Wednesday, 2 January 2019

GIA ĐÌNH TÌM NHAU TRONG CHÚA.



Trong khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, lòng trí tôi nhớ đến sự cố xẩy ra tại các trung tâm thương maị, nhất là vào các dịp như Lễ Giáng Sinh. Người người đổ xô đi mua sắm, ai cũng vội vã tìm cho đuợc những món hàng ‘trong mùa giảm giá’ để làm quà cho người thân và bạn hữu. Bỗng nhiên, từ loa phóng thanh có tiếng thông báo như sau: “Xin mọi người chú ý! Xin mọi người chú ý! Chúng tôi đang tìm một đứa trẻ sáu tuổi bị lạc cách đây khoảng 15 phút. Chú bé ấy tên là Kevin, mặc quần xanh, áo đỏ, tóc quăn, da hơi ngăm đen. Nếu ai tìm thấy cháu, xin vui lòng đem đến văn phòng phục vụ khách hàng, cha mẹ cháu đang mong tin cháu.”

Có nhiều nguyên nhân khiên trẻ em đi lạc. Tình trạng đông đúc khiến người này mất dấu người kia. Bố tưởng con đi với mẹ và ngược lại mẹ nghĩ rằng con đi với bố. Hoặc cha mẹ quá vội vàng trong việc tìm kiếm quà rồi để rơi con mình lại đàng sau; hay đứa trẻ bị hấp dẫn trước một gian hàng đồ chơi nào đó trong trung tâm mua sắm để rồi không còn biết cha mẹ mình đang ở đâu, đến khi bừng tỉnh thì không thấy các ngài đâu nữa. Đó là chưa kể đến tình trạng bắt cóc trẻ em, tuy rất ít, nhưng vẫn có thể xẩy ra trong thế giới mà chúng ta đang sống. 

Còn về giai đoạn thơ ấu của Đức Giê-su thì chúng ta biết rất ít. Hôm nay, Thánh Lu-ca kể lại câu chuyện cuối cùng trong các trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giê-su.

Câu chuyện kể lại việc tuân giữ lề luật của Thánh Giu-se và Đức Mẹ. Hàng năm, các ngài đều lên Giê-ru-sa-lem để tham dự các nghi lễ theo luật dậy. Nhưng lần này thì khác, có Đức Giê-su đi cùng. Người đã đến tuổi khôn, độ tuổi trưởng thành để tham dự các nghi thức tế tự dành cho người lớn, có nghĩa là tuy theo chân cha mẹ tham dự các nghi lễ, nhưng ý nghĩa sâu xa của các nghi lễ thì Người hiểu rõ. Trong khi đó, cha mẹ của Người cũng tham dự, nhưng chưa hẳn các ngài đã thấu hiểu sâu xa điều mà các ngài vẫn trung thành tuân giữ.

Khi mọi nghi lễ kết thúc, cha mẹ Người lên đuờng trở về nhà, trong khi đó Đức Giê-su vẫn còn ở Giê-ru-sa-lem mà các ngài không hề hay biết. Sau khi lạc mất Đức Giê-su, đến ngày thứ ba mới tìm thấy Người. Chi tiết ngày thứ ba mới tìm thấy Người và câu trả lời của Đức Giê-su “Sao cha mẹ lại tìm con?” làm cho chúng ta nhớ lại cũng vào buổi sáng ngày Phục Sinh, các thiên thần bên ngôi mộ trống đã hỏi các bà: “Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết?”

Như vậy ở đây, Thánh Lu-ca muốn trình bầy cho chúng ta thấy rằng sự hiểu biết của Đức Giê-su về sứ mạng của Người còn hơn các bậc kinh sư, quí vị thông thái trong đạo Do Thái nữa.

Thưa anh chị em,

Khi công bố đoạn Tin Mừng này trong lễ Thánh Gia năm nay, Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta một chân lý sâu xa đã hiện diện trong đời sống gia đình Thánh Gia, và đây cũng là điều mà mọi gia đình công giáo nên thực hiện. Đó là mọi thành phần trong gia đình phải xếp việc tìm kiếm và vâng phục ý định của Thiên Chúa lên hàng đầu. Và, đây chính là nền tảng căn bản trong cuộc sống gia đình.

Trước tiên chúng ta nhận ra việc tìm kiếm và vâng phục của Đức Giê-su. Người tùng phục và vâng nghe lời dậy bảo của cha mẹ mình. Nhưng không vì thế, Người lại quên đi bổn phận chu toàn sứ mạng cuả Thiên Chúa. Người đến để thực thi ý định của Thiên Chúa. Và một điều vô cùng đặc biệt đã xẩy ra ở đây cũng như trong suốt hành trình thực hiện sứ vụ là nhờ sự tìm kiếm và vâng phục của Người mà cha mẹ của Người cũng đi vào con đuờng làm trọn Thánh ý của Thiên Chúa.

Nói thì nói như thế, nhưng tiến trình tìm kiếm và vâng phục ý định Thiên Chúa của Thánh Giu-se và Đức Mẹ không phải là việc đã xẩy ra một sớm một chiều. Hối hả, bồn chồn và lo lắng trong khi tìm kiếm, để đến khi tìm thấy đuợc con của mình lại nghe Đức Giê-su giải thích về việc mà Người đang làm là việc trong nhà Cha, hai ông bà cũng chẳng hiểu lời Đức Giê-su vừa nói.

