Trong phần lời tựa, tác giả soạn tác
Tin Mừng theo Thánh Lu-ca đã nói rõ mục đích công việc Ngài làm là ghi lại các
lời giảng dậy và những việc làm của Đức Giê-su, để người đón nhận Tin mừng này
nhận biết rằng giáo huấn chứa đựng trong đó rất xác thực. Khi trình bầy bối cảnh
mà Đức Giê-su rao giảng trong các hội đường, tác giả muốn nhắm đến ý niệm là Đức
Giê-su hoàn thành những gì mà truyền thống Cựu Ước đang mong chờ. Cụ thể, tại
Ga-li-lê-a và các vùng lân cận, Đức Giê-su đã rao giảng và được mọi người đón
nhận và tôn vinh. Nhưng chúng ta không biết nội dung của các bài giảng của Người
tại các nơi đó như thế nào.
Hôm nay, trong bài giảng đầu tiên tại
Na-da rét, Đức Giê-su quả quyết rằng lời hứa qua miệng các ngôn sứ, đặc biệt
ngôn sứ I-sa-ia về sứ vụ của Đấng Thiên Sai được ứng nghiệm. Có nghĩa là những
gì mà Thiên Chúa đã hứa thì nay được thực hiện bởi Đức Giê-su. Bài giảng khai mạc
thật ngắn gọn và đây phải là mẫu mực của mọi bài giảng của các nhà giảng thuyết
sau này. Đơn giản, ngắn gọn và đi thẳng vào trọng tâm. Đức Giê-su công bố Lời
Chúa trong sách ngôn sứ I-sa-ia, rồi đơn giản tuyên bố rằng những gì mà anh chị
em vừa nghe, hôm nay được ứng nghiệm. Bài giảng kết thúc!
Điều được ứng nghiệm hôm nay diễn tả
ước vọng của Thiên Chúa, và cũng là điều mà các ngôn sứ hằng mơ ước. Rất đơn giản,
chỉ đủ để thông truyền một sứ điệp là tin vui cho những ai nghèo hèn, luôn
trông cậy vào sự giầu có của Thiên Chúa, trả tự do cho kẻ bị giam cầm, cho những
ai bị đui mù nay được sáng mắt, những người bị áp bức về tinh thần cũng như vật
chất nay được thanh thản tự do và khai mạc Năm Hồng Ân của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Hầu giúp chúng ta thấy rõ điều mới mẻ
mà Đức Giê-su vừa công bố, chúng ta hãy ôn lại ý niệm về năm hồng ân của người
Do Thái. Như chúng ta được biết, người Do Thái tôn trọng và giữ luật của ngày
hưu lễ rất nhiệm nhặt. Sau sáu ngày làm lụng vất vả họ dành riêng một ngày để
nghỉ ngơi và dưỡng sức để lấy lại những năng lực đã hao phí trong sáu ngày qua.
Ngày đó được gọi là ngày hưu lễ. Trong
ngày hưu lễ, họ không làm gì hết, chỉ nghỉ ngơi. Sau 7 năm họ để ra trọn một năm:
năm hồng ân ban ơn toàn xá; và sau bẩy lần bẩy năm, nghĩa là sau 49 năm, họ lại
dành ra một năm, năm thứ năm mươi để cử hành một năm gọi là “năm chúa của mọi
ngày hưu lễ và gọi là năm hồng ân.”
Họ trù tính rằng trong một kiếp người,
dù dài hay ngắn, thì ai ai cũng có thể tiếp nhận được các đặc ân của năm đó.
Trong năm ‘chúa của mọi ngày hưu lễ’, toàn thể dân Do Thái được mời gọi tìm lại
bản chất đích thực của dân tộc mình. Họ tìm lại sự mới mẻ, trọn vẹn và tinh tuyền
cũng như sự tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho họ ngay từ những ngày đầu của tạo
dựng. Họ phải tuân thủ một cách thật nghiêm ngặt một số qui định sau đây:
1/ Ruộng đất bỏ hoang, không cầy cấy
trồng trọt. Việc này có ý nghĩa là hãy quan tâm đến đời sống của mình, vì nó
còn quan trọng hơn là trồng cấy. Họ tin tưởng vào sự chăm sóc và nuôi dưỡng của
Thiên Chúa trong thời gian này.
2/ Tất cả những ai đang thiếu nợ thì
đều được tha. Việc tha nợ nói lên chủ đích là đừng để nợ nần chồng chất từ đời
này sang đời khác. Nó cũng nhằm bảo đảm cho những ai dù vất vả suốt đời nhưng vẫn
không có khả năng trả nợ, thì được tha hết.
3/ Những ai đang sống trong thân phận
nô lệ đều được trả tự do và quyền công dân được phục hồi. Điều lệ này nhằm chống
lại việc phân chia giai cấp, vì con người được sinh ra không phải để làm nô lệ
cho kẻ khác.
4/ Việc giảng dậy về sự khôn ngoan của
lề luật được phổ biến rộng rãi cho toàn dân, ai ai cũng được học hỏi về lẽ khôn
ngoan. Đó không phải là điều mà chỉ có những người thuộc thành phần ưu tú hay
có địa vị mới được lĩnh nhận mà thôi.
