Friday, 21 December 2018

VÌ YÊU MÀ XUỐNG TRẦN



Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay đã được cử hành. Những cuộc lễ hội kèm theo các buổi tiệc tùng đã diễn ra khắp nơi. Có điều đặc biệt xin anh chị em để ý, đó là Lễ này không chỉ dành riêng cho những người theo truyền thống Ki-tô giáo mà thôi, nhưng nay là Lễ hội chung cho mọi người. Dù giầu hay nghèo, sang hay hèn, luơng hay giáo, già hay trẻ… Ai ai cũng nô nức đón chào Mầu Nhiệm thật cao cả này.

Trong tinh thần đó, xin gửi đến quí thính giả đang nghe đài lời nguyện chúc bình an và yêu thương.

Thưa anh chị em, một cách cụ thể, tôi xin phép chia thành phần của những người mừng Lễ ra như sau:

Cho những ai theo truyền thống Ki-tô giáo, thì đây là Lễ mừng ngày Sinh Nhật của Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

Lại có một số người cho rằng đây là dịp để gia đình đoàn tụ hay là cơ hội để các thành viên trong gia đình đi lại thăm nhau và nghỉ ngơi.

Đối với đại đa số quần chúng thì đây là dịp để họ tặng quà cho nhau. Nhiều người rất lo sợ khi nghĩ đến chuyện quà cáp. Và đối với họ, những ngày này có thể là một cơn ác mộng.

Ý nghĩa ban đầu của Lễ Giáng Sinh là một Lễ về Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện một bước đi thật vĩ đại và liều lĩnh để Nhập Thể, đi vào trái đất này trong thân phận thật nhỏ bé của một Hài Nhi. Thiên Chúa đã làm người để con người không chỉ là hình ảnh mà còn là hiện thân của Ngài nữa. Nào ai biết được Thiên Chúa, cách suy nghĩ hay hình dạng của Ngài như thế nào? Nếu có, thì cũng chỉ là một hình ảnh bị đóng khung bởi óc tưởng tượng của con người. Nhưng với thân phận cuả hài nhi Giê-su trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta biết Thiên Chúa là ai, như lời Người đã phán ‘Ai thấy Ta là thấy Cha’. Còn hơn thế nữa, chính qua thân phận của Đức Giê-su, những gì Người làm, những Lời Người nói đều mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Thật là một hồng ân cao cả, bởi vì  trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa ngự giữa chúng ta và Người đã trở thành con đường, là sự thật và sự sống dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua các hình ảnh đã xuất hiện trong biến cố Giáng Sinh của Đức Giê-su, như thiên thần, mục đồng, chiên bò, máng cỏ, đàn ca xuớng hát hoà chung với ánh sáng lung linh làm tăng vẻ huy hoàng và linh thánh của sự kiện có một không hai này. Nhưng nếu chúng ta lại quá chú trọng đến các chi tiết hình thức này thì vô tình đã làm mất đi ý nghĩa đích thực của Mầu Nhiệm mà chúng ta đang cử hành.

Trong các bài đọc của Lễ Giáng Sinh, từ Thánh Lễ vọng, sang đến Lễ nửa đêm, rồi rạng đông và chính ngày; chúng ta đã đuợc nghe: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Và theo Thánh sử Gio-an thì “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi.”

Thiên Chúa, Ngôi Lời đã đến ở cùng và cư ngụ giữa chúng ta. Đó là trung tâm của Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

Thưa anh chị em,

Biến cố Con Thiên Chúa ra đời nói lên một sự thật là Thiên Chúa đã buớc vào thế giới của nhân loại. Trong thân phận của hài nhi Giê-su, Thiên Chúa đã hiện diện và ôm toàn thể nhân loại vào trong vòng tay yêu thương của Ngài. Ngài không đến để đưa chúng ta ra khỏi thân phận mình; nhưng Ngài đã buớc vào thế giới của mỗi người rồi tìm cách cất nhắc họ lên, để mỗi người đều tìm được cách thức tiếp cận và có thể chạm vào tính siêu việt của Thiên Chúa.

Như vậy, qua Mầu Nhiệm Nhập Thế, Thiên Chúa không còn là vị Thiên Chúa ở trên cao. Ngài đã phá bỏ mọi hàng rào ngăn cắt để đến với chúng ta, và từ đó chúng ta có thể nối kết và đến với nhau. Đó chính là ý nghĩa tuyệt vời của Giáng Sinh.

Hãy nhìn vào hoàn cảnh của thế giới hiện nay chúng ta thấy những gì? Phải chăng là những cảnh bạo lực xẩy ra ngay trong gia đình, các mối hiểm họa của chiến tranh, tình trạng hỗn loạn của xã hội, cảnh thù hận, đố kị và khủng bố đe dọa khắp nơi, v.v. Rồi chúng ta chẳng còn biết tìm được chỗ nào cho an toàn mà xây dựng cuộc sống nữa!

Trong hoàn cảnh của thế giới như thế, người tín hữu có bổn phận gì? Phải chăng chỉ là việc tham dự Đại Lễ Giáng Sinh cho xong bổn phận! Không chỉ như vậy mà thôi. Thiên Chúa vẫn tha thiết muốn được sinh ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào! Muốn được như thế, mỗi người chúng ta cần ý thức rằng chúng ta là những quà tặng thật quí giá mà Thiên Chúa đã ban cho thế giới này. Và ngay khi chúng ta sống hoà hợp với người khác là lúc mà chúng ta cũng nhận ra rằng mọi người đều là quà tặng thật độc đáo mà Thiên Chúa đã dựng nên. Thiên Chúa làm người và cư ngụ giữa chúng ta mà.

Như vậy, trong khi cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh năm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa đang hiện diện, chúng ta đuợc mời gọi để trở về mà ý thức rằng chúng ta là những con người rất đáng yêu và đã đuợc đổi mới. Sự đổi mới này không chỉ xẩy ra cho chúng ta mà thôi đâu; nó đã tác đông trên toàn thế giới qua biến cố Con Thiên Chúa giáng trần này.

