Kinh Tin Kính thường dùng trong các
nghi thức truyền chức, khấn dòng và bổ nhiệm sứ vụ mà chúng ta thường gọi là
sai đi. Việc làm này có nghĩa là các tiến chức cần tuyên xưng niềm tin truớc
khi đón nhận sứ vụ của Hội Thánh hay của Dòng mình. Theo nghi thức, đó là việc
cần làm. Tuy nhiên, trong thực tế cả đời họ có thể vẫn chưa hòan thành đuợc tâm
nguyện hay quyết tâm của ơn gọi mà họ lĩnh nhận trong ngày đó.
Đây là một kinh nghiệm. Khi còn trẻ,
tôi thuờng mong ước làm một việc gì đó giúp cho bộ mặt cộng đòan nơi mình sinh
sống đuợc đổi mới. Suy nghĩ của tôi tuy đơn giản, nhưng rất chủ quan như nếu mình
đuợc huấn luyện, với ơn Chúa và sự cộng tác của cộng đòan giáo xứ… thì mình có
thể làm đuợc? Giờ này, ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngu ngơ khi có ý tưởng
ngộ nghĩnh này. Nhưng, nếu đặt mình trở lại với bối cảnh của những ngày đầu
tiên trong hành trình tìm kiếm ơn gọi thì quả thật uớc mơ đó đã giúp đỡ và hâm
nóng ý chí của tôi rất mạnh.
Sau gần hai phần ba đường dài của cuộc
sống, với mọi nỗ lực và cố gắng… tôi nhận ra mình chưa làm đuợc gì hết… Vẫn như
ngày đầu tiên… Tâm nguyện vẫn còn… Nhưng lực bất tòng tâm và đèn cũng sắp cạn hết
dầu …
Từ những nhận xét và trải nghiệm của bản
thân, tôi đọc lại trình thuật Tin Mừng. Hôm nay, Đức Giêsu đặt vấn nạn cho các
tông đồ. Với bản tính bộc trực, nghĩ sao nói vậy, Thánh Phêrô đã tuyên xưng “Thầy
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Cho dù Thánh Phêrô vẫn chưa hiểu hết
về Thầy mình; nhưng để có thể tuyên xưng như thế cũng là một hồng ân như Chúa
nói: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh
thật là người có phúc…”
Thánh nhân có biết mình đã nói gì hay
không? Hay cũng như lúc ở trên núi Hiển Dung, khi đuợc diễm phúc nhìn thấy vinh
quang sáng láng của Thầy, Phêrô đã xin điều mà chính ông ta không biết mình đã xin
Chúa điều gì!
Sau phần tuyên tín là lúc Đức Giêsu bộc
lộ con đuờng mà Con Thiên Chúa phải đi thì Thánh Phêrô đã ngăn cản Người. Lòng
của Phêrô thật tốt, ông lo lắng và không muốn Thầy bị đau khổ. Nhưng ông đâu biết
rằng ý tưởng và suy nghĩ của ông hòan tòan sai với ý định của Thiên Chúa, cho
nên đã bị Chúa khiển trách “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì
tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Trên đường thuơng khó Phêrô đã chối Thầy
đến 3 lần… Tuy nhiên, Phêrô cũng là người đã bộc lộ tình yêu và lòng mến dành
cho Thầy… Thánh nhân cũng có nhiều tài năng để trở thành một môn đồ tốt, Ngài
thẳng thắn, tự tin, chăm chỉ và nhất là lúc nào cũng muốn và trở thành một người
bạn thiết nghĩa với Thầy mình.
Nói chung, Thánh Phêrô là một con người
bộc trực, thẳng thắn, có sao nói vậy, không che đậy, không tính tóan hơn thiệt
như các bạn của ông tìm cách để ngoi lên chỗ cao hơn… Ông tự nhận mình là người
tội lỗi… Chính vì thế mà Chúa lại tín nhiệm ông hơn. Những giới hạn của Thánh
Phêrô chính là điều khiến ông trở nên gần gũi hơn với Đức Giêsu. Chính vì nhận
ra mình còn khiếm khuyết và tội lỗi, nên Thánh nhân đã nhận ra sự lệ thuộc duy
nhất mà ông cần nắm vững đó là Thầy mình: Chúa Giêsu.
Ông không tự mình là đá tảng. Chính
Chúa làm ông trở thành đá tảng; và Chúa sẽ xây công trình của Người trên tảng
đá ấy “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh
của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Như vậy, ‘tảng đá’ ấy sẽ trở
nên vô hiệu nếu không lệ thuộc vào Chúa.
