Monday, 30 October 2017

YÊU LÀ THẾ ĐẤY!





Như chúng ta vẫn thường biết, bất cứ một tổ chức hay một cơ cấu nào; nếu muốn tồn tại đều cần có những qui định để bảo vệ các sinh hoạt và duy trì sự phát triển của nó. Chúng ta thường gọi đó là Lề luật. Ngày xưa, qua ông Maisen, Chúa đã ban cho dân Do Thái các giới răn của Ngài. Từ những giới răn này, người Do Thái thường bàn bạc với nhau để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng nhất. Hôm nay, họ đến chất vấn Đức Giêsu. Và, Người đã nối kết hai điều luật lại với thành một. Ngài dạy họ và chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người là trọng tâm của cuộc sống.

Để minh họa điều này, chúng ta cùng nhau nghe một câu chuyện; truyện ấy như sau: Vào các thế kỷ đầu, ai muốn đi tu thì phải vào rừng vắng, sống hãm mình và chịu nhiều gian khổ để tôi luyện bản thân cho thành toàn. Vì thế, vào một dịp tĩnh tâm hàng năm, cha Bề trên dẫn các thầy dòng của mình đi vào hoang địa để ăn chay, hãm mình, và mỗi người được chỉ định ở một lều riêng biệt cho dễ cầu nguyện. Đến giữa tuần, có một số thầy từ các tu viện khác đến thăm cha Bề trên. Để nói lên tấm lòng hiếu khách, cha đã nấu cho các vị một chút gì ăn cho bớt đói; và, cũng vì lịch sự, ngài đã cùng dùng bữa với họ. Trong khí đó, các thầy cùng dòng với cha bề trên, tuy có thể đang giữ chay, nhưng lòng lại không giữ. Vì thế, khi nhìn thấy khói bốc lên từ lều của cha Bề trên, các thầy có ý nghĩ là Bề trên của mình đã phá chay, nên ùn ùn kéo nhau đến để chất vấn!

Thấy các thầy dòng, nhất là qua thái độ và sắc mặt của họ, cha Bề trên nhìn thấu tâm trạng của họ, bèn ôn tồn hỏi: “Anh em đến đây thăm tôi hay là bắt lỗi tôi, tại sao các thầy cứ nhìn tôi trừng trừng như thế?” Họ trả lời: “Thưa cha, cha đã phạm luật giữ chay mà chúng ta tình nguyện tuân giữ.” Cha từ tốn nhìn các thầy rồi đáp: “Đúng là tôi đã vi phạm luật giữ chay. Tôi không giữ lề luật của chúng ta đã đặt ra, nhưng khi chia sẻ thức ăn với các thầy bạn thuộc tu viện khác, tôi đã sống luật của Thiên Chúa. Các thầy không nghĩ là Đức Yêsu cũng đã làm như vậy sao? Hỡi các thầy, đừng vịn vào lề luật để bắt bẻ hay làm khó nhau. Các thầy còn nhớ đến lời Chúa dậy: có hai giới răn quan trọng, chứ không phải chỉ có một mà thôi đâu. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và yêu nhau như chính mình. Chúng ta không vào đây để trốn thế gian và sống một mình với Chúa. Nhưng chúng ta đến đây tìm Chúa và yêu thương nhau trong Chúa.”

Thưa anh chị em,

Giống như các thầy dòng nọ, có lẽ chúng ta chỉ biết yêu mến Chúa qua việc chu toàn lề luật, siêng năng tham dự thánh lễ, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cầu nguyện, hành hương để hưởng ơn “toàn xá” và các công việc đạo đức khác mà quên mất đi việc làm để biểu lộ của Tình yêu. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà quên đi việc quan tâm, lo lắng và giúp đỡ nhau. Việc làm của chúng ta cho nhau là một bằng chứng hùng hồn của Tình Yêu mà chúng ta đạng lĩnh nhận.

Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa và tha nhân. Yêu Chúa như Chúa yêu người không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, yêu tha nhân còn khó hơn bội phần. Vì, làm sao chúng ta có thể yêu được con người với đủ mọi khuyết điểm; và đôi khi họ còn được coi như những người trái ý và không cùng phe với chúng ta.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời chúng ta đặt lại vấn đề căn bản: Đạo Công giáo là đạo gì? Đạo Công giáo không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng đó là đạo Tình Yêu, đó là con đường yêu thương. Đây không chỉ là bài học của Chúa hôm nay, nhưng chính là con đuờng Chúa đã đi qua.Vì thế, cách sống đạo của chúng ta không chỉ dựa vào chuyện đọc kinh ê a, dài dòng, hoặc tổ chức các chuyến hành hương, tụ họp biểu dương niềm tin tôn giáo; nhưng còn phải và nhất là: Hãy yêu nhau.

Kính thưa quí ông bà và anh chị em,

Nhiều người đã nói và bàn về chữ yêu. Nhưng, nếu chỉ bàn bạc và giải thích về chữ đó mà thôi, thì dù cho lời bàn của ta có hay đến độ nào đi nữa kết cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì, yêu không phải là việc để nói hay bàn bạc. Nhưng, yêu để sống và sống để yêu.