Và để sống trọn vẹn mầu nhiệm này, chúng ta đuợc mời gọi từ bỏ ‘cái tôi hống hách’, quên đi ‘lối sống kiểm soát và thống trị’ người khác rồi mặc lấy sự tự do của con cái Thiên Chúa mà yêu thương bản thân mình và tha nhân. Đó chính là sứ điệp của Mùa Giáng Sinh này vậy.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết mở lòng đón nhận sứ điệp và chấp nhận lời mời gọi để Thiên Chúa đến cư ngụ và thành toàn ý định của Người nơi bản thân yếu hèn của mỗi người chúng ta. Amen!


Wednesday, 19 December 2018

THĂM VIẾNG: DẤU CHỈ TÌNH THƯƠNG



Chúng ta bước sang tuần thứ Tư Mùa Vọng. Và chỉ còn vài ngày nữa là đến Lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Không khí thật nhộn nhịp. Các trung tâm thương mại được người người viếng thăm. Có những người vội vã tìm kiếm quà cho ngươì thân vào giờ phút chót. Lại có những kẻ tay trong tay cùng với người mình yêu dạo ngắm các mặt hàng được trưng bầy tại các khu shops. Và có nhiều người trốn vào các trung tâm thương mại để tránh cái nóng thật oi bức của mấy ngày này. 

Bên cạnh đó, không thiếu những cảnh thật thương tâm. Vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh. Không thiếu những trẻ em sống trong hoàn cảnh éo le trước sự đổ vỡ của cha mẹ mà hậu quả là sự cô đơn, thiếu vắng tình thương mà các cháu phải gánh chịu. Còn có những cụ già trong các viện dưỡng lão kiên trì ngồi bên khung cửa để trông chờ và đón đợi con cháu đến thăm… Những ngày như thế này chỉ đem lại cho họ nỗi buồn và tâm trạng tủi thân.

Nói gì thì nói, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng Chúa vẫn đến trong hoàn cảnh riêng của từng người.  Việc Chúa viếng thăm không xẩy ra một lần là đủ. Nguời đã đến, đang đến và mãi mãi sẽ đến cho đến ngày muôn dân muôn nước quy tụ duới chân Người. Chính nhờ điểm này mà chúng ta ý thức rằng tất cả mọi giao tiếp, gặp gỡ và những lần thăm viếng giữa người với người phải được xuất phát từ kinh nghiệm gặp gỡ giữa Chúa và ta.

Và đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Người đã đi bước trước để làm gương cho con cháu và hậu duệ của Ngài. Khi bước vào trần gian, Ngài đã chọn con đường vâng phục theo ý Cha Người. Thiên Chúa đã không ngần ngại bước đến với con người trong hoàn cảnh mỏng dòn, bội ước và đầy tham vọng của họ. Ngài chấp nhận đi vào hoàn cảnh chung của nhân loại và riêng từng người. Ngài không còn ở xa, nhưng đã đồng hình đồng dạng để chia sẻ mọi hoạn nạn khổ đau của con người.

Như mọi người, Ngài cũng mặc lấy thân phận của một thai nhi, tuỳ thuộc và lớn lên trong cung lòng mẹ. Và điều đặc biệt là sự cộng tác trọn vẹn và phó thác của Mẹ đã khiến một biến cố phi thường xẩy ra một cách thật bình thường. Mẹ là người đã sẵn sàng vuợt qua mọi rào cản để cho Con Thiên Chúa bước vào cuộc đời Mẹ và bước vào thế giới qua cung lòng của Mẹ. Như mọi bào thai, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đón nhận sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ những giọt máu đào và dòng sữa yêu thương của Mẹ.

Qua sự cộng tác của Mẹ, Thiên Chúa đã thực hiện việc viếng thăm mà cả dân tộc Do Thái đang ngóng trông và đợi chờ. Cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đã lật sang một trang sử mới; khai trương một triều đại mới của Nước Thiên Chúa. Sự xuất hiện của Con Thiên Chúa đã đem Nhiệm Cục Cứu Rỗi của Thiên Chúa đến chỗ thành tựu.

Kính thưa anh chị em,

Thăm viếng là dấu chỉ của tình thương. Đó có thể là khởi điểm của một mối tình hay là bước đầu của một dự án.

Chúng ta thường đến thăm những người chúng ta yêu thương. Tình yêu cần được nhìn thấy, chứ không thể khư khư, giữ kín và ôm lấy cho riêng mình. Một thứ tình yêu âm thầm, chỉ dựa vào ngôn từ mà không được biểu lộ thành hành động thì không phải là tình yêu chân chính và đích thực. Đây là kinh nghiệm vô cùng quí giá của những ai đang yêu. Họ tìm mọi cách để thăm nhau. Và thường thì mỗi lần như thế họ để lại trong nhau các trải nghiệm khó phai mờ.

Không chỉ có thế, thăm viếng là một trong các điều vô cùng cần thiết trong xã hội mà khuynh hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân được cổ võ và phát triển như hiện nay. Ngày xưa, con người đến với nhau để giao tiếp. Hôm nay, lệ thuộc vào sự tiến bộ của truyền thông, con người bỗng trở nên lười biếng hơn, chưa kể đến việc lạm dụng các phương tiện văn minh kỹ thuật để bớt gặp nhau hơn. Có ai ngờ được hiện tượng của những con người sống chung trong một mái nhà mà lại phải dùng điện thoại để nhắn tin hay gọi nhau xuống ăn cơm tối. Tiện lợi vô cùng, nhưng hiểm họa ngay bên! Lối sống mỗi người là một ốc đảo càng ngày càng hiện rõ trong các sinh hoạt của gia đình và đương nhiên sẽ lan tràn như bệnh dịch sang môi trường mình sinh sống.

Ngày xưa, trong các tuần đại phúc, nghĩa là trong các lần giảng tĩnh tâm tại các Giáo xứ, chúng tôi thường dành mấy tuần đầu cho chương trình, ban ngày đi thăm viếng buổi tối họp nhóm. Công việc này giúp chúng tôi và giáo dân trong xứ hiểu nhau hơn, nhìn thấy nhu cầu của nhau mà quan tâm… rồi từ đó các bài giảng thuyết được chuẩn bị hầu đáp ứng đúng nhu cầu của bà con trong giáo xứ.
Vì sao mà được như thế? Tất cả nhờ vào công tác thăm viếng. Qua đó, chúng ta dễ dàng tiếp cận và hiểu nhau hơn.

