Tuesday, 29 August 2023

CUỘC GẶP GỠ TUYỆT VỜI!


Cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Ca-na-an trong bài Tin Mừng Chúa nhật 20 Mùa thường niên năm A thật tuyệt diệu. Bà tha thiết nài xin Chúa chữa cho cô con gái duy nhất của bà khỏi bị quỷ ám. Cuối câu chuyện Chúa đã chữa cho cô được khỏi bịnh. Nhưng giữa lời cầu xin của bà và việc chữa lành của Đức Giê-su là những lời đối thoại thật khó nghe từ Chúa. Tuy nhiên, cả hai nhân vật trong trình thuật đến với nhau bằng lòng chân thành và cả hai đều ‘khát khao’ tìm cách lấp đầy uớc muốn của nhau cho nên Đức Giê-su và người phụ nữ ngoại giáo đã gặp nhau. Sau đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu ước mong, lòng can đảm pha chút lỳ lợm của người phụ nữ và tính phổ quát của ơn cứu độ mà Đức Giê-su muốn tỏ bầy.

Người phụ nữ Ca-na-an đã làm một hành động mà ít ai dám làm. Vì là dân ngọai và được coi như kẻ thù của dân Ít-ra-en cho nên việc bà công khai đến gặp Đức Giêsu có thể gây ra nhiều điều dị nghị. Hơn thế nữa, việc bà dám nói chuyện với một nam nhân giữa chốn đông người cũng không phải là hành vi hay cử chỉ của một phụ nữ đoan chính thời đó. Bà sẵn sàng đón nhận những lời chỉ trích và khinh khi từ kẻ khác, thậm chị các lời phê bình này có thể xuất phát từ môi miệng của những người trong nhóm của bà. Bà không còn thời gian để nghĩ đến những điều mà chúng ta vừa nói ở trên. Ngay lúc gặp Đức Giê-su, bà chỉ nghĩ được một điều duy nhất là tìm đến người sẽ chữa cho con bà khỏi bịnh. Chỉ có Tình yêu mới là động lực thúc đẩy bà vuợt qua mọi trở ngại.

Hòan cảnh của bà thật nghèo nàn. Bà cần giúp đỡ. Điều bà cầu xin nói lên tâm tư của một người mẹ, sẵn sàng làm tất cả mọi sự cho con mình. Cô con gái đó là nguồn vui, lẽ sống và là mọi sự của bà. Thế mà giờ đây, cô bị bịnh nan y, như bị quỉ ám. Bà cần làm tất cả cho con bà. Tình yêu, lòng thuơng xót của bà dành cho cô ta thúc đẩy bà vuợt qua mọi ranh giới.

Bà biết mình đâu được hưởng những đặc ân dành cho dân Is-ra-el. Tuy nhiên, trong lòng một cơn khát vô bờ bến. Tuy phận là phận của người ngọai giáo, nhưng bà lại xưng hô với Đức Giêsu theo cách của người Do Thái thưa chuyện với Đức Mêsia, kêu cu rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít”. Dù là như thế, lời cầu xin của bà vẫn không được Chúa đáp nhận; cho đến khi bà đã tôn thờ Đức Giêsu như người ta bái lạy Thiên Chúa. Niềm xác tín của bà thật vĩ đại, dù là chó con, bà cũng được ăn những mảnh vụn từ trên bàn của chủ rơi xuống.

Còn Đức Giêsu thì sao? Người đến để thi hành ý định của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với thân phận của một con người, Người cũng bị giới hạn về phong tục, địa dư, bối cảnh mà Người đã được sai đến. Người có đuợc sai đến vẫn là cho dân Is-ra-el trước hết.

Cho dù là như thế, chúng ta cũng không mấy hài lòng về thái độ của Đức Giêsu. Người thinh lặng và xem ra coi thuờng lời van xin của người phụ nữ Ca-na-an. Thật ra, không hẳn là như thế. Bởi vì, khi mô tả và trình bầy Đức Giêsu như thế, Thánh sử muốn đưa chúng ta đi từ ngạc nhiên, có thể gọi là bất đồng về thái độ của Chúa… Nhưng, khi gặp đuợc lòng kiên định và xác tín của bà; Chúa lại có cơ hội phá tung và quét sạch mọi cấm kỵ, mọi qui uớc, mọi lề luật do ‘tính bè phái’ của con người (nhỏ nhen, ích kỷ) tạo ra.

