Wednesday, 29 May 2024

TƯỞNG NHỚ ĐỂ SỐNG!

 Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là Lễ Thánh Thể. Thánh Thể là một bí tích cao trọng mà Chúa Giê-su đã thiết lập trong bữa Tiệc Ly sau cùng. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su Ki-tô không chỉ ban cho chúng ta chính Mình và Máu của Người, mà còn mời gọi chúng ta sống trong tình yêu và sự hy sinh mà Người đã nêu gương. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta thấy rõ tình yêu vô biên của Chúa dành cho chúng ta và toàn thể nhân loại. Người không chỉ nói về tình yêu của Thiên Chúa, mà còn bằng hành động Người đã chứng minh tình yêu đó qua sự hy sinh mạng sống mình trên Thập giá để cứu độ nhân loại.

Khi nói đến điểm này, lòng trí tôi hướng về tình yêu của các người mẹ. Noi gương Chúa, các bà mẹ đã luôn chăm sóc, bảo vệ và hy sinh để đem mọi điều tốt đẹp cho con cái của mình. Và đây là một mẫu gương mà tôi đã ghi lại trong ngày Mother’s Day vừa qua. Xin mời anh chị em cùng nghe lại. 

Vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, bên Nhật, người ta đào bới và khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ, tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ cháu.

Sau khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ suống đập vào chúng tôi thì lại bị ngăn lại bởi bức tường vụn và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn. Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bất tỉnh và không hề biết những chuyện xẩy ra sau này.

Người ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy nghĩ. Sự sống còn của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.

            Câu nói “cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm” của người mẹ tại Kô-bê bên Nhật năm 1995 làm tôi nhớ lại lời di chúc của Đức Giê-su đã trối lại rằng: “Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.” Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta tưởng nhớ đến Chúa không bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động và sau đây là một câu chuyện.

             Có linh mục nọ vốn là giáo sư thần học về bí tích. Một bữa nọ, trong lúc ngài đang dậy về bí tích Thánh Thể ở Đại chủng viện thì được biết ngôi làng mà Ngài hay đến để dâng lễ, đã bị cơn gió lốc xoáy đến độ tàn phá một số nhà của dân nghèo. Trong số những người bị cơn bão tàn phá nhà cửa, có một gia đình kia rất nghèo nàn. Hai cụ tuy đã già mà vẫn chưa có con. Vì thế chẳng có con cháu nào đến giúp sửa chữa cho dễ ở.

Sau bài giảng lễ Chúa nhật hôm đó và các tuần kế tiếp, cha giáo nhắc nhở bà con dự thánh-lễ biết về tình trạng của hai cụ già này.

Mấy tuần sau, cũng trong một Thánh lễ Chúa nhật, cha giáo lại loan báo tuần tới ngài sẽ thôi không dâng lễ cho họ nữa. Bà con rúng động, người này hỏi người nọ: tại sao vậy? Chúng mình đã làm gì? Hay là, cha bị Đức GM đổi đi nơi khác chăng?…. Cha giáo lặng yên, chờ cho tình hình lắng đọng rồi chậm rãi nói: “Cha không bị đổi hay thuyên chuyển đi đâu hết! Cha không đến dâng lễ ở đây nữa vì anh chị em không phải là tín đồ của Chúa?” Cha nói gì vậy? Chúng con đi lễ hàng tuần, bỏ tiền xây nhà thờ và tham gia mọi lần quyên góp. Số người tham dự Thánh lễ và rước lễ hàng tuần gần chật hết nhà thờ; và Chúa nhật nào cũng có người xưng tội… Vậy mà cha lại bảo chúng con không phải là tín hữu…. Đúng vậy, anh chị em không phải là người công giáo. Họ lại lao nhao lên, mỗi người một câu lên tiếng để minh chứng họ là người có đạo…

Cha giáo nhà mình vẫn tiếp tục: “Này nhé, hơn tháng nay, kể từ ngày làng của chúng ta bị cơn lốc xoáy đến tàn phá. Cha đã nói cho anh chị em biết về tình trạng của hai cụ. Hai cụ đã già, lại neo đơn… thế mà có ai đến giúp hai cụ sửa lại căn lều đó đâu!!! Anh em cùng tham dự một bữa tiệc, cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống chung một chén rượu… Và cha nghe anh chị em thanh-minh và bào chữa rằng chúng ta là tín đồ của Chúa. Vậy mà anh chị em lại khóa cửa lòng trước nhu cầu của người khác.  Anh chị em không sống điều anh chị em tuyên xưng…vậy anh chị em là tín đồ của ai?  Đó là lý do cha sẽ không đến dâng lễ nữa.”

Cả nhà thờ ngồi im lặng, không một tiếng động. Không ai dám nhìn ai…chỉ cúi đầu nhìn xuống đất… Cuối cùng, có một cụ già đứng dậy thưa với cha rằng: “ Cha nói chí lý, chúng con không xứng đáng là tín hữu của Chúa, chúng con chưa sống điều mà chúng con đã lĩnh nhận…. Nhưng thưa cha, nếu cha cũng sống điều mà cha đã nhắc nhở chúng con trong mấy tuần qua thì thật là phải đạo.”