Ngày nay, vì nhiều nguyên do khác nhau, dù lòng chúng ta muốn áp dụng cách thức này; nhưng thực tế cũng không cho phép. Con người quá bận rộn! Nhu cầu thăm viếng, đến với nhau càng ngày càng thấy hiếm.

 Lần giở sách Kinh Thánh, chúng ta nhận ra chuỗi dài của việc viếng thăm mà Thiên Chúa đã thực hiện trong dân Ngài. Qua các sứ giả của Thiên Chúa, mà cụ thể là việc Thiên Thần đến với E-li-sa-bét và Đức Maria trong các trình thuật truyền tin; rồi qua môi miệng và chứng từ của các ngôn sứ, như lời tụng ca của Dacaria “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.”

Trong sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta có thể liệt kê vô số các lần thăm viếng và đồng bàn với dân chúng của Đức Giê-su. Và nhiều điều kỳ diệu đã xẩy ra trong và sau những lần thăm viếng đó. Cụ thể như việc Đức Giê-su chữa lành cho người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng trong lần Người ghé thăm Ca-pha-na-um; qua lần ghé Nain, Người đã làm cho cậu con trai duy nhất của bà goá được sống lại. Với việc đến thăm và làm bạn với những người tội lỗi khiến cho mấy ông bà tưởng mình đạo đức phật lòng… Nhưng lần thăm Giê-ru-sa-lem sau cùng lại không có kết quả tốt như các lần trước. Người đã bị từ khước và cuối cùng là hành trình khổ nạn và Thập Giá; nhưng đàng sau của Thập Giá là vinh quang của sống lại mà ngày nay con cháu của Người được thừa hưởng sự hy sinh đó.

Giờ đây, chúng ta cùng suy gẫm cuộc thăm viếng của Đức Maria và bà Ê-li-sa-bét. Sau khi để cho ý định của Thiên Chúa được thành sự trong cung lòng của Ngài, Đức Maria vội vã ra đi lên miền sơn cuớc để thăm bà Ê-li-sa-bét, chị họ Ngài. Trình thuật này thường được suy gẫm trong Kinh mân côi để ca tụng nhân đức thương người, luôn quan tâm đến nhu cầu của kẻ khác nơi Mẹ. Tất cả đều là những bài học thật quí giá mà Mẹ đã để lại cho chúng ta học hỏi và noi gương.

Tuy nhiên, hôm nay tôi xin dựa vào một yêú tố khác. Đây là hậu quả dưạ trên các kinh nghiệm thật sâu xa của các bà mẹ đang mang thai đã chia sẻ với nhau mà tôi nghe lóm đuợc. Nhớ đó, chúng ta khám phá ra một điều là trình thuật diễn tả việc Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét mang tính nhân bản, nói lên cách xử sự thật con người của Mẹ. Trước tiên, niềm vui được cưu mang con là niềm vui, là nguồn sức mạnh thúc đẩy Mẹ lên đường để chia sẻ niềm vui và điều kỳ diệu đang xẩy ra trong cung lòng của Mẹ cho người khác. Và ai là người có thể đồng cảm với Mẹ trong giai đoạn này? Đó chính là chị họ của Mẹ, người cùng cảnh ngộ và đang mang thai như Mẹ.

Còn hơn thế nữa khi mà sứ giả của Thiên Chúa đã loan báo về tương lai của hai bào thai: Con của Mẹ sẽ là Đấng Cứu Chuộc, và con của Ê-li-sa-bét là người tiền hô. Vì thế, niềm vui của hai người Mẹ đang mang thai chuyển động đến hai thai nhi khiến cả hai bào thai cùng nhẩy mừng trong cung lòng của hai ngươì mẹ khi họ gặp nhau. Chính vì thế, bà Ê -li-sa-bét đã lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc dành cho Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Nhận ra nguồn ơn đó từ Thiên Chúa, Mẹ đã mau mắn đáp trả: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi...”

Thưa anh chị em,

Qua trình thuật thăm viếng của Mẹ dành cho bà Ê-li-sa-bét, ẩn chứa cuộc gặp gỡ thật vui mừng giữa Đức Giê-su và Gio-an tẩy giả, có thể giúp chúng ta nhận ra ơn gọi của mình vừa là tiền thân vừa là hiện thân của Đấng Cứu Thế. Như vậy, mỗi lần chúng ta gặp nhau, dù là tình cờ hay đã định trước, đều là cơ hội để chúng ta có thể hỗ trợ nhau trong nỗi đau, củng cố và giúp nhau đối diện với cơn buồn phiền rồi hướng dẫn nhau vuợt qua tình trạng bối rối để hướng về cùng đích của Nuớc Trời.

Trong tinh thần đó, mỗi khi chúng ta gặp nhau, nhất là cuộc gặp gỡ trong bữa tiệc Tạ Ơn, đều là cơ hội diễn tả việc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho dân của Ngài. Chính qua cử chỉ đó, chúng ta làm cho mầu nhiệm hy tế của Đức Giê-su mà chúng ta đang cử hành trong các Thánh Lễ trở thành hiện thực và sống động hơn bởi cuộc sống dấn thân và phục vụ mà chúng ta dành cho nhau.

Uớc mong Chúa mãi là hành trang trong các lần thăm viếng mà chúng ta dành cho nhau, để niềm vui trong Chúa qua việc gặp gỡ của chúng ta được trở nên trọn vẹn hơn. Amen!

NIỀM VUI GẶP CHÚA



Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này xoay quanh chủ đề niềm vui. Đây là một trong các đặc tính tiêu biểu của người Kitô Hữu. Ai trong chúng ta cũng mong được điều này. Nhưng thực tế trong cuộc sống không cho phép chúng ta quên đi các trải nghiệm; và rút từ trong các kinh nghiệm đó chúng ta nhận ra đuợc một điều là đã là người thì không ai có thể tránh đuợc gánh nặng của đau khổ; không người nào có thể chưa một lần trải qua các thử thách; chẳng mấy người thoát được những giai đoạn buồn phiền, sầu khổ và mất mát; lại cũng có lúc chúng ta sống trong hạnh phúc và vui sướng. Tất cả các điều đó gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Không ai có thể tránh thoát và cũng không một ai đuợc sai đến để cất đi các điều ấy khỏi cuộc sống của chúng ta. Sống là thế đó!

