Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng Lễ Dâng Đức
Giê-su cho Thiên Chúa. Bài Tin Mừng kể lại việc Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a
tuân theo luật Mô-sê, bế hài nhi Giê-su, người con trai đầu lòng mới được sinh
ra 40 ngày, lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Thiên Chúa.
Trong khi suy niệm sự kiện cha mẹ Đức Giê-su tiến dâng Người con
trai duy nhất của ông bà cho Thiên Chúa tại đền thờ Giê-ru-sa-lem thì tôi lại
nhớ đến tấm lòng bao dung, quảng đại và hy sinh mà các bậc cha mẹ đã trao ban
cho con cháu. Họ đã nỗ lực học để quên mình mà luôn khuyến khích và cho phép con
cái của họ thực hiện những gì mà các cháu được kêu gọi để hoàn tất.
Như tất cả chúng ta đều biết rằng trước khi con cái thuộc về
cha mẹ hay thuộc về gia đình mình thì các cháu phải thuộc về Chúa trước. Thật vậy,
mọi thành viên trong gia đình của chúng ta nói riêng và gia đình Hội Thánh nói
chung đều là những món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Lối suy nghĩ này quả thật rất ích lợi và nhắc nhở chúng ta nhớ
lại rằng: khi sinh ra chúng ta biết mình lệ thuộc vào ai. Kiểu sống tự sinh tự
diệt không còn được chấp nhận. Mỗi người chúng ta được sinh ra để thuộc về
nhau. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm lo lắng và chăm sóc cho nhau.
Dọc theo năm tháng của dòng đời, chúng ta càng thấy rõ điều
này hơn. Trước hết chúng ta thấy gia đình mình đông hơn, ngoài cha mẹ và anh chị
em, chúng ta còn có những người bạn. Họ đã đến để thuộc về chúng ta và chúng ta
cũng thuộc về họ. Như vậy, sống là chấp nhận thuộc về gia đình, xóm giáo, cộng
đòan và Hội Thánh.
Không ai trong chúng ta lại sống cho riêng mình mà được tồn tại
hết. Sống là sống cho người khác. Cho đến một ngày con tim của chúng ta nhận ra
một sự nối kết, một cách thuộc về với một đối tượng mà không ai có thể cắt đứt
hay kéo chúng ta ra khỏi vòng tay của người đó được. Và từ đó một chu kỳ của
‘thuộc về’ được gầy dựng bằng chính tình yêu và lòng chung thủy của chúng ta
dành cho nhau.
Vì vậy, để sống và thưc hiện được điều này, tất cả chúng ta,
đặc biệt những ai đang nắm giữ trọng trách lãnh đạo trong gia đình, tại giáo xứ
và của Hội Thánh, họ cần học cách sống ‘từ bỏ -letting go’ cái tôi, từ bỏ tự nhận
mình là đúng hay tự cho mình là người cầm cán cân công lý; rồi để cho con cái
trong gia đình, thành viên trong các tổ chức đời cũng như đạo có thể khám phá
ra thế giới, môi trường, hướng đi, ơn gọi mà trong đó họ có thể thiết lập nền tảng,
đóng góp và xây dựng một cách tích cực nhất. Thậm chí, chúng ta cần cho phép và
chấp nhận những sai lỗi của họ và biểu lộ tình thương qua việc hỗ trợ và đứng
bên các cháu nữa. Tôi tin tưởng rằng, là cha mẹ và người lãnh đạo, chúng ta sẵn
sàng chấp nhận thua để con cháu mình thắng, vì yêu thương chúng.
Và trong ngày lễ hôm nay, Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a đã chỉ
cho chúng ta con đường, dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa, để Người tự do thực hiện
chương trình mà Thiên Chúa đã chuẩn bị và muốn Người thực hiện.
Đức Giê-su đã sống đời dâng hiến một cách thật nghiêm chỉnh.
Người thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Người đã xác định điều này khi
phán “Này Tôi xin đến để thực thi ý Chúa (Dt 10:19) và “Ta với Cha là một”
(Gio-an 10:30).