Đến lúc này thì không phải giáo dân cúi đầu xuống, mà là cha giáo. Ngài đứng lặng yên, cúi đầu xuống….Một hồi sau,ngẩng đầu lên Ngài từ từ nói: “Cảm ơn cụ đã can đảm nhắc cho tôi; nào chúng ta cùng đi…”

Thế là thay vì nói lời kết lễ: Lễ xong chúc anh chị em về bình an. Chúa nhật hôm đó cha giáo và giáo dân kéo nhau ra đi thực hiện điều Chúa truyền “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.

Đó là chuyện của người khác. Còn chúng ta thì sao? Bao nhiêu Thánh lễ chúng ta đã tham dự, bao nhiêu lần đã đón Chúa vào lòng. Nhưng chúng ta đã sống điều Chúa dậy chưa? làm như Chúa làm chưa? Và đây là một gương sáng nữa, xin kể nốt cho anh chị em nghe.

Có hai người bạn trẻ kia yêu nhau tha thiết. Anh chị đã đính hôn được hơn một năm và trong thời gian chuẩn bị hôn lễ thì chị phát hiện mình mắc phải căn bịnh ung thư. Theo sự chẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa lúc bấy giờ thì chị chỉ còn sống được khoảng một năm nữa mà thôi. Trước tình hình đó, chị đề nghị và khuyên anh nên hủy bỏ hôn lễ. Anh đáp lại rằng: anh đã yêu chị lúc mạnh khỏe thì giờ đây anh cũng sẵn sàng yêu thương chị khi lâm cảnh ốm đau. Và đám cưới của anh chị đã diễn ra như đã được dự trù. Kết quả không chỉ là một năm mà anh chị đã sống bên nhau được mười sáu năm trong cuộc chiến với căn bịnh nan y. Anh chị đã có bốn cháu.

Trong Thánh Lễ cuối đời của chị trong căn phòng tại nhà thương. Tuy thể xác rất hốc hác và gầy còm, nhưng tinh thần của chị thật tỉnh táo. Chị đã cùng gia đình dâng hy lễ cuối cùng, của lễ cuộc đời.

Trong lúc đọc lời truyền phép “…Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con.” Vị Linh Mục, bạn và là người đồng hành với gia đình anh chị đã chia sẻ rằng cuộc sống của chị đã đem lại một ý nghĩa mới về Bí Tích Thánh Thể cho gia đình anh chị và những người thân quen.

Thật vậy, cuộc sống của chị đã được chúc phúc. Chị đã được Chúa thương yêu, dìu dắt và dẫn đưa vào mối tình với chồng và các con của chị. Chính Chúa là tác giả của mối tình đó. Bổn phận của chị là đáp trả tình của Chúa bằng cách hy sinh, bẻ (break) cuộc sống của chị, trao cho chồng và con. Và bằng lời chúc tụng chị đã tán dương Tình Yêu của Chúa trong cuộc sống. Chị càng hy sinh bao nhiêu thì sự cao quí và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong cuộc sống của chị càng được bộc lộ bấy nhiêu. Chị có thể làm được các việc đó vì chị sẵn sàng để cho tình Chúa tan chảy trong cuộc sống của chị.

Và chuyện gì phải đến, đã đến. Trước giây phút lâm chung, chị đã phó thác bản thân, gia đình và những người thân quen cho Chúa rồi thanh thản ra đi về ngôi nhà thân yêu mà tại nơi đó chị đã được người Cha thân yêu mở rộng vòng tay hân hoan đón chào.

Anh chị em thân mến,

Phần chúng ta, uớc mong Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong các Thánh Lễ sẽ làm sống lại những hy sinh cao cả của Chúa Kitô. Người đã tự nguyện chấp nhận đau khổ và cái chết để mở ra con đường cứu rỗi cho chúng ta. Và từ đó, cuộc sống của chúng ta hòa tan trong tình Chúa và trở thành của ăn hiến tặng cho nhau. Amen!     

Thursday, 23 May 2024

DÙ KHÔNG HIỂU NHƯNG SỐNG VÌ YÊU.


Khi suy tư về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi thoạt nhớ đến một câu chuyện. Truyện đó như sau: Vào một ngày kia, trong lúc đi dạo bên bờ biển, Thánh Augustino đã suy nghĩ về tín điều này. Trong lúc đó, có một Thiên Thần hiện đến qua hình dạng của một em bé. Chú nhỏ này, như bao đứa trẻ khác, đang ngồi nghịch cát bên bờ biển. Công việc của em làm là lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát do em tự đào bới lên. Đổ đến đâu nước ngấm vào bãi cát rồi trôi ra biển hết. Thấy công việc như ‘nước đổ lá khoai’ của em bé, Người mới lên tiếng ngăn cản và khuyên em đừng làm việc vô ích như thế nữa. Nghe thấy thế, em bé đã trả lời cho Thánh Augustino rằng việc làm của em còn dễ thực hiện hơn điều mà Người đang suy nghĩ.

Vẫn biết câu chuyện nói trên xuất phát từ óc tưởng tượng và mang tính huyền thoại. Nhưng chủ đích của người kể là cho dù con người có uyên bác hay thông minh đến đâu cũng không hiểu hay có thể diễn ta hết về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa là ai. Sau đây là một câu chuyện khác.