Nhìn vào tình trạng và môi trường của thế giới chúng ta đang sống. Chỗ này bạo loạn, chỗ kia bắn nhau. Nơi này khủng bố, chỗ khác giết người. Với đà tiến bộ của hệ thống thông tin nhanh như chớp, chúng ta lại chỉ đón nhận những bản tin tức mình. Tin vui đâu hết rồi. Sao không thấy mấy ai phổ biến cho chúng ta bắt chước noi theo.

Trước hoàn cảnh như thế, người tín hữu chúng ta có cần là tin vui hay không? Rất cần và vô cùng khẩn thiết nữa! Khi suy tư đến đây, tôi hẳn nhiên cũng bị giật mình và tự hỏi mình rằng hiện giờ, trong giây phút này tôi đã có niềm vui nào để chia sẻ cho những ai cần tin vui hay không? Niềm vui của ơn cứu độ có còn đuợc duy trì trong cuộc sống của tôi hay không? Rất khó để trả lời chi tiết và cụ thể cho anh chị em, xin tha lỗi cho tôi vậy!

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta cũng nên khẳng định với nhau là chúng ta đôi khi bị đánh lừa bởi một thứ niềm vui dựa trên cảm xúc, đó là thú vui. Thú vui thì chóng qua. Nó đến mau bao nhiêu thì đi nhanh bấy nhiêu. Tất cả cần đuợc cảm nghiệm bằng cách sống suy tư của mình. Đức Trinh nữ Maria là một gương sáng cho chúng ta trong việc cảm nhận này. Mẹ đón nhận niềm vui một cách chậm nhưng chắc, không chỉ một lần mà Mẹ thường suy đi nghĩ lại nhiều lần về kinh nghiệm gặp gỡ giữa Mẹ và Thiên Chúa.

Niềm vui của người tín hữu là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa con người của Đức Chúa với mình, không phải chỉ một lần là đủ, nhưng cần được tái lập, canh tân và nuôi duỡng các lần gặp gỡ đó trong cuộc sống hằng ngày, trong mọi biến cố và luôn tìm cách để đổi mới. Đó chính là niềm vui đích thực. Chỉ trong Chúa con người mới đạt đuợc mức độ viên mãn của niềm vui.

Để minh họa cho ý nghĩ nói trên, xin mời anh chị em cùng nghe một kinh nghiệm. Kinh nghiệm này có lẽ đã đuợc nhiều người kể hoặc chúng ta đã đuợc nghe nhiều lần. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận ra nét độc đáo và mới mẻ của câu chuyện mỗi khi được nghe lại. Và mỗi lần như thế, tôi lại có dịp đặt vấn đề cho niềm tin của mình. Giờ đây, xin san sẻ đến cho bà con nhé.

Truyện bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa người tân tòng và người phỏng vấn.
-          Tôi nghe tin anh mới theo đạo Công Giáo, phải không?

-          Anh nói đúng. Thật ra tôi mới lên đuờng theo chân Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng tôi
-          Anh có thể kể cho tôi biết về lịch sử về cuộc đời của Người?
-          Rất tiếc thưa anh. Tôi đã học và đọc qua nhiều cuốn sách về cuộc đời của Người và giờ này cũng chẳng còn nhớ đuợc bao nhiêu nữa!
-          Số phận của Đức Giê-su thế nào? Anh có biết tuổi thọ của Đức Giê-su là bao nhiêu không?
    Tôi cũng chẳng nhớ rõ. Tôi chỉ biết là ông đã chết và đã sống lại.
-          Vậy ông ta chết năm bao nhiêu tuổi?
-          Tôi chẳng nhớ chính xác nên không dám nói bừa.
-          Cảm ơn anh! Theo sự nhận xét của tôi thì anh chẳng biết gì về Đức Giê-su, Chúa của ông; thế mà anh lại theo đạo Công Giáo, nghĩa là làm sao?

-          Anh nói đúng. Tôi xin lỗi đã làm ông thất vọng vì đã không làm cho ông đuợc thỏa mãn. Thế nhưng, thưa anh, chỉ có một điều tôi và gia đình tôi biết rất rõ. Đó là điều đang xẩy ra cho tôi và gia đình.

Cách đây mấy năm, tôi là người hư thân mất nết, cuộc sống bê tha và tồi tệ. Sau giờ tan sở, tôi thường la cà tại các nơi ăn chơi, rượu chè be bét; đến khi lết về được đến nhà thì tôi đã say ngất. Vợ con tôi đều lánh xa vì sợ hãi. Họ rất hổ thẹn và xấu hổ vì tôi.

Nhưng kể từ ngày tôi gặp Đức Giê-su và đi theo Người thì mọi sự đều thay đổi. Tôi đã cai được rượu, chăm lo cho vợ và các con. Họ không còn sống trong âu lo và sợ hãi mỗi khi gặp tôi; trái lại giờ đây, chúng tôi sống rất hạnh phúc và vui vẻ.
Tất cả đều là hậu quả của việc gặp gỡ và biết Đức Giê-su. Ngươì đã làm cho tôi và gia đình trở thành nguồn vui cho nhau. Anh thấy chưa. Những gì tôi biết về Người như thế thì quá đủ cho tôi và gia đình rồi.
Kính thưa anh chị em,

Như vậy, niềm vui không phải là một thứ quà tặng rẻ tiền. Đây chính là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người nơi mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Đây là cuộc gặp gỡ trọng đại giữa Thiên Chúa và con người. Qua Đức Giê-su, con người cảm nhận và tiếp xúc với một vị Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, đến và cư ngụ giữa chúng ta. Người chính là tin vui mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa qua môi miệng của các ngôn sứ.

Tất cả những ai đã gặp Người đều bị chất vấn để canh tân cho xứng với các tiêu chuẩn của Người đưa ra trong các mối phúc thật. Vì thế, việc đổi đời là điều cần thiết. Và đó cũng là điều mà Gio-an Tẩy Giả công bố để giúp chúng ta chuẩn bị cuộc sống cho xứng đáng để đón tiếp Người.