Quả thật cũng không sai khi chúng ta cho rằng nhờ vào sự kiên trì pha chút bướng bỉnh người phụ nữ Ca-na-an này mà Đức Giêsu đã có cơ hội bộc lộ chân tuớng đích thật của Đấng Thiên Sai; Đấng đuợc sai đến không chỉ dành cho người Do Thái mà thôi. Người đến để đem nguồn vui và ơn cứu độ cho muôn dân.

Sau cùng, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, còn một nhóm người nữa. Họ là các môn đệ tượng trưng cho mỗi người chúng ta. Chỉ vì quyền lợi riêng, chỉ muốn được bình an, cho dù là giả tạo, nên đã xin Chúa bảo bà ấy đi để khỏi bị quấy rầy. Chúng ta đã gặp lời yêu cầu này trong trong phép lạ bánh hóa nhiều, khi các môn đệ không nhìn thấu nhu cầu của dân chúng mà chỉ biết đến quyền lợi của phe nhóm mình, muốn giữ lấy Đức Giê-su cho các mục tiêu mà họ đang đeo đuổi. 

Thưa anh chị em,

Khi nghe câu chuyện này, chúng ta dễ nhận ra thân phận mình trong thân phận của người phụ nữ Ca-na-an. Cũng như bà, chúng ta chạy đến với Chúa để xin ơn, cho dù là ơn cứu độ. Nhưng, chúng ta đã kiên tâm như bà hôm nay chưa? Và thay vì xin cho nhu cầu của riêng mình; chúng ta có quảng đại trong lời cầu, xin cho những người đuợc Chúa gửi đến trong vòng tay yêu thuơng của chúng ta hay chưa? Không ai có thể trả lời các câu hỏi nêu trên thay cho chúng ta!

Muốn đạt đuợc nguyện uớc này, chúng ta cần có một trái tim quảng đại và nhậy cảm trước các nhu cầu thể chất và tinh thần của tha nhân mà chúng ta thuờng gặp. Họ không chỉ là những người đồng đạo, cùng chia sẻ một tín ngưỡng, cùng chung một quan điểm với chúng ta. Thật ra, còn có nhiều người mà chúng ta liệt họ vào ‘phe khác’; nhưng họ lại có lối sống và niềm tin mãnh liệt hơn chúng ta. Họ xứng đáng đón nhận phần ăn từ trên bàn của chủ, như chúng ta.  Nhưng, đã nhiều lần, chỉ vì óc bè phái, tinh thần thủ cựu, khư khư ôm giữ truyền thống và tục lệ mà chúng ta đã ngăn cản họ đồng bàn và cùng chia sẻ hồng ân với mình. Chúng ta còn tự nhốt mình vào pháo đài của giai cấp rồi tự cao tự đại, kiêu căng cho rằng chỉ có mình mới là kẻ xứng đáng rồi khinh chê người khác. Thật ra, không ai trong chúng ta lại không có một chút ‘huyết thống’ với những người mà chúng ta gọi là dân ngọai. Thế mà lại ra vẻ ta đây, giở giọng đạo đức giả, tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng thì lại xa Chúa.

Hãy nhớ rằng: tình yêu dành cho cô con gái, sự bình thản nhưng cương quyết pha một chút bướng bỉnh của người phụ nữ Ca-na-an hôm nay đã khiến Chúa động lòng thương và từ chỗ động lòng thương Người đã nhận ra tính phổ quát của ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người không chỉ được sai đến cho dân Do Thái mà còn cho lũ chó con nữa bởi vì tất cả đều là con của Thiên Chúa. Nơi Người, ơn cứu độ chứa chan, không loại trừ một ai. Cũng thế, những ‘lũ chó con’ mà chúng ta gặp trong cuộc sống không là những trở ngại, mà còn là cơ hội để chúng ta nhận ra sự phong phú của Thiên Chúa, Đấng không chỉ họat động nơi các kẻ tin mà còn âm thầm tác động nơi ‘lũ chó con’ để tất cả muôn dân đều đuợc cứu độ. Amen!

No comments:

Post a Comment