Tôi được nghe nhiều bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm khi họ còn là người tình của nhau. Các bạn vẫn có thói quen tìm đến nhau. Ngày nào không gặp mặt thì lòng cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung. Bạn không thể ngồi đó mà chờ cơ hội. Nhưng, phải ra đi để tìm đến nhau, chiều chuộng và trao ban cho nhau những gì trân quý nhất. Các việc làm đó nói lên điều gì? Phải chăng, đó là hành động thể hiện việc họ yêu nhau.


Nói cho cùng, không thể bảo rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Một khi đối tượng biến dạng, thì tình yêu cũng tan biến. Vì thế, tình yêu cần được diễn tả bằng việc làm.

Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ khác nhau. Những sự kiện thực tế ta gặp cũng có thể dùng để minh hoạ đâu là sự hiện hữu đích thực để chúng ta trao đổi tình yêu. Anh chị em cứ nghiệm lại trong hành trình cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rất rõ. Có nhiều người chúng ta gặp mà không dám nhìn vào mặt, như các chủ nợ hay những người mà chúng ta coi họ như kẻ thù; lại có một số người khác, khi gặp chúng ta chỉ chào hỏi qua loa cho xong bổn phận; lại có những người, khi gặp họ thì lòng chúng ta hân hoan, miệng hỏi đủ thứ chuyện, tay bắt, mặt mừng và không muốn rời xa nhau…

Như vậy, đâu là sự hiện hữu đích thực mà chúng ta cần tìm kiếm? Và họ là ai?

Đây là những câu hỏi vô cùng khó khăn mà chúng ta cần trả lời, không bằng chữ viết nhưng bằng các hành vi trong cuộc sống. Thật ra trong khi tìm kiếm đối tượng để yêu thương, chúng ta lại trở về vấn nạn căn bản là ‘động lực nào thúc đẩy chúng ta yêu nhau’. Chính Tình yêu của Thiên Chúa là nguồn động lực duy nhất thúc đẩy tôi ra đi. Không ‘yêu Chúa’ thì cho dù có yêu nhau đến mức độ nào thì thứ tình yêu đó cũng khó bền vững. Chỉ ở trong Chúa và với Chúa thì tình yêu của chúng ta mới đi đến chỗ thành toàn và viên mãn.

Vì thế, thay vì đi tìm câu trả lời của vấn nạn đâu là giới răn quan trọng nhất thì chúng ta hãy chìm đắm trong Tình Yêu của Chúa, rồi tự khắc chính Tình Yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta bước ra khỏi tháp ngà và các tiện nghi của cuộc sống để ra đi mà chia sẻ cho tha nhân, đặc biệt cho những ai không được bảo vệ, như đã đuợc đề cập trong bài đọc 1, họ là ‘các người di dân, góa bụa và trẻ mồ côi’.

Tại sao họ lại được Chúa nhắc nhở một cách đặc biệt như thế? Bởi vì, trong một bối cảnh mà các mối liên hệ trong gia đình, dòng tộc và giống nòi được coi là nền tảng để bảo vệ con người, mà những người trong các nhóm này lại mất đi yếu tố an toàn bảo vệ họ; như vậy nguy cơ bị đối xử tàn bạo và bóc lột dễ xẩy ra. Vì thế, Chúa mới yêu cầu chúng ta quan tâm đến họ nhiều hơn. Tuy vậy, họ vẫn chỉ là những hình ảnh tiêu biểu được nhắc nhở trong bối cảnh của thời đó. Thật ra, Thiên Chúa và tha nhân không còn là đối tượng xa vời tầm tay vươn tới của chúng ta. Ngài đã nhập thể mang thân phận con người. Ngài là anh, là chị, là tôi; những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Ngài còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu và phố chợ.

Yêu mến “hết” lòng và “hết” trí khôn là cho đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Trong ngôn ngữ của người Do Thái, các chữ “lòng”, “linh hồn” và “trí khôn” có nghĩa toàn bộ con người. Do đó, giới răn hôm nay có nghĩa là: “Hãy yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhau bằng tất cả con người mình, cho đi tất cả con người mình, dâng hiến toàn bộ con người mình.” Nghĩa là, trong Tình yêu thì không còn sự chia cách, không còn phân biệt giữa người này với người khác. Tất cả đều được hoà hợp trong Tình Yêu, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, không còn tỵ hiềm hay chia rẽ; mà chỉ có hiệp thông, tha thứ và bình an.

Cầu xin cho nhau đạt được ước nguyện đó. Amen





Friday, 20 October 2017

TẤT CẢ THUỘC VỀ THIÊN CHÚA




Anh chị em thân mến,

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia đã nhìn nhận vua Ky-rô, vua nước Ba Tư là người được Chúa xức dầu và sai đến. Đây là một tước hiệu của đấng Mesia. Một tước hiệu thật vinh dự và cao cả. Tại sao vua Ky-rô lại được ngưỡng mộ và trao ban tước hiệu cao quí này? Bởi vì ngài đã giải thoát ‘dân Hebrew – dân Thiên Chúa’ khỏi ách nô lệ của vương quốc Babylon và cho họ trở về quê cha đất tổ. Đây là niềm ước mơ và hạnh phúc của họ.