Những người đến nghe Gio-an giảng đã bị đánh động và tha thiết muốn có sự thay đổi không bằng văn tự nhưng bằng chính việc làm nên họ đã hỏi “chúng tôi phải làm gì đây?” Và, tuỳ vào nhiệm vụ mà Gio-an đã đưa ra lời mời gọi họ thực hiện.

-          Với dân chúng, ông yêu cầu họ sống quan tâm và chia sẻ cơm ăn cũng như áo mặc cho nhau.

-          Với nhân viên thu thuế, ông mời gọi họ biết sống công bằng, đừng thu quá mức mà bóc lột và làm khổ dân chúng.

-          Và đối với binh lính, ông yêu cầu họ đừng dùng quyền lực để thống trị, hà hiếp hay chà đạp dân chúng; trái lại họ hãy chấp nhận quyền hạn và những gì họ có để phục vụ.

Thưa anh chị em,
Lời kêu gọi của Gioan hôm nay cho thấy, mỗi người đều phải nỗ lực canh tân điều chỉnh lại cuộc sống của mình, sống đúng với ơn gọi và nhiệm vụ đã được trao phó bởi Thiên Chúa thì sẽ tìm được niềm vui cho mình và cho xã hội.  

Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ. Nhưng ông không hề lợi dụng lòng yêu mến và sự ủng hộ của dân chúng để tạo thế đứng và uy tín cho mình, trái lại, ông sống và nói thật cho mọi người về bản thân: Tôi chỉ làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chương trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.”

Vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Đức Giê-su là Đấng mà tòan dân mong chờ. Người sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới.

Chính vì thế, phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ ba trong các Mùa Vọng hàng năm thật quan trọng. Sứ điệp của niềm vui và lòng hân hoan khi gặp Chúa đuợc nhấn mạnh. Hãy vui lên vì Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Người đang thực hiện một cuộc cách mạng, kêu gọi muôn dân muôn nuớc quy tụ dưới là cờ hiệu của vị Thủ lãnh là chính Đức Giê-su. Người không dùng vũ lực để biểu dương uy quyền, nhưng bằng tình thương, sự hy sinh và lòng từ tâm để giải thoát chúng ta khỏi những mưu toan bất chính, thoát khỏi những cạm bẫy của thế tục bằng cách sống bác ái, chia cơm sẻ áo, sống liên đới trong yêu thương, tôn trọng và cổ vũ cho công lý để mọi người có cuộc sống chính trực và an hoà.

Đó là những công việc mà chúng ta cần phải làm, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà cần được thể hiện liên tục trong cuộc sống của chúng ta, những người môn đệ chân chính của Chúa Hài Nhi. Amen!

DỌN ĐƯỜNG



Để bắt đầu bài suy niệm tuần này, xin chia sẻ đến quí vị một sự kiện. Số là, vào một buổi học Giáo Lý trong Mùa Vọng, lúc thầy giúp xứ đang giải thích về ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì có một anh Giáo lý viên đã hỏi: “Thưa Thầy, giả như Đức Giêsu không nhập thể, không chết và không sống lại thì Thiên Chúa có đường lối nào khác để bộc lộ và ban ơn cứu độ cho con người hay không? Vẫn biết câu hỏi chỉ là một sự giả định, nhưng nội dung của câu hỏi cũng khiến cho chúng ta cần suy nghĩ. Với quyền năng vô biên của Thiên Chúa thì Ngài làm gì chẳng được, nhất là làm sao Ngài có thể từ chối việc ban ân huệ và chuộc tội cho chúng ta! Nhưng thực hiện kỳ công như thế mà không cho chúng ta thấy hay cảm nhận được thì nào có ích gì! Do đó, việc mang lấy thân phận con người là một việc cần thiết. Đã là người thì cần có cha có mẹ, anh em họ hàng, bà con láng giềng… Tất cả các điều đó nói lên lịch sử tính của người đó.

Việc Thiên Chúa can thiệp được thể hiện trong lòng người và giữa dòng đời. Đức Giê-su là một nhận vật lịch sử. Ngay cả sử gia người Do Thái Josephus đã phải ghi nhận về sự xuất hiện của Người. Nhưng còn hơn thế nữa, công trình cứu độ và giải thoát ấy được Thiên Chúa ra tay hiện thực và trao ban cho dân Người, với sự cộng tác của mọi loài, mọi vật, y như trong biến cố xuất hành đưa dân Chúa giải thoát khỏi Ai Cập.Ngài đã ra tay gạt bỏ mọi chướng ngại, khó khăn để hoàn thành ý định Ngài.

Trong cùng một ý tưởng đó, bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu và trình bầy cho chúng ta biết về sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã được sinh ra trong gia đình của ông bà Da-ca-ria a và Ê-li-sa-bét. Lời của Thiên Chúa đã đến với ông vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế,“

Các chi tiết này làm nổi bật lịch sử tính của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã xuất hiện trong lịch sử. Ông được kêu gọi và thực hiện sứ mạng ngay trong môi trường sinh sống của ông. Ơn gọi và sự trưởng thành trong sứ mạng của ông đưọc xuất phát nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngày hôm nay, những người theo truyền thống Kitô giáo xưng tụng ông là Thánh nhân. Từ nguyên thuỷ, ông là người Do Thái, là ngôn sứ, thuộc dòng giống Hebrew chính hiệu. Sứ mạng của ông là tiền thân của Đấng Cứu Thế. Lời của ngôn sứ I-sa-i-a đã ứng nghiệm trên sứ mạng của ông là “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

Và bối cảnh mà Gio-an nhận sứ mạng là hoang địa. Hoang địa hay sa mạc là nơi mà dân Do Thái đã trải qua các cuộc thử thách. Chính tại nơi đó họ cảm nhận đuợc tình thương của Thiên Chúa hơn bao giờ hết. Áp dụng vào hoàn cảnh và cuộc sống của chúng ta, tôi nhận ra một điều là chỉ ở trong hoang địa chúng ta mới được hạnh phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Tức là ở những nơi chúng ta trút bỏ hoàn toàn các mặt nạ của mình, trút bỏ kiêu ngạo, lo lắng, phân tán để lắng nghe Lời Chúa. Nếu chúng ta còn đeo những mặt nạ nói trên thì không thể có cơ hội nhìn thấy Người. Và đây là bài học thứ nhất: Hãy trút bỏ mặt nạ, sống thật với chính mình, không giả hình, không gian dối để được nên một với Chúa và dễ dàng tiếp cận nhau hơn.