Có ông vua kia đến cuối đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời, ta đã có tất cả. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Thiên Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa một thoáng thôi thì ta cũng mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được!

Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: "Có lẽ thảo dân có thể giúp Người được". Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: "Thưa đức vua, hãy xem kìa". Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: "Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!" Người chăn cừu đáp: "Thưa đức vua, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Người còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Người có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của mình? Người phải tìm cách nhìn Thiên Chúa bằng cặp mắt khác".

Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: "Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?" Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: "Xin đức vua hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin đức vua đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào cũng thấy được Thiên Chúa. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta". Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông.

Người chăn cừu nói tiếp: "Thưa đức Vua, còn một điều nữa". Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: "Ai sống dưới đó thế?" Người chăn cừu đáp: "Thiên Chúa". "Ta có thể nhìn thấy Người không?" "Được chứ, Tâu đức vua, xin Người hãy nhìn". Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: "Ta chỉ thấy mặt Ta thôi". Người chăn cừu giải thích: "Bây giờ thì đức vua đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Thiên Chúa hiện diện và sống trong thân thể của Người".

Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông yêu thuơng và đối xử rất nhân hậu với mọi người, không kể thứ bậc và giai cấp.

Cũng như ông vua trong câu chuyện, chúng ta cũng đuợc mời gọi để làm toả sáng guơng mặt của Thiên Chúa nơi mình và tha nhân.

Anh chị em thân mến,

Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao siêu trên hết vẫn là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đã là mầu nhiệm thì trí khôn con người khó mà thấu hiểu được. Tuy nhiên, nếu chúng ta khiêm tốn cầu nguyện và nỗ lực tìm hiểu, ta vẫn có thể tiếp thu một phần nào về những bí nhiệm của Thiên Chúa.

Dựa trên kinh nghiệm sống và một cuộc đời chìm đắm trong mối tương quan với Đức Giê-su, Thầy mình, Thánh sử Gio-an đã chia sẻ cho chúng ta một cảm nhận vô cùng sâu sắc về Thiên Chúa. Người chính là tình yêu. Khi nói như thế,  nghĩa là Người không đơn độc một mình. Nếu như Người đơn độc một mình thì Người sẽ yêu một mình Người một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Người là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối tương quan tình yêu và sự sống này giữa Cha và Con là chính Chúa Thánh Thần.

Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba ngôi yêu thương nhau và đối tương tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Tôi xác tín rằng tất cả mọi người, dù có cuộc sống ra sao, vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

            Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em đang sống trong bậc gia đình. Anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng một phần nào của mầu nhiệm Tình yêu nơi Thiên Chúa Ba ngôi.

            Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó không chỉ là của chúng ta mà là chúng ta, là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.

Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.

Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.

Thưa anh chị em,

Trong Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ để ra đi khỏi chính mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.

Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tinh yêu không tự khép kín trong gia đình Ba Ngôi, nhưng lan tỏa và chan hoà trong vũ trụ bao la rồi tuôn đổ cho mọi người.

Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngội thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cản sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở của sự sống.

Tóm lại, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Và khi đặt mình vào trong vòng tròn Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là lúc chúng ta thực hiện sứ mạng mà Đức Giê-su truyền ban hôm nay: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Amen!

THẦN KHÍ THIÊN CHÚA: SỨC MẠNH YÊU THƯƠNG


Lâu lắm rồi, tôi được nghe cha Peter Robb, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã kể lại một câu chuyện. Truyện này đã xẩy ra tại nơi mà chính phủ chưa đủ khả năng để cung cấp một nền y tế và bảo vệ sức khoẻ cho người dân, như ở Phi Luật Tân và các quốc gia nghèo. Truyện kể như sau:

Có hai mẹ con gốc người dân tộc thiêu số, Đu-Ma-Gat bên Phi luật Tân. Họ nghèo khổ sống với nhau. Đã xẩy ra là con của chị mắc phải một cơn bịnh hiểm nghèo và cần một khoản tiền để chữa trị. Hoàn cảnh của họ, tiền ăn còn chưa đủ lấy đâu mà trả tiền viện phí và thuốc men. Cuối cùng, chị cũng đành bó tay nhìn người con ra đi!

Sau khi lo ma chay cho cháu xong. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, chị tìm thấy một gói giấy nằm trong góc tủ, sát bên bức tường bám đầy bụi bặm. Lôi gói giấy đó ra, chị đã lần mò mở từng lớp rồi từng lớp, cuối cùng chị khám phá ra một xấp tiền, theo sự suy đoán của chị thì đó là số tiền dành dụm của ông bố chồng. Ông đã nhét vào nơi đó rồi với cơn bịnh đãng trí nên không còn nhớ đến nó nữa. Cầm xấp tiền trên tay, chị nghĩ đến chú con trai mình với tâm hồn chua xót, đầy nghẹn ngào cho số phận của cháu! Số phận của những người nghèo là như thế, cuộc đời của họ bị bao phủ bởi đắng cay, bạc phước và bất hạnh.