Có biết bao thử thách đã đến cám dỗ Người sống cho riêng
mình, như: nếu ông là Con Thiên Chúa thì biến đá thành của ăn, chứng tỏ uy quyền
bằng cách nhẩy xuống từ nóc đền thờ này đi, và ngay trong giây phút sinh tử, Đức
Giê-su còn bị thử thách rằng nếu Người là Đức Ki-tô thì hãy tự cứu mình, v.v… Tất
cả thử thách trong cuộc sống nhằm lôi kéo Người sống theo ý mình, không muốn
thuộc về Cha. Nhưng Người đã chiến thắng tất cả. Đức Giêsu không tự mình nói, không
tự mình làm và đã vượt qua cái tôi bằng cách để cho Thiên Chúa, Cha Người làm
chủ cuộc sống sứ mạng của Người.
Trở về với cuộc sống của chúng ta, thực tế dậy chúng ta biết
rằng không ai trong chúng ta được sinh ra rồi lại mong muốn để cho người khác
kiểm soát hay thống trị mình. Chúng ta là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho nhau.
Bằng cái nhìn tích cực, chúng ta có thể cho rằng những người đã hiện diện trong
cuộc đời mình đều nắm giữ một vai trò nào đó trong chương trình cứu độ của
Thiên Chúa dành cho mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có cái
nhìn như thế. Trong những lúc yếu đuối, chúng ta có thể xem họ như chướng ngại
vật cản bước tiến của mình, hủy đi mối tương quan giữa mình và họ. Mỗi khi như
thế, chúng ta cũng nên trở về để nhớ lại sự kiện hôm nay, và ‘tiến dâng’ họ cho
Thiên Chúa, xin Người ban bình an và chúc phúc cho họ để mối dây tương quan, sự
liên kết ‘thuộc về’ giữa họ và chúng ta được bền chặt hơn.
Trở về bản thân, chúng ta cần khám phá ra những gì mà Thiên
Chúa đã ban tặng cho mình. Bởi vì, làm thế nào chúng ta có thể dâng cho Thiên
Chúa điều chúng ta không có! Công việc này quả thật rất khó khăn khi tìm cách
liệt kê và còn phải kể ra những quà tặng đó với lòng biết ơn, không kiêu hãnh,
không ngạo mạn, mà chỉ có chân thành. Trên thực tế, chúng ta có thể xin lễ tạ
ơn, nhưng lại thường hay quên thể hiện dâng lên Thiên Chúa lối sống tạ ơn về những
gì đã được trao ban cho mình bằng việc làm cho tha nhân.
Vì thế, đây là lúc chúng ta cần xem xét lối sống tạ ơn này một
cách thật nghiêm túc. Ngoài việc nhìn lại chính mình và dành thời gian để suy gẫm
về ân huệ, quà tặng, sự hiên diện và can thiệp của Thiên Chúa đã thể hiện trong
đời mình. Với lòng tạ ơn chúng ta cần chia sẻ những điều đã lĩnh nhận cho người
khác. Tiến dâng là như thế.
Sau đó, giống như thái độ của bà An-na và ông già Si-mê-ôn
trong bài Phúc Âm hôm nay. Họ đã nhận được món quà vô giá qua việc gặp gỡ con
trẻ Giê-su. Trái tim của họ được lấp đầy nguồn hạnh phúc được ơn cứu độ mà Đức
Giê-su đem đến cho họ. Như họ, với lòng biết ơn chúng ta cũng đã nhận bao quà tặng
trong cuộc sống và quà tặng vô giá nhất là sự hiện diện của Đức Giêsu trong hành
trình cuộc sống mình.
Sau cùng, trong sứ mạng của một Kitô hữu, chúng ta được mời gọi
dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa qua việc sống thánh thiện trong đời sống
gia đình, công việc và các mối tương quan. Điều này có nghĩa là dù sống trong bậc
nào chúng ta đều được mời gọi sống yêu thương, tha thứ, thực thi các việc bác
ái để những giá trị Tin Mừng thể hiện trong lối sống của chúng ta mỗi ngày.
Amen!
No comments:
Post a Comment