Sứ điệp và sứ mạng của Thánh Gio-an Tẩy Giả được trình bầy vào Chúa nhật thứ hai và thứ ba trong các Mùa Vọng như một lời nhắc nhở chúng ta về sứ mạng của mình. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh là hãy ăn năn, hãy dọn đuờng để chào đón Chúa Cứu Thế và tin vào Người.

Nói khác đi, khi nhìn lại việc Thiên Chúa gọi Gio-an Tẩy Giả cũng là lúc chúng ta nhớ lại ơn gọi của mình. Sáng kiến bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài đi bước trước, đến trong hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Ngài không xuất hiện từ xa nhưng hiện diện ngay trong môi trường chúng ta sống, đến trong hoàn cảnh của từng người, không phân biệt lương hay giáo. Như Gio-an, chúng ta hãy mở lòng ra để đón nhận. Bằng một công thức rất trang trọng, Thánh Luca đã giới thiệu sứ mạng của Gio-an được xuất phát và thúc đẩy bằng Lời Thiên Chúa. Và chúng ta đã đuợc gọi bởi Lời Chúa, thì để hoàn thành sứ mạng chúng ta cũng cần đuợc nuôi duỡng bằng Lời để phục vụ Lời, như Đức Giê-su đến để loan báo Lời Thiên Chúa và phục vụ Thiên Chúa vậy!

Như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta đuợc gửi đến những nơi khác nhau, tìm gặp những ai chưa tin, mời gọi họ nhận ra ân huệ của Thiên Chúa đang hoạt động nơi họ, và sau cùng là chào đón Đấng Cứu Thế. Muốn hoàn thành sứ mạng này, chúng ta phải ra đi làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Con người của xã hôi hôm nay yêu chuộng nhân chứng hơn là lời nói xuông. Chúng ta loan báo điều chúng ta tin và niềm tin của chúng ta được phát sinh từ các trải nghiệm trong cuộc sống. Làm chứng bằng chính cuộc sống mình bao giờ cũng đem đến hậu quả bền vững hơn.

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta không kêu gọi sự chú ý đến chính mình. Chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng năm nay, với gương sáng và việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ đuợc kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng Lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Hơn thế nữa, đây là cơ hội để chúng ta đào sâu và làm sáng tỏ ơn gọi đuợc xuất phát từ Lời Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi ta đến để phục vụ Lời. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Chính trong vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Như vậy, nhiệm vụ của chúng ta thật nặng nề. Tuy nhiên, Đấng Cứu Thế đã đi trước để dọn đuờng. Người đã hoàn thành sứ mạng này. Vì thế, trong Mùa Vọng này, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy buớc vào con đuờng của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen.

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau. Amen!

Monday, 3 December 2018

“HÃY ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN”



Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Với việc mừng kính trọng thể Lễ Đức Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ; chúng ta đã kết thúc một chu kỳ của năm phụng vụ. Đã có kết thúc thì có khởi điểm; và khởi điểm của năm phụng vụ thường bắt đầu bằng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trong năm phụng vụ 2019 này chúng ta sẽ được nghe rất nhiều bài Tin Mừng trích dẫn trong sách Tin Mừng theo Thánh Luca, Tin Mừng của Lòng Thương Xót. Dường như đây là một trong các chủ đề quan trọng mà tác giả muốn truyền đạt cho cộng đoàn của Ngài và cho cả chúng ta nữa.

Trong Đức Giê-su Ki-tô, Thánh sử đã cảm nhận được lòng thương xót và tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa; Đấng yêu thương hơn là oán phạt. Trong chương 15, chúng ta nhận ra đặc tính của Thiên Chúa: tìm kiếm, tha thứ, yêu thương, đón nhận, vui mừng và hân hoan khi đón tiếp chúng ta. Không thấy chỗ nào nói đến án phạt. Giả như có vài nơi nói về sự công minh của Ngài thì cũng chỉ là kiểu nói để giáo dục chúng ta sống ngay thẳng và tốt lành hơn mà thôi.

Khi viết tới đây, tôi nhớ đến một truyện ngắn như sau. Trong một lớp giáo lý dành cho trẻ em, lúc ma-sơ đang thao thao bất tuyệt giảng giải về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, thì ở cuối lớp có một em bé dường như đang bị chia trí với bản vẽ trước mặt. Tò mò sơ tiến lại gần và hỏi em đang vẽ gì? Em trình bầy bản vẽ và thưa với sơ rằng con đang vẽ hình ảnh của Thiên Chúa. Sơ ngạc nhiên hỏi lại em đã nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ đâu mà vẽ. Em bé nhìn ma sơ, với niềm xác tín rồi trả lời rằng chỉ còn vài phút nữa ma sơ sẽ thấy hình của Thiên Chúa.

Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Câu trả lời của em nhỏ cũng là câu trả lời của mỗi người chúng ta. Anh chị em cảm nhận Thiên Chúa là ai? Chúng ta nhận như thế nào sẽ trao ban như thế. Người có phải là tin vui, nguồn ơn tha thứ, lòng thương xót, nguồn ơn cứu độ của Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta hay không? Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội trở lại chủ đế này để đào sâu lòng sùng mộ và yêu mến của chúng ta về một vị Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót.

Thưa anh chị em,

Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với ý nghĩa của Mùa Vọng. Hầu hết những người tín hữu đều biết về ý nghĩa của mùa vọng. Đây là thời gian chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Đức Giê-su. Sự hiện diện này đươc diễn tả qua 3 thời điểm: Người đã đến trần gian này hơn 2000 năm, mà lễ mừng ngày sinh hạ của Người sẽ được cử hành vào dịp Lễ Giáng Sinh hàng năm. Người sẽ khải hoàn đến trong quang lâm để đón chúng ta đi về nhà Cha và Người đang hiện diện giữa lòng đời và trong lòng người.