Câu chuyện nói trên khiến tôi nhớ đến vai trò của Thánh Linh trong cuộc sống mình. Người vẫn có đó, thế mà nhiều lúc tôi cứ nghĩ Người đi vắng. Như người phụ nữ trong câu chuyện, chúng ta có thể sở hữu một năng lực phi thường, có thể giúp mình biến đổi từ trạng thái chết sang sống, thế mà chúng ta nhiều lần đã không nhận ra sự hiện diện đó.

Nhìn lại lịch sử cứu độ, đâu đâu chúng ta cũng thấy bàn tay của Thánh Linh, thần khí và sức sống của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần. Sơ lược như sau:

Thánh Thần không chỉ là quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần mà thôi. Ngay từ thủa sơ khai, trong trình thuật tạo dựng, tác giả sách Sáng thế đã mô tả sự hiện diện của thần khí Thiên Chúa bay lượn là đà trên mặt nước. Rồi đến khi tạo dựng con người như hình ảnh của Thiên Chúa; tác giả một lần nữa, bằng một thể văn rất ấn tượng, ẩn chứa một ý nghĩa thật sâu sắc khi mô tả việc Thiên Chúa thổi sinh khí vào pho tượng mà ban cho con người sự sống. Chính Thần Khí, hơi thở của Thiên Chúa là nguồn sự sống của nhân loại.

Thánh Thần hoạt động liên lỉ trong dòng lịch sử của dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Ngài hiện diện với mọi dân tộc. Ngài xuất hiện tựa làn gió, thổi sức mạnh và hơi ấm đến mọi người, mọi nơi và mọi chốn. Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể cầm giữ và điều khiển được Ngài.

Rồi đến lượt các Tông đồ, Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các ngài. Trước đó các ngài đã từng theo Chúa, đã từng nghe bao lời dạy dỗ của Chúa, đã từng chứng kiến bao phép lạ của Chúa. Thế mà chỉ vì sợ hãi nên cho dù sau các lần hiện ra, với lời chúc bình an và qua việc Chúa thổi hơi trên các ông; thế mà các ông vẫn lo sợ, trốn chui trốn nhủi trong nhà. Thậm chí đến ngày Chúa về trời và sai các ông tiếp tục sứ mạng của Chúa, thế mà vẫn còn có các Tông Đồ cho rằng đó là lúc Người khôi phục vuơng quyền Israel. Thì ra, óc não chính trị, tìm kiếm chức quyền là những vật cản khiến các ông không nhận ra chân tướng và sứ vụ của Đức Giê-su.

Thế rồi Chúa Thánh Thần ngự đến và các ông được biến đổi hoàn toàn: nhiệt thành và can đảm rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã từng run sợ chối Chúa trước mặt những người đầy tớ, thế mà sau biến cố Thánh Thần ngự xuống, ông đã đứng trước một đám đông rao giảng hùng hồn về sự chết và sống lại của Đức Giê-su, khiến cho mấy ngàn người bị đánh đông và trở lại với niềm tin Phục Sinh.

Như Phêrô, chúng ta đuợc mời gọi đóng góp công sức của mình. Nhưng chính Chúa Thánh Thần mới là nguồn động lực họat động nơi kẻ nói và người nghe; để ai nói sẽ nói Lời Chúa và kẻ nghe cũng sẽ đón nhận bằng một con tim bằng thịt mà tin và trở lại với sự thật là Tình Yêu của Chúa đã thể hiện qua sự chết và Phục sinh của Đức Giê-su.

Một cách cụ thể, trong bài đọc một mà chúng ta vừa nghe hôm nay. Sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống, các Tông Đồ nói đuợc các thứ tiếng mà những người nghe đến từ các nơi đều hiểu các ngài muốn nói gì. Chúng ta có thể giải thích rất đơn giản là các ngài được ơn nói ngoại ngữ. Thật ra, dân chúng tập hợp tại Giê-ru-sa-lem vẫn còn giữ nguyên nền tảng cá biệt của dân tộc họ và ngôn ngữ riêng của họ. Nhưng quyền năng của Chúa Thánh Thần đã hoạt động để các ngài có thể diễn đạt sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Như vậy, tuy họ vẫn còn sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, chủng tộc hay mầu da; nhưng bằng Tình yêu con người có thể đón nhận và hiểu sứ điệp của Thiên Chúa muốn nói gì qua lời rao giảng của các Tông Đồ. Trong Tình yêu, dù vẫn còn khác nhau, nhưng trong sự khác nhau đó, con người vẫn đồng cảm, thông hiệp và yêu thương nhau hơn. Chỉ có ngôn ngữ của yêu thương mới giúp con người nối kết được với nhau. Tình Yêu là hoa quả mà Chúa Thánh Thần tác động và ban cho con người. Nói khác đi, Chúa Thánh Thần là nguồn suối, hoa quả của yêu thương mà Chúa Cha và Chúa Con trao ban cho những kẻ thuộc về Người.

Sự thán phục của dân chúng từ khắp phương thiên hạ kéo về Giê-ru-sa-lem dành cho các Tông Đồ không phải vì các ngài thông thái hay tài giỏi, can đảm hay mạnh dạn; nhưng vì các ngài đã để cho Thánh Thần ngự xuống trên môi miệng mà ca tụng và loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Như vậy, quả là rõ ràng cho chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần đã dùng các ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau để truyền đạt sứ điệp của Chúa cho con người. Khác xa với quan niệm cho rằng chỉ có dân tộc này, ngôn ngữ kia, văn hoá nọ mới mang tính ưu vượt và duy nhất để truyền đạt tư tưởng và sứ điệp của Chúa.