Cho dù, vua Ky-rô là người ngoại đạo; nhưng không vì thế mà Chúa không tác động và soi sáng cho ngài và các vua chúa trần gian để họ thay quyền Ngài trong nhiệm vụ lãnh đạo và lo cho dân.

Cách đây hơn 16 năm, vụ khủng bố ngày 11.09.2001 tại Nữu Ước đã làm Tòa Tháp Đôi Trung tâm Thương mại Thế giới bị sụp đổ. Có đến hơn 3000 người thiệt mạng. Cho đến giờ này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh những con người dũng cảm như cảnh sát, đội lính cứu hỏa và người thiện nguyện đã lao mình vào Toà Tháp Đôi để cứu nạn nhân của vụ khủng bố có một không hai đó. Những vị này quên đi sự an toàn của chính bản thân mình và chỉ nghĩ đến việc cứu người. Trong lúc chu toàn bổn phận cứu vớt kẻ khốn cùng và đau khổ, thì chính họ lâm vào tình trạng cùng khốn, khổ đau không lối thoát. Nhiều người bị thiệt mạng cùng với nạn nhân dưới đống gạch vụn.

Gần đây, các thảm kịch ở Âu Châu, Las Vegas đã gây ra bao bi thương cho các nạn nhân và gia đình họ. Không một ai cổ võ hay tán dương hành động tàn ác như thế. Tuy nhiên, trong màn đêm của tội ác, vẫn còn có những tâm hồn thiện hảo. Đã có bao nhiêu người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.

Việc làm của họ thật phi thường. Nhưng có ai khẳng định rằng các việc họ làm được thúc đẩy bởi một niềm tin tôn giáo, đặc biệt là niềm Kitô giáo hay không? Họ không có thời gian để suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân nào đã thúc đẩy họ. Ngay trong giây phút đó, họ hành động theo bản năng. Nhưng trong phần sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta có thể nghĩ rằng những việc làm đáng tôn vinh đó, phải chăng xuất phát từ những hạt giống đã được ươm trồng từ thủa nào! Những hạt giống của yêu thương, quảng đại, quan tâm và lo lắng cho người khác.


Hoàn cảnh và việc làm của họ giống như vua Ky-rô trong bài đọc 1. Như Thiên Chúa đã ‘nắm tay phải’ của Vua Ky-rô thế nào; thì hôm nay, chúng ta cũng có thể xác tín rằng: Thiên Chúa đã xức dầu cho họ và nắm lấy “cánh tay phải” và dẫn họ đến những người Chúa muốn được giúp đỡ, những người Thiên Chúa yêu thương.


Như anh chị em đã biết. Việc xây dựng và mở mang Nước Chúa không chỉ lệ thuộc và giới hạn bởi các việc làm trong các nghi thức phụng tự, như đọc kinh, tham dự những cuộc hành hương, Thánh lễ hay các công việc đạo đức. Nhưng đó cần bao gồm cả đời sống. Chúng ta không thể phân chia đời sống của chúng ta thành nhiều mảnh: như theo đạo rồi quên đời, theo Chúa rồi bỏ thế gian. Không phải vì yêu thương thế gian mà Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Ngài đến thế gian đó sao! Và nhờ vậy, mà thế gian đã được cứu độ. Vì thế, cả hai mặt ‘đạo và đời’ cần được gắn bó với nhau.

Đây cũng là ý của bài Tin Mừng hôm nay, trong đó Chúa phán: “Của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Khi nói điều này, Đức Giê-su không có ý đưa ra một nguyên tắc chia quyền ‘Chúa một nửa, vua một nửa’, hay là phần thiêng liêng thì thuộc về Chúa, còn phần đời thuộc về vua. Người cũng không tranh dành uy quyền với các vị vua trần gian; bởi vì uy quyền tối thượng và vững bền qua muôn thế hệ thuộc về Thiên Chúa; còn các vị vua, ông chúa, bà hoàng hay các vị thủ lĩnh trên thế gian đều là những người thừa hành; họ nối tiếp nhau cai trị thiên hạ; nhưng có ông vua hay bà chúa nào trường tồn quá một trăm năm đâu! Chỉ có uy quyền của Thiên Chúa mới tồn tại qua muôn thế hệ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bán cái và trả lại trách nhiệm trông coi và xây dựng vũ trụ này cho Thiên Chúa.

Trong khi thi hành sứ vụ mà chúng ta gọi là truyền giáo, giới thiệu và mở mang Nước Chúa; Đức Giêsu đã tỏ bầy cho chúng ta nhận biết về một Thiên Chúa không chỉ ở trên cao, nhưng Ngài đang đồng hành với cảnh ngộ và cuộc sống của từng người. Người nhập thể và chia sẻ mọi tình huống của con người: ai đau ốm Người chữa cho lành; ai gặp hoạn nạn, Người thương cứu giúp; ai đói khát, Người nuôi ăn; ai tội lỗi, Người ban ơn tha thứ; thậm chí Người hồi sinh cả kẻ đã chết… Người chu toàn mọi sự trong mọi người. Nhưng, có một điều thật rõ ràng là Đức Giêsu không làm thay chúng ta. Người trao và mời gọi chúng ta tiếp tay. Người không thể cứu giúp và làm cho mọi bịnh nhân thuộc mọi thời đại khác nhau được chữa khỏi; Người cũng chẳng làm cho mọi người đói, thuộc về các thời đại khác nhau được no nê. Đó là phần vụ của con người ở các thời đại khác nhau.

