Sau lời tuyên xưng Đức Ki-tô là Chúa và là Con Thiên Chúa thì lập
tức Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu tán thưởng và cho thánh nhân biết lời tuyên
xưng của Phê-rô là hồng ân của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã soi sáng cho
thánh nhân biết chân tướng đích thật của Chúa Giê-su. Nhờ vào hành động tin yêu
và phó thác nên Chúa đã trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho Phê-rô. Không chỉ có
thế, Chúa còn muốn đặt ông làm đá tảng cho tòa nhà Hội Thánh mà Chúa muốn xây dựng
trên nền tảng đó.
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta khám phá ra mặt khác của
thánh nhân. Sự thấu hiểu và nhận biết của Phê-rô về Chúa vẫn là cái biết theo
nghĩa thế gian, vì thế sau khi đuợc Chúa tỏ ra cho ông biết là Người phải đi lên
Giêrusalem để chịu đau khổ và sau cùng bị giết thì Phêrô lại lên tiếng can ngăn
Thầy đừng đi. Ông còn xin Thiên Chúa bảo vệ Thầy mình khỏi bị giết chết nữa. Tấm
lòng của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Ông nghĩ rằng
Thầy là Chúa, và ông vừa đuợc Thầy tấn phong để làm ‘boss’ thay mặt Thầy, làm
đá tảng cho người ta dựa. Thế mà Chúa lại
nói Người sẽ bị đau khổ, rồi bị giết chết thì ông và nhóm 12 biết nuơng tựa vào
ai đây! Nghe đến đâu lòng ông xốn xang đến đó. Vì thế, với tính bộc trực, nghĩ
sao nói vậy, Phê-rô đã lên tiếng ngăn cản ý định của Thầy. Nhưng ông đâu biết rằng
ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa, cho nên đã
bị Chúa khiển trách “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng
của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Như chúng ta đã biết, Phêrô đuợc đặt làm tảng đá nền móng để Chúa
xây Hội Thánh của Người. Chúa xây chứ không phải Phêrô, và Hội Thánh là của
Chúa chứ không phải của Phêrô. Vì thế, các góc cạnh của tảng đá đó cũng cần đuợc
mài dũa để trở thành chỗ dựa cho các thành phần trong Hội Thánh Chúa. Trong
tinh thần đó, tôi hình dung ra cảnh Thánh Phêrô, sau khi nghe xong lời khiển
trách của Đức Giêsu, Ngài chỉ gãi đầu gãi tai và thưa cùng Chúa rằng: Thầy biết
con yêu mến Thầy, con đâu muốn Thầy chịu khổ! Còn Chúa vẫn kiên tâm trong việc
huấn luyện khi đã chọn Phêrô làm đá tảng. Thế là hòa cả làng.
Nhận biết và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, truớc tiên là một hồng
ân; sau đó mới đến việc bổ nhiệm và trao ban năng quyền. Giống như thánh Phêrô,
chúng ta không tự ‘đặt’ hay ‘bon chen, tìm cách để đuợc đặt’ vào vai trò lãnh đạo.
Nhưng, đó là sự chọn lựa phát xuất một cách nhưng không bởi hồng ân của Thiên
Chúa. Bổn phận của Phêrô và chúng ta, những môn đệ của Chúa là biết sống và lệ
thuộc vào Đấng đã chọn và đặt chúng ta vào vị trí đó.
Như Thánh Phêrô, khi tuyên xưng Đức Kitô là Chúa là lúc chúng ta đặt
cuộc sống mình duới quyền chỉ huy, quyền sinh sát của vị Chúa tể đó. Có nghĩa
là lúc đó chúng ta không còn sống cho mình nữa; nhưng chấp nhận lối sống từ bỏ.
Bỏ mình, chấp nhận đau khổ, vác Thập giá để theo Thầy… tất cả những điều đó
không còn là các điều kiện mà là các yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên cuộc
sống của người môn đệ. Và một khi chúng
ta không thực hành việc bỏ mình và không sẵn sàng vác Thập giá thì chúng ta
không còn là môn đệ chân chính của Chúa nữa.
Đến đây, xin thành thật chia sẻ với anh chị em rằng: Đã nhiều lần,
trong lúc ngắm nhìn Thánh Giá Chúa, tôi đã quyết tâm sống Lời Chúa phán: “Hãy từ
bỏ mình, vác thập giá của mình mà đi theo Chúa”, thì ngay lúc đó lại có một lực
khác kéo tôi dừng lại. Tôi hành động như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng;
thay vì từ bỏ mọi sự để theo Chúa thì anh lại quay mặt lại với Chúa và tiếp tục
bám víu vào những gì anh đang thụ hưởng. Phần Chúa, Người tôn trọng chọn lựa của
anh, buồn sầu nhìn anh với lòng tiếc thương.
