Wednesday, 14 August 2024

THẾ NÀO LÀ Ở TRONG CHÚA?

 

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan tiếp tục bàn về ý nghĩa của ‘Bánh trường sinh’, dẫn đưa chúng ta đi vào chiều sâu của phần suy tư mà Ngài và cộng đoàn của Ngài đã trải nghiệm về bí tích Thánh Thể.

Anh chị em tín hữu thuộc các giáo đoàn tiên khởi đã không chỉ tưởng nhớ đến Đức Giê-su, Đấng đã chết để làm chứng cho Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho nhận loại, mà còn làm chứng rằng Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống từ trời xuống và đang hiện diện với họ. Vì thế, trong phần kết luận của diễn từ, Thánh Gio-an tông đồ muốn nhấn mạnh đến tính hiện thực của bí tích Thánh Thể. Điều này đã được nói đến trong phần trên của bài diễn từ, còn ở đây được nói đến trực tiếp. Những điều Đức Giêsu nói trong diễn từ là một cách nói khác với các cử chỉ, ngôn ngữ của Chúa trong bữa Tiệc Ly. Chính vì thế, tác giả Tin Mừng thứ tư không thuật lại việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Tác giả chỉ đưa ra những suy niệm rất phong phú trong bài diễn từ để giải thích dấu lạ hoá bánh ra nhiều. Chúng ta cùng nhau bước vào chiều sâu và hiệu quả của bí tích Thánh Thể đem lại.

Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm không phát sinh từ nỗ lực tìm kiếm của con người; nhưng đó là việc Chúa đã cử hành như đã đuợc các sách Tin Mừng ghi lại, cụ thể trong trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Mác-cô như sau: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”

Tất cả các hành động “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao ban” của Đức Giê-su trong bữa tiệc vượt qua đã đuợc thể hiện trọn vẹn trong sự chết, cao điểm của mầu nhiệm hiến dâng mà Đức Giê-su đã thực hiện. Thân xác Người là tấm bánh mà Người đã bẻ ra và trao ban để nuôi sống muôn người. Cuộc sống và sứ vụ của Người là bài ca chúc tụng Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã không trao cho chúng ta một kế hoạch, một chương trình để biến đổi xã hội. Người đã không đến để lãnh đạo một cuộc cách mạng chống lại sự chiếm đóng của đế quốc Rô-Ma. Thậm chí, Người cũng không phá hủy và quét sạch chế độ nô lệ mặc dù Người có ý làm như thế. Điều tiên quyết mà Người đã làm là ban chính mình để bộc lộ Tình Yêu khi Người dâng hiến bản thân cho Cha và Thánh Thần. Có nghĩa là Đức Giê-su đã trao ban cho chúng ta quyền thừa hưởng gia nghiệp của Nước Chúa, tạo cho chúng ta một cuộc sống nhằm giải thoát chúng ta khỏi quyền lực và ảnh hưởng của sự ác khiến cho chúng ta không còn phải chết nữa.

Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta tin rằng có một mối dây liên kết được thiết lập giữa chúng ta và Đức Kitô Phục Sinh. Người đã được sinh ra như chúng ta, trưởng thành và lớn lên theo năm tháng như chúng ta, và cuối cùng Người đã chết, nhưng không như chúng ta, Người đã Phục Sinh. Giờ đây, trong bí tích Thánh Thể, chúng ta làm chứng về sự Phục sinh của Người, Đấng đang sống và nuôi dưỡng để chúng ta đủ sức đi chung một con đường về nhà với Người.

Đức Kitô Phục sinh hiện diện với chúng ta trong Thánh Thể là sự hiện diện đích thật. Thân xác Phục sinh là một thân xác hoàn hảo mà Thiên Chúa đã trao ban lại cho Chúa sau cuộc hiến dâng trên Thập Giá của Người. Bằng vào thân xác đã được Phục Sinh, Đức Giê-su bây giờ có thể có mặt trong bí tích cho bất kỳ người nào khi Thánh Thể được cử hành. Đây không phải là hiện diện vật chất. Nhưng Chúa Giê-su đến với chúng ta bằng sự hiện diện bí tích của mầu nhiệm Thánh Thể, không chỉ đơn giản là một sự hiện diện bên chúng ta mà Người còn đem chúng ta đến tình trạng hoàn hảo ở trong Người nữa.

Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến với chúng ta để chúng ta có thể ăn Mình và Máu Người. Đây chính là của ăn trường tồn và vĩnh cửu biến đổi thân xác chết dở của chúng ta thành thân xác vinh hiển của Đức Chúa. Lúc đó chúng ta làm cho Lời Chúa được ứng nghiệm, đó là: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy."

Tuy được ở trong Chúa là điều cần thiết, nhưng không quan trọng bằng việc Chúa ở trong ta. Có nghĩa là chúng ta tập sống từ bỏ để cuộc sống của mình nên giống Chúa. Người đã sống nhờ Cha. Người đã trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa và đã trở nên nguồn ơn cứu độ nuôi dưỡng thế gian và những kẻ thuộc về Người thế nào thì trong phận vụ của người môn đệ, chúng ta cũng đuợc hối thúc, để ngày qua ngày, với bí tích Thánh Thể chúng ta sống trong mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô để trở thành của lễ hoàn hảo cho Thiên Chúa trong niềm vui phục vụ và trở thành của ăn cho nhau.

Tóm lại, rao giảng Nước Trời và phục vu tha nhân là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của người môn đệ. Nhưng, để chu toàn đuợc nhiệm vụ cao cả và quan trọng đó, chúng ta cần đuợc nuôi dưỡng bởi sức sống là Thánh Thể Chúa. Chính bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh giúp chúng ta làm đuợc những việc mà thế gian không làm được. Thế gian có thể tạo ra những anh hùng nhưng không tạo thành người môn đệ. Người ta có thể hiến dâng vì lý tưởng. Nhưng người môn đệ hiến dâng mình vì Yêu. Nguồn ơn sức mạnh đó chỉ có trong Thánh Thể Chúa. Chúng ta chỉ có thể quên mình để phục vụ người khác hết lòng nếu chúng ta được nuôi dưỡng bởi Tình Yêu của Đấng đã hiến dâng và sẵn sàng chết vì yêu.

Như vậy, chạy đến với bí tích Thánh Thể để nên một với Chúa là nền tảng và mục tiêu trong cuộc sống của người môn đệ. Không có Thánh Thể Chúa, không có người môn đệ đích thật. Có nghĩa là, cho dù người môn đệ có làm đuợc bao việc cao cả đến đâu mà không phát sinh từ Thánh Thể Chúa thì giống như người khờ dại xây nhà trên cát. Ơn khôn ngoan đuợc trao ban để chúng ta chọn lựa sự sống và sự sống đó phát xuất từ Mình và Máu Thánh Chúa. Từ đó chúng ta mới có thể sống và đạt được nguyện ước là trong Chúa, chúng ta sống và trở thành của ăn nuôi dưỡng nhau. Amen!

No comments:

Post a Comment