Do đó, khi chúng ta tiếp cận người nghèo, đến với những người bị bỏ rơi, tiếp đón những người bị khước từ là lúc chúng ta đang cố gắng hết sức để cho Thiên Chúa họat động trong toàn bộ, cũng như trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.



Friday, 13 October 2017

TIỆC CƯỚI ĐÃ DỌN, BẠN VÀ TÔI ĐÃ SẴN SÀNG CHƯA?





Như hai dụ ngôn trước, dụ ngôn hôm nay cũng nhắm đến hàng ngũ lãnh đạo dân Israel. Họ là những người đã nói ‘xin vâng’, nhưng lại sống trái ngược với điều họ tuyên xưng (dụ ngôn 2 người con). Và, thay vì chấp nhận công việc của những người làm công trong vườn nho, họ lại dùng bạo lực với các hành vi tàn ác, thậm chí giết luôn con ông chủ, để chiếm đoạt quyền làm chủ; nhưng không vì thế mà họ có thể hủy đi kế hoạch của Thiên Chúa. Công trình của Ngài vẫn tiếp tục tồn tại qua muôn thế hệ (dụ ngôn các tá điền).

Hôm nay, trong dụ ngôn ‘tiệc cưới’, ám chỉ đến bữa tiệc ‘cánh chung’, bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, chúng ta lại thấy dung mạo của một vị Thiên Chúa rất nhân từ, kiên tâm trong công việc. Bữa Tiệc do Ngài làm chủ. Ngài tự ý mở tiệc. Đây là tâm huyết và niềm vui của Ngài. Điều đặc biệt ở đây là Ngài không giữ ‘niềm vui’ cho riêng mình, nhưng Ngài đã tự ý chia sẻ niềm vui đó qua việc sai các sứ giả, hết nhóm này đến nhóm khác, mời tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi - từ các nẻo đường và trong các hang cùng ngõ hẻm - đến tham dự tiệc cưới.

Hành vi của ông vua này thật kỳ lạ. Thông thường, khi mở tiệc cưới, chúng ta ngồi xuống suy nghĩ tính toán số người được mời sao cho cân xứng…. Nhưng ông đã không làm như thế. Ông đã không tính toán. Mối bận tâm duy nhất của ông là mời người ta đến chia vui. Niềm vui được san sẻ là hạnh phúc và lẽ sống của ông.

Trong khi đó, những kẻ được mời lại làm ra vẻ ta đây. Họ tìm cách chối từ bằng thái độ coi thường, ngạo mạn và hỗn xược. Tuy nhiên, thái độ xem ra hung bạo của họ cũng không làm giảm ý định của ông vua, đó là chia sẻ niềm vui. Ngài quyết tâm mở tiệc. Qua điều này giúp chúng ta nhận ra ý định của Đức Giêsu là cuối cùng tất cả mọi người sẽ được chia sẻ bữa tiệc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có một chi tiết mà chúng ta nên để ý đó là việc nhà vua nhận ra một người không mặc áo cưới. So với toàn thể các khách dự tiệc mà chỉ có một người không mặc y phục lễ cưới thì có là gì! Hơn nữa, những khách được mời đã được các sứ giả vơ vét từ các ‘ngã tư đường’, thì ai có thời gian mà chuẩn bị y phục cho tươm tất đây? Vì thế, việc khám phá ra, cho dù chỉ có một người không mặc y phục lễ cưới, nói lên sự hiện diện của người xấu và người tốt trong bất cứ một cộng đoàn nào. Nó cùng ám chỉ đến sự pha trộn giữa thiện và ác trong bản thân của mỗi người chúng ta.

Những phần tử xấu có thể gây trở ngại và tạo ảnh hưởng không tốt cho việc xây dựng và các sinh hoạt của cộng đoàn. Nhưng qua dụ ngôn, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta hãy để mọi sự như thế cho đến ngày chung thẩm, ngày cuối cùng. Chính Chúa, chứ không phải một đấng nào khác, sẽ làm công việc phân chia.


Và như anh chị em biết: tiêu chuẩn được mời không dưạ trên lòng đạo đức, thánh thiện hay là phẩm chất tốt của chúng ta. Đây là sáng kiến phát sinh từ lòng quảng đại của Thiên Chúa. Đấng tha thiết mời gọi chúng ta đến để chia sẻ niềm vui trong kho tàng ân sủng thật bao la của Ngài.

Như vậy, ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta là Ngài sẵn sàng chia sẻ với chúng ta sự giàu có trong các bữa tiệc của cuộc sống. Nhưng lòng quảng đại, nhân từ và kiên tâm chờ đợi của Thiên Chúa không là một cái cớ khiến chúng ta tự mãn và coi thường rồi không hợp tác với Ngài. Chính việc chọn lựa không hợp tác có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị (hay tự) loại ra khỏi bữa tiệc của niềm vui.

Vậy, chúng ta cần có thái độ nào trong các lần gặp mặt, các bữa ăn - tiệc của đời sống; nhất là qua các bữa tiệc lòng mến (Thánh Lễ) mà chúng ta được mời gọi chia sẻ với nhau vào các ngày Chúa Nhật hàng tuần?

