rồi lười biếng và sẽ không biết sức mạnh của Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta và chúng ta cũng không có cơ hội diễn tả thân phận và cuộc sống Kitô hữu nữa.  

Chúa ở cùng anh chị em. Thánh Thần của Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là lời chào mà chúng ta gửi đến cho nhau qua các nghi lễ phụng vụ. Đó còn là tin vui trọng đại mà chúng ta trao gửi cho nhau. Đó cũng là kinh nghiệm mà các kẻ tin đã chứng thực qua mọi thế hệ về sức mạnh của Thánh Linh, Đấng đã biến đổi họ và chúng ta thành khí cụ yêu Chúa và thương người một cách trọn hảo hơn. Và, khi những người khác thấy việc Chúa Giêsu đã làm để thay đổi cách sống của chúng ta với Người và với nhau thì họ cũng muốn biết Chúa.

Chỉ có trong quyền năng của Thánh Thần mới biến đổi chúng ta thành khí cụ yêu thương của Người. Ước gì, cuộc sống của chúng ta sẽ là nhân chứng tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa cho gia đình, cho xóm đạo, cho cộng đoàn và thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay. Amen!

Wednesday, 3 May 2023

THEO CHÚA VÀ SỐNG NHƯ CHÚA.


Anh chị em thân mến,

Sự sống của đoàn chiên và tương lai các môn đệ là những điều mà Đức Giê-su rất mực quan tâm. Người không muốn các môn đệ sống trong hoang mang và lo sợ khi vắng bóng Người. Người đi về với Cha không phải để rời xa họ, nhưng để kết nối với họ một cách bền chặt hơn. Đó là tâm tình của Chúa khi Người phán: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” (Yn 14: 1-4)

Với những lời khuyên bảo và trấn an như thế, khi nghe xong các môn đệ và chúng ta cảm thấy được an ủi, thư thái và an bình hơn! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng mất mát, hoang mang, thất vọng và lo sợ của các môn đệ khi phải đối diện với sự chết mà Người vừa loan báo; cho nên Người mới giúp cho các môn đệ biết rằng tuy các ông sẽ xa cách Người về mặt thể lý, nhưng trong niềm tin các ông sẽ nhận ra rằng Người không hề bỏ rơi họ. Người vẫn hiện diện đồng hành với các ông, nhất là tiếp tục dìu các ông đi vào cõi vinh quang mà Người đang có ở bên Cha. Muốn được như thế, các môn đệ và những kẻ theo Người phải có niềm tin vào Chúa.

Trên thực tế, mang trong mình thân phận mỏng dòn của kiếp người chúng ta thường đối diện với nỗi bấp bênh và các sự cố đã và đang xẩy ra ngoài tầm khống chế và kiểm soát của chúng ta. Vì thế, sẽ có một số người chai lỳ và đông cứng, mặc cho dòng đời đưa đẩy đến đâu hay đến đó. Lại cũng có một số người không chấp nhận được nên đã tìm lối thoát riêng. Đại đa số sống trong lo âu và sợ sệt. Đứng trước một tình trạng không theo ý mình như thế, con người cần tin vào Thiên Chúa và tin vào Lời của Đức Giê-su khuyên bảo hôm nay hơn.

Tuy nhiên, giống như các môn đệ, chúng ta luôn muốn mọi sự được xẩy ra trước mắt chúng ta, trong tầm kiểm soát của chúng ta. Sự việc Đức Giê-su đón chúng ta ‘đi về nhà Cha’ là việc sẽ xẩy ra trong tương lai. Nhưng trong giây phút này, nhất là những phút giây mà chúng ta hay gọi là ‘đêm đen, hay tình trạng không lối thoát’ con người cần đến sự can thiệp của Chúa hơn bao giờ hết.

