Wednesday, 24 May 2023

THẦN KHÍ TÁI SINH và ĐỔI MỚI


Để bắt đầu bài suy niệm hôm nay, xin mời anh chị em cùng cầu nguyện.

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời sai Đức Chúa Thánh Thần xuống. Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen

Đó là lời cầu nguyện mà chúng ta thường dùng để khai mạc các buổi kinh nguyện tại gia, cầu cho các linh hồn nhân dịp lễ giỗ, các buổi họp và cũng là lời nguyện khai mạc giờ suy niệm hôm nay. Chúng ta đến với Đức Chúa Thánh Thần để dâng mọi sự cho Ngài, cầu xin Ngài soi sáng để mọi việc chúng ta làm đều thể hiện lòng vâng phục của chúng ta thuận theo ý Chúa. Nhưng trên thực tế, chúng ta có hành động theo như lời chúng ta cầu xin hay là dâng lời nguyện để xin soi sáng nhưng lại từ khước sự can thiệp và soi sáng của Thánh Linh. Thay vào đó, cái tôi và ý riêng của mình được nổi bật và không chấp nhận ý kiến của người khác. Từ đó sinh ra mâu thuẫn, chia rẽ, thậm chí hận thù và không nhìn mặt nhau.

Như vậy, câu hỏi mà chúng ta cần suy niệm hôm nay là Đức Chúa Thánh Thần giữ vai trò nào trong cuộc sống của chúng ta? Thần Khí Thiên Chúa không chỉ là ân huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua bí tích Rửa tội và Thêm Sức mà thôi, rồi sau hai biến cố trọng đại đó chúng ta cất Ngài vào trong tủ kiếng để thờ. Tuy rằng chúng ta quên Ngài, nhưng Ngài không hề quên chúng ta. Ngài không hề vắng mặt. Thật ra Ngài vẫn hiện diện và hoạt động mãnh liệt như đã hiện diện vào ngày khai sinh Hội thánh mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một chứng thực rằng “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv 2:3b) Và kể từ lúc đó, các Tông Đồ mất hẳn sự nhút nhát, không còn lo sợ. Các Ngài đã lên đường xông pha và vượt qua mọi hiểm nguy để làm chứng về một Đấng đã chết và hiện nay đang sống và sẽ trở lại trong vinh quang như lúc Người được suy tôn.

Như vậy, Đức Chúa Thánh Thần đã khởi động sứ mạng của các Tông Đồ, đã đốt lên ngọn lửa nồng cháy thiêu đốt tâm hồn chai đá và nguội lạnh của các ông, đồng thời là hơi thở thông ban sự sống của Thiên Chúa cho các Tông Đồ, cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta. Ngài chính là sự sống của Thiên Chúa, Đấng không ngừng hoạt động trong lịch sử nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong cuộc đời của chúng ta.

Thưa anh chị em,

Trong những tuần vừa qua, nhất là qua biến cố về trời của Đức Giê-su, chúng ta đã nhận ra một sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh. Người không vắng mặt, nhưng nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra cách thức hiện diện vô cùng mới mẻ và sống động của Người. Nhờ Thánh Thần của Người mà chúng ta nhận ra sự thật là Thiên Chúa không chỉ ở cùng mà còn ở trong mỗi người chúng ta, như Lời Đức Giê-su đã nói: “Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.”

Điều này đã được chứng thật qua sự hình thành và phát triển của Hội Thánh. Thật vậy, khi đọc lại lịch sử của Hội Thánh, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận được hoạt đông của Thần Khí Thiên Chúa vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh. Từng câu từng chữ trong sách Công vụ Tông đồ đã nói lên chân lý này. Và Thần Khí của Thiên Chúa vẫn không ngừng hoạt động trong lòng Hội Thánh cho đến mọi thời, như Lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Có nhiều người đã nghĩ rằng Thần Khí của Thiên Chúa chỉ hoạt động nơi các cộng đoàn đang phát triển, hiện diện qua các sự kiện nhằm phô trương thanh thế và nơi các đấng các bậc có chức quyền. Thật ra, Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động hữu hiệu và mãnh liệt nơi những người cùng khốn, nơi các cộng đoàn đang bị chà đạp và bách hại. Còn hơn thế, một khi Hội Thánh đang ở thời điểm đen tối lại là lúc Hội Thánh nhận được sự trợ giúp và soi sáng của Thần Khí  tác động một cách hữu hiệu hơn cả. Để minh họa cho ý tưởng nói trên, chúng ta cùng ngồi xuống để xem xét các biến cố mà các đấng bậc trong Giáo hội đang phải đối diện.