Ước mong, chúng ta cùng cộng tác với lời mời chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa; để mãi mãi, bằng cuộc sống, chúng ta cùng cử hành bữa tiệc niềm vui cho đến ngày chung kết. Amen! 

Monday, 9 October 2017

TA HAY CHÚA, AI LÀM CHỦ VƯỜN NHO?









Câu chuyện hôm nay được Đức Giêsu kể lại sau khi Người tiến vào Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng. Mặc dù mối tương quan giữa Người và hàng ngũ lãnh đạo Do Thái đã căng thẳng đến mức độ khiến họ quyết tâm tiêu diệt Người; nhưng không vì thế mà Người chịu lùi buớc. Dụ ngôn hôm nay có ý nhắm đến những người lãnh đạo, các thầy cả thượng phẩm và các trưởng lão cùng thời với Người. Nhưng đó không chỉ là một câu chuyện. Nó là sự báo trước những ý đồ lừa đảo và giết người của họ.


Họ được mô tả như các công nhân làm việc trong vườn nho. Họ thực sự chỉ là những người làm thuê, nhưng lại cư xử như một ông chủ; không có lòng nhân từ và kiên nhẫn. Với cách hành xử rất thô bạo, bằng bạo lực họ đã cướp quyền sở hữu, giết các sứ giả do chủ sai đến. Họ, từ vị trí của những người làm công, đã thiết lập các qui tắc, rồi cướp đoạt và tự hành xử như một ông chủ. Họ tìm cách loại bỏ Người.


Bài Tin Mừng thường được giải thích đó là việc dân Do Thái từ chối vai trò canh tác vườn nho của Thiên Chúa, và Ngài đã trao quyền đó cho Giáo Hội. Thật ra, Thánh sử nhấn mạnh đến thái độ cứng đầu của hàng ngũ lãnh đạo dân Do Thái. Vì quyền lợi riêng tư nên họ đã từ chối đón nhận Đức Giêsu và nguồn ơn cứu độ của Người.
Vẫn biết rằng Thiên Chúa đã trao ban quyền canh tác cho con người, nhưng Ngài không hề ép buộc ai. Quyền làm chủ vũ trụ và vườn nho vẫn thuộc về Thiên Chúa. Thưa có hay không là quyền của con người. Dân Do Thái hay bất cứ dân nào cũng thế. Thiên Chúa không hề ép buộc ai. Việc thưa có phải được phát sinh từ tấm lòng và thể hiện bằng công sức của người làm việc trong vườn nho thì mới có giá trị lâu dài.
Nhưng câu chuyện không kết thúc ở hành động khước từ của họ; không vì hành động sai trái của họ mà vườn nho bị bỏ hoang! Một ngôi nhà mới sẽ được cất lên, một triều đại mới sẽ được khai sinh trên hòn đá tảng là chính Đức Kitô. Đây chính là công việc của Thiên Chúa, Đấng làm chủ vườn nho của Ngài. Thật tuyệt vời cho chúng ta khi nhìn thấy hay nhận ra bao công trình mà Chúa đã xây dựng trong vườn nho của Ngài, trong cuộc đời của mỗi chúng ta nữa.



Phần chúng ta, hãy nhận ra rằng việc được làm việc trong vườn nho của Chúa là một hồng ân, hồng ân đó hoàn toàn không lệ thuộc vào tài năng hay phẩm chất của con người. Đó là một món quà nhưng không của Thiên Chúa ban, không chỉ cho riêng mình; nhưng qua công sức, chúng ta làm cho món quà đó mỗi ngày mỗi lớn hơn để chia sẻ cho tha nhân. Có như thế, chúng ta mới xứng đáng là người thợ luôn tìm cách sinh hoa lợi cho ông chủ trong mùa thu hoạch. Và trong khi chờ đợi mùa thu hoạch, Thiên Chúa vẫn kiên tâm chờ đợi, không thu động nhưng rất tích cực, bằng cách tiếp tục sai hết lớp thợ này đến lớp thợ khác đến canh tác trong vườn nho của Ngài. Sau cùng Ngài sai người con thừa tự, hy vọng rằng họ sẽ nể Ngài mà cộng tác với người con đó. Nhưng than ôi! Họ đã nhẫn tâm giết luôn người con. Tuy nhiên, việc con người nhẫn tâm và tàn ác cũng không thắng nổi sức mạnh và công trình của Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Giê-su đã nói: “…Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.”
Tảng đá mà Đức Giêsu nói ở đây là chính bản thân Người. Theo thiển ý của tôi, khi đề cập đến chi tiết này, Thánh sử không cổ võ hay đề cao tính bất trung, cách hành xử bạo lực của họ; cho bằng Ngài ca tụng, biểu dương công trình của Thiên Chúa. Họ nghĩ là họ đã thành công trong ý đồ xấu xa của họ là loại bỏ Tảng đá. Nhưng, với bàn tay của Thiên Chúa, do công trình của Ngài, tảng đá đó trở nên tảng đá góc tường. Họ đã giết được Con Thiên Chúa; nhưng qua sự chết, Người đã chiến thắng thần chết. Qua việc chết đi cho ý riêng, Người đã biểu lộ lòng vâng phục ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã siêu tôn Người.
Khi suy niệm trình thuật này, chúng ta có thể nhìn dân Do Thái bằng cặp mắt thương hại và tội nghiệp! Họ đã là dân đuợc tuyển chọn để thực hiện công trình của Thiên Chúa. Thế mà họ hay nói đúng hơn là hàng ngũ lãnh đạo đã từ chối đón nhận vai trò cao quí này.
Thật ra, việc canh tác, làm cho vũ trụ và vườn nho được đổi mới và phát triển là phần vụ của mọi người. Đã tới lúc chúng ta cần đặt lại vấn đề như:


·        Chúng ta sống như thế nào để xứng đáng với vai trò mà Chúa đã trao phó trong công việc canh tác vườn nho của Người?
·        Vai trò lãnh đạo, công việc canh tác mà Chúa đã trao phó cho chúng ta được thực hiện thế nào?
Không khéo, chúng ta cũng chẳng hơn gì hàng ngũ lãnh đạo mà Đức Giêsu đã nhắm đến trong bài Tin Mừng hôm nay!
Vẫn biết, cuối cùng thì Nước Thiên Chúa vẫn toàn thắng; chúng ta không được phép thất vọng. Tuy nhiên, việc sinh hoa lợi là phần phúc mà Chúa đang chờ đợi bàn tay con người. Hãy làm tất cả để vườn nho của Thiên Chúa sinh hoa kết quả dồi dào và phong phú hơn!


TIN VUI CHO NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI







Trình thuật mà chúng ta vừa nghe hôm nay tuy ngắn gọn, chỉ có 4 câu; nhưng đem đến cho tôi, một con người tội lỗi – cần hối cải, một TIN VUI trọng đại. Vẫn biết rằng hồng ân cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người. Thiên Chúa không hề ép buộc ai. Thưa có hay không là quyền của con người.

 Ðức Giêsu cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản của hai người con. Hai hình ảnh đối nghịch đó cũng hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Và, theo Thánh Matthew, thì sự tương phản đó được thể hiện trong cộng đoàn của Ngài: Một bên là quí vị có chức tước, bên kia là những người mà bọn lãnh đạo khai trừ và xếp vào bọn có tội.

Mở đầu bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao?” Như vậy, truyện kể hôm nay trước tiên nhắm đến những người lãnh đạo. Họ hãnh diện về lối sống mẫu mực của họ. Họ chủ trương rằng những gì mà họ đang có như tiền tài, danh vọng, vị trí trong cộng đoàn là phần thưởng và dấu chỉ mà Thiên Chúa phải trao ban để tưởng thưởng cho các việc lành phúc đức và lối sống chu toàn lề luật của họ. Và, với lối sống tuân phục mọi điều khoản trong lề luật dậy bảo thì họ đã trở thành gương sáng cho người khác; đâu cần phải thay đổi.

Theo quan niệm và mẫu mực sống đạo của họ thì người cần được thay đổi là chính Chúa. Người xưng mình là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa mà chẳng hề tuân theo luật lệ và các tập tục của cha ông dậy bảo thì nói ai tin; do đó theo quan niệm của họ thì Chúa cần noi gương họ!

Nhưng Chúa đã phản đối lối sống vụ luật, dựa vào hình thức của họ và xác định rằng: Trong vương quốc của Người, những người thu thuế, hạng tội lỗi mà họ đã khai trừ ra khỏi cộng đoàn lại là những người chọn lựa đúng. Đám dân đen ít học này đã mở lòng ra để đón nhận lời rao giảng của Thánh Gioan tẩy giả và của Chúa, hối cải và trở về đường ngay nẻo chính. Còn họ thì không, cố giữ và ôm chặt lấy truyền thống để bảo đảm cho ngai vàng và nguồn lợi của họ.

Thay đổi cách sống không phải việc dễ dàng! Nếu có cơ hội, anh hay chị hãy nghiệm lại trong cách sống, chúng ta đã thay đổi được gì! Giả như, nếu có thì cũng chỉ là các thay đổi đem lại lợi ích cho bản thân và gia đình mình. Mới đây, tôi gặp lại gia đình người bạn, sau bao năm xa cách, đời sống của anh chị khá giả và sung túc hơn xưa. Tuy nhiên, cuộc sống mà họ đang thụ hưởng cũng phải trả một giá rất đắt và thật chua xót. Anh chị biết điều đó và thản nhiên chia sẻ rằng: Xin cha thông cảm cho cuộc sống của gia đình tôi. Sống đạo trong hoàn cảnh của chúng tôi là điều một điều thật khó khăn; vì nếu phải thay đổi lối sống sao cho phù hợp với niềm tin thì cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn hơn, sẽ nghèo lắm. (Hoàn cảnh và lời chia sẻ của gia đình này giống với hoàn cảnh của nhiều nguời trong chúng ta)

Theo tôi, điều đáng quí, đáng trân trọng là sự thành thật khi họ chia sẻ. Anh chị biết điều cần làm. Anh chị còn biết nỗi yếu đuối của bản thân. Hy vọng, một ngày nào đó, với ơn Chúa, anh chị can đảm thực hiện điều mà anh chị xác tín. Ước nguyện của tôi chỉ có thế!