Làm sao chúng ta biết mình không bị bỏ rơi? Làm sao chúng ta nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su đang cùng đi với chúng ta. Thật chí lý khi nghe Tô-ma nói thay cho chúng ta rằng: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”

Đức Giê-su đã trả lời rằng Người là đường là sự thật và là sự sống. Người là con đường duy nhất dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải đi qua Người. Truớc thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Phi-líp-phê cũng không hơn gì Tô-ma, dù đã ở với Đức Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhìn thấy Chúa là con đuờng sự sống dẫn các ông vào sự sống phong phú và dồi dào của Thiên Chúa. Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. (Gioan 14: 9)

Nhìn vào thực trạng của thế giới, biết bao nhiêu người chưa nhìn thấy Chúa, chưa nhận ra “Người là đường, là sự thật và là sự sống”. Tôi còn nhớ đã đọc được ở đâu đó một bản thống kê, trong đó người ta ghi nhận rằng nước Nhật là nước có số người chết vì tự tử cao nhất thế giới. Một điều khó hiểu nữa là đa số những người chết vì tự tử ở Nhật Bản lại là những người trẻ, có việc làm ổn định và có địa vị cao trong xã hội. Như vậy, đâu phải nghèo khổ, già nua, bệnh tật là bất hạnh lớn nhất của đời người. Hoá ra cái làm cho con người ta trở thành kẻ khốn cùng nhất trong cuộc đời này là họ không thấy được ý nghĩa và giá trị thật của cuộc sống. Họ không tìm thấy đường nào để đi.

Trong lúc con người bị bế tắc, không lối thoát, không biết đi về đâu, thì Đức Giêsu trong bài Tin Mừng đã nhắc cho chúng ta nhớ lại rằng Thầy là Đường, là sư thật và là sự sống. Người chỉ cho con người con đường để đi đến sự sống và hạnh phúc. “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện trở thành đường đi, dẫn con người về với Chúa Cha, về quê hương đích thực. Đồng thời, Người cũng là người chỉ đường và là người đồng hành với chúng ta trên con đường sự sống dẫn về quê hương chân thật đó. Người đã chỉ cho con người thấy tất cả những viễn tượng tốt đẹp và huy hoàng ở cuối của con đường ấy. Nơi đó, có một Thiên Chúa toàn năng là Cha đang mở rộng vòng tay đón chờ ta.” . . . Còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ ông ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Rồi mở tiệc ăn khao.

Đây là mạc khải do Đức Giêsu, Đấng hôm nay phán “Thầy là Đường, Sự thật và Sự sống.” Hãy bước trên con đường của Người. Con đường hy sinh, gian khổ và yêu thương. Con đường dẫn đưa con người đến sự sống đích thật. Đó là chân lý mà các môn đệ đã noi theo và đã sống.

Thật vậy, con đường là cách diễn tả nói lên lời mời gọi mà Chúa muốn chúng ta đi vào cuộc sống của Chúa là. Đó chính là:

Con đường từ bỏ. Từ bỏ đến cùng như lời thánh Phaolô: “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa…. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang… trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá….” (Phi-lip-phê 2: 6-11)

Từ bỏ là bước vào con đường yêu thương. Yêu như Chúa yêu! Người yêu thương chúng ta và yêu thuơng đến cùng, hạ mình xuống rửa chân như dấu chỉ phục vụ hết mình. Trong Tình yêu của Chúa thì không có biên cương, không còn nô lệ hay tự do… không còn kẻ giàu hay người nghèo, kẻ sang hay người hèn; tất cả đều nên một trong lòng mến của Người. Tình yêu của Chúa là con đường đưa tất cả đến với nhau và những ai đến với Người đều không bị khuớc từ.

Và sau cùng, yêu thương gắn liền với tha thứ, không phải chỉ tha bẩy lần nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy; có nghĩa là tha liên tục và tha đến cùng như trên Thánh giá Chúa đã tha cho cả những kẻ làm hại mình; Lậy cha xin tha cho chúng…

Vì thế, theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bước vào con đuờng của Chúa. Và con đường dẫn chúng ta đến với Chúa cũng là con đường dẫn chúng ta đến gặp tha nhân. Do đó, muốn đến và gặp gỡ Thiên Chúa không gì tốt đẹp và chắc chắn bằng đến gặp Người nơi tha nhân. Và muốn đến và gặp gỡ tha nhân không gì bảo đảm và tạo hạnh phúc cho họ bằng đến và gặp gỡ họ trong Thiên Chúa.

Ước gì chúng ta biết soi mình vào tấm gương là chính Đức Giêsu để thấy được chân lý, thấy được đường đi và thấy được Cha chúng ta là một Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta nhận biết rằng chỉ có một con đường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống sung mãn nơi Chúa Cha là đi con đường của Chúa, sống lối sống của Người. Amen!