Chúa Thánh Thần hoạt động trong mọi dân tộc, như dân thành Ê-phê-sô khi xưa. Họ chưa từng nghe biết về Chúa Thánh Thần, nhưng họ đã tin. Đức Tin này không phải là khám phá của họ, nhưng đó chính là hoa quả của Thần Khí! Ai trong chúng ta dám khẳng định rằng Thánh Thần chưa hoạt động nơi họ. Nếu đã không dám khẳng định thì tin là giải pháp thuận lợi nhất.

Anh chị em thân mến,

Chúa Thánh Thần đã đuợc diễn tả qua các biểu tượng như gió, cuồng phong và lửa. Và như anh chị em đã từng có kinh nghiệm: gió muổn thổi đâu thì thổi, nào ai biết được gió từ đâu đến và sẽ đi về đâu; cuồng phong mà đến thì ai cản được!

Vì thế, nhân dịp mừng Lễ Chúa Thánh Thần ngự xuống hôm nay, xin mời anh chị em cùng tiếp tục:

·       Hãy nói lời yêu thương. Vì một khi chúng ta nói với nhau bằng tiếng nói của yêu thương thì chúng ta sẽ chạm đến những cảm xúc chân thật của con tim; từ đó mọi gắn bó và các dây liên kết của chúng ta sẽ bền chặt hơn bởi Thánh Linh.

·       Hãy tạo mọi cơ hội để tiếng nói của mình xứng đáng truyền đạt sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa.

·       Và, đừng dập tắt hay từ khước nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hiện diện và hoạt động nơi con người tại các nền tôn giáo khác, nơi các dân tộc khác, thậm chí ngay cả trong các tổ chức mà nhiều người lầm tưởng là họ đang chống lại Giáo Hội. Có thể, ở một bình diện nào đó, họ không đồng ý với lối hành xử thiếu tính con người, không có dân chủ trong một hình thức cơ chế nào đó của Giáo Hội. Nhưng qua nỗ lực, sự thành tâm và thiện chí xây dựng; chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong các nỗ lực mà họ đang làm để giúp chúng ta hành xử và xây dựng một thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô theo đúng ý Chúa hơn.

Sau cùng, Thánh Linh, khấn xin ngự đến và giúp chúng con nhận ra các hoạt động của Người không chỉ trong cuộc sống của chúng con mà thôi; nhưng còn mở tung cánh cửa tâm hồn của chúng con, và tác động thật mãnh liệt để chúng con còn nhận ra sự hiện diện và tác động của Thánh Linh nơi mọi người; hầu chúng con đủ can đảm ra đi mà làm chứng cho sự thật, làm chứng cho Tin Mừng như các Tông đồ khi xưa. Amen!

Wednesday, 8 May 2024

CHÚA VỀ VỚI CHA ĐỂ Ở CÙNG TA, NHẤT LÀ CÁC BÀ MẸ.


Trình thuật Tin Mừng hôm nay bao gồm hai điều: Thứ nhất là viêc Chúa trao ban sứ mạng cho các môn đệ. Trước khi đi về cùng Cha, Người trao năng quyền cho các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng của Người cho muôn dân. Người không để họ mồ côi, nhưng ở cùng với họ luôn mãi. Nói khác đi, với sự hiện diện mới, không còn bằng xuơng bằng thịt và cũng không còn bị giới hạn và ràng buộc bởi không gian và thời gian; Người hoạt động trong các kẻ tin, đặc biệt nơi các bà mẹ.

Khi nói đến việc đi về cùng Cha, chúng ta bước sang ý tưởng thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay, đó là việc Chúa được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. 

Có phải cho đến hôm nay Chúa mới đuợc đưa lên trời hay không? Thật ra, Đức Giê-su đã đi vào vinh quang của Cha Người ngay trong giờ chết. Việc được cất nhắc về trời hôm nay không phải là việc ra đi để rồi không hiện diện nữa; nhưng đây chính là một sự hiện diện mới mà các môn đệ cần nhận ra bằng con mắt đức tin. 

Vì thế, điều mà tác giả của bài Tin Mừng muốn truyền đạt cho chúng ta hôm nay là Đức Giêsu, Đấng đã chịu thương tích và bị giết vào dịp lễ Vượt Qua; Người vẫn hiện diện và không hề bỏ rơi các môn đệ của Người. Người đã sống lại và tiếp tục sống cho họ và với họ. Cách thức hiện diện tuy khác, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Trong khi thi hành sứ vụ ở trần thế, Đức Giê-su đã không ở với mọi người tại mọi nơi khác nhau. Nay đã được tôn vinh, Người hiện diện mọi nơi, mọi chốn và ở với mọi người. 