Thái độ của hai người con trong câu chuyện hôm nay nhắc nhở thêm cho tôi một hiện tượng đang xẩy ra cho các gia đình công giáo. Quí vị phụ huynh thường hay than phiền về việc các cháu bê trễ trong việc phụng tự. Các cháu ít hay hầu như không đọc kinh sáng tối! Các cháu cũng ít tham dự các Thánh Lễ Chúa nhật; may ra một năm được 1 hay 2 lần. Nói đến ‘lễ buộc’ thì các cháu phản ứng khá gay gắt như ‘xã hội hôm nay, làm gì còn việc ép buộc. Tự nguyện mới có giá trị, tham dự chỉ vì bị bắt buộc thì còn có ích lợi gì!’

Tôi thông cảm cho các nỗi lo âu của quí phụ huynh. Tôi cũng không bàn bạc về những suy nghĩ của các cháu là đúng hay sai? Vẫn biết lo lắng cho tương lai của con cái là bổn phận và ước mơ của cha mẹ. Nhưng, điều chúng ta lo có thay đổi gì trong cuộc sống của các cháu! Nhiều khi, chúng ta lo quá, lo đến mức làm mất đi niềm tin nơi các cháu. Điều đó có ích lợi cho các cháu hay không?

Tôi lại được nghe quí phụ huynh kể lại việc các cháu tham gia các đoàn bác ái, các nhóm y tế … đi đến các nước nghèo thăm hỏi, cứu trợ và làm các việc thiện nguyện hầu giúp đỡ và xoa dịu các vết thuơng của những người thiếu may mắn hơn con cái của quí vị. Một điều đáng quí và đáng ngưỡng mộ là tiền vé máy bay và những khoản chi tiêu cần thiết cho chuyến đi thiện nguyện cũng do bàn tay của các cháu làm và để dành.

Việc làm tông đồ của các cháu thật đang khích lệ và tán thuởng. Phải chăng các cháu là những người con đã trả lời không với kiểu sống nhàm chán của lề luật, những nghi thức máy móc của các nghi lễ và lối sống đạo hoành tráng và phô trương thanh thế của chúng ta. Việc làm của các cháu thực tế và phù hợp với tấm lòng của các cháu: lo và quan tâm cho kẻ khác. Các cháu có thể là hạng người, tuy miệng nói KHÔNG, cuối cùng lại làm CÓ; từ bỏ để bước ra ‘ngoài đồng’ làm các việc tông đồ giúp đỡ những kẻ khốn cùng.

Lắng nghe, đón nhận Tin Mừng rồi hối cải ra ngoài đồng thực hiện ý Chúa là tiến trình cần theo. Còn nếu chỉ biết dựa vào công nghiệp, hệ thống lề luật mà đòi thưởng công thì quả giống như người con chỉ biết nói vâng vâng dạ dạ, còn lòng đã bị đóng kín. Lòng đã đầy ‘CÁI TÔI’ thì còn chỗ nào trống để mở ra cho tha nhân và làm thế nào đón nhận được Tin Mừng. Trong khi đó, bọn dân đen ít học, có thể là nạn nhân của hệ thống giáo điều mà hàng ngũ lãnh đạo đặt ra, tuy nghèo nàn và thiếu thốn tất cả; nhưng lại dễ mở lòng ra để đón nhận CHÚA VÀ TIN VUI CỨU ĐỘ CỦA NGUỜI.

Ðức Giêsu không có cái nhìn như chúng ta. Người yêu thương những người tội lỗi biết sám hối trở về. Người thường nói: "Ta không đến để kêu gọi những người công chính mà là người tội lỗi. Và “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” Người kiên tâm chờ đợi và hy vọng chúng ta hối cải. Dù đã nói KHÔNG nhiều lần, nhưng chỉ cần một lần thưa CÓ và cố gắng thể hiện trong cuộc sống thì cũng thật xứng đáng để được Cứu độ.

Như vậy, việc sống đạo và chu toàn Thánh ý của Thiên Chúa không chỉ dựa vào lời nói; nhưng bằng hành động. Một trong những việc làm quan trọng mà chúng ta cần thực hiện là nhận biết chính mình, sửa đổi để lệ thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa. Đây chính là hồng ân. Chỉ có hồng ân và tin vui của Chúa mới giúp con người thay đổi. Amen!

ĐỜI LÀM GÌ CÓ CÔNG BẰNG!





Một trong những câu mà thầy cô hay cha mẹ thường được nghe con trẻ của họ nói: “It is unfair – Thật là không công bằng”. Rồi cũng có một câu nói khác “Life is not fair – Đời làm gì có công bằng!”

Hãy bắt đầu bằng những kinh nghiệm trong gia đình, tất cả các người bố hay mẹ nào đều muốn đối xử công bằng với con cái. Nhưng trên thực tế, họ hành động lại khác. Thế nào lại chẳng thương những đứa con vâng lời và biết nói những lời ngon ngọt hơn là những người con bướng bỉnh và hay cãi lời bố mẹ.

Ngoài xã hội thì khỏi phải kể lễ dài dòng. Bởi lẽ, trong một xã hội, một cơ cấu dựa trên lợi nhuận và sự quen biết thì làm gì có công bằng?