Thưa anh chị em,
Còn anh chị em nói Thầy là ai?
Chúng ta có thể có muôn vàn câu trả lời
dựa trên sách vở và kiến thức về Đức Giêsu; nhưng tất cả những câu trả lời đó sẽ
đem lại gì cho chúng ta. Hãy nhìn lại cuộc sống của mình.
Có thật chúng ta tin nhận Người là Đức
Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Meisa, được Thiên Chúa sai đến để cứu độ và mở
lối chỉ đuờng cho chúng ta về với Cha hay không? Và, nếu đó là điều chúng ta tuyên
xưng thì chính cuộc sống của mình cần đuợc thể hiện sao cho phù hợp với điều mà
chúng ta tuyên xưng hay chưa? Hay là chúng ta tin một đàng, sống một nẻo, làm
như đời và đạo vẫn là hai mặt tách biệt của cuộc sống, không gắn bó và ăn nhập
gì với nhau.
Đức Giêsu là ai?
Tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này
không phải là việc dễ dàng. Có thể, trong suốt cuộc sống chúng ta cũng chỉ thấy
mờ mờ mà thôi. Câu chuyện sau có thể giúp chúng ta thấy mình xuất hiện đâu đó
trong truyện kể.
Trong một lớp giáo lý, dựa vào bài Tin
Mừng hôm nay, ma-sơ mới hỏi các em: Còn các con, các con nói Đức Giêsu là ai? Cả
lớp nhao nhao, có cháu nói Nguời là Thiên Chúa, cháu khác lại nói là Con Thiên
Chúa, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa… v.v. Gom chung lại thì các cháu nói đúng
như văn bản của Kinh Tin Kính mà chúng ta thường tuyên xưng trong các Thánh Lễ
Chúa Nhật và các dịp Lễ Trọng.
Trong khi các em trả lời thì ma-sơ nhìn
thấy một bé trai ngồi ở góc lớp, im lặng, mắt nhìn ra cửa sổ, đăm đăm như có
chuyện gì khó giải quyết. Sơ đến gần, chăm chú nhìn cháu rồi một lần nữa nhắc lại
câu hỏi. Cháu thẫn thờ trả lời: Thưa sơ, con không biết! Con chỉ biết là hiện
nay em con đang bị ốm, trong nhà không có tiền để mua thuốc. Ba con đóng quân ở
một vùng rất xa. Mẹ đang chạy ngược chạy xuôi ngòai chợ… Nếu Đức Giêsu là Chúa thì
sao Người không săn sóc cho em con.
Ma-sơ và cả lớp ngạc nhiên truớc lời đối
đáp của bạn. Chẳng ai biết làm gì! Sau cùng, bà sơ lấy ra một túi nhỏ, tự mình bỏ
vào đó vài đồng cắc và chuyền túi đó cho cả lớp… rồi trao cho em để mua thuốc
cho em mình.
Qua hành động và chứng từ như thế,
chúng ta sẽ làm chứng Đức Giêsu là ai, không bằng văn tự, cho dù đó là bản
tuyên xưng của Hội Thánh; nhưng đó chính là những trải nghiệm của cuộc sống.
Người đến để mời gọi chúng ta hy sinh, quan tâm, yêu thuơng và thỏa mãn các nhu
cầu của nhau. Chúng ta không tự mình có thể làm đuợc điều đó. Chúa mới là cội
nguồn của sự việc. Chúa làm trong chúng ta. Chúa không làm thay vì Người đã ban
và muốn dùng chúng ta như những dụng cụ, như ‘đá tảng’ để thể hiện uy quyền của
Người, không chỉ trong Hội Thánh Công giáo mà cho mọi người.
Vì thế, việc chọn Thánh Phêrô làm đá tảng
là việc của Chúa. Thánh Phêrô biết rõ nhiệm vụ của mình, và nhiệm vụ đó chỉ còn
hữu hiệu và hữu dụng khi biết lệ thuộc vào Chúa. Còn chúng ta, cũng đuợc mời gọi
để làm đá tảng cho nhau, cho con cái, cho người thân và cho tất cả những ai muốn
tìm chỗ dựa. Do đó, như Thánh Phêrô, chúng ta cũng nên biết rằng tảng đá không
do mình đặt; nhưng người đặt là Chúa. Nên việc lệ thuộc vào Chúa là việc quan
trọng hàng đầu mà chúng ta cần làm. Có như thế, mình sẽ trở thành chỗ dựa vững
chãi cho người khác, bằng không thì sụp đổ tan tành.
Cầu xin cho chúng ta sống điều chúng
ta thường tuyên xưng. Amen!
No comments:
Post a Comment