Chúng ta mừng sự thay đổi, cách hiện diện mới của Chúa.Tuy rằng chúng ta không còn đuợc tiếp cận với con người bằng xương bằng thịt của Chúa nữa. Nhưng với Thân Thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Giáo Hội, chúng ta được liên kết với Người như Lời Người đã phán: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.” Và ở đâu có tình yêu thương thì ở đấy có Thiên Chúa. Tình của Thiên Chúa là một thứ tình hiến dâng, hiến dâng đến mức hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Khi nói đến tình yêu đến độ hiến mạng sống mình cho người khác là lúc chúng ta nghĩ đến sự hy sinh của các người mẹ mà chúng ta tôn vinh trong ngày Mother’s Day hôm nay. Tình yêu và sư sống là những hạt giống quí báu nhất mà Thiên Chúa đã trao ban để các ngài gieo trồng, chăm bón và thu hoạch. Muốn cho các hạt giống này triển nở thì chính mẹ phải đón nhận tình yêu và sự sống như quà tặng mà Thiên Chúa ban cho mình trước.

Khi nói mẹ là sự sống thì tôi nhớ lại đoản truyện ngắn vô cùng thương tâm mà tôi đã đọc được trong nguyệt san ‘Reader’s Digest’. Đó là một sự kiện có thật đã xẩy ra tại Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Trong cuộc di tản dân chúng khỏi vùng hỏa tuyến tại miền Trung, phái đoàn y tế Hoa kỳ đã chứng kiến cảnh một cháu bé khoảng chừng 9 tháng đang cố gắng nuốt những giọt sữa hòa chung với dòng máu trên thân xác tuy đã chết nhưng vẫn còn hơi ấm của mẹ em. 

Lại một sự hy sinh khác. Vào năm 1995, sau vụ động đất tại Thành Phố Kô-bê, bên Nhật, người ta đào bới và khám phá dưới đống gạch vụn của một tòa nhà đã đổ nát là hai mẹ con. Người mẹ, tuy còn sống nhưng đã bất tỉnh; còn đứa cháu gái đang cố gắng ngậm chặt ngón tay của người mẹ và cố hút nguồn sống bằng máu phát xuất từ thân thể của mẹ cháu. 

Sau khi phục hồi sức khỏe cho hai mẹ con. Người ta nghe bà mẹ kể lại rằng. Tuy bị chôn vùi ở dưới đống gạch đổ nát của tòa cao ốc. Nhưng hai mẹ con chúng tôi quả thật đã gặp vận may. Có một cái đà thay vì đổ suống đập vào chúng tôi thì lại bị ngăn lại bởi bức tường vụn và trở thành vật chắn giúp hai mẹ con chúng tôi không bị đè chết. Sau đó, đứa con vài tháng tuổi của chị đói quá khóc thét lên. Bà mẹ không biết phải làm gì! Dòng sữa thì khô quặn vì đã mất mấy ngày họ đâu có gì để ăn và để uống. Bà mẹ mò mẫm trong bóng tối và tay bà đã chạm vào một vật sắc và nhọn. Với bản năng yêu thương của một người mẹ, bà không kịp suy nghĩ, lập tức dùng ngay vật nhọn đó cắt vào ngón tay của mình và đặt vào miệng cháu. Cứ thế mỗi lần con của bà khóc thét lên là một vết cắt của yêu thương được xuất phát từ thân thể của bà. Cứ thế cho đến khi bà ngất đi vì bất tỉnh và không hề biết những chuyện xẩy ra sau này.

Người ta hỏi bà là khi cắt da thịt mình để lấy máu thay sữa cho con, bà không sợ chết sao? Bà trả lời rằng với bản năng của người mẹ, tôi không có thời gian để suy nghĩ. Sự sống còn của con tôi là tất cả những gì mà tôi có thể làm được; cho dù giờ này biết làm thế rồi chết, tôi vẫn làm.

Anh chị em thân mến, 

Tình mẹ thật cao cả. Ơn gọi làm mẹ thật thiêng liêng. Nó không chỉ là một chức năng mang tính thể lý hay sinh vật của người phụ nữ. Ngày nay người ta bàn nhiều về việc trao ban các thừa tác vụ trong Hội Thánh cho phụ nữ. Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc phong chức cho các phụ nữ làm mẹ hay chưa? 

Thật ra, mẹ không cần tôn phong. Mẹ là một Thiên chức mà Thiên Chúa ban tặng cho các người phụ nữ. Theo một nghĩa nào đó, chỉ có mẹ mới có quyền mang thai, nuôi dưỡng và thông ban sự sống cho con người ngay lúc còn trong bụng mẹ. Đó là sự ban tặng thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho phụ nữ. Mẹ noi gương Đấng Tạo Hóa trong việc tạo nên những sinh vật mới và giúp chúng tồn tại. Vì cuộc sống là một món quà thiêng liêng từ Thiên Chúa cho nên khi người mẹ mang một cuộc sống mới vào thế giới này là lúc mẹ thực hiện phần vụ đáp trả lời mời gọi thiêng liêng nhất. Bất kỳ một người đàn ông nào, dù có muốn cũng không làm được việc này.

Sau đây là vài chia sẻ của các người mẹ gửi cho các con nhân ngày Mother’s day. Tâm tình của mẹ như thế này: “Mẹ không ngẫu nhiên hay tình cờ là mẹ của các con. Thật ra Mẹ và Ba cũng chẳng có kế hoạch cụ thể khi sinh ra các con. Người lập kế hoạch này là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là người cộng tác, thừa hành và đón nhận. 