Các lời khuyên của Tin Mừng mà tôi đã cam kết sống vẫn chất vấn
tôi; nhưng trên thực tế, tôi vẫn chưa thực hiện đuợc bao nhiêu. Có thể nói nhiều
nhưng việc áp dụng cụ thể bằng hành động thì chưa đến đâu! Vẫn còn tham, còn
dính bén, muốn đuợc làm chủ, chưa dám bỏ mình, ai chạm vào ý riêng, cái tôi
(super-ego) của mình sẽ thấy ngay phản ứng của tôi, cho dù chưa bộc phát nhưng
lòng vẫn không vui!… Ai nói về thập giá bằng tôi! Nhưng, chưa hẳn đã dám vác
chưa nói đến yêu mến. Giả như có chấp nhận vác thì cũng thật miễn cuỡng, thiếu cộng
tác, v.v...
Từ bỏ không phải là bỏ mặc và coi thuờng mạng sống mình, hay là việc
áp dụng lối sống khổ chế, ghét mình, coi thuờng thân xác mình như một số người
có quan niệm cho rằng thân xác là nguồn gốc của sự tội, vì thế phải đánh cho
đau để nhớ mà chừa. Chẳng thà bị đau mà nên hoàn thiện còn hơn lành lặn về thể
xác nhưng lòng lại xa Chúa… nên cần phải đánh xác như kiểu đánh tội thủa xưa…
Thật ra, từ bỏ mình vì yêu. Yêu Chúa không chỉ bằng lời nói hay
hành động nhất thời; nó đòi hỏi chúng ta phải trung thành theo Chúa đến tận
cùng của con đuờng Thập giá.
Từ bỏ là hy sinh. Đó là điều mà các bậc làm cha làm mẹ đã và đang sống.
Tôi nhận ra mẫu gương hy sinh của các ngài. Trong việc giáo dục các ngài làm
gương trước rồi dậy bảo và giáo huấn sau. Cha mẹ mình làm mọi sự để hỗ trợ cho
con cái. Cha mẹ không chỉ đưa con cái mình đến truờng, nhưng còn len lén nhìn
qua hàng rào để thấy con cái mình đi vào lớp học bình an. Để làm gương cho con
cái, các ngài còn tham gia các sinh họat của nhà truờng như: cổ động viên cho các
trận thể thao, tham gia các chương trình âm nhạc và gây quỹ. Họ tình nguyện phục
vụ trong các ủy ban và các hoạt động khác của nhà truờng. Họ tham dự các sinh họat
của Hội Phụ Huynh và gặp gỡ Thầy Cô.
Nói chung, các bậc làm cha làm mẹ muốn làm mọi thứ để có thể trở
thành một phần trong các sinh họat của con họ. Họ làm như thế để nói cho những
người con họ nhận biết rằng ba mẹ luôn đứng sau lưng, hỗ trợ cho các sinh họat
tại nhà truờng của con. Vì sao! Vì yêu con cái nên họ vui lòng chấp nhận hy sinh.
Đó không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự hy sinh thật cao cả và vĩ đại. Đôi
khi, các bậc phụ huynh đã phải làm một chọn lựa thật khó khăn giữa nhu cầu
riêng trong cuộc sống cá nhân mà họ muốn làm, và việc tham dự một sinh họat để
hỗ trợ con cái.
Không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết tấm lòng của cha mẹ mình.
Nếu có thì chỉ là tình yêu và tấm lòng hy sinh của các ngài.
Thưa anh chị em,
Vẫn biết rằng từ bỏ mình, vác thập giá đi theo Chúa là những yếu tố
cần thiết của người môn đệ, tín hữu của Hội Thánh. Nhưng trong bài suy niệm hôm
nay, tôi nhấn mạnh và đề cao tấm lòng hy sinh, yêu thương và gương sáng của cha
mẹ như một lời tri ân, nhân dịp mừng ‘ngày của cha (ba - bố)’ hôm nay. Uớc
mong, Chúa tiếp tục chúc phúc và hiện diện trong mọi cảnh huống của cuộc đời bố
(ba) chúng con, để các ngài mãi mãi là chỗ dựa, là đá tảng vững chắc cho mẹ, người
bạn đồng hành, các con và các cháu của ba. Happy Father’s Day.