Nhìn cách trang hòang tại các trung tâm thương mại và những màn quảng cáo, không cần nhắc, anh chi em cũng biết lễ Giáng Sinh đã gần đến. Và Mùa vọng là thời gian để chúng ta chuẩn bị cho việc mừng Lễ.

Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ đến để thay thế trời cũ đất cũ. Ngày mà sự sống vĩnh cửu sẽ hiển trị và vượt thắng sự chết. Ngày mà con người sẽ đuợc đổi mới toàn diện. Thật ra, sự biến đổi đã bắt đầu bởi cuộc giáng hạ và nhất là bởi sự sống lại của Con Thiên Chúa và trong thời khắc hiện tại chúng ta đang sống để chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong ngày quang lâm vinh hiển của Đức Chúa, mà chúng ta hay gọi là “Ngày của Chúa”. Và không ai trong chúng ta biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Mong đợi với niềm hy vọng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngoài những điểm diễn tả việc tàn phá sẽ xẩy ra trên trái đất làm cho con người phải khiếp sợ, chúng ta cần ghi nhớ điểm quan trọng là sau cùng Thiên Chúa vẫn hiển trị. Cho dù các tai ương trong hiện tại có xẩy ra như thế nào; nhưng cuối cùng vẫn là sự toàn thắng của Thiên Chúa. Vì giờ cứu chuộc mà Đức Giê-su đã khai mạc sắp hoàn tất. Vì thế, cho dù những người khác phải kinh hoàng khiếp sợ trước các biến động sẽ xẩy ra trên quả địa cầu này; nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần làm là hãy hiên ngang đứng thẳng người và ngẩng đầu lên. Thái độ này chỉ xuất hiện nơi những ai trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa. Kẻ sợ hãi thì lẩn trốn còn kẻ tin thì hiên ngang đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì giờ cứu chuộc đã gần kề.

Sau đó Đức Giê-su lại còn khuyên bảo chúng ta phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chèn chén say sưa hay lo lắng sự đời quá sức rồi ngày ấy sẽ như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu chúng ta.
Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Vì thế, trong phần sau của bài Tin Mừng, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ gặp nguy cơ và trở thành chai đá. Rồi những lo âu thái quá trong cuộc sống khiến cho đời sống của chúng ta bị quay như chóng chóng và mất đi phương hướng, hay vì quá bận tâm đến thế trần và vật chất khiến chúng ta quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Vì thế, chúng ta nên lập ra một chương trình làm việc trong Mùa Vọng này. Đây là thời gian hồng ân, đây là thời điểm mà chúng ta làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn; tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày ấy sẽ như một chiếc lưới, ập xuống trên mọi cư dân trên khắp mặt đất.

Trước lời cảnh báo như thế, chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người. Chúng ta đừng để mình bị "chộp bắt" bất thình lình, như con thú bị sa lưới.

Hãy tỉnh thức, luôn sẵn sàng, luôn cảnh giác. Việc không biết ngày nào sẽ xảy đến, không đặt chúng ta nằm trong trạng thái thụ động , lười biếng, trễ nải, nhưng làm cho chúng ta trở thành những con người hiên ngang đứng thẳng người trong trạng thái sẵn sàng!

Qua những lời trên, Đức Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến! Và cầu nguyện là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa, càng gặp càng yêu và càng yêu lại càng muốn gặp; bằng không thì giống như cá thiếu nước, con người thiếu dưỡng khí. Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người gặp Chúa và gặp nhau.

Vì thế, đừng ngủ mê nữa. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Ngài gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Vì, Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình … tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến.

Hiện tại, Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến, vì chúng con đang đợi Người. Amen!

Thursday, 8 November 2018

NGÀY CHUNG THẨM, KHAI MẠC TRIỀU ĐẠI MỚI.