Quả thật, sau khi tạo dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã đặt tên cho bà là E-và, có nghĩa là “mẹ chúng sinh”. Qua việc đặt tên, Thiên Chúa muốn nhắn gửi cho bà biết rằng chính Thiên Chúa đã tạo nên tình mẫu tử, và Người cũng muốn bà và những người mẹ sau này cộng tác vào chương trình tạo dựng của Người bằng cách sinh hạ chúng sinh. Thật vậy, các con đã được Chúa chọn để ban cho mẹ. Các con nằm trong kế hoạch vẹn toàn của Thiên Chúa để ban cho mẹ. Mẹ chỉ biết xin vâng và đội ơn Thiên Chúa thay cho các con.”

Và có thêm một bà mẹ khác đã tâm sự rằng: “Sau khi thấy các người con của mẹ lớn khôn và trưởng thành. Mẹ đã thốt lên rằng Chính Chúa làm chứ không phải tôi. Chúa biết mọi sự và hiện diện khắp mọi nơi cho nên mọi điều Người làm là phần ích của con cái tôi. Thiên Chúa không hề sai lầm. Người binh vực và yêu thương các con cho nên tôi tin Chúa đã chọn tôi làm mẹ cho đàn con của mình hơn là tôi tin vào chính tôi nữa.”

Tâm tình của mẹ không bao giờ cạn. Thân xác và hình hài của mẹ có thể bị cất nhắc đi. Nhưng tâm tư của mẹ vẫn còn in thật rõ nét trong cuộc sống của các người con. Mẹ chính là nguồn suối tình yêu tuôn chảy không ngừng. Để đáp trả, chúng ta có một cách nói tuy đơn sơ nhưng diễn tả tất cả, đó là: Thưa mẹ, chúng con thật vinh dự khi có mẹ là mẹ chúng con. Chúng con tôn vinh và tri ân các người mẹ, không phải vì những gì mà mẹ đã làm cho bằng là mẹ của chúng con. 

Vâng, mẹ là tất cả, là thế giới của chúng con. Nhờ mẹ mà chúng con nhận ra tình yêu lân tuất, tình yêu cao cả của Thiên Chúa, Đấng đã tín thác và đặt chúng con vào cung lòng mẹ để mẹ giữ gìn và chăm sóc. Xin dâng lời cảm tạ và tri ân. Mẹ mãi mãi là mẹ chúng con. 

Happy Mother’s Day. Xin tôn vinh và dâng một nén hương trầm lên mẹ hôm nay và luôn mãi, Amen!


Wednesday, 1 May 2024

YÊU THƯƠNG LÀ THẾ ĐẤY!

 

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh cây nho để diễn tả sự liên kết mật thiết mà người môn đệ không thể thiếu được trong cuộc sống. Như cành nho tiếp nhận nhựa sống từ thân cây nho thế nào thì cuộc sống của các tín hữu, môn đệ của Chúa Phục Sinh cũng phải gắn liền với Chúa Giê-su như thế. Và một khi chúng ta ở lại trong mối dây hiệp thông mật thiết với Chúa thì chúng ta cũng đuợc thúc đẩy ra đi để nối kết với anh chị em mình. Điều này chỉ có thể được thực hiện, một khi chúng ta quyết định “ở lại trong tình thương của Chúa.”

Nhưng làm thế nào để có thể ở lại trong tình thương của Chúa. Câu trả lời được tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa dẫn chúng ta bước thêm một buớc nữa, buớc sâu xa hơn, cụ thể hơn. Một bước đi không dựa trên lý thuyết nhưng bằng hành động. Đó là việc chúng ta giữ các giới răn của Chúa, và giới răn của Chúa là: “Anh chị em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh chị em.”

Tình thương là sứ điệp căn bản cấu tạo và nuôi dưỡng sức sống của người môn đệ. Đó không phải là điều chúng ta có thể sở hữu rồi trao ban cho người khác như trong cách diễn tả của chúng ta như: “Tôi yêu anh, yêu chị, yêu em, yêu cha, yêu mẹ… hay con yêu Chúa.” Khi nói với nhau như thế, chúng ta có thể ám chỉ và coi tình yêu như là một thứ gì thuộc về mình rồi trao cho tha nhân.

Thật ra, sứ điệp mà Chúa nói với chúng ta hôm nay không phải là tình yêu của chúng ta dành cho Chúa mà là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ý nghĩa này quá rõ ràng qua Lời Chúa phán hôm nay “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh chị em như vậy.”

Tình thương mà Đức Giê-su ban phát hoàn toàn xuất phát từ Chúa Cha. Tình thương của Thiên Chúa không lệ thuộc vào tình trạng của con người, có nghĩa là Thiên Chúa yêu tôi không phải vì tôi tốt hay xấu, thánh thiện hay tội lỗi, giầu hay nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ, quí tộc hay thứ dân… Người yêu chúng ta vì bản chất của Thiên Chúa là Tình yêu. Vì vậy, bất kỳ một khả năng yêu thương nào của chúng ta cũng chỉ là sự mở rộng của Tình Yêu nơi Thiên Chúa. Và, một khi chúng ta yêu nhau là lúc chúng ta được lôi kéo vào và sống trong quỹ đạo tình thương của Thiên Chúa.