Việc tìm rồi gặp, gặp xong lại mất, mất rồi lại tìm thấy là những gì đuợc lập đi lập lại trong hành trình tìm kiếm của các ngài. Phải chờ cho đến khi ơn cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giê-su thì cha mẹ của Người mới hiểu rõ. Những gì bây giờ chưa được khai sáng thì trong ngày Đức Giê-su hoàn tất ơn cứu độ thì mọi sự sẽ được tỏa sáng và lộ rõ như ban ngày.

Như vậy, suy đi nghĩ lại những gì không hiểu là điều cần thực hành trong đời sống đức tin. Điều này cũng có thể áp dụng và đem lại hiệu quả một cách hữu hiệu trong nếp sống gia đình. Chúng ta thường có khuynh hướng nói mà không suy, cho nên những điều ta nói dễ mất lòng người khác hơn. Suy đi nghĩ lại để khám phá ra ý định của Thiên Chúa cần mình nói gì, làm gì bao giờ cũng là thái độ sống của người biết lắng nghe, biết quan tâm và tìm các giải pháp tốt đẹp cho đời sống chung trong gia đình.

Thưa anh chị em,

Suy gẫm và noi gương đời sống gia đình Thánh Gia qua trình thuật Tin Mừng theo Thánh Lu-ca hôm nay giúp cho chúng ta nhận ra đuợc phương pháp sống sao cho gia đình được hạnh phúc. Cho dù khác nhau về hoàn cảnh địa lý, phong tục, thời gian … Nhưng nếu mọi thành phần trong gia đình của các tín hữu biết đặt trên căn bản của việc tìm kiếm và thực hành ý Thiên Chúa như gia đình Thánh Gia thì chúng ta sẽ dễ dàng tìm đuợc điểm hội tụ, điểm chung để gặp gỡ và giúp nhau hàn gắn những sứt mẻ do bản tính con người tạo nên.

Như Thánh Giu-se, Đức Maria đã lạc mất con thế nào thì trong cuộc sống gia đình, với tất cả khó khăn mà các gia đình phải đối diện luôn là tiếng còi báo động cho các thành phần trong gia đình có thể lạc mất nhau. Trong hoàn cảnh đó, mọi phần tử trong gia đình phải nỗ lực tìm kiếm; noi gương và theo sát chân các Đấng trong gia đình Thánh gia để tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm này không phải là việc làm dễ dàng. Nhiều khi, nó kéo dài cả một đời người. Cần có sự quyết tâm và kiên trì trong việc tìm kiếm Chúa và tìm kiếm nhau trong Chúa. Và, chỉ có Đức Giê-su mới làm cho gia đình hiệp nhất và bình an khi chúng ta trao gửi lòng mến và tình thương cho nhau.

Vì thế, hãy ý thức rằng trước khi chúng ta thuộc về nhau thì mỗi cá nhân trong gia đình thuộc về Chúa trước. Do vậy, dù cha mẹ có thương con đến mức độ nào thì các ngài cũng không đuợc phép áp đặt, cuỡng ép và bắt các con phải làm theo ý mình. Thay vì lạc mất con như Đức Mẹ và Thánh Giu-se, đôi khi cha mẹ cũng cần đánh mất ý riêng của cha mẹ mà khám phá ra ý muốn ngay lành của từng người con trong gia đình để hỗ trợ và hướng dẫn chúng theo ý Chúa. Bởi vì, mỗi một người con là một bầu trời mà Chúa gửi đến cho các bậc làm cha làm mẹ khám phá những nét kỳ diệu của Thiên Chúa nơi các con.

Nói như thế thì gia đình là cái nôi, là môi trường vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho con cái vào đời. Trong tinh thần đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi cho các gia đình, Ngài đã ghi lại: "Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái trong gia đình." Như vậy, thật là chí lý khi chúng ta xác quyết rằng gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy chúng ta những bài học căn bản của kiếp người; dậy chúng ta biết yêu thương, phục vụ, biết từ bỏ và quên mình.

Chúng ta có thể cho rằng gia đình Thánh gia Nagiarét được diễm phúc hơn mọi gia đình khác, vì có Đức Giêsu hiện diện giữa các ngài. Nhưng nếu xét cho cùng thì các Ngài cũng không có đặc quyền, đặc lợi hơn chúng ta. Các Ngài cũng cần tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa; và các Ngài cũng cần phải có đức tin sâu xa và vững mạnh lắm mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.

Như vậy, muốn gia đình mình được gọi là gia đình Thánh thì mọi thành phần trong gia đình cần học để vâng phục ý định của Thiên Chúa qua việc chuyên cần suy niệm Lời Ngài. Đúng như lời chúc phúc của Thánh Phao-lô “Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong anh em” để các thành phần trong gia đình của anh chị em sẽ là đền thờ Chúa ngự và cùng giúp nhau tìm kiếm và sống theo ý Chúa. Amen!

No comments:

Post a Comment