Trình thuật Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay có lối hành văn thật khó hiểu, không gần gũi với chúng ta. Tuy nhiên, câu cuối cùng trong bài Tin Mừng giúp chúng ta thấy sứ điệp mà Đức Giê-su muốn nhắn gửi cho các môn đệ và các tín hữu mọi thời, đó là không ai biết khi nào sẽ tận thế. Người nói “còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.
Tuy nhiên, mỗi khi thấy những biến cố hay các tai ương xẩy ra trên thế giới như: động đất, lũ lụt, chiến tranh thì không thiếu những người tín hữu vội vàng tiên đoán đó là các dấu chỉ của ngày tận thế. Lối suy đoán này đã từng xẩy ra trong lịch sử. Mỗi một giai đoạn trong dòng lịch sử, người ta lại có các kiểu đoán khác nhau.
Ở đây chúng ta nên nhớ lại lời của Thánh Augustinô sau cuộc trao đổi về ngày tận thế với Đức Tổng Giám Mục, giáo phận Sa-lo-ne-a, Ngài đã nói như sau: “Chúng tôi cũng không biết bao giờ sẽ tận thế. Bởi vì, đó không phải là việc của chúng ta biết khi nào ngày đó sẽ xẩy đến; việc đó nằm trong quyền hạn của Chúa Cha.” Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại cuối cùng.
Thời đại đó đã được bắt đầu từ thời các Thánh Tông Đồ, và sẽ còn tiếp tục sau cả thời của chúng ta nữa. Ngày tận thế còn cách xa chúng ta bao lâu, điều đó tôi cũng chẳng hề biết. Nhưng trong lúc này chúng ta hãy cứ sống trong niềm mong đợi về ngày đó. Và Ngài nhận thấy hiện có ba cách nhìn đã gây ảnh hưởng trên lối sống của các tín hữu thời đó trước những tin đồn về ngày tận thế như sau:
Có một số người quan niệm là hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện, vì ngày Chúa đến sắp xẩy đến.
Một nhóm khác lại chủ trương là hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì đời sống của con người thì quá ngắn ngủi và bấp bênh và ngày Chúa đến hãy còn xa lắm.
Vì thân phận con người rất là yếu đuối và mỏng giòn, nên chúng ta hãy sống trong tỉnh thức và cầu nguyện trong niềm mong chờ ngày Chúa đến sẽ xẩy ra vào bất cứ lúc nào.
Đối với Thánh Augustinô thì lối sống thứ ba này là thích hợp nhất.
Dù rằng các lời tiên đoán về ngày tận thế đều không xẩy ra như người ta đoán già đoán non. Vì thế, chúng ta không nên quá chú trọng đến việc tiên đoán ngày nào sẽ là ngày tận thế. Nhưng hãy lưu ý đến nội dung của sứ điệp mà họ muốn nói đến là thời đại mà chúng ta đang sống là thời cuối cùng của lịch sử nhân loại, rồi đây vũ trụ sẽ bị tàn phá và sụp đổ để nhường cho việc Chúa đến trong quyền năng; và ngày đó có thể đang gần đến. Tuy nhiên, khi nào ngày ấy đến thì đó không phải là việc của chúng ta. Bởi vì, ngày đó là “Ngày của Chúa” và những gì của Chúa thì hãy để cho Chúa định liệu.
Chúng ta thường có quan niệm nhìn ngày tận thế rất tiêu cực. Ngày tận diệt, ngày phá hủy. Ngày khiến con người sống trong lo âu và sợ hãi. Thật là mâu thuẫn, bởi vì chúng ta đều gọi ngày đó là ngày quang lâm; không lẽ trong ngày hiển thắng của Đức Chúa quang lâm lại chỉ bao trùm chết chóc, sợ hãi và huỷ diệt hay sao! Đâu là sứ điệp vui mừng trong bữa tiệc cánh chung, đâu là hình ảnh ngóng đợi chàng rể đến để hợp hoan, đem vui mừng đến cho mọi người.
Quả thật, trong bài diễn từ về ngày cánh chung hôm nay có hàm chứa một biến cố lịch sử đã xẩy ra cho dân tộc Do Thái, đó chính là việc Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và đã bị huỷ diệt thành bình địa. Nhân dựa vào biến cố lịch sử này, các Thánh sử đều muốn nhắm đến sứ điệp là một thời đại đã qua đi để nhường chỗ cho những gì mới sẽ xẩy đến. Giê-ru-sa-lem cũ đã qua đi để nhường chỗ cho một Giê-ru-sa-lem mới. Và cho dù trời đất này phải qua đi thì Trời mới đất mới sẽ xuất hiện. Và một cảnh sống hoà bình sẽ đuợc thành hình như lời loan báo của ngôn sứ I-sa-i-a như sau: “Trong ngày đó, sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò (cái) và gấu (cái) sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.”
Hình ảnh mà ngôn sứ I-saia loan báo quả thật vô cùng đẹp đẽ và an bình. Qua đó, chúng ta tin rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự bình an, của sáng tạo, của sự sống chứ không phải huỷ diệt và sư chết. Có nghĩa là từ khởi thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo muôn loại, và sẽ đưa muôn loài đến cùng đích trong sự viên mãn và thành toàn nơi Người. Bởi thế, trong ngày của Chúa, mọi sự sẽ được đổi mới toàn diện; ngày mà chúng ta thấy rõ dung nhan vinh hiển của Chúa, mà trong hiện tại chúng ta chỉ thấy mờ mờ.
Trạng thái lo âu và sơ hãi không có chỗ đứng trong hành trang của người tín hũu đang ngóng chờ Ngày Quang Lâm vinh hiển của Đức Chúa. Nhưng không vì thế, mà chúng ta lại đi vào thái cực khác là coi thường, thờ ơ rồi sống như không có ngày chung kết, rồi trong hiện tại con người lại tác oai, tác quái muốn làm gì thì làm, thậm chí kể cả các hành vi vô đạo  và bất lương cũng không từ. Trái lại, chúng ta phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của một người quản lý mà Chúa đã giao phó cho việc trông coi và phát triển vũ trụ này trở thành Trời Mới và Đất Mới.
Như vậy, thái độ tích cực nhất của chúng ta là hãy sắp xếp cuộc sống của mình cho phù hợp với các nhiệm vụ đã được giao phó nơi trần thế. Khi thi hành các trách vụ đó, chúng ta không mong tìm được lợi ích cho bản thân mình mà thôi, nhưng quyết tâm chu toàn bổn phận của người quản lý trung tín để phục vụ cộng đồng nhân loại và đổi mới bộ mặt của thế gian. Bởi vì, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc cho dân của Ngài, như lời giáo huấn của Giáo Hội: “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của thế gian đã bị lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi. Nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới, một thế giới mới và ở nơi đó công bằng sẽ ngự trị. Hạnh phúc tại nơi ấy sẽ thỏa mãn và lắp đầy mọi ước vọng của sự an bình luôn trào dâng trong lòng con người... Chúng ta đã được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Tuy nhiên, sự trông chờ đất mới không được làm suy giảm, nhưng trái lại phải kích thích các nỗ lực phát triển trái đất này, đó chính là nơi mà gia đình nhân loại mới đang được tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ tại trần thế với sự bành trướng Vương quyền của Chúa Kitô, nhưng các tiến bộ tại trần thế phải trở nên yếu tố quan trọng đối với Nước Thiên Chúa và tùy theo mức độ gạn lọc để chúng có thể góp phần vào việc xây dựng xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn” (Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 39). 
Ý thức được nhiệm vụ và bổn phận của mình trong dòng lịch sử nhân loại để ngóng chờ ngày mà Đức Kitô ngự đến trong quang lâm, mỗi Kitô hữu mang trong mình niềm tin tưởng vào sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến, qua những sinh hoạt của mình nơi trần thế. Niềm tin này không chỉ được qui chiếu vào những sinh hoạt phụng vụ hay các bổn phận luân lý cần phải chu toàn mà thôi; nhưng chính nó buộc chúng ta phải dấn thân trọn vẹn vào môi trường, tùy theo ơn gọi của mình, để làm cho môi trường mỗi ngày một hoàn hảo hơn. Đó là niềm hy vọng và cũng là ước nguyện của chúng ta.
Cầu xin cho đức tin, đức cậy của chúng ta cùng triển nở với đức ái để chờ ngày cùng được hiển thắng với Đức Giê-su trong ngày vinh thắng. Amen!