Đó cũng là tình trạng của Giáo hội mà tôi vừa mới tham quan: Vì hoàn cảnh xã hội và chính trị của đất nước cho nên Giáo Hội tại đó cũng chia thành hai nhóm: Một nhóm được gọi là ‘công giáo yêu nước – patriotic church’. Các thành viên, nhất là các chức sắc trong nhóm này thì nhởn nhơ, được huởng mọi thứ đặc quyền đặc lợi trong việc hành đạo. Trong khi đó, thành viên của nhóm kia phải chịu muôn vàn khó khăn, đau khổ, bị cấm điều này, hạn chế điều kia, hy sinh đủ điều, thậm chí hy sinh cả mạng sống, để bảo vệ và làm chứng về niềm tin.  Làm thế nào để hành xử công bằng với họ. Công nhận và biểu dương gương hy sinh của những người thuộc Giáo Hội hầm trú thì mấy ông yêu nước phân bua. Đồng ý và hợp tác với các ông bên ‘nhóm yêu nước’ thì các ngài thuốc nhóm hầm trú phản đối và tẩy chay! Họ không ngồi được với nhau thì ai có thể đối xử với họ công bằng!

Đây không phải là những vấn nạn mới được phát hiện. Từ thủa xa xưa, đã có hiện tượng này. Cũng như chúng ta ngày hôm nay, ngay từ ngày đầu tiên được đón nhận Tin Mừng, các thành viên trong cộng đoàn của thánh Mathew đã phải đối diện với các vấn đề như được trình bầy trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Những người tín hữu gốc Do Thái, cậy mình có tổ phụ là Abraham, Isaac; và có một truyền thống lâu dài được xây dựng bởi các ngôn sứ. Thế mà giờ đây bọn dân ngoại, đám dân đen kia lại được hứa hẹn có phần thưởng như họ; thì ai mà chịu nổi!

Thoáng nghe dụ ngôn, chúng ta quả nhiên cũng đồng ý với nhận định của những người đến làm việc trong vườn nho vào những giờ đầu tiên. Đây cũng là lời phàn nàn và phân bua của những người mang tiếng mình là đạo gốc, thuộc dòng giống của các chức sắc trong giáo xứ mà lại “bị” xếp ngang hàng với những người mới nhập đạo.

Ghen tương, phân bì là một phần trong cuộc sống!

Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay không lên tiếng khiển trách hay phản đối cách suy nghĩ của họ. Người nhẹ nhàng và tế nhị nhắc cho họ biết là ông chủ chưa hề đối xử bất công với họ. Ông có quyền và tự do trong cách quản lý và phân chia tài sản.  

Như vậy, bài học của Chúa dậy hôm nay thật rõ ràng: Cho dù con người có khôn ngoan đến đâu cũng khó tìm ra một giải pháp hữu hiệu làm giảm bớt những hiểm họa của ghen tương và phân bì. Chỉ có lòng quảng đại, nhân từ, yêu thương và luôn tha thứ mới giúp chúng ta chấp nhận và không ghen tương, không phân bì với nhau.

Chúa chưa hề đối xử bất công với ai trong chúng ta. Chúa thật quảng đại khi rộng ban cho chúng ta hơn những điều chúng ta dám ước mong hay cầu xin.

Nếu vậy, tại sao chúng ta còn phân bì và ghen tương?

Bởi vì, chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta thật xứng đáng với những gì chúng ta đang có. Thiên Chúa quả thật phải có bổn phận trả lại cho chúng ta những điều đấy. Và trong cùng một lối suy nghĩ đó, lòng chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan và hạnh phúc hơn khi nghe những điều không may đang xẩy ra cho những ai không có cuộc sống đạo đức và ngay thẳng như chúng ta.



Thật đáng buồn, chỉ vì ghen tương mà chúng ta lại đánh mất đi vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã trao ban khi tạo dựng nên chúng ta. Thay vì, sống và làm rạng rỡ vẻ đep của Thiên Chúa trong mình; chúng ta lại tiêu hao năng lực để so sánh, phân bì và ghen tương với người khác.

Vì thế, qua trình thuật dụ ngôn hôm nay, xin đề nghị với anh chị em cùng suy nghĩ rồi cùng sống:




1.      Tất cả chúng ta đều là những vẻ đẹp tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã tạo dựng và tặng ban cho thế giới. Hãy hãnh diện và tiếp tục làm rạng rỡ vẻ đẹp của Thiên Chúa nơi bản thân và cuộc sống mình.


2.      Không ai trong chúng ta được phép đòi buộc và bắt Chúa phải làm theo ý mình. Hãy nhớ: Chúa là chủ, còn chúng ta chỉ là những tá điền của vườn nho.

3.      Dù cố gắng đến đâu thì phân bì, ghen tương với người khác vẫn còn. Đó là một phần trong hành trình sống. Chấp nhận và đối diện với nó để nhận ra tính mỏng dòn và yếu đuối của mình. Từ đó, chúng ta được mời gọi sống thức tỉnh và hối cải để cho Tin Mừng và Vương Quyền của Thiên Chúa biển đổi cuộc sống chúng ta và toàn thế giới. Amen!