Anh
chị em thân mến,
Cách
hành xử trong cuộc sống giúp chúng ta nhận ra vị trí của chính mình. Tôi còn nhớ
một hiện tượng, một thói quen mà người ‘có đạo’ hay thực hiện. Trong thời gian ở
trại tỵ nạn Ga-lang, Indo năm nào. Mỗi khi có tầu vượt biên từ Việt Nam đến đảo
bình an, thì thùng tiền xin tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đầy hơn. Rồi mỗi khi có phái
đoàn đến phỏng vấn nhận người đi định cư tại các nước thứ ba, thì thùng tiền
xin khấn tăng vọt, cho đến khi phái đoàn ra về thì lại đến thùng tạ ơn làm ăn
khấm khá hơn. Cứ xin khấn rồi lại tạ ơn, tạ ơn xong rồi lại xin tiếp. Lối sống
đạo theo vòng xin xỏ rồi lại tạ ơn cứ thế tiếp tục xoay.
Lối
sống như thế nói lên mối tương quan giữa mình và Chúa. Có những lúc chúng ta
xác tín về việc theo Chúa của mình, nhất là khi gặp được nhiều thuận lợi trong
cuộc sống. Tuy nhiên, lại có nhiều khoảnh khắc, nhất là khi phải đối diện với
các thử thách vượt quá sức đón nhận khiến chúng ta cảm thấy chán nản, thậm chí có
những người lâm vào tình trạng tuyệt vọng và muốn bỏ cuộc.
Vì
thế, phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay, đặc biệt nội dung của trình thuật
Tin Mừng giúp cho chúng ta có cơ hội xét mình và nhận ra chúng ta có phải là
các tín hữu theo Chúa và làm theo y Chúa hay vẫn chỉ là tín hữu có tiếng mà
không có miếng. Nào mời anh chị em cùng suy tư.
Anh
chị em thân mến,
Trình
thuật Tin Mừng hôm nay là cao điểm của một cuộc đối kháng mang tính quyết liệt
giữa Đức Giê-su và các môn đệ. Họ là những người đã chứng kiến dấu lạ hoá bánh
ra nhiều và đuợc nghe lời giải thích của Chúa về dấu lạ đó. Tuy nhiên, Chúa càng
cố gắng làm sáng tỏ sứ điệp bao nhiêu thì lại nhận được sự chống đối không thiếu
phần dứt khoát của một nhóm môn đệ bấy nhiêu. Kết quả là có rất nhiều môn đệ đã
rút lui và không tiếp tục đi theo Người nữa.
Còn
nhóm muời hai, tuy còn ở lại nhưng các ông vẫn chưa toàn tâm, toàn lực theo Chúa.
Cụ thể, tại vườn cây dầu và trong hành trình Thương Khó sau này, Phê-rô là người
đầu tiên đã chối Chúa. Như vậy, chúng ta thấy tuy cách chọn lựa của nhóm muời
hai có phần khá hơn các môn đệ kia, nhưng điều mà Phê-rô đại diện cho nhóm mười
hai tuyên cáo hôm nay “bỏ Thầy, chúng con biết theo ai” cũng chỉ là những lời
nói suông, dựa trên môi miệng. Vẫn biết là như thế, nhưng đặc tính không tháo
lui, tiếp tục dấn buớc bằng tất cả nỗ lực và khả năng của mình khiến cho nhóm muời
hai gần với chúng ta hơn.
Thật
vậy, việc chúng ta đến với Chúa, đi theo Chúa trước tiên không phát xuất từ
mình. Đó là lời mời gọi, hành động lôi kéo từ Thiên Chúa. Không ai trong chúng
ta có thể nối kết, gặp gỡ rồi tin vào Đức Giê-su nếu Chúa Cha không lôi kéo người
ấy. Lời mời gọi, hành động lôi kéo đã xuất phát từ Thiên Chúa, bổn phận của
chúng ta là thả lỏng, không gồng lên để cuỡng lại và sẵn sàng tự nguyện rồi
buông quyền kiểm soát bản thân của chúng ta để theo Chúa. Đây là một sự chọn lựa
khôn ngoan của người tín hữu khi họ nhận ra tất cả những gì mình có đều là hồng
ân của Chúa, bổn phận còn lại là thi hành việc làm của chủ mình.
Nói
thì dễ nhưng thực hành thật khó!
Làm
thế nào chúng ta vẫn giữ được tâm hồn thanh thản, không tự mãn trước các việc
làm đạo đức của mình. Hình ảnh người biệt phái tự mãn hiên ngang đứng trên bục
bàn thờ, rồi mang công trạng ra để khoe trước mặt Chúa. Cuối cùng ra về tay
không. Thái độ tự mãn dựa vào công trạng của ông khiến chúng ta nhận ra rằng
các việc lành phúc đức đôi khi có thể là những vật cản để mình nhận ra tất cả
chỉ là ân huệ của Thiên Chúa muốn qua mình trao ban cho người khác mà thôi. Và
nếu là như vậy thì có gì mà khoe khoang.