Điều làm cho các đấng bản quyền trong Hội Thánh phải nhức đầu là hành vi ‘xâm phạm hay lạm dụng tình dục trẻ em’ của một số giáo sĩ và tu sĩ. Cụm từ tuy ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng và sự thiệt hại của nó rất lớn. Đó là hành động phản bội về mặt tinh thần, tâm lý và sinh lý của một người có chức quyền đối với người kém thế hơn; đặc biệt là đối với trẻ em. Nó để lại trong tâm hồn và đời sống của các nạn nhân những vết thương và sự thù ghét Giáo hội. Họ mặc cảm bị khước từ. Họ cắn răng chịu đựng trong tủi nhục. Có một số người lâm vào trạng thái ‘trầm cảm’, tự tìm lối giải thoát cho bản thân và để lại niềm thuơng tiếc, nỗi đau khổ cho người thân.

Các sự kiện này đã xẩy ra vào các thời điểm khác nhau. Có những vụ đã xẩy ra khoảng vài chục năm trước đây, trong một môi trường văn hóa hoàn toàn khác biệt với văn hóa ngày nay. Có những nạn nhân vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không dám lên tiếng cho các bậc hữu trách biết tường tận mọi chi tiết của tình huống. Nhưng từ khoảng thập niên 1970 và nhất là việc thiết lập ‘uỷ ban hoàng gia’ để điều tra về các vụ án này, cộng thêm các nguyên nhân khác. Tât cả đã trở thành nguồn động lực giúp cho các nạn nhân mạnh dạn hơn trong việc nói ra những vết thương thầm kín, đã đè nén tâm tư họ bao nhiêu năm trường. Và với phuơng tiện truyền thông hiện đại, mọi sự đều đuợc phơi bầy. Vì thế, nhiều tín hữu mất đi niềm tin và giảm sự kính trọng nơi các vị lãnh đạo trong Hội Thánh.

Tuy nhiên, với những ai lạc quan, họ có thể cho rằng Đức Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Hội Thánh mà thôi, Ngài còn soi sáng cho các vị có trách nhiệm của ‘uỷ ban hoàng gia’, các nạn nhân và các tổ chức liên hệ đứng dậy để giúp cho cơ cấu của Hội Thánh đuợc tinh luyện hơn. Chúng ta tin rằng Thần khí của Thiên Chúa vẫn hoạt động không ngừng để rửa sạch, thánh hóa và làm cho bản chất của Hội Thánh mỗi ngày một Thánh Thiện hơn.

Còn đối với các tín hữu, chúng ta mang trong mình sức mạnh của Thiên Chúa. Chính sức mạnh của Thần Khí giúp chúng ta hy vọng rằng: dù đời sống con người có ra sao; ngay cả lúc yếu đuối, tội lỗi thì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho sự yếu đuối, ban ơn bình an khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Sức mạnh của Thần Khí là thế: truyền ban sự sống, tái tạo và hàn gắn đổ vỡ. Ngài đã, đang và mãi họat động. Phần chúng ta hãy cảm nhận bằng lòng tin về sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Qua hoạt động của Ngài, chúng ta đuợc diễm phúc gia nhập vào hàng ngũ của những người đi theo Ðức Giêsu và được chọn để làm chứng cho cuộc đời và sự Phục Sinh của Người. Alleluia!

No comments:

Post a Comment