Mục đích mà chúng ta ôn lại cách hiểu
biết của người Do Thái về năm hồng ân, năm toàn xá giúp cho chúng ta hiểu về những
điều mới mẻ mà Đức Giê-su muốn kiện toàn qui định này. Hãy nhìn vào sứ vụ và lời
rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy tất cả lề luật của
đạo Do Thái, đặc biệt là các qui định về năm hồng ân đã được kiện toàn, trở nên
sống động và ứng nghiệm nơi bản thân Chúa.
Cụ thể như trong bài Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu đọc xong rồi ngồi xuống như cách mà các kinh sư thường làm. Tất
cả đều chăm chú nhìn Người chờ đợi. Đức Giê-su đã tuyên bố cho họ biết rằng những
lời mà ngôn sứ I-sa-ia đã loan báo khi xưa, nay đuợc thể hiện nơi bản thân và sứ
vụ của Người. Người mạc khải cho họ biết chính Người là Đấng đuợc Thiên Chúa
sai đến.
Với tư cách ấy, Người rao giảng Tin Mừng
cho người nghèo, loan báo niềm vui đuợc giải thoát cho những ai bị giam cầm, bị
trói buộc bởi gông cùm của tội lỗi và thiết lập những nguyên tắc đem đến cho
con người một sự tự do đích thật. Quan trọng hơn cả là công bố và thiết lập năm
hồng ân của Thiên Chúa nơi bản thân và sứ vụ của Người.
Nói
khác đi, thời đại của Hồng Ân đã được loan báo bởi các ngôn sứ xưa kia, nay được
ứng nghiệm nơi sự hiện diện của Người. Thời đại đó không còn chỉ dành riêng cho
người Do Thái, nhưng cho mọi dân tộc trên thế giới. Hơn thế nữa, Người không chỉ
là dấu chỉ của Hồng Ân, mà còn là ‘Con Người Hồng Ân’. Tất cả những ai đã gặp
Người đều cảm nghiệm được điều đó. Bằng chính cuộc sống cũng như các lời giảng
dậy, Đức Giêsu đã là Tin Vui cho người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng, bị bỏ
rơi và thân phận không được tôn trọng. Người đã không chỉ giải thoát con người
khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà thôi, nhưng còn lôi họ ra khỏi sự giam cầm của thứ
luật lệ đã giam hãm và làm mất đi phẩm giá của họ. Từ sự giải thoát ấy, họ cảm
nghiệm được lối sống phát sinh từ sự tự do của ân sủng nơi Người.
Anh
chị em thân mến,
Khi
nói đến Năm Hồng Ân, chúng ta thường nghĩ đến việc tổ chức các chuyến hành
hương, gia tăng công việc đạo đức để lãnh ơn Toàn Xá. Đó là điều tốt, nhưng
không phải là việc quan trọng. Bởi vì, không phải chờ đến năm Hồng Ân, chúng ta mới nhận được các ân sủng của Chúa.
Nhưng mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống của chúng ta đều là ân sủng. Tất cả đều
là hồng ân mà.
Còn
năm hồng ân theo tinh thần của Đức Giê-su không chỉ nhắc nhở chúng ta nhớ đến
các hồng ân của Chúa ban tặng mà còn là lời mời gọi chúng ta sống yêu thương
hơn, sống tha thứ và biết bỏ qua những nợ nần của nhau. Hãy can đảm để đổi mới
cách sống: thay vì nhìn nhau bằng cặp mắt soi mói, ghen tương, lên án hay hận
thù thì hãy trao cho nhau sự tin tưởng, lòng nhân ái và hãy thông cảm những yếu
hèn, sự mỏng giòn trong thân phận kiếp người của nhau.
Khi
thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi ích cho bản thân,
nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của người quản lý trung tín để phục vụ cộng đồng
nhân loại và đổi mới bộ mặt của thế gian. Bởi vì, chúng ta xác tín rằng Thiên
Chúa luôn chăm sóc cho dân của Người. Chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên
Chúa. Ngài đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở mới, một thế giới mới và ở nơi đó
công bằng sẽ ngự trị. Hạnh phúc tại nơi ấy sẽ thỏa mãn và lắp đầy mọi ước vọng
của sự an bình luôn trào dâng trong lòng con người... Vì tất cả đều là hồng ân,
không chỉ ban tặng trong năm hồng ân mà thôi. Nó đã đuợc khai mạc bởi Đức
Giê-su và sẽ kéo dài cho đến muôn thế hệ.
Trong
tinh thần đó, chúng ta hãy sống mọi ngày như những ngày của hồng ân mà nhìn lại
chính mình, sắp xếp lại cuộc sống và vui mừng dấn bước trong công việc tái thiết
cũng như xây dựng gia đình mình, xóm giáo, họ đạo, cộng đoàn, giáo xứ và tập thể
chung của nhân loại để trở thành một cộng đồng yêu thương, đầy tràn công lý và
bình an, trong đó mọi người đều có thể cảm nhận được hồng ân của Thiên Chúa ban
cho họ qua sự cộng tác của các tín hữu.
Cầu
xin Chúa gìn giữ và giúp cho chúng ta đạt được nguyện ước đó để làm cho kho tàng
hồng ân của Thiên Chúa mỗi ngày mỗi phong phú và đầy tràn hơn. Amen!
No comments:
Post a Comment