Còn
thái độ của người thu thuế, khúm núm đứng tự đàng xa, sau những hàng ghế cuối của
đền thờ; ông đấm ngực nhận mình là kẻ tội lỗi rồi ca tụng những kỳ công mà Chúa
thực hiện. Ông là hình ảnh của một kẻ tin, biết trao quyền làm chủ những việc
mà mình đã làm được vào tay của Thiên Chúa. Ông ra về và trở thành người công
chính vì niềm tin và thái độ khiêm cung của ông. Cách ứng xử khiêm tốn trước mặt
Thiên Chúa, trước tha nhân và trước cả lòng mình của ông giúp chúng ta nhận ra
mình chỉ là đầy tớ bình thường, thậm chí còn vô dụng của Thiên Chúa. Tất cả
luôn là hồng ân, là cơ hội giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì mà chúng
ta làm được hoàn toàn phát sinh từ nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, Đấng
làm chủ chương trình và đời sống của mỗi người chúng ta.
Như
vậy, buông lỏng sức mạnh kềm chế bản thân mình là buớc tiên quyết để bộc lộ và
trao phó lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về mình. Đây chính là thái độ niềm tin
của người tín hữu. Tuy nhiên, anh chị em hãy nhớ rằng, chính Chúa Cha mới là đấng
che chở, bảo vệ và lôi kéo chúng ta đến để đặt trọn niềm tin vào Đức Giê-su,
Con của Ngài.
Và,
muốn có được niềm tín thác này, chúng ta phải bước ra khỏi chính mình, dấn thân
và trở thành của ăn mà Đức Kitô muốn chúng ta san sẻ cho người khác. Niềm tin của
người môn đệ không chỉ được nuôi duỡng bởi các bí tích, nhưng được dưỡng nuôi bởi
Người làm nên các bí tích đó. Tất cả các nhiệm tích của Hội Thánh đều dẫn chúng
ta về với nguồn của bí tích là Đức Giê-su, Nguồn mọi ân phúc và là Tin Vui cho
các kẻ tin. Nói khác đi, để sống đúng chân tướng của người tin vào Đức Giê-su,
thì việc cử hành và lĩnh nhận các bí tích chưa đủ, nhưng truớc hết chúng ta phải
trung thành với Con Người của Đức Giê-su Kitô và sống tình huynh đệ với người
khác.
Vậy,
việc đòi buộc các môn đệ trung tín với Đức Giê-su lệ thuộc vào việc chuyên cần
nghe lời giáo huấn của Người, có nghĩa là Tin vào Lời Người phán hôm nay rằng
“ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” đồng nghĩa với việc tin
vào Đức Giê-su là Đấng nuôi sống chúng ta. Hơn thế nữa, các môn đệ còn đòi buộc
buớc theo Người, đi con đuờng Người đã đi và tin rằng đó cũng là con đuờng dẫn
chúng ta đến sự sống đời đời.
Thật
vậy, chính Người là Bánh trường sinh, là nguồn động lực giúp chúng ta sống và đến
với nhau. Muốn đến với nhau thì chúng ta cần đến với Chúa truớc. Đến với Chúa,
gặp gỡ Chúa rồi tin vào Chúa là việc làm của người tin hữu.
Vì
thế, thưa anh chị em,
Tin
rằng Chúa ở trong ta. Tin rằng việc đón nhận Mình Máu Thánh Chúa không làm cho
mình thánh thiện hơn, mà là trở nên giống Chúa hơn, nên một với Chúa hơn. Có
nghĩa là khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa trong bí tích Thánh Thể là lúc chúng
ta cũng chịu lấy thần khí và sự sống của Người; đó cũng là thời khắc để Chúa trở
thành sự sống và thần khí của đời ta.
Như
thế, cuộc sống của chúng ta trở thành hiến lễ. Hiến lễ cũng trở thành cuộc sống.
Hiến lễ và cuộc sống là một trong Đức Giê-su thế nào thì đối với chúng ta cũng
như vậy. Chúng ta không thể tách cuộc sống của người môn đệ ra khỏi hành vi hiến
tế của Chúa được. Đây là một cuộc gặp gỡ thật trọn vẹn nói lên sự hiện diện
đích thật của Đức Kitô với Hội Thánh của Người để ban sự sống cho nhân loại.
Thật
vậy, nếu không có Đức Giê-su thì cuộc gặp gỡ, mối dây hiệp thông dù mang tính hy
tế cũng chỉ là các nghi thức. Và nếu chỉ là các nghi thức thì còn có ích gì! Có
Đức Giê-su là có sự sống, và nếu bỏ Đức Giê-su, Thầy yêu dấu ra thì cuộc sống của
chúng ta còn có ý nghĩa gì; lúc đó chúng ta còn biết đi theo ai nữa đây! Chỉ có
Đức Giê-su Ki-tô vừa là Tin Vui vừa là Đấng trao ban sự sống cho chúng ta mà
thôi. Đó là mầu nhiệm của niềm tin.
Chúng
ta hãy hân hoan tuyên xưng niềm tin ấy trong Chúa Giê-su Thánh Thể, Người chính
là Bánh trường sinh nuôi dưỡng muôn người qua muôn thế hệ. Bỏ Thầy rồi chúng
con biết theo ai đây! Thầy chính là sự sống của chúng con. Không có Thánh Thể
Chúa thì không có cuộc sống môn đệ. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn gắn bó
với Chúa và tha nhân. Amen!
No comments:
Post a Comment