Như thế, vấn đề đặt ra cho chúng ta suy nghĩ hôm nay là sống, chứ không phải là giải thích cho người ta hiểu về sứ điệp Yêu Chúa và thương tha nhân như thế nào. Và đây cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc sống. Người không chỉ dậy chúng ta yêu Thiên Chúa và tha nhân mà thôi; nhưng bằng chính cuộc sống hiến dâng Người đã làm chứng về điều mà Người đã dậy.

Với Chúa Giêsu chúng ta tìm ra đuợc một giải pháp của yêu thương, đó chính là không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu. Chúa Giêsu đã hy sinh hiến mình trên thập giá để cứu độ chúng ta. Người đã chết ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Sự chết của Người là giải pháp giúp chúng ta giao hoà với Thiên Chúa. Tình yêu hiến dâng của Chúa là một tình yêu chân chính vuợt lên trên mọi thứ tình mà thế gian có thể ban tặng. Và đó cũng là mối tình mà Người muốn chúng ta sống và chia sẻ cho nhau. Sau đây là vài gương sáng.

Trong Giáo Hội, chúng ta thấy rất nhiều gương sáng của các đấng đã sẵn sàng hy sinh tất cả, thể hiện tình thương yêu mà các Người đã cảm nhận từ Thiên Chúa, ra đi phục vụ người nghèo khó.

Như trường hợp của cha Thánh An Phong. Trước tiên, thánh nhân là linh mục triều. Sau nhiều ngày tháng miệt mài nhiệt tâm phục vụ tại các họ đạo khiến Ngài bị kiệt sức. Vì thế bác sĩ buộc cha An Phong và các bạn đồng hành phải đi dưỡng sức tại Scala thuộc xứ Naples. Vị trí và phong cảnh của Scala thật trữ tình, nó nằm trên một ngọn núi hướng ra mặt biển, không khí thật trong lành. Quả là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, phong cảnh trữ tình và không khí trong lành như thế cũng không quyến rũ được cha Thánh. Trái lại, chính những ngọn gió đó đã làm thay đổi đời Người. Vì vừa đến nơi Thánh An Phong đã nhận thấy những người nông dân, kẻ chăn chiên và dân chúng tại Scala bị bỏ rơi, không người chăm sóc.

Nhìn thấy hoàn cảnh của dân chúng như thế, cha Thánh An Phong và các bạn đồng hành động lòng thương rồi tụ họp những người nghèo khó trong vùng lại. Người dậy dỗ và chuẩn bị cho họ lĩnh nhận các bí tích. Nghe tiếng Người, dân chúng thuộc các vùng lân cận lũ lượt kéo đến để nghe giảng dậy.

Phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, đứng trước tình hình thực tế, với một nhu cầu cần thiết. Cha Thánh An Phong và các bạn đồng hành đã nhận ra việc phải làm, nên đã quyết định tụ họp anh chị em cùng chí hướng thành lập nhà dòng, đó là Dòng Chúa Cứu Thế chuyên lo cho những người bị bỏ rơi, những người nghèo khó.

Trong thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều về những công tác hoạt động phục vụ người nghèo của các nữ tu thuộc dòng mà mẹ Tê-rê-sa thành Calculta đã sáng lập. Mẹ vốn là một nữ tu dòng Loreto, chuyên lo việc giảng dậy. Trên đuờng đi tham dự tĩnh tâm, Mẹ chứng kiến không biết bao nhiêu trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua chết cô đơn trên vệ đường mà không có thân nhân ở bên để vơi bớt những nỗi khổ đau cuối đời họ. Cho nên, vì những người nghèo khó và cho họ, nhất là được thôi thúc bởi tiếng gọi yêu thương, mẹ đã từ bỏ nếp sống an toàn trong một tu viện chuyên lo giảng dậy cho các trẻ em thuộc giai cấp thương lưu, bắt đầu lại bằng việc dấn thân vào các hang cùng ngỏ hẻm để phục vụ người cùng khốn. Hiện nay số người theo chân mẹ hầu như có mặt trên toàn thế giới. Đối với mẹ và các nữ tu thuộc dòng mẹ chỉ biết sống cho và sống với những người khổ đau nghèo đói.

Trở về những ngày đầu tiên, anh chị em tín hữu tiên khởi đã làm chứng bằng lối sống của Chúa khiến cho những người chung quanh kháo láo với nhau rằng: Kìa xem, họ yêu thương nhau là chừng nào. Từ việc chứng kiến lối sống diệu kỳ của các tín hũu, những người chung quanh mới đi tìm hiểu xem anh chị em tín hữu thuộc giáo đoàn tiên khởi đã dựa vào đâu mà có lối cư xử với nhau tốt đẹp duờng ấy.

Ngày nay, những người chưa tin sẽ tin nếu chúng ta đủ chứng từ cho họ nhận thấy Tình Yêu của Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta đến với nhau, yêu thương nhau như Chúa đã yêu, để mọi người nhận biết chúng ta là mộn đệ của Thầy. Vì chúng ta yêu thương nhau. Amen!