Wednesday, 28 August 2024

LỀ LUẬT HAY TÂM HỒN?

 

Anh chị em thân mến,

Vào thời Chúa Giê-su, dân Do Thái, ngoài việc tuân giữ các huấn lịnh của Thiên Chúa ban cho qua Mai-sen và các tiên tri, họ còn tuân giữ các qui định của cha ông truyền lại và coi đó như là những khoản luật của Thiên Chúa. Các qui định được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và được coi như là các tập tục của tiền nhân. Đây là những kiểu mẫu sống hơn là luật lệ. Sau một thời gian dài áp dụng, dân Do Thái bằng lòng với những qui định này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp. Người ta xếp chúng vào loại truyền khẩu và được gọi là “truyền thống của tiền nhân.”

Việc tuân giữ các lịnh truyền và những qui định của tiền nhân tuy tốt đẹp nhưng khi áp dụng, họ lại quá chú trọng đến những nghi thức bên ngoài và có lòng kiêu hãnh về các việc làm đó. Từ đó ý nghĩa tôn giáo của các qui định bị mất dần đi. Họ cho rằng việc thực hành và tuân giữ những qui định này là công sức của họ, dần dần được xem là các việc đạo đức, là hành vi của những người biết phụng sự Chúa. Họ đã quên rằng sự thánh thiện phải được xuất phát từ Thiên Chúa chứ không lệ thuộc các việc làm của chúng ta.

            Một cách cụ thể, chúng ta xem qua tập tục rửa tay trước khi dùng bữa được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước tiên, đó là các khoản luật dành cho hàng ngũ tư tế. Mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi bước vào nơi cực thánh trong đền thờ. Mục đích của việc làm này này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng cử hành nghi lễ thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa.

Hôm nay, những người Pharisiêu và các thầy thông luật chất vấn Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Người không rửa tay trước khi ăn. Chúa Giêsu đã phê phán họ rằng họ chỉ quan tâm đến việc tuân thủ các truyền thống bên ngoài mà quên đi tinh thần của lề luật. Người trích dẫn lời của ngôn sứ I-sa-i-a, rằng dân này tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng lòng họ thì xa rời Chúa hàng dặm để nhắc nhở họ.

Sau đó, Chúa giảng dạy cho đám đông rằng không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho người đó ra ô uế, mà chính những gì từ bên trong, từ lòng người phát ra, mới làm cho người ta ra ô uế. Điều này ám chỉ rằng tội lỗi và sự ô uế không phải do những hành động bên ngoài mà là từ tâm hồn và ý nghĩ xấu xa từ tron tâm hồn và ý nghĩ của họ. Theo tinh thần của Chúa thì tất cả mọi sự đều phải được xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim bằng không thì chỉ là các hình thức đạo đức không có chiều sâu, thậm chí có thể coi là hình thức của những người đạo đức giả. Theo Người, mọi sự thay đổi phải đuợc bắt nguồn từ trong tâm hồn thì mới có hiệu quả lâu dài. Tương tự như thế, các việc làm đuợc gọi là thánh thiện đều không lệ thuộc vào các hành vi bên ngoài, nhưng phải xuất phát từ tâm hồn con người.

Như vậy, ở đây, Đức Giê-su đã giúp chúng ta có một cái nhìn khác về sự thánh thiện. Chỉ có Thiên Chúa duy nhất là Đấng Thánh, và không một tạo vật nào đuợc gọi là thánh nếu không có quan hệ với Ngài. Con người chỉ đuợc nên thánh qua việc tiếp xúc, tương giao, gặp gỡ và nối kết với Thiên Chúa. Chỉ có trong Ngài và với Ngài, con người mới đạt đến sự thánh thiện mà thôi.

Anh chị em thân mến,

Nhìn vào cuộc sống của Đức Giê-su chúng ta nhận thấy Người chính là mẫu mực của mối tương giao, nối kết mật thiết của Cha và Con. Một sự hiệp nhất nên một. Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Vì thế, bản chất thánh thiện nơi con người Đức Giê-su phát sinh từ Thiên Chúa, không lệ thuộc vào nghi thức bên ngoài như những người Pha-ri-siêu lầm tưởng. Do đó, Đức Giê-su không bao giờ bị ô uế khi đụng chạm vào những người, mà lề luật đã xếp họ vào lớp người ‘ô uế, tội lỗi’. Trái lại, họ lại được thay đổi từ sự thánh thiện cuả Thiên Chúa thoát ra từ con người của Đức Giê-su. Qua việc tiếp xúc này, nhân phẩm họ đuợc phục hồi và con người họ được tái tạo nên một con người mới trong Chúa. Sự thánh thiện của con người không hệ luỵ bởi việc làm của chúng ta cho bằng đó là việc nối dài bản chất thánh của Thiên Chúa nơi mình, qua Đức Giê-su.

Vì vậy, trong phần kết luận của trình thuật hôm nay, Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc làm của trái tim. Sự thánh thiện của con người phát xuất từ trái tim của người đó, chứ không lệ thuộc vào những lề thói hay cách cư xử hình thức bên ngoài của họ. Trái tim là nơi để con người có thể tiếp xúc một cách sâu thẳm với Thiên Chúa. Đó chính là cung lòng để Thiên Chúa ngự trị.

Đừng đánh giá nhau qua dáng vẻ bên ngoài nhưng hãy trao cho nhau tấm lòng, ban cho nhau quả tim yêu thương, nhân hậu và biết rung động trước các nhu cầu của nhau. Muốn đạt được điều này, tất cả chúng ta cần xây dựng và duy trì mối tương giao với Đức Giê-su mỗi ngày mỗi bền chặt và gắn bó hơn. Bởi vì, chỉ ở trong trái tim nhân hậu và yêu thương của Đức Giê-su, chúng ta mới tìm ra mẫu mực cho mọi tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Cho nên, ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Vì mọi việc làm chỉ là cách thức biểu hiện bên ngoài, điều quan trọng nhất là trái tim của chúng ta hướng về Thiên Chúa và diễn tả cho tha nhân như thế nào? Vì thế, xin cho chúng con đến với nhau bằng con người có trái tim của Chúa. Amen!

No comments:

Post a Comment